Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

6678 - Philippines có thể cùng khai thác với Trung Quốc ở Biển Đông?

Lê Quang (gt)

South-China-Sea-400x266(1).jpg
Chuyên gia Batongbacal cho rằng bài báo năm 1999 mà Ngoại trưởng Cayetano đề cập không hề phản ánh tình hình ở Philippines và Trung Quốc sau khi Tòa Trọng tài phán quyết, bởi bài báo này đã được viết cách đây 19 năm.
Trong một phiên điều trần tại Quốc hội hôm 30/5, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano đã bác bỏ những chỉ trích phản đối hoạt động khai thác chung (giữa Philippines và Trung Quốc) tại vùng biển đang tranh chấp. Trích dẫn một bài báo trên tờ Manila Standard hôm 28/5, ông Cayetano đọc: “Một cuộc thăm dò dầu khí chung giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông sẽ ‘bằng cách nào đó từ bỏ’ phán quyết của Tòa Trọng tài tuyên bố Manila có chủ quyền ở các khu vực tranh chấp trên biển, theo lời một chuyên gia biển phát biểu hôm 26/5”. Chuyên gia biển mà bài báo nhắc đến là ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines. Ông Cayetano cũng nói thêm rằng quan điểm tương tự vậy cũng được nhắc đi nhắc lại bởi những người không ủng hộ sự khai thác chung trên Biển Đông.
Sau đó, ông lại đọc một đoạn trích từ bài báo năm 1999, mà ông Batongbacal và giáo sư Đại học Philippines Aileen Baviera là đồng tác giả, viết rằng: “Quan trọng nhất, cách tiếp cận khu vực khai thác chung là rất hấp dẫn bởi tính linh hoạt của nó cho phép hòa hợp các nhu cầu của các bên theo nguyên tắc, để đồng thời vừa bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vừa thúc đẩy hòa bình và an ninh ở các nước láng giềng cũng như đẩy mạnh việc sử dụng các vùng biển để đem lại lợi ích về kinh tế”. Tuy nhiên, điều ông Cayetano không đề cập đến trong phiên điều trần chính là lời trích dẫn mà ông nêu ra hôm 28/5 không phải là trích dẫn trực tiếp của ông Batongbacal mà chỉ là một lời tổng kết của tác giả bài viết. Câu trích dẫn trực tiếp phải là: “Bởi phán quyết của Tòa Trọng tài đang nghiêng về phía chúng ta, hiện rất khó để tìm ra một cách thức để tiến hành hoạt động khai thác chung mà không từ bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài”.
Trong khi đó, chuyên gia Batongbacal cũng cho rằng bài báo năm 1999 mà Ngoại trưởng Cayetano đề cập không hề phản ánh tình hình ở Philippines và Trung Quốc sau khi Tòa Trọng tài phán quyết, bởi bài báo này đã được viết cách đây 19 năm. Đặc biệt, bài báo không tính tới phán quyết về đặc quyền trên biển của Philippines theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và việc phủ nhận hoàn toàn các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với các nguồn tài nguyên ở Biển Đông.
Ông Batongbacal nhận định với Philstar.com rằng: “Liệu (khu vực khai thác chung) là một lợi thế hay bất lợi, và đặc biệt liệu nó có hay không ‘bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy hòa bình và an ninh...’ cũng đều phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể”. Ông nói thêm: “Năm 1999, tính hợp pháp của các yêu sách trên Biển Đông vẫn chưa rõ ràng, chưa có sự làm rõ các đặc quyền trên biển, cũng như chưa có phán quyết của Tòa án Tối cao nhấn mạnh đến yêu cầu ‘nhà nước phải kiểm soát và giám sát toàn diện’ tất cả các hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên”.
Chuyên gia luật biển quốc tế này nhấn mạnh phán quyết của Tòa Trọng tài đã xác định rõ những khu vực nào thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines, bao gồm các khu vực đã được đề xuất để thăm dò và khai thác chung. Chừng nào phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye hồi tháng 7/2016 còn được tuân thủ, các khu vực nêu trên sẽ không còn nằm trong vùng tranh chấp, đồng nghĩa với việc chính phủ Philippines không thể tham gia vào hoạt động thăm dò và khai thác chung với Trung Quốc mà không vi phạm phán quyết hoặc Hiến pháp.
Theo ông Batongbacal, ông đã “công khai nhấn mạnh rằng chính phủ không thể khai thác chung (với Trung Quốc) mà không thiết lập một khuôn khổ hiệp ước và thực thi luật pháp, bởi đây là cách duy nhất họ có thể làm để tránh những trở ngại tiềm tàng”.
Trong khi đó, sự khai thác chung theo quan điểm của Bắc Kinh dựa trên tiền đề rằng họ có chủ quyền đối với khu vực. Tháng 6/1986, Đặng Tiểu Bình - khi đó đang giữ chức Phó Thủ tướng Trung Quốc - trong chuyến thăm Philippines đã nói với Phó Tổng thống Philippines khi đó là Doy Laurel rằng: “Chúng ta nên bỏ qua vấn đề về quần đảo Trường Sa trong một thời gian. Chúng ta không nên để vấn đề này cản đường quan hệ hữu nghị của Trung Quốc với Philippines và các nước khác”. Sự thật là khi Trung Quốc mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á hồi đầu những năm 1970, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra đề xuất giải quyết các tranh chấp trên quần đảo Trường Sa bằng việc cho rằng khu vực này là một phần không thể thiếu của lãnh thổ của Bắc Kinh từ thời cổ đại.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cả ông Laurel và Tổng thống khi đó là Corazon Aquino đã phản ứng “khá tích cực” trước sáng kiến này của Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, việc này đã diễn ra từ hơn 30 năm trước và các quyền lịch sử của Trung Quốc đã bị vô hiệu hóa bởi quyết định của Tòa Trọng tài dựa trên UNCLOS.
Mặt khác, chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ hoạt động khai thác chung nào giữa Manila và Bắc Kinh “chỉ có thể dựa trên thỏa hiệp chính trị, mà không liên quan đến vấn đề pháp lý. Bởi vậy, chỉ có một hiệp ước chính thức với các điều khoản công bằng được viết rõ ràng, dựa trên việc thực thi pháp luật, mới có thể ngăn chặn khả năng bất kỳ hoạt động khai thác chung nào sẽ gây tác động pháp lý bất lợi, ảnh hưởng đến chủ quyền và quyền tài phán của Philippines”.
Theo “Philstar

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét