Bản đồ kế hoạch Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc. Ảnh Reuters
Theo truyền thuyết, cách nay hơn 4000 năm, vua Nghiêu và vua Thuấn đã nghĩ ra môn cờ vây để giáo huấn những vị hoàng tử còn thiếu chín chắn. Giờ đây, người ta thường có xu hướng diễn giải dự án "Một vành đai Một con đường – BRI" như là một phần của ván cờ vây với phương Tây.
Cờ vây hay cờ tướng ?
Bản thân cái tên bằng tiếng Hoa « Yi Dai Yi Lu » (Nhất Đới Nhất Lộ) có nghĩa là « Một Vành Đai, Một Con Đường » cũng đã nói lên điều đó. Khác với môn cờ tướng, mục đích của cờ vây là làm thế nào vây hãm nhưng vẫn để lại một khoảng không gian cho đối phương.
Tính chất thời gian dài hạn cũng phù hợp với lô-gic của một phần cờ vây hơn là cờ tướng : một trận đấu chiến lược trong một không gian địa lý cụ thể với những cuộc chinh phục lãnh thổ, thị trường, nguồn nguyên liệu và nhất là công nghệ mà Trung Quốc tuyệt đối cần đến. Tầm nhìn này dành ít chỗ cho sự hợp tác. Rõ ràng, đây chính là quan điểm của Mỹ hiện đang xem Trung Quốc như là một đối thủ chiến lược.
Ông Jean-Joseph Boillot, chuyên gia Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IRIS) trên tờ Diplomatie (số ra tháng 11-12/2019) đặt câu hỏi : Liệu người ta có thể hình dung ra một kịch bản chiến lược khác hay không ? Như ý tưởng về một cuộc chơi mà đôi bên cùng có lợi chẳng hạn ?
Tại Bắc Kinh, người ta đưa ra giải thích như vậy. Ngoài ra còn có luận điểm « không chấp nhận Mỹ hoặc Trung Quốc chiếm ưu thế ». Trò chơi đa cực này, như mong muốn của Pháp, thật ra đã được ghi trong học thuyết chính thức của Bắc Kinh : Đó chính là một « Cuộc Mặc Cả Mới » toàn cầu dựa trên một sự tăng trưởng toàn cầu được thúc đẩy nhờ vào những cơ sở hạ tầng tại những nước đang phát triển.
Tuy nhiên, một cuộc chơi đa cực đòi hỏi phải có một số điều kiện cân bằng và do vậy dẫn đến một « trò chơi chiến lược » với Bắc Kinh, dù có mang tính hợp tác hay là không. Ví dụ, người ta biết là Ấn Độ phản đối mạnh mẽ BRI mà nước này xem như là một mối đe dọa tại những nước lân cận của mình do tương quan lực lượng bất cân xứng.
Ba mươi sáu kế
Từ góc nhìn này, nhà nghiên cứu Pháp, Jean-Joseph Boillot đặt tiếp một câu hỏi : Vậy chúng ta có thể giải mã thế nào trò chơi chiến lược của Bắc Kinh hiện nay ?
Theo ông, trước hết chúng ta có thể xuất phát từ một giả thuyết đơn giản như sau : Giới chức lãnh đạo Trung Quốc đã được đào tạo theo khuôn mẫu, theo đó, những luận đề chiến lược cổ điển nắm giữ một vai trò chủ đạo. Nhưng thay vì tìm cách miêu tả các ý đồ « tiên quyết » như đối tượng nghiên cứu của Binh Pháp Tôn Tử, người ta có thể dựa vào « Tam thập lục kế - 36 kế sách », chú trọng đến mưu kế hơn và do vậy cho phép giải mã sau khi các hành vi « được tiết lộ ».
Được tìm thấy một cách tình cờ năm 1939 tại một ngôi chợ ở miền bắc Trung Quốc, luận đề 36 kế sách đã được Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân công bố năm 1961 và được sử dụng rộng rãi trong suốt thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa (1966 – 1976), giai đoạn mà những nhà lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay mới chập chững bước vào hoạt động chính trị.
Ba mươi sáu kế được phân chia trong 6 tình huống : thắng chiến kế, địch chiến kế, công chiến kế, hỗn chiến kế, tịnh chiến kế và bại chiến kế. Vậy những loại mưu kế nào và những « trò chơi » nào đã được Bắc Kinh ngầm áp dụng trong trường hợp dự án « Một vành đai Một con đường » ?
Điều gây nhiều ngạc nhiên là cả trên phương diện tuyên truyền lẫn trong việc thực thi dự án này, Bắc Kinh áp dụng ít nhất là khoảng hai chục trong số 36 kế sách, cụ thể là toàn bộ 18 chước trong tình huống thắng chiến kế, công chiến kế và địch chiến kế. Ngược lại, trong tình huống hỗn chiến kế hoặc tịnh chiến kế, Bắc Kinh chỉ áp dụng một nửa các kế sách và cho đến lúc này, không áp dụng kế sách nào trong tình huống bại chiến kế.
Mưu kế thứ 36
Câu hỏi chính còn lại là chước thứ 36 nổi tiếng : « Tẩu vi thượng kế ». Kế sách này lại phù hợp với nghịch lý được kinh tế gia Patrick Artus nêu lên trong một bài viết mang tính khiêu khích gần đây đề tựa : « Mô hình kinh tế ʺtự cung tự cấpʺ mới của Trung Quốc : Đâu là những tác động đối với nền kinh tế toàn cầu ? ».
Trên thực tế, tất cả các chỉ số cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc cho thấy có một sự co cụm theo hướng tự cung tự cấp từ vài năm nay, dù rằng BRI thường xuyên được diễn giải như là một cuộc chinh phục thế giới của đế chế Trung Hoa. Chắc chắn người ta có thể phỏng đoán rằng đây chỉ là một sự nghịch lý. Thế nhưng, trong trường hợp dự án BRI thất bại, hay bị phản đối mạnh mẽ, Bắc Kinh đã có sẵn một chiến lược thoái lui, cũng giống như triều đại nhà Minh ở thế kỷ XV khi cho triệu hồi hạm đội danh tiếng của đô đốc Trịnh Hòa (Zheng He) và quyết định đóng cửa Đế chế.
Cuối cùng tác giả kết luận, dù việc thoái lui hiện nay dường như ít có khả năng xảy ra, thì trong mọi trường hợp, kế thứ 36 này cho phép củng cố vị thế thương thuyết của Bắc Kinh trong một « cuộc chơi » hoàn toàn mở rộng, hoặc ít ra là chiếu theo chiến lược cổ xưa này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét