Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

6739 - Mỹ-Ấn và hai quan điểm về trật tự Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Hương Trà
Theo “ASEAtimes

klf1418110893.jpg
Trong khi ông Modi tìm cách mở ra một trật tự thời hậu Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi các thế lực tầm trung là những nhân tố trọng tâm, thì ông Mattis vẫn mô tả Mỹ là sức mạnh duy nhất có khả năng kiềm chế những tham vọng theo chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc.
Đối thoại Shangri-La - một hội nghị thượng đỉnh an ninh thường niên, tổ chức tại Singapore năm nay đã đánh dấu sự ra mắt chính thức kỷ nguyên của “sân khấu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, và vì vậy cũng đánh dấu sự nổi lên của Ấn Độ với tư cách là một trụ cột mới trong cấu trúc an ninh khu vực. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người vừa tới Indonesia và Malaysia trong khuôn khổ chuyến công du cấp cao trong khu vực, là người trình bày bài phát biểu quan trọng tại hội nghị năm nay.
Ấn Độ cẩn trọng
Lãnh đạo Ấn Độ, người nổi tiếng với giọng điệu dân túy và lối nói cứng rắn ở trong nước, đã đưa ra một bài diễn thuyết tự tin, toàn diện nhưng cũng tương đối hòa dịu. Ông tự giới thiệu bản thân là một chính khách toàn cầu, đang cai quản sự nổi lên của một siêu cường mới, coi Đông Á và Thái Bình Dương là những chân trời chiến lược mới của mình. Modi nói: “Sứ mệnh chính của chúng tôi là sẽ biến Ấn Độ thành một Ấn Độ Mới từ nay đến năm 2022, khi nước Ấn Độ độc lập tròn 75 năm tuổi”. Ông còn nhấn mạnh sự độc lập chiến lược và sự trung thành trường kỳ của Ấn Độ đối với truyền thống phi liên kết. Ông mô tả Ấn Độ là một nhà nước trung tâm của toàn cầu, dễ dàng băng qua những khó khăn và đề cao sự cạnh tranh giữa các siêu cường. Đáng chú ý, ông còn nhấn mạnh lại sự cần thiết của một trật tự “tự do và cởi mở” và “dựa trên các quy tắc”. Theo cách đó, Modi đã thành công trong việc ngầm chỉ trích cả chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ lẫn những thách thức từ chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc đối với an ninh hàng hải của các nước láng giềng nhỏ hơn.
Mô tả Ấn Độ là một quốc gia ủng hộ trật tự tự do toàn cầu, Modi tuyên bố “các giải pháp sẽ không thể được tìm ra đằng sau những bức tường bảo hộ, mà phải thay đổi. Điều chúng ta đang tìm kiếm là một sân chơi bình đẳng. Ấn Độ luôn ủng hộ một trật tự toàn cầu cởi mở và ổn định”. Ông nói thêm: “Chúng ta phải chống lại các thế lực cách ly chúng ta. Ấn Độ ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở và toàn diện, nơi tất cả chúng ta cùng theo đuổi đà phát triển và thịnh vượng chung. Khu vực này bao gồm tất cả các quốc gia trên bản đồ địa lý cũng những các nước bên ngoài có quyền lợi tại đây”.
Với sự cẩn trọng trong bảo vệ lập trường cân bằng chiến lược của Ấn Độ, ông đề cao sự “chín chắn và khôn ngoan” đang dẫn dắt mối quan hệ của New Delhi với Bắc Kinh, tán dương “tầm vóc đặc biệt sâu rộng” trong mối quan hệ với Washington, và nhấn mạnh mối quan hệ “đặc biệt và ưu tiên với Moskva”. Bổ sung vào bài phát biểu chính hồi năm ngoái của Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, Modi nhấn mạnh tính trung tâm của các thế lực tầm trung, bao gồm Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là một nhân tố cốt yếu trong trật tự Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới.
Khi đề cập đến một kỷ nguyên mới nơi vị thế lãnh đạo của Mỹ chịu sức ép còn lời cam kết tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc của Trung Quốc bị đặt nghi vấn, ông Modi đã xác nhận một cách hiệu quả một tầm nhìn nơi các thế lực bậc trung, chứ không phải các siêu cường không khoan nhượng, mới là những nhạc trưởng điều phối sự ổn định và thịnh vượng.
Mỹ sắc sảo
Ngược lại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lại áp dụng một giọng điệu sắc sảo hơn trong bài phát biểu của mình, trong đó lặp lại tính trung tâm của đất nước ông trong việc bảo vệ một trật tự dựa trên các quy tắc tại châu Á. Bài diễn văn này của ông được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ đổi tên Bộ Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương thành Bộ Tư lệnh Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong một động thái nhằm công nhận vai trò an ninh đang lên của Ấn Độ trong khu vực. Ông tuyên bố trong bài phát biểu vào ngày thứ hai của hội nghị, nơi tụ hội các quan chức quốc phòng và các nhà bình luận danh tiếng trên khắp thế giới: “Xin đừng quên: Mỹ vẫn duy trì ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là sân khấu ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.
Ông nhắm vào Trung Quốc như một mối đe dọa hàng đầu với cấu trúc an ninh khu vực, đồng thời mô tả Mỹ là một thành phần không thể thiếu đối với trật tự Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Trong khi Modi bàn luận về an ninh hàng hải bằng những ngôn từ mập mờ hơn, chủ yếu nhấn mạnh vào vai trò ngày càng lớn của Ấn Độ trong việc hỗ trợ các nước trong khu vực xử lý các mối lo ngại an ninh phi truyền thống như khủng bố và cướp biển, thì Mattis lại tập trung mạnh mẽ vào các tranh chấp trên Biển Đông. Ông đặt thái độ hung hăng của Trung Quốc lên trên hết và là trọng tâm trong nghị trình của hội nghị thượng đỉnh an ninh năm nay khi biện luận rằng “chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông đang đi ngược lại sự cởi mở mà chiến lược của chúng ta đang xúc tiến. Cần đặt nghi vấn về những mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc”.
Ông chỉ trích “việc Trung Quốc quân sự hóa các thực thể nhân tạo ở Biển Đông” cũng như việc họ “triển khai tên lửa chống tàu, tên lửa đất đối không, các đài nhiễu âm điện tử, và gần đây hơn là việc đưa máy bay ném bom hạ cánh tại Đảo Phú Lâm”. Ông cũng đặt nghi vấn về tuyên bố của Trung Quốc rằng các hành động trên chỉ đơn thuần mang mục đích phòng vệ, mặc dù “việc lắp đặt hệ thống vũ khí này trực tiếp gắn kết với năng lực quân sự phục vụ các mục đích hăm dọa và áp bức”. Ông cũng đồng thời chìa cành ôliu cho cường quốc châu Á, nhắc lại rằng Mỹ sẵn sàng “hỗ trợ các lựa chọn của Trung Quốc nếu họ ủng hộ sự hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả các bên trong khu vực năng động này”.
Tuy nhiên, Mattis đã nhanh chóng quay lại giọng điệu cứng rắn với mô tả về các tuyên bố chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc tại Biển Đông là hậu quả từ sự “đoạn tuyệt sâu sắc” với “các tòa án quốc tế”, gián tiếp ám chỉ vụ Philippines thắng thế trong phiên tòa tại La Haye hồi năm 2016, theo đó tuyên bố các yêu sách về "Đường 9 đoạn" của Trung Quốc là đi ngược lại luật pháp quốc tế hiện hành.
Người đứng đầu ngành quốc phòng Mỹ cũng chính thức xác nhận Chiến dịch Tự do Hàng hải của Mỹ là điều tốt đẹp mang tính quốc tế, giúp bảo vệ “tự do hàng hải cho mọi quốc gia”. Ông cảnh báo rằng việc Trung Quốc tiếp tục áp dụng thái độ hung hăng trên biển chỉ có thể khiến các nước láng giềng nhỏ hơn xa lánh và làm suy yếu nỗ lực trở thành lãnh đạo châu Á của Bắc Kinh. Ông cũng nhấn mạnh việc ủng hộ an ninh và độc lập của Đài Loan, chỉ trích những “nỗ lực đơn phương” của Trung Quốc nhằm “thay đổi nguyên trạng” và cô lập hòn đảo này, vốn bị Trung Quốc coi là một tỉnh phản bội của họ.
Cuối cùng, Mattis kêu gọi một sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trên Bán đảo Triều Tiên, thể hiện rõ rằng Mỹ sẽ không từ bỏ các đồng minh truyền thống và sẽ luôn kiên định trong nỗ lực ngoại giao với Bình Nhưỡng. Trong khi ông Modi tìm cách mở ra một trật tự thời hậu Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi các thế lực tầm trung là những nhân tố trọng tâm, thì ông Mattis vẫn mô tả Mỹ là sức mạnh duy nhất có khả năng kiềm chế những tham vọng theo chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét