Về văn học miền Nam 1954-1975 (1)
22.07.2014
Chưa hết. Giữa hai cuộc di cư khổng lồ ấy là một cuộc chiến tranh kéo dài, hầu như triền miên, giữa hai miền Nam và Bắc. Cũng là chiến tranh, nhưng cuộc chiến tranh chống Pháp trước đó, dù sao, cũng nhiều màu sắc anh hùng ca hơn: Đó là cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Bao nhiêu oán thù đều dồn, chủ yếu, về phía những người ngoại chủng. Còn chiến tranh giữa hai miền Nam và Bắc thì khác. Dân chúng miền Bắc có thể nghĩ đó là cuộc chiến chống ngoại xâm với mục tiêu chính là Mỹ. Nhưng với dân chúng miền Nam thì đó chỉ là một cuộc nội chiến giữa hai anh em một nhà. Tâm trạng của họ, khi tham gia hoặc khi chứng kiến cuộc chiến ấy khác hẳn ở miền Bắc. Khác ở những thao thức và day dứt trước cảnh huynh đệ tương tàn. Giới cầm bút không thể thoát khỏi tâm trạng ấy.
Vẫn chưa hết. Bi kịch thực sự của văn học miền Nam thời 1954-75 chủ yếu là giai đoạn sau 1975.
Hầu hết các cuốn sử hoặc hồi ký về giai đoạn hậu 1975 ở miền Nam đều tập trung chủ yếu vào chính sách lùa các sĩ quan và công chức thuộc chính quyền cũ vào các trại học tập cải tạo, chính sách đánh tư sản mại bản, chính sách ép dân đi kinh tế mới, chính sách dùng hộ khẩu và sổ lương thực để kiểm soát dân chúng, v.v… Nhiều người quên đi một đối tượng mà chính quyền mới sau năm 1975 rất quan tâm, thậm chí, có thể nói, một trong những điều họ quan tâm nhất: văn học nghệ thuật, đặc biệt là văn học.
Trước khi ra lệnh đóng cửa các công ty xí nghiệp tư nhân, chính phủ đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ các nhà xuất bản và các nhà sách cũng như quốc hữu hoá hầu như ngay tức khắc các nhà in. Trước khi ra lệnh đổi tiền, chính quyền đã ra lệnh tịch thu toàn bộ sách báo cũ. Cùng lúc với việc bắt bớ các sĩ quan và công chức trung và cao cấp của chính quyền cũ, chính quyền mới tìm bắt hầu hết những cây bút ít nhiều dính líu đến chính trị còn lại trong nước. Trong trại cải tạo, chỉ có giới cầm bút là bị giam giữ lâu nhất, ngang ngửa với các sĩ quan cấp tướng: trên dưới 10 năm.
Không những chỉ có tác giả bị bắt, ngay cả các tác phẩm của họ cũng bị “bắt”. Chiếm Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975, chỉ hơn 3 tháng sau, Bộ Thông tin Văn hoá đã ra chỉ thị cấm lưu hành các tác phẩm bị xem là phản động hay đồi truỵ. Một số chỉ thị có nội dung tương tự lại được lặp lại với những tên sách cụ thể hơn trong các năm sau đó. Trong số những tác giả bị cấm toàn bộ, có những người ít nhiều viết về chính trị hoặc chiến tranh như Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Chu Tử, Hồ Hữu Tường, Nguyên Sa, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Thế Uyên, v.v… Đã đành. Ngay cả những người hầu như chỉ viết thơ tình như Đinh Hùng, Hoàng Hương Trang hay truyện tình như Tuý Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, v.v… cũng bị cấm. Cấm, dưới tên tác giả, dường như sợ chưa đủ rõ ràng, người ta còn soạn ra một danh sách dài loằng ngoằng gồm tên tác phẩm của từng người.
Bắt tác giả và cấm tác phẩm. Cũng chưa đủ. Người ta còn tổ chức các cuộc hội nghị để vu khống, xuyên tạc và bôi nhọ văn học miền Nam. Ngoài ra, người ta còn viết bài đăng trên các tạp chí cũng như xuất bản thành sách để tiếp tục công việc vu khống, xuyên tạc và bôi nhọ ấy. Nội dung của chiến dịch vu khống, xuyên tạc và bôi nhọ ấy khá giống nhau; giới cầm bút tại miền Nam nếu không ăn tiền của Mỹ thì cũng tuân theo các chỉ thị của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà dùng ngòi bút của họ như một vũ khí chống cộng. Nếu không chống cộng thì cũng làm sa đoạ con người bằng thứ văn chương đồi truỵ nhầy nhụa mùi xác thịt. Ngay cả với những tác giả hoàn toàn không dính líu gì đến chính trị, không viết về tình dục, chỉ viết về tình yêu một cách đầy thơ mộng của tuổi học trò cũng bị vu cho cái tội tâm lý chiến: ru ngủ tuổi trẻ, để không ai còn quan tâm đến đất nước cả. Như vậy, viết về chính trị: có tội; không viết về chính trị: cũng có tội. Với lối quy chụp như thế, hầu như không có ai trong giới cầm bút miền Nam thời 1954-1975 có thể được xem là có lý lịch sạch cả.
Nếu việc bắt bớ và cầm tù các tác giả miền Nam là một chính sách trả thù đối với những người hoặc chống đối hoặc không theo cộng sản trong thời chiến tranh, việc tịch thu và thiêu huỷ sách báo miền Nam là một nỗ lực ngăn chận ảnh hưởng của chúng để trong đầu óc dân chúng không có gì ngoài thứ văn học họ gọi là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, trong đó, chỉ có hai màu: hồng cho cách mạng và đen cho các lực lượng phản cách mạng. Riêng việc vu khống, xuyên tạc và bôi nhọ được thể hiện trong các cuộc hội nghị cũng như trên sách báo lại nhắm chủ yếu vào người đọc, nhằm tẩy não người đọc để mọi người xem văn học miền Nam không có gì khác ngoài tính chất đồi truỵ và phản quốc.
Trong ba mục tiêu ấy, có lẽ chỉ có mục tiêu trả thù nhắm vào giới cầm bút miền Nam của chính quyền mới là thành công. Thành công ở số người cầm bút bị chết trong nhà tù hoặc ngay sau khi rời khỏi nhà tù: Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Hoạt và Dương Hùng Cường. Thành công ở chỗ giam thật lâu, thật lâu, đến trên 10 năm, một số những người viết văn và làm thơ như Trần Dạ Từ, Tô Thuỳ Yên và Phan Nhật Nam. Còn mục tiêu thứ hai, tiêu huỷ các tác phẩm văn học của miền Nam, có lẽ họ chỉ thành công có mức độ nhờ hai yếu tố: Một là dân chúng, vì yêu mến nền văn học ấy, cố tình cách giấu giếm hoặc mua bán lén lút với nhau; và hai là nhờ cộng đồng người Việt ở hải ngoại tìm cách sưu tập và tái bản khá nhiều, ít nhất là những tác phẩm ăn khách nhất.
Riêng mục tiêu thứ ba, nhằm nhồi sọ dân chúng, tôi ngờ là họ không thành công mấy. Tôi không tin là những người từng sống ở miền Nam có thể tin vào các luận điệu tuyên truyền rẻ tiền của chính phủ. Tôi tin điều ngược lại: chính phủ càng lên án văn học miền Nam một cách ầm ĩ bao nhiêu, càng lôi kéo sự chú ý của dân chúng vào nền văn học ấy bấy nhiêu. Tôi biết có nhiều người, từ miền Bắc vào Nam sau năm 1975, cố tìm kiếm các tác phẩm văn học miền Nam để đọc. Nhà văn Dương Thu Hương có lần kể, sau năm 1975, điều khiến bà ngạc nhiên và, sau đó, làm thay đổi hẳn cách suy nghĩ về chính trị của bà chính là các tác phẩm văn học, cả sáng tác lẫn dịch thuật, mà bà được đọc tại Sài Gòn khi đi thăm gia đình.
Trong các lần về thăm Việt Nam trước đây, tôi gặp nhiều người cầm bút ở miền Bắc. Trong đó có khá nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với một số cây bút miền Nam thuở trước, đặc biệt là Thanh Tâm Tuyền và Bùi Giáng, về thơ; Phạm Công Thiện về triết học, Võ Phiến về tuỳ bút, và Dương Nghiễm Mậu về tiểu thuyết. Tuy nhiên, sự ngưỡng mộ của họ hầu như chỉ được bày tỏ trong các cuộc chuyện trò quanh bàn nhậu. Trừ Bùi Giáng, hầu như không có ai được nghiên cứu một cách thấu đáo và công bình trong bất cứ một công trình phê bình nào cả.
Nói một cách tóm tắt, nền văn học miền Nam giai đoạn 1954-75, cho đến nay, ít nhất với độc giả trong nước, vẫn là một nền văn học bất hạnh: sau khi bị tịch thu và bôi nhọ, nó tiếp tục bị chôn vùi vào quên lãng.
Do đó, tôi tin cuộc hội thảo về nền văn học ấy do hai tờ nhật báo Người Việt và Việt Báo cùng với hai tờ báo văn học mạng Tiền Vệ và Da Màu được tổ chức tại California vào tháng 12 năm nay là một điều cần thiết.
Thật ra, nó cũng khá muộn. Nhưng muộn còn hơn không.
***
THÔNG BÁO
HỘI THẢO VỀ VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975
Trong hai mươi năm, từ 1954 đến 1975, văn học Miền Nam đã đạt được
nhiều thành tựu lớn không những trong lãnh vực sáng tác mà còn trong các
lãnh vực dịch thuật, phê bình, lý luận và nghiên cứu. Tiếc, sau khi
chiến tranh kết thúc, những người cầm bút nếu không bị bắt bớ thì cũng
bị cấm hoạt động, sách báo nếu không bị tiêu hủy thì cũng bị cấm lưu
hành, các thành tựu nếu không bị xuyên tạc và bôi nhọ thì cũng bị vùi
vào quên lãng. Một số cây bút ở hải ngoại đã tìm cách để phục hồi nền
văn học ấy nhưng tất cả đều là những nỗ lực cá nhân. Một cuộc hội thảo
về nền văn học ấy, do đó, là một điều vô cùng cần thiết.Không những cần thiết, nó còn khẩn thiết. Hiện nay, tất cả những cây bút tài hoa và có nhiều đóng góp nhất vào nền văn học Miền Nam trong giai đoạn 1954-75, nếu còn sống, đều đã luống tuổi. Thời điểm này hầu như là cơ hội cuối cùng để nhiều người trong họ có thể lên tiếng về nền văn học do chính họ góp phần xây dựng.
Nhận thức sự cần thiết và khẩn thiết ấy, hai nhật báo Người Việt và Việt Báo cùng với hai tờ báo mạng về văn học Tiền Vệ và Da Màu sẽ cùng nhau tổ chức một cuộc hội thảo về văn học miền Nam 1954-1975 tại Little Saigon, California, Hoa Kỳ trong hai ngày 6 và 7 tháng 12 năm 2014.
Cuộc hội thảo sẽ nhắm vào các mục tiêu chính:
- Cố gắng nhận diện một số đặc điểm nổi bật nhất trong văn học Miền Nam.
- Đánh giá lại những thành tựu chính của văn học Miền Nam trong toàn cảnh văn học Việt Nam nói chung.
- Tìm hiểu, phân tích và đánh giá các chính sách đối với văn học Miền Nam của chính quyền Việt Nam sau năm 1975.
- Tìm hiểu, phân tích và đánh giá các nỗ lực duy trì và phục hồi văn học Miền Nam của các tác giả hải ngoại.
- Tưởng niệm một số cây bút tài năng đã qua đời (có người qua đời trong lao tù hoặc ngay sau khi ra khỏi trại tù).
- Sinh hoạt văn học Miền Nam (điều kiện sáng tác, quan hệ giữa văn học và chính trị, giữa Việt Nam và thế giới, v.v…)
- Phân tích một số thành tựu, đặc điểm và hiện tượng nổi bật nhất (kể cả hiện tượng các cây bút nữ hoặc các cây bút miền Nam cũng như các cây bút trong quân đội; các tạp chí văn học & các giải thưởng) của văn học Miền Nam.
- Nhìn lại văn học Miền Nam trong toàn cảnh văn học Việt Nam hiện đại
- Tìm hiểu các chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam sau 1975 đối với văn học Miền Nam (tác giả & tác phẩm)
- Tìm hiểu các nỗ lực cứu vãn và phục hồi các tác phẩm văn học Miền Nam ở hải ngoại sau 1975.
http://www.voatiengviet.com/content/ve-van-hoc-mien-nam-bay-lam-den-nam-tu/1963015.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét