Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

6682 - “Thánh thượng sáng suốt” và cơn ma túy dân chủ

Trong một status cách đây ba ngày, tôi đã đưa ra bằng chứng tại một cuộc Hội thảo được tổ chức vào ngày 18 tháng 1 năm 2018 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, người ta đã nói thẳng rằng “vị trí chiến lược” của Đặc khu Kinh tế – Hành chính Vân Đồn là “hành lang nối Việt Nam và ASEAN với Trung Quốc, một nút quan trọng trong đề án Một vành đai, một con đường của Trung Quốc”.
Thực ra, ngay từ năm 2012, Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo lớn, phối hợp với Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa các nước Á – Phi (Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản), về “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt Nam – Trung Quốc. Hai hành lang là Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng. Còn một vành đai là Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, bao trùm:
· Ba thành phố cấp địa khu của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc gồm: Bắc Hải, Khâm Châu, Phòng Thành Cảng;
· Một thành phố cấp địa khu của tỉnh Quảng Đông là Trạm Giang;
· Tỉnh đảo Hải Nam;
· 10 tỉnh, thành Việt Nam gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị (khởi đầu, ý tưởng Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ bao gồm bốn tỉnh, thành: Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng)
Trong một bài báo điểm qua nội dung của cuốn kỷ yếu in sau hội thảo, tác giả cho biết: “Hợp tác phát triển hai hành lang một vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc […] đã được lãnh đạo cao cấp hai nước thỏa thuận xây dựng”. “Hai hành lang một vành đai kinh tế” chẳng qua là sự phát triển hô ứng với đề án Một vành đai, một con đường. Chẳng thế mà trên trang mạng http://china168.hk/ chẳng đã có một bài đánh giá chuyến đi thăm Trung Quốc năm 2017 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọnglà “[…] có ý nghĩa quan trọng đối với việc đưa sự hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực chính trị và kinh tế đi vào chiều sâu, giúp thúc đẩy sự hợp tác kết nối giữa “Một hành lang, một con đường” và “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”, tăng cường cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc – Việt Nam”.
Cần lưu ý rằng, với chức năng là một cơ quan nghiên cứu khoa học và từ đó tham mưu cho nhà nước, Viện Nghiên cứu Trung Quốc có quyền và cần phải nghiên cứu đề án quan trọng này. Nhưng tên của cuộc hội thảo là “Hợp tác phát triển “Hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt Nam – Trung Quốc trong bối cảnh mới” cho thấy chủ đề của hội thảo đã bị “định hướng” một cách thô bạo bằng mấy chữ “hợp tác phát triển”, tức là nói như bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, […] phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật”. Hội thảo bàn gì thì bàn, nhưng rút cục, đại cục là phải “Hợp tác phát triển” chủ trương Một vành đai, một con đường của Trung Quốc!
Ý tưởng “Hai hành lang một vành đai kinh tế” được đưa ra đầu tiên là vào tháng 5/2004, trong chuyến thăm Trung Quốc của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Việc xây dựng “hai hành lang, một vành đai” đã được nâng lên thành “chiến lược hợp tác quốc tế” giữa hai nước vào tháng 10/2004, khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo thăm Việt Nam và lãnh đạo hai nước đồng ý thành lập tổ chuyên gia trong khuôn khổ Uỷ ban hợp tác kinh tế mậu dịch chính phủ hai nước, nghiên cứu vấn đề xây dựng “Hai hành lang, một vành đai”.


Bìa sách: Hợp tác phát triển “Hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt Nam – Trung Quốc trong bối cảnh mới

Như thế, hội thảo “khoa học” “Hợp tác phát triển “Hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt Nam – Trung Quốc trong bối cảnh mới” là một bước đi logic tiếp theo của một quyết định chính trị, tám năm sau khi thỏa thuận đã được ký kết giữa lãnh đạo hai nước. Lẽ ra, giới nghiên cứu phải đi trước, phân tích đúng sai hay dở, để cho lãnh đạo có cơ sở để đàm phán, thỏa thuận với nước ngoài. Khoa học thay vì dẫn đường cho chính trị, soi sáng cho chính trị, lại bị chính trị dắt mũi, bắt phải đóng vai trò “minh họa” cho chính trị. Rồi sau đó, khi cần biến quyết định ấy thành luật, thì đến Quốc hội lại nối tiếp đóng vai trò minh họa. Đó là cách quản trị đất nước thường thấy trong chế độ toàn trị. Luật Đặc khu kinh tế, luật An ninh mạng, chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên, v.v. đều theo cách quản trị như thế.
“Thánh thượng sáng suốt”, “nô tài đắc tội” tưởng chỉ là những lời khuôn sáo trong thể chế phong kiến xa xưa, ai ngờ trở thành một đường lối thực tiễn của giới lãnh đạo luôn luôn đắm vào cơn ma túy tự ca ngợi mình dân chủ nhất thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét