Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

6721 - Chủ nghĩa Phát xít: CHXH kiểu Trung Quốc và CHXH Quốc gia Đức, cặp bài trùng (Phần 1)

Xưa nay tôi chỉ viết về những gì biết rõ quanh tôi và có dẫn chứng rõ ràng. Nhưng những sự kiện xung quanh các cuộc biểu tình ngày 12.06, các tranh luận về luật An ninh mạng, về 3 đặc khu kinh tế mà trong thực tế đã bắt đầu ra đời từ năm 2016 đang làm tôi lo ngại. Thấu hiểu mối lo của quan chức Việt Nam trước việc đồng bào mình chống lại sự phụ thuộc Trung Quốc, chứng kiến những âm mưu áp dụng các sắc luật phi dân chủ của Trung Quốc vào Việt Nam, tôi thấy phải viết về Chủ nghĩa Phát xít Trung Hoa để nêu bật mối đe dọa.
Trong bài “Bệnh dịch nâu” (the brown pest) đầu năm nay, tôi đã chứng minh Chủ nghĩa Phát xít Hitler bắt nguồn từ ý tưởng xây dựng Chủ nghĩa Xã hội Quốc gia Đức (1933-1945) và tôi coi “Chủ nghĩa Xã hội mang mầu sắc Trung Quốc“ đang là mối đe dọa phát xít mới của nhân loại trong thế kỷ 21.
1- Chủ nghĩa dân tộc cực đoan
Nhiều người Việt chưa biết rằng “Chủ nghĩa Quốc Xã“ chính là “Chủ nghĩa Xã hội Quốc gia” và lực lượng chính trị lãnh đạo cỗ máy giết người lớn nhất trong lịch sử nhân loại này chính là Đảng Công nhân – Quốc gia – Xã hội Chủ nghĩa Đức, (National-Sozialistische Deutsche Arbeiterpartei NSDAP, được gọi tắt là NAZI) một cái tên nghe rất cách mạng và có vẻ thiên tả. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan này được Hitler khơi dậy từ sự nhục nhã của dân Tộc Đức sau khi thua cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918). Nước Đức bị mất nhiều lãnh thổ ở Châu Âu cùng các thuộc địa ở châu Phi, châu Á. Lời hứa hẹn của Hitler khôi phục và mở rộng không gian sống của dân tộc Đức (Deutscher Lebensraum) đã làm mờ mắt hàng chục triệu người Đức.
Đặng Tiểu Bình và các thế hê lãnh đạo đảng CS Trung Quốc, cho đến Tập Cận Bình cũng sử dụng ý tưởng này để làm sống dậy tư tưởng dân tộc của hàng trăm triệu người Hoa sau hơn 100 năm nhục nhã vì mất lãnh thổ, vì làm nô lệ cho các dân tộc khác nhỏ hơn mình rất nhiều. Hình ảnh người thợ khách Trung Hoa bị khinh rẻ, bị hành hạ khắp thế giới trong thế kỷ 19 và 20, hình ảnh mấy chiếc pháo hạm của nước Bồ Đào Nha nhỏ bé đã buộc nhà Thanh phải quỳ gối nhượng cả vùng Mã Cao trù phú, hình ảnh binh lính “Nhật lùn” tàn sát hàng triệu người Hoa cho đến nay vẫn ám ảnh họ.
Hàng trăm triệu người Hoa sống trong nguy cơ nhân mãn trên quê hương bị sa mạc hóa đang mơ đến các không gian sinh tồn mới thông qua những con đường tơ lụa, những thuộc địa ở lục địa đen.
Nếu như Hitler dùng con bài “Nước Đức trên tất cả” (Deutschland über Alles) thì Đặng, Tập đưa chủ thuyết Đại Hán, coi người Hán là dân tộc lớn nhất thế giới, coi Trung Hoa là tâm điểm của vũ trụ để kích động tâm lý dân tộc.
Hitler coi người Đức là giống nòi thượng đẳng và quyết diệt chủng người Roma (người Dzi-Gan), người Do Thái, đồng thời tìm cách đồng hóa người Sorben(1) là các cộng đồng thiểu số sống trong đế chế Đức lúc đó. Toàn bộ kế hoạch này nằm trong âm mưu giữ gìn sự thuần khiết của giống nòi Ariel.
Nước CHND Trung Hoa thành lập tháng 10.1949 được coi là một nước cộng hòa nhiều dân tộc. Nhưng trong thực tế, các dân tộc Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ (ở Tân Cương), Mông Cổ (ở Nội Mông) cùng nhiều sắc dân khác trong khu tự trị dân tộc Choang (ở sát biên giới Việt Nam) đã và đang đàn áp khốc liệt. Chính sách di dân ồ ạt người Hán đã hủy diệt nền văn hóa của các dân tộc này. Mọi cố gắng nhằm bảo vệ nền độc lập và bản sắc của các dân tộc này đều bị dìm trong bể máu.
Người Đức kỷ cương nên mỗi đợt giết người Do Thái đều có lập danh sách, từ đó tính ra con số 6 triệu nạn nhân Do Thái bị giết chết. Nhưng ở Trung Quốc, mọi cuộc hành quyết đều bưng bít. Không có con số nào tiết lộ số người các dân tộc ở 5 khu tự trị bị tàn sát trong 70 năm qua. Người ta chỉ biết được 87.000 người Tây Tạng bị giết riêng trong cuộc nổi dậy năm 1959.
Việc Hitler trước khi giết người Do Thái bắt cởi bỏ hết quần áo tốt, thu hết vàng bạc trang sức, đốt xác xong thì thu lại răng vàng tưởng như sự kinh tởm có một không hai. 70 năm sau Giang Trạch Dân mổ sống những người theo đạo Pháp Luân Công để lấy nội tạng cho các bệnh viện đã trở nên bậc thầy của sự man rợ.
2- Chấn hưng kinh tế
Cả hai: Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Quốc gia Đức NSDAP và đảng Cộng Sản Trung Quốc CPC đều phát động thành công cuộc cách mạng công nghiệp ở hai nước. Khỏi phải bàn, vì đây là hai dân tộc lớn, có đủ tiềm năng kinh tế và văn hóa. Trong suốt thời gian dài, cả hai nước đều đạt tăng trưởng ở mức 2 con số (10% trở lên). Nước Đức phát triển muộn nhất châu Âu vì bị chế độ phong kiến phân quyền thống trị suốt đến cuối thế kỷ 19. Trước chiến tranh thế giới thứ nhất, trình độ công nghiệp Đức còn thua kém cả các nước nhỏ như Tiệp Khắc, Hungary hay Hà-Lan, nhưng đến khi bắt đầu chiến tranh thế giới II, cả trình độ và năng lực công nghiệp Đức đã dẫn đầu châu Âu, trong đó sự phát triển ngoạn mục nhất bắt đầu từ khi Hitler lên cầm quyền. (2)
Đặc biệt cả hai chế độ XHCN này đều coi nền công nghiệp quốc phòng là vũ khí sống còn của chúng.
Nước Đức tuy lớn nhất nhì châu Âu, nhưng về hàng hải lại bị tụt hậu so với các đế quốc có bờ biển dài như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nga, Hà Lan. Thêm những cấm đoán quy định trong hiệp ước Versailles càng làm cho hải quân Đức bị lép vế. Hitler phá bỏ các điều khoản Versailles để xây dựng lực lượng hải quân Đức với khái niệm U-Boot (tầu ngầm) làm kinh hoàng cả thế giới. Hitler đã chú trọng đầu tư vào công nghiệp hàng không, đưa số việc làm trong ngành này từ 4.000 chỗ vào năm 1933 lên 167.000 vào năm 1939. Kết quả là năm 1941, không quân Đức với các loại máy bay Junkers và Meserschmidt đã đè bẹp tất cả các máy bay của Đồng minh.
Sau cuộc xâm lăng Việt Nam 1979, Đặng Tiểu Bình nhận ra rằng, Quân Giải Phóng Nhân dân TQ chỉ là một biển bia thịt cho một đội quân cỡ trung bình như bộ đội Việt Nam đi dép cao su, đội nón cối. Từ đó đến nay, những cố gắng hiện đại hóa bằng mọi giá từ họ Đặng đến họ Tập đã tạo ra móng vuốt đáng kể cho một đế quốc mới.
Tuy còn một khoảng cách nữa mới với đến trình độ khoa học quân sự của Mỹ, Nga và Tây Âu, nhưng với sự ngông cuồng của đám đông quần chúng chưa biết quý mạng người, lãnh đạo TQ dễ phát động và tổ chức các cuộc chiến hơn các cường quốc khác. Được hưởng lợi từ sự nhu nhược, hèn kém của các nước trong vùng, trong đó có Việt Nam và Philippines, Trung Quốc đang bù lại các tụt hậu về hải quân bằng các hòn đảo bồi đắp.
Nếu nói Trung Quốc là nước xã hội chủ nghĩa thì những người thiếu hiểu biết nhất cũng tin, mặc dù còn xa Trung Quốc mới đạt các tiêu chí CHXH mà F. Engel đã định nghĩa. Nhưng nếu nói chế độ Đức Quốc xã là XHCN thì kể cả nhiều trí thức cũng không chấp nhận. Đó chính là mâu thuẫn chết người.
Ở Đức quốc xã năm xưa và Trung Quốc hôm nay, nền kinh tế chủ yếu nằm trong tay các tập đoàn tư bản cá mập và nền chính trị nằm gọn trong tay một đảng cầm quyền duy nhất. Hai thế lực này cấu kết với nhau để đàn áp mọi tư tưởng, tôn giáo, văn hóa không nhằm phục vụ quyền lợi của chúng.
Hitler phất ngọn cờ XHCN quốc gia ở chỗ dùng lợi nhuận từ kinh tế và bóc lột thuộc địa để nâng cao đáng kể mức sống của nhân dân Đức và tạo ra cân bằng xã hội. Phúc lợi xã hội miễn phí của Đức quốc xã, từ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao… là có một không hai thời đó. Có thể nói, trừ các dân tộc thiểu số nói trên và lực lượng chống đối bị đàn áp, hơn 100 triệu người Đức được hưởng lợi về vật chất rất nhiều nhờ chế độ XHCN quốc gia của Hitler. Sự chênh lệch giàu nghèo ở Đức hồi đó rất nhỏ vì không có khái niệm người Đức nghèo.
Trung Quốc sau 40 năm hiện đại hóa đã nâng cao đáng kể mức sống của người dân. Trong số 1,4 tỷ người có khoảng hơn 100 triệu người có mức sống ngang với châu Âu và khoảng 400 triệu người có mức sống được coi là khá, hưởng đầy đủ mọi phúc lợi xã hội. Nhưng còn gần 1 tỷ công dân Trung Quốc vẫn sống trong kinh tế eo hẹp và không được hưởng đầy đủ các phúc lợi xã hội như 500 triệu kia, trong đó có 80 triệu người nghèo đói thực sự. Chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc đang là vấn đề gay gắt có tính bùng nổ (3)
Như vậy phải nói rằng nước Đức phát xít của Hitler còn XHCN hơn nhiều lần chế độ mà từ Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình liên tục xây dựng. Vậy ai muốn học tập Trung Quốc để xây dựng CNXH thì nên cân nhắc.
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét