Dân chúng Hồng Kông tỏ lòng biết ơn nước Mỹ đã ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của họ. (Photo by Chris McGrath/Getty Images)
Kể từ khi Hạ Viện Hoa Kỳ chuyển hai dự luật về Hồng Kông đến Tòa Bạch Ốc để chờ Tổng Thống Trump ký ban hành thành luật, nhiều người đã dự đoán và lo ngại rằng ông Trump sẽ phủ quyết hai dự luật này để ưu tiên cho việc đạt được một thỏa thuận về thương mại với Trung Quốc đang vào hồi khó khăn, gay cấn.
Cuộc thương chiến Mỹ-Trung bắt đầu từ hơn 1 năm nay, đã gây nên nhiều sóng gió trong quan hệ giữa hai cường quốc, giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nền kinh tế thế giới vì thế cũng đã bị những ảnh hưởng, biến động rất lớn bởi cuộc chiến này.
Hẳn nhiên, trong một cuộc chiến, chẳng bên nào là chiến thắng tuyệt đối và dù có thắng cuộc, thì bên chiến thắng vẫn phải chấp nhận những mất mát, đau thương là điều dễ hiểu. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Hoa Kỳ cũng phải hứng chịu những hậu quả nhất định nhất là những khó khăn trước mắt trong các hoạt động kinh tế, xuất-nhập cảng và các ngành kinh tế khác bị ảnh hưởng xấu.
Đối mặt với thực tế cuộc sống người dân, cử tri Hoa Kỳ, khi mùa tranh cử, vận động đang đến gần, những khó khăn này đã ngày càng trở thành một áp lực rất lớn cho ông Trump, một ứng cử viên của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.
Mặt khác, cuộc điều tra, luận tội của đảng Dân Chủ đang tạo gây sứt mẻ uy tín, và đe dọa tương lai của chức vụ tổng thống mà ông Trump đang nắm giữ.
Về đối ngoại, kể từ khi lưỡng viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua với đa số tuyệt đối, nhà cầm quyền Trung Quốc đã bày tỏ sự tức giận đến mức tối đa. Bắc Kinh đã triệu tập đại sứ Hoa Kỳ, và người phát ngôn Trung Quốc lên tiếng phản đối với những lời đe dọa liên tục nhằm ngăn chặn việc Tổng Thống Trump ký ban hành dự luật này: “Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp phản đối mạnh mẽ, và Mỹ sẽ phải gánh chịu toàn bộ hậu quả.”
Đáp lại, Tổng Thống Trump vẫn cứ úp mở: “Tôi có quan hệ rất tốt với Chủ Tịch Tập Cận Bình. Chúng tôi đang trong giai đoạn đấu tranh cuối cùng của một thỏa thuận rất quan trọng – có thể nói là một trong những thỏa thuận thương mại quan trọng nhất từ trước đến nay. Nó đang rất tốt.” Và: “Nhưng đồng thời, chúng tôi muốn thấy mọi thứ diễn ra tốt đẹp ở Hồng Kông và tôi nghĩ nó sẽ như vậy. Tôi nghĩ rằng Chủ Tịch Tập có thể làm được điều đó.”
Tất cả những áp lực cùng lúc và cách hành xử bất quy tắc của tổng thống hiện thời, đã tạo cho nên những sự nghi ngờ với cách hành động và thái độ của ông Trump. Nhiều người đã cho rằng, trước những áp lực đó, rất có thể ông Trump sẽ phủ quyết hai dự luật vì không muốn gây căng thẳng với Bắc Kinh nhằm đạt được một thỏa thuận về thương mại, lấy đó làm lợi thế cho cuộc chạy đua của mình vào Tòa Bạch Ốc sắp tới.
Thế nhưng, thực tế đã hoàn toàn trái ngược với nhiều dự đoán.
Ngày 27 Tháng Mười Một, 2019, ông Trump đã ký ban hành hai dự luật. Ông phát biểu: “Tôi ký những dự luật này vì sự tôn trọng dành cho Chủ Tịch Tập của Trung Quốc và người dân Hồng Kông. Chúng được ban hành với hy vọng rằng lãnh đạo và nghị viên Trung Quốc và Hồng Kông sẽ có thể giải quyết bất đồng giữa họ một cách thiện chí để đưa đến hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả.”
Điều đó nghĩa là: Dù có mối quan hệ tốt đẹp với Tập Cận Bình, dù rất cần một kết quả tốt đẹp cho việc đạt được một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại, nhưng cần có những dự luật như vậy được ban hành, thì mới có thể hy vọng có thể giải quyết được vấn đề Hồng Kông đưa đến hòa bình, thịnh vượng lâu dài cho vùng đất từng là nhượng địa của Anh Quốc này.
Nói cách khác, là dù có thân mật với Tập, thì những đối tác như Tập, vẫn cần những ngón đòn thật đau mới có thể hy vọng có những thay đổi chứ không chỉ trông chờ vào những bày tỏ “thiện chí” hoặc những lời nói, lời hứa hẹn suông.
Đây là một đòn khá quyết liệt và mạnh mẽ của Tổng Thống Trump đối với mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhất là trong thời điểm nhạy cảm và khó khăn này.
Thái độ và hành động với Trung Quốc, cũng là một trong số ít vấn đề tạo được sự đồng thuận mạnh mẽ trong chính phủ Hoa Kỳ.
Cần phải hiểu rằng với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối trong các cuộc bỏ phiếu vừa qua ở lưỡng viện Hoa Kỳ, thì ngay cả trong trường hợp Tổng Thống Trump phủ quyết hai dự luật này, việc lưỡng viện Hoa Kỳ vẫn ủng hộ hai dự luật để trở thành luật chính thức là điều không khó xảy ra.
Thế nhưng, việc Tổng Thống Trump nhanh chóng ký ban hành hai luật nói trên, đã nói lên thái độ của ông đối với Trung Quốc là không phải nói chỉ để mà nói.
Khỏi cần phải nói đến những phản ứng từ phía Trung Quốc, người ta cũng đoán biết được thái độ của nhà cầm quyền Bắc Kinh đã giãy nảy lên “như đỉa phải vôi” ra sao.
Ngay lập tức, Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối và cho rằng: “Mỹ đã can thiệp nghiêm trọng vào công việc của Hồng Kông, can thiệp nghiêm trọng công việc nội bộ Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế, là hành động bá quyền trắng trợn.” Và “Trung Quốc sẽ đáp trả mạnh mẽ và hậu quả của việc này hoàn toàn nằm ở phía Mỹ.”
Ngược lại với thái độ của nhà cầm quyền Bắc Kinh, người dân Hồng Kông sau khi nhận được tin này đã hết sức vui mừng và hân hoan, đồng loạt đổ ra các đường phố, chào đón sự kiện này và cảm ơn nước Mỹ.
Hơn nửa năm qua, những người dân Hồng Kông đã bất chấp tất cả mọi trò bẩn thỉu của nhà cầm quyền, đứng sau đó là hệ thống chính trị Bắc Kinh, đẩy những người đòi quyền lợi của mình đi từng bước đến một cuộc phản kháng tập thể khổng lồ.
Từ những cuộc biểu tình không lớn, cho đến những cuộc xuống đường với hàng triệu người tham gia. Từ những yêu sách ban đầu là rút ngay dự luật dẫn độ, cho đến những đòi hỏi cao hơn sau đó và kiên quyết không rút lại bất cứ điều nào trong 5 điều họ đòi hỏi.
Từ việc đối mặt với đám cảnh sát hăm dọa, cho đến đối mặt với vòi rồng, đám côn đồ rồi sau đó là bắt cóc, giết người và gần đây là súng đạn, bắt bớ hàng ngàn người…
Tất cả không làm cho người dân Hồng Kông nao núng và sợ hãi.
Bởi họ hiểu được những giá trị của tự do, hiểu những điều gì đang đe dọa không chỉ họ mà cả con cháu, nòi giống họ sau này nếu phải sống dưới ách cộng sản.
Nhà cầm quyền Bắc Kinh không thể đáp ứng những yêu cầu của người dân Hồng Kông. Điều này không phải vì quá khó khăn hay không thể chấp nhận một vài điều kiện người biểu tình đưa ra như trừng trị một số cảnh sát đã lạm quyền và tàn bạo hay thay thế Carrie Lam. Họ sẵn sàng thí mạng hàng ngàn người hoặc thay thế bằng một tay chân khác của mình.
Nhưng, việc người Hồng Kông đòi tự do, dân chủ là điều trọng yếu mà đảng Cộng Sản Trung Quốc không thể chấp nhận bằng bất cứ giá nào.
Bởi việc người Hồng Kông đòi tự do, dân chủ là một việc quan trọng có tính chất sống còn đối với không chỉ Hồng Kông, mà còn là với cả Trung Hoa đại lục, với cả những phần đất đang nằm dưới sự cai trị độc tài của đảng Cộng Sản Trung Quốc như Tân Cương, Tây Tạng, hoặc những vùng đất mà Trung Quốc đang ve vuốt hoặc đe dọa như Đài Loan.
Điều mà chính quyền Cộng Sản Trung Quốc lo ngại và sợ hãi, là những ngọn lửa từ Hồng Kông sẽ không dừng lại ở vùng lãnh thổ này, mà có nguy cơ lan thành những đám cháy không thể nào dập tắt ở cánh rừng đại lục với hơn 1 tỷ người đều là nạn nhân của Cộng Sản.
Do vậy, việc ủng hộ người dân Hồng Kông đòi quyền tự do, dân chủ, chẳng khác mấy với việc ủng hộ việc hất cẳng chính quyền và đảng Cộng Sản Trung Quốc. Và vì thế, sự hằn học, căm hận của nhà cầm quyền Bắc Kinh là không hề nhỏ, họ có thể làm bất cứ điều gì để trả đũa việc đó chứ không chỉ là cuộc chiến tranh thương mại.
Vì vậy, việc Tống Thống Trump nhanh chóng ký hai dự luật về Hồng Kông đã chứng tỏ thái độ của Mỹ: Kiên quyết đối mặt.
Và không chỉ những người dân Hồng Kông, mà cả rất nhiều người dân Hoa Kỳ cũng như nhiều nơi trên thế giới, kể cả những người không mấy ưa ông Trump, cũng đều ủng hộ thái độ này của tổng thống Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét