Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

17763 - Alexandre de Rhodes: Kẻ mang tội ác?




Giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Ảnh Internet


Vào ngày 25 tháng Mười Một, 2019, một nhóm trí thức đã kiến nghị Ủy Ban Nhân Dân Đà Nẵng yêu cầu không dùng tên hai giáo sĩ Công Giáo là Cha Francisco de Pina và Cha Alexandre de Rhodes (tên Việt là Đắc Lộ) vì họ không những không phải là người có công lập ra chữ quốc ngữ mà những người này là những kẻ có tội với dân tộc (Việt Nam).
Theo Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Lê Cung, Trường Đại Học Sư Phạm Huế (ĐH Huế), người đứng đầu đồng đơn kiến nghị lãnh đạo Đà Nẵng cho rằng không nên lấy tên 2 linh mục này để đặt cho đường phố, trường học… vì thời Pháp thuộc, thực dân Pháp muốn người dân thuộc địa biết ơn mẫu quốc đã có công “khai hóa”. Ông Cung khẳng định: Alexandre de Rhodes không phải là người sáng chế ra chữ quốc ngữ. Trái lại, đối với dân tộc Việt Nam, Rhodes là kẻ có tội thì làm sao vinh danh, đặt tên đường được.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân – người còn được biết đến là tên đồ tể của cuộc tàn sát thường dân Huế vào dịp Tết Mậu Thân 1968 – thì phân tích thêm rằng quá trình ban đầu của việc tạo ra chữ quốc ngữ không nhằm mục đích phát triển văn minh của dân tộc ta, mà chỉ là một phương tiện để truyền giáo, một công cụ để thực dân Pháp xâm lăng nước ta.
Có hai câu hỏi được đặt ra ở đây:
Câu hỏi thứ nhất: Linh Mục Đắc Lộ có phải là kẻ có tội và quá trình ban đầu của việc tạo ra chữ quốc ngữ chỉ là một phương tiện để truyền giáo, một công cụ để thực dân Pháp xâm lăng nước ta hay không?
Trong tự điển Wikipedia có ghi: “Đầu năm 1625, Alexandre cập bến Hội An, gần Đà Nẵng, từ đó, Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của Alexandre de Rhodes, nhưng cuộc đời truyền giáo của ông ở đây rất bấp bênh và trôi nổi. Trong vòng 20 năm, ông bị trục xuất đến sáu lần. Nhưng sau cả sáu lần ấy, ông đều tìm cách trở lại Việt Nam khi cơ hội cho phép.”
Nhiều tác giả cho rằng Cha Đắc Lộ có đầu óc thực dân nên đã làm đủ mọi cách để thuyết phục vua Pháp xâm chiếm Việt Nam, tuy nhiên đây là những suy diễn không bằng chứng cụ thể. Điều rõ ràng nhất mà mọi người đều phải chấp nhận là khoảng cách thời gian từ khi Cha Đắc Lộ đến Việt Nam cho đến khi tiếng súng đầu tiên của người Pháp nổ lên là 233 năm (từ 1625 đến 1858), một khoảng thời gian quá dài để lên án Cha Đắc Lộ là “xâm lăng”.
Nếu nói về trách nhiệm của hành vi xâm lược, thiết nghĩ có phần của vua Gia Long. Cũng trong Wikipedia có viết “Trong cuộc chiến chống lại triều đình Tây Sơn, Nguyễn Ánh giành được nhiều sự giúp đỡ của người Pháp, vì lý do đó, Hiệp Ước Versailles năm 1787, đã được ký kết giữa vua Pháp là Louis XVI và Nguyễn Ánh, nội dung chủ yếu là Nguyễn Ánh đồng ý cắt lãnh thổ Việt Nam cho Pháp, đổi lại Pháp đồng ý đưa quân và vũ khí sang đánh nhà Tây Sơn. Về sau, Pháp đã dựa vào hiệp ước này để làm cớ yêu cầu nhà Nguyễn cắt đất, và sau đó xâm lược Việt Nam vào năm 1858.” Việc này chẳng dính dáng gì đến Cha Đắc Lộ.
Riêng về lời lên án “việc tạo ra chữ quốc ngữ chỉ là một phương tiện để truyền giáo, một công cụ để thực dân Pháp xâm lăng nước ta” thì lại càng hồ đồ hơn. Theo các nguồn sử liệu thì các giáo sĩ người Bồ Đào Nha lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1516. Trong quá trình truyền giáo, vấn đề đặt ra là các giáo sĩ phải biết tiếng Việt hoặc chữ Hán. Chữ Hán được đánh giá là khó học và mất nhiều thời gian nên các giáo sĩ buộc phải học tiếng Việt. Trong quá trình đó, họ đã Latin hóa tiếng Việt, sáng tạo nên chữ Quốc ngữ mà Linh Mục Francisco de Pina là người đặt nền móng vững chắc đầu tiên.
Cha de Pina sinh năm 1585, sang năm 1617, ông đến Đàng Trong và hoạt động tại đây cho đến khi mất. Trong khoảng thời gian ở Đàng Trong, ông học tiếng Việt, sau đó trở thành giáo sĩ giỏi tiếng Việt nhất vào thời điểm bấy giờ và góp công đầu trong quá trình hình thành chữ Quốc ngữ. Dấu mốc quan trọng nhất là vào năm 1618, Francisco de Pina và một thanh niên học thức Việt Nam dịch ra tiếng Việt cuốn Kinh Lạy Cha cùng với một số kinh căn bản khác trong giáo lý Công Giáo. Đây là tư liệu rất quý giá, khẳng định công lao to lớn của Francisco de Pina và cả một số người Việt.
Trong một buổi trao đổi có tựa đề “Hội thảo Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ” được tổ chức tại Điện Bàn (Quảng Nam) năm 2016 đã đi đến kết luận “chữ Quốc ngữ có vị trí, vai trò của nó trong văn hóa – xã hội Việt Nam là không thể thay thế. Có được điều đó là nhờ một phần quan trọng công lao sáng tạo của những vị giáo sĩ này (Cha de Pina và Cha Đắc Lộ)”. Vậy không hiểu vì động cơ gì mà 12 “trí thức” đã cùng lên án Cha de Pina và Cha Đắc Lộ là những kẻ có tội ác?!
Việc thay đổi bản ngữ với những ký hiệu rắc rối như tiếng Tàu để có thể trao đổi dễ dàng là chuyện rất bình thường trong cả lãnh vực truyền giáo lẫn khoa học. Nên nhớ rằng trước thế kỷ 11, khoa học Âu Châu không phát triển được một phần là vì cách sử dụng số La Mã (như V, X, M, C) để tính toán là quá phức tạp. Thí dụ số 388 được viết là CCCLXXXVIII. Đó chỉ mới là viết thôi chứ để tính toán chắc còn rắc rối gấp trăm lần. Phải đợi đến năm 1198 nhà toán học Fibonacci mới du nhập cách viết của người Ấn Độ (mà có sách viết là Ả Rập) như các số 1,2,3… thì khoa học Âu Châu mới có những bước tiến ngoạn mục. Nguyên do chính là việc truyền đạt kiến thức.
Trong lịch sử ngôn ngữ, việc La tinh hóa (Romanisation) các tiếng ngoài Châu Âu đã diễn ra khá nhiều và tiếng Việt không phải là biệt lệ. Tại Trung Hoa vào cuối thế kỷ 16, nhà truyền giáo Matteo Ricci đã nhanh chóng soạn tự điển tiếng Trung bằng ký tự La tinh đầu tiên.
Tại Ấn Độ, tiếng Hindi dạng Devanagari được học giả, nhà thống kê và quan chức thuộc địa người Scotland, William Hunter chuyển sang hệ La tinh cuối thế kỷ 19. Vua Thái Lan hồi đầu thế kỷ 20 cũng cho soạn ra bộ chữ La tinh tiếng Thái, và tham khảo từ hệ Hunterian. Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, cải cách ký tự thời Ataturk năm 1932 đã nhanh chóng ‘Âu hóa’ văn tự hệ giống tiếng Ả Rập để chuyển sang La tinh toàn bộ như ngày nay.
Trong những nơi này, có lẽ chẳng nơi nào mà cha đẻ ra việc phiên âm sang mẫu tự la−tinh mà bị kết tội “xâm lăng” cả.
Câu hỏi thứ hai: Cha Đắc Lộ không phải là người sáng lập chữ quốc ngữ nên không thể lấy đặt tên đường.
Trong tất cả các tài liệu thì hầu như mọi người đều đồng ý rằng việc thành lập nên chữ quốc ngữ là một quá trình lâu dài, thường được cho là hơn 400 năm trong đó không chỉ có công của các giáo sĩ Tây phương mà còn của rất nhiều người Việt như học giả Phạm Quỳnh và Nam Phong tạp chí.
Đúng là Cha de Pina và Cha Đắc Lộ chỉ là một người trong những người có công nhất thì việc ghi công của họ có gì sai? Ai cũng biết rằng sóng vô tuyến được tìm ra vào năm 1895 là do các công trình của Maxwell, Hertz, Branly và Popov, nhưng sao ai cũng nói Marconi là cha đẻ? Đơn thuần bởi là vì Marconi là người ở công đoạn chót và đơn giản là người ta không thể nhắc đến tất cả các khoa học gia khi nói về sóng vô tuyến. Và chúng ta có thể nêu ra rất nhiều thí dụ tương tự như Roengen với quang tuyến X, Von Neumann và máy tính, Le Verrier và Hải Vương tinh…
Thiết nghĩ ai cũng có quyền thắc mắc về “công lao” hay “tội ác” của một nhận vật lịch sử hoặc khoa học nhưng điều này chỉ có giá trị dưới hai yếu tố. Thứ nhất, những phán đoán này phải được thực hiện một cách độc lập, nghĩa là không phải chịu sự bắt buộc cũng như mua chuộc (bằng đồng lương, bằng trợ cấp hay quyền lợi). Thứ hai, những phán đoán này phải được thực hiện công bằng, nghĩa là nếu đã có can đảm phê bình một nhân vật thì cũng phải có đủ “dũng khí” phê bình một nhân vật khác, cho dù kẻ đó đươc tôn vinh hoặc thần tượng thế nào đi nữa.
Nếu đã quy kết Cha Đắc Lộ có hành động xâm lăng thì cũng phải xét đến những kẻ đang ngày đêm nhắm mắt bịt tai trước những hành động xâm lăng trắng trợn hơn gấp ngàn lần vẫn đang xảy ra trên đất nước chúng ta. Hành động xâm lăng đó không chỉ bằng võ lực mà còn bằng các chủ thuyết mà nhân lọai đang vất vào sọt rác.
Rất tiếc hai điều kiện này chưa có trên đất nước Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét