Đĩ thúi (3)
Tháng 5 7, 2013
Nguyễn Viện
Tiểu thuyết
8.
Nhà tù vốn là một chung cư cho nhân viên
Mỹ trước 1975, được cải tạo thành trại giam. Nguyễn và Mã Kiều Nhi bị
tống vào đây sau một đêm nằm trong đồn công an phường. Họ ở hai phòng
khác nhau.
Chuyện kể của Nguyễn:
Tôi bị còng tay và ép ngồi giữa chiếc xe
gắn máy. Nhìn phố phường nhấp nhô, tôi biết không còn mấy phút nữa
những hình ảnh này sẽ thành xa ngái. Qua cổng trại giam, tôi được bàn
giao cho một công an quản giáo, rồi được tháo còng. Thủ tục nhận người
cũng đơn giản, tôi khai sơ qua lý lịch, nhưng đến phần lý do bị bắt thì
tôi phân vân. Làm tình là một tội? Tôi viết: “Làm tình trong phòng trọ.”
Mã Kiều Nhi có thể là đĩ với tất cả mọi người, nhưng với tôi thì không.
Quản giáo dẫn tôi lên lầu ba. Đi hết một hành lang dài, những người tù
trong phòng nhìn ra, tôi muốn mỉm cười với họ thay cho một lời chào,
nhưng không nhếch mép nổi. Trước phòng cuối dãy, người quản giáo đứng
lại mở cửa. Tôi bị đẩy vào. Cánh cửa nhà tù khép lại.
Tôi cúi chào mọi người. Chưa biết phải
như thế nào, may mắn tôi nhìn thấy một người lớn tuổi nhất vẫy tay. Tôi
bước đến và ngồi xuống bên cạnh ông ta. Mọi người nhìn tôi chăm chú. Tôi
e ngại một thủ tục nhập phòng của giới giang hồ. Tôi nói: “Xin chào mọi
người.” Ông già hỏi: “Tội gì?” Trong cách hỏi của ông ta, tôi cảm thấy
thân thiện. Tôi ngập ngừng. Nếu tôi nói đi chơi gái, chắc chắn tôi sẽ
nhận được một tràng cười cùng lúc tôi sẽ bị đánh. Tôi nhớ đến tấm bảng
treo trước ngực khi bị dẫn đi diễu hành, tôi trả lời: “Dạ, tàn dư Mỹ
ngụy”. Thời đó, tàn dư Mỹ ngụy bị bắt không phải ít và với những tội
danh khác nhau, trốn tránh trình diện cải tạo, hoặc bị tố cáo làm gì đó
trong chế độ cũ. Ông ta hỏi tiếp: “Làm gì?” Tôi nói: “Viết văn.” Ông ta
mỉm cười. Tôi cũng thở ra nhẹ nhõm. Ông ta giới thiệu người trưởng
phòng. Một thanh niên trẻ, tên A, không có vẻ gì khỏe mạnh nhưng khôn
lanh. Anh ta hỏi tôi: “Tình hình bên ngoài thế nào?” Tôi nói: “Rất nhiều
nhà văn, nhà báo bị bắt.” Anh ta hỏi: “Có thăm nuôi không?” Tôi bảo
chắc có nếu gia đình biết tin. Anh ta nói sẽ giúp tôi báo tin cho gia
đình.
9 giờ tối, tôi được gọi đi làm việc.
Quản giáo dẫn tôi ra khỏi phòng giam.
Tôi đi lơ lửng chênh vênh trên mặt đất. Một cảm giác giống như ảo cảnh.
Đầu óc lơ mơ. Phòng làm việc chỉ có một cán bộ chấp pháp. Anh ta nói:
“Ngồi đi.”
Tôi ngồi xuống. Cán bộ hỏi: “Anh làm gì trong phòng trọ?”
Tôi nói: “Tôi ngủ với bạn gái.”
Cán bộ hỏi: “Có hôn thú không?”
Tôi nói: “Thưa, không.”
Hắn hỏi: “Nghề nghiệp?”
Tôi nói: “Dạ, đang thất nghiệp.”
Cán bộ hỏi: “Không thất nghiệp thì làm gì?”
Tôi đáp: “Có thể làm một số nghề như viết thuê hoặc làm văn phòng.”
Cán bộ hỏi: “Có được thuê viết truyền đơn không?”
Tôi toát mồ hôi: “Da, không.”
Cán bộ hỏi: “Vậy thường viết cái gì?”
Tôi đáp: “Dạ, viết cái người ta thuê.”
Cán bộ hỏi: “Người ta thuê viết cái gì?”
Tôi đáp: “Dạ, viết về một cuốn sách, hoặc một tiếng hát, hay một cuốn phim.”
Cán bộ hỏi: “Anh là nhà văn hay nhà báo?”
Tôi đáp: “Có khi là nhà văn, có khi là nhà báo. Hiện nay thì không là nhà gì cả.”
Cán bộ hỏi: “Anh thích ở nhà thổ hay nhà tù?”
Tôi lại toát mồ hôi, không thể đùa trong trường hợp này, tôi không biết nói sao. Im lặng. Cán bộ hỏi: “Sao anh im lặng?”
Tôi đáp: “Vì tôi không biết nói sao.”
Hắn đưa cho tôi mấy tờ giấy, bảo: “Anh viết tự khai.”
Xong, hắn đi ra.
Tôi ngồi một mình. Tôi không biết khai
cái gì. Kể chuyện tình của tôi với Mã Kiều Nhi à? Tôi đang thất nghiệp,
ăn bám Kiều Nhi. Tôi nói về những giấc mơ của mình chăng? Tôi chẳng có
giấc mơ nào ngoài ước mong được yên ổn. Cách mạng đang đùng đùng ngoài
kia. Tôi sợ cách mạng. Cách mạng là chấm dứt mọi mơ mộng. Cách mạng chỉ
là lao động sản xuất, là kinh tế mới. Và cách mạng là trấn áp. Tôi không
thể nói những suy nghĩ của mình. Tôi để tờ giấy trắng.
Cán bộ chấp pháp quay trở lại. Anh ta nhìn tờ giấy trắng. Anh ta bỏ đi. Người quản giáo đến đưa tôi về phòng giam.
Tôi được nhường chỗ bên cạnh ông già,
một người tù chính trị. Ba viên gạch bông, mỗi viên hai tấc. Tôi lấy đôi
dép làm gối. Cố ngủ.
Giữ đúng lời hứa, sáng hôm sau trưởng
phòng đưa tôi một miếng giấy bao thuốc lá và cây bút chì. Tôi viết cho
Vương viên ngoại: “Con và Mã Kiều Nhi bị bắt. Đang ở trại giam TB. Phòng
315”, bên dưới tôi ghi địa chỉ nơi đến. Lá thư được quấn quanh miếng
gạch nhỏ bằng một sợi thun, rồi được bắn qua hàng rào cũng bằng mấy sợi
thun.
Qua lối truyền thông tin bằng miệng từ phòng này qua phòng khác, tôi cũng biết được tin của Mã Kiều Nhi.
Hai tuần sau tôi có quà thăm nuôi.
Việc nấu nướng trong tù là một kỳ công
có thể sánh ngang với việc con người leo lên mặt trăng. Và một ngụm cà
phê nóng có thể ví như vào thiên đàng. Nhưng đường đến thiên đàng lại
chính là những phút giây ngắn ngủi đi gặp người thân và nhận quà tiếp
tế. Mặc dù vẫn là trong nhà tù, nhưng thoát ra khỏi bốn bức tường và đi
trong một khoảng sân rộng hơn đã là một phần của tự do.
Con người trở nên hèn mọn vì một vài nhu
cầu nhỏ nhặt. Trong tù, phạm vi suy tưởng dường như cũng co hẹp lại
trong bốn bức tường. Làm thế nào để giữ gìn sức khỏe và tồn tại là điều
quan trọng nhất. Tôi thường tập thể dục sát ngay song sắt để có thêm khí
trời.
Cả phòng bị ghẻ. Tôi đã nhìn thấy những
con cái ghẻ trong suốt dưới làn da của mình. Và tôi cũng nhìn thấy con
người chỉ là những con cái ghẻ trong cuộc sống của nhau. Cũng như tôi
không thấy có sự khác biệt nào giữa những con người bị coi là cặn bã như
móc túi, cướp giật, lừa đảo, ma cô, đĩ điếm… trong nhà tù với những kẻ
được coi là đáng kính ngoài xã hội, bởi trong trại giam cũng không thiếu
những người vốn từng được kính trọng. Tôi không nhìn thấy có ranh giới
nào giữa kẻ phạm tội và người chưa phạm tội.
Đêm giao thừa, cả phòng đã đón chào năm
mới bằng bài quốc ca của chế độ cũ. Tôi thấy điều này thật tự nhiên,
không phải vì họ có lập trường chống cộng hay chế độ, mà đó chỉ là một
biểu hiện của trạng thái đối nghịch trong hoàn cảnh. Kẻ bị tù và chế độ
bỏ tù họ.
Đại diện chế độ đáp trả bằng một món quà xuân đặc trưng, cùm chân tập thể cả phòng nguyên một ngày đầu năm.
Nếu như không có niềm tin rằng cuộc sống
sẽ tốt đẹp hơn, tôi không thể tưởng tượng mình có thể sống. Nhưng cuộc
sống tốt đẹp là như thế nào, tìm kiếm ở đâu lại là những câu hỏi không
có lời giải đáp. Tôi không có tham vọng trở thành một cái gì. Nhưng tôi
vẫn cứ hy vọng vào cuộc sống. Tôi không tin chế độ này sẽ đem lại điều
gì có ý nghĩa, nhưng tôi vẫn cứ phải ngụp lặn trong nó. Sống là một nhu
cầu tự thân, một bản năng nằm ngoài những toan tính. Tôi không có ý nghĩ
trả thù. Tôi cũng không có ước muốn cống hiến cuộc đời mình cho một lý
tưởng nào đó. Tôi cần tự do. Và tự do tự nó là một ý nghĩa không cần
biện minh hay lý giải.
Sau gần một năm, tôi và Mã Kiều Nhi được đi lao động cải tạo.
Bầu trời lúc nào cũng bao la, nhưng kỷ
luật và nội qui làm cho con người bị biến thành con vật. Công việc hàng
ngày là đào đất lên liếp rửa phèn theo chỉ tiêu. Sức khỏe của tôi không
đủ khả năng đáp ứng với sự nặng nhọc này. Tuy nhiên, những người trong
đội đã chia sẻ, họ để cho tôi làm được đến đâu thì làm. Không thể trông
cậy mãi vào lòng thương hại của người khác, tôi chủ động đề nghị với ban
quản giáo cho tôi được dạy học cho những trại viên chưa biết chữ.
Lớp học được hơn chục người, đa phần là
dân móc túi vô gia cư. Họ không cần chữ. Vì thế, lớp học rơi rụng dần
trước khi họ có thể đọc hay viết được một lá thư.
Tôi cũng nhận ra, việc bắt bớ và trừng phạt mình chẳng theo một thứ pháp luật nào. Vậy thì tại sao tôi phải tôn trọng nó?
Tôi bắt đầu có ý nghĩ trốn trại, mặc dù
trước đó tôi đã lạnh người chứng kiến cảnh các quản giáo đánh đập tàn
nhẫn một người trốn trại vào ban đêm bằng cây tre. Tôi đã cảm nhận cây
tre khi bị dập sẽ trở nên ghê rợn như thế nào khi nó quất vào da thịt.
Cho dù thế nào, con người vẫn cần phải
tin vào nhau. Nhưng đặt niềm tin vào người khác lại là chuyện rất may
rủi. Tôi đã có may mắn khi ngỏ ý muốn trốn trại với người bạn nằm bên
cạnh. Anh vốn là một thày giáo và là một cựu đảng viên Quốc dân Đảng, bị
bắt vì tội vượt biên. Anh bảo tôi: “Nếu không thật sự cần thiết thì
quên chuyện ấy đi.”
Tôi không có điều gì cấp thiết hay quan
trọng để phải trốn trại, nhưng ý nghĩ bị trói buộc làm tôi cùng quẫn,
khó thở. Đêm không ngủ được, sáng dậy vật vờ như con ma. Rồi tôi ăn uống
cũng không được. Tôi đổ quỵ. Y tá trại cho tôi uống thuốc. Tôi vất
thuốc đi. Càng lúc tôi càng suy sụp. Tôi không muốn sống nữa, bởi tôi
không biết sống để làm gì. Mặc dù khi ấy, câu nói phổ biến nhất làm căn
bản đạo đức cho một xã hội nghèo đói và nô dịch lạc hậu là “Mình vì mọi
người, mọi người vì mình”, không phải không làm cho tôi cần nhìn lại
cuộc sống của chính mình theo lý tính thuần túy. Nhưng tôi cũng đủ trải
nghiệm để biết thực chất của nó chỉ là sự sáo rỗng của tuyên giáo trong
một xã hội hoàn toàn giả dối và tàn ác. Những chính sách mù quáng và
khắc nghiệt không mang lại cho bất cứ ai biết suy nghĩ độc lập một niềm
hy vọng nào. Nhưng cái kinh tởm nhất đối với tôi không phải ở những sai
lầm có tính điên rồ như thế của nhà cầm quyền, mà chính là cái thái độ
của bọn nịnh thần bợ đỡ khắp mọi nơi, đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ,
trí thức. Một tình trạng vô liêm sỉ phổ quát. Tôi không muốn sống chung
với dòi bọ.
Y tá trại đưa tôi về thành phố cấp cứu.
May mắn, tôi không bị còng tay vào giường và tôi đã ra khỏi nhà thương ngay khi có thể bước đi được.
Chuyện kể của Mã Kiều Nhi:
Tôi lúc nào cũng chỉ muốn sướng. Vì thế, chẳng có lý do gì tôi lại phải chịu khổ khi ở trong tù.
Khi chấp pháp kêu tôi lên làm việc, tôi
đã rất nghiêm chỉnh khai báo tất cả những gì cán bộ muốn tôi khai báo.
Tôi chẳng có gì phải che giấu, nhưng tôi cũng không dành cho cán bộ cái
quyền giáo dục tôi.
Tôi nói với cán bộ: “Sự thật về em rất
đơn giản, khi bị bắt em không làm đĩ, mặc dù em có làm tình. Còn lý do
vì sao em làm tình cũng rất đơn giản, vì em thích. Anh có muốn làm tình
với em không?” Rồi tôi cởi nút áo khoe vú. Tôi nói: “Vú em đẹp. Cho anh
nhìn miễn phí.”
Cán bộ hét lên: “Cô kia! Đây là phòng làm việc.”
Tôi bảo: “Phòng làm việc thì làm tình
cũng đâu có sao.” Rồi tôi cười: “Em không tố cáo anh đâu. Em thích vui.
Anh cứ vui đi, chẳng việc gì phải tự làm khó mình. Nếu anh không dám làm
thì cứ nhìn cũng không sao. Em đẹp mà phải không?” Anh cán bộ hỏi: “Cô
muốn gì?”
Tôi nói: “Em nói rồi. Em muốn vui.” Rồi tôi nựng vú tôi, nói: “Anh cứ tự nhiên, em không la làng đâu.”
Cán bộ nói: “Thôi, cô mặc áo lại cho tử tế rồi về phòng.”
Tôi nói: “Nếu có thể được thì anh tiếp tế đồ ăn cho em, mai mốt ra tù em sẽ trả ơn.”
Tuy không được thả, nhưng tôi vẫn nhận được quà thăm nuôi của Đạm Tiên do quản giáo mang đến tận phòng.
Khi bị đưa đi lao động cưỡng bức, tôi
cũng tìm được cách cho quản giáo biết tài năng của một phụ nữ tiết hạnh
khả phong công dung ngôn hạnh. Tôi nấu ăn giỏi và hát hay, vì thế tôi
được chọn làm phụ bếp và tham gia ban văn nghệ của trại. Tôi chỉ thiếu
mỗi danh hiệu áp trại phu nhân thôi, tuy nhiên thỉnh thoảng tôi cũng cho
các anh cai tù bóp vú một cách kín đáo.
9.
Không ai nghĩ tôi là ma, Đạm Tiên nói,
bởi những cảm giác thật tôi mang đến cho người khác. Không một ai biết
tôi chỉ là sự ngưng tụ của một ảo ảnh, ảo tưởng và những gì người khác
thấy và cảm nhận chỉ là một ảo tượng. Vương Thúy Kiều hay Mã Kiều Nhi
tưởng tôi là một người bất tử như họ. Tôi hiện hữu như một sinh linh và
như một khát vọng, tôi có thật trong cuộc đời này với những tác động
hiển nhiên vào cuộc sống những người liên hệ với tôi. Nhưng thật ra tôi
chỉ là ma. Bởi là ma, tôi sống trong bóng tối của con người. Tôi biết
tường tận mọi sâu kín. Và tôi đến để những sâu kín được hiển lộ. Vì tôi
là đàn bà, tôi cũng là ham muốn của trần gian, nhưng đừng vội bảo tôi là
tội lỗi, bởi thật ra tôi là cái đẹp, hạnh phúc và viên mãn. Tôi là đầu
tiên và cuối cùng của một hành trình trong đời của mỗi một đàn ông. Tôi
không phải bất tử nhưng tôi hằng có. Tôi là động lực của sự sống vì thế
không một đàn ông nào có thể từ chối tôi khi tôi muốn. Tôi biết cách làm
thỏa mãn bất cứ người đàn ông nào bởi vì tôi biết họ cần gì. Cái kinh
nghiệm mang tính nhân loại đã nâng tôi lên thành thần. Dân gian gọi là
“Thần Lồn”. Tôi dâng hiến và ban phát. Tôi phục vụ và được tôn thờ. Thật
ra, ma hay thần cũng không khác gì nhau. Cũng không phải vấn đề đẳng
cấp. Thế giới của sự thật hay chân lý chỉ là một. Rồng hay rắn cũng chỉ
là một. Sự sướng tuyệt đỉnh không phân biệt giả hay thật, già hay trẻ,
thơm hay thối. Tôi có mùi của sự chết. Và đến với tôi không một ai mà
không chết. Chỉ có cái chết con người mới đạt được sự toàn mãn. Bởi vì
đụ là một quá trình của cái chết. Ai không biết điều ấy chẳng bao giờ
đạt được cái sướng tuyệt đỉnh. Tiếc thay cho những kẻ thay vì phiêu dật
vào cái vô cùng lại biến nó thành lầm than và tủi nhục của sự giới hạn.
Nguyễn nói với Đạm Tiên: “Em có khả năng biến đổi một người đàn ông tầm thường trở thành vĩ đại.”
Đạm Tiên cười: “Không dám. Anh đã đụ em cả ngàn lần mà anh có khá lên được tí nào đâu.”
Nguyễn nói: “Vì thật sự em chưa bao giờ yêu anh.”
Đạm Tiên bảo: “Cũng có thể vì anh chưa bao giờ buông thả mình thật sự.”
Nguyễn tự đặt cho mình một loạt câu hỏi:
Thế nào là dấn thân? Thế nào là hết mình? Đâu là những trở ngại và cách
vượt qua trở ngại? Để làm gì? Rồi thế nào là cân bằng? Có cần thiết
phải cân bằng không? Cái tối hậu là gì? Nhưng Nguyễn không bao giờ muốn
có câu trả lời, bởi vì chàng biết mình không đủ sức để sống với câu trả
lời, đích thực.
Nguyễn bất ngờ thấy mình đang ở trên
đỉnh núi. Nhìn xa về phía đông là biển. Sau lưng chập chùng những ngọn
núi khác. Nguyễn bảo: “Anh không tưởng tượng được mình có thể leo lên
được tới đây.”
Đạm Tiên cười: “Bởi vì anh không tin vào chính mình. Nhưng bây giờ thì anh đã ở trên đỉnh núi.”
Nguyễn hỏi: “Có thể giải thích điều này thế nào? Mộng du hay ma giấu?”
Đạm Tiên bảo: “Anh hiểu sao cũng được.”
Nguyễn hỏi: “Đây là đâu?”
Đạm Tiên đáp: “Núi Chà Bang. Anh nghe đến nó rồi phải không?”
Nguyễn xao xuyến: “Ừ. Ninh Thuận.”
Đạm Tiên hỏi: “Anh thấy thế nào?”
Nguyễn nói: “Anh thấy tiền kiếp.”
Đạm Tiên bảo: “Đừng xạo nhé.”
Nguyễn nói tiếp: “Anh thấy cả vị lai.”
Đạm Tiên bảo: “Anh đừng phét lác kiểu văn chương triết học thế. Em là ma đấy.”
Nguyễn nói: “Ngày xưa anh đã chăn dê dưới chân núi này.”
Đạm Tiên bảo: “Coi chừng em quăng anh xuống núi cho chăn dê tiếp.”
Nguyễn nói: “Có vài lần anh đã thử leo lên núi.”
Đạm Tiên hỏi: “Để làm gì?”
Nguyễn đáp: “Xem có gì linh thiêng.”
Đạm Tiên hỏi: “Anh thấy gì?”
Nguyễn nói: “Anh thấy tiền kiếp.”
Đạm Tiên hỏi: “Lần khác anh thấy gì?”
Nguyễn nói: “Cũng chỉ thấy tiền kiếp.”
Đạm Tiên hỏi: “Tiền kiếp anh là gì?”
Nguyễn nói: “Một thằng bé chăn dê.”
Đạm Tiên hỏi: “Còn vị lai của anh?”
Nguyễn nói: “Một nhà văn.”
Đạm Tiên hỏi: “Cảm giác của anh bây giờ?”
Nguyễn bảo: “Anh sợ mình không thể xuống núi được.”
Đạm Tiên cười: “Em sẽ giúp anh bay xuống. Nhưng quên chuyện ấy đi. Hãy sống với cái mình đang có.”
Nguyễn nói: “Khí trời, mây, gió, độ cao và gái?”
Đạm Tiên nói: “Chỉ có gái”.
Gái là một thực tại nhãn tiền. Và Đạm
Tiên phô bày một thực thể huy hoàng tiên nữ. Không phải cung đình diễm
lệ kiểu phim Tàu, mà porno Hollywood siêu thực. Gió làm cho thực thể ấy
sóng. Cây cỏ làm cho thực thể ấy đa dạng mông lung. Chim hót làm cho
thực thể ấy dậm dật mê cuồng. Nhưng mây và thanh khí lại làm cho thực
thể ấy trở nên hư ảo. Nguyễn thấy mình căng phồng như một quả bóng. Nhục
dục và siêu thoát. Chàng kêu lên đáo bỉ ngạn sa tràng thọ tiễn. Úm ba
la mật. Trong một chớp lóe sáng lòa của ý thức, Nguyễn thấu cảm ngẫu
tượng tôn giáo của Linga và Yoni.
Sau này, Nguyễn nhất định cho rằng mình là người gốc Chăm.
Những cuộc tấn công của Chiêm Thành vào
Đại Việt trong khoảng từ năm 1360 đến 1390 hẳn đã để lại nhiều hậu duệ
hung hãn và lãng mạn.
10.
Hơn ba mươi năm sau lần đi tù vì tội làm
tình trong nhà trọ không có hôn thú, Nguyễn lại vào tù bởi một chuyện
vớ vẩn khác. Chàng bị bắt vì giúp đỡ dân oan mất đất viết đơn thưa kiện.
Tòa án khép tội Nguyễn xúi giục dân oan làm loạn và viết blog chống phá chế độ. Bốn năm tù.
Nguyễn đã từ chối nói lời sau cùng.
Chàng phủ nhận toàn bộ cái phiên tòa giả hình, lố bịch không phải bằng
những lời lẽ anh hùng mà bởi sự im lặng. Chàng không muốn thừa lời với
những kẻ bất xứng.
Từ Hải nói với Thúc Sinh: “Thật lạ, ông Nguyễn vẫn còn tính nhân văn. Lẽ ra, ông ta phải biết mình đang ở thời đại nào.”
Thúc Sinh trầm ngâm: “Biến thái như cậu
là thức thời. Nhưng cũng có thể vì thế, tôi chưa bao giờ coi cậu là nhà
văn. Nói cậu đừng buồn.”
Từ Hải: “Tôi cần một chỗ đứng dưới ánh mặt trời. Và tôi nghĩ là tôi đã làm được điều đó.”
Thúc Sinh bảo: “Phải. Cậu đã làm được
tất cả những gì cậu muốn. Và tôi biết, đến một lúc nào đó, cả ông Nguyễn
cũng sẽ phải biến thái như cậu. Vì đó là guồng máy, không cho phép bất
cứ ai có bản sắc cá biệt.”
Từ Hải nói: “Khi chọn nghề viết văn và
làm báo, tôi tưởng mình vẫn có thể làm cách mạng theo một cách khác, dù
lắt léo, kín đáo. Nhưng càng sống lâu, tôi càng biết mình ngụy tín. Vì
thế, tôi theo anh. Không làm gì được cho sự công bằng giữa con người thì
ít nhất tôi cũng không muốn làm cho mình bị thiệt thòi.”.
Hồ Tôn Hiến cho gọi Thúc Sinh đến. “Hãy tìm cho tôi một người giỏi đoán điềm giải mộng.”
Thúc Sinh đưa Đạm Tiên vào gặp Hồ Tôn Hiến.
“Tôi có thể giúp gì được cho vương phủ?” Đạm Tiên hỏi.
Hồ Tôn Hiến nói: “Tôi nghe nói cô thông suốt âm dương. Vì thế, nhờ cô vài việc.”
Đạm Tiên bảo: “Tôi sẵn sàng nghe ngài đây.”
Hồ Tôn Hiến nói: “Tôi có những giấc mơ
giữa ban ngày. Đại thể, đó là những sinh linh, không, không phải những
sinh linh, mà là những ngọn cỏ. Trên đầu ngọn cỏ có những cái miệng.
Những cái miệng đó phun ra máu làm đỏ cả bầu trời. Vâng, cỏ non xanh rợn
chân trời và máu tươi chói lọi tầng không. Còn ban đêm thì lại khác cô
ạ. Đêm trắng. Trắng không có bất cứ cái gì hiện hữu. Tôi không an tâm.”
Đạm Tiên hỏi: “Ngài có tin tôi không?”
Hồ Tôn Hiến đáp: “Tôi mời cô đến mà.”
Đạm Tiên nhắc lại: “Ngài có tin tôi không?”
Hồ Tôn Hiến buộc phải nói: “Thưa cô, tôi tin.”
Đạm Tiên: “Vậy ngài sẵn sàng làm theo lời tôi chứ?”
Hồ Tôn Hiến: “Thưa cô, sẵn sàng.”
Đạm Tiên: “Việc thứ nhất: Ngài cho lập
ngay một bàn thờ, chỗ nào cũng được nhưng nhất thiết phải ở hướng Bắc.
Trên bàn thờ ấy, ngài đặt một tượng thần Bạch Mi. Mỗi ngày ngài cúng bốn
lần, sáng, trưa, chiều và trước khi đi ngủ trong vòng đúng một trăm
ngày. Mỗi lần cúng, ngài đốt 4 cây nhang và thắp 16 ngọn nến. Không cần
khấn vái gì, chỉ cần lòng thành hướng đến vô lượng kiếp của mình. Việc
thứ hai: Sau một trăm ngày, ngài cho chuẩn bị lễ vật gồm một cô gái đồng
trinh và một bình rượu Minh Mạng cúng cho thần Bạch Mi. Bản thân tôi sẽ
lên đồng gọi hồn cho ngài hỏi han.”
Hồ Tôn Hiến: “Tôi sẽ làm theo lời cô.” Và Hồ Tôn Hiến đưa cho Đạm Tiên một cái séc tạm ứng 20.000 USD.
Một trăm ngày sau, trước bàn thờ Bạch Mi
là Vương Thúy Kiều lõa thể nằm trên tấm thảm có in hình trống đồng Đông
Sơn. Rượu Minh Mạng 14 ly đặt xung quanh. Đạm Tiên đứng thắp hương vái
lạy thần tổ, rồi nàng dùng khăn riêng lau trên mặt vị thần theo nghi
thức truyền thống của lầu xanh, cầu mong luôn được khách chơi yêu
thương.
Xong, Đạm Tiên ngồi xuống xếp bằng, lấy khăn đỏ trùm kín đầu.
Thúc Sinh đưa cho Hồ Tôn Hiến bốn cây
nhang đã cháy và một tờ giấy. Hồ Tôn Hiến khom người vái ba vái rồi lẩm
nhẩm đọc những lời trong giấy. Đọc xong lại vái ba vái rồi mới cắm nhang
vào lư hương. Bất thần, Đạm Tiên hét lên. Nàng giãy đành đạch như bị
cắt tiết. Miệng phát ra âm thanh của một ông già: “Ta là Bạch Mi, cụ tổ
của Vương Thúy Kiều đoạn trường tân thanh. Thiện nam muốn biết điều gì?”
Hồ Tôn Hiến thưa: “Thế lực thù địch rộ lên khắp nơi, thiện nam phải làm sao?”
Bạch Mi phán: “Phải nói cụ thể mới xử lý hiệu quả được. Gần hay xa, trong hay ngoài, bên trái hay phải, Đông Tây Nam Bắc ở đâu?”
Hồ Tôn Hiến thưa: “Trong cũng có, ngoài cũng có, gần cũng có mà xa cũng có, trái hay phải đều có.”
Bạch Mi phán: “Thế là thập diện mai phục, tứ bề thọ địch. Phải dùng kế ‘Không thành’ của Gia Cát Lượng mà hành động.”
Hồ Tôn Hiến thưa: “Làm thế nào để bảo toàn gia nghiệp?”
Bạch Mi phán: “Cất giữ vàng thật, phát hành tiền giả.”
Hồ Tôn Hiến thưa: “Làm thế nào để tiêu diệt kẻ thù?”
Bạch Mi phán: “Muốn tiêu diệt thù ngoài
thì phải củng cố nội lực. Muốn tiêu diệt thù trong thì phải gia tăng âm
phúc. Muốn làm được cả hai việc đó thì trước hết phải xây dựng lại tổ
đình xã tắc.”
Hồ Tôn Hiến thưa: “Còn muốn bảo toàn tính mạng?”
Bạch Mi phán: “Bồi dưỡng chân khí bằng
miên trường âm hộ của trinh nữ thuần Việt. Muốn hỏi gì nữa không? Đã đến
giờ ta thượng hưởng.”
Đạm Tiên ngã người lên Thúy Kiều và hai người ôm chặt lấy nhau.
Trước khi đưa ra dự án xây dựng lại tổ
đình xã tắc, Hồ Tôn Hiến cho xây mới nhà thờ tổ dòng họ. Họ Hồ sai người
về quê Tích Khê, tỉnh An Huy mua đất, cùng đi có một thày địa lý phong
thủy. Việc chọn thế đất và thiết kế xây dựng hoàn toàn do ông thày quyết
định theo tôn chỉ “đời đời bền vững”.
Hồ Tôn Hiến cũng ra một nghị quyết độc
quyền thương hiệu vàng, đồng thời cho phát hành một loại tiền mới bằng
giấy nhôm theo hệ cửu phân nhằm ghi dấu ấn thời đại của mình. Không nói
ra, nhưng nhân dân đều biết chín nút là chắc cú. Đại Việt ta ắt phải
thành rồng.
Riêng việc bồi dưỡng chân khí, Hồ Tôn
Hiến vẫn giao cho Thúc Sinh lo liệu. Vốn là một người kỹ lưỡng, nhưng
biết thụ hưởng, Thúc Sinh đều casting tất cả các em trước khi dâng cho
thủ trưởng.
Có lẽ tử vi của Hồ Tôn Hiến không được
tốt về hai cung thê, tử. Truyện kể rằng khi làm Án sát Chiết Giang, Hồ
Tôn Hiến được Tể tướng của Gia Tĩnh chủ hôn cưới một hoa hậu ở địa
phương, nhưng khi sang An Nam công cán, triều đình nhà Minh nhất quyết
không cho họ Hồ mang vợ con theo, vì sợ họ Hồ cát cứ phản nghịch. Khi ở
An Nam, họ Hồ được cống tiến một hoa khôi Tây Bắc. Cô này để lại cho họ
Hồ một truyền nhân, trước khi cô bị giết để bảo toàn thanh danh cho Hồ
Tôn Hiến. Thúc Sinh biết rõ việc này vì ông ta đã hưởng thừa cái vinh
quang của thủ trưởng. Hồ Tôn Hiến có ý muốn thay đổi khẩu vị, Thúc Sinh
tiến cử một chân dài Nam bộ. Trong kiệu màn che trướng rủ, Thúc Sinh
động tà tâm hiếp cô này ngay giữa đường tiến cung. Cô mang dòng máu phản
bội trong người về với Hồ Tôn Hiến. Có người bảo, Thúc Sinh buôn vua
theo cách của Lã Bất Vi. Nhưng người con này đã tự sát khi anh ta vừa
đến tuổi trưởng thành không biết vì lý do gì. Còn người con thứ hai với
hoa khôi Tây Bắc chọn cách sống ẩn dật vô danh để cố giữ lấy cái mạng
cùi. Người vợ đầu tiên và đứa con chính thống không ai biết số phận ra
sao. Còn người con gái và con rể vẫn được coi là chính thức hiện đang
sống với Hồ Tôn Hiến thật ra chỉ là bọn tình báo được triều đình nhà
Minh cài cắm nhằm giám sát kẻ gian hùng này.
Nguyễn vùi mình trong bóng tối của nhà
tù. Chàng tuyệt vọng như sau những ngày vừa giải phóng 1975. Cái cảm
giác của sự chấm dứt giày vò chàng. Đối với việc viết văn, sự chấm dứt
lại càng trở nên khốc liệt hơn. Nó giống như sự băm vằm. Nguyễn phải
sống một cuộc đời khác, nếu muốn tồn tại. Chưa bao giờ ý nghĩ thỏa hiệp
có trong đầu chàng. Cái thôi thúc của một nhà văn không phải là tìm kiếm
danh vọng, lại càng không phải miếng cơm manh áo. Trong điều kiện bắt
buộc của chữ nghĩa nô lệ, thì việc trở thành nhà văn chỉ là một hành
động tự phỉ báng về nhân cách. Vì thế, Nguyễn đã sống như không sống. Đã
chết mà vẫn lay lắt. Vả lại, cũng chẳng có bất cứ điều gì buộc Nguyễn
phải viết, thế thì cớ gì chàng phải khom lưng làm một kẻ xu nịnh viết
những điều dối trá?
Mã Kiều Nhi không bỏ rơi Nguyễn. Nàng
tiếp tế thực phẩm cho chàng và an ủi linh hồn chàng bằng cách dùng những
tờ giấy báo có in những bài thơ dịch gói quà cho chàng.
Nhưng người cứu vớt Nguyễn thực sự lại
là một nhà sư. Bị giam chung với Nguyễn, nhà sư dạy chàng tập thiền, dạy
chàng cách ngồi, cách hít thở và cách buông xả. Quan trọng hơn, nhà sư
dạy chàng cách yêu cuộc đời, yêu những vạt nắng hiếm hoi nhìn thấy và
yêu cái không gian chung quanh mình.
Rồi Nguyễn rơi vào một trạng huống tinh
thần vô xứ. Chàng không còn coi điều gì là quan trọng hay đáng kể. Làm
hay không làm bất cứ điều gì đều là những khả thể vô nhiễm, mặc dù chàng
vẫn ý thức được tính nghiệp của nó. Một trong những hệ quả của tình
trạng tinh thần này đã giúp chàng thoải mái trong việc sử dụng ngôn ngữ,
nó thể hiện một tâm thái tự tại vượt qua cái hàng rào văn hóa ước lệ.
Chính danh trong ngôn ngữ là chính tâm trong hành động và tư duy, nó
cũng giải nghiệp và làm sáng tỏ hành động và tư duy, nó tác động ngược
trở lại chính ngôn ngữ và tạo ra sức sống mới cho ngôn ngữ. Nguyễn cảm
thấy mình linh hoạt hơn. Chữ nghĩa với chàng trở nên trần trụi mà cũng
tràn trề sắc độ phong nhiêu hơn. Đầy ngẫu hứng và chạm đến cốt tủy. Thay
vì câm lặng, Nguyễn nhảy múa. Thay vì dâng một đóa hồng, Nguyễn đã cầm
lên cây búa. Chàng hủy diệt và luôn luôn hủy diệt.
Đấy là cách Nguyễn thoát ra khỏi nhà tù.
11.
Thúc Sinh hoàn toàn nhận thức được cái
hệ thống thù địch với con người vẫn đang vận hành và đúc khuôn cuộc sống
mà ông đã thích nghi, thậm chí có khả năng điều khiển nó phục vụ cho
lợi ích của mình, đến một lúc nào đó tất yếu sẽ đổ vỡ. Bởi hệ thống ấy
được thiết lập và điều hành dựa trên các nguyên lý áp đặt của ý chí sai
lầm. Vì thế, ông đã dự bị cho tương lai ở một xứ sở khác, nơi ông sẽ tận
hưởng thành quả của mình một cách an toàn nhất. Nhưng ông cũng không
muốn trở thành người trắng tay với lịch sử. Ông đặt cục gạch giữ chỗ cho
lương tâm của mình với nhân gian bằng cách cho Từ Hải phục hồi nhân
phẩm. Ông bảo Từ Hải cần phải trở lại là chính mình. Biết bất bình và
biết phản kháng.
Thúc Sinh nói với Từ Hải: “Chúng ta cần
có một phương án cho những biến cố lịch sử. Tình thế hiện nay cho thấy,
không có bất cứ một lực cản nào có thể ngăn được xu thế dân chủ đang đi
tới. Sự thay đổi sẽ là tất yếu dù muốn hay không muốn. Vấn đề là thời
gian và lực lượng nào sẽ làm chủ được sự thay đồi đó. Đây là thời cơ của
cậu.”
Từ Hải thận trọng: “Anh không gài để bắt tôi chứ?”
Thúc Sinh nói: “Nếu cậu không làm thì
cũng sẽ có người khác làm. Tôi cần kiểm soát được mọi tình huống. Trong
trường hợp của tôi và cậu, tôi nói thật, chúng ta đặt cược cả hai cửa.
Kiểu gì chúng ta cũng thắng. Cậu hiểu chứ?”
Từ Hải: “Vâng, tôi hiểu”. Tuy nói thế,
Từ Hải thừa biết mình có thể trở thành tốt thí bất cứ lúc nào. Nhưng từ
chối Thúc Sinh không phải là điều đơn giản. Cũng có thể điều này còn là
gợi ý của Hồ Tôn Hiến. Từ Hải bỗng nhận ra mình chỉ là một con bài.
Từ Hải nói: “Tôi thật sự không còn dũng khí. Vả lại, tôi chỉ muốn trung thành với anh cũng như với Hồ Tôn Hiến.”
Thúc Sinh cười lớn: “Nếu cậu không muốn thì thôi. Sau này đừng trách tôi không chia sẻ với cậu.”
Từ Hải bảo: “Guồng máy đã nhào trộn tôi
thành bã và bản thân tôi cũng đã tự gọt giũa cho vừa với cuộc sống này.
Tôi đã quen phục tùng. Biết bất bình và biết phản kháng vượt quá sức
tôi.”
Thúc Sinh: “Cậu vẫn còn ý thức và nhận
diện được mình thì chưa phải là hỏng hết. Nếu cậu bảo cậu đã quen phục
tùng, thì hãy nghe đây: Chúng ta chơi cờ và chúng ta tự biến thành quân
cờ. Một cuộc chơi đến tận cùng số phận. Chúng ta chỉ có một trả giá duy
nhất là trở thành tay chơi thứ thiệt. Đấy là điều tôi muốn, tôi và cậu
không phải là dũng sĩ giác đấu. Chúng ta là những con buôn, có thể bỏ
vốn bằng máu nhưng không chấp nhận thua lỗ.”
Từ Hải nghĩ, chẳng có điều gì chắc chắn,
nhất là lại đầu cơ vào chính trị. Tuy nhiên, chàng vẫn nói với Thúc
Sinh: “Nếu anh cũng chơi thì tôi theo.”
Khi ấy có nhiều người chính thức ra khỏi
Đảng của Hồ Tôn Hiến, hoặc tiêu cực hơn thì lẳng lặng không sinh hoạt
chi bộ nữa. Đạm Tiên nói với Từ Hải: “Để phù hợp với bản chất của anh,
anh không thể bó thân mãi trong cái đảng ẩm ương ấy, vào Hội Bạch Mi với
chúng em, anh tha hồ tung hoành. Sự nghiệp của anh sẽ bền vững muôn đời
cùng với sự bất biến của đĩ nghiệp chúng em.”
Từ Hải trừng mắt hỏi: “Sao lại gọi là ẩm ương?”
Đạm Tiên nói: “Một cái đảng độc tôn, độc
tài toàn trị, nhưng lại lãnh đạo tập thể. Không ai chịu trách nhiệm. Cứ
một thằng làm thì hai thằng phá, bọn ngu dốt còn lại thì ỡm ờ ăn theo.
Vì thế đảng của anh suốt bao năm nay chỉ biết loay hoay tự sướng, vơ vét
và làm khổ nhân dân.”
Từ Hải hỏi: “Cô không sợ bạo chúa à?”
Đạm Tiên nói: “Bạo chúa mà được việc thì
vẫn còn hơn cái lũ ham hố quyền lực mà không biết làm gì ngoài việc bắt
nạt dân chúng. Em nói cho anh biết nhé, không phải chỉ có Đảng của Hồ
Tôn Hiến mới theo đuổi quyền lực. Bọn đĩ điếm chúng em cũng muốn thực
thi công lý theo cái cách phổ quát nhất, anh cứ nhìn kỹ xem.”
Từ Hải cười lớn: “Công lý ở chỗ nào?”
Đạm Tiên: “Ăn bánh phải trả tiền. Có phải là công lý không?”
Từ Hải đáp: “Phải.”
Đạm Tiên: “Bọn anh vơ vét của nhân dân, có đền bù gì xứng đáng?”
Từ Hải: “Em không thấy đất nước tiến bộ à?”
Đạm Tiên: “Anh so sánh với cái gì?”
Từ Hải: “Hôm qua.”
Đạm Tiên: “Thối. Các anh chỉ so sánh theo chiều dọc mà không so sánh theo chiều ngang.”
Từ Hải: “Dù sao vẫn là tiến bộ.”
Đạm Tiên: “Có rất nhiều cái thụt lùi đấy. Cần em chứng minh không?”
Từ Hải im lặng.
Đạm Tiên chua chát: “Chưa bao giờ chúng ta độc lập, cũng như tự do và hạnh phúc.”
Vào Sài Gòn công tác, Hồ Tôn Hiến được
Thúc Sinh chiêu đãi một thực đơn châu Phi hoang dã từ thức ăn đến các em
phục dịch đẳng cấp văn học khiêu dâm Mã Kiều Nhi, Đạm Tiên và Vương
Thúy Kiều.
Thúc Sinh nói với Hồ Tôn Hiến: “Chúng ta
đang ở bên bờ vực phá sản. Nếu không quyết liệt xóa bàn làm lại, chúng
ta sẽ mất hết, kể cả mạng sống.”
Hồ Tôn Hiến bảo: “Trung Quốc đang có
tham vọng tranh giành địa vị bá chủ thế giới. Manh động lúc này có thể
dẫn tới việc quân Trung Quốc mang xe tăng tràn qua biên giới như thảm
kịch của Hungary 1956, Tiệp Khắc 1968…”
Thúc Sinh nói: “Nếu Mỹ hậu thuẫn đưa Hạm đội 7 vào Biển Đông thì không sợ. Nhưng dù sao cũng phải tạo ra một bối cảnh hợp lý.”
Hồ Tôn Hiến bảo: “Tình báo Hoa Nam có mặt ở khắp nơi. Không qua mặt bọn chúng được.”
Thúc Sinh: “Chẳng lẽ chúng ta buông xuôi chờ ngày nhân dân đến treo cổ?”
Hồ Tôn Hiến: “Không, phải hành động. Chúng ta cần có một quần chúng của mình bên cạnh một đồng minh đáng tin cậy.”
Thúc Sinh: “Chúng ta chỉ có một quần chúng bất mãn. Bên ngoài không ai tin chúng ta.”
Hồ Tôn Hiến: “Trước hết cần giải quyết càng nhanh càng tốt bọn cơ hội trong Đảng.”
Thúc Sinh giật mình sợ Hồ Tôn Hiến giao
việc cho mình. Ông không muốn là kẻ thù của bất cứ ai. Nhưng Hồ Tôn Hiến
đã nói tiếp: “Ông gọi Sở Khanh cho tôi.”
Thúc Sinh đáp: “Ngày mai tôi sẽ cho nó trình diện anh.”
Rối Thúc Sinh bảo Vương Thúy Kiều chơi
đàn. Những khúc dân ca Trung Quốc được Mã Kiều Nhi và Đạm Tiên thay nhau
hát. Nước sông Tiền Đường chảy về phương Nam hoài cảm trong tâm hồn họ.
Hôm sau, Thúc Sinh đưa Sở Khanh ra mắt Hồ Tôn Hiến tại Đền Hùng Sài Gòn. Hồ Tôn Hiến hỏi: “Anh biết việc tôi cần chứ?”
Sở Khanh nhanh nhẩu: “Tìm cho ngài một cô gái?”
Hồ Tôn Hiến hỏi như không nghe Sở Khanh nói gì: “Anh vẫn còn khả năng lừa tình chứ?”
Sở Khanh: “Vâng, đấy là nghề của tôi.”
Hồ Tôn Hiến nói: “Tôi muốn anh lừa cả bầy cừu.”
Sở Khanh: “Thưa được ạ. Nhưng tôi cần chính danh.”
Hồ Tôn Hiến nói: “Thúc Sinh sẽ làm thủ tục cho anh.”
Ban Huấn giáo trực thuộc Văn phòng Hồ
Tôn Hiến được thành lập do Sở Khanh làm trưởng ban. Ban này có trách
nhiệm chính thức là tư vấn chính phủ về các lĩnh vực thông tin, văn hóa
và giáo dục.
Thế giới có hình tam giác. Ta – Địch –
Bọn không phải ta, không phải địch. Trong thế tam phân ấy, không cái nào
đối đầu trực tiếp với cái nào, chúng nương nhau mà thành. Không có địch
thì phải tạo ra địch, vì không có địch thì không có ta. Có ta mà không
có “bọn không phải ta, không phải địch” thì không thể có vận hành, cai
trị. Mà cai trị thì không chỉ có đàn áp, cai trị cũng cần tung hô. Đàn
áp là biện pháp. Cứu cánh là tung hô. Thần thánh trên trời và ma quỉ
dưới đất cũng chỉ là một hệ thống. Sở Khanh trình bày dự án hành động
dựa trên các nguyên lý mâu thuẫn và đồng nhất. Theo đó, thúc đẩy mâu
thuẫn để tạo nên sự đồng nhất. “Thế lực thù địch” và “phản động” trở
thành sách lược qui phục quần chúng. Và “sở hữu toàn dân” hay “thế giới
đại đồng” sẽ là chiêu bài xuyên suốt cuộc vận động lịch sử. Mục tiêu lừa
tình do Hồ Tôn Hiến đề ra được Sở Khanh thi hành triệt để. Tất cả nghệ
thuật lừa gái đều được Sở Khanh áp dụng để chinh phục quần chúng. Bầy
cừu nhắm mắt đưa chân. Bọn chăn cừu muốn cắt lông và làm thịt nhưng
không muốn vỗ béo bầy cừu. Bầy cừu đói muốn làm loạn nhưng vốn bản chất
là cừu nên không bao giờ cừu biến thành sói.
Thế giới có hình vuông. Dân gian gọi là
tứ trụ triều đình. Sự mất cân bằng của quyền lợi và tham vọng làm xô
lệch cái hình vuông ấy. Thúc Sinh bí mật giao nhiệm vụ cho Sở Khanh thúc
đẩy cái mâu thuẫn đa phương ấy lên cao với mục đích đồng nhất thế giới
chỉ còn một đường thẳng. Đường thẳng ấy dẫn tới đâu không ai biết. Điều
quan trọng là quyền lực phải được quy về một mối.
Bầy cừu nằm mơ có một ngày trời mới đất mới, nên Sở Khanh lại có nhiệm vụ cho một dự án lừa tình khác.
Thay vì một đường thẳng, thế giới biến
thành hai đường đối nghịch chà xát nhau. Cả những kẻ đứng bên lề phải
hay lề trái đều điêu đứng. Xác ruồi muỗi nhiều như cát.
Hoàng đế Gia Tĩnh cho sứ giả sang gặp Hồ Tôn Hiến.
Sứ giả nói: “Xét vì tình đồng hương,
trên cơ sở đồng văn, hàng xóm láng giềng tốt, Thiên triều ủng hộ đồng
chí trong cuộc tranh chấp quyền lực hiện nay.”
Hồ Tôn Hiến cúi đầu đa tạ, hô vang: “Gia Tĩnh vạn vạn tuế, vạn vạn tuế.”
Sứ giả tiếp: “Tuy nhiên, đồng chí không
được quên sự cưu mang của Thiên triều với đồng chí. Vì thế đồng chí cần
phải nêu cao tấm gương thần phục Thiên triều cho cả thế giới thấy. Vì cả
thế giới này sẽ phải thần phục Thiên triều như đồng chí đã thần phục.”
Hồ Tôn Hiến đáp: “Tôi biết việc mình phải làm.”
Khi sứ giả vừa ra về, Hồ Tôn Hiến nhổ ra một búng máu, chửi: “Địt mẹ chúng mày.”
(Còn 2 kì)
© 2013 Nguyễn Viện & pro&contrahttp://www.procontra.asia/?p=2394
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét