Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Đĩ thúi (5)

Tháng 5 10, 2013
Nguyễn Viện
Tiểu thuyết
Xem kì 1kì 2kì 3 và kì 4
18.
“Súng Shotgun hay còn gọi súng bắn đạn hoa cải, súng bắn đạn ghém… tùy vào loại đạn mà nó bắn ra, là loại súng được thiết kế thường dùng để bắn khi tựa vào vai, bắn ra loại đạn là một tập hợp các viên đạn nhỏ như hạt tiêu (chỉ sát thương cao khi dùng ở khoảng cách gần) hay loại đạn đặc và lớn (dùng với khoảng cách xa) đôi khi bên trong có thể là thuốc nổ hay những thứ khác như các chất hóa học… (khi đó nó sẽ gọi là đạn đặc biệt). Shotgun có rất nhiều các biến thể khác nhau từ cỡ nòng 5,5 mm (.22 inch) đến 5 cm (2 inch) nòng trơn cùng các chế độ bắn và nạp đạn khác nhau như nạp đạn từ phía sau (loại 1, 2 hay nhiều nòng bắn từng viên), lên đạn bằng cách kéo ống bơm hay thoi nạp đạn, có các chế độ bắn như từng viên, bán tự động thậm chí hoàn toàn tự động…
Các mảnh của đạn shotgun sẽ tỏa ra các hướng sau khi ra khỏi nòng súng và sức bắn được chia đều cho từng mảnh đạn điều đó có nghĩa là sức công sát thương của từng mảnh đạn sẽ rất thấp nếu bắn ở khoảng cách xa vì các mảnh đạn sẽ tỏa đi các hướng (thậm chí nếu trúng mục tiêu chúng cũng chẳng xuyên thủng được do trở nên quá yếu) nên ở khoảng cách xa loại đạn này gần như vô dụng…” (Wikipedia)
Súng hoa cải đã được sử dụng để bắn vào lực lượng cưỡng chế đất đai của dân đen. Một hành động chống đối bột phát thể hiện sự phẫn uất cùng cực đối với bạo quyền.
Hồ Tôn Hiến vội vã triệu tập bộ hạ đến, gay gắt hỏi: “Tại sao lại có kẻ dám chống đối chúng ta? Các đồng chí quản lý nhân dân thế ư?”
Kim Trọng vội thưa: “Chúng tôi đã cho bắt cả tất cả họ hàng anh em bọn chúng và sẽ cho xử thật nặng để làm gương.”
Hồ Tôn Hiến nói: “Ổn định trật tự xã hội cũng là ổn định an ninh chính trị. Tôi không muốn thấy bọn dân đen ngóc đầu dậy.”
Thúc Sinh từ tốn nói: “Thưa anh, chúng ta cần phải nghiêm túc coi đây là một cảnh báo.”
Hồ Tôn Hiến nói: “Vì thế, chúng ta lại càng phải quyết liệt. Toàn bộ hệ thống phải sẵn sàng ứng chiến.”
Thúc Sinh thưa: “Nhưng chúng ta không thể coi dân là đối thủ.”
Kim Trọng nói: “Tôi cho rằng đồng chí Thúc Sinh nhầm lẫn về đối sách. Trong hệ thống của chúng ta chỉ có ta và địch.”
Hồ Tôn Hiến nói: “Đúng. Giai cấp thống trị và giai cấp bị trị không bao giờ có chung một chiến hào. Sự trắc ẩn hay thương xót là tự sát.”
Thúc Sinh nói: “Tôi không lấn cấn gì về những điều các đồng chí nói. Ý tôi cũng chỉ là vấn đề đối sách.”
Hồ Tôn Hiến: “Để trấn an dân chúng, hãy cho kiểm điểm lực lượng cưỡng chế. Nhưng các đồng chí không được quên, không bảo vệ nhau lúc này, thì khi hữu sự, ai bảo vệ chúng ta?  Bọn chống chính quyền, cần phải nghiêm trị. Tôi nhắc lại, tôi không muốn thấy đám dân đen ngóc đầu dậy.”
Ở các quán cà phê, tin về một anh nông dân dùng bình gas nấu cơm làm mìn và bắn súng đạn hoa cải vào lực lượng cưỡng chế gồm hàng trăm công an và quân đội võ trang đầy đủ đã làm nổ tung nhiều buổi sáng trời xanh mây trắng. Tuy nhiên, phát biểu về sự kiện bất ngờ này của một sĩ quan chỉ huy công an cũng bất ngờ không kém. Ông ta nói:
“Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này.
Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào.
Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách. Tôi nói với các đồng chí Thường trực rằng đây không phải kế hoạch tập trận nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm, cái này nó rất là hay, có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng rất là đẹp, đâm ra không có gì phải phàn nàn về cái chuyện ấy cả.”
Nhân dân bình rằng, hàng trăm thằng lính và công an bao vây và tấn công vài thằng nông dân không những đã không bắt được nó mà còn bị nó bắn suýt toi mấy mạng thì hay ho kiểu gì.
Chính vì thế, Hồ Tôn Hiến đã yêu cầu lực lượng an ninh, quân đội cần tiếp tục làm thí điểm hợp đồng tác chiến trấn áp các cuộc nổi dậy trong tương lai của nhân dân.
Cuộc diễn tập thứ hai.
Hàng ngàn công an tiến vào ngôi làng. Súng nổ đì đùng, lựu đạn cay mù mịt. Đánh đập và bắt bớ. Người dân kêu khóc. Những người chứng kiến cũng chỉ biết khóc. Cuộc diễn tập qui mô này được tạo cớ bởi những nông dân chống lại lệnh cưỡng chế bất công của chính quyền đối với đất đai của họ nhằm phục vụ quyền lợi bọn tư bản đỏ.
Hồ Tôn Hiến nói: “Các đồng chí phải chứng tỏ cho bọn dân đen biết thế nào là quả đấm thép.”
Quả đấm thép đã làm nhiều người gãy răng, nhiều người bể xương mặt, thân thể bầm tím, thậm chí nhiều người đã tử vong.
Pháp y là người lĩnh lương của chính quyền vì thế pháp y tuyên bố trước công luận: “Chính quyền không đàn áp, đánh dân. Bọn chúng tự xử.”
Để hợp pháp hóa các vụ trấn áp và giết người, Hồ Tôn Hiến ra lệnh: “Hãy sửa luật để công an được quyền bắn bỏ mọi đối tượng nếu thấy cần.”
Cuộc diễn tập thứ ba.
Những người bất đồng chính kiến lần lượt bị bắt.
Hồ Tôn Hiến nói: “Chúng ta cần phải cho thế giới biết, chủ quyền của chúng ta là tuyệt đối. Không một tổ chức, một chính phủ nào có thể can thiệp vào công việc nội bộ của chúng ta. Không một lực lượng đối lập nào được phép thành hình. Không một kẻ chống đối nào được dung tha.”
19.
Từ Hải nói với Nguyễn: “Đã qua cái thời đấu súng. Cho dù đối mặt với kẻ điếc, chúng ta vẫn cần đối thoại.”
Nguyễn nói: “Vâng, chúng ta cần sống như những người văn minh.”
Từ Hải nói: “Cái khó nhất tôi nghĩ trong đấu tranh là làm sao để mọi người cùng tiến bước. Nếu khoảng cách giữa người đi trước và người đi sau xa nhau quá, thì người đi trước rất dễ bị bắn tỉa, rất dễ bị hy sinh.”
Nguyễn bảo: “Vì thế, cần kiên nhẫn mà không làm nguội đi ngọn lửa.”
Từ Hải nói: “Đấy chính là một trong những lý do tôi cần những người như anh.”
Nguyễn bảo: “Tôi không làm thuê cho ai.”
Từ Hải: “Xin lỗi. Tôi không có ý định nói thế. Tôi chỉ muốn nói là phong trào cần.”
Nguyễn bảo: “Tôi biết tôi phải làm gì.”
Từ Hải: “Đấy cũng là một cái khó. Khi những người như chúng ta không cùng đi chung với nhau, ít nhất một đoạn đường, thì cũng rất khó để có cơ hội tạo nên một sức mạnh.”
Nguyễn bảo: “Tôi biết cá nhân không là gì trong một cuộc vận động lớn lao như thay đổi một chế độ. Nhưng tôi không thể không là gì khi tôi muốn dấn thân cho một điều có ý nghĩa.”
Từ Hải: “Anh muốn có một vai trò rõ ràng?”
Nguyễn nói: “Có lẽ anh hiểu nhầm ý tôi. Tôi không bao giờ có ý định làm quan. Cho dù đó là quan cách mạng. Tôi chỉ muốn nói đến cái vị thế con người.”
Từ Hải: “Chẳng cần rắc rối thế. Vị thế con người ở ngay trong chính anh. Nếu không có những con ốc, thì không bao giờ có bộ máy.”
Nguyễn nói: “Tôi là con người tự do.”
Từ Hải nói: “Vứt mẹ cái tự do của anh đi.”
Từ Hải đi tìm một Từ Hải khác. Những Từ Hải khác này tiếp tục đi tìm nhau. Nhưng bởi vì họ là Từ Hải, họ không chấp nhận “trên đầu có ai”. Vì thế, họ vẫn chỉ là một đám đông tuy cùng một xu thế nhưng không thể có chung một hành động, thậm chí nhiều khi còn chống phá lẫn nhau. Điều trớ trêu nhất, chính những kẻ té nước theo mưa lại làm nên một phong trào phản kháng quyết liệt. Nó xô đổ mọi thành lũy văn hóa và chính trị giáo điều kiên cố nhất bằng sự dung tục của ngôn ngữ.
Nguyễn linh cảm một sự đổi thay to lớn bắt đầu từ sự nổi loạn của ngôn ngữ đang trở nên phổ quát trong xã hội. Nguyễn cũng không mường tượng được sự đổi thay đó là suy đồi hay giải phóng, nhưng chàng tin vào cái thiên bẩm hướng đến sự toàn thiện của con người, cho dù đã có những dân tộc phải diệt vong vì sự sai lầm của mình.
Nói càng tục càng sướng. Mã Kiều Nhi, Thúy Kiều và Đạm Tiên đều bảo vậy, bởi vì nói càng tục thì càng có tính cách mạng và gần với tính bản nhiên hơn. Sở Khanh cho rằng, nói tục chỉ là một trạng thái biểu lộ cái tự ti cùng cực, nó không dẫn đến bất cứ một cuộc cách mạng nào, cho dù là giải phóng bản thân. Nhưng Thúc Sinh lại khoác cho việc nói tục nhiều ý nghĩa. Trước hết, nói tục biểu lộ sự miệt thị đối với cái không phải là ta. Miệt thị cái xã hội anh ta đang sống. Nó thể hiện một thái độ chính trị của sự bất mãn và phủ nhận cái thế lực đang đè đầu cưỡi cổ anh ta. Một chế độ cai trị càng hà khắc thì sự tục tĩu trong ngôn ngữ càng phổ biến. Hiện tượng tục tĩu trong ngôn ngữ do đó là một biện chứng, nó thúc đẩy sự thay đổi, bởi chính nó là sự thay đổi. Một nhà nước suy đồi, ngôn ngữ không chỉ lươn lẹo mà còn rập khuôn. Ông ta đưa ví dụ: mô hình “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” của chế độ cộng sản khi buộc phải thay đổi, hoặc mô hình “phát thanh có hình” của đài tiếng nói nhân dân khi muốn bon chen với bọn truyền hình. Một nền chính trị lành mạnh, ngôn ngữ cũng sẽ trong sáng hơn. Thúc Sinh có vẻ như nắm biết tình hình, nhưng ông ta chỉ hành động thuận theo quyền lợi của mình.
Hồ Tôn Hiến không tỏ ra lo lắng nhưng ông ta tăng cường đề phòng. Bởi vì ông ta biết cái chết của một anh bán trái cây dạo như Mohamed Bouazizi ở Tunisia có thể làm nên một cuộc cách mạng. Tất cả mọi cuộc tụ tập đông người đều bị cấm đoán, bất kể vì lý do gì.
Nguyễn tự nghĩ, công việc tốt nhất có thể làm được là tiếp tục làm thư ký cho nông dân như anh đã từng làm và bị bắt. Viết những đơn khiếu nại. Viết những biểu ngữ. Viết những kiến nghị, tuyên ngôn, tuyên cáo… Nhưng ngay khi đó Kim Trọng đã xuất hiện, ông ta nói với Nguyễn: “Nếu ông muốn sống yên thân và chơi gái thì hãy ở trong thành phố, sáng cà phê chiều nhậu, đừng dây dưa vào chuyện thiên hạ. Nếu ông muốn nổi loạn, cứ nổi loạn với chữ nghĩa. Nếu ông muốn làm người hùng, cứ làm người hùng trong văn chương. Nếu ông đi lạc chỗ, tụi tôi sẽ xử lý ông ngay.”
Nguyễn nói: “Lạc chỗ hay không đó là lựa chọn của tôi. Các anh không có quyền…”
Kim Trọng: “Anh biết là chúng tôi có quyền. Đi lạc chỗ đồng nghĩa với chống đối và chúng tôi sẽ xử lý anh.”
Nguyễn nói: “Đây là quyền của tôi: Cút khỏi nhà tôi.”
Kim Trọng bảo: “Khi cần đuổi thì người đuổi sẽ là tôi chứ không phải anh.”
Nói xong Kim Trọng đi ra.
Nguyễn cảm thấy muốn hút một điếu thuốc. Lâu lắm rồi Nguyễn không hút thuốc.
Nguyễn hỏi Mã Kiều Nhi: “Em có muốn về quê sống với anh không?”
Mã Kiều Nhi hỏi lại: “Anh trồng rau, em mở tiệm hớt tóc massage phục vụ cho các anh giai làng, được không?”
Nguyễn nói: “Anh mở dịch vụ vi tính, viết thuê. Còn em làm gì thì tùy.”
Mã Kiều Nhi nói: “Cuộc cách mạng nông thôn cần bắt đầu từ nữ quyền.”
Nguyễn bảo: “Ý tưởng không tồi.”
Mã Kiều Nhi nói: “Làm đĩ là một quyền mưu sinh chính đáng. Nhưng em sợ rằng anh sẽ mất hết uy tín khi trong nhà ông cách mạng có người làm đĩ.”
Nguyễn bảo: “Anh không phải nhà cách mạng. Anh chỉ muốn làm một cái gì đó như phục vụ công ích.”
Mã Kiều Nhi nói: “Bọn công an không để cho anh muốn làm gì thì làm đâu. Tội gì cũng có thể hối lộ cho qua được, nhưng tội làm cách mạng thì không. Nếu anh không trả giá thì anh sẽ không làm gì được.”.
Nguyễn nói: “Anh không làm cách mạng. Có muốn cũng không làm được.”
Mã Kiều Nhi bảo: “Vậy thì anh cứ sáng cà phê, chiều nhậu, tối kiếm gái ngủ là tốt nhất”.
Người nông dân nổi dậy đã ngồi tù. Vương Thúy Kiều nói: “Về nông thôn, em có nguy cơ sẽ phải bán mình lần nữa để chuộc cha bởi bọn cường hào ác bá ở địa phương bây giờ ác hơn thời xưa. Nhưng em nói rồi, Vương viên ngoại còn có thể chuộc được, chứ Từ Hải hay anh chỉ có cách chết đứng hoặc để cho người ta xử tùy tiện thôi. Cả hai cách đều dở. Anh nên quên cái cơn lãng mạn nửa mùa ấy đi.”
Nguyễn hút thuốc. Và chàng cay đắng quăng điếu thuốc đi. Nhưng rồi chàng lại đốt điếu khác. Đốt nhiều điếu khác cho đến khi chàng trở nên khô rỗng.
Vương Thúy Kiều lại nói: “Đàn ông làm cách mạng chỉ đưa nhân loại đến chỗ khốn cùng.”
Nguyễn quăng linh hồn vào bóng tối và chàng lấy dao rạch lên những quyển sách, móc từng chữ ra khỏi trang giấy.
Vương Thúy Kiều nói: “Đàn bà làm cách mạng không phải lồn hoang độc lập, tự do, hạnh phúc và đái ỉa vào mọi giáo điều như bọn đàn ông nói.”
Nguyễn nhét từng con chữ cho vào miệng. Nhai rồi nhổ.
Vương Thúy Kiều nói: “Không phải đàn bà nằm trên là nữ quyền. Nhưng nó là khởi đầu cho mọi cuộc cách mạng khác.”
Nguyễn tiếp tục ăn những con chữ rồi nhổ ra.
Vương Thúy Kiều nói: “Hãy làm điều mình muốn.”
Người nông dân nổi dậy ngồi tù. Chữ nghĩa cũng nằm tù. Nông dân không nhai chữ. Nhà văn không cạp đất. Đạm Tiên ngồi thiền trong am con nhện. Vương Thúy Kiều ăn chay trường. Mã Kiều Nhi lần tràng hạt. Sở Khanh tịnh khẩu. Kim Trọng tập dưỡng sinh. Thúc Sinh luyện kiếm. Từ Hải đọc sách Phật.
Hồ Tôn Hiến một tay cầm búa, một tay cầm liềm. Ông giơ búa lên hét: “Đập tan xiềng xích.” Nhưng khi xiềng xích tan, ông đội lên đầu cái búa và ông ta làm xiếc. Ông bảo cái búa là thiêng liêng, không để búa rời khỏi đầu mình kể cả lúc ngủ. Còn cái liềm, thật ra chưa bao giờ ông dùng đến nó, cuối cùng ông lấy nó làm vật trang sức đeo ở cổ.
Nguyễn nhìn thấy mọi điều sáng rõ. Mỗi một người chàng gặp, chàng đều nhìn thấy cái tinh tướng súc vật của họ hiển lộ như hình và bóng. Thế giới trở nên chật chội và đầy ắp. Đôi khi leo lên cây, Nguyễn càng cảm thấy chật chội và đầy ắp hơn. Chập chùng những phóng ảnh của con người. Nguyễn chỉ thấy yên ổn khi nằm sát xuống đất, mặc dù có rất nhiều bàn chân bước lên người chàng. Đôi khi bị đè bẹp, Nguyễn thấy từ sâu thẳm một khoái cảm nhẫn nhục.
Người và súc sinh quấn lấy nhau. Đạm Tiên bảo nghiệp chướng duyên khởi chưa dứt, cần phải lấy máu mà rửa. Máu lồn là máu không oán cừu, hãy dùng nó mà thanh tẩy. Cả người và súc sinh đều mơ những giấc mơ thần thánh. Nhưng thần thánh đã bị đánh tráo. Vì thế, bọn súc sinh vẫn được tôn làm thánh. Và thánh thần thì bị che mắt nên bỏ mặc con người lầm than trong cõi chết.
20.
Từ Hải lại gặp Nguyễn nói: “Chúng ta phải tự cứu. Hôm nay người nông dân vì giữ đất của mình mà vào tù. Ngày mai vì chữ nghĩa của anh, anh cũng sẽ vào tù. Chúng ta bị cướp đoạt từ tài sản đến phẩm cách. Chúng ta không thể im lặng nhịn nhục gìn giữ sự ổn định thống trị của bọn lưu manh trên sự bất công và tàn ác mãi. Anh cần phải làm một cái gì đó.”
Nguyễn nói: “Những gì cần phải viết, tôi đã viết rồi.”
Từ Hải bảo: “Một tay anh cầm viết, tay kia anh cần phải biết cầm búa.”
Nguyễn cười: “Còn cái liềm thì cắt bằng chân?”
Từ Hải nói: “Vứt mẹ nó cái hình ảnh và quan điểm giai cấp điếm thúi ấy đi.”
Nguyễn bảo: “Vâng. Công dân là đủ.”
Từ Hải nói: “Nhân việc anh nông dân vào tù, tôi muốn nhờ anh soạn giùm một cái tuyên ngôn tự do. Tự do cho nông dân. Tự do cho tất cả chúng ta. Anh viết thế nào thì tùy, điều quan trọng là không để sơ hở tạo cớ cho tụi nó bắt anh hay bắt những người ủng hộ tuyên ngôn đó.”
Nguyễn bảo: “Để tôi suy nghĩ.”
Từ Hải nói: “Đừng để vuột mất cơ hội cất tiếng nói.”
Nguyễn bảo: “Tôi biết những kiến nghị, những tuyên ngôn chẳng có giá trị gì đối bọn vừa điếc vừa mù. Nhưng quả thật, trước hết chúng ta cần phải nói với nhau, cho nhau về sự thật và khát vọng thay đổi.”
Từ Hải nói: “Đúng. Nếu chúng ta muốn thay đổi nhưng không hành động cho sự thay đổi thì sẽ không bao giờ có sự thay đổi.”
Không phải Nguyễn. Không phải Từ Hải. Trong chảo lửa của sự phẫn uất và lương tâm công chính, một loạt các tuyên ngôn cho công lý và tự do công dân đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội, tuyên bố quyền xã hội dân sự và đòi hỏi thay đổi thể chế cũng như công lý cho những người bị tù tội.
Những tuyên ngôn không làm rung rinh chế độ nhưng nó biểu thị sự bất tín nhiệm và tạo ra áp lực thay đổi đối với Hồ Tôn Hiến ngày càng lớn.
Từ Hải gặp Nguyễn, hắn nói: “Làm thế nào tạo ra một phong trào bất tuân rộng khắp, đồng thời sẵn sàng phản ứng khi có cơ hội thuận lợi?”
Nguyễn bảo: “Nếu biết liên kết các sự kiện, nó có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền.”
Bỗng tỏ ra mừng rỡ, Từ Hải nói: “Tôi nghĩ ra rồi.”
Rồi hắn đứng lên và đi thẳng tới nơi những đám lửa đang cháy.
Từ Hải có mặt trong đám đông vây quanh một quan tài người dân vừa bị công an đánh chết. Từ Hải có mặt trong số dân oan khiếu kiện hoặc đòi chất vấn chính quyền về những vụ cưỡng chiếm đất đai. Từ Hải có mặt trong số những công nhân đình công đòi cải thiện bữa ăn trưa. Từ Hải có mặt trong số những sinh viên kêu gọi tẩy chay hàng độc hại Trung Quốc. Từ Hải đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn biển. Từ Hải đồng hành với người mẹ đi tìm con trong lao tù. Từ Hải đi xe đạp treo bảng chống tăng giá xăng. Từ Hải lên tiếng đòi xử quan chức tham nhũng. Từ Hải cùng với người dân khiêng giường ra đường chống tăng viện phí. Từ Hải có mặt trước cửa các phiên tòa bất công, dối trá…
Lần nào Từ Hải cũng bị bắt và bị đánh trong đồn công an, nhưng chính quyền không bỏ tù được Từ Hải vì Từ Hải đứng về phía lẽ phải và ôn hòa bất bạo động.
Hồ Tôn Hiến nói: “Hãy bẻ chân bọn ngông cuồng.”
Và Từ Hải bị một lũ côn đồ tấn công. Chúng đón đường đánh hắn giữa phố ban ngày. Đánh bầm dập. Rồi bẻ chân hắn.
Cả thế giới nhìn thấy việc ấy và việc ấy cũng như hàng nghìn việc đê tiện tàn bạo khác không làm cho con người phẫn nộ hay xấu hổ.
Không chỉ có một Từ Hài, mà có rất nhiều Tư Hải khác cũng đã bị bẻ chân hoặc bẻ tay. Sau này, họ đã thành lập Hội Nạn nhân Bạo quyền với biểu tượng cái nạng để đi đá bóng, mặc dù không được cấp phép họat động nhưng không ai ngăn cản được họ chống nạng đá bóng và góp mặt trong các cuộc tranh đấu bất bạo động và hợp pháp.
Hồ Tôn Hiến nói: “Hãy thu gom tất cả nạng trên mặt đất cho vào lửa.”
Thế là không còn một cái nạng nào được chống ra đường. Những người tìm cách chống nạng bị qui kết là phản động, chống chính quyền.
Hội Nạn nhân Bạo quyền ra tuyên ngôn “Chúng ta là con người” và họ xuống đường bằng một chân hay một tay còn lại.
Hồ Tôn Hiến nói: “Bọn thú vật này không muốn sống.”
Thế là từng người một trong số họ dần dần mất tích cho đến khi không còn ai được gọi là nạn nhân bạo quyền.
Nhà nước của Hồ Tôn Hiến ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và họ được chấp thuận.
Trong những ngày diễn ra những cuộc khủng bố và thủ tiêu nhóm nạn nhân bạo quyền, Thúc Sinh đã gặp Từ Hải. Ông ta nói: “Cậu phải biến đi.”
Thế là Từ Hải biến mất. Từ đó, bên cạnh Thúc Sinh có một nhân vật mới, Mã Giám Sinh. Trên danh thiếp của Mã Giám Sinh có hai chức danh: Giám đốc Công ty Xuất khẩu Lao động và Giám đốc Công ty Cung ứng Nhân sự và Dịch vụ gia đình.
Trên thực tế, Mã Giám Sinh chỉ làm cò cho Thúc Sinh trong vụ việc buôn người này. Hắn về các vùng nông thôn tuyển người và lấy tiền cò cả hai đầu. Chỉ số hạnh phúc của người Việt tăng vọt. Được đi lao động hay lấy chồng, làm ôsin ở nước ngoài là một giấc mơ huy hoàng.
Nguyễn bảo Mã Giám Sinh đáng được đúc tượng tôn thờ trong các đình làng bởi đã góp phần vào việc làm thay đổi bộ mặt nông thôn một cách sâu sắc.
Nhưng Đạm Tiên nói Mã Giám Sinh cạnh tranh không lành mạnh.
Mã Giám Sinh nói với các anh giai và chị gái: “Chỉ cần 2000 đô thế chân, các bạn sẽ đến thiên đường.”
Nghèo không đủ ăn, nhưng bằng cách nào đó, họ cũng xoay sở được 2000 đô nộp mạng cho Mã Giám Sinh. Nếu không bị lừa như họ đã từng bị lừa thì trả nợ không phải là điều quá khó.
Đối với các cô gái muốn tìm chồng ngọai, Mã Giám Sinh tuyệt đối trung thành với cam kết “gìn giữ nguyên trạng” của các cô với khách hàng. Nhưng hắn tận dụng ưu thế của mình để kiểm tra “hàng” một cách thích đáng. Các ứng viên được yêu cầu phải tự lột truồng và trình diễn khả năng làm vợ. Mã Giám Sinh nói đó là điều thú vị và xứng đáng duy nhất để hắn hạ cố với nhân dân.
21.
Một trong số hàng ngàn cô gái được xuất khẩu lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan đã làm Mã Giám Sinh kinh ngạc. Khi casting, cô tỏ ra đam mê và tao nhã lạ thường. Khuôn mặt biểu cảm của một thiên bạc mệnh không thể không làm cho Mã Giám Sinh chạnh lòng nhớ đến Vương Thúy Kìều, người mà hắn đã đưa vào lầu xanh ở Lâm Truy ngày nào. Mã Giám Sinh xét hỏi lý lịch cô. Cô gái cho biết cô chính là con của Vương Thúy Kiều, cháu của Vương viên ngọai, nhưng cô không biết cha là ai. Ngay sau đó, Mã Giám Sinh đưa cô gái về phòng mình trong khách sạn và cắt tiết cô cũng như ngày xưa hắn đã cắt tiết Vương Thúy Kiều.
Trả lại cô gái 2000 đô tiền thế mạng, hắn hỏi cô: “Bây giờ cô muốn sống với tôi hay vẫn thích lấy chồng ngoại?”
Cô gái thành thật thưa: “Dạ, cho em lấy chồng ngoại.”
Hắn gặn hỏi tiếp: “Tại sao?”
Cô gái nói: “Em sợ cái cảnh thằng chồng sáng say chiều xỉn, xách cây đánh vợ lắm.”
Mã Giám Sinh bán cô cho một người Đài Loan.
Phóng viên báo Cướp Giết Hiếp phỏng vấn Mã Giám Sinh:
- Thưa ông, trải nghiệm về trinh tiết phụ nữ của ông thế nào?
- Người ta vẫn cho rằng phá trinh một cô gái sẽ mang lại may mắn theo một niềm tin đã có từ lâu đời. Nhưng với tôi đó chỉ là một cảm giác về sự hãm hiếp. Tất nhiên hãm hiếp cũng là một kinh nghiệm quí báu về sức mạnh nam giới và quyền lực xã hội.
- Giả dụ đặt trường hợp ông là người bị hãm hiếp thì sao ạ?
- Anh cứ hiểu ngược lại là được.
- Ông cho rằng người này có quyền hãm hiếp người khác?
- Ồ, cái đấy thì tùy.
- Tùy là sao ạ?
-Thứ nhất là người ta có sẵn sàng cho anh hiếp không? Anh có muốn nghe ví dụ không? Thứ hai, đấy là vấn đề dân trí. Dân trí để cho anh hiếp thì tại sao anh lại không hiếp?
- Trở lại với vấn đề trinh tiết, xin hỏi ông: trinh tiết có thực sự là cái ngàn vàng không?
- Không, tôi nghĩ là cần điều chỉnh theo thời giá.
- Ông không tin vào vấn đề nữ quyền?
- Ồ, cái đó chỉ có giá trị trong các cuộc tranh cử ở các nước dân chủ phương Tây.
- Các công ty của ông chủ yếu là xuất khẩu lao động và phụ nữ. Phải chăng đây là một hình thức buôn bán người?
- Nếu là buôn bán người thì sao? Tôi cho rằng đây chỉ là vấn đề ngôn từ. Không cần phải đạo đức giả anh bạn ạ. Nếu chúng ta gọi đó là trao đổi hay giao lưu, hoặc thậm chí là chia sẻ thì sẽ lành mạnh hơn chăng?  Hãy nhìn vào thực tế, các lao động của ta ở nước ngoài và gia đình họ có vui mừng không? Các cô dâu của ta ở nước ngoài và gia đình họ có hạnh phúc may mắn không?
- Tiềm năng về nhân sự của Việt Nam trong lãnh vực nào ông cho là triển vọng nhất?
- Chúng ta có nhiều nhà lãnh đạo kiệt xuất, chúng ta cũng có những nhà làm chính sách vĩ đại. Đấy là một tiềm năng xuất khẩu có giá trị kinh tế chính trị và ngoại giao rất lớn. Nếu xuất khẩu được loại hàng hóa này, cục diện thế giới sẽ thay đổi và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế có thể vượt lên hàng top.
Tú Bà nói với Mã Giám Sinh: “Thị trường gái gú toàn cầu đang có thị hiếu hoang dã. Đây là cơ hội lớn của chúng ta. Ông sai bọn lâu la ra các bến xe, bến tàu hốt hết đám gái quê lên tỉnh về cho tôi.”
Mã Giám Sinh bảo: “Chỗ đâu mà chứa?”
Tú Bà nói: “Ông không cần lo chuyện đó. Chỉ cần đưa chúng nó về công ty ông chụp hình làm hồ sơ, trong vòng nửa tiếng sẽ có xe đưa bọn chúng qua biên giới.”
Mã Giám Sinh hỏi: “Đếm người lấy tiền?”
Tú Bà nói: “Đúng vậy. Nhưng tôi còn muốn làm một điều lớn lao hơn là kiếm tiền.”
Mã Giám Sinh: “Cuộc cách mạng tình dục không giới hạn?”
Tú Bà: “Nó chẳng phải là cuộc cách mạng gì cả, mà là sự hoàn nguyên bản ngã. Tôi muốn hóa giải tính chính xác vô cảm của nền văn minh kỹ thuật, đưa con người trở lại với sự mê cuồng mông muội của tình cảm ban sơ cốt đột mặn nồng vô văn hóa.”
Mã Giám Sinh: “Phần tôi bao nhiêu phần trăm?”
Tú Bà: “Ông muốn lấy bao nhiêu cũng được. Nhưng cứ bỏ vào tài khoản của tôi là yên chuyện. Ông có muốn yên chuyện không?”
Mã Giám Sinh: “Tôi chỉ hỏi cho biết thôi.”
Tú Bà: “Nhân tiện, tôi cũng cho ông biết luôn. Hồ Tôn Hiến mới gặp tôi. Ông ta muốn mở một con đường hoa bướm xuyên Âu Á. Đây sẽ là một trong hai mũi giáp công làm lũng đoạn thế giới.”
Mã Giám Sinh: “Mũi giáp công thứ hai là con đường tâm linh xuyên thế kỷ?”
Tú Bà hỏi: “Sao ông biết?”
Mã Giám Sinh cười: “Hãy nhớ điều này: Đểu cáng thì không ai bằng Mã Giám Sinh.”
Hồ Tôn Hiến nói với người mang mặt nạ: “Ông mang cục gạch này tìm cách chôn vào chân cột ngay chính điện Đền Hùng.”
Người mang mặt nạ hỏi: “Có cần tiến hành một nghi thức nào đi kèm không?”
Hồ Tôn Hiến nói: “Không.”
Người mang mặt nạ hỏi tiếp: “Cần chọn ngày giờ không?”
Hồ Tôn Hiến nói: “Không.”
Người mang mặt nạ tự hiểu quyền năng của cục gạch là vô song.
Hồ Tôn Hiến nói tiếp: “Việc thứ hai cần làm ngay là ông cho tu sửa lại Đền Hùng và tuyên bố phát hiện cục gạch lạ. Sau đó, cứ để cho nó diễn tiến tự nhiên. Không can thiệp.”
Người mang mặt nạ thi hành đúng những gì Hồ Tôn Hiến sai bảo.
Cục gạch đã trở thành huyền thoại sau khi được phát hiện chôn giấu trong Đền Hùng. Đầu tiên, người ta báo cáo chính phủ và giữ bí mật việc phát hiện ra cục gạch lạ, trước khi biết mục đích và ý nghĩa của nó. Chính phủ giao cho các nhà tâm linh học và cảm xạ học nghiên cứu giải mã. Những nhà nghiên cứu này không tìm được bất cứ liên hệ nào giữa các biểu tượng và ngôn ngữ lạ thường trên cục gạch với những gì họ biết. Các nhà khoa học vào cuộc cũng chỉ biết được niên đại cục gạch ra lò. Vì thế, những người thông thái nhất đã suy đoán theo cảm quan, trực giác rằng bọn quân Nguyên đã yểm cục gạch trong Đền Hùng nhằm trả thù ba lần thua trận ở An Nam.
Đến lúc Hồ Tôn Hiến vào cuộc. Ông ta sai người tìm một cục đá mẹ và 2301 cục đá con có nhiều vượng khí và năng lượng vũ trụ, rồi vẽ bùa chú mật tông cho những cục đá đó. Cục đá mẹ đặt giữa Đền Hùng, 2301 cục đá con được đặt dưới chân các cột cây số dọc Quốc lộ 1 trong một lễ cúng trọng thể mang tầm vóc quốc gia.
Theo báo chí, những bùa chú này ngoài việc hóa giải bùa yểm của người Tàu, còn mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, xã tắc trường tồn.
Nhưng ý nghĩa thật sự của các bùa chú trên cục đá mẹ và 2301 cục đá con chỉ có ba người biết. Đó là Hồ Tôn Hiến, người thực hiện ý đồ, Mã Giám Sinh thỉnh bùa chú từ Tây Tạng và Đạm Tiên, người cầu viện âm binh. Điều này được giữ bí mật tuyệt đối bởi nó liên quan đến tham vọng của Hồ Tôn Hiến về quyền bính.
Cục gạch lạ thay vì nằm dưới đất, giờ đây được đặt trong bảo tàng quốc gia và nằm đúng vị trí long mạch của thế giới.
Hồ Tôn Hiến bảo: “Hồ Tôn Hiến sống mãi trong sự vinh quang của cục gạch lạ.”
Còn những người khác như Thúc Sinh, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Kim Trọng, kể cả Từ Hải vẫn chỉ bày tỏ một tâm nguyện duy nhất: “Còn Hồ Tôn Hiến, còn mình.”
Đầu thế kỷ 20, Hồ Tôn Hiến tự xuất khẩu lao động. Ông đã đến Mỹ, Anh và dừng chân ở Pháp. Từ một người đi giao báo, ông đã trở thành người viết báo và được một người đồng hương giúp đỡ biên tập. Ông mau chóng nổi tiếng như một người chống chủ nghĩa thực dân. Nhưng tờ báo ở xứ sở thực dân không nuôi sống được ông vì thế trong cái giá buốt của Paris, ông tồn tại được nhờ một cục gạch. Cục gạch không thể ăn, nhưng cục gạch hâm nóng đã cứu ông khỏi chết rét. Đêm đêm, ông ôm cục gạch nóng ngủ. Những lúc thao thức, ông trò chuyện với cục gạch và nó trở nên thân thiết với ông. Tất cả những gì ông thổ lộ với cục gạch đều được nó ghi sâu trong đáy lòng. Nhưng đáy lòng của cục gạch dù sao vẫn có giới hạn của một thể tích nhỏ bé, vì thế những tâm sự của ông đã nhanh chóng đầy lên trong cục gạch. Cho đến khi hết sức chứa, những khát vọng cháy bỏng của ông hiện lên trên bề mặt cục gạch thành những hình thù kỳ quái.
Hồ Tôn Hiến luôn mang theo cục gạch bên mình, bởi vì chẳng có ai trên cõi đời này để ông tin hơn nó.
Sau này, câu chuyện về cục gạch đã có nhiều dị bản. Những người từng gặp ông ở Paris bảo, cục gạch ấy là một cô gái người Nga.
22.
Nguyễn nằm bẹp trong nhà Mã Kiều Nhi. Chưa bao giờ cái cảm giác về sự tồn tại lại nặng nề đến thế. Còn Hồ Tôn Hiến thì không có mình, Nguyễn nghĩ. Nhưng thật ra, chưa bao giờ chàng đem mình lên thớt để qui chiếu với Hồ Tôn Hiến, cho dù sự tồn tại không bao giờ không là một tương quan. Từ Hải từng nói với Nguyễn: “Sự hiện hữu của Hồ Tôn Hiến, xét cho cùng, cũng là bởi chúng ta.” Với Nguyễn, Hồ Tôn Hiến dù thế nào vẫn là một nhân vật tiểu thuyết. Nhưng nhận vật ấy đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chàng, một tai nạn của bệnh tiêu chảy, trở thành một tác nhân độc lập và hành xử theo cách của hắn. Nguyễn biết, không có cách nào khác để loại trừ hắn là để chính cái hệ thống đang vận hành hắn xử hắn. Tính cách trí thức của chàng, như thế một lần nữa, đè bẹp chàng. Thay vì đóng vai trò của một chủ thể lịch sử, chàng buông xuôi cho cái hệ thống mù lòa ấy đưa đẩy.
An nhiên tự tại hay từ khước chính mình cũng chỉ là một cách trốn chạy thực tại.
Ngoài kia. Không phải Từ Hải, không phải Mã Kiều Nhi hay Thúy Kiều, không phải Thúc Sinh hay Mã Giám Sinh. Họ đang ngồi trên bãi cỏ công viên. Đa phần còn rất trẻ, họ nói với nhau và hỏi nhau: Chúng ta là ai? Chúng ta đã sống như thế nào? Chúng ta có muốn thay đổi không và đã làm gì để thay đổi? Lịch sử thuộc về chúng ta hay do người khác định đoạt?
Tại sao họ không ngồi trong một căn phòng cửa đóng kín cho an toàn? Để trả lời cho câu hỏi chúng ta là ai, họ cần phải trưng bày khuôn mặt của mình giữa ánh sáng. Muốn biết chúng ta đã sống như thế nào, họ cũng cần phơi bày sự thật giữa ánh sáng. Để thể hiện ước muốn của mình, họ cần công khai chia sẻ trong ánh sáng. Và để lịch sử là lịch sử của chúng ta, họ cần cho người khác biết sự liên đới trong cuộc sống và vì sự liên đới cần rộng lớn thêm mỗi ngày, họ để ngỏ vòng tay và chỗ ngồi mời gọi liên kết và hành động như ánh sáng.
Họ nhất thiết phải công khai và minh nhiên, bởi chúng ta là tự do và chúng ta không sợ hãi. Cho dù, bọn an ninh quây họ trong hàng rào kẽm gai và chó nghiệp vụ tấn công họ.
Máu và thịt họ vương vãi. Ngoài kia. Họ không vì thế mà tiêu tan. Máu thịt sản sinh máu thịt. Cho đến khi họ biết chúng ta là gì, máu thịt vẫn không ngừng sản sinh. Và họ tiếp tục hỏi và nói với nhau: Chúng ta là ai? Chúng ta đã sống như thế nào? Chúng ta có muốn thay đổi không và đã làm gì để thay đổi? Lịch sử thuộc về chúng ta hay do người khác định đoạt?
Nguyễn đã nhìn thấy họ và chàng viết, họ từ trong những ngõ hẻm bước ra, tất cả đều đi đến chỗ quảng trường rộng lớn của thành phố, trên ngực áo của họ có dòng chữ “Chúng ta là tự do” và phía sau lưng của họ là dòng chữ “Không sợ hãi”. Họ càng lúc càng đông. Tiếng hét của họ làm rung chuyển mọi mái nhà. Cho đến lúc ấy, không còn ai có thể ngồi yên. Tất cả mọi người đổ ra đường. Và họ reo lên “Chúng ta là tự do”.
Từ Hải gặp Nguyễn hỏi: “Ông có nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ đem quân và xe tăng vượt biên giới để bảo vệ Hồ Tôn Hiến không?”
Nguyễn bảo: “Điều này tùy thuộc vào Hồ Tôn Hiến.”
Từ Hải nói: “Chính Hồ Tôn Hiến sẽ phải vượt biên giới để bảo toàn tính mạng.”
Nguyễn bảo: “Cũng có thể.”
Từ Hải nói: “Tiểu thuyết của ông có thể chấm dứt ở đây được rồi đấy.”
Nguyễn nói: “Còn một kịch bản khác.”
23.
400 lượng vàng (thực chất là vàng 18k) do Thúy Kiều bán mình chuộc cha, một phần làm của hồi môn cho Thúy Vân lấy chồng, phần còn lại giúp cậu út Vương Quan ăn học thành tài. Cùng khởi nghiệp với chức quan huyện như Kim Trọng, nhưng hoạn lộ của Vương Quan có phần trắc trở hơn. Với lý lịch chị làm đĩ, trong quan trường, Vương Quan không được kính trọng, thậm chí bị ngờ vực, mặc dù anh đã cúc cung tận tụy phục vụ triều đình.
Đồng chí trưởng ban tổ chức nhân sự của triều đình bảo Vương Quan thiếu lập trường giai cấp. Quả thật, trong cách ứng xử với nhân dân, bao giờ Vương Quan cũng nhớ đến thân phận chị Thúy Kiều và thảm kịch gia đình của mình. Cái nhân hậu của chàng, vì thế là một lực cản không đáng có của một quan chức chính quyền.
Cho đến năm 2012, Vương Quan vẫn chỉ là một quan huyện của một thành phố cực nam.
Thúc Sinh gặp Vương Quan nói: “Chúng tôi không quên cậu. Cậu vẫn an khang chứ?”
Vương Quan thành thật thưa: “Sức khỏe vẫn tốt nhưng an khang thì có lẽ không.”
Thúc Sinh vờ vịt: “Sao thế? Cậu không có gì hài lòng?”
Vương Quan nói: “Ơn mưa móc của triều đình, cuộc sống của tôi cũng thỏa đáng.”
Thúc Sinh nói: “Tôi hy vọng cậu không còn phiền muộn. Việc của Thúy Kiều xưa kia, dù sao cũng đã là quá khứ.”
Vương Quan chua chát: “Vâng, hiện tại cũng không khác mấy.”
Thúc Sinh nói: “Đây chính là lý do tôi tìm gặp cậu.”
Vương Quan: “Tôi xin lĩnh giáo.”
Thúc Sinh: “Chắc cậu cũng đã biết, tình hình đang rối tung rối mù. Thù trong giặc ngoài lăm le, chỉ cần một ngọn lửa nhỏ cũng có thể làm bùng cháy thiêu đốt cả chế độ. Uy tín của triều đình không còn. Một là chúng ta phải tự thay đổi, hai là dân chúng sẽ lật đổ chúng ta. Theo cậu, phương án nào tốt nhất để thoát ra khỏi tình cảnh này?”
Vương Quan nói: “Tôi chỉ là một chức quan nhỏ. Không dám lạm bàn.”
Thúc Sinh bảo: “Nói thật với cậu, trong mọi tầng lớp cán bộ lãnh đạo của chúng ta hôm nay, không một ai không nhúng chàm. Người duy nhất có bàn tay sạch là cậu. Cậu chính là giải pháp để tái tạo niềm tin trong dân chúng. Vì thế, chúng tôi sẽ đưa cậu về trung ương. Mong cậu nhận lời kỳ vọng của toàn thể triều đình.”
Vương Quan thẳng thắn: “Làm bung xung cho các bác à?”
Thúc Sinh: “Thượng phương bảo kiếm sẽ được giao cho cậu.”
Vương Quan: “Thượng phương bảo kiếm để chém Hồ Tôn Hiến, Mã Giám Sinh, Sở Khanh… hay chém gió, hoặc để chém nhân dân?”
Thúc Sinh bình tĩnh nói: “Cậu đã đi đúng vào tâm điểm của vấn đề. Và chắc chắn cậu biết, chúng ta không thể chém bất cứ ai trong số đó. Thượng phương bảo kiếm chỉ là một biểu tượng thôi mà.”
Vương Quan: “Vậy thì tôi sẽ phải sử dụng thượng phương bảo kiếm như thế nào?”
Thúc Sinh: “Đây là một kịch bản phức tạp. Chúng ta trước hết cần tự bảo vệ mình, bảo vệ chế độ, sau đó làm hài lòng dân chúng, hóa giải mọi chống đối của bọn dân chủ.”
Vương Quan: “Một chế độ không Hồ Tôn Hiến nhưng vẫn là Hồ Tôn Hiến?”
Thúc Sinh: “Gần đúng như thế. Nhưng chúng ta không thể thuyết phục Hồ Tôn Hiến từ chức.”
Vương Quan: “Vậy thì chẳng làm gì được. Không có hy sinh thì không giải quyết gì được.”
Thúc Sinh: “Bản lĩnh của chúng ta, sự khôn khéo của chúng ta, sự nghiệp của chúng ta  không cho phép chúng ta thua cuộc.”
Vương Quan: “Vai trò của tôi ở chỗ nào?”
Thúc Sinh: “Chúng tôi không cần cậu phải làm gì. Vai trò của cậu sẽ là biểu tượng cho sự thay đổi.”
Vương Quan được đưa về trung ương với chức vụ Trưởng ban Thanh tra Quốc gia. Ra mắt báo chí, Vương Quan nói: “Tôi đến để làm sạch sẽ ngôi nhà chung của chúng ta. Tất cả những ai bôi bẩn ngôi nhà sẽ bị trừng phạt”. Anh được tán thưởng, nhưng cũng không ai kỳ vọng gì ở anh. Bởi ai cũng biết, sự dơ bẩn của căn nhà là bản chất của các chất liệu xây dựng nên nó, vì thế không thể lau chùi, chỉ có một cách duy nhất là đập đổ nó và xây lại bằng các chất liệu khác.
Ngôi nhà chung ấy càng lúc càng bốc mùi hôi thối.
Vương Quan gặp Thúc Sinh nói: “Tôi không thể chịu đựng nổi cái mùi của nó.”
Thúc Sinh bảo: “Không phải chỉ có cậu không chịu đựng nổi. Ngoài kia, dân chúng cũng không chịu đựng nổi. Họ đang cầm đuốc chạy đến và đòi đốt nhà của chúng ta.”
Vương Quan nói: “Và chúng ta sẽ chết cháy theo nó?”
Thúc Sinh bảo: “Không, đây là lúc cậu phải hành động.”
Vương Quan cười nhạt: “Tôi có thể làm gì?”
Thúc Sinh bảo: “Cậu hãy giương thượng phương bảo kiếm lên, chúng tôi ủng hộ cậu.”
Vương Quan đến gặp Kim Trọng: “Tôi cần anh giúp đỡ.”
Kim Trọng hỏi: “Chuyện gì?”
Vương Quan nói: “Đây là chuyện trong nhà, nếu anh không đồng ý thì coi như tôi chưa nói gì với anh. Nhưng tôi hy vọng anh sẽ cộng tác. Như anh biết, tôi vẫn ấm ức về vụ chị Thúy Kiều xưa kia. Nỗi đau của anh cũng như nỗi nhục của gia đình chúng ta đến lúc cần phải được thanh tẩy. Hơn nữa, dân chúng cũng đang nổi loạn, đây là cơ hội để chúng ta rửa hận. Hồ Tôn Hiến và Mã Giám Sinh phải bị quăng vào lửa. Ngay trước khi tôi công bố tội trạng của chúng, anh phải bắt được cả hai. Nếu thất bại, anh biết hậu quả sẽ ra sao…”
Kim Trọng nói: “Trong thế tương quan lực lượng hiện nay, chỉ có thể hạ bệ Hồ Tôn Hiến được thôi. Đụng đến Mã Giám Sinh, chúng ta sẽ đụng đến toàn bộ hệ thống.”
Vương Quan bảo: “Thôi thế cũng được. Thằng Mã Giám Sinh tính sau.”
Dựa trên biên bản thanh tra quốc gia, Hồ Tôn Hiến đã bị Quốc hội phế truất và Viện Kiểm sát Tối cao truy tố về tội lạm quyền gây hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế quốc gia và an ninh tổ quốc.
Trước ngày xảy ra phiên tòa xét xử Hồ Tôn Hiến, Mã Giám Sinh vào trại giam đưa cho Hồ Tôn Hiến một chai thuốc độc.
Mã Giám Sinh hỏi: “Ông còn nhớ cái bùa chú mật tông thỉnh từ Tây Tạng trên cục đá mẹ ở Đền Hùng và 2301 cục đá con xuyên Việt không?”
Hồ Tôn Hiến nói: “Nhớ. Mày đã đánh tráo nó?”
Mã Giám Sinh bảo: “Phải. Muôn năm trường trị là của Mã Giám Sinh chứ không phải Hồ Tôn Hiến.”
Nghe xong, Hồ Tôn Hiến hộc máu tung tóe, tim ngừng đập. Tuy nhiên, Mã Giám Sinh vẫn đổ hết chai thuốc độc vào miệng Hồ Tôn Hiến.
Lịch sử ghi: Năm Gia Tĩnh thứ 43 (1565), Hồ Tôn Hiến bị bắt giam. Đến ngày 3 tháng 11 năm ấy, Hồ Tôn Hiến uất ức tự vẫn, chết trong ngục.
4.2013
© 2013 Nguyễn Viện & pro&contra

 http://www.procontra.asia/?p=2399

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét