Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

6684 - Vì sao CSVN ‘cấm khẩu’ Thủ Thiêm nhưng lại tung hô đặc khu?

Phạm Chí Dũng

Người dân Thủ Thiêm tố cáo mình bị cướp đất trên báo chí Việt Nam hôm 9 Tháng Năm, 2018, nhưng nay các báo được lệnh “cấm khẩu.” (Hình: Báo Thanh Niên)



Quốc Hội Việt Nam một lần nữa, trong rất nhiều lần, đã chứng tỏ cái năng lực siêu việt của nó: không chỉ hùa theo các nhóm lợi ích để tăng vọt thuế và “bóc lột dân ta đến tận xương tủy,” cơ quan được xem là “đại diện cho dân” này cùng bà Chủ Tịch Nguyễn Thị Kim Ngân còn khiến nước mắt hàng ngàn dân oan Thủ Thiêm – vừa tưởng được xả van để tuôn trào ra ngoài – lại phải trào ngược vào lồng ngực.
‘Cấm khẩu’ và chối bỏ giám sát
“Thắng lợi” lớn nhất và ấn tượng nhất của kỳ họp Quốc Hội Tháng Năm và Tháng Sáu, 2018 chính là bầu không khí châu đầu vào “Luật Bán Nước” (một cách gọi của người dân đối với Dự Luật Đặc Khu) của bà Nguyễn Thị Kim Ngân cùng tuyệt đại đa số “nghị gật,” nhưng lại hoàn toàn “cấm khẩu” về Thủ Thiêm – điểm nóng khiếu nại tố cáo thuộc loại nghiêm trọng nhất quốc gia về giải tỏa, bồi thường và cưỡng chế đất đai cùng cái mùi khắm nồng rất đặc trưng của nhóm quan chức “ăn đất.”
Thậm chí dấu chấm hết của kỳ họp Quốc Hội trên còn bục ra một kết luận bất ngờ và rất đáng nghi ngờ: ban lãnh đạo thường vụ Quốc Hội cho rằng “do nội dung không nằm trong chương trình nên đề nghị của một số đại biểu Quốc Hội về việc giám sát tối cao năm 2019 về tình hình và kết quả thanh tra, điều tra, xử lý, xét xử các vụ vi phạm nghiêm trọng như: AVG, Thủ Thiêm, tập đoàn Mường Thanh, các dự án thua lỗ, đội vốn nhiều… chưa được Quốc Hội bổ sung vào chương trình giám sát năm 2019.”
Kết luận trên là hoàn toàn phản dội với một trong những kiến nghị khẩn thiết của dân oan Thủ Thiêm và cử tri Sài Gòn thông qua đoàn đại biểu Quốc Hội TP.HCM: Quốc Hội Việt Nam và Hội Đồng Nhân Dân TP.HCM phải giám sát thực hiện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Cử tri đề nghị việc thực hiện dự án phải đúng quy định pháp luật, phải công khai, minh bạch. Nếu chính quyền thấy sai thì cần đối thoại với dân, cùng giải quyết và sửa sai, xác định rõ trách nhiệm cũng như xử lý nghiêm các trường hợp làm sai.
Thủ Thiêm là một khu vực được giới bất động sản Sài Gòn xem là cực kỳ đắc địa, là khu “đất vàng” chỉ cách khu trung tâm quận Nhất có ba trăm thước bề rộng mặt sông Sài Gòn. Vào thời điểm công bố đền bù lần đầu tiên cho dân, giá đền bù chỉ từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một thước vuông đất, trong khi giá thị trường khi đó đã lên đến vài ba chục triệu đồng một thước vuông. Còn hiện thời, giá thị trường năm 2018 đã vọt đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi thước vuông đất ở Thủ Thiêm. Với mức giá đó và ứng với khoảng 140 ha đất giải tỏa lố – mà hoàn toàn có thể xem là “giải tỏa ăn cướp,” các doanh nghiệp đầu tư vào khu đô thị Thủ Thiêm và giới quan chức ăn theo có thể thu lời ngay cho riêng tiền chênh lệch đất ít nhất 140 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn $6 tỷ!
Vụ giải tỏa Thủ Thiêm diễn ra trong suốt chiều dài thời gian mà Lê Thanh Hải đảm nhiệm chức vụ chủ tịch TP.HCM (2001-2006) và hai nhiệm kỳ liên tiếp giữ chức bí thư thành ủy TP.HCM (2006-2015).
Lê Thanh Hải lại là quan chức bị dân oan Thủ Thiêm tố cáo ghê gớm nhất về “cướp đất vàng” ở Thủ Thiêm. Vào thời đó, người được xem là “đệ tử ruột” của ông Hải là Tất Thành Cang là bí thư quận 2 đã có nhiều biểu hiện tiếp tay rất đắc lực cho các nhóm lợi ích để cưỡng chế đẩy đuổi dân nghèo Thủ Thiêm ra khỏi mảnh đất duy nhất của họ.
Không chỉ bị Quốc Hội chối bỏ giám sát, vụ việc Thủ Thiêm – với nhiều dấu hiệu tham nhũng và cố ý làm trái còn lớn hơn nhiều vụ AVG – lại đang được chính phủ “kiến tạo” để chìm xuồng.
Kẻ nào muốn Thủ Thiêm chìm xuồng?
Trước kỳ họp Quốc Hội Tháng Năm – Tháng Sáu, 2018, nước mắt dân oan và áp lực quá lớn của dư luận xã hội cùng cái lò lây lất khói của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã buộc đảng bộ và chính quyền TP.HCM không thể nhắm mắt làm ngơ. Thế nhưng, bản báo cáo của chính quyền TP.HCM cho chính phủ về vụ Thủ Thiêm đã hoàn toàn “xù” trách nhiệm.
Bản báo cáo này đã hoàn toàn không giải thích thỏa đáng về những dấu hỏi rất lớn mà dư luận xã hội và báo chí công phẫn nêu ra. Bản báo cáo này cũng không thừa nhận bất kỳ cái sai nào thuộc về trách nhiệm của đảng bộ và chính quyền TP.HCM, mà chỉ thòng một câu “Ủy Ban Nhân Dân thành phố đang xem xét, trao đổi với thanh tra chính phủ để thống nhất hướng xử lý báo cáo thủ tướng chính phủ.”
Như thể “hiệp đồng tác chiến,” cùng thời điểm Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM phát ra báo cáo trên, vào trung tuần Tháng Năm, 2018, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một cuộc họp chính phủ về vụ Thủ Thiêm. Tuy nhiên trong kết luận chỉ đạo của mình, Thủ Tướng Phúc dường như đã cố tình bỏ qua việc làm rõ tính pháp lý của quyết định 367 của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt quy hoạch khu độ thị mới Thủ Thiêm vào năm 1996 và một quyết định bị xem là ký vượt quyền của Phó Chủ Tịch Chính Quyền TP.HCM Nguyễn Văn Đua vào năm 2005 khi “thay thế” quyết định 367 trên. Ông Phúc cũng tỏ thái độ rất lập lờ khi chấp nhận 99% diện tích giải tỏa của chính quyền TP.HCM, tức chấp nhận cả phần ít nhất 140 đất giải tỏa lố mà đã đẩy đuổi cưỡng chế hàng chục ngàn người dân khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ.
Ông Phúc cũng hoàn toàn không đề cập một từ nào về sự biến mất vô cùng khó hiểu của tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt vào năm 1996. Ông Phúc lại chỉ dùng từ “sai sót” đối với trách nhiệm của giới quan chức TP.HCM, trong khi vụ Thủ Thiêm có quá nhiều dấu hiệu của hành vi “cố ý làm trái” và tham nhũng…
Trong suốt kỳ họp Quốc Hội Tháng Năm – Tháng Sáu, 2018, cũng như bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Phúc đã tuyệt đối “cấm khẩu” về vụ Thủ Thiêm.
Nhưng lại bảo vệ Dự Luật Đặc Khu!
Nhưng về dự Luật Đặc Khu thì lại hoàn toàn khác. Không khí của Quốc Hội và chính phủ được cho là “sôi nổi tranh luận” và toàn tâm toàn ý cho dự luật đã khiến nổ ra cuộc tổng biểu tình lên đến hàng trăm ngàn người và lan rộng trên 50% tỉnh thành ở Việt Nam vào ngày Mười Tháng Sáu.
“Giao đất 99 năm không phải mấu chốt của Luật Đặc Khu” – chỉ đến lúc tâm trạng bức xúc của dân chúng lên cao độ, Thủ Tướng Phúc mới lộ hình để thanh minh.
Nhưng trước ngày 10 Tháng Sáu khi không khí giận dữ của dân chúng và trí thức không còn là mỉa mai hay chỉ trích đối với dự luật đặc khu mà đã bùng nổ thành rất nhiều văn thư, bài viết phản bác và phản kháng, đồng thời manh nha một làn sóng biểu tình phản đối dự luật này, ông Phúc lại “tự diễn biến” khi tự thay đổi quan điểm trước đó của mình sang “Sẽ điều chỉnh cho thuê đất đặc khu xuống dưới 99 năm.”
“Một dân tộc yêu nước như thế thì không lo gì mất nước” – Thủ tướng Phúc không quên thòng.
Kể từ thời “Cờ Lờ Mờ Vờ,” Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã tiến một bước dài đến phong cách đa ngôn ngữ và “đa nhân cách” trong hệ thống từ điển tiếng Việt và hồ sơ phân tâm học – bằng vào những gì ông ta bộc lộ liên quan đến cuộc chiến Dự Luật Đặc Khu.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Ngân thì sao?
Dù chưa bao giờ có được một nghị quyết hay thậm chí hé môi một tiếng nói để lên án Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam và bắn giết ngư dân Việt, Quốc Hội Việt Nam lại vừa ghi thành tích với Bộ Chính Trị đảng bằng tuyên bố “lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật.”
Tại phiên bế mạc Quốc Hội vào buổi sáng 15 Tháng Sáu, 2018, tuyên bố trên được dõng dạc phát ra bởi Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi quan chức này “khẳng định Quốc Hội nghiêm khắc lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động, quá khích, gây mất trật tự an ninh xã hội. Đồng thời đề nghị chính phủ xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.”
Nhưng sau khi Dự Luật Đặc Khu bị phản ứng dữ dội, người dân đã phát hiện ra nguồn cơn vì sao Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại nhấn mạnh theo lối áp đặt “Bộ Chính Trị đã quyết định về Luật Đặc Khu rồi…”: vào thời gian hội thảo về chủ trương đặc khu Vân Đồn ở Quảng Ninh, Nguyễn Thị Kim Ngân nằm trong số quan chức VIP tham dự hội thảo này và đã “nhiệt tình vỗ tay” dành cho “Luật Bán Nước”!
Trước khi dự luật trên được tung ra, quan chức Thường Trực Ban Bí Thư Đinh Thế Huynh đã ký một thông báo thay mặt Bộ Chính Trị kết luận về chủ trương “làm” các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, chính thức mở đường cho một khung pháp lý mà sau này bị dư luận xã hội phản ứng quyết liệt vì cho đó là “Luật Bán Nước.”
Đáng chú ý, bản thông báo do Đinh Thế Huynh ký được dựa trên đề xuất của bí thư tỉnh Quảng Ninh – một địa phương giáp biên giới với Trung Quốc – vào thời đó là Phạm Minh Chính.
Có một mẩu chuyện rất đáng mổ xẻ và cần thiết thì “hồi tố” kể cả về sau này: đề xuất của tác giả Phạm Minh Chính đã muốn cho thuê đất đặc khu đến 120 năm chứ không chỉ là 99 năm!
Không biết có phải do “thành tích” đề xuất ý tưởng và cả kế hoạch về xây dựng đặc khu Vân Đồn dành nhiều ưu ái cho nhà đầu tư cùng giới tài phiệt Trung Quốc và lại khá tương thích với ý đồ lấn dần lãnh thổ Việt Nam của Bắc Kinh, ông Chính đã được Tổng Bí Thư Trọng tưởng thưởng và đưa quan chức này vào Bộ Chính Trị Kiêm Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương tại đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016.
Chỉ đến sát kỳ họp Quốc Hội Tháng Năm – Tháng Sáu, 2018, “Luật Bán Nước” mới được công bố một cách chính thức như sự đã rồi. Trước đó, đã không có bất kỳ một động tác nào, dù là nhỏ nhất hoặc chỉ mang tính mị dân, nhắm đến việc thông báo cho dân hoặc lấy ý kiến của dân về dự Luật Đặc khu.
Đã ‘đi đêm’ với nhau?
Trong lúc giới chóp bu và Quốc Hội Việt Nam còn châu đầu vào Dự Luật Đặc Khu cùng tương lai giá đất tăng vọt nếu “Luật Bán Nước” được thông qua, một giả thiết đáng sợ được đặt ra từ khi vụ Thủ Thiêm bùng phát nhưng dường như đang lao nhanh đến hiện thực: phải chăng đã có sự thỏa hiệp, hay nói trắng ra là “đi đêm” giữa các nhóm quyền lực – lợi ích mới với nhóm quyền lực – lợi ích cũ để “chuyển giao lợi ích” và đương nhiên cho chìm xuồng vụ Thủ Thiêm cùng đổ sạch biển nước mắt của dân oan?
Theo giả thiết trên, vào giai đoạn đầu của “chiến dịch, nhóm lợi ích mới sẽ dùng báo chí nhà nước để tổng công kích nhóm lợi ích cũ, gây áp lực ghê gớm để từ đó tiến hành mặc cả. Một khi mặc cả đã có giá, báo chí nhà nước lập tức được chỉ đạo “ngưng sủa.”
Hoặc sau khi đã có kết quả kiểm tra hoặc thanh tra, một thế lực chính trị – lợi ích sẽ lấy kết quả đó để tống tiền và ngã giá với những quan chức sắp bị tống vào “lò.”
Lối thoát duy nhất của những quan chức tham nhũng là phải “ói ra,” tức phải nhả ra nhiều lô đất vàng tại khu vực Thủ Thiêm cho nhóm lợi ích mới với giá cực thấp hoặc “cho không.” Nếu chịu “ói ra,” sẽ chẳng có quan chức “ăn đất” nào phải trả giá, hoặc cùng lắm chỉ bị “cách hết mọi chức vụ trong quá khứ” như một động tác ma mị đối với dân chúng. Và cũng chẳng có đồng tiền bồi thường nào đến tay dân oan, mà tất cả sẽ chui vào túi của những kẻ tống tiền.
Ngày càng lộ diện một “đường dây” từ chính quyền TP.HCM đến chính phủ và móc xích cả với Quốc Hội.
Nếu giả thiết trên biến thành hiện thực, người dân sẽ phải dìm chút hy vọng còn lại vào Nguyễn Phú Trọng xuống tận đáy vực thẳm. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét