Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

6687 - Phật pháp xã hội chủ nghĩa và lòng tin thí sinh

Giang Nam


Mùa thi tú tài và đại học 2018 bắt đầu sáng nay với 925 000 thí sinh.

Những học sinh 12 không hiểu gì về Phật học, họ đi cầu nguyện chẳng cần có một đức tin. Họ chỉ có một cầu mong thực dụng là thi đỗ. Ít nhất họ coi đó là một hoạt động “ngoại khoá” thư giãn tinh thần. Trong lịch sử phật giáo Việt Nam chưa từng có hoà thượng và nhà chùa nào tổ chức cầu nguyện cho thí sinh đi thi. 

Không kể số lượng người đi chùa cầu xin đức Phật từ bi diệt trừ bệnh tật. Dân chúng thiếu lòng tin vào bệnh viện nhà nước. Mặt khác phí chữa bệnh ngày càng cao, khả năng kinh tế không thể chỉ trả dù có mua bảo hiểm y tế.


Không kể số lượng người đi cầu Phật cho làm ăn may mắn, “vay tiền của Phật” hứa trả sau.

Có được bao người đi chùa với tấm lòng trong sáng của một Phật tử thuần tuý, thấm nhuần triết lý sống của nhà phật.

Nhân mùa thi đang bắt đầu, nhớ lại chuyện xưa đạo Phật giáo đã giáo dục thí sinh ra sao..

Có câu chuyện “giấc mộng hoàng lương” được truyền với các dị bản. Một thí sinh khăn gói lên kinh thành dự thi với giấc mộng công danh. Ghé vào một nhà chùa xin tá túc một đêm (có dị bản kể thí sinh ghé vào một quán ăn kiêm nhà trọ), nhà sư nấu một nồi kê vàng (chữ nho gọi là: hoàng lương). Trong khi nằm chờ đợi, thí sinh thiếp đi vào một giấc ngủ đầy mộng mị. Thí sinh thi đỗ, làm quan lớn, vinh qui bái tổ tưng bừng, cuộc sống đổi thay… Chợt tỉnh dậy, nhìn thấy nồi cháo kê vẫn chưa chín. Anh này tỉnh ngộ, suy ngẫm về triết lý hạnh phúc cuộc đời, bèn cuốn khăn gói hành lý quay về nhà đi học nghề.

Những nhà sư thời Lý Trần thể hiện lòng yêu nước bằng cách làm tư vấn cho nhà vua cai trị đất nước. Họ còn sáng tác những bài kệ coi như những bài thơ ngụ ngôn để răn đời. Có cả một dòng văn chương phật giáo hình thành đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong lịch sử văn học dân tộc Việt.

Những nhà sư chân chính không làm cái việc gieo rắc mê tín cho phật tử để trục lợi. Hoặc không chiều theo mê tín dân gian mà kiếm lợi dù chỉ là thu lấy ảnh hưởng hoằng pháp theo những cách vô lối.

Ở các tỉnh phiá bắc, có vẻ thí sinh và phụ huynh khao khát thi đỗ bằng mọi giá cao hơn phía Nam. 

Suốt từ Tết đến nay, phụ huynh và học sinh bắt đầu khởi động và gia tăng hoạt động “cúng bái, cầu xin thi đỗ”.

Chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội), trong những ngày đầu xuân lúc nào cũng đông nghìn nghịt người. Sân chùa không đủ chứa xe, người dân quanh đó “khoanh vùng” luôn một dãy phố Tây Sơn, trưng biển trông giữ xe máy dài cả cây số.

Ngày rằm tháng Giêng, tại ngôi chùa này có rất đông người dân xếp hàng làm lễ. Với khuôn mặt mệt mỏi, mồ hôi nhễ nhại vì chen lấn, chị Nguyễn Thị Hoa (sinh năm Quý Sửu 1973) đi giải sao cho chồng (sinh năm Tân Hợi 1971) tâm sự: “Tôi xem sách tử vi thấy nói chồng năm nay mang sao xấu nên phải đi đến chùa làm lễ giải hạn là để giảm bớt vận hạn. Nhà neo người lại có con nhỏ nên chồng ở nhà trông cháu còn tôi đi một mình. Do lượng người đông đúc quá nên tôi phải xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ mới làm lễ xong”.

Thầy cúng thành người môi giới “hối lộ”. Nhà chùa làm ngơ, bởi vì họ đã ngồi chung một con thuyền.

Theo ghi nhận của PV (Zing.vn), tại chùa Một Cột ước tính có hàng nghìn người tìm đến làm lễ cúng sao giải hạn. Thời tiết Thủ đô khá lạnh nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng đứng từ ngoài đường đến cổng chùa để khấn vái, cầu nguyện. Lực lượng cảnh sát đã được huy động đến đảm bảo trật tự trên các tuyến phố.

Tại đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc cũng tấp nập phật tử thập phương đến lễ bái. Rất khó tìm một chỗ đứng trong chính điện để làm lễ.

Dòng người đến dự lễ dâng sao giải hạn đứng tràn cả ra đường, nhà chùa làm lễ phải bắc loa ra đường để các thân chủ nghe được thầy chủ lễ xướng tên mình và tên thân nhân trong danh sách dài dằng dặc. Có người chờ lâu quá, ngủ gật, xướng đến tên mình không nghe, sau lễ, thắc mắc ầm ĩ.

Một buổi lễ cúng sao, giải hạn.
Tại nhiều chùa chiền, các cô đồng, thầy cúng còn bán cho các đệ tử những cuốn lịch tra cứu tử vi, bói toán cũng như hướng dẫn thể thức hành lễ cúng sao giải hạn với những tai ương/ điềm lành mà các sao soi chiếu. Và dĩ nhiên, những tai ương đều có thể tan đi nếu chịu khó cúng sao giải hạn.

Ngoài lễ vật, các thân chủ phải bỏ tiền, “chùa vắng” thì vài chục nghìn đồng, “chùa đông” phải mất đến hàng trăm nghìn đồng. Mà nhà chùa không làm lễ cúng sao cho 1 người, đã làm là cúng cho cả trăm tín chủ. Còn muốn mời thầy đến nhà làm lễ thì cực khó.

Qua trò chuyện với PV, những người làm lễ cúng sao giải hạn bày tỏ rằng họ chấp nhận bỏ ra một khoản tiền, cúng một ít lễ vật để mua sự bình an, may mắn. Đã có không ít gia đình vì lo sợ “trúng sao xấu” mà tốn hàng chục triệu đồng làm lễ giải hạn.

Thời đại “rực rỡ nhất trong lịch sử” (lời TBT Nguyễn Phú Trọng) người dân sống giữa nhiều nỗi bất an, lòng tin chân lý và công bằng xã hội cứ tiêu mòn dần. Sinh hoạt tôn giáo trở nên “thịnh vượng”, nhất là sinh hoạt Phật giáo. Một tôn giáo mà nhà cầm quyền khá yên tâm, mặc kệ họ muốn làm gì cũng được miễn là đừng tham gia hoạt động chính trị. Mặt khác nữa, nhà cầm quyền tự tin rằng đã nắm được lãnh tụ tinh thần Phật giáo, điều khiển được hội đồng trị sự Phật giáo toàn quốc.

Được biết hoà thượng Thích Nhật Từ đỗ tiến sĩ phật học, khá nổi tiếng trong làng truyền giáo, nhất là ở phía Nam. Trong mọi hoạt động truyền giáo và xã hội, ông rất khéo léo, biết lựa thời cơ để hoạt động. Tôi có tham dự một Hội thảo văn học nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, ông tham gia chủ toạ đoàn, ông cũng tham luận về văn học và Phật giáo, khá uyên bác. 

Tôi ngạc nhiên thấy tin đưa trên mạng, hoà thượng họ Thích đã xuất hành ra miền Bắc tham gia tư vấn mùa thi và nhân dịp hoằng pháp. Nhưng cũng ngạc nhiên vì chưa thấy hoà thượng này lên tiếng cải chính hay công nhận (?). Tôi cũng là phật tử truyền đời, chưa bao giờ phỉ báng đạo Phật, nhưng nhiều khi buộc phải nghi ngờ thái độ dửng dưng của giáo hội về các sự kiện nhà chùa bị chiếm đất, nổi cộm như ngôi chùa cổ Thủ Thiêm bị giải toả mà ông Thích Nhật Từ không hề lên tiếng (?). 




Kết

Ở Việt Nam thời XHCN, theo nguyên lý Mác Lê Nin, nhà cầm quyền không công nhận một tôn giáo nào là quốc giáo. Tuy vậy, họ ngầm ủng hộ Phật giáo theo nguyên tắc “mackeno”. Hoặc nguyên tắc “nước sông không phạm nước giếng”, việc ai nấy làm. Khi lợi dụng Phật giáo được chừng nào hay chừng ấy. Một hoà thượng họ Thích đại biểu quốc hội phát biểu ở nghị trường khuyên Việt Nam nên học tập Bắc Triều Tiên về quân sự hoá và vũ khí hạt nhân. Ổng ấy lại còn ủng hộ “con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc cho dân tộc” (!) Ông chẳng bênh vực lời nào cho phật tử cử tri của ông.

Phải thấy rõ là giáo hội Phật giáo chưa hề có hoạt động nào ủng hộ biểu tình phản đối Trung cộng xâm phạm biển đảo, thảm hoạ Formosa, dân oan mất đất, nạn bạo hành xã hội, bạo hành chính trị… - những hành động trái đạo Phật và trái cả đạo trời. 

Tôi cũng như bao nhiêu phật tử đất nước này rất mong các vị hoà thượng tham gia tích cực các hoạt động nhân quyền, dân chủ, tích cực thực hiện nguyên lý nhà Phật:“mọi chúng sinh đều bình đẳng”. 

Mong các vị không tham gia cổ xuý các hoạt động mê tín, ngu dân vì lợi ích Phật giáo. Điều đó chỉ có lợi cho nhà cầm quyền. Không có lợi cho phật tử Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét