Đĩ thúi (4)
Tháng 5 9, 2013
http://www.procontra.asia/?p=2397
Nguyễn Viện
Tiểu thuyết
12.
Hồ Tôn Hiến ném chai rượu vào tường.
Tiếng thủy tinh vỡ sắc nhọn. Đạm Tiên dâng một chai rượu khác, Hồ Tôn
Hiến tiếp tục ném vào tường. Khi Hồ Tôn Hiến mỏi tay, thẫn thờ… Đạm Tiên
cởi quần áo cho Hồ Tôn Hiến và dìu ông vào phòng tắm. Nàng tắm cho Hồ
Tôn Hiến như một người mẹ tắm cho con. Nàng hát nho nhỏ bài ru ca dao.
Đạm Tiên biết, sau những cơn điên loạn, nước mát và những bài hát ca dao
sẽ làm cho tâm hồn Hồ Tôn Hiến bình an và biến ông thành một đứa bé
ngoan ngoãn. Cuộc làm tình sau đó cũng chỉ kết thúc trên đỉnh cao khi Hồ
Tôn Hiến đạt được cảm thức của một thứ tình mẫu tử. Đạm Tiên phục vụ Hồ
Tôn Hiến như một nô tì và ban phát dục tình như một nữ chúa. Hồ Tôn
Hiến không mưu cầu thuật trường sinh bất lão nơi các cô gái trẻ, ông ta
cần an nghỉ với một người giàu trải nghiệm.
Tuy không am tường về chính trị, nhưng
Đạm Tiên biết nỗi cô đơn của Hồ Tôn Hiến. Cái chỗ dựa lưng tưởng vững
chắc của Hồ Tôn Hiến là Gia Tĩnh thật ra lại là mối lo ngại lớn nhất,
bởi vì bất cứ lúc nào Gia Tĩnh cũng có thể thay ngựa giữa dòng. Vả lại
dựa vào Gia Tĩnh, Hồ Tôn Hiến phải trả cái giá rất đắt, một là mất tính
chính nghĩa, hai là sẽ bị cái đám “không phải ta, không phải địch” tẩy
chay. Bọn thù địch tất nhiên một mất một còn, nhưng dẫu sao vẫn là trực
diện, có thể chiến đấu. Sợ nhất là các đồng chí đâm sau lưng. Bọn “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa “ này càng lúc càng đông. Bọn cơ hội, phản
bội thì không thiếu.
Đạm Tiên nói với Hồ Tôn Hiến: “Em biết
anh thừa khả năng đối phó với quân thù, nhưng anh không thể đối phó với
bọn âm binh. Anh không thể chiến đấu với cái anh không thấy.”
Hồ Tôn Hiến nói: “Em có thể giúp gì cho anh?”
Đạm Tiên bảo: “Anh biết em là ma đúng không?”
Hồ Tôn Hiến đáp: “Biết.”
Đạm Tiên bảo: “Chỉ có ma mới diệt được ma.”
Hồ Tôn Hiến: “Anh hiểu.”
Đạm Tiên nói: “Hãy xây cho em một cái am ở lưng chừng trời.”
Hồ Tôn Hiến: “Cuộc chiến của anh ở trên mặt đất mà.”
Đạm Tiên bảo: “Đúng. Ở lưng chừng trời,
em canh giữ mặt đất cho anh. Cả ma quỉ và thần thánh sẽ nằm trong tầm
kiểm soát của em. Em án ngữ mọi liên kết móc nối. Không một tổ chức đối
lập nào có thể hình thành khi em ở lưng chừng trời. Em sẽ chia rẽ phân
hóa mọi thành phần. Em sẽ làm cho mọi thứ nát như tương. Làm cho mọi ý
chí và hình ảnh trở nên nhơ nhớp…”
Hồ Tôn Hiến nói: “OK. Một cái am hoành tráng giữa lưng chừng trời. Em muốn ở Yên Tử, Phú Thọ hay Bảy Núi?”
Đạm Tiên: “Am thờ em là trái núi thứ tám ở Châu Đốc cuối trời phiêu lãng.”
Hồ Tôn Hiến bảo: “Nhất trí. Trong vòng một năm sẽ hoàn thành ước nguyện cho em.”
Đạm Tiên dặn: “Đây là vấn đề phong thủy
địa lý có tính quyết định đối với sinh mạng và sự nghiệp của anh, vì thế
hãy hình dung nó là một tổ nhện hay lưới trời cũng được.”
Hồ Tôn Hiến rất tâm đắc: “Anh hiểu. Mẻ lưới ở cuối trời tuyệt địa.”
Ngay hôm sau, một kiến trúc sư và một
thày phong thủy được triệu tập. Chưa đầy một năm, công trình xây dựng
nhà thờ Đạm Tiên hoàn thành. Đó là một tổ nhện được nối bằng cáp từ đỉnh
bảy ngọn núi ở Châu Đốc treo một cái am khổng lồ hình con nhện chúa
giữa lưng chừng trời. Lễ khánh thành được tổ chức vào ban đêm, đích thân
Hồ Tôn Hiến và ông thày cúng thỉnh từ núi Sam đến dâng hương. Họ khấn
vái những gì chỉ có Đạm Tiên biết.
Cũng từ đó, Đạm Tiên vĩnh viễn rời bỏ ngôi mộ hoang ràu ràu ngọn cỏ, về ngự trong am con nhện giữa Thất Sơn huyền bí.
Đạm Tiên đưa cho Nguyễn tờ giấy ở dạng tro than và bảo chàng đọc.
- Lịch sử là hư cấu và được hư cấu
theo một logic mang tính lý thuyết. Đối với Hồ Tôn Hiến và thời đại của
ông ta chỉ có một thứ logic duy nhất là ta nhất định thắng, địch nhất
định thua. Và cái lý thuyết của nó tất nhiên cũng là chính nghĩa thuộc
về ta bất kể nó như thế nào.
- Khi chính trị và văn học nghệ thuật ăn cánh với nhau, con người bị giết chết.
- Trong các chế độ độc tài, văn nghệ sĩ chính thống là kẻ đồng lõa với tội ác.
- Hư vô hóa cuộc sống cũng chỉ là cách trốn trách nhiệm.
Nguyễn hỏi: “Của ai vậy?”
Đạm Tiên bảo: “Của nhân dân đấy.”
Nguyễn nói: “Cứt đái.”
Đạm Tiên ra vẻ nghiêm trọng: “Trước sự thống khổ của con người, nhà văn không thể là kẻ vô tội.”
Nguyễn nói: “Cứt đái hết.”
Đạm Tiên cười sằng sặc.
13.
Sở Khanh con nhà nòi đẹp trai, được xếp
vào loại “người đương thời” mẫu mã chính thống, tài năng và thành đạt
của báo chí lá cải. Để tả Sở Khanh có thể nói một cách đặc trưng, hắn
giống đại gia và cũng giống quan quyền. Phổ thông và ba hoa. Văn nghệ sĩ
các loại phục tùng hắn vì hắn là biểu tượng của khát vọng chinh phục.
Sở Khanh tâu với Hồ Tôn Hiến: “Văn nghệ
sĩ và các loại tương cận đều rất háo danh, để sai khiến được bọn này cần
ban tặng cho chúng các chức danh này nọ. Vì các chức danh, chúng sẽ như
lũ thiêu thân.”
Hồ Tôn Hiến bảo: “Được. Ta biết sức mạnh của các nghệ sĩ. Đồng chí rất thâm sâu. Ta sẽ ban cho chúng mọi tước vị cao cả.”
Sở Khanh tâu tiếp: “Văn nghệ sĩ và các
loại tương cận cũng đều rất thích được sai khiến, xin hãy giao việc cho
chúng vì chúng sẽ tưởng đấy là điều cao cả.”
Hồ Tôn Hiến bảo: “Được. Hãy tập hợp chúng lại dưới ngọn cờ vinh quang của ta.”
Sở Khanh trở thành Hội trưởng của Hội Văn nghệ sĩ và các loại tương cận.
Nhiệm vụ của Hội là lừa tình toàn thể
bầy cừu. Nhưng làm gì thì cũng cần phải lo cho bản thân trước. Cơ hội
không phải lúc nào cũng có. Vì thế, Sở Khanh lừa ngay bọn háo danh muốn
trở thành văn nghệ sĩ cung đình. Chúng sẵn sàng cống nạp cho Sở Khanh
tất cả mọi thứ kể cả vợ con.
Quả thật cao cả đáng kính khi người ta
trở thành lực lượng dẫn dắt dư luận và tạo khuôn mẫu cho toàn xã hội.
Càng cao cả đáng kính hơn khi môi trường hoạt động của nó cũng là một
quan trường. Vì thế, chẳng có lý do gì Sở Khanh lại không trở thành nghệ
sĩ nguyên soái khi các nghệ sĩ dưới trướng hắn là nghệ sĩ công huân,
nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, hay nghệ sĩ bá tước, nghệ sĩ nam tước,
nghệ sĩ tử tước các loại… Nhưng cuộc đời vốn tréo ngoe khốn nạn, lại
càng tréo ngoe khốn nạn hơn với Sở Khanh khi gã lừa tình của mọi thời
đại này bỗng trở nên bất lực giữa lúc sự nghiệp huy hoàng nhất. Các cao
thủ làng chơi như Đạm Tiên, Mã Kiều Nhi hay Vương Thúy Kiều dù đã diễn
hết nghề vẫn không làm cho cặc Sở Khanh cứng và xuất tinh được. Sở Khanh
mô tả trường hợp của mình là “bi kịch nghề nghiệp”.
Vương Thúy Kiều hỏi Nguyễn: “Anh có cách gỡ rối cho Sở Khanh không?”
Nguyễn bảo: “Cứ để cho nó khí tồn tại não, để nó hiểu cái ẩn ức của nhân dân.”
Thúy Kiều nói: “Vấn đề là em không muốn tổn hại thanh danh, uy tín nghề nghiệp của mình.”
Nguyễn bảo: “Oan ức cho em thật. Hãy bảo nó khi ngủ với em thì cứ tưởng tượng là ngủ với cả nhân dân, nó sẽ sướng thôi.”
Vương Thúy Kiều kể lại với Sở Khanh, hắn
cười khinh bỉ: “Mả mẹ mấy thằng nhà văn dốt nát, hợm hĩnh. Đã là nghệ
sĩ nguyên soái thì không đụ toàn thể nhân dân mà lại đụ cái con mẹ già
của nó à.”
Vương Thúy Kiều bảo: “Không, đấy chỉ là một cách nói thôi.”
Sở Khanh nói: “Cô còn dạy khôn tôi à?
Những cơn lên đồng tập thể mê cuồng của quần chúng không phải là do tôi
tạo nên sao? Tôi cũng biết sướng y như khi tôi làm tình với cô. Chẳng
những thế, tôi cũng còn biết tổng hòa chúng lại theo kiểu 2 trong 1. Nói
chung, nghệ thuật thì không thiếu, vấn đề còn lại vẫn là năng lực bản
thân. Nhưng tôi có cảm giác đây là vấn nạn của cái gọi là lỗi hệ thống.”
Vương Thúy Kiều cười: “Anh thiếu sự đồng thuận của quần chúng.”
Sở Khanh cũng cười: “Cưỡng hiếp cũng có cái sướng của nó. Tuy nhiên, như thế không xứng danh Sở Khanh.”
Vương Thúy Kiều nhìn Sở Khanh chằm chằm.
Nàng nhớ đến lúc gặp Sở Khanh lần đầu ở lầu Ngưng Bích và đã gửi số
phận mình cho hắn với niềm hy vọng được giải phóng. Vẫn là con người
chải chuốt quen thuộc đó, nhưng hắn bao giờ cũng xa lạ với nàng. Cái
khác biệt về bản chất có lẽ đã làm cho Kiều thất bại trong việc làm tình
với hắn. Nhưng nàng cũng nhận ra mình chưa bao giờ thoát được tay hắn.
Chưa bao giờ nàng tự do.
Không chỉ Thúy Kiều hay bọn văn nhân háo
danh, mà ngay cả những trí thức lịch lãm nhất cũng mắc lừa Sở Khanh.
Nguyễn bảo đấy là hội chứng tả khuynh của thời đại và chàng cũng không
tránh khỏi sa vào lưới của nó. Nhưng một trong những người đã khai sinh
ra thể chế lừa lọc đó, Thúc Sinh lại bảo, sự tật nguyền và mê muội của
xã hội loài người mang tính nội tại và tất yếu. Người ta bị lừa không
phải vì ngu mà chỉ vì không dám sống khác.
Khi trở lại lầu Ngưng Bích nhìn sóng
biển vỗ bờ, tâm trạng của Thúy Kiều lại bồi hồi và nàng biết mình vẫn
chờ đợi một cơ hội để giải thoát. Nhưng giải thoát để về đâu, nàng không
hề nghĩ tới.
Thúc Sinh nói: “Tôi yêu Thúy Kiều không phải vì cô ấy tin người, mà bởi cô ấy luôn hy vọng.”
Nguyễn nói: “Hy vọng là nhược điểm lớn nhất của con người. Nó làm cho người ta trở nên tội nghiệp và bị lợi dụng.”
Thúc Sinh nói: “Nhưng sự hy vọng cũng làm cho con người trở thành người nhất. Tôi muốn gửi gắm Thúy Kiều cho anh.”
Nguyễn bảo: “Tôi chẳng làm gì được ngoài việc biến cô ấy thành thiên cổ.”
Thúc Sinh nói: “Thật ra, anh có thể làm được nhiều hơn thế.”
Nguyễn bảo: “Trong thể chế này, nhà văn chỉ có thể là cái loa cho bọn thống trị.”
Thúc Sinh nói: “Đã đến lúc anh có thể là cái loa cho chính anh và cho những người như Thúy Kiều.”
Nguyễn bảo: “Tôi không tin.”
Thúc Sinh nói: “Tôi không bảo kê được
cho anh. Nhưng anh cứ làm thì anh sẽ tin. Hơn nữa, anh cũng sẽ thấy Từ
Hải xuất hiện trở lại với đúng vai trò của mình.”
Nguyễn hỏi: “Một kịch bản mới cho tình hình mới?”
Thúc Sinh: “Anh hiểu như thế cũng được.
Nhưng anh không được quên điều này: Lịch sử luôn lặp lại nhưng lịch sử
cũng luôn đi tới.”
14.
Từ Hải dằn ly rượu xuống, nói: “Cuộc
sống đã trở nên không chịu nổi. Tất cả những gì ông Hồ Chí Minh lên án
chế độ thực dân đang lặp lại ở mức độ kinh tởm hơn nhiều lần.”
Nguyễn bảo: “Bây giờ ông mới thấy sao?”
Từ Hải: “Trước đây tôi vẫn cho rằng đó
chỉ là hiện tượng của thời kỳ quá độ. Nhưng với thời gian, những cái xấu
xa và tình trạng không thể sửa chữa của nó đã minh chứng rằng đó là bản
chất.”
Nguyễn cười: “Anh sẽ làm gì?”
Từ Hải không cần rào đón: “Không có cách nào khác ngoài việc thay đổi nó.”
Nguyễn vẫn cười: “Bằng cái gì và như thế nào?”
Từ Hải nhìn thẳng vào mặt Nguyễn: “Đó là việc của ông và những trí thức như ông.”
Nguyễn không cười được nữa, chàng cầm ly
rượu lên soi qua ánh nắng, rồi đặt ly xuống mà không uống. Nguyễn không
thể tự cho phép mình bỏ qua cái gánh nặng mà Từ Hải vừa quăng cho
chàng.
Nguyễn và những trí thức như chàng đã làm gì trước hiện thực cuộc sống và lịch sử?
Cúi đầu và im lặng. Người ta vẫn sống như trách nhiệm thuộc về người khác.
Từ Hải vỗ vai Nguyễn: “Tôi cần ông.”
Nguyễn im lặng một lúc rồi nói: “Tôi không phải Cao Bá Quát.”
Từ Hải cười lớn: “Tôi không cần quân sư
quạt mo. Ông là nhà văn, điều tôi muốn là ông hãy sống và viết như một
nhà văn. Nếu tất cả các nhà văn đều sống và viết như một nhà văn thì có
lẽ đất nước này đã khác.”
Nguyễn nói: “Tôi hiểu. Chúng ta cần sự thức tỉnh của mọi công dân và một áp lực xã hội đủ mạnh buộc chế độ phải thay đổi.”
Đạm Tiên bảo: “Các bác hơi bị lạc quan quá. Âm phủ càng ngày càng đông.”
Từ Hải nói: “Những xác chết cũng cần lên tiếng.”
Đạm Tiên bảo: “Họ đã lên tiếng bằng cách không nhắm mắt.”
Khi nhà văn tự đặt mình dưới sự lãnh đạo
của đảng cầm quyền và trở thành bồi bút cho bọn thống trị, họ đánh mất
nhân cách. Tự xóa bỏ cái đa nguyên của tư tưởng và đặt gông cùm ý thức
hệ lên vai mình, họ xóa trắng bản thân.
Từ Hải nói: “Họ cũng cần sám hối.”
Đạm Tiên bảo: “Họ đã sám hối bằng sự vô ích của mình.”
Từ Hải nói: “Họ cần hành động để chuộc tội bởi ngay cả sự im lặng cũng có tội.”
Đạm Tiên bảo: “Không một ai còn khả năng hành động.”
Nguyễn hồi hướng tự ngã nhưng đồng thời
cũng muốn giết Vương Thúy Kiều, như thể chỉ có giết Thúy Kiều chàng mới
tìm lại được mình.
Thúy Kiều không phải nguyên nhân hay
biểu tượng cho sự tha hóa của chàng, hoặc bất cứ thứ gì tương tự như
thế, nhưng chàng cảm thấy một nhu cầu ngày càng lớn phải giết Thúy Kiều
như cái nhất thiết của sự tồn sinh nơi chàng. Chàng muốn giết Thúy Kiều
một cách tuyệt đối. Bởi thế, khi gặp bất cứ trang sách nào có tên Vương
Thúy Kiều, Nguyễn đều xé nát. Chàng biết việc ấy là trẻ con, nhưng vẫn
cứ làm. Tuy nhiên, mỗi khi gặp mặt Thúy Kiều, chàng lại không biết phải
hành động như thế nào, bởi vì chàng không thực sự thù ghét nàng. Nguyễn
vừa muốn bóp cổ nàng, vừa muốn đụ nàng. Và chàng nghĩ mình sẽ đụ nàng
như đụ một con đĩ, nhưng chàng đã đụ nàng như một khát vọng thánh hóa và
vô độ của mình. Nguyễn muốn cầm dao đâm nàng, nhưng chàng đã hôn vào
những vết thương tưởng tượng ấy. Nguyễn muốn treo cổ nàng, nhưng rồi
chàng đã làm tình với cái xác chết khô queo ấy qua ngày này tháng nọ. Và
chàng khám phá ra mình đã chỉ yêu những xác chết. Điều này lại càng
khiến chàng muốn giết Thúy Kiều.
Nguyễn nói với Thúy Kiều: “Em hãy nhắm mắt lại và làm một xác chết.”
Nhưng Thúy Kiều nói: “Làm sao em có thể bất động trong lúc cả linh hồn và thể xác đều sướng cuồng sướng dại?”
Nguyễn nói: “Cho dù em có hòa nhịp cộng
hưởng xoắn xuýt đến đâu, nó vẫn mang lại một cảm xúc trái ngược. Sự toàn
mãn nơi anh phải là nguyên thể không san sẻ.”
Thúy Kiều bảo: “Vậy thì hãy cho em uống rượu với thuốc ngủ. Em sẽ là một xác chết cho anh muốn làm gì thì làm.”
Và Thúy Kiều đã uống rượu vang với năm
viên thuốc ngủ. Nàng chỉ thích rượu vang. Thúy Kiều nói: “Em cho anh ba
ngày ba đêm để cực lạc, viên mãn và tự do. Nếu anh muốn cho em chết,
cũng chẳng sao. Em không oán trách.”
Trước khi đi sâu vào giấc ngủ, Thúy Kiều đã ôm hôn Nguyễn.
Nguyễn để Thúy Kiều trần truồng nằm trên
sàn gỗ. Chàng cắm những ngọn nến viền quanh thân thể nàng. Rồi chàng
cúi lạy nàng như cách người ta lạy vái người chết. Lạy mãi. Khi những
ngọn nến cháy hết, chàng lật úp nàng lại, banh chân ra và chàng đút một
cây nến mới vào lỗ đít nàng, thắp sáng suốt ba ngày đêm.
Thúy Kiều không chết. Nhưng từ đó Thúy
Kiều không bao giờ ị nữa. Và giống như con Tỳ Hưu, nàng trở thành thần
linh phong thủy cho tất cả những ai mưu cầu danh tiếng và sự phong lưu,
thanh lịch.
Tranh, tượng Thúy Kiều được các nghệ
nhân, nghệ sĩ các loại chế tác đủ kiểu để phục vụ thị trường mê tín và
nghệ thuật. Tất cả những ai phỉ báng Thúy Kiều đều bị xã hội lên án như
kẻ đánh mất truyền thống và niềm tự hào dân tộc.
Người thông suốt âm dương, Đạm Tiên bảo:
“Bản chất và cứu cánh của sự tồn tại trong xã hội loài người chỉ là
huyền thoại.” Nắm bắt được nguyên lý ấy, Sở Khanh không những đã tạo ra
vô số những huyền thoại cho ông chủ của mình là Hồ Tôn Hiến, mà còn tư
vấn cho chính Hồ Tôn Hiến tự sáng chế những huyền thoại về mình trong
những trước tác thuộc loại phổ cập học làm người. Nhờ thế, sau này Hồ
Tôn Hiến cũng đã được tôn thờ trong các đình làng.
Người túc trí đa mưu, Thúc Sinh chỉ cười.
Vào thời điểm này, Kim Trọng đang giữ
chức Án sát Nam Đô. Tuy trông coi việc hình, trật tự trị an nhưng với
tinh thần “còn Hồ Tôn Hiến, còn mình”, Kim Trọng đã lạm quyền kiểm soát
cả việc học tập theo gương Hồ Tôn Hiến của nhân dân. Người được coi là
có bản lãnh chính trị vững vàng phải luôn luôn biết lặp lại cấp trên một
cách tuyệt đối và sự trung thành ấy trở thành chuẩn mực cho sự khả tín
của công dân. Tất cả những người có tư duy độc lập và chính kiến khác
biệt đều bị qui kết là “thế lực thù địch và phản động”. Số phận của họ
nằm trên thớt.
Tuy nhiên, trong chỗ riêng tư, Kim Trọng
chỉ tôn thờ một Thúy Kiều. Ông muốn thỉnh một chân dung Thúy Kiều về
yểm trong nhà như biểu tượng cho sự chân thực của mình về tính người,
nhưng Thúy Vân phản đối, người đàn bà mẫu mực ấy bảo: “Em không muốn con
gái em tiến thân theo cách ấy.”
Thúc Sinh bí mật gặp Kim Trọng, nói:
“Ông là người nắm rõ thái độ chính trị của tất cả mọi người. Ai là kẻ cơ
hội. Ai là kẻ bất mãn. Ai là người lý tưởng. Vì thế, tôi nhờ ông chuẩn
bị cho một danh sách các nhân vật mà ta có thể sử dụng được cho một tổ
chức đối lập trong tương lai, kể cả ông. Tôi cũng nhờ ông chuẩn bị một
kịch bản cho sự xuất hiện của họ một cách công khai.”
Kim Trọng e dè bảo: “Chúng ta không chia sẻ quyền lực. Quyền lãnh đạo của chúng ta là tuyệt đối.”
Thúc Sinh nói: “Vẫn biết thế. Nhưng tình hình mới buộc chúng ta phải có kế sách, tránh một cuộc lật đổ đẫm máu.”
Kim Trọng tỏ ra hoài nghi, ông nói:
“Chúng ta vẫn vững vàng và tôi tuyệt đối trung thành với đồng chí đại ca
Hồ Tôn Hiến, cho nên tôi chỉ có thể gửi ông bản danh sách các nhân vật
mà ông cần. Còn cái kịch bản gì đó thì xin phép ông cho tôi đứng ngoài.”
Thúc Sinh nói: “Ông cần một xác nhận từ Hồ Tôn Hiến?”
Kim Trọng bảo: “Tôi không dám đòi hỏi. Nhưng tôi sẵn sàng tuân lệnh cấp trên.”
Thúc Sinh nói: “Ông sẽ nhận được điều ông muốn.”
Kim Trọng bảo: “Tôi không tin bọn trí thức.”
Thúc Sinh nói: “Đúng. Nhưng chúng ta có
thể sử dụng chúng, vì bởi bọn chúng lúc nào cũng chỉ mong muốn được
người khác sử dụng. Bọn chúng cần một vai trò và chúng ta sẽ cho chúng
tham gia cái trò chơi lịch sử này.”
Kim Trọng: “Tôi e ngại tình thế có thể vuột khỏi tầm kiểm soát của chúng ta.”
Thúc Sinh: “Đấy là nhiệm vụ của ông. Hồ Tôn Hiến tin ông.”
Kim Trọng: “Không sợ tôi cướp cờ à?”
Thúc Sinh: “Đấy không phải là tính cách của ông.”
15.
Nguyễn không ngạc nhiên khi thấy Từ Hải
bất ngờ tung ra những tác phẩm mang tính sám hối về sự đầu hàng của mình
với Hồ Tôn Hiến trước kia. Chàng nói: “Ông cũng muốn đặt một viên gạch
giữ chỗ cho tương lai ư?”
Từ Hải đáp: “Tôi không chỉ giữ chỗ đặt cọc vào tương lai mà tôi đang bước vào tương lai bằng đôi chân của mình.”
Nguyễn cười: “Hóa ra, trước đây ông vẫn đi bằng chân của người khác?”
Từ Hải cũng cười: “Quả thật, nhìn lại
thấy vừa buồn cười, vừa muốn khóc. Có lẽ chẳng riêng gì tôi hay ông, mà
tất cả; phải, tất cả, chúng ta đều đi bằng đôi chân giả do bọn thống trị
áp đặt.”
Nguyễn nói: “Điều gì đã tạo ra sự tùng phục ngu muội tập thể đó?”
Từ Hải bình thản: “Thì cũng như sự đầu hàng của tôi khi xưa thôi.”
Trên sông Tiền Đường bình lặng, Thúy
Kiều ngồi ở đầu thuyền gởi khúc mệnh bạc vào thiên cổ. Nàng đã vứt vào
sọt rác những con cu thối và trở về. Trong ánh sáng khai nguyên của các
thần linh, âm hộ nàng trong suốt. Và reo vui. Không phải vì trái tim
nàng đã được lau chùi bằng nước mắt và tóc. Không phải vì sự đền đáp của
hư vô. Nàng vui vì non tơ xanh rợn chân trời. Của lông. Không có máu.
Không có nước nhờn và trứng. Không có bất cứ điều gì. Nhưng bởi vì âm hộ
nàng trong suốt, nó phản chiếu bầu trời ráng đỏ, những đám mây hình thù
cổ quái và một ngọn gió vừa lướt qua mang theo hơi thở của muôn vàn
sinh linh. Tởm lợm. Và bởi vì âm hộ nàng trong suốt, tất cả thế giới
được nhìn thấy. Những người đàn ông đi lộn ngược. Và bóng họ khuất sau
một khe nước. Thúy Kiều nói: “Con người đang say ngủ.” Không một ai nghe
tiếng nàng. Chỉ có âm hộ nàng rung động. Nước sông Tiền Đường mênh mang
và thấu hiểu nhưng nước sông Tiền Đường không để rửa lành những vết
thương. Hai bàn chân nàng lạnh. Âm hộ nàng cũng đã ở trong nước và dường
như tan biến. Nàng tự hỏi: “Phải chăng đây là cuộc hạnh ngộ cuối cùng?”
Không, âm hộ nàng vẫn trong suốt và nó chứa một dòng sông đầy. Nàng
thích thú với những con cá bơi ra – vào. Nàng bảo: “Thật là vô tội.” Khi
những con cá cũng trở nên trong suốt như âm hộ nàng, chúng sinh sôi nảy
nở nhanh chóng và bơi lội tung tăng cả trên bầu trời ráng đỏ. Bơi vào
trong những đám mây cổ quái và tạo ra sấm chớp. Chúa lòng lành vô cùng,
người bảo: “Hãy trở về.” Nhưng sãi Giác Duyên thì hoang mang. Bà ôm lấy
Thúy Kiều và đem lên bờ. Âm hộ nàng đen trở lại. Lóng lánh như kim
cương.
Chung quanh sặc mùi con cu thối.
Nguyễn hỏi: “Ông muốn giữ lại Thúy Kiều?”
Từ Hải đáp: “Có lẽ thế.”
Nguyễn nói: “Cô ấy cũng có đôi chân của cô ấy.”
Từ Hải: “Tôi không chặt chân của cô ấy.”
Nguyễn nói: “Thúy Kiều cần được giải phóng khỏi ông hay bất cứ một người đàn ông nào khác.”
Từ Hải: “Tôi chính là người giải phóng cô ấy.”
Nguyễn nói: “Xin lỗi, ông cũng là một
người đàn ông. Vì thế, trong trường hợp này, Thúy Kiều cũng chỉ là từ
tay một đàn ông này đến tay một đàn ông khác.”
Từ Hải cười lớn: “Thúy Kiều thì vẫn phải là Thúy Kiều thôi. Tôi để cho cô ấy quyết định.”
Nhưng Thúy Kiều không quyết định, nàng để cho số phận đưa đẩy.
Thật ra, ngay cả bản thân Từ Hải cũng
chẳng tự quyết định được điều gì. Trào lưu nhân bản và dân chủ dội vào
hắn như đứng giữa dòng thác, buộc hắn phản ứng để tồn tại. Không phải vì
dũng cảm hơn mà nhìn thấy sự thật, xấu hổ trước sự thật bởi sự thật
được bóc trần, phơi bày. Hoặc người ta cố tình mù, hoặc phải liêm sỉ.
Sức mạnh mới của thông tin truyền thông thời kỳ toàn cầu hóa đặt con
người vào những lựa chọn minh bạch. Bộ máy cai trị mất quyền kiểm soát
khi thông tin không còn là một đặc quyền. Bản chất phi đạo đức và phi
chính trị của khoa học kỹ thuật với những thành tựu mới vô tình cung cấp
cho con người cái quyền năng trở thành đạo đức và chính trị hơn bao giờ
hết. Quyền tiếp thu và bày tỏ không giới hạn.
Thúy Kiều nói: “Dù sao em vẫn cần anh Từ Hải, ít nhất cho đến khi mọi người không còn coi em là đĩ.”
Nguyễn bảo: “Để có thể sống như một người tự do, cần vượt ra khỏi những thành kiến, quán tính.”
Ngồi trong am con nhện với Đạm Tiên, Mã
Kiều Nhi nhìn hóa thân của mình là Vương Thúy Kiều trong vòng tay Từ
Hải, nói: “Khi xưa, cũng có lúc tao tin Từ Hải và sống với hắn như một
ân huệ giải thoát. Hắn cho tao cơ hội để phục thù. Nhưng rồi tao nhận
ra, tao mới là kẻ giải phóng hắn. Cho đến ngày bỏ đi, chưa bao giờ tao
là tì thiếp của hắn hay hắn là ông chủ tao. Trong thực tế, hắn vẫn chỉ
là thằng chơi đĩ. Còn tao, tất nhiên vẫn là gái đĩ, tự do.”
Đạm Tiên bảo: “Điều đó làm cho mày trở thành bất hủ.”
Bất chợt, Hồ Tôn Hiến đến. Đạm Tiên vội
ngồi lên ban thờ. Mã Kiều Nhi làm người giữ am, nàng đưa mấy cây nhang
cho Hồ Tôn Hiến. Ông ta chắp tay khấn vái. Mã Kiều Nhi không nghe được
ông ta nói gì. Nàng mời ông ta ngồi.
Mã Kiều Nhi hỏi: “Ngài dùng chi ạ? Trà hay rượu?”
Hồ Tôn Hiến bảo: “Đặc sản Bảy Núi.”
Mã Kiều Nhi mang đến cho ông ta một ly nước thốt nốt ướp lạnh. Đạm Tiên bước xuống nói chuyện với ông ta.
Hồ Tôn Hiến chỉ Mã Kiều Nhi hỏi: “Cô này là ai?”
Đạm Tiên nói: “Không phải nữ tì đâu. Nếu ông muốn, cô ấy sẽ phục vụ ông.”
Hồ Tôn Hiến bảo: “Tôi thấy quen.”
Đạm Tiên nói: “Phải, rất quen. Chính ông đã bán cô ấy cho thổ quan ở đây sau khi giết Từ Hải.”
Hồ Tôn Hiến đính chính: “Cô nói sai rồi. Tôi không giết ai cả.”
Đạm Tiên bảo: “Chuyện ấy không thành vấn
đề nữa. Cô gái này là Mã Kiều Nhi, tổ mẫu của Thúy Kiều đoạn trường tân
thanh. Ông thử cho biết nhé.”
Hồ Tôn Hiến nói: “Không, cám ơn. Cô biết tôi là người thế nào.”
Đạm Tiên bảo: “Cô ấy sẽ khóc, nếu ông không đoái hoài.”
Hồ Tôn Hiến cười. Đạm Tiên cũng cười, nàng hỏi: “Ông cần gì?”
Hồ Tôn Hiến nói: “Tôi muốn biết bọn thế lực thù địch đang âm mưu gì?”
Đạm Tiên nói: “Cái đó ông phải hỏi bọn an ninh tình báo của ông chứ?”
Hồ Tôn Hiến nói: “Tôi không tin ai.”
Đạm Tiên giễu cợt: “Ông cảm thấy bất an à?”
Hồ Tôn Hiến đáp: “Đúng. Tôi phải làm gì?”
Đạm Tiên bảo: “Tôi sẽ vào trong núi nhờ
sư phụ giải oan làm lễ độ trì cho ông. Tôi cho rằng ông đã đúng khi
không tin ai. Nhưng muốn thân tâm an lạc, ông phải tin con người. Điều
đó thì không thể đối với ông, phải không? Vì vậy tôi khuyên ông chuyện
gì cũng phải đi tới cùng. Quyền lực cần tuyệt đối.”
Hồ Tôn Hiến hỏi: “Tôi phải giết ai?”
Đạm Tiên đáp: “Một con kiến cũng không nên sát hại, tuy nhiên, mọi chướng ngại ông cần phải dẹp bỏ.”
Trước khi ra về, Hồ Tôn Hiến để lại một phong bì đầy tiền Mỹ.
Một chiến dịch bôi nhọ hạ nhục được Sở
Khanh cho thi hành với từng đối thủ của Hồ Tôn Hiến. Từ những hành vi hạ
cấp như ném cứt, ném đá vào nhà cho đến chụp mũ chính trị phản động.
Những kế hoạch bắt bớ cũng được Thúc Sinh và Kim Trọng phối hợp thực
hiện bất chấp dư luận.
Thần Bạch Mi nói với Thúy Kiều: “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao.”
Thúy Kiều cúi đầu phụng mệnh. Nàng thưa: “Xin cho con được phong trần chỗ cung đình và thanh cao nơi ngõ hẻm.”
Từ đấy, Thúy Kiều chỉ đi khách với nhà quyền quí.
Tuy nhiên, Thúy Kiều không bao giờ biết,
tất cả những vụ đi khách của nàng đều được quay phim và lưu trữ trong
tàng thư mật thất của Sở Khanh.
Nguyễn hỏi Đạm Tiên: “Em có đọc những tác phẩm sau này của Từ Hải không?”
Đạm Tiên nói: “Văn chương cỡ Từ Hải thì
không nên mất thì giờ, cho dù đó là văn chương sám hối hay phản kháng,
bởi vì Từ Hải không bao giờ cởi được cái áo cán bộ.”
Nguyễn cười hỏi người cõi âm: “Văn chương đến từ đâu?”
Đạm Tiên đưa hai ngón tay làm dấu cái lá bảo: “Nồn.”
Trong tận đáy lòng, Nguyễn muốn quì xuống, cúi đầu lạy âm hộ Đạm Tiên.
Người cõi âm hỏi Nguyễn: “Viết để làm gì?”
Nguyễn bảo: “Tự sướng.”
Người cõi âm nói: “Thế thì đừng viết nữa.”
Nguyễn hỏi: “Làm sao sướng?”
Người cõi âm bảo: “Làm tình với em.”
Nguyễn nói: “Làm tình với em thì khác gì thủ dâm?!”
Người cõi âm bảo: “Nếu anh không có khả năng tư duy siêu hình, hành động siêu hình thì anh cũng sẽ không có khả năng sáng tạo.”
16.
Cù nhầy là hành động cù cưa và trạng
thái của nó là nhầy nhụa, hiện thực của nó là vũng lầy. Hồ Tôn Hiến,
Thúc Sinh, Sở Khanh, Kim Trọng và cả Từ Hải đều rơi trong vũng lầy.
Không thể khác. Càng cố thủ, vũng lầy càng nhầy nhụa. Không thể khác.
Hồ Tôn Hiến bảo Thúc Sinh: “Ông chuẩn bị cho tôi một nghị quyết về việc vượt qua vũng lầy, củng cố quyền lãnh đạo của chúng ta.”
Thúc Sinh hỏi: “Cái này theo mẫu của Trung Quốc hay Bắc Hàn?”
Hồ Tôn Hiến nói: “Xét tình hình thực tế hiện nay thì ta nên làm theo mẫu Bắc Hàn.”
Thúc Sinh biết không có cách nào vượt
được qua vũng lầy bởi bản chất sự tồn tại của họ là vũng lầy, nhưng ông
ta vẫn gặp Sở Khanh, bảo: “Cậu văn hay chữ đẹp, soạn cho lãnh tụ cái
nghị quyết vượt qua vũng lầy, củng cố vai trò lãnh đạo của chúng ta.”
Sở Khanh biết mọi vấn đề chỉ là xảo
ngôn, nhưng anh ta không thể tự xảo ngôn với mình, nên gặp Kim Trọng
bảo: “Ông là người được đào tạo bài bản, ông soạn cho lãnh tụ cái nghị
quyết vượt qua vũng lầy, củng cố vai trò lãnh đạo của chúng ta.”
Kim Trọng biết vũng lầy chính là nơi trú
ẩn của mình, vì thế ông ta không muốn thay đổi qua lỗ cống, nên gặp Từ
Hải bảo: “Anh là người anh hùng, chỉ có anh mới có thể giúp lãnh tụ vượt
qua vũng lầy, củng cố vai trò lãnh đạo của chúng ta.”
Từ Hải biết mình chỉ là kẻ hữu dũng vô
mưu, nên gặp Đạm Tiên bảo: “Em là người cõi trên, chỉ có em mới có thể
giúp lãnh tụ vượt qua vũng lầy, củng cố vai trò lãnh đạo của chúng ta.”
Đạm Tiên nói: “Chuyện nhỏ.”
Ngày lành tháng tốt, giờ đại phúc, tại
am con nhện giữa lưng chừng Bảy Núi, Hồ Tôn Hiến, Thúc Sinh, Sở Khanh,
Kim Trọng và Từ Hải đều có mặt. Họ dâng cúng Đạm Tiên một bức tượng
Linga lớn nhất Đông Nam Á.
Theo truyền thống, tượng Linga được đặt
trên cái đế là Yoni. Nhưng tượng Linga dâng cúng cho Đạm Tiên không có
đế, vì thế nó trở thành cái đế cho Yoni Đạm Tiên vì sự to lớn của nó.
Nàng vẫn ngồi trên tượng Linga này trong tất cả mọi lúc rảnh rỗi. Đạm
Tiên bảo: “Nó đâm thấu suốt em.” Thế giới không vì thế đảo lộn, mà trật
tự được vãn hồi theo một truyền thống khác. Sống, lao động và chiến đấu
theo gương Đạm Tiên. Nhưng Đạm Tiên vốn là một nhân vật thất truyền, nên
dân gian và Thanh Tâm Tài Nhân đã mượn Thúy Kiều làm người ủy thác cho
niềm tin của mình về lẽ đạo và đời. Thúy Kiều trở thành đệ ngũ thần sau
“Tứ bất tử”: Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử, và Liễu Hạnh Công chúa.
Thành thần, Thúy Kiều an ủi và biện hộ cho mọi nỗi niềm của trần gian.
Nguyễn cầm cuốn Truyện Thúy Kiều, bản do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo (NXB Văn Hóa Thông Tin, 1999), lòng thành khẩn khấn vái:
“Lạy vua Từ Hải
Lạy vãi Giác Duyên
Lạy tiên Thúy Kiều
Tôi là kẻ khốn khổ khốn nạn
Xin một quẻ bói về tình duyên gia đạo.”
Xong, chàng lật mở cuốn sách, được quẻ:
“Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan
Nỗi riêng, riêng những bàn hoàn
Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn.”
“Ai” là ai? Nguyễn gặp Mã Kiều Nhi hỏi: “Anh có nợ tình em không?”
Mã Kiều Nhi hỏi lại: “Hỏi chi vậy?”
Nguyễn đáp: “Để anh trả cho xong.”
Mã Kiều Nhi lại hỏi: “Xong thì sao? Không xong thì sao?”
Nguyễn nói: “Xong thì anh lên đường. Không xong, anh cũng lên đường.”
Mã Kiều Nhi bảo: “Vậy thì anh cứ lên đường cho nhanh.”
Tại am con nhện của Đạm Tiên, Hồ Tôn
Hiến cũng nhận được quẻ bói đó. Đạm Tiên bảo: “Theo ý nghĩa của những
câu thơ này, ngài vẫn còn nợ nhân dân nhiều lắm. Vì thế, ngài chưa thể
ra đi. Không ra đi thì phải làm gì? Đây chính là vấn đề của ngài. Để
không phải khóc lóc trong ngày mai, ngay hôm nay ngài phải cho thi hành
một kết ước giữa nhân dân và ngài.”
Tri ân lời khuyên này, Hồ Tôn Hiến ký
quyết định giao cho Đạm Tiên 5 ngàn mẫu đất với lý do thực hiện dự án
đặc khu tâm linh dân tộc.
Một tháng sau, mỗi hộ gia đình nhận được một văn bản sau:
Xứ Cừu và Lừa
Nhân phẩm – Tự do
BẢN KẾT ƯỚC
1. Gia đình tôi xin
tự nguyện đặt mình dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đấng chăn cừu (viết đủ
chữ “tự nguyện”): …………………………………………………………
2. Trong bất kỳ
trường hợp nào, gia đình tôi xin hứa trung thành với đấng chăn cừu (ghi
rõ chữ “xin hứa”):……………………………………………………………….
Ngày… tháng…. năm…..
Người kết ước,
(ký và ghi rõ họ tên)
Gia đình nào không ký hoặc không nộp lại
bản kết ước cho tổ dân phố sẽ bị phê bình trong buổi họp tổ và bị quy
kết chống đối lãnh đạo. Theo luật hình sự, chống đối lãnh đạo đồng nghĩa
với phá rối an ninh có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.
Thúc Sinh nhận được hợp đồng in ấn bản
kết ước này và ông ta bỏ túi gần 20 tỉ. Tuy nhiên, con số ấy chỉ là tiền
vặt so với dự án đặc khu tâm linh dân tộc của Đạm Tiên. Nàng nhẩm tính
ít nhất cũng hốt ở giai đoạn đầu, phần chia lô bán nền khoảng 40 ngàn
tỉ. Chưa kể lợi nhuận sau này trong việc kinh doanh thần thánh.
Đạm Tiên khẳng định, kinh doanh thần
thánh không bao giờ lỗ. Kế họach đầu tư của dự án khu du lịch tâm linh
dân tộc gồm hai phần. Về cơ sở vật chất, nàng dành cho nó 1000 mẫu và sẽ
xây một ngôi chùa to nhất thế giới. Bên cạnh đó là một trung tâm cung
cấp thày cúng toàn cầu do ngành an ninh đào tạo.
Đạm Tiên bảo “Lạc Việt Đại tự” của nàng sẽ thờ Phật Phụ Phật Mẫu Phổ Hiền Như Lai Vương, quốc tổ Hùng Vương và tiên Thúy Kiều.
Dự kiến mỗi năm, Lạc Việt Đại Tự sẽ thu
hút một triệu khách du lịch. Vào cửa miễn phí, nhưng nhà chùa sẽ đặt
thùng công đức từ cổng đến chính điện, hậu điện, toa-lét… phát ấn, phát
xăm, cho lộc… tổng cộng dự thu mỗi năm 100 tỉ. Phần lẻ tẻ như bán nhang,
bán hoa, nến… dành cho dân nghèo quanh vùng làm phúc.
Để xứng tầm văn hiến, trên mọi lối đi,
mọi vách tường, mọi gốc cây trong Lạc Việt Đại Tự đều có lời thánh hiền
bên cạnh lời hay ý đẹp do chính Đạm Tiên ứng tác.
Riêng thày trụ trì, Đạm Tiên ngỏ ý mời
Nguyễn với điều kiện chàng phải qua một khóa đào tạo của an ninh. Đạm
Tiên bảo: “Anh sẽ thu hoạch nhiều đấy, không kể phần cứng cho anh là 5%
doanh thu.”
Nguyễn nói: “Dù thế nào, anh cũng không dám rỡn mặt thần thánh. Em nên mời Giác Duyên thì phải đạo hơn.”
Đạm Tiên bảo: “Giác Duyên, bên an ninh và Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ không duyệt. Bà này chân tu quá.”
Nguyễn nói: “Em đừng quên người trụ trì cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút khách tham quan.”
Đạm Tiên bảo: “Em biết thế nên mới mời anh. Còn không, bên an ninh thiếu gì người.”
Nguyễn nói: “Cám ơn em. Để anh yên phận
nghèo cho nó ra vẻ nghệ sĩ triết gia giang hồ tí. Quan chức và đại gia
không phải tạng anh.”
Đạm Tiên bảo: “Rởm. Nguyễn Du không từng là quan chức ư?”
Nguyễn nói: “Biết vậy. Có thể một ngày
nào đó anh sẽ tu thật. Nhưng bây giờ không tu giả. Vả lại cũng không thể
làm việc với an ninh được.”
Mã Kiều Nhi nói với Nguyễn: “Thấy thiên hạ làm giàu sốt cả ruột.”
Nguyễn bảo: “Em cứ bán trôn nuôi miệng cho lòng thanh thản. Bận tâm làm gì bọn ăn cướp, bọn lừa đảo.”
Mã Kiều Nhi nói: “Em cũng muốn hưởng thụ mọi niềm vui của cuộc đời nữa chứ. Sướng cái lồn không thôi thì chưa đủ.”
Nguyễn nói: “Anh không phản đối việc hưởng thụ. Nhưng để cho việc hưởng thụ được trọn vẹn thì không nên giẫm đạp người khác.”
Mã Kiều Nhi cười nhạt: “Xin lỗi anh, chỉ có bọn bất tài mới nói chuyện đạo đức.”
Nguyễn bảo: “Thật ra, anh không quan tâm đến vấn đề đạo đức. Anh chỉ nghĩ đến cái dũng khí thôi.”
Mã Kiều Nhi nói: “Em hiểu. Bất lương và hèn hạ là một.”
Nguyễn bảo: “Em có thể làm tăng giá trị tự thân của mình bằng một vài động tác PR đơn giản.”
Mã Kiều Nhi: “Nâng giá đi khách?”
Nguyễn bảo: “Đúng. Em là một thứ hàng
hiệu cao cấp. Đôi khi cũng có thể bán giá bình dân để ban phát hạnh phúc
cho nhân lọai vào các dịp như lễ tết chẳng hạn.”
Mã Kiều Nhi nói: “Em là Kama Sutra cũng là Karma Yoga. Cung hiến không phân biệt.”
Nguyễn nói: “Đấy là phẩm chất tuyệt luân của em. Việc nâng giá không làm cho em mất tinh thần phụng vụ.”
Mã Kiều Nhi nói: “Ok. Em hiểu. Em vẫn luôn chiều chuộng công bằng với tất cả những ai ham muốn em.”
Nguyễn nói: “Và em vẫn có thể nhận được rất nhiều tiền một cách công minh chính trực nhất.”
Mã Kiều Nhi: “Được. Anh bày cách cho em đi.”
Nguyễn nói: “Em không cần phải làm gì, ngoài việc chấp nhận để anh công bố em là nhân vật văn học của anh.”
Mã Kiều Nhi: “Hơi bị sang đấy nhỉ.”
Nguyễn nói: “Không phải em mà chính bọn chơi em nó tìm được cái gọi là nhân văn để tự sướng.”
Mã Kiều Nhi hỏi: “Em văng tục thì có nhân văn không?”
Nguyễn bảo: “Rất nhân văn. Thậm chí có mùi nhân nghĩa.”
Mã Kiều Nhi: “Haha… Sao lại nhân nghĩa ở đây?”
Nguyễn bảo: “Vì điều ấy cứu vãn cho phẩm cách của bọn chúng.”
Mã Kiều Nhi cười: “Anh đểu. Em yêu anh.”
17.
Mã Kiều Nhi trong tác phẩm của Nguyễn là
một phụ nữ truyền thống phải bán mình chuộc cha theo sự dàn dựng của
một kẻ cường quyền. Cũng chính kẻ cường quyền đã định đoạt số phận Mã
Kiều Nhi với một tiền kiếp mù mờ Đạm Tiên và một hậu kiếp bi thương Thúy
Kiều. Cái đã là, đang là và sẽ là của Mã Kiều Nhi chính danh chỉ là đĩ,
phong kiến, tư bản hay vô sản cũng là đĩ, nàng đi trên mặt đất không
quê hương, không bản quán, kẻ cường quyền chăn dắt nàng và cũng là khách
của nàng, gặp phong kiến, tư bản nàng có chút tiền để khoe mẽ, gặp vô
sản nàng bị chơi quỵt.
Nguyễn không tránh được cái khuynh hướng
thời thượng giáo điều là phải vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa hiện đại,
vì thế, Mã Kiều Nhi sau khi kiếm đủ tiền, nàng cũng thích đi phượt, mê
chụp hình và thời trang. Một cô gái sành điệu. Trường ca Mã Kiều Nhi của
Nguyễn được người đọc đón nhận nồng nhiệt bởi đáp ứng được cái thị hiếu
trưởng giả và lòng thương xót của đám đông.
Nguyễn không có khả năng vận động cho
một giải thưởng văn chương quốc gia, nhưng cuối cùng chàng cũng toại
nguyện. Mã Kiều Nhi với danh nghĩa nhân vật chính đã tiếp thị với hội
đồng giám khảo và cô dùng nghệ thuật Kama Sutra của mình thay cho nghệ
thuật văn chương của Nguyễn. Chất liệu văn chương Mã Kiều Nhi hẳn nhiên
bất hủ, vì thế, tác phẩm của Nguyễn đã được Hội Văn nghệ sĩ Việt Nam tổ
chức hội thảo và chàng được tuyên dương như một tài năng của thế kỷ.
Thật ra, để có thể tổ chức được các vụ hội thảo này, Đạm Tiên đã phải bỏ
ra 1 tỉ VND. Mỗi bài tham luận nhuận bút 50 triệu. Các diễn giả đều
được bao trọn gói đi lại và ăn ở. Phần vui chơi giải trí là đóng góp của
toàn thể các em gái trong truyện.
Đúng như Nguyễn tính toán, bảng giá đi
khách của Mã Kiều Nhi và các nhân vật nữ khác tăng đột biến và trở thành
vô giới hạn. Họ cũng đáp trả Nguyễn bằng cách cho chàng miễn phí vào
cửa mỗi khi chàng có nhu cầu.
Cuộc đời thật đẹp. Chỉ số hạnh phúc của
người Việt Nam được xếp trong top 10 trên thế giới. Nguyễn chỉ có thể lý
giải điều này như một cách bôi trơn trong ứng xử bằng sự thỏa hiệp,
tương nhượng lẫn nhau để cùng thắng. Một kinh nghiệm của chàng với những
em đĩ già hết nhớt, hoặc để lắp lỗ đít một thằng đực.
Thường ra, phú quí sinh lễ nghĩa, nhưng
với người Việt yêu thơ và làm thơ là một tâm lý tiểu nông để vượt qua
cái số phận của kẻ nghèo hèn và bị áp bức. Thơ để ru ngủ hay thăng hoa
cũng chỉ là một cách nói. Khi tự hào Việt Nam là một cường quốc thơ cũng
chỉ có nghĩa là một dân tộc không ra gì. Mặc dù thơ vẫn được coi là
tinh túy của văn chương và tâm hồn con người. Không có thơ, người Việt
Nam không còn gì ngoài sự khốn khổ. Một cách thủ dâm, thơ an ủi và cứu
rỗi.
Mã Kiều Nhi và Vương Thúy Kiều giải
phóng tâm hồn Việt. Nhưng đặt người Việt trên bờ vực thẳm của đạo lý
nhân sinh. Và người Việt mãi mãi lưỡng lự trước ngưỡng cửa tự do và tù
ngục.
Từ Hải gặp Nguyễn hỏi: “Ông có tin người Việt Nam hạnh phúc vào hàng nhất thế giới không?”
Nguyễn nói: “Mấy cái nghiên cứu vớ vẩn ông bận tâm làm gì?”
Từ Hải: “Tôi biết đấy là bố láo. Nhưng tôi hỏi ông để một lần nữa muốn nói với ông, tôi cần ông.”
Nguyễn bảo: “Tôi đã trả lời ông rồi, tôi không phải Cao Bá Quát.”
Từ Hải nói: “Tôi cũng không phải giặc Cờ Đen.”
Nguyễn hỏi: “Ông muốn gì ở tôi?”
Từ Hải: “Như ông biết, tình hình hiện
nay không cho phép hình thành bất cứ một tổ chức nào ngoài khuôn khổ
chính quyền. Nhưng điều đó không ngăn trở chúng ta thành một lực lượng.
Làm thế nào tập hợp được ý chí chung của người dân thành một lực lượng?”
Nguyễn bảo: “Có lẽ ông nên hỏi các công dân mạng.”
Từ Hải như người đốn ngộ. Hắn ta gật gù.
Mỗi công dân là một nhà báo. Mỗi blogger là một chiến sĩ. Mỗi
facebooker là một khẩu pháo.
Nguyễn nói: “Sự thật là vũ khí mạnh mẽ nhất.”
Từ Hải suy nghĩ nhưng không nói ra, trong cái lực lượng vô danh nhưng vô song đó, làm thế nào để trở thành lãnh tụ?
Dường như Nguyễn hiểu Từ Hải, chàng bảo: “Bây giờ không phải là thời của các lãnh tụ.”
Thúc Sinh nói với Từ Hải: “Cậu cần phải
thành lập một mạng lưới ủng hộ viên để làm chủ dư luận. Chi phí cho kế
hoạch này thuộc ngân sách bảo vệ quyền lãnh đạo của Hồ Tôn Hiến.”
Từ Hải thấy mình không thể thoát ra khỏi
cái lưới của Hồ Tôn Hiến. Vì thế, một cách chính thức, Từ Hải tạo cơ
chế cho mạng lưới ủng hộ viên họat động, đồng thời những cơ sở ngoại
biên cũng được Từ Hải xúc tiến song hành và nó chỉ phục vụ cho lợi ích
riêng của Từ Hải.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ
nhận, tương quan lực lượng trên không gian mạng, ưu thế bao giờ cũng
thuộc về những kẻ không có gì để mất và họ muốn thay đổi. Hồ Tôn Hiến
biết điều ấy và ông ta không ngại sử dụng bất cứ thủ đọan nào để trấn áp
cái bóng ma càng ngày càng lớn đe dọa sự tồn vong của ông ta. Từ bạo
lực đến đê tiện.
Đám đông đáp trả bằng sự giễu cợt và khinh bỉ.
Năm 2012. Sở Khanh gặp Nguyễn bảo: “Ông làm đơn xin vô Hội Văn nghệ sĩ đi.”
Nguyễn nói: “Tôi không có khả năng chung chi.”
Sở Khanh bảo: “Cũng rẻ thôi mà.”
Nguyễn hỏi: “Bao nhiêu?”
Sở Khanh: “300 triệu.”
Nguyễn bảo: “Trả góp nhé?”
Sở Khanh nói: “Ông chỉ đùa.”
(Còn 1 kì)
© 2013 Nguyễn Viện & pro&contrahttp://www.procontra.asia/?p=2397
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét