Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

6675 - Quan điểm ‘ổn định’ của nguyên Phó Bí thư thành ủy Tp. HCM?

Ánh Liên


Bà Phạm Phương Thảo, Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM vừa có một bài bình luận đăng trên báo Tuổi Trẻ với tiêu đề: 'Yêu nước, phải giữ hình ảnh cho thành phố'.

Bà cho biết, với 'tư cách một công dân TP.HCM, điều tôi bức xúc nhất trong những cuộc tụ tập vừa qua là làm tắc nghẽn giao thông.'

'Chúng ta thử nghĩ mà xem giao thông TP mình đang căng thẳng như vậy rồi, người dân quá khổ rồi mà còn tụ tập gây cản trở. Khách vô sân bay không được, chú xe ôm, anh taxi cũng không đón khách được, bà con buôn bán cũng ế hàng vì không ai mua... Ảnh hưởng biết bao nhiêu mà nói.,' Bà Phạm Phương Thảo cho biết.

Thực ra quan điểm bà Phương Thảo không phải không có lý, nhưng có bao giờ bà đặt câu hỏi, tại sao ‘cuộc tụ tập’ lại gây tắc nghẽn giao thông hay không? Đó chính là vì Quốc Hội treo luật biểu tình nhiều năm, và vì không có luật hướng dẫn, nên cuộc tụ tập không cố định ở địa điểm, thời gian và không quản lý những phát sinh ngoài ý muốn.


Vấn đề là, 'cuộc tụ tập' lần này hay nhiều lần khác trước đó đều là những cuộc 'tụ tập' nằm trong quyền hiến định. Nghĩa là: người dân được phép làm, và pháp luật bảo hộ điều đó.

Ý nghĩa phát sinh của 'tụ tập đông người' không phải nhằm gây rối, và thực tế đã chứng minh nó không phải như vậy. Nó mang ý nghĩa ‘biểu đạt, lên tiếng’ liên quan đến nguyện vọng thiết thực của cộng đồng.

Dù vậy, vẫn thừa nhận ‘nghẽn giao thông’ vẫn sẽ có, những tiêu cực phát sinh do 'tụ tập' vẫn có, tuy nhiên, như trong một bài viết trước đó mà tác giả đã chỉ ra, những tiêu cực đó chỉ là ngắn hạn (tuyến tính) – có thể tính toán được, trong khi nếu không phát sinh những ‘tụ tập’ để phản đối chính sách/ chủ trương có hại thì thiệt hại về kinh tế - chính trị trong tương lai còn cao hơn rất nhiều.

Tiếp đó, bà Phương Thảo cho hay: Tôi nghĩ yêu nước thì bày tỏ theo cách xây dựng, ôn hòa, hiệu quả, chứ không phải làm cho TP đang yên lành trở nên căng thẳng, ảnh hưởng đến giao thông, đến sinh hoạt và các hoạt động bình thường của TP.

Thực ra, cuộc biểu tình vừa qua là cuộc biểu tình ôn hòa, xây dựng và hiệu quả cho đến khi lực lượng trị an của thành phố bắt bớ, đánh đập người biểu tình ở trại dã chiến Tao Đàn ngày 17.06. Cách hành xử này khiến cho bản thân lòng yêu nước bị ứng xử một cách thô kệch, mà nhiều người khác nhận định rằng, đó là 'khủng bố lòng yêu nước'. Do vậy, cách để bày tỏ ‘xây dựng, ôn hòa, hiệu quả hơn’ là đốc thúc Quốc Hội sớm ra Luật biểu tình; và trong khi luật chưa ra đời, thì để bảo đảm quyền hiến định, chính quyền thành phố HCM có thể hướng dẫn bà con biểu tình đi qua các địa điểm đã định, phân luồng giao thông,… Chứ không phải vì ‘nghẽn giao thông’ mà đổ thừa đó là thiếu tinh thần xây dựng, hay ôn hòa.

Thậm chí nếu nói về tính ôn hòa và xây dựng, thì trước khi người dân bước chân xuống đường, đã có hàng loạt bài viết, kiến nghị yêu cầu dừng thông qua luật đặc khu, luật về an ninh mạng với nhiều lý lẽ khác nhau. Nhưng đáp lại thì sao, chính quyền đã thờ ơ đến mức lãnh đạm, đặc biệt qua câu nói của bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân: 'Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật'.

Như vậy, biểu tình là phương thức biểu đạt ý kiến kế tiếp để chính quyền nhận thấy quan điểm trong dân như thế nào, và bản thân nó là hành vi thúc đẩy tính xây dựng, chỉ khi coi nó là phạm pháp, thì khi đó mới có cách nhìn méo mó về nó.

Tiếp đó, việc bà Thảo cho rằng việc tụ tập đông người 'làm cho Tp đang yên lành trở nên căng thẳng'. Quan điểm này đáng lý ra bà phải phê phán lực lượng công an thành phố, lực lượng đã biến cuộc biểu tình thành máu và nước mắt; phê phán ĐBQH và Quốc Hội - trong đó có chính bản thân bà đã không thúc đẩy ra Luật Biểu tình.

Ngoài ra, bà Phó bí thư thành ủy nên tự phê phán chính mình, bởi bà không dám đối diện đó là cuộc biểu tình mà coi đấy là 'tụ tập đông người'; bà vận dụng suy nghĩ thành phố 'yên lành' tức là thành phố không có biểu tình, và từ đó coi biểu tình như một hoạt động xấu cần loại bỏ, nghĩa là bà đi ngược lại tinh thân hiến pháp và những gì mà một nhà nước pháp quyền cần có. Nó không khác gì quan điểm: nghèo mà yên bình còn hơn giàu mà bất an – vốn được cho ru ngủ con người trong sự im lặng, phục tùng và thui chột ý chí.

Trở lại với bà Phương Thảo, mặc dù không có hàm ý xúc phạm, tuy nhiên, có cảm giác bà là một 'sản phẩm của một văn hóa (chính trị) có phần kham khổ', mà trong một cuốn sách của tác giả Đặng Hoàng Giang đã dẫn lời của Oscar Lewis và chỉ ra rằng, văn hóa kham khổ ‘có rất ít ý thức về lịch sử. Họ là những người bên lề, chỉ biết tới những vật lộn của bản thân, chỉ biết được hoàn cảnh của địa phương họ, thế giới hẹp của họ, cách sống riêng của họ.’

Góc nhìn hạn hẹp của bà Phương Thảo về cuộc biểu tình, từ cụm từ bà miêu tả nó (tụ tập đông người) đến tác động của nó đã phần nào cho thấy điều đó.

Facebooker Phan Hưng có lý khi bày tỏ, muốn mọi chuyện như cách bà Thảo đưa ra thì 'rất đơn giản'. Đó là, 'chính quyền đừng làm bậy, ví dụ như không ra luật đặc khu để cho "quốc gia có chung đường biên giới với tỉnh Quảng Ninh" thuê đất 99 năm, không ra luật an ninh mạng "để bảo vệ chế độ này" thì người dân Việt Nam hiền hòa cam chịu xuống đường làm gì?!'. Bản thân Facebooker này 'không ngạc nhiên' trước quan điểm của nguyên Phó Bí thư thành ủy Tp. HCM.


'Tôi không ngạc nhiên với phát biểu của bà cựu quan chức này vì theo mô tuýp thông thường, chính quyền cộng sản Việt Nam luôn có xu hướng đổ lỗi cho dân, trong mọi trường hợp!'.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét