Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Sự tín nhiệm chính trị

Nguyễn Hưng Quốc


Trong sinh hoạt chính trị ở các nước dân chủ, điều quan trọng nhất là sự tín nhiệm (trust). Sự tín nhiệm trở thành một thứ bảo chứng cho quyền lực: Quyền lực chỉ tồn tại và kéo dài nếu sự tín nhiệm vẫn còn cao. Mất tín nhiệm cũng đồng nghĩa với việc mất quyền lực (muộn nhất là trong kỳ bầu cử kế tiếp).

Đó là lý do tại sao trên báo chí Tây phương, người ta thường xuyên đặt vấn đề tín nhiệm đối với chính phủ hoặc người lãnh đạo cao nhất trong chính phủ. Gần đây, nhân danh sự tín nhiệm, ở Mỹ, nhiều người phê phán thái độ lưỡng lự và bất nhất của Tổng thống Barack Obama đối với việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria; nhiều người khác phê phán thái độ cứng rắn của đảng Cộng hòa trong các yêu sách về ngân sách khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong vòng 16 ngày. Ở Úc, cũng vậy. Sau cuộc bầu cử vào đầu tháng 9 vừa qua, nhiều bình luận gia chính trị cũng thường xuyên đặt vấn đề tín nhiệm để nhắc nhở chính phủ phải thực hiện các lời hứa của họ.

Ở Việt Nam, giới lãnh đạo cũng thường đề cập đến chuyện tín nhiệm. Ông Nguyễn Phú Trọng, trong các buổi hội thảo, kêu gọi mọi người hãy tin vào chủ nghĩa xã hội; ông Nguyễn Tấn Dũng, trên diễn đàn quốc tế tại Singapore, kêu gọi lòng tin chiến lược giữa các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới; ông Trương Tấn Sang, trong các buổi gặp gỡ cử tri, kêu gọi mọi người hãy tin ông trong sạch và quyết tâm chống tham nhũng, nếu không làm được đó, ông sẽ từ chức, và nếu từ chức, ông sẽ trả dinh thự lại cho chính phủ để về sống trong căn nhà nhỏ bé của mình. Và cả ba đều, ở những thời điểm và khung cảnh khác nhau, kêu gọi mọi người hãy tin… đảng.

Trong cuốn Trust Me: Australians and their politicians mới xuất bản vào giữa năm nay, Tiến sĩ Jackie Dickenson, hiện dạy Chính trị học tại trường Đại học Melbourne, cho sự tín nhiệm chính trị không thể được hình thành bằng những lời nói suông hay những lời hứa hẹn hão. Nó chỉ có thể được xây dựng trên bốn nền tảng chính: năng lực (competence), sự công khai (openness), sự lương thiện (honesty) và sự khả tín (reliability).

Năng lực được đo lường ở việc đối phó với những vấn đề và những thách thức cụ thể mà cả nước phải đương đầu, từ lãnh vực quốc phòng đến các lãnh vực chính trị, kinh tế, y tế, xã hội, văn hóa, ngoại giao, giáo dục, v.v...

Sự công khai thể hiện ở tính chất minh bạch trong chính sách cũng như trong quản lý, ở việc cho phép tự do báo chí cũng như tự do ngôn luận.

Sự lương thiện thể hiện ở sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, không có chuyện nói một đàng làm một nẻo.

Tính chất khả tín bao gồm nhiều khía cạnh, không phải chỉ ở việc chính phủ thực hiện các lời hứa mà còn ở chỗ dân chúng có thể tiên đoán được các chính sách của chính phủ dựa trên những nguyên tắc, cương lĩnh và niềm tin mà giới lãnh đạo đã đưa ra. Ở Mỹ, với Tổng thống George W. Bush trước đây, người ta có thể chê nhiều điểm (như nói dở, có tầm nhìn chiến lược nhưng không có khả năng hay sở thích đi sâu vào chi tiết, do đó, thường đơn giản hóa vấn đề), nhưng có một điểm phần lớn đều khen: người ta biết ông nghĩ gì và muốn gì, từ đó, biết cả các chiều hướng chiến lược mà nước Mỹ sẽ theo đuổi. Ở Úc, cũng vậy, đánh giá sự thành công của John Howard, vị Thủ tướng thứ 25 (từ 1996 đến 2007) và là vị Thủ tướng cầm quyền lâu thứ hai trong lịch sử nước Úc (chỉ sau Sir Robert Menzies, vị Thủ tướng thứ 12, cầm quyền tổng cộng 18 năm), nhiều nhà bình luận cho: Không phải lúc nào người ta cũng đồng ý với John Howard, nhưng bao giờ người ta cũng biết rõ là ông nghĩ gì và muốn gì: Người ta xem đó là tính chất khả tín.

Áp dụng bốn tiêu chuẩn ấy vào Việt Nam, chúng ta thấy thế nào?

Hai tiêu chuẩn giữa, sự công khai và lương thiện có lẽ không cần phải bàn: Hầu như ai cũng thấy. Dân chúng lại càng thấy rõ. Không phải ngẫu nhiên mà câu nói “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm” của ông Nguyễn Văn Thiệu trước kia càng ngày càng được nhiều người tán thành và nhắc nhở. Sau này, dân chúng thêm vào câu nói đã thành “danh ngôn” ấy một chuyện cười khá ý vị, đại khái:

“Cả thế giới đều sợ người Mỹ vì người Mỹ đã nói là làm. Nhưng người Mỹ lại sợ người Nhật vì người Nhật làm rồi mới nói. Còn người Nhật lại sợ người Trung Quốc vì Trung Quốc không nói mà làm. Thế còn Trung Quốc sợ ai? Câu trả lời: Trung Quốc sợ Việt Nam vì Việt Nam nói một đằng làm một nẻo.”

Không biết Trung Quốc có sợ Việt Nam vì chuyện đó hay không, nhưng chắc chắn là dân chúng Việt Nam sợ. Sợ và khinh. Khinh nên mới có một chuyện cười như thế.

Với tiêu chuẩn thứ tư, trong giới lãnh đạo cao nhất ở Việt Nam, thành thực mà nói, người ta biết Nguyễn Phú Trọng nghĩ gì và muốn gì: Ông vẫn tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội và muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Với Nguyễn Tấn Dũng, người ta có thể biết, biết rõ những tham vọng cá nhân của ông, nhưng lại không ai có thể biết được ông nghĩ gì và muốn gì về tương lai của đất nước. Với Trương Tấn Sang, cũng vậy: Ông chỉ nói về những chuyện nhỏ, như chuyện chống tham nhũng và tranh giành quyền lực, nhưng một mô hình xã hội không tham nhũng mà ông mơ ước như thế nào, người ta tuyệt đối không biết.

Tất cả những cái biết và không biết ở trên đều chỉ có công dụng bào mòn sự tín nhiệm, nếu có, của dân chúng đối với giới cầm quyền.

Nhưng tiêu chuẩn quan trọng nhất của sự tín nhiệm chính là tiêu chuẩn thứ nhất: năng lực. Đối với Nguyễn Phú Trọng, câu trả lời của dân chúng đã rõ qua cái hỗn danh mà người miền Bắc đã đặt cho ông: “Trọng Lú”. Với Nguyễn Tấn Dũng, câu trả lời cũng tương đối rõ qua việc người ta hay nhắc nhở đến gốc gác y tá của ông. Thật ra, một lãnh tụ giỏi có thể xuất thân từ nhiều nghề nghiệp khác nhau, kể cả những nghề lao động bình thường nhất. Nhưng việc dân chúng cứ nhắc đi nhắc lại cái gốc y tá ấy chứng tỏ một điều: người ta coi thường ông. Vậy thôi. Trương Tấn Sang may mắn hơn, ít bị dân chúng dè bĩu về chuyện năng lực. Nhưng điều đó không chứng tỏ là ông giỏi. Có thể lý do chính là vì chức Chủ tịch nước của ông chỉ là một hư vị.

Tuy nhiên, gạt qua một bên chuyện cá nhân. Cứ nhìn giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay như một tập thể, điều dễ thấy nhất vẫn là sự bất lực của họ trong mọi phương diện. Nhìn đâu cũng thấy bế tắc. Nhìn ra biển đảo: bế tắc. Nhìn vào thị trường: bế tắc. Nhìn ra đường với cảnh ùn tắc triền miên và mức độ tai nạn giao thông khủng khiếp: bế tắc. Nhìn vào các bệnh viện và trường học, ở đâu cũng thấy suy đồi về đạo đức: bế tắc. Những bế tắc ấy là bằng chứng rõ nhất của sự bất lực từ hàng ngũ lãnh đạo.

Trước cả bốn tiêu chuẩn ấy, bạn có nghĩ là bạn nên tiếp tục tín nhiệm nhà cầm quyền hay không?


http://www.voatiengviet.com/content/su-tin-nhiem-chinh-tri/1797622.html

Tại sao cộng sản không thể tự thay đổi





Ngô Nhân Dụng

Bài trước trong mục này đã trích dẫn nhiều câu của ông Bùi Quang Vinh, nói với các đại biểu Quốc hội. Ông bộ trưởng bộ Kế hoạch và Ðầu tư nói thẳng rằng số đầu tư đang xuống thê thảm. Ông Bùi Quang Vinh công nhận: Phải thay đổi thể chế tất cả nền kinh tế, thay đổi triệt để.
Ông Bùi Quang Vinh nói, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: “Nhưng bây giờ rạch ròi ra, thị trường là thế nào và định hướng xã hội chủ nghĩa là thế nào?” Ông nêu ra thí dụ cụ thể trong ngành sản xuất điện; nó không theo thị trường, mà cũng không theo định hướng xã hội chủ nghĩa! Ông báo cáo rằng ở các nước tiên tiến tư nhân đóng vai chính trong việc đầu tư vào ngành sản xuất điện, một thứ mà người dân nào cũng tiêu thụ. Ở Việt Nam, nhà nước nắm vai trò quyết định, để “sản xuất ra một sản phẩm bán dưới giá thành.” Tức là hoàn toàn phản lại quy tắc kinh tế thị trường.

Vậy chính sách đó có theo chiều hướng xã hội chủ nghĩa hay không? Ông Vinh lại vạch ra: Nó chỉ giúp cho các nhà tư bản bỏ tiền làm các nhà máy xi măng và thép. Họ chỉ cần hưởng giá điện rẻ cũng đủ kiếm lời rồi. Tức là các nhà tư bản được công quỹ trợ cấp dưới hình thức giá điện rẻ, mà công quỹ là tiền của toàn dân chứ không phải của riêng ông nhà nước. Ông nhà nước lấy tiền của dân nghèo trợ cấp cho giới tư bản. Ông Bùi Quang Vinh hỏi: “Vậy xã hội chủ nghĩa ở đâu?” Ông Vinh còn nhìn sang nước Mỹ, nói thêm: “Không phải chỉ có chúng ta xã hội chủ nghĩa mới lo cho dân. Thằng (sic) Obama nó (đưa ra) chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho dân nghèo. Ðấy người ta lo cho dân nghèo như vậy, đâu chỉ có mình lo cho dân nghèo.”

Cho nên, đây là lời ông Vinh: “Chúng ta phải đổi mới căn bản, triệt để thể chế kinh tế của chúng ta.” Ông cũng nói việc đổi mới thể chế cần làm gì: “Phải nói rằng chúng ta phải (theo đúng) kinh tế thị trường, phải thị trường hơn nữa.”

Phải công nhận ông Bùi Quang Vinh là một người sáng dạ. Ông được phong làm bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư mặc dù không được huấn luyện ngày nào về môn kinh tế học. Ông xuất thân là sinh viên trồng cây ở trường Ðại học Nông nghiệp.

Lớn lên, chỉ làm công tác thực tế tại nông trường quốc doanh Phong Hải, tỉnh Hoàng Liên Sơn, từ chức đội trưởng sản xuất lên tới giám đốc nông trường; hoàn toàn sống trong lề lối kinh tế chỉ huy. Ông có đi học hai năm ở Học viện Quản lý Kinh tế Nông nghiệp cao cấp Mátxcơva, Liên Xô trước năm 1984. Nhưng ai cũng biết thời đó người ta dạy quản lý hoàn toàn theo lối cộng sản, bây giờ là thứ kiến thức hoàn toàn vô ích. Vậy mà, mới hai năm, leo từ chức bí thư Tỉnh ủy Lào Cai lên làm bộ trưởng lo làm kế hoạch cho cả nước Việt Nam, ông Bùi Quang Vinh đã biết nói những câu rất sáng. Ông Vinh lập đi lập lại mấy lần: “Phải tiếp tục thị trường hóa, thị trường một cách mạnh mẽ.” Phải công nhận ông Vinh đã học rất nhanh, đã nhìn rất đúng: Phải thị trường hóa nền kinh tế.

Câu hỏi kế tiếp là muốn “thị trường hóa” thì phải làm gì?

Ðến đây thì chúng ta không thấy ông Bùi Quang Vinh nói đến giải pháp “thị trường hóa” nào cả. Ðiều đáng lo ngại là chính ông Vinh và những người cùng ngồi trong chính phủ với ông thực sự họ không biết muốn thị trường hóa phải làm gì. Ông biết rằng kinh tế thị trường có thể “tạo ra môi trường cho tất cả mọi thành phần kinh tế để người ta có điều kiện thuận lợi nhất để phát huy tất cả những gì trong khả năng người ta có thể làm được... cho đất nước phát triển.”

Nhưng muốn tạo ra thứ môi trường tốt như thế, chúng ta phải làm gì? Ông Vinh có thể biết, nhưng không nói một tiếng nào cả. Muốn biết “thị trường hóa” phải làm gì, chỉ cần nhìn qua các nước cộng sản cũ ở Ðông Âu coi người ta đã làm gì.
Phải tư nhân hóa các xí nghiệp quốc doanh. Phải sửa luật lệ cho các doanh nghiệp tư được đối xử ngang hàng với doanh nghiệp nhà nước. Phải tôn trọng luật pháp. Các luật lệ và chính sách kinh tế phải công khai, minh bạch, và giản dị hóa để chính quyền từ trung ương tới địa phương không tạo ra những hàng rào ngăn cản các doanh nhân tư rồi đòi hối lộ. Phải tư nhân hóa cả hệ thống tài chánh, ngân hàng. Ở các nước Ðông Âu, nước nào thay đổi được môi trường kinh tế nhanh chóng nhất, toàn diện và đồng nhịp với nhau nhất, cũng là những nước kinh tế tiến bộ sớm nhất. Ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cũng bắt đầu thị trường hóa mạnh hơn trong việc phân bố tài sản, vốn liếng của nước ông. Và ông ta cũng nói ngay đến việc trao quyền làm chủ ruộng đất về cho nông dân, cho các ngân hàng cạnh tranh trong việc định lãi suất, khuyến khích các ngân hàng tư để giảm bớt tầm quan trọng của các ngân hàng công do các cán bộ điều khiển, vân vân.

Những người ngồi trong các ghế lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam họ có biết những điều này hay không? Chắc hẳn là họ có đọc báo. Nhưng tại sao họ không làm gì cả? Bởi vì họ đang được hưởng lợi trong tình trạng không thay đổi. Khi nào cần lắm, “không đổi mới thì chết;” thì họ cũng chỉ thay đổi chút ít. Ðang được hưởng các quyền lợi, ai muốn thay đổi? Bảo họ nhúc nhích, động đậy một chút, thì câu hỏi đầu tiên họ sẽ đặt ra là: Có lợi gì không? Nói rõ hơn: Có lợi gì cho bản thân tôi không?

Bùi Quang Vinh xuất thân là một cán bộ nông trường, rồi leo lên làm giám đốc một nông trường quốc doanh. Quyền lợi của ông ta khác hẳn quyền lợi của giới kinh doanh tư. Ngay tại Trung Quốc, một nước mới cải tổ kinh tế nửa vời, người ta cũng biết rằng cả nền kinh tế phát triển được là nhờ các nhà tư doanh. Nếu không có các tư nhân hoạt động năng nổ thì không có phép lạ kinh tế nào cả. Nhưng giới lãnh đạo cộng sản vẫn luôn luôn kỳ thị, chèn ép giới kinh doanh tư, ở bên Tàu cũng như ở nước ta. Chính sách của nhà nước cộng sản trước sau như một vẫn là nuôi béo các xí nghiệp quốc doanh.

Hiện ở Việt Nam các doanh nghiệp nhà nước được quyền sử dụng 70% số vốn đầu tư của xã hội, chiếm 70% số vốn ngoại quốc cho vay với lãi suất thấp, nhưng họ chỉ đóng góp 38% vào Sản lượng Quốc gia (GDP). Nói giản dị, các doanh nghiệp nhà nước cứ nhận được 70 đồng thì sản xuất ra thêm được 38 đồng. Cái vốn chung của cả nước bị lỗ mất 32 đồng! Khi nói một phần ba các doanh nghiệp nhà nước lỗ lã, người ta tưởng chỉ có họ bị lỗ thôi, không liên can gì đến người dân hết. Nhưng sự thật là tất cả mọi người dân trong nước lỗ, mất tiền, mất gần một nửa số tiền đóng góp cho nhà nước! Tại sao chính sách đảng Cộng sản vẫn cứ bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước như vậy? Lý do vì dân chúng cả nước bị lỗ nhưng các cán bộ, các quan chức lại kiếm lời, lời to!

Ông Bùi Quang Vinh ra Quốc hội bảo các ông bà nghị gật nâng số nợ của chính phủ lên thêm 170 ngàn tỷ đồng, tức gần 8 tỷ đô la nữa. Ông giảng cho quý ông bà nghị gật hay rằng vay nợ bằng cách phát hành trái phiếu như thế tức là chính phủ không cần in thêm tiền; tiền đang có sẵn trong dân chúng sẽ được đem đổi lấy trái phiếu mà thôi; cho nên không lo tạo áp lực làm tăng lạm phát. Nói như thế cho thấy quả thật ông Bùi Quang Vinh không được học về môn kinh tế một ngày nào.

Vì một số tiền có sẵn nếu nằm yên trong các ngân hàng thì không làm lạm phát tăng lên. Nhưng nếu khi ngân hàng bị bắt buộc lấy số tiền đó đưa cho chính phủ đổi lấy tờ giấy nợ gọi là trái phiếu, rồi chính phủ đưa tiền cho các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp này đem tiêu xài, thì vòng quay của đồng tiền sẽ tăng lên ngay lập tức. Cùng một số tiền có sẵn trong nền kinh tế, nếu vòng quay tăng lên thì lạm phát sẽ tăng. Nói chung, cứ đổ tiền vào các xí nghiệp quốc doanh, bỏ vô 70 đồng, họ sản xuất được hàng hóa trị giá 38 đồng. Khi số tiền lưu hành tăng lên nhiều mà số hàng hóa tăng ít hơn, theo định nghĩa nó sinh ra lạm phát! Chỉ khi nào xóa bỏ những xí nghiệp quốc doanh ăn hại này, để tài sản vốn liếng chung của xã hội được trao vào tay những doanh nhân làm việc có hiệu quả, tức là số hàng sản xuất ra nhiều hơn số tiền lưu hành tăng lên, thì mới giảm được lạm phát! Làm như vậy chính là “thị trường hóa” đấy!

Nhìn sang Cộng sản Trung Quốc thì thấy họ còn đi xa hơn Cộng sản Việt Nam trên đường thị trường hóa. Ở Trung Quốc có nhiều nhà kinh doanh tư thành công, phần lớn những người này được lôi vào làm đảng viên cộng sản, nhiều người leo lên ghế đại biểu Quốc hội, có người được vào Trung Ương Ðảng nữa. Nhưng họ có kinh doanh, có làm việc, và có thành công. Ở Việt Nam, một người đã thành công trong kinh doanh là Trần Huỳnh Duy Thức; nay anh đang ngồi tù với bản án 14 năm!

Cộng sản Trung Quốc vừa mới đưa ra chính sách mới, thúc đẩy “thị trường hóa” mạnh hơn, giống như ông Bùi Quang Vinh mới hô hào. Nếu thi hành đúng chương trình cải tổ đợt thứ hai này thì trong 10 năm tới Trung Quốc hy vọng thoát cảnh kinh tế đình trệ. Nhưng liệu họ có thi hành đúng được hay không, là chuyện khác. Một nhà tranh đấu dân chủ Trung Hoa, ông Ngụy Kinh Sinh tỏ ý bi quan; lo rằng Trung Cộng sẽ không thoát khỏi ngõ bí hiện nay. Thứ nhất, ông thấy giới lãnh đạo Trung Quốc như Tập Cận Bình hoàn toàn nằm trong vòng vây của các quan chức và cán bộ cao cấp; không thể làm mất quyền lợi của đám này. Thứ hai, đối với những cán bộ cao cấp đang hưởng thụ nhờ chế độ hiện nay thì việc cải tổ triệt để chỉ mang lại cho họ những điều thiệt hại, rất ít điều lợi lộc mới. Ông Ngụy Kinh Sinh có lần đã đến trò chuyện tại báo Người Việt. Ông vẫn bi quan như thế; vì ông không tin rằng đảng Cộng sản Trung Quốc có khả năng tự thay đổi.

Năm nay, ông nói rõ hơn: Cộng sản Trung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội tự thay đổi, từ thời Hồ Diệu Bang làm tổng bí thư. Bỏ qua cơ hội đó, chính họ đã tạo ra một giai cấp mới mà quyền lợi hoàn toàn dựa vào tình trạng cải tổ nửa chừng như bây giờ. Giai cấp mới này sẽ bám chặt lấy cái ghế đang ngồi, với các quyền lợi đi kèm; cho nên khó lòng bắt được họ đứng lên!

Cuối cùng, muốn các đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam thay đổi thì phải có một cuộc cách mạng thật sự. Cuộc cách mạng có thể bùng nổ ngay từ trong nội bộ đảng. Ngụy Kinh Sinh cho biết hiện nay ở Trung Quốc có người con của Hồ Diệu Bang là Hồ Ðức Bình đang hô hào thay đổi triệt để hơn. Ở nước ta chưa thấy ai như vậy. Cho nên chúng ta sẽ được nghe thêm nhiều người nói rất sáng sủa như ông Bùi Quang Vinh, nhưng làm thì chẳng thấy ai làm được cái gì cả!

 http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=177944&zoneid=7#.Upd9qMpOfeQ

Phiên bản tình yêu

Tháng 11 23, 2013
Tưởng Năng Tiến

Tôi (trộm) nghe nói rằng quân tử ba ngày mà không đọc sách thì diện mạo dơ dáng, và trò chuyện khó nghe. Tôi vốn bẩm sinh mặt mũi không mấy dễ coi, và chuyện trò thì vô cùng nhạt nhẽo nên (lắm khi) đến vài ba năm cũng chả nhìn đến một cuốn sách nào mà vẫn cứ sống phây phây – chả có (trăng) sao gì ráo trọi.
Tháng trước, tôi được nhà xuất bản Tiếng Quê Hương gửi cho một bộ sách to đùng, dầy hơn ngàn trang (thấy mà ớn chè đậu) tựa là Phiên bản tình yêu[1]. Bìa trước và bìa sau đều có hình của hai phụ nữ khỏa thân, và (hơi) gợi dục!
Tên tác giả (Vũ Biện Điền) thì hoàn toàn xa lạ. Trong tình yêu, cũng như tình dục, tôi rất ngại chuyện “phiêu lưu” nên lẳng lặng đẩy luôn cái “của nợ” trông rất “ướt át” này vào một góc!
Tuần rồi, chả may,  giáp mặt người tặng sách – nhà báo Uyên Thao:
“Cậu nghĩ sao về cuốn Phiên bản tình yêu của Vũ Biện Điền?”
Tôi đỏ mặt, ấp úng: “Dạ, em chưa đọc chữ nào.”
Dù không nghe nhưng tôi cảm được một tiếng thở dài (cố nén) của người đối diện. Với đôi chút áy náy, ngay tối hôm ấy, tôi đọc hơn bốn trăm trang sách. Sáng hôm sau, cáo bệnh, nằm nhà “chơi” luôn hơn bẩy trăm trang nữa với rất nhiều ngạc nhiên và thích thú.
Mấy thế hệ người Việt liên tiếp vừa qua, ít nhiều, đều là nạn nhân của thời cuộc hay của chế độ hiện hành nhưng chắc chưa có ai ngồi cặm cụi (nhiều năm trời) để ghi lại những nhận xét tỉ mỉ và chính xác của mình về “những loại nhà nước” hiện nay – như Vũ Biện Điền:
Trong số đó  đáng kể hơn cả là nhà nước Đảng, còn gọi là nhà nước Quỷ hoặc Siêu Chính phủ vì nó biến hóa như một cái bóng ma khổng lồ tác nghiệp lên tất cả các nhà nước khác. Ở trung ương, đứng đầu nhà nước này có Tổng Bí thư, nội các cơ mật là Bộ Chính trị. Ở địa phương, đứng đầu nhà nước này có Bí thư Tỉnh ủy, nội các cơ mật là Ban Thường vụ… Nó là đầu mối của mọi nhũng nhiễu, tai họa và tội ác nhưng rất có tài bẻm mép phủi tay.
Tiếp theo là nhà nước Hành chánh, còn gọi là nhà nước Hành dân vì bộ nào của nhà nước này cũng có chức năng làm dân khổ cực do đặc tính cửa quyền, nó vâng lệnh Đảng như một thứ đầu sai quản lý đất đai và điều hành nô lệ cho chủ nhân, thu gom vô tội vạ tài sản trong nhân dân, sau khi trích nạp cho chủ, nó được quyền chi tiêu xả láng. Ở trung ương, đứng đầu nhà nước này có một Chủ tịch không thực quyền, nội các cơ mật là Thủ tướng và các Bộ trưởng. Ở địa phương, đứng đầu nhà nước này có Chủ tịch, nội các cơ mật là Ban Thường trực và các Giám đốc sở…
Thứ ba là nhà nước Quốc hội, còn gọi là nhà nước Phường Chèo hoặc nhà nước Kỳ Nhông vì đặc tính hát ca véo von theo cách dàn dựng của Đảng, nhanh nhạy thay vai đổi màu tùy từng vị trí – ở trung ương nó là lập pháp, ở tỉnh nó là hành pháp, ở tòa án nó là tư pháp. Hình thái nhà nước Quốc hội về đến địa phương gọi là Hội đồng Nhân dân, đặc tính véo von và đổi màu vẫn lưu cữu.….
Thứ bốn là nhà nước Mặt trận Tổ quốc, còn gọi là nhà nước Chịu Trận, vì nó là một thứ bung xung vĩ đại hứng đòn – phản đòn – đỡ đòn cho các nhà nước kia. Nhà nước này còn có một chức năng định kỳ như một lò hộ sinh, phù phép hiệp thương ba lên bốn xuống trong mỗi mùa bầu cử, cho ra những đứa con đúng kiểu mẫu đặt hàng của Đảng… Quá trình vận động, thành tích cao nhất của Mặt trận Tổ quốc là tạo ra Mặt trận Việt Minh trước 1954, và Mặt trận Giải phóng Miền Nam trước 1975 – hai lá bài này khá ăn khách, nhưng tới hồi lật tẩy thì vô cùng bỉ ổi!
Thứ năm là nhà nước Quân đội, còn gọi là nhà nước Vũ trang… Nhà nước này làm bằng sức người và của nả của nhân dân nhưng chỉ trung với Đảng. Nên chi nó khu trú ở đâu là lãnh thổ riêng ở đó, từa tựa như một quốc gia trong một quốc gia. Khi cần, nó mạo danh quốc phòng, đưa quân chiếm hữu đất đai, rồi đặt ra định chế tự cấp tự quản… Ở trung ương, đứng đầu nhà nước này có Quân ủy, hội đồng cơ mật bao gồm các tổng cục chuyên ngành… Nhà nước này hội đủ tính chất phong kiến trung cổ La Mã, sỹ quan là giai cấp đảng viên gọi là cán bộ, bổng lộc hậu hĩ – hạ sỹ quan và lính (con em nhân dân thi hành nghĩa vụ), gọi là chiến sỹ, chỉ được hưởng sinh hoạt phí vừa đủ cầm hơi tới ngày phục viên…
Thứ sáu là nhà nước Công an, còn gọi là nhà nước Tam Đại vì mỗi thành viên phải có lý lịch ba đời bần cố,… vừa nghèo vừa ngu từ đời ông đến đời cháu. Đây là nhà nước bán vũ trang, thừa quan thiếu lính, quyền hành vô giới hạn, bổng lộc vô bờ bến. Không những nhân dân kinh sợ mà một số viên chức các nhà nước khác cũng chùn bước trước những đặc quyền đặc lợi của các ấm tử viên tôn. Lịch sử nhân loại từ xưa đến nay, chỉ dưới thời phát xít Đức-Ý-Nhật và các nước xã hội chủ nghĩa mới có thứ nhà nước kỳ lạ này. Nó đồng hóa mình với đảng chuyên chính, tự quyết tất cả và không chịu một quyền lực nào ràng buộc, một tổ chức nào kiểm soát.
Vũ Biện Điền cũng “tính sổ” rành mạch từng vụ một, cùng với  tên tuổi rõ ràng của những tên chính phạm.  Xin đơn cử vài vụ tiêu biểu:
Công hàm 1958:
Tôi mới lần ra danh sách Bộ Chính trị Đảng CSVN từ 1951-1960. Đó là Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Thọ, Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Duy Trinh, Phạm Hùng, Lê Thanh Nghị, và Lê Văn Lương. Phạm Văn Đồng chỉ là nhân vật hàng thứ sáu, chỉ bậc trung thôi… Án chung không thể tội riêng, một mình Phạm Văn Đồng mà dám qua mặt chủ tịch Hồ Chí Minh a? Dám qua mặt Đảng Cộng sản a?
Thảm sát Mậu Thân 1968
Tôi đào được danh sách của Bộ Chính trị nhiệm kỳ ba của Đảng Cộng sản Việt Nam 1960 -1976. Nhìn chung, chẳng ai xa lạ, Hồ Chí Minh Chủ tịch, Lê Duẩn Bí thư Thứ nhất, Trường Chinh Chủ tịch Quốc hội, Phạm Văn Đồng Thủ tướng, Phạm Hùng Phó Thủ tướng, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, Nguyễn Chí Thanh mất năm 1967, Nguyễn Duy Trinh Phó Thủ tướng, Lê Thanh Nghị Phó Thủ tướng, Hoàng Văn Hoan Phó Chủ tịch Quốc hội, Trần Quốc Hoàn và Văn Tiến Dũng, hai thành viên này được bổ sung từ năm 1972.
Cách nhìn của Vũ Biện Điền về những người đồng thời với mình – qua lời những nhân vật của ông – cũng khá khắt khe, và rất có thể gây ra tranh cãi gắt gao:
Nhưng người Hà Nội đến lạ! Họ biết Xã hội Chủ nghĩa là cái bánh vẽ cực kỳ thối tha mà cứ hớn hở ngồi vào lột lá bóc ăn và xơn xớt khen ngon khen ngọt đến nỗi người ngoài nhìn vào phát thèm. Họ biết Hồ Chí Minh gian manh xảo trá mà cứ ngoác miệng ngợi ca lúc ông ta còn sống và khóc khô nước mắt khi ông chết. Họ biết bè lũ kế thừa đang đi tiếp con đường của ác quỉ mà vẫn tranh nhau làm tôi mọi, cúc cung tận tụy. Họ biết lịch sử đang rao giảng là thứ cực kỳ giả dối nhưng học thuộc vanh vách, nếu có ai mạnh dạn đính chính thì phồng mang trợn mắt, cãi cối cãi chầy như sợ mất đi độc quyền làm thân sáo vẹt. Họ nhận quá nhiều đau khổ do độc tài đảng trị nhưng không dám đối mặt với kẻ thù cứ ươn hèn đổ vạ cho phong kiến, cho tư sản, cho địa chủ, cho Mỹ Ngụy, xua con em vào chết ở miền Nam mà không biết đang hiến máu cho hung thần và đang hy sinh cho một thiên đường mù…
Ngoại trừ một số rất ít sớm thức tỉnh như Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Trần Xuân Bách, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Dương Thu Hương, Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc… tôi chưa thấy một tổ chức nào bi phẫn, chưa thấy một đoàn thể nào muốn nm tay nhau liên kết xung đường biểu tình, họp mít-tinh  vạch mặt chỉ tên bè lũ tay sai Nga – Hoa, tập đoàn phi nhân bản, phản nhân quyền, bọn bán nước cầu vinh …
Một tác phẩm mang đậm mầu sắc chính trị như thế sao lại có cái tựa trữ tình và ướt át là Phiên bản tình yêu? Trong phần lời tựa, nhà văn Trần Phong Vũ đã giải thích (phần nào) như sau:
Như nhan sách, Phiên bản tình yêu là một chuyện tình –mà là một chuyện tình xuyên thế hệ, mang nhiều kịch tính với những tình tiết éo le, ngang trái, chuyển biến bất ngờ. Nhưng Tình Yêu ở đây chỉ là lớp vỏ, là mặt nổi của một tảng băng sơn giữa đại dương mờ mịt
Cuộc tình xuyên thế hệ ở đây có thể được hiểu như một thứ “thang” để dẫn “thuốc”, một chất xúc tác, tạo hấp lực lôi cuốn người đọc đi sâu vào những âm mưu, những màn đấu đá, những trò lường gạt, thay bậc đổi ngôi trong một xã hội người ta nhân danh đủ thứ với những mặt nạ khóc cười, hỉ nộ đã được mã hóa khi thực chất chứa đầy tâm thái tham lam, ích kỷ, độc ác, chỉ vụ thỏa mãn những lợi ích cá nhân, bè nhóm, bất chấp sự an nguy của tiền đồ quốc gia dân tộc. Và trong chừng mực nào đó, với tư cách người chứng, tác giả đã đạt được mục đích của ông.
Tôi cũng tin là Vũ Biện Điền hoàn toàn đạt được mục đích của mình nhưng e rằng ông không thành công (lắm) khi dùng hình thức tiểu thuyết như “một chất xúc tác, tạo hấp lực lôi cuốn người đọc đi sâu” vào “chuyện tình xuyên thế hệ” này. Những nhân vật trong Phiên bản tình yêu (e) hơi quá nhiều kịch tính, nhất là qua những mâẩu đối thoại rất dài và (rất) trí tuệ nhưng cũng rất xa lạ với đời thường hay đời thật.
Tất nhiên, đây chỉ là suy nghĩ hoàn toàn chủ quan (và có thể là hoàn toàn sai lạc) của một thường dân mà trình độ thưởng ngoạn nghệ thuật còn nhiều giới hạn.  Mong được đón nhận những nhận định khác, từ những người đọc khác, về công trình tâm huyết và đồ sộ này của Vũ Biện Điền.
© 2013 Tưởng Năng Tiến & pro&contra

[1] Quý độc giả muốn có tác phẩm xin viết chi phiếu 25 MK (20 MK tiền sách + 5 MNK cước phí bưu điện) trả cho VLAC/TQH (Vietnamese Litterary & Artistic Club of Washington) và gửi về địa chỉ: Mr Trần Phong Vũ, 4 Sand Pointe, Laguna Niguel, CA 92677. Liên lạc: tphongvu@yahoo.com. ĐT: (949) 485 – 6078. 

 http://www.procontra.asia/?p=3660

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Bức tường Berlin sụp đổ : Nhìn lại bài học lịch sử 1989

 
Bức tường Berlin bên phía tây, trước ngày bị sụp đổ
Bức tường Berlin bên phía tây, trước ngày bị sụp đổ
Jean-Claude Mouton
Tú Anh

Là sản phẩm của Chiến tranh lạnh và cũng là biểu tượng của thế giới lưỡng cực bên tự do tư bản bên độc tài Cộng sản, bức tường Berlin được phía Đông Đức xây dựng vào tháng 8 năm 1961 và sụp đổ vào ngày 9/11/1989. Vì sao bức tường chia cắt không tồn tại được trăm năm như lãnh đạo Đông Đức Honecker tuyên bố trước đó vài tháng ?

24 năm trước đây, bức tường Berlin sụp đổ trong bối cảnh hàng triệu dân Đông Đức biểu tình phản kháng tình trạng ù lì của chế độ Cộng sản và đòi quyền tự do sang Tây Đức.

Lễ hội tưng bừng vào đêm 09/11/1989 chào đón người dân hai miền được trùng phùng sau gần 40 năm chia cắt được xem là hệ quả của ngọn gió cải cách mà lãnh đạo Liên Xô thời bấy giờ là Mikhai Gorbatchev thực hiện từ năm 1985 thổi qua Đông Âu.

Một tháng trước khi xảy ra sự kiện lịch sử « bức tường ô nhục » sụp đổ, thì vào ngày 07/11/1989, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Cộng Hòa Dân Chủ Đức, đích thân lãnh đạo Liên Xô kêu gọi Đông Đức « cải cách sâu rộng ».

Ngày 03/10/1990 nước Đức thống nhất. Bức tường Berlin sụp đổ kéo theo sự tan rã của toàn khối Cộng sản Đông Âu.

Tình trạng chính trị, kinh tế, xã hội Đông Đức lúc đó như thế nào? Vì sao giới lãnh đạo không thấy được chế độ bị thoái trào ?

Nhà nghiên cứu chính trị kinh tế Âu Dương Thệ, Dormund, Đức Quốc phân tích :
Từ « Bức tường Berlin còn tồn tại 50 -100 năm nữa » tới « Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.

I. Sự sụp đổ của Cộng Hòa Dân Chủ Đức

RFI đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu chính trị kinh tế Âu Dương Thệ, Dormund, Đức Quốc.

RFI : Bức tường Berlin đã sụp đổ như thế nào?

Âu Dương Thệ : Bức tường Berlin chia cắt thủ đô Berlin được xây rất đột ngột từ 1961 và được bảo vệ ngày đêm rất nghiêm ngặt và sắt máu bởi những lực lượng công an và quân đội Đông Đức. Bức tường Berlin là một biểu tượng ngăn chia giữa chế độ toàn trị Cộng sản Đông Đức (DDR) và chế độ dân chủ đa nguyên ở Tây Đức khi ấy. Nhưng đối với 17 triệu dân Đông Đức (ĐĐ) khi ấy và những người yêu chuộng tự do dân chủ thì đây là một „bức tường ô nhục“!

Mãi tới tháng 6.1989 TBT và Chủ tịch nước ĐĐ Erich Honeker vẫn còn tuyên bố ngay tại Mạc tư khoa là “Bức tường Berlin sẽ còn tồn tại 50 tới 100 năm nữa!“. Nhưng chỉ gần nửa năm sau, ngày 9.11.1989, hàng chục ngàn nhân dân Đông Berlin và Tây Berlin đã leo lên bức tường chia cắt hai thành phố và đục đổ bức tường ô nhục, chấm dứt chế độ toàn trị và mở đường cho 17 triệu dân DDR thống nhất với Tây Đức trong hòa bình và tự do dân chủ. Bức tường Berlin sụp đổ chỉ sau 3 tuần Bộ Chính trị Cộng sản Đông Đức truất phế Honecker. Và chỉ một ngày sau (8.11.89) Bộ Chính trị cho điều tra về sự lạm dụng quyền lực và tham nhũng của Honecker sau gần 20 năm làm Tổng bí thư và Chủ tịch nước.

RFI : Cuộc cải tổ sâu rộng ở Liên Xô của Mikhail Gorbatchev ảnh hưởng gì tới sự sụp đổ của Đông Đức?

Chế độ toàn trị ở Đông Đức không do nhân dân Đông Đức thành lập mà do Hồng quân Liên Xô dựng lên sau khi chế độ độc tài Hitler thất bại trong Thế chiến Thứ 2 (1939-1945). Cho nên dưới con mắt của nhân dân Đông Đức, những người cầm đầu Cộng sản Đông Đức chỉ là cánh tay dài của đảng Cộng sản Liên Xô, không được sư tín nhiệm của nhân dân. Hiến pháp của Đông Đức cũ - cũng tương tự như Hiến pháp của chế độ toàn trị ở Việt Nam - ngay phần mở đầu và Điều 1 đã đề cao chủ nghĩa Marx-Lenin và đảng Cộng sản Đông Đức là lực lượng lãnh đạo toàn xã hội.

Như vậy chế độ toàn trị ở Đông Đức chỉ có thể tồn tại chừng nào còn được Liên Xô ủng hộ và chừng nào Mạc tư khoa còn nắm vững tình hình cả trong lẫn ngoài. Các điều kiện này đã bị mất dần từ khi Gorbatchev làm Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô (1985) với những thay đổi toàn diện các chính sách đối nội và đối ngoại, nhất là với Khối quân sự Vac-xa-va bao gồm nhiều nước Cộng sản Đông Âu, trong đó có Đông Đức. Biến động chính trị vào mùa hè 1989 ở Ba Lan chuyển từ độc tài toàn trị sang dân chủ đa nguyên đã như trận động đất khủng khiếp trong Thế giới Cộng sản. Liên Xô không can thiệp, vì Gorbachov đã đề ra chủ trương không can thiệp vào nội bộ các nước đồng minh. Chấn động chính trị rất mạnh khi ấy đã dội tới cả VN khiến Nguyễn Văn Linh phải trở lại với chính sách đàn áp văn nghệ sĩ và báo chí, đồng thời khởi đầu giải pháp cầu hòa với Bắc kinh.

RFI : Tại sao nhóm lãnh đạo CS Đông Đức đã mất uy tín với nhân dân?

Sau Thế chiến 2 cả Tây và Đông Đức kinh tế hầu như tàn rụi, nhưng Tây Đức chỉ sau khoảng 2 thập niên đã trở thành một cường quốc kinh tế ở Âu Châu với kĩ nghệ tân tiến và trên 60 triệu dân được hưởng cuộc sống sung túc và tự do. Trong khi đó kinh tế Đông Đức theo kế hoạch hóa, công hữu đất đai nên không ngóc đầu lên được. Chỉ vài thí dụ dẫn chứng, Auto hiệu Trabant của Đông Đức tuy rất tồi về kĩ thuật, nhưng muốn mua cũng phải đặt cọc cả hàng năm trước. Sau khi bức tường Berlin bị đổ hàng vạn người Đông Đức chạy vào các siêu thị ở Tây Berlin, thứ hàng được họ ưa chuộng nhất là chuối tiêu. Vì ở Đông Đức chuối tiêu là một xa xỉ phẩm phải nhập cảng bằng ngoại tệ, nhưng Cộng Hòa Dân Chủ Đức không đủ ngoại tệ. Trong khi đó sau khi Đức thống nhất người ta đã tìm thấy trong các biệt thự của các ủy viên Bộ chính trị chỉ toàn các sản phẩm hạng sang, nhập cảng từ Tây Đức và các nước tư bản như TV, tủ lạnh, máy giặt, máy rửa chén …!
Các sự kiện đó chứng minh là, những người lãnh đạo Đông Đức khi ấy chỉ là những người đạo đức giả, sống trong nhung lụa, không quan tâm tới cuộc sống của người dân, nhưng vẫn tiếp tục cai trị bằng chế độ công an mật vụ - Stasi - và vẫn đề cao chủ nghĩa Marx-Lenin đã hoàn toàn bất cập. Ngay cả khi Gorbatchev đã tiến hành cải tổ sâu rộng ở Liên Xô, nhưng ông Honecker vẫn từ chối cải cách. Cho nên nhân dân Đông Đức ngày càng bất mãn. Vì thế trong dịp dự lễ Quốc khánh thứ 40 của Đông Đức Gorbatchev đã cảnh báo “Kẻ nào đi muộn sẽ bị đời trừng phạt”. Chính khi ấy Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cũng có mặt trong cuộc lễ này và tính ở lại nghỉ một thời gian, nhưng khi Honecker bị truất phế (18.10.89), đã phải hấp tấp về nước.

RFI : Phong trào đòi dân chủ của nhân dân Đông Đức khi ấy ra sao?

Theo dõi nội tình của Đông Đức từ khi được Liên Xô dựng lên vào sau Thế chiến Thứ hai thì thấy, ngay 1953 người dân Đông Đức đã có cuộc nổi dậy rất lớn, nhưng đã bị các sư đoàn Hồng quân Liên Xô sử dụng thiết giáp đàn áp. Các cuộc vận động dân chủ phải tạm thời chuyển vào các hoạt động xã hội -tôn giáo, đặc biệt của Giáo hội Tin lành ở Đông Đức. Mãi tới khi Hiệp ước An ninh và Hợp tác Âu Châu (KSZE) được kí kết ở Thủ đô Helsinki (Phần Lan) 1975 giữa một bên là Liên Xô cùng các nước Cộng sản Đông Âu và bên kia là Mĩ, Gia Nã đại và các nước Tây Âu thì các cuộc vận động cho nhân quyền và tự do dân chủ lại bộc pháp trở lại rất nhanh và rất mạnh. Vì Hiệp ước Helsinki, ngoài việc gìn giữ hòa bình và hợp tác ở Âu Châu, còn qui định cả việc thừa nhận trao đổi thông tin giữa hai khối và bảo đảm nhân quyền cùng các quyền tự do căn bản.

Lúc đầu những người sáng lập tổ chức “Sáng kiến vì Hòa bình và Nhân quyền” (IFM) đưa ra phong trào “Hòa bình và Nhân quyề” theo những qui định của Hiệp ước Helsinki với chương trình hành động gần giống Hiến chương 77 của nhóm ông V. Havel (Tiệp) và trở thành nhóm đối lập quan trong ngay trong lòng chế độ toàn trị DDR.

Các biến động chính trị lớn vào mùa hè 1989 ở Ba lan đã làm bùng nổ phong trào tị nạn của hàng chục ngàn người dân Đông Đức chạy sang các nước lân bang như Hung, Tiệp và vào các sứ quán Tây Đức xin tị nạn chính trị. Chính các cuộc tị nạn đông đảo này đã gây thêm phân hóa trầm trọng ngay trong Bộ chính trị ĐCS ĐD và khiến cho phong trào đòi tự do dân chủ ở Đông Đức đạt đến cao độ. Một phong trào đối lập mới ra đời ở Đông Đức là “Tân Diễn đàn“ (Neus Forum) vào cuối hè 1989 và ra Lời kêu gọi “Vùng lên 89“ (Aufbruch 89) đòi đối thoại giữa nhân dân với nhà cầm quyền để cải tổ chính trị theo hướng dân chủ. Chỉ vài tháng sau đã có trên 200.000 người kí tên ủng hộ Lời kêu gọi.

Các cuộc biểu tình vào chiều Thứ hai mỗi tuần xuất phát từ nhà thờ Nikolaikirche ở Leipzig với các khẩu hiệu „Chúng tôi là nhân dân“, „Khước từ bạo lực“ vào 4.9.89 đã có sức thu hút sự tham gia tích cực của nhân dân rất mạnh, đầu tháng 9 chỉ có 1200 người nhưng tới cuối tháng 10 đã có tới nửa triệu người tham dự. Nó còn thuyết phục cả nhiều cán bộ cao cấp đảng Cộng sản Đông Đức ở địa phương tham gia và nhiều đơn vị công an, quân đội đã chống lại lệnh của Honecker từ chối dùng vũ lực đàn áp người biểu tình. Chỉ một tuần trước khi bức tường Berlin sụp đổ đã diễn ra cuộc biểu tình rất lớn ở quảng trường Alexanderplatz , Đông Berlin với khoảng nửa triệu người tham dự.

RFI : Tây Đức và Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã đóng vai trò như thế nào đối với các phong trào đòi dân chủ ở DDR và Đông Âu?

Cuộc „Cách mạng nhung“ diễn ra ở Đông Đức và hầu hết các nước Cộng sản Đông Âu đã diễn ra trong hòa bình, mở ra một kỉ nguyên mới về phương thức thay đổi thể chế chính trị so với các thế kỉ trước đây chỉ thuần dùng bạo lực. Thành công nhanh chóng, lớn lao và ít hao tổn nhân mạng và tài sản này là sáng kiến và công lao đầu tiên của chính nhân dân Đông Đức và các nước Đông Âu. Điều này thật rõ ràng không ai có thể phủ nhận được. Vì họ đã biết kết hợp sức mạnh nội lực và sức mạnh quốc tế của thời đại vào đúng lúc, đúng chỗ.

Nhưng sự hậu thuẫn cả về tinh thần lẫn vật chất của Tây Đức cho Đông Đức và Liên Hiệp Châu Âu cho toàn bộ Đông Âu là một yếu tố cực kì quan trọng. Chính sự hưng thịnh vững vàng của Liên Âu (khi ấy với 12 nước và khoảng 300 triệu người) cả về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa đã trở thành một tấm gương cho các cuộc vận động dân chủ tự do ở Đông Đức và Đông Âu trong thập niên 80 vừa qua. Trong các sách Hồi kí của cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl và cựu Ngoại trưởng Đức D.Genscher, cũng như nhiều sách nghiên cứu của các chuyên gia chính trị đã xác nhận, Liên Âu là hậu phương vững chắc cho sự thống nhất Đức và thay đổi thể chế chính trị trong hòa bình và nhanh gọn ở Đông Âu trên hai thập niên trước đây.

II. Cuối trào của triều đình XHCN ở VN?

RFI : Đâu là những tương đồng lớn giữa hai chế độ toàn trị ở Đông Đức và Việt Nam?
Ngày 23.10 trong cuộc họp tổ ở Quốc hội bàn về „Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992“ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố “Xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. Khi chọn cách chơi chữ như vậy, người cầm đầu chế độ đồng thời là lí thuyết gia của Đảng muốn để cho mọi người biết là, chế độ toàn trị sẽ còn tồn tại tiếp tục cả thế kỉ nữa ở Việt Nam. Một sự tình cờ là, ý tưởng này cũng giống như tuyên bố của Honecker vào giữa năm 1989 „Bức tường Berlin còn tồn tại 50-100 năm“. Tuyên bố giống nhau của hai thủ lãnh độc tài cho thấy, đây là cách nói cường điệu khi họ phải đối diện với nguy cơ. Nhưng điều gì đã xẩy ra ở DDR chỉ nội sáu tháng sau đó thì đã trở thành một sự kiện lịch sử ai cũng biết.

So sánh hai chế độ toàn trị ở VN hiện nay và ở cựu Đông Đức thì tuy có một số điểm khác nhau, nhưng tương đồng là chính. Những người cầm đầu chế độ toàn trị ở VN, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng, cũng rất giáo điều và bảo thủ, bất chấp tình hình quốc tế và trong nước đã thay đổi triệt để, nhưng họ vẫn chống lại nguyện vọng của nhân dân, như Honecker trước đây hơn 20 năm ở ĐĐ. Điển hình mới nhất như trong việc gọi là sửa đổi Hiến pháp. Khởi đầu họ kêu gọi mọi người góp ý kiến và sẵn sàng nghe cả ý kiến trái chiều. Nhưng khi nhân dân thuộc nhiều giới công khai đóng góp ý kiến, đại biểu cụ thể là “Kiến nghị 72” do nhiều nhân sĩ , trí thức trong và ngoài nước đưa ra và được cả hàng ngàn người thuộc nhiều giới- kể cả nhiều đảng viên tiến bộ- kí tên đồng ý thì ông Trọng đã rất kiêu căng ngạo mạn kết án “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức … Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! » Đúng ra phải trân trọng đối thoại với dân, nhưng ông Trọng đã cao ngạo khinh thường những đóng góp thành thực này. Vì vậy chính ông Trọng đã tự đánh mất tư cách và khả năng của người lãnh đạo!

Tại Hội nghị Trung ương 8 đầu tháng 10 những người bảo thủ và các nhóm lợi ích trong Trung ương đã thỏa hiệp ngầm với nhau bắt Quốc hội phải thông qua „Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992“ ngay trong kì họp thứ 6 này để mong kéo dài chế độ độc tài. Mặc dầu những điều căn bản vẫn còn tranh cãi, như để ĐCS độc quyền tiếp tục, kinh tế Nhà nước vẫn nắm chủ đạo, đất đai vẫn thuộc quyền công hữu, quân đội và công an phải tuyệt đối trung thành với Đảng…!

RFI : Sự bất lực và tha hóa đạo đức của những người có quyền lực ở Việt Nam như thế nào và dẫn tới những hậu quả gì?

Chính ông Trọng và các ủy viên Bộ chinh trị đã biết rằng, việc duy trì chế độ độc đảng, trong đó giành quyền ưu đãi gần như tuyệt đối cho những người có quyền lực ở trung ương và địa phương đã không làm chế độ ổn định, mà chỉ phát sinh thêm và trầm trọng hơn tệ trạng tham nhũng của bọn quan tham, biến các tập đoàn nhà nước thành nơi chia quyền, đục khoét tài sản quốc gia một cách vô trách nhiệm. Điển hình như việc làm ăn thua lỗ của Tập đoàn Vinashin vừa phải phá sản ít ngày trước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Than Việt Nam…đã làm thất thoát cả hàng chục tỉ Mĩ kim. Trong vụ Vinashin Nguyễn Tấn Dũng đã hai lần xin lỗi và nhận trách nhiệm, nhưng ông ta vẫn chỗm chệ ở ghế Thủ tướng!

Chỉ có nhân dân phải gánh vác các hậu quả tại hại này. Rõ ràng nhất như nạn lạm phát cao và thường xuyên trong nhiều năm làm cho cuộc sống của nhân dân rất cơ cực; nợ công ngày càng phình ra đang tới mức mất kiểm soát –trong báo cáo vừa qua tại Quốc hội, Nguyễn Tấn Dũng đòi tăng ngân sách lên 5,3%. Nhiều chuyên viên Việt Nam và các tổ chức tài chánh quốc tế, như Ngân hàng Thế giới, đã cho biết, các con số nợ công mà chính phủ đưa ra còn thấp hơn rất nhiều so với thực tế! Trong ba năm trở lại đây mức tăng trưởng kinh tế của VN mỗi năm lại đi xuống, trong khi nhiều nước trong khu vực lại đang lên!

Trong khi tiền thuế của nhân dân và tài nguyên của đất nước bị lạm dụng và lãng phí khủng khiếp thì sự giầu lên nhanh và bất chính của cán bộ có quyền đã trở thành công khai. Chính ông Trọng đã nói trong nhiều Hội nghị trung ương và qua phong trào chỉnh đảng với các cuộc tự phê bình và phê bình ngay trong Bộ chính trị kéo dài nhiều tuần lễ trong năm 2012…. Nhưng việc chống tham nhũng đã thất bại, không những thế dự tính đòi kỉ luật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không thành và đang tạo nên sự chống đối công khai lẫn nhau. Hiện nay Chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn kể tiếu lâm, chế diễu công khai cả Nguyễn Phú Trọng lẫn Nguyễn Tấn Dũng.

Nguy hiểm nữa là, do những khó khăn kinh tế, tài chánh và không được sự tin cậy của nhân dân, nên những người lãnh đạo chế độ ngày càng phải quỵ lụy Bắc kinh nhằm mưu đồ bảo vệ cái ghế và tiền bạc. Điển hình nhất là Thông cáo chung 10 điểm ngày 15.10 giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã mở toang cửa cho Bắc kinh tham dự và can thiệp vào nhiều lãnh vực của VN từ quốc phòng, an ninh, chính trị, ngoại giao tới kinh tế, tài chánh, báo chí và văn hóa tư tưởng! An ninh và chủ quyền của Việt Nam đang bị đe dọa!

Nói tóm lại, vì thiếu năng lực và tha hóa đạo đức, nên những người đang nắm quyền lực đang đục ruỗng gia tài của Đảng do các thế hệ trước để lại!

RFI : Các cuộc vận động dân chủ ở trong nước đang phát triển như thế nào?

Chính vì thế, mặc dầu bị đe dọa của chế độ công an trị cực kì tàn bạo, nhưng nhân dân nhiều giới, từ trí thức, chuyên viên, thanh niên, công nhân và nông dân và cả nhiều đảng viên biết quí tự trọng đã không còn sợ. Trong những năm gần đây nhiều giới ở trong nước theo dõi rất sát tình hình thời cuộc và đặc biệt xung đột ở đầu não chế độ toàn trị. Nhiều cuộc vận động đã bung ra trong các lãnh vực đang có bức xúc lớn, như các biểu tình chống sự xâm lấn của Bắc kinh, ủng hộ các vụ khiếu kiện đất đai của nông dân, nhà thờ, đòi tự do cho các thanh niên và các Blogger bị giam giữ trái phép, ra các Kiến nghị và Tuyên bố về sửa đổi Hiến pháp…Phương pháp tranh đấu là hòa bình, khước từ bạo lực, với mục tiêu trong sáng là chấm dứt đàn áp, công an trị và bảo vệ nhân quyền, tiến tới dân chủ đa nguyên. Vài năm trước chỉ có một số người, nhưng nay đang lan tỏa ra nhiều giới và sự tham gia ngày càng tích cực và đông đảo.
Đặc biệt nữa là, các cuộc vận động này đã biết tận dụng các phương tiện thông tin nhanh chóng và quảng đại là Internet cả trong nước lẫn ngoài nước. Nên không chỉ nhiều giới ở trong nước mà cả báo chí quốc tế và chính giới các nước dân chủ biết rất rõ về Kiến nghị 72 của hàng ngàn trí thức, văn nghệ sĩ, thanh niên và đảng viên tiến bộ đòi thay đổi thực sự và toàn diện Hiến pháp, các tuyên bố của Phật giáo và Công giáo, « Tuyên bố về Thực thi Quyền Dân sự và Chính trị », « Tuyên bố 258 » của những người trẻ Việt Nam !, lời kêu gọi từ bỏ Đảng CS và lâp đảng Dân chủ Xã hội của Lê Hiếu Đằng, hay mới đây lời nói rất khẳng khái và đúng đắn của nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên mới 21tuổi tại tòa án « Tôi yêu Tổ quốc, nhưng xin đừng đánh đồng với Đảng ».

RFI : Rút ra bài học nào từ Đông Đức, Đông Âu tới Việt Nam ?

Thế hệ Cộng sản Việt Nam đầu tiên đã biết thu phục nhân dân và có công rất lớn trong việc giành lại độc lập. Đây là gia tài rất quí để lại. Nhưng các thế hệ tiếp sau đã không biết gìn giữ và vun bồi. Trái lại, càng về sau bọn con cháu chỉ thích ham chơi hoang phí và làm điều bạo ngược chống lại dân, tự đánh mất tư cách lãnh đạo. Họ còn đang tháo khoán cho Bắc kinh thực hiện chính sách bành trướng ở biển Đông và bòn rút tài nguyên của Việt Nam . Chính vì thế họ là những người đang đục ruỗng gia tài của Đảng, không những thế còn đang chia bè, chia cánh, tranh giành quyền lợi ích kỉ và thanh toán lẫn nhau!

Vì vậy nhân dân ta đã thức tỉnh và đang đứng dậy, không thể chờ và tin vào những lời hứa cuội của những người cầm đầu chế độ toàn trị! Các cuộc vận động dân chủ đang lên cao ở trong nước cho thấy, nhân dân Việt Nam đang tự tin, quyết nắm lấy tương lai trong chính tay mình.

Tóm lại, trước đây trên hai thập kỉ nhân dân Đông Đức và các nước Cộng sản Đông Âu đã đứng dậy chấm dứt các chế độ toàn trị của các tập đoàn lãnh đạo tham nhũng, bất lực và ích kỉ. Nay nhân dân Việt Nam cũng đang hành động chính nghĩa như vậy!

 http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20131114-buc-tuong-berlin-sup-do-nhin-lai-bai-hoc-lich-su-1989-0
Lòng tốt của người lạ

Hai em bé giữa cảnh đổ nát ở Tacloban, Philippines
Hơn 10 triệu người Philippines bị ảnh hưởng bởi bão Hải Yến
Tin siêu bão đổ bộ vào Philippines làm cả vạn người chết cuối tuần trước đã gây sốc và thúc giục nhiều chính phủ và người dân của nhiều nước chung tay cứu giúp.
Mặc dù con số 10.000 người chết được đưa ra lúc đầu không hoàn toàn chính xác, nhưng ngay cả con số hơn 2.000 người được xác nhận đã thiệt mạng cũng là quá lớn.
Vì vậy nhiều nước đã có những phản ứng tức thì để trợ giúp.

Trong bài 'Sự tử tế của người lạ' hôm thứ Năm, báo Metro của Anh liệt kê các khoản đóng góp tính tới ngày 14/11.

Anh đứng đầu với hơn 24 triệu đô la, theo sau là Hoa Kỳ với hơn 20 triệu, Ủy hội châu Âu gần 11 triệu, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất và Nhật Bản hơn 10 triệu, Úc hơn 9 triệu và Hàn Quốc gần 5 triệu.
Vào thời điểm đó Trung Quốc mới cam kết hơn 200.000 đô la dù sau này đã tăng con số này lên 1,6 triệu đô la.

Nhưng các nước khác cũng đã tăng viện trợ của họ trong đó Anh đã tăng gấp đôi viện trợ từ mức 24 triệu đô la lên 80 triệu trong khi người dân Anh cũng đóng góp 53 triệu đô la. Anh và Hoa Kỳ cũng gửi tàu chiến, tàu bệnh viện, máy bay quân sự tới tham gia cứu trợ.

Phản ứng khác nhau

Khoản trợ giúp 100.000 đô la cho Philippines mà Trung Quốc lúc đầu công bố đã gây nhiều bức xúc.
 
Người ta đã so sánh con số này với khoản cứu trợ 450.000 đô là mà Philippines giúp Trung Quốc trong đợt động đất Tứ Xuyên hồi năm 2008. Một trang blog nói con số 100.000 đô la mà Bắc Kinh tuyên bố ban đầu chỉ bằng nửa giá chiếc giường đắt nhất được rao bán ở Bắc Kinh.

Ngay cả với khoản trợ giúp đã tăng lên gấp nhiều lần, Trung Quốc vẫn đứng sau rất nhiều nước về mặt cứu trợ cho hơn 10 triệu người Philippines đang bị ảnh hưởng.

Điều này gây ngạc nhiên khi Trung Quốc nay đã là nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới và đang được xem là cạnh tranh với Hoa Kỳ để nhận lấy vai trò lãnh đạo thế giới trong tương lai. Một số thủ đô khác trên thế giới đã có phản ứng nhanh và có vẻ hợp lý hơn so với Bắc Kinh.

Cũng không loại trừ khả năng các nhà lãnh đạo thế giới khác theo dõi tin tức sát hơn, hiểu được ý nghĩa của hành động nhân đạo đối với hình ảnh của đất nước và đã quen với việc trợ giúp nhân đạo.

Tinh thần dân tộc

Nhưng người ta cũng nói một trong những lý do khiến Bắc Kinh không nhiệt tình như một số nước khác là họ có tranh chấp biển đảo với Philippines. Trong năm ngoái hai nước đã đưa tàu chiến tới khu vực quanh đảo mà tiếng Việt gọi là Bãi Cỏ Mây khi căng thẳng leo thang.
Cảnh tàn phá ở Tacloban
Người ta cho rằng Trung Quốc để tranh chấp lãnh hải ảnh hưởng tới cứu trợ

Philippines cũng đã kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế để giải quyết tranh chấp lãnh hải. Mặc dù vậy, chính báo chí Trung Quốc cũng chỉ trích giới lãnh đạo để căng thẳng trong quan hệ ảnh hưởng tới việc cứu giúp nạn nhân của thảm họa thiên nhiên. Cách hành xử của nước mà đôi khi báo chí Việt Nam gọi là "nước lạ" đã ảnh hưởng tới uy tín quốc tế của họ.

Nó cũng cho thấy không phải khi nào cách hành xử theo "tinh thần dân tộc" của chính quyền cũng được người dân ủng hộ.

Người ta cũng từng nhận định cốt lõi của tinh thần dân tộc là "sự thù ghét những người khác" trong khi lòng yêu nước lại hàm chứa sự "yêu thương những người xung quanh mình".

Dựa vào cách suy nghĩ này thì những nước có tinh thần dân tộc cao có nhiều khả năng sẽ khó vượt qua sự thù hận để cứu giúp đồng loại gặp thiên tai và ngược lại.


 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/11/131116_long_tot_cua_nguoi_la.shtml

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Việt Nam vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc : vui hay buồn ?

Phạm Minh Hoàng

Ngày 12/11/2013 vừa qua, Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền (HĐNQ) Liên Hiệp Quốc (LHQ) vời một tỷ lệ rất cao. Thực tình mà nói, căn cứ vào cơ cấu của HĐNQ cũng như các ứng viên cho kỳ này, giới đấu tranh trong và ngoài nước không lấy làm ngạc nhiên lắm, nhưng dù gì đi chăng nữa đây cũng là một “tin không vui” cho chúng ta, những người yêu chuộng và tôn trọng nhũng giá trị phổ quát của nhân loại. Tuy nhiên, sau những xúc động ban đầu, chúng ta hãy bình tâm xem xét mọi khía cạnh của vấn đề - nhưng từ nhãn quan của 184 nước đã bỏ phiếu cho VN - để thấy rằng họ không hoàn toàn “bị lừa bịp” và cũng để thấy rằng con đường chúng ta đang lựa chọn cho dù còn nhiều chông gai nhưng vẫn có những cơ hội, những hy vọng nhất định. 

Vài nét về các định chế nhân quyền LHQ

Ít được nhắc đến như Hội Đồng Bảo An (HĐBA), nhưng Hội Đồng Kinh Tế Xã Hội (viết tắt là ECOSOC) là một cơ cấu cực kỳ quan trọng của LHQ. ECOSOC có nhiệm vụ về các vấn đề liên quan đến kinh tế và xã hội toàn cầu. Năm 1946, ECOSOC đã thành lập Ủy ban Nhân Quyền (UBNQ) có nhiệm vụ kiểm soát việc tôn trọng các điều khoản đã ghi trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của LHQ. 


UBNQ gồm 53 thành viên chia thành: châu Âu: 15, châu Phi: 15: châu Mỹ: 11, châu Á: 12. UBNQ nhóm họp hàng năm vào tháng 3, khóa họp kéo dài 6 tuần tại trụ sở ở Genève. Trong khóa họp này, ngoài 3000 đại diện các nước thành viên còn có sự hiện diện của 200 tổ chức phi chính phủ. Đây là điểm hết sức quan trọng, vì qua đó UBNQ muốn lắng nghe tiếng nói khác với các tiếng nói "chính thống". 

Khác với HĐBA, các quyết nghị của UBNQ không mang tính ràng buộc nhưng vị thế của UBNQ quan trọng ở chỗ là nó liên quan đến một vấn đề v
ô cùng nhậy cảm với tất cả các quốc gia, cho dù đó là thành viên hay không của HĐBA, cho dù đó là một cường quốc hay một nước kém phát triển, cho dù đó là một quốc gia trong thời chiến hay thời bình. Đó là vấn đề nhân quyền. Mà nhân quyền (đối tượng của UBNQ) khác chiến tranh (đối tượng của HĐBA) ở chỗ đó là những khái niệm trừu tượng hơn, do con người đặt ra và diễn giải tùy tiện. Chính vì thế nên UBNQ thường xuyên là diễn đàn cực kỳ căng thẳng. 

Một trong những phiên họp gay go nhất đã xảy ra vào năm 2001 tại Durban (Nam Phi). Chủ đề của phiên họp là bàn về nạn kỳ thị. Tuy nhiên kỳ thị ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng chứ không đơn thuần là kỳ thị về màu da, về chủng tộc và hơn nữa, vì mang tên là UBNQ nên chắc chắn nội dung cũng sẽ đi đến hoặc xoay quanh vấn đề nhân quyền. Chính vì hiểu theo nghĩa rộng ấy nên phạm vi ảnh hưởng của nó lan toả khắp năm châu và đặc biệt là như vấn đề Tây Tạng và Pháp Luân Công.

Ngay trước ngày khai mạc, "đánh hơi" thấy mũi dùi hướng vào mình, Trung Quốc đã tích cực "đi đêm", vận động hành lang để một mặt triệt tiêu tất cả các hướng tấn công đến từ các hiệp hội như Ân Xá Quốc Tế, Quan sát Nhân Quyền (Human Rights Watch), đồng thời xúi giục các nước Phi châu cũng nằm trong danh sách bị cáo, v
à các nước Ả Rập nhằm làm "chìm xuống" vấn đề Tây Tạng. Hội nghị Durban được khai mạc trong một không khí cực kỳ căng thẳng. Mặc dù chủ đề của hội nghị đặt trọng tâm vào vấn đề kỳ thị, và mở rộng ra sang các quyền con người, nhưng các nước trong khối Ả Rập đã biến diễn đàn thành một tòa án kết tội Israel. Nhiều quan sát viên, và kể cả bà Mary Robinson cũng chán nản, bất lực trước tình trạng bát nháo và thô bạo của một số quốc gia Ả Rập và Phi Châu. 

Nhiều ngày sau, với sự kiên trì và mềm mỏng của ban chủ tọa cũng như của Liên Hiệp Âu Châu, Hội nghị cũng dần tiến đến việc thông qua một số nội dung quan trọng. Đến lúc này Trung Quốc tung ra một đòn mới: kết hợp vi các nước như Burundi, Cuba, Indonesia, Nigeria, Qatar, Myanmar, Sudan, Việt Nam thành một khối được các quan sát viên gọi là "like-minded", tạm dịch là "cùng hội cùng thuyền" hay nói toạc ra là "một băng đảng", vì các nước trên đang nằm trên danh sách đen của UBNQ. Nhóm này chiếm một trọng lượng đáng kể nên thao túng hoàn toàn hội nghị, đồng thời dựa trên một nguyên tắc là không được xâm hại đến chủ quyền quốc gia, nhằm triệt tiêu mọi mũi dùi nhắm vào họ. Và cuối cùng Durban đã không đạt được mục tiêu ban đầu của mình. 

Sau thất bại này, bà Mary Robinson từ chức. Đúng ra là bà ta đã thấy sự vô hiệu quả của UBNQ trước sự thao túng của một số quốc gia thành viên, nhưng bà Robinson cố gằng thuyết phục những nước còn lại đưa ra một văn bản đánh dấu cho Hội nghị Durban. 

Sự thao túng của nhóm các nước "băng đảng" lên đến đỉnh điểm khi họ đi đêm để loại Mỹ ra khỏi UBNQ trong nhiệm kỳ 2002 và bầu chủ tịch mới là... Libye của Khadafi. Xướng ngôn viên của đài truyền hình A2 của Pháp trong bản tin 20giờ đã thốt lên: "Xin quý thính giả nghe rõ, đây không phải là một trò đùa, nhưng Libye vừa được bầu vào ghế chủ tịch UBNQ LHQ...".

Hội Đồng Nhân Quyền và cuộc họp 12/11/2013.

Được đưa ra từ năm 2006 để thay thế UBNQ làm việc kém hiệu quả, tuy nhiên HĐNQ vẫn duy trì cơ cấu cũ là phân phối số ghế thành viên theo vùng đia dư. T
ng cộng có 5 vùng lãnh thổ chia nhau 47 ghế. Riêng vùng châu Á Thái Bình Dương có 23 ghế. Nhiệm kỳ là 3 năm nhưng hàng năm sẽ bầu lại 1/3 để đảm bảo tính thời sự. Năm 2013 châu Á sẽ bầu lại 4 thành viên. Các ứng viên sẽ được bầu từ Đại Hội Đng LHQ bao gồm 192 nước.

Ngay từ khi các nước nộp đơn ứng viên, nhiều tiếng nói đã nổi lên khi biết đó chính là những nước vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất. Trong vùng Á châu là Trung Quốc, Ả Rập Saudi và Vi
ệt Nam. Bà Peggy Hicks của Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) đã than thở "Với sự hiện diện của Nga, Trung Quốc, Ả Rập, Saudi, những người bảo vệ nhân quyền sẽ có nhiều việc phải làm cho năm tới.". Liên đoàn Quốc tế vì Nhân quyền (FIDH) gồm 178 tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới tỏ ra hoài nghi về khả năng cải thiện nhân quyền của Việt Nam trong thời gian tới sau khi Hà Nội có được ghế tại Hội đồng Nhấn quyền Liên hiệp quốc. Bà Julie Gromellon, đại diện Liên đoàn Quốc tế vì Nhân quyền (FIDH) nói : “Việt Nam đã không chứng tỏ những cam kết cải thiện nhân quyền trước khi trở thành thành viên của Hội đồng. Cho nên, chúng tôi không nghĩ rằng một khi được ghế rồi thì họ sẽ cải thiện. Thậm chí, thành tích nhân quyền của Hà Nội còn có thể sẽ tệ đi.”. Còn Ông Robertson thuộc Human Rights Watch (HRW) nói: "Chúng tôi hết sức quan ngại khi một nước vi phạm nhân quyền tồi tệ với chiến dịch leo thang đàn áp những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động như Việt Nam lại được chọn vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc." 

Những di
n biến sau đó chứng tỏ lời thẩm định của các Tổ chức phi chính phủ (NGO) là có lý : lần lượt Iran được bầu vào Hội đồng về Nữ quyền (CSW), Syrie được bầu vào Hội Đồng NQ của UNESCO, và Ả Rập Saudi được bầu vào Hội Đồng Bảo An LHQ. Đến cận ngày bầu cử mọi việc đã rõ mười. Trong vùng châu Á Thái Bình Dương, chỉ có 4 ứng viên cho…4 ghế. Sau khi kết quả được công bố, Tổng giám đốc của UN Watch (UNW), một tổ chức phi chính phủ đấu tranh trong lãnh vực nhân quyền đã phải thốt lên : “Đây là một ngày đen tối cho nhân quyền, những kẻ đúng ra phải đừng trước vành móng ngựa thì nay lại chễm chệ trên ghế quan tòa (…) Danh sách ô nhục này gồm Nga, Trung Quốc, Ả Rập Saudi, Cub, Algerie, Tchad và Việt Nam

Những NGO và những người đấu tranh cho nhân quyền quả đã không sai khi cho rằng “ngày hôm nay, nhiều nước gia nhập nó không phải vì họ có thành tích tốt về nhân quyền nhưng lại là những nước vi phạm nhiều nhất. Họ vào chỉ để với mục đích biện hộ cho những thành tích bất hảo của họ”. Và kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 12/11 đã xác định một điều rằng “Một nước được bầu vào HĐNQ không có nghĩa là họ thực sự tôn trọng nhân quyền”. Thiết nghĩ đây là câu trả lời rõ ràng nhất cho những khoe khoang của Hà Nội rằng đã “đã thành công trong việc tạo được một uy tín lớn trên diễn đàn quốc tế. Điều này cũng thể hiện sự tín nhiệm và ủng hộ của các quốc gia trên thế giới dành cho Việt Nam”. 

Tuy nhiên, một thắc mắc không thể không đặt ra là tại sao những “tên đồ tể của nhân quyền” này lại được Đại Hội Đồng LHQ thông qua với một số phiếu cao như vậy ? VN được bầu với tỉ lệ 184/192 (vì bầu kín nên không biết 8 nước phản đối hay bỏ phiếu trắng là ai). Ai cũng rõ là các nước trong “danh sách ô nhục” này đã bỏ rất nhiều thời gian và công sức để “đi đêm” trước ngày bỏ phiếu, nhưng không lẽ Trung Quốc và Nga lại có thể thao túng và mua chuộc cả thế giới ? Muốn trả lời câu hỏi này chúng ta phải lui về thời điểm 12 năm trước, khi hội nghị Durban kết thúc.

Phú quý sinh lễ nghĩa.

Việc Libye được bầu vào chức chủ tịch UBNQ hoặc các nước như Trung Quốc, Bahrein, Cuba, Zimbabwe, Sudan và Việt Nam được bầu làm thành viên của UBNQ vào năm 2001 bỗng nhiên tạo cho cộng đồng thế giời tiếp cận với một suy nghĩ mới, một phương cách hoạt động mới. Một mặt họ tìm cách khai tử UBNQ và đến năm 2006 cho ra đời Hội Đồng Nhân Quyền (HĐNQ) với những mục đích hữu hiệu hóa chức năng của định chế này. Nhưng đìều quan trọng hơn cả là họ điều chỉnh nguyên tắc hoạt động. Kể từ giờ họ tránh tình trạng đối nghịch giữa các thành viên và tìm cách “lôi kéo” các nước “băng đảng” tham gia sâu vào HĐNQ vì theo họ các nước vi phạm nhân quyền luôn luôn phải chứng tỏ mình không hề vi phạm nhân quyền bằng cách (này hay bằng cách khác) tham gia vào các diễn đàn kiểu HĐNQ để thao túng, nhưng việc này lại tạo ra nhiều phản ứng tích cực khác :

- Trước tiên, với tư cách là thành viên, họ khó có quyền từ chối các thanh tra nhân quyền trên lãnh thổ của họ như đã từng làm trong quá khứ, đây là trường hợp của Nga, Trung Quốc, Ả Rập Saudi, Algerie và VN (cũng lại những khuôn mặt cũ !). 18 chuyên gia của HĐNQ sẽ hoạt động độc lập, khách quan và không chịu bất kỳ sức ép của bất kỳ cơ quan hoặc của chình phủ nào. Một cái khác giữa UBNQ và HĐNQ là định kỳ các thành viên phải tường trình về tình trạng nhân quyền trong nước của mình. 

- Sau nữa, với tư cách là thành viên HĐNQ, khi ban hành hoặc kiểm soát các nước khác họ cũng phải ít nhiều e ngại lời chỉ trích của các nước này. Điều này có khả thi hay không cũng chưa ai biết được vì chẳng ai có thể tiên đoán hoặc đo lường phản ứng của các nhóm “băng đảng”. Nhưng khi quyết định dùng “biện pháp mềm” có lẽ cộng đồng thế giời cũng đã nhìn thấy từ các ảnh hưởng tích cực khi thu nhận Trung Quốc, Nga, VN và các nước độc tài vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới khiến cho các nước này suốt ngày phải “đuổi theo chỉ tiêu tăng trưởng”, đồng nghĩa với việc xa rời cái ý thức hệ độc tài và lỗi thời.

- Tuy nhiên điều quan trọng là cơ cấu HĐNQ không có quyền phủ quyết và nếu nhìn vào thành phần 47 nước thành viên thì các nước trong nhóm “băng đảng” vẫn chiếm thiểu số. Bà Peggy Hicks, HRW cũng bày tỏ lạc quan "với việc không có quyền phủ quyết, chúng ta sẽ đạt được nhiều tiến bộ cụ thể”. 

Với những ràng buộc này, liệu HĐNQ có thành công hơn UBNQ trong sứ mạng của mình ? Liệu định chế này, với những biện pháp “dỗ ngọt” này có thành công trong việc cải thiện được tình trạng đối nghịch hoặc “cải tà quy chánh” được những nước trong “danh sách ô nhục” ? Con đường còn lắm gian truân nhưng có lẽ nó tuỳ thuộc vào nạn nhân chứ không vào các người cầm quyền.

Và cũng chính vì lẽ đó, việc VN được bầu vào HĐNQ sẽ đặt cho những người yêu chuộng tự do những thách thức và những cơ hội mới, đó là chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để cả thế giới thấy khát vọng chính đáng của mình đang bị một chế độ và là thành viên của HĐNQ đàn áp. Những động thái của nhà cầm quyền VN sẽ bị săm soi kỹ hơn và kể từ đây "nhất cử nhất động" của họ cũng được thế giới chú ý kỹ hơn. Phản ứng mạnh mẽ của các tổ chức phi chính phủ như HRW, Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), UNW, Freedom House, FIDH… về việc các nước vi phạm nhân quyền trầm trọng như Nga, Trung Quốc, Ả Rập Saudi, VN, Cuba, Venezuela… cũng đang “hứa hẹn” cho các nước “băng đảng” một tương lai khá “bận rộn”.

Ước mong rằng đảng CSVN nhìn ra được mặt tốt của vấn đề, biết xem đó là một cơ hội chứng tỏ mình thực sự là một quốc gia tiến bộ, vĩnh viễn rời bỏ cái băng đảng chuyên quậy phá ngày xưa, hội nhập thực sự và toàn diện vào cộng đồng thế giới văn minh. Từ bỏ thái độ cao ngạo độc tôn của mình để lắng nghe nguyện vọng của toàn dân.

Đây sẽ là cách tốt đẹp và hữu hiệu nhắt để xây dựng một nước VN thật sự tự do, dân chủ.

Sàigòn, 14/11/2013
Phạm Minh Hoàng
 
 http://diendanctm.blogspot.com/2013/11/viet-nam-vao-hoi-ong-nhan-quyen-lien.html

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Trung Quốc trước những chuyển đổi không thể tránh

Trung Quốc trước những chuyển đổi không thể tránh


HÀ TƯỜNG CÁT, Người Việt(Theo Stratfor, VOA, Business Insider)

Các quan sát viên chính trị quốc tế đang tập trung mọi sự chú ý đến Hội Nghị kỳ 3 Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 18 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, sắp họp trong 3 ngày từ 9 tháng 11 và chờ đợi những chủ trương cải cách sẽ được đề ra qua hội nghị này.
Tương lai cải cách của Trung Quốc vẫn còn mờ mịt như khói mù phủ khắp thành phố Thượng Hải hôm Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013. (Hình: ChinaFotoPress/via Getty Images)

Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 18 đảng Cộng Sản Trung Quốc gồm 205 ủy viên chính thức và 167 ủy viên dự khuyết được bầu trong Đại Hội Đảng hồi tháng 12 năm ngoái với nhiệm kỳ 5 năm.  Hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương bình thường họp một lần mỗi năm trừ năm đầu tiên. Kỳ 1 nhằm bầu lên ban lãnh đạo mới của đảng, kỳ 2 chú trọng đến vấn đề nhân sự và xây dụng đảng.

Hội nghị kỳ 3 lần này quan trọng và được chú ý vì người ta tin rằng ban lãnh đạo sẽ đề ra chính sách và đường lối mới, có thể so sánh với hội nghị kỳ 3 Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 11 vào tháng 12 năm 1978 khi Đặng Tiểu Bình đưa ra chủ trương mở cửa và đổi mới.

Roger Baker và John Minnich, chuyên gia Á Châu- Thái Bình Dương của Stratfor, trong một bài viết trên tạp chí GeoPolitical Weekly tuần này cho rằng ban lãnh đạo Trung Quốc đang trong tình thế không có phương cách nào khác hơn là phải cải tổ mô hình chính trị kinh tế xã hội, đã áp dụng qua nhiều năm và nay đi đến khúc  cuối đường không còn thích hợp nữa.

Chủ Tịch Tập Cận Bình cần vạch ra những nét căn bản về cải cách để  làm cốt lõi cho việc hoạch định chính sách trong 5 năm tới. Đường hướng của Tập có thể quyết liệt như Đặng Tiểu Bình trước đây hay chỉ đáng thất vọng như là Hồ Cẩm Đào, người ta chưa thể biết trước được. Nhưng có một điều chắc chắn là nó sẽ được thi hành. Mô hình phát triển kinh tế hiện nay của Trung Quốc do Đặng đề ra từ hơn ba thập niên trước đã đi qua cao điểm và đến nay  không còn có thể tiếp tục theo đuổi nữa. Rộng hơn, mô hình chính trị và xã hội cũng cần phải có những chuyển đổi.

Dù muốn dù không, Tập Cận Bình cũng phải hiểu là Trung Quốc đã đi tới một ngã ba đường. Ông ta không thể có chọn lựa nào khác hơn là phải đưa ra những quyết định thích hợp với tình thế, nếu không muốn để cho Trung Quốc lâm vào những hoàn cảnh rối ren phải tạm thời chữa trị bằng hết biện pháp vá víu này tới vá víu khác mà không có được một chiến lược dài hạn. Nói cách khác, bắt buộc phải có những cải cách sâu rộng.

Nhưng cải cách, hiểu theo nghĩa của Trung Quốc, không có nghĩa là đi theo khuôn mẫu dân chủ  Tây Phương, và không thể nhanh chóng dút khoát. Ngay chính đường lối mở cửa và đổi mới của Đặng Tiểu Bình cũng đã xác định rằng theo định hướng “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”.  Như vậy cải cách mà Tập Cận Bình có thể đưa ra không ngoài việc xác lập lại mối liên hệ giữa Đảng, nền kinh tế và nhân dân, theo đường lối duy trì và củng cố được quyền lực trung ương.

Hoàn thành mục tiêu đó đòi hỏi phải gia tăng sự hữu hiệu của guồng máy đảng và nhà nước; sửa đổi tổ chức và luật lệ hoạt động cho những công ty, xí nghiệp, cơ quan thương mại;  tôn trọng quyền và trao phó  trách nhiệm cho công dân. Mặc dầu tất cả những nhu cầu ấy có thể làm nhẹ bớt vai trò can dự của đảng trong một số lãnh vực nhất định, nhưng như thế không có nghĩa là làm suy giảm quyền lực Đảng trên toàn bộ.

Nhìn lại thời đại Đặng Tiểu Bình. Năm 1978 Mao Trạch Đông mới chỉ chết hai năm trước đem theo những trụ cột của cuộc cách mạng vô sản. Trung Quốc trong tình trạng rối loạn chưa khắc phục được hậu quả của những đổ vỡ do Cách Mạng Văn Hóa gây ra về mặt tinh thần cũng như cho nền kinh tế quốc dân. Người ta cho rằng nếu nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc sụp đổ vào thời điểm ấy thì cũng không phải là chuyện đáng ngạc nhiên.

Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Đặng Tiểu Bình phục hồi được vị trí cá nhân của mình và trở thành nhà lãnh đạo tối cao dù trong thực tế ông ta không có một chức vụ chính thức hàng đầu. Đặng cùng một số đồng sự của ông ta đã dẹp tan những phe phái phân hóa trong đó có Bè Lũ 4 Tên (Tứ Nhân Bang), tạo lập được nền tảng ổn định về chính trị, xã hội và nền kinh tế mới. Kết quả là Trung Quốc vượt qua sự sụp đổ của Liên Xô kéo theo toàn thể khối Cộng Sản và tiến qua thế kỷ 21 với vai trò cường quốc hàng đầu thế giới.

Một trong những thành tích đáng kể mà Đặng cống hiến cho đảng Cộng Sản Trung Quốc là sự cải đổi mô hình lãnh đạo Đảng – Nhà Nước. Từ khi thành lập nước Cộng Hòa Trung Quốc năm 1949, Đảng Cộng Sản vẫn là trung tâm độc chiếm quyền lãnh đạo. Mao Trạch Đông với vị trí Chủ Tịch Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng là lãnh tụ nắm quyền lực tối cao cho đến khi ông ta chết năm 1976 mặc dù đã trải qua rất nhiều sai lầm vấp váp nặng nề trong việc lãnh đạo đất nước rộng lớn và đông dân nhất thế giới.

Đặng không theo cách đó, ông ta không để chính mình trở thành nhà lãnh đạo tối cao độc tôn, xây dựng Đảng bằng mô thức tập thể lãnh đạo, phân định vai trò lãnh đạo Đảng với Chủ Tịch Nhà Nước. Cũng đã có những vấp váp khi xảy ra vụ Thiên An Môn nhưng chính lúc đó vai trò của Đảng được xác định mạnh mẽ hơn và những nhà lãnh đạo kế tiếp từ Giang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Đào chỉ tiếp tục thi hành công thức ấy. Giang hay Hồ đều chịu giới hạn với sự quân bình quyền lực với Bộ Chính Trị.

Tập thể lãnh đạo tránh được những sự thay đổi chính sách quá mau chóng và phiêu lưu của một nhà lãnh đạo độc tôn như Mao, nhưng cũng gây ra tình trạng trì trệ trong guồng máy chính trị và khu vực kinh tế nhà nước. Hậu quả là sự hình thành một mạng lưới liên hệ giữa các thế lực, đưa tới lũng đoạn trong nhiệm vụ thi hành trách nhiệm từ cấp trung ương cho đến các địa phương.

Trung Quốc thật ra cần có những cải tổ căn bản, nhưng bắng tập thể lãnh đạo, vấn đề là đồng thuận ít khi đưa tới cải cách triệt để, mà chỉ nhằm giải quyết những đòi hỏi tức thời. Hơn nữa cải cách triệt để chưa hẳn đã bảo đảm đem lại thành công như dự tính khiến cho các giới chức quyền có lý do để ngần ngại.  Kinh nghiệm lịch sử ở đảng Cộng Sản Liên Xô với Mikhail Gorbachev là bài học mà đảng Cộng Sản Trung Quốc không thể không cân nhắc.

Khi nền tảng kinh tế Trung Quốc bắt đầu bị lay động sau năm 2008, hậu quả tất yếu của sự phát triển quá mức độ, sự thăng tiến của những thành phần xã hội và thêm vào đó là tiến bộ kỹ thuật thông tin tác động đến nề nếp sinh hoạt của dân chúng, tập thể lãnh đạo trở nên không thích ứng hiệu quả với tình thế. Những biện pháp chữa chạy vá víu không giải quyết hết mọi khó khăn, và bây giờ Tập Cận Bình sẽ phải có đường lối thích ứng để vượt qua những giới hạn này.

Theo Roger Baker và John Minnich, có lẽ Tập sẽ củng cố vai trò chủ tịch nhà nước để không chỉ là người đồng hành với Đảng mà còn phải có một vai trò lãnh đạo cụ thể hơn, giống như vị Tổng Thống ở một số chế độ trên thế giới. Điều ấy cũng có nghĩa là tạo sự quân bình giữa tập thể và  lãnh đạo độc tôn. Làm như vậy hệ thống lãnh đạo sẽ có hiệu lực hơn cả về chính trị và kinh tế và những cải cách mới có thể là triệt để dù khó biết chắc chắn rằng sẽ đạt thành công tới mức nào. Nhưng Tập Cận Bình có thể trở nên một nhà cách mạng của Trung Quốc hay cuối cùng ông chỉ là người cố gắng thích ứng với hoàn cảnh bằng những đường lối thỏa hiệp.

Cheng Ii, thành viên Brookings Istitution và giám đốc nghiên cứu của Ủy Ban Quốc Gia về quan hệ Mỹ - Trung, cho rằng: “Chúng ta chưa nên hoàn toàn mất hy vọng ở Tập Cận Bình”. Nhưng Trần Quang Thành, nhà đối lập khiếm thị đã trốn vào tòa đại sứ Mỹ  ở Bắc Kinh và được qua tị nạn ở Hoa Kỳ, nói : “Tôi tin là Trung Quốc sẽ có biến chuyển”. Ông không giải thích biến chuyển sẽ xuất phát từ đâu, tuy nhiên tỏ bày sự không tin tưởng ở ban lãnh đạo Trung Quốc. Theo lời ông Trần: “Sự tồn tại của đảng Cộng Sản Trung Quốc luôn luôn dựa trên sự vi phạm luật pháp và quyền căn bản của con người. Không có dấu hiệu nào là tình trạng này sẽ khác đi dưới thời Chủ Tịch Tập Cận Bình. Đảng Cộng Sản Trung Quốc không cho thấy dấu hiệu nào sẽ thay đổi hay làm được điều đúng”.

Mamta Badkar nhận định trên tờ Business Insider: “Ban lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần xác định rằng Hội Nghị kỳ 3 Ban Chấp Hành Trung Ương sẽ đưa ra nhũng cải cách toàn bộ và chưa từng thấy trên mọi bình diện….Tôi chờ đợi bản thông cáo cuối cùng của hội nghị về các nội dung này. Nhưng trong mọi trường hợp, sẽ phải nhiếu năm và nhiều đấu tranh cùng với những hoán đổi trật tự ở hàng ngũ lãnh đạo trung ương cũng như địa phương thì may ra mói có thể thấy được tác dụng”. Theo ông, chống tham nhũng sẽ là trung tâm của những cải cách, còn nhiều vấn đề khác như tư hữu hóa đất đai hay nới rộng sinh hoạt chính trị có lẽ sẽ không có.

Cũng trên tạp chí này, Bill Bishop nói rằng không thể dự đoán gì về kinh tế Trung Quốc vì bất cứ thay đổi nào cũng sẽ phải nhiều năm mới có thể thực hiện, chưa kể không được thi hành hoặc bị ngăn trở bởi guồng máy hành chánh. Ông cũng bày tỏ sự hoái nghi là không biết bao nhiêu người trong ban lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được rằng cơ cấu kinh tế và mẫu mực tăng trưởng hiện nay là có thể duy trí được.  (HC)
 
 http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=176768&zoneid=403#.UoGCZspOfeQ

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Ở lại với đảng: khôn hay dại, đạo đức hay tàn nhẫn?

Phạm Nhật Bình

Sự ra đi vĩnh viễn của Tướng Giáp để lại trong lòng nhiều người những suy nghĩ ngổn ngang. Có người thương. Có người tiếc. Có người bực. Có người cảm nhận cả ba.
Người ta thương khi thấy ông bị những người lãnh đạo với lòng dạ nhỏ nhen khác ganh tị và tìm đủ cách nhục mạ ông một cách công khai mà ông chỉ im lặng chịu đựng. Nhưng người ta bực khi những tướng tá quanh ông bị thanh trừng một cách thảm khốc mà ông vẫn im lặng. Họ bị ám hại chỉ vì các đối thủ muốn chặt sạch vây cánh của ông. Rồi người ta tiếc vì nếu ông chịu dùng uy tín của mình để phản đối chính sách nhượng dần chủ quyền đất nước cho Bắc Kinh từ Hội nghị Thành Đô cho tới nay thì đã phúc đức cho đất nước này biết bao ... nhưng phần lớn ông vẫn chỉ im lặng một cách khó hiểu.
Tuy nhiên, một chuyên gia về tình hình Việt Nam đã cung cấp một cách lý giải: nếu nhìn ông Giáp như một người mà tất cả sự nghiệp đều dựa vào, đều xuất phát từ đảng và luôn tự xem mình là người của đảng thì thái độ của ông trong suốt mấy thập niên qua có thể hiểu được. Đến cuối đời, ông vẫn chọn ở lại với đảng.
Lời giải thích này giúp nhiều người chợt hiểu ra tâm trạng của Tướng Giáp. Nhưng cùng lúc nó lại làm bùng lên câu hỏi cho đại khối đảng viên CSVN còn lại. Ở lại với đảng như Tướng Giáp là khôn hay dại? là đạo đức hay tàn nhẫn?
Thường thì câu hỏi kế tiếp sẽ là Khôn hay Dại cho ai? Đạo Đức hay Tàn Nhẫn đối với ai? Nhưng nếu nhìn vào những vụ việc thực tế gần đây, người ta lại phải thêm một câu hỏi hợp lý nữa là: đối với cấp nào?
Ai ăn ốc, ai đổ vỏ?
Hãy dùng thí dụ đầu tiên mà cả nước đều biết, đó là vụ chiếm đoạt tài sản khổ công tạo dựng trong nhiều thập kỷ của gia đình anh Đoàn Văn Vươn. Khi cả nước quá bất bình, lãnh đạo đảng vội xoa dịu dư luận bằng chính miệng của Thủ tướng. Ông Nguyễn Tấn Dũng cùng một đoàn tùy tùng mấy ông bộ trưởng, thứ trưởng và cả trăm ký giả long trọng họp báo ở Hải Phòng để tổng kết, phân tích và đi đến kết luận phần lỗi nằm gần hết ở phía nhà nước.
Nhưng kết quả đến nay thì sao? Ngoài việc 2 nạn nhân tiếp tục nằm tù và gia đình 2 anh mất trắng tay, còn có 5 quan chức huyện Tiên Lãng bị đưa ra tòa “trị tội”. Đó là những viên chức cấp thừa hành gồm chủ tịch và phó chủ tịch huyện, một trưởng phòng và hai đảng viên đứng đầu xã Vinh Quang.
Tuyệt nhiên không có cán bộ cao cấp nào thuộc Thành Ủy Hải Phòng — những người chỉ đạo việc thi hành chính sách cưỡng chế đất đai và hưởng lợi nhiều nhất — bị trầy trụa gì sau vụ này. Nhưng đáng giật mình hơn nữa là việc giám đốc công an Hải Phòng, Đỗ Hữu Ca, được nâng hàm lên cấp tướng. Ông Ca là người trách nhiệm chính trong việc kéo công an thành phố, chó nghiệp vụ, và cả một đơn vị quân đội vào ngày 5/1/2012 ... đi cướp đất. Ông Ca là một trong những người chính trong danh sách những người chịu trách nhiệm mà ông Nguyễn Tấn Dũng liệt kê tại buổi họp báo.
Năm đảng viên huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang nghĩ gì khi nghe loa tù đọc tin Tướng Ca vừa lên chức? Chẳng cần ai nhắc thì những câu tự hỏi "khôn hay dại?" vẫn hiện ra sau những ngày cay đắng của thân phận "dê tế thần".
Nhưng vụ việc Đoàn Văn Vươn chỉ là một thí dụ nhỏ cho hiện tượng nuôi dê tế thần trên cả nước, đặc biệt trong lãnh vực ngân hàng, đầu tư, địa ốc. Trong những năm đầu tư ngoại quốc ào ạt đổ vào Việt Nam, các quan chức ở thượng tầng đua nhau đẩy con cái ra giữ những vị trí cực kỳ béo bở ở đầu các đại công ty do chính họ lập ra để "hứng tiền". Những trường hợp lộ liễu nhất mà ít ai không biết là những vụ như cô Tô Linh Hương, con gái Ủy viên BCT kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, tuy mới tốt nghiệp ngành Quan hệ Quốc tế của “Học viện Báo chí và Tuyên truyền” nhưng được đưa lên làm chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Xây dựng Vinaconex; hay như Nguyễn Thanh Phượng, con gái Thủ tướng Dũng, làm chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt (Viet Capital), v.v....
Nhưng khi vừa có dấu hiệu kinh tế xuống dốc, khi các số liệu về thua lỗ của các đại công ty bắt đầu bị công luận soi mói, rọi đèn, lập tức các "lãnh đạo trẻ" này được rút ngay ra khỏi các vị trí trách nhiệm. Hàng loạt "dê tế thần" được đưa vào thế chỗ trước khi báo đài và đủ loại cơ quan điều tra được đèn xanh xông vào cửa chính.
Những trường hợp “con cháu các cụ” (CCCC) tương tự được đẩy vào những vị trí cao cấp về chính trị cũng đang liên tục diễn ra, mà đặc biệt là những chiếc ghế ủy viên Trung ương Đảng để làm bệ phóng lên các chức ở thượng tầng. Hiển nhiên, quyền lực dễ dàng kéo theo quyền lợi. Và quyền lợi giúp giữ vững ghế quyền lực hiện tại và mua ghế quyền lực tương lai. Rất nhiều tên tuổi có thể kể ra, từ Nông Quốc Tuấn, con trai Nông Đức Mạnh, lên làm bí thư tỉnh ủy Bắc Giang 5 tháng để bước lên ghế ủy viên trung ương; đến những Lê Mạnh Hà, con trai Lê Đức Anh, lên làm Phó chủ tịch UBND TP/HCM; Trần Sĩ Thanh, cháu chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, lên làm phó tỉnh ủy Daklac; Lê Nam Thắng, con trai Lê Duẫn, lên làm thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông; Nguyễn Thanh Nghị, con trai Nguyễn Tấn Dũng lên làm thứ trưởng Bộ Xây Dựng; … Nhưng đáng kể hơn nữa là chung quanh mỗi CCCC này luôn có một nhóm dê nho nhỏ để xử dụng khi có chuyện tai tiếng, dù các chú (hay cô) dê này có biết chức năng phụ trội của mình hay không.
Ai ăn tiền, ai ăn đạn?
Trong những năm gần đây, không cần chờ đến những khi có chuyện tai tiếng, mỗi ngày nhiều tầng cán bộ cấp dưới đang bị đẩy ra tuyến đầu để đón nhận tất cả sự phẫn uất của người dân. Đặc biệt trong hàng ngàn vụ cướp đất, cướp nhà đang diễn ra trên cả nước, những người hưởng thụ phần rất lớn của các khu vực giải tỏa thường núp rất kín phía sau. Dân chúng chỉ biết và chỉ với tới những viên chức cấp thấp ngay trước mặt họ. Sự oán hận của hàng trăm ngàn gia đình bỗng chốc trở thành tay trắng, không cửa không nhà, không có cách nào kiếm sống, được trút hết lên những kẻ trực tiếp thi hành điều luật này, quyết định kia xuất phát từ bên trên. Bản thân của những kẻ thi hành thường chẳng được gì hoặc chỉ được chia phần rất nhỏ.
Cụ thể như trường hợp Văn Giang-Ecopark. Người dân không hề biết, hay chỉ biết rất ít về những tập đoàn hưởng lợi lên đến hàng triệu thậm chí hàng tỷ đô la bên trên. Những tập đoàn này — luôn luôn xây quanh các cột trụ là con cái của các quan chức ở thượng tầng — giấu mặt rất xa hiện trường, chỉ ký lệnh cưỡng chế rồi chờ kết quả. Còn đại khối lực lượng công an đi cưỡng chế đất theo lệnh trên hầu như chẳng được sơ múi gì ngoài sự cực kỳ oán hận của người dân. Oán hận đến độ "một mất một còn" tại hiện trường. Trong mắt dân oan ngày nay, công an không khác gì đám côn đồ mà họ thuê mướn đi đánh phụ.
Hay trong vụ anh Đặng Ngọc Viết cũng vậy. Những kẻ nắm hầu như trọn vẹn và hưởng lợi từ cái quỹ đất đó núp rất kín phía sau và phía trên. Những người dân uất ức như anh Viết chỉ thấy và chỉ có thể trút hờn căm của mình vào 5 cán bộ cấp thấp phải chường mặt ra tại Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Thái Bình.
Với tình trạng mọi nhóm lợi ích, mọi công ty gốc cổ thụ trên cả nước đều đang thua lỗ, túng tiền bù đắp cho khoảng trống thu nhập, và cứ chọn con đường "cạp đất mà ăn" như hiện nay, hiện tượng đảng viên, cán bộ cấp thấp trở thành bia chắn đạn cho các quan chức lớn đang có chỉ dấu sẽ gia tăng. Đặc biệt khi giai cấp dân oan đang lan nhanh tới các gia đình có con em trong quân đội.
Cùng lúc, với cách dùng người này lãnh đạo đảng luôn có thể nói mạnh để xoa dịu dân chúng rằng: Chính sách của đảng (tức của lãnh đạo đảng) căn bản là đúng mà chỉ có cán bộ thừa hành bên dưới làm sai mà thôi. Nói cách khác, lãnh đạo đảng luôn có thể đổ tội và chỉ trích "đám sâu" mà họ đang nuôi nấng và xử dụng hàng ngày.
Đạo đức hay tàn nhẫn?
Bên cạnh những đảng viên phải tự đặt câu hỏi Khôn hay Dại trong đời sống hàng ngày, còn có những đảng viên mang trong lòng câu hỏi sâu xa hơn, đó là: Ở lại với đảng là đạo đức hay tàn nhẫn?
Trước hết về khía cạnh đạo đức. Điều đã khá rõ là càng về sau, các thế hệ lãnh đạo đàng CSVN càng ít đạo đức hơn, dù đó là "đạo đức cách mạng". Giữa một đất nước mà chính họ xác nhận là còn quá nghèo vì "phải đối phó liên tục với nhiều thế lực thù địch" thì các gia đình lãnh đạo đều đang ngồi trên những núi gia tài ở tầng hàng tỷ đô la một cách không giấu diếm — từ các vườn rau riêng trên sân thượng đến các đoàn xe xịn chạy đua trên đường phố đến các lâu đài giữa đám nhà dân lụp xụp. Lý tưởng XHCN từ lâu đã trở thành: Cạo vét theo khả năng, tẩu tán theo nhu cầu. Thực trạng này đặt dấu hỏi lớn với những đảng viên cộng sản còn muốn giữ lòng đạo đức với đảng, vì đảng bây giờ là ai?
Nhưng đào khoét đất nước trong lúc dân còn đói hàng ngày ở các vùng xa, trẻ em còn chết hàng ngày vì lội suối, đu qua sông đi học, bệnh nhân chen chúc trên sàn các nhà thương dơ bẩn, ... vẫn chưa đủ. Để bảo vệ ghế cai trị và có chỗ dựa kinh tế lẫn chính trị, 4 thế hệ lãnh đạo đảng liên tiếp dâng nhượng dần dần chủ quyền đất nước kể từ sau Hội nghị Thành Đô 1990. Nguy hiểm nhất hiện nay là gần cả trăm khu vực biệt lập của Trung Quốc trên khắp lãnh thổ Việt Nam, kể cả tại những khu vực hiểm yếu quân sự dọc theo biên giới, trên "nóc nhà Đông Dương". Và nay xe tải lớn của Trung Quốc được phép chạy tự do băng qua biên giới và nối liền các khu biệt lập trên. Mối nguy mất nước không còn ở tận ngoài khơi Biển Đông xa xôi nhưng đã nằm sâu trong đất liền Việt Nam.
Điều đáng nói là đối với dân tộc Việt hôm nay và đối với lịch sử Việt ngày mai, tội bán nước ấy thuộc về TẤT CẢ mọi đảng viên đảng CSVN chứ không riêng gì các tổng bí thư và các ủy viên Bộ chính trị và những người đã đặt bút ký hoặc quì bái Bắc Kinh. Lý do là vì những lãnh đạo này đại diện cho nguyện vọng của tất cả các đảng viên và sự ở lại với đảng của mỗi đảng viên đồng nghĩa với việc chấp nhận sự đại diện này.
Trên căn bản đó, việc tiếp tục ở lại với đảng trở thành quá tàn nhẫn đối với đồng đội, đối với những người đã hy sinh xương máu bảo vệ đất nước này trong suốt mấy ngàn năm qua. Từng câu từng chữ của các anh hùng dân tộc xả thân chống ngoại xâm phương Bắc đang bị tẩy xóa, đục bỏ; từng tấm bia từng khu mộ của những chiến sĩ chống Trung Quốc xâm lược thời 1979 - 1989 đang bị đập phá để tránh làm phiền lòng Bắc Kinh.
Sự tàn nhẫn không dừng ở đó. Trong khi đảng viên, cán bộ cấp thấp hàng ngày đem thân đi làm những chuyện bị nhân dân nguyền rủa để thu lợi và giữ ghế cai trị cho cấp trên, thì chính con cháu họ đang là nạn nhân của các suy đồi mọi mặt trong xã hội hiện nay. Việc tiếp tục ở lại với đảng và tiếp tay kéo dài chế độ độc tài hiện nay cũng chính là nỗ lực dìm các thế hệ kế tiếp trong vô cảm, tụt hậu, đói nghèo, bất công, và nhất là sống dưới lằn mức giá trị con người mà cả nhân loại đã xem là đương nhiên từ giữa thế kỷ trước. Dưới các nhãn hiệu xinh đẹp, từng hàng từng lớp người trẻ gốc Việt chỉ mong đi làm lao công, làm nô lệ tình dục ở nước khác để "tiến thân". Cứ vài chục năm, lãnh đạo đảng lại khoe "đã xóa đói giảm nghèo được thêm một ít". Thế giới sẽ còn tiếp tục nhìn người Việt Nam với cặp mắt khinh thường hay với lòng thương hại bao nhiêu năm nữa?
Đã có những đảng viên không thể nhắm mắt tàn nhẫn với dân tộc
Nhiều đảng viên, kể cả các đảng viên cao cấp, đã ray rứt lương tâm nhiều năm tháng trước câu hỏi: Trung thành với một đảng đang liên tục làm mục rữa đất nước có phải là sự tàn nhẫn với dân tộc, với các thế hệ tương lai không?
Sau cùng họ đã chọn con đường không thể tiếp tục ác với cháu con của mình và bước đầu tiên là phải ngưng ngay, không tiếp tay với thế lực đang làm khổ dân tộc nữa. Họ chọn con đường rời bỏ đảng hay nhất định làm những việc mà họ biết sẽ bị khai trừ!
Thế là họ lần lượt rời bỏ những đặc quyền đặc lợi đang hưởng từ tay chế độ và chấp nhận những đòn trừng phạt, trả thù. Họ là những bác sĩ thứ trưởng Y tế Dương Quỳnh Hoa, ủy viên Bộ chính trị Trần Xuân Bách, cán bộ cao cấp Nguyễn Hộ, trung tướng Trần Độ, viện trưởng Viện Triết Học Mác-Lênin Hoàng Minh Chính, .... dài đến những trung tá Trần Anh Kim, chủ nhiệm trường đảng Vi Đức Hồi, blogger Nguyễn Chí Đức, .... của thời nay.
Nhưng có lẽ những dòng chữ của Luật gia Lê Hiếu Đằng trong những ngày bịnh liệt giường đã “tính sổ” lại cuộc đời mình với đảng đang làm rung động nhiều đảng viên CSVN nhất. Bằng những lời lẽ bình thản nhưng thẳng thắn và can đảm, ông Đằng khẳng định chỉ có dân chủ tự do mới đưa đất nước tiến lên, hội nhập vào trào lưu của thế giới văn minh. Ông chân thành kêu gọi đảng viên hãy rời bỏ đảng CSVN vì tương lai của đất nước và các thế hệ cháu con.
*****
Hơn lúc nào hết, câu hỏi: Ở lại với đảng, đạo đức hay tàn nhẫn? đang chờ câu trả lời của từng đảng viên CSVN. Xin đừng chờ đến cuối đời hay đến khi không còn quyền chức nữa mới để lương tâm mình sống lại! Xin đừng để quá muộn trước sự phán xét của lương tâm, của lịch sử, và nhất là trước sự khinh bỉ và oán hận của chính con cháu mình.

 http://viettan.org/O-lai-voi-dang-khon-hay-dai-dao.html