Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

17780 -‘ Thìa đất’ và một Việt Nam… ‘được’ quá!

Tuần trước, báo điện tử VnExpress dịch và giới thiệu một bài viết trên Reuters về tầng lớp “thìa đất” ở Nam Hàn. Theo Reuters, “thìa đất” là cách dân Nam Hàn dùng để chỉ những cá nhân mà cha mẹ nghèo hèn khác với “thìa vàng” sinh ra trong những gia đình giàu có, sang trọng.
Ngoài việc mô tả tầng lớp “thìa đất” gian khổ thế nào trong mưu sinh, chật vật ra sao khi kiếm tìm hạnh phúc, bài viết vừa kể còn đề cập đến sự bất bình sâu sắc của giới “thìa đất” đối với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện tại ở Nam Hàn. Càng ngày, họ càng thất vọng với ông Moon Jae-in, người mà họ tin là sẽ đem lại sự công bằng trong xã hội nên đã bỏ phiếu chọn ông làm Tổng thống Nam Hàn. Tuy nhiên hai năm đã qua, chênh lệch về thu nhập giữa những người giàu nhất với những người nghèo nhất không những không được thu hẹp mà còn tăng 0,6 lần (từ 4,9 lần thành 5,5 lần).
Đó cũng là lý do sau khi những bê bối liên quan đến ông Cho Kuk (Bộ trưởng Tư pháp Nam Hàn) được phơi bày, gần đây, thanh niên Nam Hàn lũ lượt đổ ra đường, biểu tình phản đối chính phủ. Ông Cho vốn thuộc tầng lớp “thìa vàng” nhưng trước nay vẫn vận động cho việc xây dựng một xã hội công bằng hơn tại Nam Hàn nên được ông Moon chọn làm Bộ trưởng Tư pháp. Đầu tháng 10, báo giới cáo giác Cho đưa con gài vào trường y một cách bất minh. Vợ có nhiều biểu hiện đáng ngờ trong việc góp vốn vào một quỹ đầu tư, quỹ này rót tiền vào một công ty nhận được nhiều hợp đồng từ chính phủ.
Giữa tháng 10, ngoài việc phủ nhận các cáo buộc, ra lệnh cho các Công tố viên tiến hành điều tra mình và gia đình của mình một cách công minh, nghiêm ngặt, cam kết không can thiệp, Cho Kuk tuyên bố từ chức vì không muốn làm mất uy tín, khiến dân chúng nghi ngại, bất lợi đối với Tổng thống và chính phủ (2). Song kết quả khảo sát cho thấy, tỉ lệ ủng hộ ông Moon của cử tri trẻ (từ 19 tuổi đến 29 tuổi) đã tụt từ 90% xuống còn 44%. Một số cử tri trẻ giải thích với Reuters rằng họ cảm thấy bị ông Moon – người từng hứa hẹn về việc sẽ xây dựng một xã hội công bằng, thượng tôn công lý – lừa gạt!
Nếu cử tri trẻ nói riêng và những người nghèo khổ nói chung tiếp tục nhận định như Kim Kim Jong-min, thủ lĩnh nhóm Youth Taeil, chuyên hỗ trợ thanh niên thuộc tầng lớp “thìa đất”: Tổng thống Moon và đảng cầm quyền – những người tự nhận là tiên phong trong cải cách song cuối cùng, họ vẫn chỉ là những chính trị gia già cỗi, không biết lắng nghe nỗi thống khổ của tầng lớp thu nhập thấp – sự nghiệp chính trị của ông Moon sẽ kết thúc vào cuối nhiệm kỳ này và đảng Dân chủ ở Nam Hàn sẽ không còn cơ hội giữ vững vai trò đảng cầm quyền ở Nam Hàn.
So tình cảnh tầng lớp “thìa đất” ở Nam Hàn với tình trạng của tầng lớp tương tự tại Việt Nam, ai cũng có thể thấy, tình cảnh “thìa đất” của Việt Nam thê thảm và tuyệt vọng hơn nhiều. Thế nhưng đó chưa phải là khác biệt có tính… căn cốt. Trong hai năm (2017 – 2019), chênh lệch giàu nghèo ở Nam Hàn chỉ tăng từ 4,9 lần thành 5,5 lần, tầng lớp “thìa đất” ở Nam Hàn đã cảm thấy họ bị phản bội, trong khi tại Việt Nam, theo một thống kê được công bố hồi năm ngoái, chênh lệch thu nhập giữa nhóm 20% dân số giàu nhất và nhóm 20% dân số nghèo nhất là… mười lần (3).
Một khác biệt khác cũng có tính… căn cốt là tầng lớp “thìa đất” của Nam Hàn có quyền bày tỏ sự bất bình của họ và dù muốn hay không cả chính phủ lẫn đảng cầm quyền vừa phải lắng nghe, vừa phải liên tục tự điều chỉnh. Thiếu tôn trọng công chúng, cho dù đó chỉ là “ý chí, nguyện vọng” của tầng lớp “thìa đất”, sẽ đồng nghĩa với việc bị công chúng dùng lá phiếu, đẩy những cá nhân hữu trách và đảng cầm quyền vào lề. Không phải tự nhiên Cho Kuk tuyên bố từ chức và dù chưa thể xác định Cho có phạm pháp hay không, Tổng thống Nam Hàn vẫn xin lỗi toàn dân.
Cũng tuần trước, tờ Tuổi Trẻ tường thuật, khi trò chuyện với báo giới bên lề cuộc giao lưu trực tuyến về chủ đề “Văn hóa công sở - Thực trạng và giải pháp” do báo điện tử Đảng Cộng sản tổ chức hôm 27 tháng 11, ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng của Bộ Nội vụ - cơ quan đảm trách về tổ chức bộ máy công quyền, sắp đặt (bổ nhiệm, điều động,…) công chức,… của chính phủ Việt Nam - trần tình: Sở dĩ nhiều viên chức trong hệ thống công quyền phạm lỗi hay không đủ năng lực đảm nhiệm công việc nhưng kiên quyết không chịu từ chức vì gia đình, dòng họ nhìn việc từ chức quá nặng nề (4).
Cho dù đội ngũ công chức Việt Nam hết sức bệ rạc, tệ hại, dẫu Thủ tướng Việt Nam đã ban hành “Kế hoạch tổ chức phong trào cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở trong giai đoạn từ 2019 đến 2025”, trong “kế hoạch” ấy, “từ chức” được xem như một “dấu son” của “văn hóa công sở” nhưng ông Cường thú thật là không biết… thực thi thế nào! Nói cách khác, bất kể từ chức được xem như một giải pháp nhằm chấn chỉnh đội ngũ viên chức, công chức nhưng ông Cường không tin vào tính khả thi, ông đòi “phải có thời gian” để “xã hội thay đổi nhận thức”!
So với Nam Hàn, rõ ràng Việt Nam… “được” hơn. Tuy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không ngừng thề sẽ “sống, làm việc theo hiến pháp, pháp luật” nhưng việc xử lý viên chức, công chức phạm lỗi, kém cỏi nằm ngoài phạm vi của hệ thống tài phán tư pháp, chính phủ khuyến khích… tự xử mà đề cao… từ chức, nâng từ chức thành… văn hóa. Tự xử lại phụ thuộc vào… gia đình, dòng họ có thấy… nặng nề hay không? Bởi gia đình, dòng họ chưa nhận thức “từ chức” là “văn hóa công sở” thành ra công chúng vẫn phải nuôi các viên chức phạm lỗi, yếu kém!
Việt Nam vẫn… “được” hơn Nam Hàn và nhiều quốc gia khác vì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền “của dân, do dân, vì dân” không chấp nhận chỉ trích. Sách nhiễu, tống giam, phạt tù những cá nhân dám phản kháng bất toàn, sai trái, dám đòi bỏ “quy hoạch nhân sự”, phải để dân chúng dùng lá phiếu “cử xứng, bầu đúng” với ý chí, nguyện vọng của họ,… để răn đe tầng lớp “thìa đất”đã tạo ra cái… “được” ấy! Đáng ngạc nhiên là chỉ một số rất ít “được, được nữa, được mãi” nhưng vẫn còn rất nhiều “thìa đất”chấp nhận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét