Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

6137 - Xảo ngôn loạn đức

Phương Thảo (VNTB)


Ngôn ngữ của quan chức Việt nam liên tục được biến hoá một cách bất ngờ. Bất ngờ đến độ người nghe chỉ biết há hốc miệng ra mà không biết phải khóc hay phải cười. Cười một cách chua chát vì những lời xảo ngôn, trí trá để bao biện những hành vi, sự việc rõ ràng là sai; cười một cách đau xót vì trình độ sử dụng ngôn từ nhầm đánh tráo khái niệm để vặt lông vịt cho bằng hết. 


Muốn khóc vì bất lực khi những kẻ mang danh là quan phụ mẫu, cầm cân nảy mực quyết định vận mệnh quốc gia, dân tộc lại có thể nhuần nhuyễn biến đen thành trắng trong ngôn ngữ. Lời nói trí trá của họ thể hiện việc đạo đức của người làm quan đã thật sự rối loạn.

Đánh tráo khái niệm 

Trong tiếng Anh có những từ chỉ về phí, giá, chi phí rất rạch ròi. 

Fee là phí trả cho quyền sử dụng một dịch vụ ví dụ học phí – tuition fee, hay lệ phí ngân hàng – bank fee.

Costlà chi phí được dùng để sản xuất là một dịch vụ hàng hoá nào đó. Ví dụ như giá nhân công – labor cost, giá nguyên liệu –material cost ...

Giá hay pricelà giá trị của một dịch vụ, hàng hoá bao gồm chi phí và lợi nhuận cho nhà đầu tư. Và giá được tính toán để đảm bảo “bù đắp chi phí và có lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế trong từng thời kỳ.”

Như vậy khi cho sử dụng chữ “ giá” thì mặc nhiên họ đã có thể cho giá lên hay xuống tuỳ theo chi phí bỏ ra. Thật quả là tiện lợi. 

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Thể
Bộ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Văn Thể xứng đáng là “nhà ngôn ngữ của năm” khi đưa ra thuật ngữ vô nghĩa “ thu giá” đồng loạt cho các trạm BOT trên toàn quốc sau khi có các phản ứng mạnh về các trạm thu phí BOT mọc lên như nấm trên toàn quốc. 

Ông Phùng Xuân Nhạ cũng hết sức biết thức thời cho ăn theo chữ “giá” đang rất nóng khi hùng hồn tuyên bố cho thay “học phí” bằng “ Giá dịch vụ đào tạo”. 

Thu theo “Giá” thì giá dịch vụ đào tạo của ông Nhạ thì có thể sinh viên học sinh phải cõng luôn chi phí cho giáo viên, công chức vốn được nhà nước trả lương, chi phí điện nước, chi phí văn phòng phẩm, chi phí xây dựng cơ sở... Và giá cũng sẽ thay đổi theo từng năm, từng học kỳ, từng quý, hay từng tháng vì lạm phát, vì chi phí tăng. 

Ai cứ cười ông Nhạ, ông thể ngô nghê về ngôn ngữ thôi là nhầm. Các ông quan thượng thư ấy khôn ra phết khi biết cách tận thu cho nhà nước. 

Chuyện lớn hoá nhỏ bằng trí trá ngôn từ 

Ngày 22 tháng 5, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm chống ngập TP) đã tuyên bố với báo chí rằng “ngoài 10 tuyến ngập sâu thì 22 tuyến đường trên chỉ…'tụ nước' ”. Từ tụ nước được chế ra để chỉ cho khu vực có mặt đường có nước tụ lại thấp hơn 10cm mà theo ông Long đã có trong văn bản số 338/BXD - KTQH của Bộ Xây dựng.

Thật nực cười từ ngữ mới lạ được đưa ra nhằm làm cho vấn đề bớt nghiêm trọng, giảm đi tính nghiêm trọng của việc ngập nước mỗi khi có một trận mưa lớn ở Sài gòn. Họ đã tự “dễ dãi hoá” và “đơn giản hoá” công việc mà dân chúng đang phải còng lưng đóng thuế trả lương cho họ. 

Ông phó Chủ tịch UBND Thành phố đã nói “ ngập thì nói là ngập, không nói tụ nước.” Nên sau đó cũng may là quan chức ở sở này còn biết rút lại lời mà không giải thích vòng vo hơn nữa để làm trò cười cho thiên hạ khi như khi quan chức ngoài trung ương giải thích chữ giá. 


Cục Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 26 tháng 5 cũng đã phát minh cụm từ “ bay chưa đúng giờ”. Cục phó Võ Huy Cường, cho biết nhằm hướng tới mục tiêu để các dịch vụ hậu cần kỹ thuật ngày càng phục vụ hành khách tốt hơn, hướng tới các chuyến bay đúng giờ (on-time performance), Cục không dùng cụm từ "chậm, huỷ chuyến" (delay, cancel) nữa.

Ông Cường biết rằng dù bản chất không thay đổi, và để cho phù hợp với xu thế của thế giới, cũng như bớt u ám nên mới phải thay đổi thuật ngữ. Chẳng hiểu xu hướng thế giới là gì trong khi từ Âu sang Á hay từ Phi tới Mỹ Latin họ vẫn chỉ dùng hai chữ Delay và Cancel cho các chuyến bay trễ hay bị huỷ không đúng như lịch trình. 

Bay trễ vẫn là trễ, huỷ chuyến vẫn là huỷ chuyến vì bản chất không thay đổi được. Vậy mà tới giờ vẫn không có ông quan nào lên tiếng về việc thay đổi thuật ngữ nhằm mục đích giảm nhẹ bản chất và lừa dối tình trạng chuyến bay với người dân của hãng Hàng không quốc gia “ bay chưa đúng giờ”.

Xảo ngôn 

Ngày 26 tháng 5, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khi nói về thuế tài sản trước Quốc Hội đã cho biết “sẽ nghiên cứu theo hướng tạo công bằng xã hội, trên cơ sở quản lý xã hội, định hướng thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch tài sản, đảm bảo công tác phòng chống tham nhũng; mục tiêu tăng thu ngân sách là mục tiêu thứ yếu”.

Tới đây thì mức độ xảo ngôn đã đạt đến đỉnh. Muốn thu thuế từ người dân sở hữu căn nhà giá 700 triệu trở đi để chống tham nhũng hàng ngàn tỷ thì chống bằng cách nào khi ngân sách đang mục ruỗng, nợ công đã ở mức báo động, quỹ bảo hiểm cũng đã cháy. Thà cứ thẳng thắn là ngân sách cạn kiệt rồi vì tham nhũng nên cần có tiền để đảo nợ có khi lại còn dễ nghe hơn.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Ngân sách Quốc hội Đinh Văn Nhã trong ngày cuối cùng của tháng 5 khi được hỏi về tính minh bạch của hệ thống ngân sách đã trả lời rất hùng hồn: “Tôi cảm thấy là ngân sách của ta không còn gì là không minh bạch nữa rồi, đã là đỉnh cao của quốc tế, đỉnh cao về minh bạch. Truyền hình trực tiếp buổi thảo luận về dự toán ngân sách nhà nước thì không còn gì là không minh bạch nữa.”


Minh bạch của Việt Nam đã ở đỉnh cao về minh bạch như thế thì làm gì có chuyện tham nhũng để mà chống? Nếu đúng là như thế, thì nhà to, xe kềnh, tài sản khủng chìm nổi đúng thật là do nuôi heo, làm chổi đót, chạy xe ôm mà có. Còn các dự án thất thoát hàng ngàn tỷ, vốn đội lên hàng ngàn lần, hay chỉ số minh bạch của Việt Nam đội sổ thế giới đúng là do lỗi cơ chế hoặc là do phản động nó đưa tin thôi.

Mở đầu cho việc cho nước ngoài thuê đất 99 năm đang được bàn luận trong những ngày cuối tháng 5, từ tháng 4 Thủ tướng kiến tạo đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố khi cho phép lập đặc khu rằng “ bảo đảm trật tự xã hội, không để “cò đất”, xã hội đen mua bán đất lộng hành trên địa bàn.” 

Thật quý hoá quá, thủ tướng đã lo chặn đầu việc cò đất - xã hội đen bất động sản từ khi chưa có đặc khu, còn nhóm lợi ích có thâu tóm đất đai thì sẽ không sao vì đâu có nằm trong nhóm có nguy cơ lộng hành. 

Tại các phiên họp Quốc hội trong cuối tháng 5 và đầu tháng 6 bàn thảo Luật Đặc khu trong đó có điều khoản cho thuê đất 99 năm. Ba điểm trọng yếu từ Bắc tới Nam sẽ được giao cho ngoại bang sử dụng theo mô hình đặc khu của Thâm Quyến dù họ chỉ cho thuê đất có 20-30 năm. Việt Nam chơi sang hơn cho thuê luôn 99 năm. 

Chỉ với một Formosa được thuê đất ở Hà tĩnh với giá bèo trong 70 năm mà chính quyền đã chẳng làm gì được khi họ xả thải, đã vì bênh Formosa mà mạnh tay đàn áp người dân biểu tình phản đối việc huỷ hoại môi trường của nhà đầu tư. Vậy thì khi cho thuê đất tới 99 năm để hình thành đặc khu với cơ quan hành chính riêng thì họ làm gì chính phủ đời thủ tướng nào cũng không thể can thiệp. 

Từ ngữ chuyên môn của nhà nước thống nhất là cho thuê đất 99 năm, nên nếu muốn hiểu cho đúng thì phải hiểu đó là hình thức nhượng địa một cách tự nguyện trong thời gian một thế kỷ. Dân tình, nhân sỹ trí thức có phản đối gì thì đó đã là quyết định của chính phủ, chủ trương của Đảng … Đặc khu sẽ vẫn cứ được hình thành! 


Có xót xa không khi chỉ biết chép miệng như Khổng tử : Xảo ngôn loạn đức”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét