Lãnh đạo và người dân Trung Quốc
không tin vào một thế giới có luật lệ theo trật tự mà Mỹ và các nước phương Tây
dựng lên, nên họ quyết tâm thách thức các luật lệ quốc tế ở Biển Đông và họ có
thể bành trướng được như ngày hôm nay một phần cũng là do sự thất bại của Mỹ và
các nước đồng minh châu Á trong việc lập một liên minh đoàn kết để cân bằng sự ảnh
hưởng của Bắc Kinh, một nhà báo Anh theo dõi thời sự quốc tế nhận định.
Nhà báo Humphrey Hawksley, phóng
viên thời sự quốc tế của hãng truyền thông BBC đã đưa ra nhận định trên tại buổi
ra mắt cuốn sách mới của ông có tựa đề ‘Asian Waters – the Struggle Over the
South China Sea and the Strategy of Chinese Expansion’ tại Viện Nghiên cứu Chiến
lược Quốc tế CSIS tại Washington, Mỹ, hôm thứ Sáu ngày 22/6. Những nhận định
trên nằm trong phần trình bày tóm lược về nội dung cuốn sách mới của ông.
‘Nỗi nhục trăm năm’
Trước hết, lãnh đạo và người dân
Trung Quốc không tin vào trật tự thế giới dựa trên luật pháp bởi vì những bài học
lịch sử mà họ đã trải qua và thấm thía trong cái mà họ gọi là ‘Bách Niên Quốc Sỉ’
(Nỗi nhục Trăm năm) mà bản thân nhà báo Hawksley đã nhìn nhận được trong thời
gian ông đến Trung Quốc.
Từ sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm
quyền vào năm 2012, lập luận tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chuyển
từ quan niệm ‘người chiến thắng’ – tức Đảng Cộng sản là lực lượng đã đưa Trung
Quốc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trước các ‘lực lượng đế quốc’ –
sang quan niệm ‘kẻ bị chèn ép’ – tức đất nước và dân tộc Trung Hoa là nạn nhân
bị các cường quốc phương Tây bóc lột và chèn ép trong suốt quá trình lịch sử
trên một trăm năm.
Bản thân ông Tập ngay sau khi lên
cầm quyền năm 2012 trong một hành động mang tính biểu tượng cao đã đi thăm một
cuộc triển lãm có tên là ‘Bách Niên Quốc Sỉ’ ở Bắc Kinh để gợi nhớ đến thời kỳ
hơn một trăm năm Trung Quốc bị các nước phương Tây sỉ nhục kể từ cuộc chiến
tranh nha phiến đầu tiên với Anh quốc vào năm 1839 cho đến khi Nhà nước Cộng
hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời vào năm 1949.
Từ ‘nỗi nhục trăm năm’ đó, ông Tập
đã đề ra khẩu hiệu 'Trung Hoa Mộng’ để đưa tới ‘sự phục hưng vĩ đại của dân tộc
Trung Hoa’. Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi năm ngoái đã đề ra
‘Bách niên Mục tiêu’ (Mục tiêu Trăm năm) để xây dựng đất nước họ thành một quốc
gia hùng cường vào năm 2049 – tức tròn một trăm năm Nhà nước Trung Hoa mới ra đời.
“Suy nghĩ về ‘Nỗi nhục Trăm năm’
ăn sâu trong đầu óc của người dân Trung Quốc từ khi mới sinh ra cho đến khi học
đại học vì nó là một nội dung nổi bật được giảng dạy trong chương trình đại học,”
ông Hawksley cho biết. “Nó cũng là câu chuyện được nhắc đến nhiều trên bàn ăn tối
của người dân Trung Quốc.”
Ông Hawksley kể rằng ông đã đến
thăm Bảo tàng về ‘Bách niên Quốc sỉ’ này ở Bắc Kinh và ông đã tranh luận với
người dân ở đó về trật tự thế giới dựa trên pháp trị.
“Đó là điều tốt nếu anh có thể tận
dụng điều đó để làm cho anh giàu mạnh,” ông kể lại lập luận của một người dân
Trung Quốc mà ông đã trò chuyện với, “Nhưng đừng nói với họ là những luật lệ đó
là công bằng và bình đẳng.”
“Họ không tin vào điều đó đâu. Họ
sẽ lấy những gì họ có thể.”
Ông kể một người dân Trung Quốc
khác đã có cách ví von như sau: “Hãy tưởng tượng: giả sử như nước Mỹ trải qua một
giai đoạn dễ bị tổn thương; không có nhà lãnh đạo đáng tin tưởng; xã hội loạn lạc;
người dân không biết chắc đất nước mình sẽ đi về đâu. Vào lúc đó, một băng đảng
buôn ma túy ở Mexico từ phía Nam tấn công lên phía bắc và yêu cầu nước Mỹ phải
mở cửa các tiểu bang như New Mexico, Arizona và California để họ có thể tự do
bán ma túy. Họ buộc nước Mỹ yếu ớt phải ký hiệp ước với họ và nói rằng ‘Hãy
nhìn xem: đây là trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Anh phải biết tôn trọng
nó’.”
“Đó là điều đang được giảng dạy ở
các trường học và trường đại học ở Trung Quốc,” ông Hawksley nói.
Do đó, ông cho rằng phương Tây cần
hiểu tâm tư của người dân Trung Quốc để có cách giải quyết quan ngại này theo
cái cách mà ‘chúng ta đã không làm để có thể nắm bắt được suy nghĩ của Saddam
Hussein và người dân Iraq’.
Ông Hawksley nói rằng mặc dù các
tranh chấp lãnh thổ diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới nhưng vấn đề chính ở Biển
Đông là trật tự quốc tế dựa trên luật pháp đã không bị tôn trọng, luật pháp quốc
tế đã bị vi phạm.
Do đó, một trong những nội dung
chính của cuốn sách của ông là giải thích rằng tình hình trên Biển Đông là ‘về
trật tự dựa trên luật pháp và pháp trị’.
“Nếu chúng ta từ bỏ những giá trị
mà chúng ta đã chiến đấu để dựng nên, nếu chúng ta để cho một chính phủ hùng mạnh
và chuyên chế gặm nhấm dần dần (Biển Đông) thì họ sẽ giành được các đồng minh ở
châu Á, họ sẽ lôi kéo những quốc gia yếu ở châu Phi, châu Âu về phía họ,” ông
nói.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng vấn
đề đối với những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông không làm cho các nước
phương Tây cảm thấy nhu cầu phải có hành động mạnh mẽ là ‘không có ai sinh sống
ngoài đó cả’.
“Anh không có bức tranh như những
gì anh nhìn thấy ở Syria (nơi luật lệ quốc tế cũng bị xâm phạm với việc Tổng thống
Bashar al Assad bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học giết hại dân thường) vốn khiến
chúng ta nhận thấy rằng chúng ta phải làm điều gì đó,” ông nói và cho biết ông
muốn góp phần nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách về các tranh
chấp trên Biển Đông.
Trung Quốc đang dần chiếm ưu thế?
Nhà báo Hawksley cũng nhận định rằng
ở vùng đông nam Á trong vòng 5, 6 năm qua Trung Quốc ‘đã có được ảnh hưởng rất
lớn’ và ‘đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc đã gia tăng’.
Ông cho rằng Trung Quốc có thể
xây dựng các căn cứ quân sự trên Biển Đông là do ‘Mỹ và liên minh thống nhất của
châu Á đã thất bại trong việc ngăn chặn sức ảnh hưởng của Trung Quốc’.
“Điều này đã khiến cho một số
lãnh đạo châu Á thực dụng đặt dấu hỏi tương lai đất nước họ sẽ đi về đâu,” ông
cho biết. “Khoảng 3,4 năm trước khi tôi nói chuyện với các chính phủ đông nam Á
thì họ vẫn luôn nói rằng chúng tôi không muốn bị yêu cầu phải chọn đi theo bên
nào như đã từng xảy ra trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng giờ đây ngày càng có nhiều
chính phủ trong khu vực đã xây dựng kế hoạch B vì họ biết rằng mọi việc đang diễn
ra theo chiều hướng đó.”
“Tất cả các chính phủ trong khu vực
đều có kinh nghiệm về việc những gì sẽ xảy đến với họ nếu họ làm cho Bắc Kinh
phật lòng và nếu họ làm như những gì Bắc Kinh muốn thì họ sẽ được tưởng thưởng
như thế nào,” ông cho biết
Một ví dụ mà ông đưa ra là ở Việt
Nam, nơi ông đến thăm Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự lần đầu tiên vào đầu những
năm 80, ông đã nhìn thấy những khí tài của người Pháp, người Mỹ, người Trung Quốc
xếp chồng lên nhau để chứng tỏ rằng ‘đây là một đất nước đã từng chiến đấu với
ba ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và khiến họ phải ôm đầu
máu’.
“Giờ đây, nếu anh tới đó anh sẽ
không còn thấy phương tiện vận tải quân sự nào của Trung Quốc được trưng bày ở
đó nữa. Họ (Việt Nam) muốn xoa dịu Trung Quốc bằng cách đó,” ông nói, mặc dù
ông cũng cho biết những trận đánh cổ xưa như trận Bạch Đằng năm 938 vẫn được
trưng bày và so sánh việc này với việc các bảo tàng ở Anh Quốc trưng bày về cuộc
xâm lược của người Norman từ Pháp vào năm 1066 nhưng lại ‘không có gì về hai cuộc
Thế chiến’.
Liên minh không vững?
Đề cập đến diễn biến gần đây là
chính quyền Tổng thống Donald Trump của Mỹ đưa ra chiến lược ‘Ấn Độ - Thái Bình
Dương mở và tự do’ để thay thế cho chiến lược ‘xoay trục về châu Á’ của cựu Tổng
thống Barack Obama, ông cho rằng chiến lược mới – với trọng tâm là xây dựng tứ
giác Mỹ-Nhật-Úc-Ấn – này ‘sẽ không hiệu quả’ trong việc cân bằng với ảnh hưởng
của Trung Quốc (ông không dùng từ ‘kiềm chế’ hay ‘đẩy lùi’ mà chỉ là ‘cân bằng’).
“Nhân tố mới là Ấn Độ. Đây không
phải là đồng minh mới mà là đối tác mới. Chúng ta đã từng thấy việc này trước
đây. Nó sẽ không như là những gì mọi người nói. Một liên minh của các giá trị
dân chủ chống lại các giá trị độc tài sẽ không có tác dụng,” ông phân tích.
Ông đưa ra dẫn chứng là vào năm
1962 khi chiến tranh bùng nổ tại biên giới Trung-Ấn thì chính quyền của Tổng thống
Kennedy đã gửi khí tài và cố vấn quân sự đến giúp Ấn Độ chống lại Trung Quốc
khiến Trung Quốc cuối cùng phải lui quân sau chiến thắng quân sự do lo ngại Mỹ
sẽ tham chiến với vũ khí hạt nhân. Lúc đó mọi người nghĩ rằng liên minh kề vai
sát cánh giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới sẽ bền vững nhưng mọi chuyện về
sau lại không phải như vậy.
“Chín năm sau, khi chiến tranh
giành độc lập của Bangladesh nổ ra, Mỹ đứng về phía Pakistan còn Ấn Độ ký hiệp
ước với Nga và cho đến bây giờ hiệp ước đó vẫn còn duy trì rất tốt. Nga đã trở
thành nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ,” ông cho biết.
Một trong những lý do mà ông
Hawksley chỉ ra để giải thích cho việc liên minh không bền vững với Ấn Độ là ‘sự
thiếu tin tưởng nói chung’ giữa hai nước.
“Kịch bản có thể xảy ra là mối
quan hệ Mỹ-Nga xấu đi. Lúc đó Ấn Độ được yêu cầu phải đứng về một phía. Nhiều
khả năng New Dehli sẽ trở lại chính sách không liên kết của họ và họ đi con đường
riêng của họ. Họ xem Nga là nhà cung cấp vũ khí đáng tin cậy còn Mỹ thì không,”
ông giải thích.
Trả lời câu hỏi của VOA về những
đòn bẩy gì mà Washington có thể sử dụng để buộc Bắc Kinh tôn trọng trật tự dựa
trên luật pháp trên Biển Đông, ông Hawksley nói: “Đó là vấn đề mà Mỹ đang gặp
phải. Nếu không, các đồng minh của Mỹ trong khu vực đã không chào đón Anh, Pháp
để tham gia (vào việc duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông).”
Ông đưa ra dẫn chứng là
Philippines mới đây đã bác bỏ việc tuần tra chung trên Biển Đông với Mỹ ‘bởi vì
họ không muốn vấn đề của Mỹ với Trung Quốc nằm trong những hành động của họ’ và
việc Manila giảm nhẹ một phần của hiệp định an ninh tăng cường Mỹ-Philippines.
“Mọi người trong khu vực đều cảnh
giác trước việc họ có thể đi xa đến đâu (trong việc hợp tác với Mỹ). Việt Nam
có lẽ là nước mạnh mẽ nhất với những chiếc cập cảng của tàu chiến Mỹ,” ông giải
thích. “Chúng ta sẽ không có một mặt trận thống nhất của các nước đồng minh dân
chủ (để cân bằng với Trung Quốc).”
Trả lời câu hỏi của VOA về chiến
lược gì giúp Trung Quốc thành công trong việc bành trướng trên Biển Đông, ông
Hawksley đưa ra dẫn chứng là bãi cạn Sscarborough mà Trung Quốc đã giành quyền
kiểm soát từ phía Philippines hồi năm 2012.
“Bãi cạn Sscarborough là nơi diễn
ra trò chơi chiến lược. Bắc Kinh đã kiểm soát được nó. Tôi đồ rằng vào lúc nào
đó họ xây dựng cái gì đó ở đấy. Không phải là vào lúc này. Họ sẵn sàng giảm bớt
căng thẳng. Đó là một nơi cần phải theo dõi.”
Một dẫn chứng nữa mà ông đưa ra
là việc Trung Quốc liên tục đưa những ‘lực lượng dân quân hải quân’ mà thực chất
là những tàu cá do Giải phóng Quân PLA Trung Quốc kiểm soát ra cái mà họ gọi là
Quần đảo Đông Sa (tên quốc tế là quần đảo Pratas) để diễn tập phòng vệ đảo.
Khi được hỏi về điểm mạnh và điểm
yếu của chiến lược ‘Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do’ của chính quyền Mỹ, ông
Hawksley nói đó thực chất là sự ‘mở rộng của chiến lược xoay trục sang châu Á của
chính quyền Obama để bao gồm luôn cả Ấn Độ Dương để vươn tới vùng bờ biển phía
đông châu Phi nơi Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti thuộc vùng
sừng của châu Phi’.
Tuy nhiên ông cho rằng chiến lược
này chỉ mới tập trung vào tứ giác Mỹ-Nhật-Úc-Ấn chứ chưa ‘chính thức lôi kéo những
nước nhỏ như Việt Nam và Philippines tham gia vào’.
Một hạn chế nữa ông chỉ ra là tốc
độ của liên minh này đang diễn ra rất chậm chạp so với sự bành trướng ảnh hưởng
của Trung Quốc. “Mỹ đã cố gắng lôi kéo Ấn Độ đã gần 20 năm kể từ vụ khủng bố
11/9 vào năm 2001. Đó là công việc mất nhiều thời gian trong khi Trung Quốc
đang hành động rất nhanh chóng.”
“Đó là vấn đề liệu anh có thể
hình thành một liên minh kinh tế, chính trị và quân sự ở châu Á trước khi Trung
Quốc hướng về phía châu Âu (xuyên qua châu Á) với dự án Một Vành đai, Một Con
đường hay không,” ông nói.
Về vai trò của Việt Nam, ông nói
Hà Nội ‘đã là nước đứng lên chống lại Trung Quốc mạnh mẽ nhất trên Biển Đông’
và đưa ra dẫn chứng là cuộc khủng hoảng giàn khoan HD-981 của Trung Quốc hồi
năm 2014 mà Việt Nam đã đấu tranh mạnh mẽ với Trung Quốc và rằng ‘các ngư dân ở
Đảo Lý Sơn vẫn liên tục ra đánh bắt ở Hoàng Sa để thể hiện chủ quyền với vùng
biển họ tuyên bố là lãnh hải của họ’.
“Vấn đề của Việt Nam là Trung Quốc
là một cường quốc có đòn bẩy kinh tế đối với khu vực. Nếu Việt Nam muốn nâng
cao mức sống của người dân thì họ buộc phải làm việc với Trung Quốc,” ông nói.
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình
Dương (TPP) mà Hà Nội đã từng đặt nhiều hy vọng vào để giảm bớt sự lệ thuộc
kinh tế vào Trung Quốc cũng như được chính quyền Obama hy vọng là tăng cường sự
hiện diện kinh tế của Mỹ ở khu vực trước ảnh hưởng kinh tế lớn mạnh của Trung
Quốc đã bị Tổng thống Donald Trump từ bỏ sau khi ông lên cầm quyền.
“Đồng thời, Trung Quốc cũng biết
rằng Việt Nam là một đất nước rất khó chơi. Họ đã từng có chiến tranh ở biên giới
(vào năm 1979) mà Trung Quốc thật ra đã thua. Bắc Kinh không muốn xung đột với
Hà Nội một lần nữa.”
“Nếu Trung Quốc đối xử tệ với Việt
Nam hoặc được nhìn thấy là đối xử tệ với Việt Nam thì phần còn lại ở đông nam Á
sẽ không tin vào Trung Quốc nữa vì Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ đối
tác chiến lược,” ông nói. “Có rất nhiều lợi ích kinh tế mà hai bên đang khai
thác nhưng không có nhiều sự tin tưởng.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét