Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

6768 - Năm câu hỏi lớn sau cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim

Trần Quang (gt)



Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un thu hút sự quan tâm của toàn thế giới đã diễn ra theo đúng kế hoạch. Cuộc gặp này có thể diễn ra thực sự đã vượt ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Tuy nhiên sau cuộc gặp này, còn nhiều vấn đề cũng được đặt ra.
Ngày 12/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có một cuộc gặp thượng đỉnh song phương tại Singapore. Trước cuộc gặp, các quan chức Mỹ và Triều Tiên đã dành nhiều tuần thảo luận để lên kế hoạch hậu cần và nỗ lực khắc phục những khác biệt đáng kể trong vấn đề quan trọng hàng đầu là phi hạt nhân hóa.
Cuộc gặp thượng đỉnh đã đưa ra một tuyên bố chung được ký kết bởi hai nhà lãnh đạo và cam kết thực hiện 4 điều cơ bản: (1) Mỹ và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên sẽ thiết lập các mối quan hệ mới; (2) Mỹ và Triều Tiên sẽ nỗ lực xây dựng một chế độ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên; (3) Triều Tiên sẽ làm việc hướng tới “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên” và khẳng định lại Tuyên bố Panmunjom ngày 27/4/2018; và (4) Mỹ và Triều Tiên sẽ cam kết khôi phục công cuộc tìm kiếm và đưa hài cốt của tù nhân chiến tranh và binh lính Mỹ mất tích trong hoạt động tại Triều Tiên trở về quê hương.
Trong một cuộc họp báo sau lễ ký kết tuyên bố chung, Tổng thống Trump cũng đơn phương cam kết Mỹ sẽ tạm ngừng các cuộc tập trận quân sự hàng năm giữa Mỹ và Hàn Quốc dựa trên đối thoại đầy “thiện chí” tiếp theo với Triều Tiên. Phát biểu khi vắng mặt Kim Jong-un, Trump cũng tuyên bố thêm rằng các cuộc đàm phán sẽ được tiếp tục giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các quan chức Triều Tiên, và Triều Tiên cũng hứa hẹn sẽ phá hủy một cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa đạn đạo của nước này. Được biết vấn đề nhân quyền cũng sẽ được đưa ra trong các cuộc thảo luận song phương, nhưng tuyên bố chung không đề cập cụ thể đến vấn đề này.
Tổng thống Donald Trump có làm nên lịch sử hay không?
Câu trả lời là có. Không thể phủ nhận cuộc gặp thượng đỉnh này là một sự kiện lịch sử khi Tổng thống Trump trở thành vị tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp mặt trực tiếp một nhà lãnh đạo Triều Tiên. Nhờ đó, ông đã tạo ra cơ hội cho nhà lãnh đạo Triều Tiên “thể hiện” với cộng đồng quốc tế, điều chưa từng tồn tại đối với chế độ ẩn dật này trước đây.
Kim Jong-un đã bày tỏ sự tôn trọng đối với người đồng cấp lớn tuổi của mình bằng cách đến buổi họp sớm hơn và sử dụng ngôn từ tôn trọng của Triều Tiên. Trump đã tiếp đón và bày tỏ cử chỉ như một người chú đối với người cháu trai trẻ tuổi (mặc dù những người chú luôn gặp nguy hiểm với Kim Jong-un!). Những cử chỉ nhỏ này trong hội nghị đã thực sự đạt được những thành quả khiêm tốn trong việc xây dựng lòng tin và xây dựng quan hệ mà một biện pháp ngoại giao thông thường không thể làm được.
Tuy nhiên, không nên quên rằng Kim có lẽ đã làm nên lịch sử hơn là Trump khi ông đạt được mục tiêu mà ông cha mình tìm kiếm từ lâu là gặp gỡ “mặt đối mặt” với siêu cường thế giới. Singapore cũng sẽ được nhớ đến như là nơi diễn ra “bữa tiệc ra mắt” của Kim với tư cách là nhà lãnh đạo đất nước vũ khí hạt nhân non trẻ nhất thế giới. Đây sẽ là câu chuyện được truyền bá tại Triều Tiên.
Liệu chúng ta có an toàn hơn với kết quả của cuộc gặp này hay không?
Không hoàn toàn như vậy. Can dự ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên chắc chắn đặt chúng ta vào một tình thế tốt hơn so với năm ngoái khi Triều Tiên tiến hành 20 vụ thử tên lửa đạn đạo và một vụ nổ bom nhiệt hạch, và Tổng thống Trump đe dọa tung ra “lửa và cơn thịnh nộ” chống lại Triều Tiên nếu nước này gây nguy hiểm cho Mỹ.
Tuyên bố chung sau cuộc gặp thiếu nhiều chi tiết về việc phi hạt nhân hóa. Không có cam kết nào về tuyên bố vũ khí. Cũng không có cam kết nào về việc xác minh. Không có thời gian biểu. Tuyên bố chung Sáu bên năm 2005 còn có nhiều cam kết rõ ràng đối với Triều Tiên hơn (“từ bỏ toàn bộ vũ khí hạt nhân và các chương trình hạt nhân hiện có”) so với những gì đạt được trong văn kiện lần này. Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh cho thấy một cuộc đàm phán ngoại giao sẽ được thiết lập để thực hiện các nhiệm vụ lớn của hai nhà lãnh đạo. Điều này sẽ đảm bảo rằng các hành động khiêu khích có thể gây ra khủng hoảng của Triều Tiên không có khả năng diễn ra, ít nhất là tạm thời. Như dữ liệu từ Dự án Beyond Parallel của CSIS cho thấy, trong 25 năm qua Triều Tiên luôn có khuynh hướng ít thực hiện các hoạt động khiêu khích, chẳng hạn như phóng tên lửa hay thử hạt nhân, khi họ đang trong quá trình đàm phán với Mỹ, dù song phương hay đa phương. Mặc dù không có động thái khiêu khích mang tính vũ lực nào đưa chúng ta ra khỏi con đường khủng hoảng năm 2017, nhưng nó không nhất thiết cho thấy sự suy giảm trong các mức độ đe dọa nói chung, vì việc không thử nghiệm không có nghĩa là nước này đã ngừng phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD). Cho đến khi các thanh sát viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trở lại Triều Tiên trong các hoạt động đình chỉ, niêm phong các tòa nhà và lắp đặt camera giám sát, thì cuộc gặp thượng đỉnh này đã đưa chúng ta ra khỏi con đường khủng hoảng nhưng không nhất thiết khiến chúng ta trở nên an toàn hơn.
Chúng ta tìm kiếm điều gì trong các cuộc đàm phán trong tương lai?
Chúng ta tìm kiếm hai điều: Đà thúc đẩy và kết quả. Hoạt động ngoại giao thường là về đà thúc đẩy – sau cuộc gặp, các cuộc đàm phát phải đưa ra một số kết quả ban đầu hoặc “các thành tựu” để tất cả các bên đặt niềm tin và vốn liếng chính trị vào tiến trình này. Bước quan trọng nhất để khiến tiến trình này khác với những nỗ lực thất bại trước đó là một tuyên bố đầy đủ và hoàn thiện rằng vũ khí hạt nhân, các loại tiền thân vũ khí, cơ sở và chuyên gia của Triều Tiên sẽ được IAEA thẩm tra đầy đủ. Nói một cách thực tế, các cuộc đàm phán không thể đạt được bước tiến trừ phi Mỹ hiểu rằng họ đang đàm phán điều gì trong các vấn đề WMD và tên lửa. Đối với Triều Tiên, họ sẽ tìm kiếm những kết quả ban đầu về việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, cũng như tiến bộ trong việc xác định một con đường dẫn tới các mối quan hệ chính trị hòa bình và bình thường hóa.
Trump gợi ý rằng dấu mốc đầu tiên cho một kết quả có khả năng đạt được sẽ là vào mùa Thu khi ông nói sẽ mời Kim Jong-un đến Nhà Trắng, có lẽ là bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York vào tháng 9.
Đồng thời, Mỹ và các đối tác khu vực khác phải duy trì một mức độ phối hợp mạnh mẽ để xác định các tham số của “củ cà rốt” trong ngoại giao, an ninh và kinh tế nhằm thúc đẩy Triều Tiên. Việc duy trì đà ngoại giao được khởi động trong cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim sẽ là chìa khóa để đạt được nền hòa bình lâu dài trong khu vực.
Các mục tiêu của Triều Tiên trong cuộc gặp thượng đỉnh là gì và họ đã đạt được chúng hay chưa?
Kim Jong-un mong muốn ít nhất 3 điều khi bước vào cuộc gặp với Tổng thống Trump. Ông muốn có tính hợp pháp quốc tế, sự thay đổi hoàn toàn hình ảnh của bản thân ông và đất nước của ông, và một số nhượng bộ đáng kể từ phía Mỹ, chẳng hạn như gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và giảm đe dọa quân sự của Mỹ. Mục tiêu chính của Triều Tiên từ lâu vẫn là được quốc tế công nhận như một nước hạt nhân hợp pháp và chính thức. Đến với cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore, Kim mong muốn đạt được tính hợp pháp toàn cầu và bắt đầu quá trình đàm phán với Chính quyền Trump, từ đó dẫn tới việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt trong khi nhượng bộ ít nhất có thể. Kim đã đạt được thành công các mục tiêu này.
Ông đã đạt được những gì cha ông của ông không thể: diện kiến tổng thống Mỹ mà không phải đánh đổi bất cứ thứ gì. Kim đã đạt được mức độ uy tín quốc tế mà Triều Tiên từ lâu tìm kiếm. Ông đã tới tận Singapore trước cuộc gặp với Trump, thậm chí chụp ảnh selfie, trong khi được đối xử như một ngôi sao nhạc rock ở bất cứ nơi nào ông đến. Những người quay phim Triều Tiên tháp tùng ông, ghi lại mọi động thái nhằm phục vụ cho mục tiêu tuyên truyền trong nước.
Mỗi bước đi trên chặng đường này, Kim đã nỗ lực để vượt qua với tư cách là một nhà lãnh đạo thế giới biết điều và để Triều Tiên được công nhận ngang hàng với Mỹ. Mỹ đã cố gắng theo cách của riêng mình để giúp Triều Tiên trong nỗ lực này, thậm chí quan tâm tới việc đặt quốc kỳ của Triều Tiên bên cạnh quốc kỳ Mỹ như các nhà đàm phán Triều Tiên đã yêu cầu. Tổng thống Trump không ngừng ca ngợi Kim, nói rằng hai người có một “sự gắn kết rất đặc biệt” và gặp Kim là “một vinh hạnh lớn”.
Bốn điểm mà Kim và Trump đã nhất trí đều không mới. Tuyên bố rằng Triều Tiên “cam kết làm việc hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên” là một cụm từ cũ và quen thuộc, vốn được đưa ra vào năm 1992 khi Tuyên bố chung giữa Hàn Quốc và Triều Tiên được ký kết. Sau cuộc gặp, Triều Tiên đã có thể đạt được mức độ hợp pháp quốc tế mà họ tìm kiếm bấy lâu mà không cần cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn, đưa ra một tuyên bố đầy đủ về chương trình vũ khí hạt nhân của họ, hay thậm chí bất kỳ dạng thời gian biểu nào. Tất cả những gì Triều Tiên phải làm là đồng ý với một tuyên bố gồm các quy tắc thể hiện thiện chí, như vậy là đủ đối với Tổng thống Trump.
Trump không chỉ công nhận tính hợp pháp của Kim, ông còn nhất trí tạm dừng các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn. Làm vậy, ông dường như đã khiến cả Chính phủ Hàn Quốc và bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Hàn Quốc bị bất ngờ. Việc ngừng các cuộc tập trận chung là mục tiêu trong dài hạn của Triều Tiên và Trung Quốc. Trump đã biến nó thành sự thật trong khi chẳng đổi lại được điều gì ngoài sự chung chung quen thuộc mà Triều Tiên đã đưa ra kể từ đầu những năm 1990.
Tất cả những thách thức lớn với Triều Tiên vẫn còn nằm ở phía trước. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo hiện sẽ phải đảm nhận kiểu các cuộc đàm phán cam go kéo dài nhiều năm với Bình Nhưỡng giống như cựu ngoại trưởng John Kerry đã tiến hành với Tehran. Trump đã chỉ trích thỏa thuận của Obama với Iran là “thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước đến nay”, nhưng hiện ông phải đối mặt với những thách thức thực chất để đạt được nhiều điều như Obama đã làm. Dựa trên những gì đã xảy ra cho đến nay, ngoại giao hạt nhân là một chiến thắng to lớn đối với Triều Tiên.
Tiếp theo là gì?
Mỹ sẽ tóm tắt kết quả cuộc gặp cho các đồng minh và đối tác. Tổng thống Nga Vladimir Putin chắc hẳn cũng sẽ tìm kiếm một cuộc gặp với Kim. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hẳn sẽ tới Bình Nhưỡng để được nghe tóm tắt về cuộc gặp này. Và một cuộc gặp giữa Kim và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng có thể đang được xem xét, cho dù thẳng thắn mà nói, Abe cần cuộc gặp này hơn Kim.
Bất chấp nhiều thiếu sót, cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore đại diện cho sự khởi đầu của một tiến trình ngoại giao sẽ đưa chúng ta ra khỏi bờ vực chiến tranh hạt nhân mà chỉ mới 6 tháng trước chúng ta có khả năng đang tiến gần đến nó. Triều Tiên là mảnh đất của nhiều lựa chọn tồi tệ, và mặc dù kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh Singapore không lớn, nhưng nó cũng đỡ tệ hơn là con đường dẫn tới chiến tranh.
Victor Cha, cố vấn cấp cao và là Giám đốc Chương trình Korea, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ. Sue Mi Terry, chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Chương trình Korea, CSIS. Bài viết được đăng trên CSIS.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét