Chứng khoán Việt: game over?
Chỉ trong 1 tuần, từ 22 đến 28 tháng 5 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt chứng kiến cuộc lao dốc điên cuồng của hầu hết cổ phiếu blue chips. Trong phút chốc, bắt đầu từ những mã cổ phiếu trụ cột như VJC và GAS “rơi tự do” đã khởi động cho cơn ác mộng thực sự khi tạo ra hiệu ứng “hòn tuyết lăn”.
Chỉ riêng trong phiên giao dịch ngày 25 tháng 5, VCB giảm 6,19%, CTG giảm 4,39%, BID giảm 6,58%, MBB giảm 3,59%, STB giảm 3,32%, VPB giảm 5,44%, TPB giảm 1,02%, ACB giảm 2,44%, SHB giảm 2,2%. Các mã trụ cột cũng giảm mạnh như VNM giảm 1,19%, MSN giảm 1,18%, PLX giảm 5,56%, SAB giảm 3,62%, ROS giảm 5,99%…
VN index ngay lập tức mất 20% số điểm, bị “thổi bay” khỏi “đỉnh” 1200 điểm và tụt sâu xuống dưới mức “tâm lý” 1000 điểm trong ngày 25 tháng 5. Đà giảm vẫn tiếp tục kéo dài cho đến đầu giờ chiều, thứ 2 của tuần cuối cùng trong “tháng 5 đen tối” khi VN index chỉ còn 939,66 điểm – quay trở lại thời điểm cuối năm 2017.
Dù cho dòng tiền nóng của 3 quĩ ETF là VNM, FTSE và quĩ của VFM cố gắng “truyền dịch” và hãm bớt đà lao dốc cho thị trường đang bước vào giai đoạn suy giảm mạnh trong xu thế “sell in May, go away” của các nhà đầu tư nước ngoài. Song, thật mong manh khi hi vọng dòng tiền này có thể tiếp tục cứu vãn một trận “núi lở” ở thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Việc trồi sụt của thị trường là một điều bình thường, nhưng nếu nhìn vào các yếu tố nội tại và bản chất, đây hoàn toàn không đơn giản chỉ là một cơn “cảm cúm” thông thường.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sau 22 năm phát triển, thu hút sự tham gia ngày một đông đảo khối doanh nghiệp, ngân hàng, các quĩ đầu tư nước ngoài, cùng hàng triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ… với mức vốn hóa trên thị trường ngày một tăng như một xu thế phát triển tất yếu. Tổng vốn hóa thị trường ước đạt khoảng 183 tỷ USD và tương đương với 82% GDP quốc gia.
Thị trường chứng khoán được nhà cầm quyền Việt Nam mong muốn xây dựng trở thành một “kênh đầu tư” quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Chỉ số của VN index cũng là một trong những “tiêu chí phát triển” rất có ý nghĩa trong báo cáo kinh tế xã hội thường kỳ của chính phủ “kiến tạo” thời Nguyễn Xuân Phúc. Song, với bản chất “định hướng xã hội chủ nghĩa”, sự minh bạch ở thị trường này, hoàn toàn là một điều xa xỉ và mức độ can thiệp hành chính vẫn rất quan liêu, tùy tiện.
Thật khó có thể tìm thấy những báo cáo tài chính hay kết quả kinh doanh trung thực của các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán. Có vẻ như thị trường vẫn là một bàn “bầu cua” bạc bịp, bị thao túng dễ dàng bởi một nhóm những “cá mập” và những nhà đầu tư ngoại quốc chơi trò “lướt sóng”, có mục đích thâu tóm, lũng đoạn để kiếm chác hơn là tìm kiếm những giá trị tăng trưởng bền vững.
Năm 2017 là một năm mà chính giới CSVN và các doanh nghiệp, các nhà đầu tư ở thị trường chứng khoán Việt ngất ngây với những mức tăng trưởng thần thánh, liên tiếp lập những “đỉnh cao” và “kỷ lục”, song hành với báo cáo phát triển của nền kinh tế đạt mức tăng trưởng GDP 6.8% – cao nhất thế giới.
Chứng khoán Việt Nam sau “cơn sóng thần” năm 2008, đã cố gắng lê lết từ “nền gạch vụn” 286,85 điểm, trở lại mức 700 điểm phải mất đến 9 năm sau đó (2008-2016). Nhưng chỉ từ năm 2017 tới nay, thị trường này đã tăng hơn 500 điểm, đạt ngưỡng 1200 điểm vào 4.4.2018. Nếu như chỉ nhìn vào những con số, thì quả thực là kinh tế VN không khác gì được bơm doping và đang lên cơn “tăng động”. Thứ doping nào kỳ diệu đến vậy? Xin thưa đó là tiền.
Rất nhiều tiền đã được đổ vào đây và tiền đó từ đâu? Sáu tháng đầu năm 2017, ngân hàng nhà nước bơm 500.000 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm đã bơm thêm tới 700.000 tỷ đồng vào thị trường. Mức “tăng trưởng tín dụng” năm 2017 theo công bố là 22%. Phần lớn trong số đó đổ vào chứng khoán và bất động sản. Năm 2018, chỉ riêng quí 1, ngân hàng nhà nước vẫn tiếp tục bơm ròng hàng chục ngàn tỷ đồng vào thị trường.
Con số thực, tuy không được công bố và thậm chí bị che giấu nhưng rõ ràng các nhà máy in tiền của nhà nước CSVN đang phải hoạt động 120% công suất. Thứ doping này đã làm cho các “bệnh nhân người Việt” trong lĩnh vực BĐS, sau nhiều năm “bất động”, bỗng dưng trở lại thời kỳ hồi xuân phơi phới. Số lượng đầu tư của những nhà đầu tư ngoại thực ra chỉ là “lướt sóng” ở những thị trường mới nổi emerging market, góp phần “màu mỡ riêu cua” để kiếm tiền từ một nền kinh tế bong bóng đang ở giai đoạn “rực rỡ” nhất, trước khi tan vỡ.
Có lẽ thời tươi đẹp không còn nữa. Kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với một thảm họa thực sự trong năm 2018, khi cùng lúc phải đối mặt với “thảm họa kép” cả về chính trị lẫn kinh tế.
Sau nhiều đồn đoán thì cơn ác mộng ở thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ đã trở thành hiện thực. Mức tăng thuế chống phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp ở mức 256,44% với thép cuộn cán nguội sản xuất tại Việt Nam có nguồn gốc nguyên liệu nền xuất xứ từ Trung Quốc chính thức được áp dụng từ ngày 21 tháng 5.
Với quyết định áp thuế này của Mỹ, các tổ hợp thép như Formosa, Thái Nguyên, Hòa Phát, Hoa Sen… có lẽ nên chuẩn bị cho phương án “hậu sự” hoặc tìm kiếm những thị trường thay thế dễ tính hơn để tiêu thụ kho hàng tồn khổng lồ. Đây mới chỉ là khởi đầu “chặng đường đau khổ” cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Các nhãn hàng hóa Trung Quốc, nhưng đóng mác “Made in Việt Nam”, sẽ lần lượt được gọi tên. Sự trả giá cho thói làm ăn “treo đầu dê, bán thịt chó” lâu nay của những doanh nghiệp Việt Nam không có gì đáng phải bàn cãi, nhưng trước mắt, một lượng lớn lao động sẽ thất nghiệp và làm nặng nề thêm áp lực an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, khủng hoảng ngoại giao với người Đức từ cuối năm 2017 cho tới nay đã trở thành trận “cháy rừng” mà rất có khả năng “người đốt rừng” sẽ nhiều khả năng trở thành nạn nhân cuối cùng. Nhưng trước đó, không chỉ là hiệp định thương mại song phương Việt Nam – EU sẽ tan tành mây khói mà vấn đề còn nghiêm trọng hơn nhiều khi Việt Nam đang có khuynh hướng tự mình cô lập bản thân và trở thành một Triều Tiên ở Đông Nam Á, thay vì nỗ lực đáp ứng các giá trị chuẩn mực về hợp tác quốc tế và hội nhập phát triển.
Khuynh hướng chính trị ngày càng dị biệt tới quái thai và mang đậm chất lưu manh đang làm cho Việt Nam xa rời với thế giới văn minh và ngày càng phụ thuộc sâu hơn vào Trung cộng. Chính điều này sẽ tiêu hủy mọi cơ hội phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Dù cho Hà Nội vẫn đang bơm tiền như xả cửa đáy sông Đà vào nền kinh tế, trong báo cáo quĩ 1 năm 2018, “chính phủ kiến tạo” của ông Phúc vẫn hùng hồn tuyên bố các con số tăng trưởng thần thánh như GDP được cho là tăng ở mức 7,38%, xuất khẩu tăng 19%, xuất siêu duy trì ở mức 3,9 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đạt gần 63 tỷ USD và thu ngân sách đạt 33% dự toán… tất cả là một bức tranh màu hồng. Nhưng điều đó thật trái ngược kỳ lạ với thực tế là Việt Nam phải đi vay đến 16 tỷ USD và phải trả tới 11 tỷ USD tiền lãi vay và các khoản vay đáo hạn trong năm nay.
Mức độ cạn kiệt ngoại tệ tới mức mà Truyền Hình Việt Nam (VTV) đã gần như chắc chắn không thể “thu xếp” nổi 8 triệu USD tiền mua bản quyền World cup 2018 trong tháng 6 tới đây và nếu vậy thì Việt Nam cũng là nước duy nhất không thể mua nổi bản quyền World Cup trong khu vực Đông Nam Á sau nhiều năm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam, dù qui mô còn nhỏ, nhưng giá trị vốn hóa thị trường vẫn đang tăng trưởng mạnh chiếm tới 82% GDP quốc gia và đương nhiên có ý nghĩa như một “phong biểu kế” cho nền kinh tế. Nó cũng phản ảnh đầy đủ nhưng yếu tố nội hàm, ẩn sau những “trồi, sụt, thăng, giáng” của thị trường.
Dù cho được bơm thổi tới đâu thì cũng không thể nào là căng đầy một quả bóng rách nát tơi tả. Thị trường chứng khoán Việt, nơi mà các cá mập “tư bản Đỏ” PR, kiếm bộn tiền từ đám đông quần chúng thiếu tri thức nhưng thừa sự tham lam và tâm lý hên xui, sau khi đã ăn no bằng những trò gian lận, thoán đoạn cách đây 10 năm trước, cũng đã không còn mặn mà gì thị trường “rủi nhiều hơn may”, trước những viễn cảnh u ám của nền kinh tế.
Chẳng có gì lạ nếu một ngày nào đó khi ngủ dậy, người ta thấy VN index trở về với “cái máng lợn vỡ” của những năm 2008. Lúc đó, thực sự là game over cho 22 năm nỗ lực xây dựng thị trường chứng khoán Việt và nền kinh tế 4.0 của chính phủ “kiến tạo” Nguyễn Xuân Phúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét