Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

6099 - Trung Quốc bị loại khỏi cuộc tập trận RIMPAC: Nhiều nước vui thầm!

Mai Vân

 Khu trục hạm chở trực thăng JS Hyuga (DDH 181) của Nhật Bản diễu hành trong đội hình 40 tàu nổi và tàu ngầm đại diện cho 13 nước tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2016. Ảnh tư liệu chụp ngày 28/07/2018, trên Thái Bình Dương. uring Rim of the Pacific 2016. US NAVY

Hải quân Mỹ ngày 30/05/2018 chính thức thông báo: Cuộc tập trận hải quân quốc tế RIMPAC 2018 sẽ bắt đầu từ ngày 27/06 đến ngày 02/08 tới đây, với tổng cộng 26 nước tham gia, trong đó có Việt Nam. Trong những ngày qua, sự kiện nổi bật là quyết định của Mỹ thôi không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận lần này để “trừng phạt” Bắc Kinh về tội quân sự hóa Biển Đông. Theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Nicole L. Freiner ngày 26/05 trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat, dù không nói ra, việc RIMPAC cấm cửa Trung Quốc cũng đã khiến nhiều nước hả hê, đặc biệt là Nhật Bản.

Trong bài viết mang tựa đề “Việc Trung Quốc bị trục xuất khỏi RIMPAC có ý nghĩa gì đối với với các đồng minh của Mỹ - What China’s RIMPAC Exclusion Means for US Allies”, tác giả đã nêu bật lý do mà Mỹ đã chính thức đưa ra để hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia RIMPAC 2018: đó là việc Bắc Kinh vẫn tiếp tục tăng cường quân sự hóa Biển Đông.

“Hành vi của Trung Quốc không phù hợp với nguyên tắc và mục tiêu cuộc tập trận RIMPAC”

Bà Freiner đã trích dẫn trung tá Hải Quân Christopher Logan, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Mỹ, xác định rằng việc thôi không mời Trung Quốc tham gia tập trận là phản ứng đầu tiên nhằm chống lại hành động quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành.

Đối với phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ: “Hành vi của Trung Quốc không phù hợp với nguyên tắc và mục tiêu cuộc tập trận RIMPAC”, và ông nêu đích danh hai khu vực Hoàng Sa và Trường Sa là hai nơi Trung Quốc đã triển khai vũ khí và thiết bị quân sự như tên lửa chống hạm và phòng không cùng với các thiết bị gây nhiễu điện tử.

RIMPAC là cuộc thao diễn hải quân lớn nhất thế giới và diễn ra 2 năm một lần, với Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ mà tổng hành dinh đặt tại Honolulu, Hawaii, đóng vai trò chủ đạo. Đây được xem là cơ hội duy nhất để các quốc gia ven Thái Bình Dương hợp tác, thao dợt chung, cùng hoạt động với nhau để giải quyết các vấn đề khó khăn.

Cuộc thao diễn còn được xem như một cách đảm bảo sao cho các tuyến hàng hải đi qua các vùng biển Châu Á có rất nhiều tranh chấp được thông suốt. Cuộc tập trận chung cũng là dịp để phô trương uy lực, tức là cho phép những nước tham gia hiểu được khả năng công nghệ của nhau, một sự kiện có thể có tác dụng răn đe buộc các nước phải suy nghĩ kỹ nếu nuôi dưỡng ý định hung hăng tấn công nước khác.

Cuộc tập trận RIMPAC quy tụ tất cả những cường quốc trong vùng, từ Nhật Bản đến Ấn Độ. Trung Quốc đã tham gia hai lần vào năm 2014 và 2016. Thoạt đầu, việc Trung Quốc cùng tập trận với Mỹ và các cường quốc khác rất được hoan nghênh vì đó được xem như là một bước tiến đến hợp tác.

Trung Quốc từng gây ra sự cố trong cuộc tập trận

Việc Trung Quốc tham gia không phải không đặt ra vấn đề, đặc biệt trong bối cảnh và trong thời gian qua đã có nhiều ý kiến đòi Mỹ chấm dứt việc mời Trung Quốc cùng tập trận do thái độ hung hăng của Trung Quốc đối với hầu như tất cả các nước khác, từ Nhật Bản, cho đến Mỹ, Úc…

Thái độ thiếu hợp tác của Trung Quốc khi tham gia cuộc tập trân RIMPAC cũng đã đặt ra vấn đề.

Theo chuyên gia Freiner, vào năm 2016, Hải Quân Trung Quốc đã tẩy chay Nhật Bản, không cho thủy thủ Nhật Bản lên viếng tàu của mình, cho dù nguyên tắc cuộc diễn tập là tinh thần hợp tác.

Thậm chí, khi tổ chức tiếp tân trên tàu của mình, Hải Quân Trung Quốc cũng không chịu mời các đồng đội Nhật Bản, và chỉ miễn cưỡng mời sau khi bị phía Mỹ công khai chỉ trích.

Tờ báo Nhật Bản Yomiuri Shinbum, số ra ngày 30/05, trong một bài xã luận, đã nhắc lại rằng sở dĩ chính quyền của tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC, đó là vì Washington muốn khuyến khích Trung Quốc đẩy mạnh việc tuân thủ các quy tắc quốc tế và minh bạch hơn trên các vấn đề quân sự.

Thê nhưng cho đến nay, theo tờ báo Nhật Bản, khó có thể nói là hai mục tiêu đó đã đạt được. Trong các đợt tập trận, Trung Quốc vẫn tìm cách thu thập thông tin quân sự của các nước tham gia bằng cách gửi một tàu gián điệp đến các khu vực xung quanh vùng biển nơi diễn ra các cuộc thao diễn, trong lúc các tàu Trung Quốc tham gia tập trận thì chỉ tuân thủ một phần nguyên tắc chung là cung cấp thông tin về tàu chiến.

Quyền tự do hàng hải ở Biển Đông bị Trung Quốc đe dọa

Khu vực đảo mà ông Logan nêu lên là trong những đường hàng hải quan trọng nhất thế giới. Phần lớn những cảng quan trọng nhất thế giới cũng nằm ở trong và chung quanh Biển Đông.

Và như một báo cáo của trung tâm nghiên cứu Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại của Mỹ - Council on Foreign Relations – đã ghi nhận, với thương mại gia tăng giữa các quốc gia ASEAN, việc thương thuyền được qua lại một cách tự do ở vùng biển này mang tầm quan trọng cốt yếu cho các nước trong vùng.

Hành động của Trung Quốc đặt các đường biển này trong thế nguy hiểm. Trường Sa và đảo Phú Lâm nằm ngay sau eo biển Malacca, một con đường hẹp mà hầu như một nửa thương thuyền thế giới đi qua hàng năm. Phần lớn các con tàu đều đi qua vùng Trường Sa để tiếp tục hành trình ở Châu Á. Những tàu đi vào đây chở từ dầu thô, khí lỏng và Nhật là nước đón nhận hàng này vì lệ thuộc vào năng lượng nhập khẩu cũng như Đài Loan và Hàn Quốc.

Các khảo sát về Trường Sa và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông đã phát hiện những mỏ dầu khí ở sâu dưới đáy biển, và việc khai thác cho là sẽ rất tốn kém. Như thế, giối quan sát đánh giá Trung Quốc quân sự hóa và có thái độ hung hăng trong vùng là do tham vọng bá quyền và mở rộng chủ quyền, chứ không phải là kinh tế.

Thái độ đó của Trung Quốc trực tiếp thách thức Nhật Bản, không khác gì đối với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Đài Loan.

Theo nhà nghiên cứu Freiner, quyết định rút lời mời Trung Quốc thao diễn RIMPAC 2018 là một phản ứng có thể dự đoán được do việc Trung Quốc thách thức an ninh chủ quyền của các đồng minh của Mỹ. Nhật đến lúc này chưa có phản ứng chính thức, nhưng Tokyo hưởng lợi trong việc Mỹ xác định quyền tự do hàng hải ở các đường biển Châu Á.

Nhưng không mời Trung Quốc tham gia RIMPAC 2018, trước mắt chỉ là một động thái ngoại giao vì không có một hành động quân sự nào đưa ra và cũng hy vọng rằng biện pháp quân sự sẽ không cần thiết.

Tuy nhiên, do việc phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ đã nói rằng việc không mời Trung Quốc là phản ứng đầu tiên, các nhà quan sát Châu Á đang cho rằng những động thái ‘nhẹ nhàng’ sẽ được nối tiếp bằng những hành động cứng rắn hơn.

Đến khi đó, Hoa Kỳ và các đồng minh Á Châu sẽ phải quyết định họ muốn đi đến đâu để bảo vệ những đường biển quan trọng nhất Châu Á.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét