Bà Chủ tịch Quốc hội vừa rồi đã tỏ ra quyết tâm trong bối cảnh dự luật về đặc khu đang tiếp tục gặp sự phản đối: Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật.
‘Bộ Chính trị đã bàn rồi’ cho thấy tư cách của bà Chủ tịch Quốc hội ở đâu. Nó không phải là đại diện cho một người đứng đầu tổ chức lập pháp nhà nước, mà là một Đảng viên cao cấp – đầy mẫn cán của Đảng (Cộng sản Việt nam). ‘Bộ Chính trị đã bàn rồi’ cũng là cái tư duy ‘rất quyết tâm’ theo chủ trương, đường lối của Đảng đặt ra và Quốc hội cứ thế mà làm. ‘Bộ Chính trị đã bàn rồi’ cũng làm gợi nhớ không ít vấn đề mà Bộ Chính trị thông qua, từ Boxite cho đến đường cao sắt cao tốc bắc nam, từ mục tiêu công nghiệp hóa năm 2020 đến xây dựng những tập đoàn nhà nước – những cú đấm thép cho nền kinh tế. Tất nhiên, phần lớn điều mà ‘Bộ Chính trị đã bàn rồi’ hầu như đều thất bại một cách thảm hại, mà gánh vác trách nhiệm chỉ đơn thuần là ‘kiểm điểm sâu sắc’, còn hệ quả thì dân gánh chịu.
‘Bộ Chính trị đã bàn rồi’ có phải là quan điểm nhất quán từ trước đến nay của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, người có những hành vi và phát ngôn có lúc gần như vi hiến? Khi bà phát biểu như vậy, liệu bà có bán rẻ quá mức lời tuyên thệ trong một ngày của tháng 7.2016, khi được chỉ định là Chủ tịch Quốc hội rằng: Thực hiện có hiệu quả các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Ảnh: AP |
Vậy bà sẽ thực hiện vai trò lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao như thế nào khi mà bà không có được một vị trí độc lập tương ứng, một suy nghĩ độc lập của một vị Chủ tịch Quốc hội, mà chỉ chăm chăm tiến hành làm theo những lời mà Bộ Chính trị đã quyết? Phải chăng vì bà chính là một trong những vị Ủy viên Bộ Chính trị, những người tự mặc định mình là ‘tinh hoa chính trị’ và quyết định số mệnh của dân tộc, buộc những vị ‘cử tri’ – những tiếng nói từ nhân dân phải nghe và thực hiện như mệnh lệnh của cấp trên – cấp dưới?
Quốc hội thời nào cũng vậy, nếu bị áp lực bởi yếu tố đảng viên, nếu bị áp lực bởi Nghị quyết và chỉ đạo ĐCSVN thì cùng thời điểm đó, tình hình kinh tế - chính trị sẽ bị suy giảm rất nhiều. Làm ra luật chỉ khi nó áp dụng tính thực tế và thực tiễn cũng như đòi hỏi nhân dân, chứ không phải do trên đã quyết mà tuân thủ. Nếu như thế, thì cần phải đổi Quốc hội thành ‘phòng họp lập pháp của ĐCSVN’, và nên thực thi điều đó để tránh bị coi là ‘Quốc hội giả hiệu’.
Khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân quyết tâm đến mức ‘dự thảo không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật’, thì giá như bà cũng quyết tâm như vậy đối với Luật biểu tình, Luật về Hội,… Những Luật mà người dân mong mỏi, không trái hiến pháp, nhưng vẫn bị treo, phải chăng vì thiếu yếu tố ‘Bộ Chính trị đã quyết rồi’.?
Lại nói về hiệu quả của việc 'Bộ chính trị quyết rồi', thử điểm xem hai trong số nhiều dự án 'quyết rồi' với 'quyết tâm chính trị cao'.
Một là, dự án bauxite Tây Nguyên được Bộ chính trị quyết, bất chấp mọi ý kiến phản đối của giới chuyên gia trong và ngoài nước, của các nhà lão thành cách mạng, của cả đại tướng Võ Nguyên Giáp. Kết quả, chỉ tính riêng dự án Tân Rai, vốn đầu tư ban đầu chỉ định ở mức 7.787,5 tỷ đồng, nhưng qua 4 lần điều chỉnh, số vốn đầu tư đã lên mức 15.414,4 tỷ đồng và sau 3 năm hoạt động (2013 - 2016) đã lỗ gần 4.000 tỷ đồng.
Hai là, đặt ra mục tiêu năm 2020 sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp cũng là do 'Bộ chính trị quyết rồi' 30 năm về trước. Tuy nhiên, vào kỳ họp cuối cùng của khóa XIII tháng 04.2016, Quốc hội Việt nam đã thừa nhận mục tiêu hoàn toàn bất khả thi.
Giờ đến câu chuyện đặc khu, khi mà giới chuyên gia trong và ngoài nước lo ngại về tính an ninh - kinh tế lẫn văn hóa - xã hội có thể xảy ra thì bà Chủ tịch Quốc hội lại càng tỏ ra quyết tâm, chỉ vì lối suy nghĩ rất cảm tính và giản đơn: 'Một đồng rót vào đặc khu để hút về hàng chục, hàng trăm đồng'. Nhưng ai sẽ bảo chứng, bởi những lập luận của các nhà khoa học, của những ai quan tâm đưa ra đều không được phản hồi lại một cách đúng đắn. Thậm chí, việc một ĐBQH nêu ra các lo ngại về dự luật đặc khu cũng chỉ được đăng tải trên báo chí, chứ bản thân quan điểm này chưa được ai (kể cả bà Chủ tịch Quốc hội phản bác khoa học lại).
Ấy vậy mà bà Chủ tịch vẫn quyết tâm 'bàn cho ra luật'. Nhưng ai không biết, đấy là 'nhiệm vụ' mà tập thể Bộ Chính trị đã thống nhất và đưa ra Quốc Hội để nhận lấy cái gật đầu. Nó cũng không khác lắm quan điểm có phần dẫm đạp tư duy lập pháp của ông chủ nhiệm văn phòng Quốc hội - Trần Đình Đàm, người đã nói như đinh đóng cột: 'Chắc chắn Quốc hội sẽ hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác bauxite' (Bởi vì, dự án này đã trở thành chủ trương của Bộ Chính trị). Và làm theo phương cách này, không khác gì khiến Quốc hội trở thành một nghị trường gật theo.... chủ trương!!!
Trong một khía cạnh khác, nếu như dự luật được thông qua và 'góp phần' thúc đẩy xảy ra sai lầm nghiêm trọng, không thu được 'hàng chục, hàng trăm đồng' theo cách mà bà Chủ tịch Quốc hội 'vẽ' ra mà lại khiến an ninh và chủ quyền quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng, thì lúc đó bà Chủ tịch Quốc hội và mười mấy vị ủy viên còn lại có chịu trách nhiệm? Hay lại rút kinh nghiệm sâu sắc, hay lại định cư ở nước ngoài?
Rõ ràng, đặc khu là một chuyện dài, và còn nhiều vấn đề phải quyết, không phải vì ngân sách túng thiếu mà tiếp tục bắt người dân gánh chịu thêm di họa mang tên 99 năm, bởi nhiều lần dân bị phản bội bởi chính cái 'quyết tâm cao về chính trị' đó lắm rồi. Và cũng lúc này đi, khi buông ra câu nói như vậy, có lẽ cần phải xem xét tư cách của bà Nguyễn Thị Kim Ngân trong vai trò Chủ tịch Quốc Hội, bởi người dân không cần một vị 'nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên', mà cần một 'Chủ tịch Quốc hội' thực sự hành động vì nguyện vọng nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét