Tòa án Nhân dân huyện Cao Phong, Hòa Bình.
Truyền thông trong nước vào ngày 30/11/2019 đồng loạt dẫn nguồn tin từ Công an tỉnh Hòa Bình về việc tiến hành bắt khẩn cấp ông Nguyễn Quang Huy, 46 tuổi là người có lệnh truy nã cách đây 26 năm về tội “phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”. Trước khi bị bắt, ông này giữ chức Chánh Văn phòng tòa án nhân dân huyện Cao Phong.
Những điều không thể nhưng tồn tại
Theo hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra tỉnh Hòa Bình thì ông Huy cùng với 4 người khác có hành vi phá hoại một công trình trong hệ thống thủy điện Hòa Bình và đây được xem là công trình an ninh quốc gia. Sau khi bị phanh phui, 4 người đã bị xét xử và lãnh án tù; còn ông Huy bị truy nã.
Tuy nhiên, ông Huy vẫn sinh sống tại chính khu vực ông từng phạm tội và thậm chí còn vào làm việc trong cơ quan công quyền nhà nước về pháp luật, được bổ nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng TAND huyện Cao Phong và ông đã hoàn thành lớp thẩm phán và đang chờ đợi xem xét bổ nhiệm. Sự việc bị phanh phui khi cơ quan công an xác minh lý lịch người thân của ông.
Dư luận xã hội xôn xao đặt câu hỏi vì sao ngành Tư pháp Việt Nam và đặt biệt là ngành tòa án nắm rõ về pháp luật, cũng như quy trình kiểm duyệt khắt khe lý lịch trước khi vào làm trong các cơ quan công quyền nhưng hàng chục năm qua vẫn không thể phát hiện vụ ông Huy?
Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo người từng làm Hội thẩm Nhân dân thành phố Nha trang nhiều năm có nhận định rằng, ông không quá bất ngờ với điều đó. Theo ông Võ Văn Tạo thì nhiều người bị truy nã chạy trốn đến khu vực vùng sâu vùng xa thay đổi họ hay khai mất giấy tờ để làm lại là điều không khó:
“Chuyện người ta khai mất cái này cái kia dễ lắm, mất chứng minh thư, mất hộ khẩu…ở những vùng xa xôi như thế thì thật ra công an hay hệ thống chính quyền cấp thấp họ cũng dễ dãi và thậm chí chỉ cần bữa nhậu là cũng xong hay tí tiền bôi trơn là qua hết. Nên đối với trường hợp ông tòa án kia là điều có thể xảy ra. Điều này nó có thể xảy ra ở bất cứ người nào chứ không phải chỉ riêng ngành tòa án. Tòa án đó cũng chỉ là tòa cấp nhỏ chứ không phải cao và khu vực địa bàn ở vùng núi hẻo lánh chứ không phải ở đô thị lớn nên những tòa án ở nơi đó việc tìm kiếm nhân sự nó cũng không phải là điều dễ dàng và mình có thể hiểu hoàn cảnh như thế.”
Luật sư Đặng Hùng Dũng từ Sài Gòn, từng công tác tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố HCM nhận định rằng, ông và nhiều người bàng hoàng về thông tin liên quan ộng Nguyễn Quang Huy.
“…về thi hành án tại VN đặc biệt là về vấn đề hình sự như vậy thì họ làm rất là chặt chẻ mà để xảy ra tình huống như vậy là điều cực kỳ hiếm. Tôi làm luật sư khi mà để xảy ra tình trạng này thì không hiểu cơ quan pháp lý làm như thế nào nhưng dù sao nó cũng là tỉnh vùng cao vùng xa, nhưng dù là vùng nào đi nữa mà đã xảy ra mà họ tìm cách khắc phục thì những điều này đối với những người trong lĩnh vực ngành nghề của tôi thì khó lòng nào có thể tìm hiểu cặn kẻ được hơn.”
Luật sư Dũng còn cho hay, tại Việt Nam thì có nhiều chuyện không thể tưởng tượng được là có thể xảy ra nhưng đã xảy ra tại Việt Nam, nhiều điều kỳ lạ nhưng người ta đã dám đưa ra công luận và khắc phục chuyện đó thì như vậy thì nhìn về hướng tích cực hơn có thể thấy các cơ quan chức năng đã nhận thấy sai trong lỗ hổng pháp lý và cần phải xử lý.
Đùn đẩy trách nhiệm
Vào ngày 2/12/2019, ông Nguyễn Thanh Tùng trưởng phòng tổ chức cán bộ, thanh tra và thi đua khen thưởng Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình trả lời với báo giới trong nước rằng; ông Nguyễn Quang Huy được tuyển dụng vào công chức ngành tòa án từ năm 2000. Năm 2003, toàn bộ hồ sơ gốc của cán bộ công chức thuộc diện Sở Tư pháp quản lý tách sang công tác ở tòa án được chuyển sang cho tòa án quản lý. Khi tiếp nhận hồ sơ ông Huy không có thông tin nào liên quan việc bị truy nã và đã tin tưởng vào hồ sơ gốc.
Ngoài ra, ông Tùng nói thêm"Năm 1999, ông Huy được kết nạp Đảng, lúc đó là UBND xã Thái Bình, Đảng ủy xã Thái Bình xét kết nạp. Chúng tôi không tiếp cận hồ sơ Đảng của ông Nguyễn Quang Huy. Vì hồ sơ Đảng quản lý theo cấp đảng, còn chúng tôi là cơ quan quản lý nhà nước" (trích từ Tuổi trẻ đăng ngày 2/12/2019)
Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay thì ít có cơ quan nào dám nhận trách nhiệm về sự việc đối với những vụ việc ở mức độ nghiêm trọng như thế nên cánh mà họ (chính quyền –pv) thường làm nhất là đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
“Tôi thì cũng không quá bất ngờ đâu vì tôi biết cách tổ chức nhân sự tại VN nó có vấn đề. Chặt chẻ thì rất là chặt chẻ nhưng thưa thì cũng thưa hơn ai hết nên mới để bị lọt ra người có lệnh truy nã mà lại làm chức vụ cao đến như vậy. Đối với chức vụ lên tới chánh văn phòng tòa án thì người bắt buộc phải là Đảng viên nên khi kiểm tra lý lịch của người này thì không chỉ kiểm tra lý lịch thông thường mà phải kiểm tra lý lịch về các mối quan hệ của họ, lý lịch của họ nữa. Thế nhưng người này vẫn vượt qua hai lần kiểm tra gắt gao như vậy thì rõ ràng động cơ không bình thường và chắt chắn là có vấn đề gì đó.”
Thanh lọc bộ máy chính quyền?
Qua sự việc trên, dư luận xã hội liên tưởng đến một số vụ án cũng tương tự bị phanh phui như vụ Trần Thị Ngọc Thảo (hay Ái Sa) từ một nữ nhân viên gội đầu chỉ học xong cấp hai mượn bằng cấp 3 của chị để leo lên chức Trưởng phòng Quản trị văn phòng tỉnh Ủy Đắk Lắk…
Dư luận đặt câu hỏi phải chăng quy trình công tác bổ nhiệm cán bộ tại Việt Nam thực sự có vấn đề từ vấn nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền đang lũng đoạn toàn bộ hệ thống công quyền của Việt Nam.
Nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định điều này đã được nhiều người lên tiếng và thậm chí những người nắm giữ cương vị rất cao cũng đã lên tiếng nhiều về vấn nạn này. Tuy nhiên “Quá trình đề bạc cán bộ thì nó lại khép kín và chủ yếu là Đảng làm công tác tổ chức, tất cả do Đảng “đạo diễn” hết, nên có đưa ra ngoài thì cũng chỉ là hình thức thôi và họ làm điều đó kín như bưng vậy đó. Muốn chui vào làm cán bộ nhà nước có chức có quyền thăng thưởng này nọ thì nó hoàn toàn phụ thuộc vào cấp ủy đảng của địa phương bộ ngành…mà họ làm điều này thì kín như bưng, thậm chí ai mà tiết lộ ra trước kỳ bầu cử là bị kỷ luật. Nên chính vì thế nó mới đẻ ra nạn chạy chức chạy quyền.”
Luật sư Đặng Hùng Dũng thừa nhận rằng, việc cơ quan chức năng phanh phui những vụ việc nghiêm trọng như vậy là dấu hiệu tích cực, nhưng “Chắc chắn là nó vẫn còn nhiều nhưng vấn đề khắc phục nó như thế nào và họ sẽ giảm bớt dần chứ nói không còn tình trạng đó nữa thì không bao giờ xảy ra ở đất nước này đâu.”
Còn luật sư Đặng Đình Mạnh thì chia sẻ hy vọng đây là một bước thanh lọc để làm sạch bộ máy cán bộ chính quyền: “Tôi mong muốn có sự rà soát một cách căn bản đối với tất cả mọi trường hợp đã được đề suất, điều thứ hai là trong tương lai mọi chức vụ quyền hạn một khi được bổ nhiệm nên thông qua sự tuyển dụng công khai và có sự cạnh tranh thì chúng ta mới tuyển dụng được người thật sự có tài làm ứng viên cho các chức vụ quan trọng của nhà nước.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét