Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

6096 - Vì sao cần kỷ luật bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ?

Trúc Giang


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giá dịch vụ đào tạo là theo... Luật giá - Ảnh 1.

Là người đứng đầu ngành giáo dục, ông Phùng Xuân Nhạ đã không cung cấp đủ hàng hóa cho tất cả các em học sinh có nhu cầu vào học lớp 10 công lập. Hiểu theo nghĩa giáo dục là thị trường cung cấp dịch vụ, việc để hàng hóa khan hiếm là lỗi của nhà sản xuất, ở đây là bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong hai ngày 2 và 3 tháng 6-2018, học sinh vừa xong lớp 9 của cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở. Điểm thi này được làm căn cứ xét tuyển vào lớp 10, và chắc chắn ở Sài Gòn có tới 24.000 thí sinh sẽ rớt lớp 10 công lập [nguồn: http://bit.ly/2IWCW0m]. Tương tự, ở Hà Nội có hơn 40.000 em rớt lớp 10 công lập [nguồn:http://bit.ly/2kyZp9d]. Lý do: không đủ trường lớp công lập để nhận tất cả các em vào học lớp 10. Hệ thống trường tư thục cũng không thể nhận hết số học sinh lên tới gần cả trăm ngàn đó trên toàn quốc.

Kinh tế thị trường sao lại khan hiếm hàng hóa?

Sở dĩ khẳng định lỗi ở đây thuộc về bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ, vì ông cho rằng “dạy học” là “cung cấp dịch vụ”; giáo dục là một thứ hàng hóa nên chịu sự điều chỉnh của Luật Giá[http://bit.ly/2IYPEeZ]

Tuy nhiên thuộc cấp của ông Nhạ là bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT lại trả lời với báo chí trong ngày 30-5, rằng “Học phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế tính giá dịch vụ, nhưng khoản tiền mà người học phải đóng cho quá trình học vẫn gọi là học phí” [http://bit.ly/2IVfW5X]

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời với báo chí bên hành lang Quốc hội trưa 30-5: “Việc chuyển đổi từ cơ chế “thu học phí” sang “giá dịch vụ đào tạo” là theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo, đúng quy định của Luật Giá. Học phí là khái niệm nghe quen tai, giờ chuyển sang tự chủ thì có rất nhiều chương trình đào tạo phải tính đủ chi phí dịch vụ theo Luật Giá. Tính đúng, tính đủ là đảm bảo chất lượng, phù hợp chi phí, hay nói cách khác chi phí tương xứng chất lượng.

Tính toàn bộ để hạch toán theo tự chủ và đó là giá dịch vụ đào tạo (…) Học phí không bao gồm tất cả các chi phí tạo ra dịch vụ đào tạo, trong thực tế nếu dựa vào học phí thì còn thiếu rất nhiều các khoản thu hợp pháp khác để phát triển nhà trường, phục vụ đào tạo. Đây là hai vấn đề không phải là một. Từ nội hàm khác nhau giữa giá dịch vụ đào tạo và học phí nên tên gọi phải khác nhau”. (Hết trích)

Nói theo ngôn ngữ pháp lý, câu trả lời báo chí như trên của bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là không phù hợp với Luật Giá.

Có phải các trường đại học công lập đang ‘gian lận’ thuế?

Điều 19.c “Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá” của Luật Giá cho biết Nhà nước chịu trách nhiệm định khung giá và mức giá cụ thể đối với “dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước”. Quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.

Việc tính toán các phần nghĩa vụ thuế đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước từ 1-1-2013 cho tới nay, đều được căn cứ theo Điều 19.c của Luật Giá. Nếu “học phí không bao gồm tất cả các chi phí tạo ra dịch vụ đào tạo” như lời bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ [http://bit.ly/2IYPEeZ], có thể hiểu lâu nay cơ quan thuế đã thu đối với hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước là “chưa thu đúng, thu đủ”; hoặc có sự gian lận, thiếu minh bạch trong kê khai thuế từ các cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước.

Ngày 9-4-2016, ông Phùng Xuân Nhạ ngồi ghế bộ trưởng GD-ĐT, và ông quên mất rằng 6 tháng trước đó, vị bộ trưởng tiền nhiệm Phạm Vũ Luận đã soạn thảo trình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để ban hành Nghị định số 86/2015/NĐ-CP“Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021”, ký ngày 2-10-2015 [có thể tải về tạihttp://bit.ly/2kyUk0H].

Trong Nghị định 86/2015/NĐ-CP, cho biết nguyên tắc xác định học phí đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Chính phủ, được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính đủ chi phí đào tạo. Học phí của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Chính phủ, được xác định trên cơ sở tính toán có sự cân đối giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người học, thực hiện theo lộ trình giảm dần bao cấp của Nhà nước. Cơ sở giáo dục công lập thực hiện chương trình chất lượng cao được thu học phí tương xứng để bù đắp chi phí đào tạo. (Điều 3.2)

Như vậy có thể thấy rằng nếu “học phí chưa cân đối với tất cả các chi phí tạo ra dịch vụ đào tạo”, thì quyền của bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là điều chỉnh tăng học phí, chứ không phải chờ tới khi ông được đáp ứng yêu cầu phải “chuyển đổi từ cơ chế thu học phí sang giá dịch vụ đào tạo” [http://bit.ly/2IYPEeZ]

Cần bãi miễn bộ trưởng đã không làm đúng trách nhiệm

Người viết đồng ý với ông bộ trưởng rằng giáo dục cũng là một thứ hàng hóa. Vậy thì ông cần giải thích vì sao lại để thị trường khan hiếm hàng hóa ở mặt hàng “giáo dục lớp 10” ở niên khóa 2018/2019 tới đây?

Nghị định số 32/2008/NĐ-CP, sau đó được thay thế bằng Nghị định số 69/2017/NĐ-CP, đều giống nhau ở “Vị trí và chức năng” của Bộ GD-ĐT là “huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục, đào tạo, xây dựng xã hội học tập”. Ông bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhân danh thị trường để xác định ‘giáo dục’ cũng là một thứ hàng hóa. Tuy nhiên ông lại dửng dưng để hàng hóa giáo dục bị khan hiếm. Như vậy ông cần phải cần phải chịu sự điều chỉnh của Luật Cạnh tranh, để thấy rằng một khi hàng hóa bị độc quyền, sẽ dễ dẫn đến sự lũng đoạn thị trường, và đó còn là miếng đất màu mỡ cho các nhóm quyền lực xâu xé.


Trước tiên, cần phải bãi nhiệm ngay chức bộ trưởng của ông Phùng Xuân Nhạ vì đã để đến gần cả trăm ngàn em học sinh không thể vào học lớp 10 công lập, trong đó có nhiều chục ngàn em vì có hoàn cảnh nghèo khó, nên không thể ghi danh vào hệ thống trường tư thục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét