Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Giang hồ bồ tát

Tháng 10 29, 2013
The Economist
Phan Trinh dịch
Giới thiệu của người dịch
1.
Robert Webster Ford (1923-2013) sinh ra ở Anh, đến Tây Tạng từ năm 1945, và trở thành người phương Tây đầu tiên làm công chức cho chính quyền tại đây. Khi Trung Quốc xua quân chiếm Tây Tạng năm 1950, thay vì bỏ đi, ông chọn ở lại cùng người Tạng. Và ông bị quân Trung Quốc bắt, giam tù, tra tấn, cải tạo tư tưởng suốt năm năm.
Câu chuyện của ông được kể lại trong cuốn tự truyện Captured in Tibet (Bị bắt ở Tây Tạng) xuất bản năm 1957, bản ở Mỹ có tên Wind Between the Worlds (Gió giữa ta bà thế giới), năm 1990 tái bản dưới tên The Occupation (Cuộc chiếm đóng) với lời tựa của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
2.
Bài được dịch dưới đây tuy ngắn gọn, nhưng lại như một cuốn phim ngắn cô đọng nhiều chi tiết và tình tiết. Đọc xong, hình ảnh Robert Ford cứ ám ảnh tôi, gợi nhiều suy nghĩ, và tôi xin phép được chia sẻ đôi điều ở đây.
Tuy không được truyền thông đại chúng nói tới bao nhiêu nhưng Robert Ford thật đáng chú ý, có lẽ vì ông đại diện cho một “cách làm người” khác. Cái cách của những gã “giang hồ” rời bỏ nước mình, sống, làm việc và sẵn sàng chết cho chính nghĩa ở một nước khác.
Nhưng đó mới chỉ là một vế, vì giang hồ cũng có năm bảy đường. Ford gợi nhớ đến con đường của những người nổi tiếng khác trong “giới”, tuy được truyền thông đại chúng tung hô, nhưng chưa hẳn đã thực sự xứng đáng, hoặc cần, chú ý.
Đường của Ché Guevara là một:
Ché sinh ở Argentina, làm bạn và làm cách mạng với Fidel Castro ở Cuba, rồi làm tiếp cách mạng ở Congo, Bolivia, cuối cùng chết ở Bolivia. Mặc dù trong thời Chiến tranh Lạnh, Ché trở thành một thứ James Dean của cách mạng (Ché cũng chết trẻ, lúc 39 tuổi), và được “phong thánh” (trẻ em Cuba mỗi sáng đều đọc câu “em mơ thành Ché”), con người thật của người hùng này ngày càng lộ rõ:
“Guevara không phải là một chàng lãng mạn theo đạo Chúa, mà là một tay Mác-xít tàn nhẫn và giáo điều, cũng không đại diện cho giải phóng, mà là đại diện cho một nền độc tài chuyên chính mới. Ở Sierra Maestra [Cuba] ông cho bắn bỏ những kẻ bị tình nghi là phản bội cách mạng; sau chiến thắng, Castro giao cho ông chịu trách nhiệm đội xử bắn, tử hình ‘những tên phản cách mạng’; khi làm bộ trưởng công nghiệp [Cuba], Guevara cổ xúy chính sách truất hữu triệt để, tịch biên đến miếng đất nông nghiệp cuối cùng, đến cửa hàng tư nhân cuối cùng. Việc ông cổ vũ cho chiến tranh du kích, bất kể tình hình chính trị có phù hợp hay không, đã đẩy hàng ngàn thanh niên Châu Mỹ La Tinh đầy ắp lý tưởng vào chỗ chết, đã giúp dựng nên các chế độ độc tài tàn ác và làm trì hoãn tiến trình đi đến dân chủ.” [i]
Ford khác Ché ở nhiều điều. Một điều nhỏ là Ford cũng từng “phượt” đó đây trên mô-tô như Ché, nhưng trong khi nhật ký mô-tô của Ché trở thành best-seller một thời, được làm phim, thì Ford phượt rồi lại chán, và ông quyết định không đi nữa, mà ở lại Tây Tạng, ngay khi quân xâm lược Trung Quốc tràn vào. Có lẽ, “ở lại” trong trường hợp này mới là thứ “giang hồ” tuyệt đỉnh.
3.
Cũng có một con đường giang hồ khác, của một người phương Tây khác, tên là Heinrich Harrer (1912-2006), nhà leo núi thám hiểm người Áo, có mặt ở Tây Tạng cùng thời với Ford, trước khi Trung Quốc xâm lăng. Chuyện của Harrer được kể lại trong phim Seven Years in Tibet (Bảy năm ở Tây Tạng), do tài tử Brad Pitt điển trai giữ vai chính, và Jean-Jacques Annaud đạo diễn (Annaud cũng là đạo diễn phim L’Amant (Người tình) quay tại Việt Nam).
Nếu so với Ford thì chuyện của Harrer quá bình yên và bình thường. Nhưng vì sao Harrer lên phim, Ford thì chìm? Câu trả lời có lẽ nằm ở công thức sản xuất phim theo kiểu Hollywood: Phương Tây thích làm phim về nước ngoài nếu, và chỉ nếu, có người phương Tây trong phim, nhất là ông Tây này phải giữ một vai trò “chiếu trên”, như góp phần “khai hóa” dân bản xứ chẳng hạn (hoặc trong trường hợp phim Người tình, nhân vật nữ phương Tây đã làm anh da vàng… điêu đứng). Hình tượng đó kín đáo làm khán giả phương Tây thấy thỏa mãn “tự ái dân tộc” hơn, và như thế sẽ mua vé xem phim nhiều hơn. Chuyện của Harrer đáp ứng điều này, ông là “thầy” dậy Anh văn, và nhiều thứ khác của phương Tây, cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Còn Ford, dù rất hay, lại là chuyện của một ông Tây hòa vào đám đông, và bị những tên cai tù (da vàng) trù dập. Harrer cũng giang hồ, nhưng là giang hồ “cung đình”, trong khi Ford là giang hồ… “chìm”.[ii]
4.
Con đường của Robert Ford Tây Tạng – tên rất dễ nhầm với Robert Redford, tài tử thành công trong phim Out of Africa (Rời Phi Châu) – gợi ra hình ảnh của một thiền sư rời chùa, rời tháp ngà, xuống núi, “thõng tay vào chợ”.
Có lẽ, với Ford, và những người như ông, sống – gồm cả sẵn sàng hy sinh để sống cho ra hồn – là một chọn lựa hoàn toàn có ý thức và tự nguyện, chứ không phải một phản xạ thụ động và đối phó. Họ sống thật với mình, chứ không “diễn” cho người khác xem và sung sướng vì mình long lanh trong mắt người khác. Và vì không diễn nên họ thanh thản như không. Thấy họ “hay” cũng được, bảo họ “ngu” cũng xong. Chuẩn mực xã hội không đo được họ.
Sau này, Robert Ford phục vụ cho Bộ Ngoại giao Anh, có lúc đã làm việc ở Việt Nam. Về hưu, ông đấu tranh cho Tây Tạng. Ông từng sắp xếp để Đức Đạt Lai Lạt Ma gặp hoàng gia Anh. Và Lạt Ma đã đích thân chủ trì lễ tưởng niệm khi Ford qua đời. Tháng ba năm nay, chính quyền lưu vong Tây Tạng đã trả lại cho ông khoản lương còn thiếu từ năm 1950, tương đương 100 đô-la. Rất có thể loài người cũng nợ những người như Ford một khoản “lương” nào đó, chỉ vì họ tồn tại.
Tôi tin những gã giang hồ một mình như thế. Họ vẫn đang lang bạt đâu đó, giữa núi rừng, hoang mạc, ruộng đồng, làng chài hay phố thị. Họ có thể ngồi uống trà đá hay bia hơi ở bàn cạnh tôi trong quán bình dân tối qua, hay cọ vai vào bạn trên chuyến xe buýt vượt qua con đường nhiều ổ gà sáng nay.
______________
Robert Ford, người Anh, chuyên viên radio Tây Tạng Tự do, qua đời ngày 20/9, thọ 90 tuổi.
So với những quan chức khác của chính quyền Tây Tạng, ông dường như một mình một cõi. Áo không nâu sồng, tóc không kết bím, tai không khoen dài. Ngược lại, ông để tóc húi cao sau gáy và trên tai, lại mặc bộ quần áo vét cứng đờ, rất khó cho người mặc khom sâu cúi chào, ngồi chéo chân trên đất, hay co chân leo lên lưng ngựa. Ngoài đường, ai nấy chăm chăm nhìn tóc ông hoe hoe vàng. Những bạn thân người Tạng cũng không dám dùng chung dầu gội của ông, vì sợ dùng xong tóc họ cũng sẽ vàng hoe hoe như thế.
Robert Ford được người Tây Tạng mướn vào năm 1948 để dựng nên hệ thống thông tin hiện đại cho Tây Tạng: ít nhất là hiện đại hơn những con đường mòn in chân lừa đi, ngoằn ngoèo vắt ngang những dãy núi cao nhất thế giới. Việc của ông, với lời chúc phúc của Đạt Lai Lạt Ma, là gắn kết khu vực trọng yếu Chamdo ở phía đông với thủ đô Lhasa, và kết nối Tây Tạng với thế giới bên ngoài. Vô tình, ông cũng giúp Tây Tạng phần nào đứng vững như một đất nước tự do trước những đợt tấn công xâm nhập của Trung Quốc. Người dân Tây Tạng gọi ông là Phodo Kusho (Ford Esquire, Ngài Ford). Còn người Trung Quốc, khi bắt được ông, lại gọi ông là gián điệp tay sai đế quốc.
Cuộc sống của ông ở Chamdo thật lạ lùng, nhưng cũng rất khắc nghiệt. Ông phải gắng uống vô số những tách trà bơ, và loại bia “chang” khó nhằn đặc sản. Một lá thư gửi về Anh mất năm tuần mới đến, ngay một thông điệp gửi đến Lhasa cũng mất 15 ngày. Nhưng kết nối qua radio không chuyên lại giúp ông quen biết nhiều bạn bè trên thế giới, và trong một lần may mắn, ông quen được một anh thợ may cùng quê hương Burton-on-Trent. Nhờ vậy, khi điều kiện cho phép, ông có thể nói chuyện với bố mẹ vào mỗi thứ tư.
Huấn luyện cho người dân Tây Tạng hiểu radio là gì còn khó hơn. Người bình dân cứ tìm “cái ông nằm trong cái hộp”; các quan chức cao cấp thì cứ hay cúi mình trước micro và choàng khăn trắng cho micro để tỏ lòng tôn kính. Ở Chamdo, cũng chẳng mấy ai có đồng hồ để có thể hẹn giờ nghe đài. Thay vào đó, ông phải tính giờ truyền thanh của mình theo vị trí mặt trời lên xuống.
Khi quân đội Trung Quốc xâm lăng Tây Tạng vào năm 1950, ông được yêu cầu treo những giải cờ cầu nguyện lên cột ăng-ten phát thanh, vì để chống lại súng máy và đại pháo của quân Trung Quốc, người dân Tây Tạng hầu hết chỉ biết khẩn cầu thần thánh. Họ sợ máy bay trên trời có thể khuấy động các vị thần trên tầng cao. Ford tham gia những nghi lễ ông có thể tham gia, nhưng chưa bao giờ thấy mình là một phần của tôn giáo nơi đây. Có lẽ ông không chỉ là người Anh cô đơn nhất trên thế giới, như ông viết, mà còn là người Thiên Chúa giáo cô độc nhất.
Vào tháng 10, 1950, Chamdo thất thủ. Phodo Kusho lúc ấy có thể bỏ trốn khỏi Tây Tạng, nhưng không, ông đến Tây Tạng để phiêu lưu mạo hiểm kia mà – sau khi đã không thỏa mãn với những cuộc phiêu lưu phượt trên mô-tô, hay làm huấn luyện viên phát thanh cho RAF (Không lực Hoàng gia Anh), hoặc khi được phái đến làm việc tại Ấn Độ năm 1943. Bên cạnh đó, ông thấy không thể bỏ rơi các nhân viên, cũng là những người bạn Tạng của mình. Ít nhất, việc ông ở lại cũng góp phần cho thế giới bên ngoài biết rằng Tây Tạng đã không buông xuôi hay ngoan ngoãn đầu hàng. Ông đến Lhasa bằng cách vượt một chặng đường 4.500 mét xuyên qua những khe núi vách đá dựng đứng, phần lớn trong đêm, để rồi đến cuối đường, ông lại lọt vào tay quân Trung Quốc phục sẵn. Ông bị tống giam, trải qua không biết bao nhiêu cuộc tra vấn suốt năm năm trời.
Cai ngục đinh ninh rằng ông đã đầu độc Lạt Ma Geda, tu sĩ Tây Tạng thân Trung Quốc. Thực ra thì Ford đã không chịu chữa trị cho Geda, dù ông là “thầy thuốc” tốt nhất có được lúc bấy giờ ở Chamdo, nhờ ông học cứu thương khi còn là hướng đạo sinh; ngược lại, các thầy tu lo chữa bệnh cũng chỉ có thể đề xuất cách điều trị tốt nhất cho Geda là uống nước tiểu của Đạt Lai Lạt Ma.
Ngoài ra, hoạt động phát thanh của ông cũng làm cai tù Trung Quốc nghĩ ông là gián điệp, một việc ông không hề liên quan. Họ lập luận rằng: Nước Anh sẽ phản ứng thế nào, nếu Trung Quốc cử người đến xúi giục ly khai ở xứ Wales? Còn những thông điệp mã hóa kia trong báo cáo hàng ngày của ông có nghĩa là gì, chẳng hạn như dòng mật mã “SRI OM CONDK PR”? Ford cố giải thích: đó chẳng qua là “Sorry old man, conditions poor” (Xin lỗi bố già, tình hình bết bát quá). Kẻ tra vấn ông phản bác lập tức: “Bố láo! “Sorry” mà đánh vần thế à?”
Tôi trung của các vị
Quân Trung Quốc không giết ông. Thay vào đó, họ cố biến ông thành người cộng sản thuần thành bằng những cuộc tra tấn tâm lý liên tiếp. Điều kiện giam giữ khắc nghiệt dần, cho đến khi ông bị biệt giam trong căn phòng dưới gầm cầu thang đầy chuột. Khủng bố tinh thần cũng ngày càng tăng cường độ, cho đến khi cứ mỗi sáng thức dậy, ông lại bụng bảo dạ không biết hôm nay người ta có đem mình ra bắn bỏ hay không. Lần hồi, ông biết chắc rằng chỉ còn cách nhận tội (dù là nhận một cách giả tạo và chỉ nhận một phần) mới có thể thoát chết và đầu óc không phát điên. Thế là ông tự nạp vào đầu mớ ngôn ngữ Mao-ít, cũng leo lẻo lên án chủ nghĩa đế quốc, cũng tự phê, tự thú đã phạm tội trong tư tưởng ra sao. Không chỉ phải làm tất cả những thứ ấy, ông còn phải cho thấy mình “thành khẩn, chấp hành đường lối, và trên hết là thật tình cải tạo” ra sao.
Sau bốn năm, ông được phép viết thư cho bố mẹ vốn nghĩ rằng ông đã chết rồi. Một năm sau, ông được xem là đã cải tạo xong, và bị trục xuất qua Hong Kong. Ở Hong Kong, ông biết tin “một nhóm những con người dũng cảm đã chinh phục ngọn Everest”, chứ ngọn núi không được chinh phục “nhờ Đảng quang vinh hoặc nhờ Mao Chủ tịch vĩ đại”. Ông bắt đầu giải độc đầu óc mình, làm lại từ đầu.
Sau này, lúc nghỉ hưu, rời khỏi công việc trong ngành ngoại giao nước Anh, ông trở thành người đấu tranh rất mạnh mẽ và thẳng thắn cho quyền lợi Tây Tạng. Qua nhiều năm, vị thế của ông trở nên quan trọng: Ông là nhân chứng phương Tây duy nhất còn sống sót đã sống tận nơi, xem tận mắt đất nước Tây Tạng trước khi Trung Quốc xâm chiếm, ông cũng ở vị trí rất tốt để phản bác lại những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ chiếm đóng: Thì đúng rồi, Trung Quốc đã cải thiện được mức sống cho dân; thì đúng rồi, tiến bộ của nước Tây Tạng cổ xưa đã diễn ra, tuy hơi chậm chạp; nhưng theo ông, “không thể lấy một người máy, dù no nê khỏe mạnh, để thay thế một con người.”
Bạn của ông, đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại, đã chủ trì nghi lễ tưởng niệm ông. Trước đó vài tháng, ông đã trở thành một trong số ít người ngoại quốc làm công chức cho chính quyền Tây Tạng được tặng danh hiệu cao quý nhất của đất nước này, Giải thưởng Ánh sáng từ Sự thật. Và ông cũng được trả nốt số lương còn sót lại là một tờ 100 srang mà chính quyền Tây Tạng nợ ông từ trước khi ông bị bắt.
Ảnh:  Robert W. Ford khi bị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bắt năm 1950.
Nguồn: “Robert Ford”, The Economist, số ra ngày 5 tháng 10, 2013. Tựa của người dịch.
Bản tiếng Việt © 2013 Phan Trinh & pro&contra


[i]Che Guevara – A modern saint and sinner. Why the Che myth is bad for the left” (Ché Guevara – thánh nhân và tội nhân kiểu mới. Vì sao huyền thoại Ché không tốt cho cánh tả), The Economist, số ra ngày 11 tháng 10, 2007.
[ii] Cả Harrer và Ford đều được Đức Đạt Lai Lạt Ma trao Giải Ánh sáng từ Sự Thật”. Harrer nhận giải năm 2002, vì nỗ lực của ông trong việc trình bày cho thế giới biết tình hình Tây Tạng. Ford nhận giải vào tháng 4, năm 2013, vì “không ngừng vận động cho chính nghĩa Tây Tạng trong hơn nửa thế kỷ”.

 http://www.procontra.asia/?p=3555

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét