Phần Lan, quê hương
của ông già Noel. Trong ảnh, thủ đô Helsinki.Wikimedia Commons / Roccodm
Phần Lan liên tục ở tốp đầu thế giới về giáo dục. Theo bảng xếp hạng nổi tiếng PISA năm 2018, quốc gia Bắc Âu này đứng thứ 5 thế giới, đứng đầu Liên Âu. Tuy nhiên, khác với đa số các nước châu Á xếp hạng cao, như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore, học sinh Phần Lan không những cũng học giỏi, mà đặc biệt là cảm thấy hạnh phúc hơn. Bí quyết nào giúp nền giáo dục Phần Lan thành công ?
Vai trò hàng đầu làm nên thành công của giáo dục Phần Lan là giáo viên ?
Một trong các bí mật chủ yếu của nền giáo dục Phần Lan là có được các giáo viên tuyệt vời. Bà Kristina Kaihari, cố vấn của cơ quan giáo dục quốc gia giải thích : « Giáo viên được đào tạo rất tốt về các chuyên ngành của họ, và đồng thời cả về sư phạm. Không phải bất cứ ai cũng có thể trở thành giáo viên. Muốn đi dạy học, phải trải qua một kỳ thi vào đại học, kéo dài hai ngày liền. Chỉ có khoảng 10% số thí sinh được tuyển chọn. Nghề giáo là một nghề rất cao quý ở Phần Lan » (1).
Lương tháng của giáo viên Phần Lan là khoảng từ 1.800 đến 2.000 euro, tương đương như ở Pháp. Theo một chuyên gia giáo dục của tổ chức OCDE, trong một xã hội có mức lương tương đối đồng đều như tại Phần Lan, khoản lương này có thể coi là một sự đãi ngộ xứng đáng, cho thấy đây là một nghề nghiệp rất hấp dẫn.
Một khi đã được chính thức được tuyển mộ, các giáo viên được toàn quyền thiết kế việc giảng dậy, như họ muốn, tất nhiên là với điều kiện tôn trọng chương trình giảng dậy toàn quốc được quy định. Phần Lan đã xóa bỏ hệ thống thanh tra giáo dục từ 25 năm trước.
Hiệu trưởng nhà trường, do hội đồng hành chính chỉ định, có trách nhiệm tuyển mộ giáo viên, quản lý nhân sự và đàm phán về ngân sách cho trường.
Đặc biệt quan trọng trong đội ngũ giáo viên là những giáo viên « chuyên biệt hóa », có nhiệm vụ hỗ trợ cho các học sinh gặp khó khăn. Đây cũng là một điểm chủ chốt làm nên sức mạnh của nền giáo dục Phần Lan, với mục tiêu không để cho học sinh nào bị bỏ rơi. Trong nhà trường, quan trọng nhất là học sinh, các giáo viên đều hiểu như vậy.
Trả lời Le Figaro (2), một giảng viên người Phần Lan, ông Pasi Sahlberg, nhận xét là xã hội Phần Lan rất tin tưởng vào giáo viên, và mục đích của nền giáo dục là đào tạo nên những con người độc lập, và biết tự chịu trách nhiệm từ rất sớm. Mỗi học sinh được học để sao cho biết trở thành chính mình, đúng với nhịp độ phù hợp với mình. Người giáo viên Phần Lan cũng lưu ý là, kết quả giáo dục chỉ một nửa do trường học, còn một nửa khác là công lao của gia đình, vì thời gian nghỉ của cha mẹ để sống với con tại Phần Lan là « rất dài ».
Về phương pháp dạy học ở Phần Lan, có những điểm gì đặc biệt ?
Khi vào một trường tiểu học Phần Lan, ấn tượng hàng đầu mà quý vị có thể nhận thấy là học sinh cảm thấy rất thoải mái, tiện nghi, giống như ở nhà vậy. Học sinh vào lớp không mang theo giày.
Phương pháp giáo dục thích ứng với từng trẻ em là điểm nổi bật. Ở các trường trung học, mỗi học sinh dường như theo đuổi các nhiệm vụ rất cụ thể, có thể hoàn toàn khác với các bạn cùng lớp. Nhìn chung trong học tập học sinh Phần Lan không bị đặt vào tình trạng phải cạnh tranh nhau thái quá. Ở cấp tiểu học, gần như không có điểm số. Nhiều môn học thực hành, gắn liền với các hoạt động tay chân, được tổ chức từ tuổi rất nhỏ và được đánh giá rất cao.
Học tập ở các bậc học dưới gắn liền với nhiều trò chơi, việc học đọc diễn ra vui vẻ, nhẹ nhõm. Đa số các em biết đọc ngay từ cấp mẫu giáo. Vào tiểu học, tức 7 tuổi, là đã đọc thông mà dường như không cần phải có cố gắng đặc biệt nào. Ví dụ như để dạy chữ, một giáo viên có thể chọn cách gắn các chữ cái trên một số thân cây, rồi đưa một hình ảnh các đồ vật hay động vật, rồi đề nghị học sinh đi tìm chữ…
Thời gian học tập trên lớp chỉ chiếm một nửa thời gian ở trường. Phần thời gian còn lại để học các kỹ thuật cụ thể, như học làm bếp, hay học chẻ gỗ… Tất cả các buổi học thực hành đều gắn liền với một bài giảng về lý thuyết. Mọi học sinh đều có nghĩa vụ tham gia hai ngày lao động công ích trong một năm.
Một điểm khác thường nữa của phương pháp giáo dục Phần Lan là gắn liền với môi trường thiên nhiên (3). Tại một trường mẫu giáo ở phía bắc thủ đô Helsinki, vị hiệu trưởng tên Juha Koskelainen cho biết học sinh ở đây mỗi ngày có đến ba giờ sống và học ở ngoài trời. Bất kể thời tiết gió lớn, hay mưa, tuyết. Theo người hiệu trưởng, học ngoài trời có lợi cho sức khỏe, và đồng thời giúp học sinh tăng khả năng tập trung. Ông cũng thừa nhận là vào mùa đông, khi có tuyết, thì đôi khi việc học vẽ có bị ảnh hưởng, và cha mẹ học sinh nhập cư thường không muốn để con mình sống ngoài trời quanh năm, ngược hẳn với cha mẹ Phần Lan.
Ngoài ra về mặt xã hội, giáo dục Phần Lan có điểm gì đáng chú ý ?
Tại Phần Lan không có trường tư, mặt khác, trường học gắn chặt với địa phương. Ngân quỹ của một trường một phần do các thỏa thuận với địa phương.
Trường học Phần Lan cũng mở rộng cánh cửa với người nhập cư. Có thể nêu ra một ví dụ như trường trung học Merilahti, phía tây Helsinki, nơi có đến 55% học sinh gốc nhập cư, trên tổng số 860 học sinh, so với 20% cách nay 20 năm. Chủ yếu là dân từ Somali, Irak, Estonia hay Nga. Đối với các lớp học nhiều trẻ nhập cư, Nhà nước đầu tư mạnh hơn. Tại trường học nói trên, một giáo viên phụ trách 10 em, và có 7 giáo viên chuyên biệt, để giúp đỡ các em có khó khăn trong học tập, trong ứng xử. Có cả một nhà tâm lý học, một nhân viên xã hội và hai y tá toàn phần, hai người « phiên dịch », tiếng Ả rập và tiếng Nga.
Theo bộ trưởng Giáo Dục Phần Lan Anita Lehikoinen, trường học tại quốc gia này « không phải là một vấn đề gây chia rẽ, mà ngược lại, đầu mối tạo nên đoàn kết », « mỗi người Phần Lan đều hiểu rằng giáo dục là chìa khóa của nền độc lập dân tộc » (4).
Theo chuyên gia giáo dục OCDE, ông Eric Charbonnier, « Bài học chủ yếu của mô hình Phần Lan đối với nước Pháp, đó là khả năng tuyệt vời của nó, biết tự đặt mình thành vấn đề, mà không bị lạc hướng trong các cuộc cãi cọ giữa các phe nhóm chính trị ». Khi phát hiện các trục trặc, chính quyền kiên quyết đầu tư để làm sáng tỏ. Đầu năm 2016, chính phủ tài trợ nhiều nghiên cứu để xác định được nguyên nhân vì sao nhiều trẻ em gia đình nhập cư lại thất bại trong học tập.
Tại sao giáo dục Phần Lan bị tụt hạng trong những năm gần đây ?
Năm 2000, Phần Lan xếp hạng nhất về đọc, thứ tư về toán, thứ ba về khoa học. Năm 2006, đứng thứ hai về đọc, thứ nhất về toán, đầu về khoa học. Tuy nhiên, bắt đầu từ những năm 2010, kết quả theo xếp hạng PISA sụt giảm.
Một trong những nguyên nhân chính được nêu ra là đầu tư cho giáo dục sụt giảm. Kể từ năm 2008, so chính sách thắt lưng buộc bụng, chống bội chi, đa số các địa phương đã giảm mạnh chi phí cho giáo dục. Nhiều trường phải hợp nhất, số lượng học sinh mà một giáo viên phụ trách tăng lên. Cũng trong những năm gần đây, một số người cho rằng số lượng người nhập cư đông đảo ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đặc biệt do việc học sinh kém tiếng Phần Lan.
Một trong những lý do khác khiến thứ hạng của Phần Lan không bằng trước, một số người cho là do việc sử dụng điện thoại thông minh trở nên quá mức phổ biến trong giới trẻ. Nhà giáo Pasi Sahlberg thì so sánh giáo dục Phần Lan với mác điện thoại Nokia, tập đoàn đã cho ra đời màn hình cảm ứng đầu tiên. Nokia đã không thành công trong việc chuyển qua một giai đoạn mới. Giáo dục Phần Lan phần nào đã ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không kịp thời phản biện lại mình.
Vậy Phần Lan có những biện pháp nào để chấn hưng giáo dục ?
Kể từ năm 2016, Phần Lan đã khởi sự một kế hoạch cải cách lớn, để thích ứng với tình hình mới. Trong số những điểm mới chủ yếu, có việc phá bỏ các ranh giới cứng nhắc giữa các môn học hay khuyến khích học sinh tìm kiếm thông tin, phân tích, xử lý thông tin bằng các công cụ tin học. Bộ Giáo Dục cùng lúc khuyến khích nền tảng giáo dục bình đẳng, nhưng cũng khẳng định mối liên hệ mật thiết giữa học và định hướng nghề nghiệp tương lai, cũng như dự định tham gia các hoạt động đóng góp xã hội….
Nhìn chung, giáo dục Phần Lan vẫn tiếp tục truyền thống nhân bản khai phóng, coi học sinh là chủ thể, tự do giảng dậy, tự trị địa phương, học đi liền với hành, gần gũi thiên nhiên, bình đẳng, miễn phí đào tạo. Những điều luôn được coi là căn bản nền tảng làm nên bí mật thành công của xứ sở quê hương ông già Noel.
***
1. "Nhà trường : Đâu là bí mật của phép lạ Phần Lan ?", trang mạng đài RTBF, 27/09/2018.
2. Bài "Chúng tôi tin tưởng vào những người thầy của mình", Le Figaro, ngày 17/12/2018.
3. "Một cách giảng dạy gắn kết với thiên nhiên và tập trung vào các đào tạo thực tế", Le Figaro, 17/12/2018.
4. "Trường học Phần Lan, một mô hình giáo dục mà nước Pháp có thể tìm nguồn cảm hứng", Challenges.fr, 11/12/2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét