Sau 12 năm kêu oan, mẹ và em gái Hồ Duy Hải vui mừng nhưng còn lo sợ trước kháng nghị của Viện KSND Tối cao.
Ngày 30/11/2019, mẹ Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị Loan, quýnh quáng khi nhận được thư từ bưu điện do Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao gửi, báo tin vụ án được kháng nghị xóa đi làm lại từ đầu.
Đó là văn bản Viện KSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân (TAND) tối cao xét xử thủ tục giám đốc thẩm, huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao TP. HCM đối với Hồ Duy Hải để điều tra lại.
Nói với BBC News Tiếng Việt hôm 3/12, bà Loan nói "bà đã chờ đợi quyết định này 12 năm rồi'.
'Tết này Hồ Duy Hải phải trở về nhà'
"Tôi vui mừng lắm, 12 năm qua tôi chỉ mong có ngày sẽ nhận được kháng nghị này thôi. Một mình tôi kêu oan cho Hồ Duy Hải con tôi thì sẽ không có kết quả như thế này. Tôi muốn gửi lời cám ơn tới rất nhiều người trong và ngoài nước, các đại sứ quán, các tổ chức trên toàn thế giới đã góp tiếng nói để đòi tự do, công lý cho Hồ Duy Hải," bà Nguyễn Thị Loan nói với BBC bằng giọng nghẹn ngào.
"Tết này nhất định Hồ Duy Hải phải trở về nhà. Chừng nào Hải chưa về thì tôi còn đau lắm."
"Tại sao con tôi phải ngồi trong bóng tối lao tù 12 năm nay? Uẩn khúc lớn nhất chỉ là việc Hải đã trở thành một vật thế thân cho một hung thủ có thế lực vô cùng lớn."
Bà Loan cũng cho biết ngay sau khi nhận được văn bản của Viện KSND tối cao, gia đình bà đã tới trại giam Hồ Duy Hải ở tỉnh Long An để xin cho Hải được tại ngoại, nhưng "chỉ gặp trực ban". Người này cho hay sẽ chuyển đơn của gia đình và hẹn giải quyết "trong thời gian sớm nhất".
'Còn lo sợ'
"Vui thì vui lắm nhưng lo thì cũng lo," Thu Thủy, em gái của Hồ Duy Hải, cho BBC News Tiếng Việt biết hôm 3/12.
Thủy nói rằng "Do tỉnh Long An làm sai, mà anh Hải đang ở trại gia của tỉnh Long An, nên gia đình rất sợ sẽ có chuyện gì xảy ra với anh Hải trong thời gian này."
"Khi vụ án mới xảy ra, ban đầu họ mời anh Hải lên vì tội khác nhưng lại buộc anh ấy vào tội khác.... Uẩn khúc cho vụ việc này là họ không cho đưa ra các chứng cứ ngoại phạm có lợi cho anh Hải, họ nói là những chứng cớ đó "không quan trọng", mà chỉ đưa ra các chứng cứ bất lợi cho anh."
"Không những dư luận và gia đình đều nói Hải là vật thế thân cho hung thử thực sự - người có một thế lực rất mạnh. Họ cố tình muốn thi hành án càng sớm càng tốt..."
"Mong muốn của gia đình tôi bây giờ là tỉnh Long An xét duyệt cho anh Hồ Duy Hải được tại ngoại càng sớm càng tốt. Ngày nào anh Hải còn ở trong tay họ thì gia đình chưa yên tâm.'' Thuy Thủy nói.
Bà Loan, mẹ Hải cũng nói với BBC rằng nếu tòa án Long An làm sai thì sửa sai. Bà không đòi hỏi phải bồi thường gì. Chỉ mong Hải trở về nguyên vẹn, minh mẫn, "như khi mới bị bắt".
Thay đổi vận mệnh cả một gia đình
Theo lời kể của bà Loan, từ 12 năm qua, "từ một bà mẹ thôn quê hiền lành chất phác", bà đã trở thành một người đàn bà "dữ dằn", "lúc nào cũng đi tới đi lui", "bỏ bà mẹ già hơn 90 tuổi ở nhà" đề đi kêu gào công lý cho Hải.
"Mỗi tháng một lần, cứ gom góp đủ tiền là tôi ra Hà Nội. Ai thấy một bà mẹ cầm micoro kêu gào trước cổng Phủ Thủ tướng thì chính là tôi. Ngày xưa người ta đánh trống kêu oan thì nay tôi chỉ biết kêu, gào thật to "trả tự do cho Hồ Duy Hải con tôi", "Hồ Duy Hải vô tội"...
''Tôi cứ làm như vậy suốt từ năm 2008 nhưng nào có ai biết, vì lúc đó mạng xã hội còn chưa phát triển như bây giờ."
"Tôi không lo tiền bạc. Đất đai nhà cửa bán đi cũng không sao. Chỉ cần Hồ Duy Hải trở về."
"Đến năm 2014 thì mạng xã hội bắt đầu mạnh. Nhiều người bắt đầu lên tiếng nói giúp gia đình tôi trên mạng, lúc đó những lần đi kêu oan của tôi mới được biết đến."
Bà Loan cho hay phải sáu tháng sau khi Hồ Duy Hải bị giam, gia đình bà mới được vào thăm lần đầu.
"Bây giờ vào thăm thì thường có 10 cán bộ canh chúng tôi. Nhưng trước đây thì có tới mấy chục. Chúng tôi không được nói gì khác ngoài thăm hỏi sức khỏe thông thường."
Hỏi bà Loan về đời sống trong tù của Hải, bà nói bà "chưa từng được biết" vì Hải không được nói điều gì liên quan đến án tù hoặc những thứ liên quan.
"Trước mỗi cuộc thăm gặp, gia đình tôi và Hải đều phải ký vào bản cam kết không nói gì đến vụ án. Họ đe dọa nếu nói ra sẽ Hải sẽ không được gặp người thân nữa. Họ cũng đe dọa, không cho chúng tôi làm đơn kháng cáo."
"Lần mới đây nhất gia đình vào thăm, thấy Hải già đi nhiều lắm. Lúc mới bị bắt Hải mới 23 tuổi, năm nay đã 35 rồi. Bây giờ mới cắt tóc ngắn thì khó thấy, chứ trước tóc dài hơn thì thấy bạc trắng," bà Loan kể.
Hỏi về thông tin trước đây Hồ Duy Hải từng gửi đơn tới Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết xin giảm án do "sau khi giết người thấy hối hận", và "gia đình có người có công với cách mạng", v.v..., bà Loan nói bà chưa từng nhìn thấy hay được biết con bà từng ký vào một tờ đơn nào như vậy.
"Nhưng nếu có thì chắc chắn con tôi đã bị ép ký. Mới đây, nhiều báo chí đã thu thập được thông tin và đăng tải rộng rãi rằng trong số 9 bút lục thì tòa đã bỏ qua một bên 6 bút lục có lợi cho Hồ Duy Hải, chỉ tính đến 3 bút lục bất lợi cho Hồ Duy Hải..."
"Con nằm nghe những hạt mưa ướt lạnh. Con buồn lắm. Con nhớ ngoại, nhớ mẹ nhiều lắm...", Đây là những dòng Hải viết trên một hộp giấy cà phê, con gái tôi đọc được thì nói lại cho tôi nghe..." bà Loan nghẹn ngào kể lại.
Trong khi đó, Thu Thủy, em gái của Hồ Duy Hải, nói với BBC Tiếng Việt rằng khi "khi anh Hai bị bắt, tôi còn nhỏ, mới 16 tuổi".
Cô nói mình đã rất sững sờ, buồn và không tin là anh Hai có thể phạm tội giết người.
Rồi suốt những năm tháng tuổi mới lớn, Thủy chứng kiến cảnh mẹ đi kêu gào công lý cho anh và tiếp xúc với các luật sư. Thủy thậm chí đã định nghỉ học để cùng mẹ đi minh oan cho anh. Nhưng nhiều người động viên cô đi học tiếp.
Khi trưởng thành, đi làm, thu nhập được bao nhiêu Thủy cũng vẫn tiếp tục hỗ trợ mẹ trên con đường đi tìm công lý.
Thủy năm nay 28 tuổi, đúc kết quãng đường 12 năm qua bằng câu "Nước Việt Nam mình không có công lý."
Bản án 12 năm 'nhiều sai sót'?
Truyền thông nhà nước Việt Nam tuần qua liên tiếp đưa thông tin về vụ án Hồ Duy Hải đã kéo dài suốt 12 năm qua, và rằng quá trình tố tụng "có nhiều sai sót", với "hàng loạt mâu thuẫn không được làm rõ".
Các tình tiết đáng lưu ý mới được công bố là dấu vết máu vân tay tại hiện trường không trùng với vân tay của Hồ Duy Hải, và các hung khí dùng để giết người như cái thớt, con dao, thực chất là đồ mới mua để bổ sung vào hồ sơ vụ án.
Vụ án bắt đầu năm 2008, khi người ta phát hiện hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An bị sát hại tại nơi làm việc.
Hồ Duy Hải, sinh năm 1985, người lúc đó được xác định là đang nợ tiền cá độ hơn 15 triệu đồng, được xác định là thủ phạm "giết người cướp của", và bị tuyên tử hình.
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hải, sau đó đã đi kêu oan cho con ròng rã 12 năm.
Tháng 12/2014, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã ra lệnh hoãn thi hành án, đúng một ngày trước khi Hồ Duy Hải bị thi hành án.
Năm 2015, Ủy ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam tuyên bố việc xét xử Hồ Duy Hải đã diễn ra không đúng các trình tự pháp luật, thiếu bằng chứng, và kêu gọi điều tra lại.
Tháng 5/2018, một kiến nghị với 25.000 chứ ký cũng đã được gửi tới cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang kêu oan cho tử tù Hồ Duy Hải.
Tháng 11/2019, Tổ chức Ân Xá Na Uy hồi đã gửi thư với chữ ký của hơn 25.000 người đến Tổng Bí Thư - Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng kêu gọi huỷ bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
*Đón đọc giải thích của LS Trần Hồng Phong, người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải, về những yếu tố pháp lý trong vụ án này, qua cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét