Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019

18204 - Chaplin’s World, thế giới nghệ thuật và riêng tư của anh hề Charlot




Dựng lại trong xưởng phim cảnh quay Charlot trong bộ phim The Great Dictator (1940). Nguồn : Chaplin's World™ © Bubbles Incorporated
Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Charlie Chaplin, người dựng nên huyền thoại « anh hề Charlot », RFI mời quý thính giả cùng bước vào thế giới nghệ thuật và riêng tư thuộc về Charles Spencer Chaplin. Với một phim trường thu nhỏ và ngôi nhà mà Chaphin đã sống 25 năm cuối đời, Chaplin’s World tại Vevey, Thụy Sĩ là một trong những bảo tàng độc đáo nhất của làng điện ảnh thế giới.
Biệt thự Manoir de Ban nằm trên một ngọn đồi nhìn xuống hồ Leman của Thụy Sĩ, chung quanh là những ruộng nho của ngôi làng Corsier sur Vevey, xa xa là dẫy núi Alples… Tòa nhà được kiến trúc sư nổi tiếng Philippe Fanel ở vào thế kỷ XIX xây dựng, ngự tọa trên một khu vườn bốn hecta với nhiều cây cao bóng cả. Đây là « mái nhà hạnh phúc » trong 25 năm cuối đời của người nghệ sĩ có dòng máu du mục tự nhận mình là « công dân của thế giới » trước thời đại.
Charles Spencer Chaplin (1889-1977) sinh ra trong cảnh bần cùng trên vương quốc Anh, từ hai bàn tay trắng dựng nên cơ đồ trên đất Mỹ, đúng theo nghĩa của « giấc mơ Hoa Kỳ - American Dream », nhưng rồi cũng nước Mỹ đã chụp mũ Chaplin là cộng sản, là mầm mống của những tư tưởng đồi trụy.
Giã từ phim trường Hollywood
1952 Hoa Kỳ trong cuộc « săn lùng phù thủy » nhắm vào các đối tượng bị tình nghi là thân cộng sản do thượng nghị sĩ McCarthy khởi động đã thu hồi giấy phép cư trú của nghệ sĩ Charplin. Lệnh cấm được ban hành trong lúc ông cùng vợ, con trên đường sang châu Âu, chuẩn bị cho buổi ra mắt công chúng đầu tiên tác phẩm Limelight – Ánh đèn màu tại Luân Đôn. Và thế là Charles Spencer Chaplin vĩnh viễn chọn Thụy Sĩ là nhà.
Nay là một nhà triệu phú, ông cùng với người vợ trẻ Oona và 5 người con về ở hẳn khu biệt thự Manoir de Ban. Chaplin để lại sau lưng gần 40 năm sự nghiệp trên đất Mỹ, nơi ông đã thực hiện những tác phẩm để đời từ The Kid (1921) đến The Gold Rush (1925) từ Modern Times (1936) đến The Great Dictator (1940) và bộ phim sau cùng thực hiện tại Los Angeles, Limelight (1952)
Thế giới của anh hề Charlot
Quần thể Charplin’s World gồm ba phần : Xưởng phim, ngôi biệt thự và khu vườn với cây cao bóng cả. Xưởng phim thu nhỏ Le Studio mở ra thế giới nghệ thuật của Charlie Chaplin. Điểm khởi đầu là một đoạn phim ngắn về cuộc đời và sự nghiệp một nhà làm phim lớn của thế kỷ 20.
Nghệ Thuật Thứ Bảy ở đây có phép nhiệm màu đưa khán giả ngược dòng thời gian, thả bước trên con đường Easy Street của thủ đô Luân Đôn như trong tác phẩm cùng tên ông cho ra mắt công chúng năm 1917. Cũng trên con đường này có một viên cảnh sát, có thằng bé tên John bạn diễn nhỏ tuổi của Charplin trong bộ phim dài đầu tiên ông thực hiện năm 1921 : The Kid. Con đường tăm tối, bẩn thỉu với những căn hộ tồi tàn, nhếc nhác ấy gợi lại bầu trời tuổi thơ của Charles Spencer Chaplin. Cũng chính trong không gian này, khách tham quan được mời ngồi vào chiếc ghế mà anh thợ cạo Do Thái năm nào từng cạo râu cho thân chủ trên nền bản Vũ điệu Hungary của Brahms trong The Great Dictator năm 1940. Cũng trong xưởng phim thu nhỏ này đã được dựng lại cỗ máy trong Modern Times (năm 1936) hay căn chòi trên mỏm núi như sắp rơi xuống vực trong The Gold Rush. Cũng tại không gian này, bảo tàng Chaplin's World hé lộ với người hâm mộ cung cách làm việc rất công phu và tỉ mỉ của Chaplin để lấy được nụ cười của khán giá, bất luận màu da hay tuổi tác.


Đường Easy Street nghèo nàn tại Luân Đôn, thế giới tuổi thơ của Charlie Chaplin.
Đường Easy Street nghèo nàn tại Luân Đôn, thế giới tuổi thơ của Charlie Chaplin. Thanh Hà/ RFI
Le Studio mở ra với con đường u tối Easy Street và khép lại với đại lộ Hollywood Boulevard. Ở cuối con đường là một màn ảnh lớn, với hình ảnh anh hề Charlot một thân một mình ra đi, như thể lại sắp đưa khán giả vào một cuộc phiêu lưu mới. Hình ảnh này khép lại cánh cửa xưởng phim trên 3.500m2 dành để nói về sự nghiệp và mối tình hơn 60 năm Charles Spencer Chaplin dành cho Nghệ Thuật Thứ Bảy.
Góc vườn riêng tư
Michael Chaplin, trưởng nam của Charles Spencer Chaplin và Oona, đưa chúng ta bước vào biệt thự Manoire de Ban, nơi ba người con út của ông chào đời.
Phòng ăn là nơi thể hiện rõ nhất bản chất con người ở bên ngoài sân khấu của Charlie Chaplin. Điều thú vị đối với Michael là được trông thấy Charlot một kẻ vô gia cư, sống trong cảnh màn trời chiếu đất, có được một mái nhà, có tổ ấm và hơn thế nữa có cả một bảo tàng dành cho anh hề Charlot. Pho tượng sáp của Chaplin mang dấu ấn của bảo tàng Grevin ngay cửa vào trong tư thế thân mật như sắp đón một người bạn lâu năm.
Qua hơn 20.000 trang tài liệu, gồm hình ảnh, sách báo, tượng sáp và nhiều đoạn phim tài liệu... khách tham quan làm quen với Chaplin, với thời đại của ông, với cuộc sống nội tâm của một người cống hiến cả cuộc đời để xưng tụng hòa bình và tình yêu của nhân loại... Charlie Chaplin là mối tâm giao của những vĩ nhân trên địa cầu, từ thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đến nhà bác học Albert Einstein, từ ngôi sao màn bạc người Ý, Sophia Loren đến đạo diễn Orson Wells.
Mặt trái của thành công rực rỡ đó là những phê phán rất khắt khe của xã hội Mỹ bảo thủ và có rất nhiều điều cấm kỵ. Ngay cả một số tác phẩm được xem là kinh điển nhất của ông cũng bị khán giả thờ ơ.


Đôi giày há mõn, chiếc batoong và cái mũ phớt : những "người bạn" trung thành của ảnh hề Charlot
Đôi giày há mõn, chiếc batoong và cái mũ phớt : những "người bạn" trung thành của ảnh hề Charlot Thanh Hà/ RFI
Tư tưởng tả khuynh của ông khiến Chaplin, ngay từ năm 1922 trở thành đối tượng cần được Cảnh Sát Liên Bang FBI theo dõi. Thêm vào đó, những cuộc tình éo le những cuộc hôn nhân đổ vỡ cũng là đề tài để truyền thông khai thác, để an ninh Hoa Kỳ theo dõi ông, bắt bí ông ... Nhưng với những người con của Charlot, ngôi nhà ở Vevey là ốc đảo bình yên, là những tháng ngày hạnh phúc.
Michael Chaplin giới thiệu về chiếc đàn piano ngự tọa trong phòng khách. Đây là chiếc dương cầm Chaplin dùng để sáng tác, bởi cha đẻ của Charlot không chỉ là một nhà làm phim mà còn là người soạn nhạc cho hầu hết mỗi tác phẩm của mình.
Riêng với Géraldine, con gái lớn của Charlie Chaplin, bà hóm hỉnh nhận xét : những pho tượng sáp trong ngôi nhà này rất giống người thật và hài lòng vì tượng không thể rầy la con cái. Chaplin là một người cha khá nghiêm khắc, dậy dỗ và nuôi dưỡng chúng theo phong cách trưởng giả của người Anh. Géraldine kết luận : Chaplin tạo cho con cái mái ấm gia đình mà ông đã không bao giờ có được khi tuổi còn thơ.
Ân oán với lễ Giáng Sinh
Về thăm lại ngôi nhà của tuổi thơ vài tháng sau khi bảo tàng Chaplin 's World khánh thành, bà Géraldine Chaplin đã xúc động hồi tưởng lại : Cây thông xanh được dựng lên đúng ngay tại vị trí như thời Chaplin còn sinh thời, có phần lộng lẫy hơn cây thông truyền thống của gia đình Charlot xưa kia. Đêm Noel, trẻ nhỏ luôn phải đi ngủ sớm. Sáu giờ sáng hôm sau chúng khua cả nhà dậy để mở quà. Con trẻ háo hức bao nhiêu, thì ông hề già Charlot càng thờ ơ với lễ Giáng Sinh bấy nhiêu. Géraldine giải thích : thân phụ bà ghét cay ghét đắng ngày Noel có lẽ vì tuổi thơ cơ cực của một đứa trẻ không nhà. Ông thường nhăn nhó nói : ngày xưa, năm nào may mắn lắm thì mới được một quả quýt làm quà.
Không hiểu có vì muốn tính sổ với Tạo Hóa hay không, mà Charles Spencer Chaplin đã chọn đúng ngày lễ Giáng Sinh 25 tháng 12 để từ giã cuộc đời. Chaplin mất đúng vào ngày Noel năm 1977, thọ 88 tuổi.
Về phần nước Mỹ, đúng 20 năm sau khi cấm cửa ông, năm 1972 thế giới điện ảnh, đã trao tặng giải Oscar đặc biệt vinh danh toàn bộ sự nghiệp Charlie Chaplin. Trong đêm lễ trao giải, cử tọa trăm người như một, đã đứng lên và dành cho ông tràng pháo tay 12 phút. Đến nay, đây vẫn là tràng pháo tay dài nhất trong lịch sử Hollywood, như một lời tạ tội muộn màng dành tặng một trong những người có công nhất đưa điện ảnh Hoa Kỳ lên đến đỉnh cao.


Khu vườn bao quanh biệt thự Manoir de Ban và bảo tàng Chaplin's world.
Khu vườn bao quanh biệt thự Manoir de Ban và bảo tàng Chaplin's world. Nguồn : Chaplin's World™ © Bubbles Incorporated

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét