Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Vì một tiền đồ dân tộc còn đứng trên hai chân

Tháng 7 28, 2014
Phạm Thị Hoài
Theo báo cáo mới nhất của WHO, lượng tiêu thụ đồ uống có cồn ở Việt Nam thời điểm 2008- 2010 với 6,6 lít (độ cồn tuyệt đối) thuộc nhóm trung bình trên thế giới, thậm chí thấp hơn một chút so với mức trung bình trong khu vực (6,8 lít), kém xa Nga (15,1 lít) và hầu hết các nước châu Âu (10,0 – 12,4 lít). Tửu thần không nhất thiết kìm hãm sự phát triển của một quốc gia. Các nước uống ít nhất tập trung ở Ả-rập và châu Phi (dưới 5,0 lít), trong khi châu Âu vẫn tiếp tục truyền thống dẫn đầu thế giới. Hai nước thịnh vượng bậc nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương uống khỏe gấp đôi Việt Nam, Hàn quốc: 12,3 lít; Úc: 12,2 lít.
Tửu lượng của một quốc gia cũng không nhất thiết tương quan với số tai nạn giao thông. Ả-rập Saudi gần như trong trắng với 0.2 lít, song có tỉ lệ thương vong trên đường không thua gì Việt Nam. Năm 2012, 70 triệu người Đức từ 15 tuổi với trung bình 11,8 lít gây gần 7.000 vụ thương vong, trong đó 3.600 người chết. Con số tương đương của Việt Nam là 67 triệu người, trung bình uống ít hơn gần một nửa, gây 40.000 vụ thương vong, trong đó gần 10.000 người chết; đó là chưa tính đến yếu tố tốc độ và số lượng xe cơ giới lưu thông tại Đức chắc chắn cao hơn và nhiều hơn tại Việt Nam. Gần 40 % tai nạn giao thông tại Việt Nam là do chất cồn, tỉ lệ đó tại Đức là 17%, tại Ả-rập Saudi là 0%.
Có lẽ vì thế mà một “chuyên gia trong ngành” còn trấn an rằng Việt Nam mới chỉ ở mức tương đương với các nước đạo Hồi. Đèn còn xanh lắm. Song xem xét kĩ hơn thì các con số cho thấy một bức tranh khác. Số người (từ 15 tuổi) cả đời không rượu bia tại Việt Nam là gần 50%, trong khi ở Đức vỏn vẹn 5,5 %, khiến lượng tiêu thụ thực tế chia đều cho mỗi người thực sự uống ở Việt Nam cao hơn hẳn, trung bình là 17,2 lít so với 14,7 lít tại Đức, tính gộp cả hai giới. Tính riêng nam giới thì đàn ông Đức uống trung bình 20,4 lít, con số ấy ở đàn ông Việt Nam là 27,4 lít, không ít hơn ở đàn ông Nga nhiều lắm (32,0 lít), đó là chưa tính yếu tố cơ thể ảnh hưởng đến tửu lượng: trọng lượng của đàn ông Việt thường chỉ bằng 2/3 đàn ông phương Tây. 97% lượng đồ uống có cồn ở Việt Nam là bia. Nếu tính theo công thức 1 lít = 0,789 kg (độ cồn tuyệt đối) thì đàn ông Việt Nam thực sự uống 1702 lon bia 333 nồng độ 4,8, tức đều đặn mỗi ngày gần 5 lon. Nếu chiều hướng này tiếp tục tăng, trong vòng chậm nhất 5 năm tới họ sẽ nốc một lượng cồn vào người như đàn ông Nga hiện tại, để hưởng tuổi thọ trung bình là 64, trong đó 25% chết trước 55 tuổi, vì rượu. Ở Việt Nam, tửu thần là anh em ruột thịt của tử thần.
Nếu được quyền quyết định, tôi sẽ cấm, không phải chỉ cấm bán rượu bia sau 22 giờ tối như Bộ Y tế đang đề xuất mà cấm tiệt, 24/24 giờ, trừ đúng 3 ngày Tết phân phối theo khẩu phần người lớn, ít nhất trong vòng hai mươi năm. Tôi thà mang tiếng là một nhà độc tài – điều chẳng mới mẻ gì ở Việt Nam -, một nhà quản lí cổ hủ, bất lực – cũng không có gì mới mẻ -, còn hơn nhìn một tiền đồ dân tộc mỗi ngày một lảo đảo bởi gần 70 % đàn ông Việt Nam ngày ngày chuếnh choáng.
Hai mươi năm nữa, chỉ hình dung đã thấy ngây ngất: đàn ông Việt Nam sẽ định nghĩa mình qua những chất kích thích khác. Họ sẽ trở nên thông minh, khỏe mạnh, lương thiện, can đảm, lịch lãm, đỏm dáng, sẽ metrosexual thay vì hùng hục lùng sục phong độ giống đực bên đĩa mực và vại bia; sẽ thơm tho thay vì sặc mùi cồn chua; sẽ có bụng sáu múi thay vì sáu lon; sẽ chứng minh đẳng cấp qua tài thuyết trình trước đám đông thay vì lảm nhảm luận anh hùng bên bàn nhậu; sẽ tôn trọng đồ ăn thức uống thay vì tọng vào ọe ra; sẽ trân trọng một tình bạn chân thành thay vì lấy mấy lần “dzô” đo lòng chiến hữu; sẽ quý trọng đồng tiền mồ hôi nước mắt thay vì dốc túi mình và túi nhà nước cho bệnh xơ gan; sẽ biết tiếc thời gian thay vì quên ngày tháng trên vỉa hè; sẽ thực sự tự đọc một cuốn sách thay vì hóng hớt từ bạn rượu; sẽ yêu phụ nữ thay vì hoặc bất lực hoặc hiếp dâm; sẽ không cầm dao đâm người thân vì bị chê kém tửu lượng; sẽ không leo lên xe để giết thiên hạ và giết mình; sẽ xắn tay lên mà làm việc… Chỉ chừng ấy, đơn giản chỉ chừng ấy đã đủ để tiền đồ dân tộc và đất nước họ còn tỉnh táo đứng trên hai chân thay vì say bét nhè ngã xuống ở đâu không cần biết.
© 2014 pro&contra

 http://www.procontra.asia/?p=4668

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Bao nhiêu bản đồ thì đủ?

Tháng 7 24, 2014
Phạm Thị Hoài

Người ngoại đạo như tôi, sống ở thời Google Map, đứng trước những tấm bản đồ cổ phương Tây, chữ Latinh hẳn hoi, thường chỉ ngắm chứ không thực sự hiểu. Giống như xem những chiếc răng, hộp sọ, lưỡi rìu mấy ngàn năm gì đó trong bảo tàng. Còn bản đồ cổ, châu Á, lại chữ Hán, trông như tranh của Hans Hartung đè lên Tề Bạch Thạch trong tinh thần “Phẳng chung thủy, thì chịu, hoàn toàn phải nhờ giới chuyên môn thuyết trình.
Từ nhiều năm nay cứ thỉnh thoảng lại có một tấm bản đồ cổ chứng minh chủ quyền biển đảo Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam được phát hiện. Tôi vốn nghĩ sơ sài rằng mọi bản đồ trong lịch sử đều chỉ có hiệu lực đến một thời điểm lịch sử nhất định. Có lẽ không một nước nào ngày nay trên trái đất còn giữ đúng lãnh thổ được vẽ vào thế kỉ 18, huống gì ở thuở nhân loại chưa biết đến các khái niệm quốc gia dân tộcchủ quyền quốc gia theo nghĩa chúng ta đang dùng. Đảng của ông Sam Rainsy không thể mang bản đồ của Vương quốc Khmer ra đòi Việt Nam và Thái Lan trả đất. Tôi không biết Dải Gaza từng được đưa vào bản đồ của bao nhiêu nước khiến số phận nó phải long đong khốn khổ thế, song tôi chắc chắn rằng nếu Putin cho phát hành toàn thế giới bản đồ Đại Nga bao gồm cả Sao Hỏa thì một trăm năm sau chủ quyền của nước Nga trong vũ trụ vẫn không hề được chứng minh. Nếu Công hàm Phạm Văn Đồng có hiệu lực pháp lí thì mọi bản đồ trong lịch sử đều chỉ còn giá trị nghiên cứu.
Nhưng thật lạ là tôi vẫn mừng, mỗi lần các nhà nghiên cứu Việt Nam đưa ra một bản đồ làm bằng chứng. Không phải vì tôi yêu nước. Tôi xa lạ với tinh thần ái quốc. Nếu phải có tinh thần ấy, thậm chí tôi không chắc chắn rằng Tổ quốc của tôi hiện là đâu, cố hương Việt Nam hay nước Đức, nơi tôi sống hạnh phúc và đồng thời là công dân. Tôi mừng, có lẽ chủ yếu vì thiện cảm và sự ủng hộ đương nhiên dành cho một nước nhỏ, yếu về hầu hết mọi phương diện, gần như vô vọng trong cuộc đương đầu với một đại cường quốc đầy ắp tham vọng bá quyền. Nếu hải quân Việt Nam không thể thắng trên biển thì vẫn còn một an ủi là trên giấy, học giả Việt Nam không thua.
Song mừng không dễ. Năm năm trước, một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra trên trang talawas xung quanh một tấm bản đồ từ đời Minh mới được phát hiện, An Nam đồ. Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đã dội một gáo nước lạnh vào sự hoan hỉ về bằng chứng lịch sử “đanh thép” đó. Ông vạch ra nhiều nhầm lẫn trong việc đọc và thẩm định tấm bản đồ này, đồng thời cảnh báo rằng “việc thừa nhận giá trị bức An Nam đ hoặc các bức đồng dạng và sử dụng chúng như một phần chứng lý chủ quyền lịch sử Hoàng Sa-Trường Sa sẽ di họa khôn lường vì đã đi vào đúng hướng lý luận của học giới Trung Quốc” mà ông bác bỏ. Tôi hoàn toàn được học giả độc lập này thuyết phục. Vụ An Nam đồ lắng xuống.
Đầu tháng Sáu vừa rồi, cuốn sách đồ sộ Mt s tư liu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam ra mắt, kết quả làm việc 5 năm của 50 nhà nghiên cứu. Không một cơ quan học thuật nào của Việt Nam có thể có nhiều phương tiện và chức năng nghiệp vụ hơn. Truyền thông lại hân hoan. Song một bài “Góp ý bổ cứu” của nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh trên một tạp chí nhỏ rất ít người đọc của Sở Khoa học  Công nghệ Thừa Thiên-Huế và nhất là bài phê bình của ông Phạm Hoàng Quân trên trang Diễn Đàn (Paris) khiến vụ An Nam đồ dường như sống lại toàn tập. Tất cả những điều nhà nghiên cứu này từng cảnh báo 5 năm trước vẫn còn nguyên. Sự não nề đặc trưng của các câu chuyện Việt Nam là: muôn thuở không có gì thay đổi. Căn cứ vào hai bài viết rất thuyết phục nhưng chỉ có thể xuất hiện bên lề đó, giới chuyên môn đứng đầu quốc gia hiện ra như những nhà nghiên cứu quan liêu, lười biếng, tùy tiện, bất cẩn, phản khoa học, thiếu trung thực, thậm chí thiếu cả năng lực dịch thuật, và có vẻ khá dốt nát. Ông Quân đề nghị rút hẳn 10 trong 25 đơn vị bản đồ khỏi tập sách, 15 đơn vị còn lại cũng thiếu độ tin cậy vững chắc để có thể phục vụ hồ sơ chứng lí vô điều kiện.
Bao nhiêu bản đồ thì đủ bảo vệ Hoàng Sa-Trường Sa? Câu trả lời của giới học thuật quan phương dường như là: càng nhiều càng tốt, bất chấp độ khả tín và bất chấp nguy cơ phản tác dụng vì rơi đúng vào cái bẫy luận điểm ngụy biện của phía Trung Quốc.
Trừ ông Nguyễn Xuân Diện thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm có một lời trần tình về sự tham gia tương đối hạn chế của mình vào thành tích bảo vệ chủ quyền nêu trên, những người chịu trách nhiệm công trình không hề lên tiếng.
© 2014 pro&contra
_____________
Bài liên quan:
Phạm Hoàng Quân: “Di họa của việc sử dụng sai mục đích An Nam đồ đối với việc nghiên cứu Hoàng Sa-Trường Sa”, talawas 22/3/2009
Trần Đại Vinh: “Góp ý bổ cứu cho công trình Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông“, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 3-4 (110-111) 2014
Phạm Hoàng Quân: “Một cuốn sách cần phải xem lại”, Diễn Đàn 20/7/2014
Share SHARE

 http://www.procontra.asia/?p=4661
Gian dối từ trên xuống dưới
Friday, July 25, 2014 6:52:42 PM



Ngô Nhân Dụng

Một bức hình được truyền đi trên mạng trong tuần qua cho thấy cảnh một đống tiền lẻ, đồng đô la Canada, để lộn xộn trên mặt một hộp cao bằng kim loại, tại cửa ra vào trạm xe điện ngầm (metro). Người chuyển bức hình đi giải thích rằng máy bán vé tự động bị hư nên hành khách đã để tiền lên mặt vuông cái máy, thay vì “nhẩy rào” qua mà đi. Nhiều người lên tiếng khen ngợi dân Canada lương thiện; so sánh với tiếng tốt của dân Nhật Bản vẫn được truyền tụng từ lâu. Có người, ở một nước Châu Âu, viết rằng, “Nếu ở nước tôi thì mấy đồng tiền đó đã biến mất sau mấy giây đồng hồ!”

Không ai kiểm chứng bức hình trên là thật hay một trò đùa nghịch. Nói như vậy không phải vì nghi ngờ tính lương thiện của dân Canada. Tôi đã sống ở Montréal, Canada hơn 20 năm dài (hơn thời gian từng sống ở Sài Gòn hay Hà Nội) nên đã gặp rất nhiều người thành thật, lương thiện, rất đáng kính trọng. Nhưng trong một thành phố lớn (cho nên lập đường metro) mấy triệu người, chắc một phần tư dân chúng là di dân mới một đời, ta không biết ai là “người Canada” thật sự. Di dân mới tới có khi vẫn “nhẩy rào” để được đi metro miễn phí! Tôi đã chứng kiến, ở một xứ được coi là lương hảo nhất thế giới, là Thụy Ðiển, cảnh người đi xe lửa bị lấy trộm, người thì bị móc túi. Bạn tôi ở Phần Lan kể trước đây 20 năm dân xứ này bỏ xe đạp trước cửa nhà, không cần khóa, mà không bao giờ mất. Nhưng mươi năm nay, sau khi các chế độ cộng sản sụp đổ ở Âu Châu thì người Phần Lan cũng bị mất trộm; vì rất nhiều di dân mới đổ vào. Du lịch ở các nước khác như Anh, Pháp, Ý, người ta cũng được khuyến cáo phải coi chừng kẻ cắp.
Dân Phần Lan, Thụy Ðiển, Canada vẫn thường đứng đầu trong bảng xếp hạng các nước có “cuộc sống hạnh phúc” trên thế giới. Những người hạnh phúc thường cũng sống thật thà, lương thiện; có thể tin như vậy. Nhưng dân các nước nghèo không nhất thiết phải sống kém lương thiện. Một thế kỷ trước đây, Huân tước Baden Powell, người sáng lập phong trào Hướng Ðạo thế giới, đã viết những lời nồng nhiệt ca ngợi đời sống hiền hòa, lương hảo của dân Miến Ðiện. Mà lúc đó Miến Ðiện còn nghèo hơn Việt Nam bây giờ!
Khi nào thì một nước sinh ra đầy trộm cắp? Khi có nhiều người dân nghèo và xã hội bất công, thì nạn trộm cắp sẽ phát sinh. Khi một nước có cả hai yếu tố, nghèo và bất công, thì do “thượng bất chính, hạ tất loạn” nên mới có “bần cùng sinh đạo tặc.” Giữa Nghèo và Bất Công thì nạn Bất Công là thủ phạm chính gây ra cảnh “trộm cắp như rươi;” nếu chỉ nghèo không thôi người ta vẫn muốn sống lương thiện. Khi mọi người đều tôn trọng luật pháp, ai làm giầu được đều do công sức của chính họ, thì cả xã hội vẫn có thể sống trong đạo lý. Giấy rách giữ lấy lề. Ðói cho sạch, rách cho thơm. Người Việt Nam vẫn dạy con cháu như thế, từ lúc cả nước cùng nghèo.
Quý vị độc giả có thể mới đọc bản tin về một cô gái lấy cắp của đại sứ một nước Trung Á, trong một siêu thị ở Hà Nội. Người Việt Nam xưa nay vốn thật thà, hay là vốn tính bất lương? Cũng vậy, hãng Hàng Không Việt Nam mới lập “sổ đen,” kê tên những người Trung Quốc đã từng lấy trộm trên máy bay. Nếu Hàng Không Việt Nam gửi cả danh sách này cho các công ty hàng không khác trong vùng thì có bêu riếu cả dân tộc Trung Hoa hay không? Cũng không khác gì các cửa hàng bên Nhật viết bảng cảnh cáo “không được lấy trộm,” viết bằng tiếng Việt, cho khách hàng dễ hiểu!
Tôi không tin rằng dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều có tính trộm cắp. Thói ăn cắp, ăn trộm phát triển trong các nước này, vì hoàn cảnh sống trong cảnh vừa nghèo lại vừa bất công. Suốt từ thế kỷ 19, 20 dân Việt Nam đã sống trong chế độ thuộc địa bóc lột và bất công. Nước Trung Hoa sống dưới chế độ ngoại thuộc Mãn Thanh từ thế kỷ 17, rồi bị các cường quốc Tây phương lấn ép. Rồi cả hai dân tộc, Trung Hoa và Việt Nam đều sống dưới chế độ cộng sản hơn nửa thế kỷ vừa qua. Chế độ cộng sản tàn phá luân lý, đạo đức của hai dân tộc mạnh hơn các chế độ ngoại thuộc, thực dân. Vua quan nhà Mãn Thanh và thực dân Pháp gây ra cảnh bất công, nhưng họ không tìm cách xóa bỏ các nền nếp đạo lý của dân bản xứ. Trái lại, các chế độ cộng sản đều lật đổ, xóa sạch các quy tắc luân lý cổ truyền, đề ra mục tiêu “xây dựng những con người mới,” mà không biết phải xây dựng như thế nào.
Khi Hồ Chí Minh viết về việc xây dựng một nền đạo đức mới, thì các đảng viên cộng sản được dạy rằng đạo đức cách mạng quan trọng nhất là “luôn luôn tuân phục đảng.” Ðiều này ông ta cũng chỉ họ được từ Mao Trạch Ðông và Lưu Thiếu Kỳ. Hậu quả là người ta không cần theo một quy tắc luân lý nào khác, nếu chỉ hành động theo lệnh “Ðảng.” Mà Ðảng chính là các lãnh tụ; không còn ai khác nữa.
Các chế độ độc tài chuyên chế đều kèm theo một guồng máy tuyên truyền dối trá. Khi người dân một nước phải nghe nói dối ngày này sang ngày khác, phải lấy giả làm thật, đen nói ra trắng, nếu không biết dối trá, không biết cúi đầu sợ sệt thì không sống được, khi đó xã hội sẽ phải suy đồi, không còn chút luân thường đạo lý nào nữa. Các đảng Cộng sản Trung Hoa và Việt Nam đã phá hủy nền đạo lý cổ truyền của hai dân tộc. Hơn nữa, họ xóa bỏ tập quán sống theo pháp luật, vì đặt chính trị lên trên luật pháp. Do đó, tới khi họ mở cửa cho kinh tế thị trường xuất hiện, thì những tệ hại lớn nhất của thời “tư bản hoang dã” bộc phát rất nhanh.
Từ khi các đảng cộng sản quay chiều theo kinh tế tư bản, nói chung dân Việt Nam và Trung Hoa không thể coi là nghèo được nữa. Nhưng vì chế độ vẫn độc tài chuyên chế, cho nên xã hội càng bất công hơn các nước tư bản vào thế kỷ 19. Tiền của được tích lũy vào tay các lãnh tụ, các đảng viên, cho đàn em và phe cánh. Khi những người nghèo khổ sống bên cạnh những kẻ làm giầu vừa bất hợp pháp vừa không bất lương, thì người ta không còn tin ở đạo lý nữa, dễ làm bậy. Khi lòng tham nổi lên, kẻ trộm cắp và tự biện hộ với lương tâm mình rằng chung quanh họ bao nhiêu đứa nó trộm cắp nhiều gấp hàng ngàn lần mình, nếu mình có tội cũng là tội nhỏ!
Những người Trung Hoa đi máy bay chắc không thể coi là nghèo. Cô gái ăn cắp trong siêu thị chắc cũng có công việc làm đủ sống. Tại sao họ lại ăn cắp? Vì họ đã chứng kiến cảnh những kẻ khác đã trộm cắp hàng triệu, hàng tỷ đô la, giầu gấp trăm, gấp ngàn họ, vẫn sống nhởn nhơ!
Ðạo lý suy đồi không phải chỉ là một vấn đề xã hội, văn hóa. Khi nhìn về lâu về dài, thì cảnh cả luật pháp lẫn đạo lý suy đồi sẽ khiến cho kinh tế một nước không thể tiến lên được. Nền kinh tế tư bản dựa trên luật pháp, mà nhờ luật lệ nghiêm minh nên mọi người bị bắt buộc phải sống lương thiện hơn. Tại các quốc gia bình thường, dù là ở những nước nổi tiếng lương thiện như Phần Lan, Thụy Ðiển, Canada, vẫn có kẻ trộm. Nhưng khi làm ăn, làm ăn lớn, thì người ta có thể tin nhau, vì có luật pháp. Nếu luật pháp không đủ rộng để ràng buộc tất cả, thì còn có đạo lý. Kinh tế thị trường phát triển nhờ các nền tảng đó.
Những người Trung Hoa ăn cắp trên máy bay không làm hại cho kinh tế Trung Quốc bằng quan chức điều khiển các doanh nghiệp nhà nước, hoặc tư doanh. Bởi vì khi họ gian dối, người ta sẽ sợ không còn muốn làm ăn với nước Trung Hoa nữa.
Công ty hàng ăn McDonald hôm qua vừa quyết định ngưng không mua thịt từ một xí nghiệp Trung Quốc nữa. Các công ty Burger King và Yum Brands, chủ nhân các cửa hàng KFC cũng làm theo. Công ty Trung Quốc là Phúc Hỷ, ở Thượng Hải đã cung cấp thịt cũ, quá hạn cho các cửa hàng ăn này. Từ nay, McDonald sẽ mua thịt từ Thái Lan.
Tháng trước, mấy ngân hàng ngoại quốc, trong đó có Citigroup và Standard Chartered đã lâm nạn vì một vụ gian trá khác của mấy xí nghiệp Trung Quốc. Một công ty Trung Quốc vay, Ðức Thành Khoáng Nghiệp vay tiền của nhiều ngân hàng và đem một số kim loại làm thế chấp. Nhưng người ta khám phá ra là số kim loại này, chứa trong nhà kho tại hai cảng Thanh Ðảo và Bồng Lai, đã được đem thế chấp cho nhiêu món nợ khác nhau!
Những vụ gian dối của các công ty Phúc Hỷ và Ðức Thành sẽ làm hại cả các công ty Trung Quốc khác, điều này hiển nhiên. Từ chuyện ăn cắp trên máy bay đến chuyện đánh lừa trong thương trường quốc tế, tất cả đều là hậu quả của một chế độ gian dối, tham nhũng, bất công. Không thoát khỏi chế độ đó thì tương lai sẽ mù mịt!

 http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=192303&zoneid=7#.U9Z42spRfeQ

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Về văn học miền Nam 1954-1975 (2)

Cuối bài trước, tôi có viết: Một cuộc hội thảo về văn học miền Nam 1954-75 sẽ được tổ chức tại California  vào tháng 12 năm nay khá muộn màng nhưng, dù sao, cũng hơn là không có gì cả.
Ý niệm về sự muộn màng ấy, ở tôi, nổi rõ nhất là vào tháng 7 năm 2013, khi tôi sang California dự cuộc hội thảo về Tự Lực văn đoàn do nhật báo Người Việt tổ chức. Lần ấy, trong các cây bút nổi tiếng ở miền Nam trước đây, chỉ có Doãn Quốc Sỹ tham dự. Tuổi cao, sức khoẻ yếu, bước từng bước hơi chút lẩy bẩy lên khán đài, Doãn Quốc Sỹ vừa đọc vừa nói về nhà thơ Tú Mỡ, nhạc phụ của ông. Giọng ông vẫn sang sảng, đôi lúc dí dỏm, như một nhà giáo giàu kinh nghiệm. Nhưng sau đó, tôi biết được, hầu như tất cả con cháu ông ngồi nghiêm trang phía dưới đều… nín thở. Họ sợ ông quên giữa chừng. Họ sợ ông nói lạc đề. Họ sợ đủ thứ. Lý do của cái sợ ấy là hầu như ai cũng biết ông đang bị bệnh già, có lúc nhớ có lúc quên. Lãng đãng.
Ngồi nhìn Doãn Quốc Sỹ và nghe con cháu và bạn bè ông nói về ông như thế, tôi nghĩ đến những người vắng mặt trong hai ngày hội thảo. Như Nguyễn Mộng Giác, mới mất chưa đầy một năm trước đó. Như Nguyễn Xuân Hoàng, ở San Jose, muốn tham dự nhưng không thể bay về dự được. Vì bệnh. Và đặc biệt, Võ Phiến, người đáng lẽ không thể thiếu. Không phải vì Võ Phiến được nhiều người xem như một “tiên chỉ” của làng văn Việt Nam ở hải ngoại hoặc ít nhất ở California mà còn, chủ yếu còn, vì ông là một trong những người viết hay nhất về Nhất Linh giai đoạn sau năm 1954. Vậy mà ông lại không thể dự được. Lý do: sức khoẻ.
Nhớ, tôi gặp Võ Phiến lần đầu tiên là vào đầu năm 1989, khi tôi từ Pháp sang Mỹ tham dự một cuộc hội nghị về văn học Việt Nam ở Chicago. Lúc ấy, anh Nguyễn Mộng Giác rủ về California chơi. Con gái anh Giác ra phi trường đón. Trên đường về nhà, anh Giác đề nghị ghé thăm Võ Phiến. Thời gian ấy Võ Phiến còn đi làm, dáng dấp còn rất nhanh nhẹn. Suốt mấy tiếng đồng hồ, ông nói thao thao về chuyện văn chương nghệ thuật và về những người ông quen biết từ thời tiền chiến, như Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Chế Lan Viên và Lam Giang. Nhưng đến năm 2007, khi tôi quay lại California, thấy ông đã có vẻ mệt mỏi lắm rồi. Mệt, nhưng tâm trí ông vẫn còn tỉnh táo. Trong cuộc thảo về văn học Việt Nam ở hải ngoại được tổ chức tại toà soạn Việt Báo và đặc biệt, trong buổi ra mắt cuốn “Tuyển tập Võ Phiến” tại toà soạn Người Việt một ngày sau đó, ông vẫn phát biểu một cách mạch lạc, sắc sảo và duyên dáng. Đó hầu như là hai lần cuối cùng ông xuất hiện trước đám đông với tư cách một diễn giả. Những năm sau, mỗi lần gặp lại ông, tôi đều thấy ông yếu hơn một chút. Mang mặc cảm nặng tai và hay quên, ông co rút lại, né tránh hẳn các đám đông.  Giữa bạn bè thân, thật thân, ông thường lim dim im lặng, lâu lâu khẽ cười và lâu lâu than thở là mình hoàn toàn vô dụng rồi. Những lúc ấy, nhìn ông, tôi thấy thương vô cùng.
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, trẻ hơn Võ Phiến gần 20 tuổi, cũng thay đổi sau mỗi lần gặp. Năm 2007, anh còn là một nhà văn trung niên tràn đầy sức sống, nhưng năm 2007, anh đã có dấu hiệu mệt mỏi. Những năm sau đó, lần gặp nào anh cũng than buồn và than mệt. Tháng 7 năm 2012, tôi và Hoàng Ngọc-Tuấn đi Mỹ, ghé San Jose, điện thoại rủ anh đi uống cà phê. Thoạt đầu, anh từ chối vì mới bị té giập xuống đất, mặt mũi còn sưng vù, rất ngại ra đường. Nhưng sau đó, anh vẫn đến. Một bên má anh còn bầm tím. Anh buồn thấy rõ.  Anh nói về cái chết và về cái hư không của cuộc đời. Chúng tôi an ủi, thậm chí, lái câu chuyện sang phía hài hước để anh quên. Thì miệng anh vẫn cười, nhưng ánh mắt của anh thì vẫn hiu hắt.
Cũng ở San Jose, ngoài Nguyễn Xuân Hoàng, còn có hai người cầm bút nổi tiếng khác: Hoàng Ngọc Biên và Huỳnh Phan Anh. Huỳnh Phan Anh thì tôi chỉ gặp một lần (không kể một lần khác, ở Việt Nam, trước đó), thấy có vẻ yếu, dáng đi đã liêu xiêu; lần sau, gọi điện thoại trò chuyện, anh than là yếu lắm rồi, chả muốn đi đâu ra khỏi nhà. Với anh Hoàng Ngọc Biên thì thân hơn. Những lần đầu, anh còn rất sôi nổi bàn chuyện thơ văn, nhưng sau, bị bệnh, phải nằm bệnh viện khá lâu, anh cũng yếu hẳn. Chúng tôi đến thăm, anh vẫn mừng rỡ nhưng trong giọng nói không còn vẻ hào hứng như trước.
Cứ thế, kể từ năm 2007 về sau, hầu như năm nào tôi cũng đi Mỹ, và lần nào cũng thấy số bạn bè văn nghệ lớn tuổi cứ thưa thớt dần. Dần dần. Những người còn lại thì cũng yếu dần, yếu dần.
Tôi tưởng tượng: nếu cuộc hội thảo về văn học miền Nam được tổ chức muộn thêm vài năm nữa, con số những người đáng lẽ phải tham dự chắc là sẽ ít hẳn đi. Những nhân chứng, hơn nữa, những tác tố tạo thành nền văn học ấy sẽ vắng dần. Vắng dần.
Lúc ấy, tổ chức hội nghị, chắc là buồn lắm.
**
THÔNG BÁO
HỘI THẢO VỀ VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975

Trong hai mươi năm, từ 1954 đến 1975, văn học Miền Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn không những trong lãnh vực sáng tác mà còn trong các lãnh vực dịch thuật, phê bình, lý luận và nghiên cứu. Tiếc, sau khi chiến tranh kết thúc, những người cầm bút nếu không bị bắt bớ thì cũng bị cấm hoạt động, sách báo nếu không bị tiêu hủy thì cũng bị cấm lưu hành, các thành tựu nếu không bị xuyên tạc và bôi nhọ thì cũng bị vùi vào quên lãng. Một số cây bút ở hải ngoại đã tìm cách để phục hồi nền văn học ấy nhưng tất cả đều là những nỗ lực cá nhân. Một cuộc hội thảo về nền văn học ấy, do đó, là một điều vô cùng cần thiết.
Không những cần thiết, nó còn khẩn thiết. Hiện nay, tất cả những cây bút tài hoa và có nhiều đóng góp nhất vào nền văn học Miền Nam trong giai đoạn 1954-75, nếu còn sống, đều đã luống tuổi. Thời điểm này hầu như là cơ hội cuối cùng để nhiều người trong họ có thể lên tiếng về nền văn học do chính họ góp phần xây dựng.
Nhận thức sự cần thiết và khẩn thiết ấy, hai nhật báo Người Việt và Việt Báo cùng với hai tờ báo mạng về văn học Tiền Vệ và Da Màu sẽ cùng nhau tổ chức một cuộc hội thảo về văn học miền Nam 1954-1975 tại Little Saigon, California, Hoa Kỳ trong hai ngày 6 và 7 tháng 12 năm 2014.
Cuộc hội thảo sẽ nhắm vào các mục tiêu chính:
  1. Cố gắng nhận diện một số đặc điểm nổi bật nhất trong văn học Miền Nam.
  2. Đánh giá lại những thành tựu chính của văn học Miền Nam trong toàn cảnh văn học Việt Nam nói chung.
  3. Tìm hiểu, phân tích và đánh giá các chính sách đối với văn học Miền Nam của chính quyền Việt Nam sau năm 1975.
  4. Tìm hiểu, phân tích và đánh giá các nỗ lực duy trì và phục hồi văn học Miền Nam của các tác giả hải ngoại.
  5. Tưởng niệm một số cây bút tài năng đã qua đời (có người qua đời trong lao tù hoặc ngay sau khi ra khỏi trại tù).
Nhắm đến các mục tiêu trên, đề tài hội thảo sẽ bao gồm một số khía cạnh chính:
  1. Sinh hoạt văn học Miền Nam (điều kiện sáng tác, quan hệ giữa văn học và chính trị, giữa Việt Nam và thế giới, v.v…)
  2. Phân tích một số thành tựu, đặc điểm và hiện tượng nổi bật nhất (kể cả hiện tượng các cây bút nữ hoặc các cây bút miền Nam cũng như các cây bút trong quân đội; các tạp chí văn học & các giải thưởng) của văn học Miền Nam.
  3. Nhìn lại văn học Miền Nam trong toàn cảnh văn học Việt Nam hiện đại
  4. Tìm hiểu các chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam sau 1975 đối với văn học Miền Nam (tác giả & tác phẩm)
  5. Tìm hiểu các nỗ lực cứu vãn và phục hồi các tác phẩm văn học Miền Nam ở hải ngoại sau 1975. http://www.voatiengviet.com/content/ve-van-hoc-mien-nam-phan-hai/1965543.html

Về văn học miền Nam 1954-1975 (1)


Trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, từ đầu thế kỷ 20 đến nay, có lẽ không có giai đoạn nào chịu nhiều bất hạnh như giai đoạn từ 1954 đến 1975 ở miền Nam. Theo nhà văn Võ Phiến, đó là nền văn học được đánh dấu bằng hai cuộc di cư: một, cuộc di cư của gần một triệu người từ Bắc vào Nam; và hai, cuộc vượt biên ồ ạt của cả triệu người hoặc trên đường bộ, băng qua Campuchia hoặc trên biển cả với cả mấy trăm ngàn người bị chết hoặc do hải tặc hoặc do bị đắm thuyền.
Chưa hết. Giữa hai cuộc di cư khổng lồ ấy là một cuộc chiến tranh kéo dài, hầu như triền miên, giữa hai miền Nam và Bắc. Cũng là chiến tranh, nhưng cuộc chiến tranh chống Pháp trước đó, dù sao, cũng nhiều màu sắc anh hùng ca hơn: Đó là cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Bao nhiêu oán thù đều dồn, chủ yếu, về phía những người ngoại chủng. Còn chiến tranh giữa hai miền Nam và Bắc thì khác. Dân chúng miền Bắc có thể nghĩ đó là cuộc chiến chống ngoại xâm với mục tiêu chính là Mỹ. Nhưng với dân chúng miền Nam thì đó chỉ là một cuộc nội chiến giữa hai anh em một nhà. Tâm trạng của họ, khi tham gia hoặc khi chứng kiến cuộc chiến ấy khác hẳn ở miền Bắc.  Khác ở những thao thức và day dứt trước cảnh huynh đệ tương tàn. Giới cầm bút không thể thoát khỏi tâm trạng ấy.
Vẫn chưa hết. Bi kịch thực sự của văn học miền Nam thời 1954-75 chủ yếu là giai đoạn sau 1975.
Hầu hết các cuốn sử hoặc hồi ký về giai đoạn hậu 1975 ở miền Nam đều tập trung chủ yếu vào chính sách lùa các sĩ quan và công chức thuộc chính quyền cũ vào các trại học tập cải tạo, chính sách đánh tư sản mại bản, chính sách ép dân đi kinh tế mới, chính sách dùng hộ khẩu và sổ lương thực để kiểm soát dân chúng, v.v… Nhiều người quên đi một đối tượng mà chính quyền mới sau năm 1975 rất quan tâm, thậm chí, có thể nói, một trong những điều họ quan tâm nhất: văn học nghệ thuật, đặc biệt là văn học.
Trước khi ra lệnh đóng cửa các công ty xí nghiệp tư nhân, chính phủ đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ các nhà xuất bản và các nhà sách cũng như quốc hữu hoá hầu như ngay tức khắc các nhà in. Trước khi ra lệnh đổi tiền, chính quyền đã ra lệnh tịch thu toàn bộ sách báo cũ. Cùng lúc với việc bắt bớ các sĩ quan và công chức trung và cao cấp của chính quyền cũ, chính quyền mới tìm bắt hầu hết những cây bút ít nhiều dính líu đến chính trị còn lại trong nước. Trong trại cải tạo, chỉ có giới cầm bút là bị giam giữ lâu nhất, ngang ngửa với các sĩ quan cấp tướng: trên dưới 10 năm.
Không những chỉ có tác giả bị bắt, ngay cả các tác phẩm của họ cũng bị “bắt”. Chiếm Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975, chỉ hơn 3 tháng sau, Bộ Thông tin Văn hoá đã ra chỉ thị cấm lưu hành các tác phẩm bị xem là phản động hay đồi truỵ. Một số chỉ thị có nội dung tương tự lại được lặp lại với những tên sách cụ thể hơn trong các năm sau đó. Trong số những tác giả bị cấm toàn bộ, có những người ít nhiều viết về chính trị hoặc chiến tranh như Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Chu Tử, Hồ Hữu Tường, Nguyên Sa, Nhã Ca,  Phan Nhật Nam, Thế Uyên, v.v… Đã đành. Ngay cả những người hầu như chỉ viết thơ tình như Đinh Hùng, Hoàng Hương Trang hay truyện tình như Tuý Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, v.v… cũng bị cấm. Cấm, dưới tên tác giả, dường như sợ chưa đủ rõ ràng, người ta còn soạn ra một danh sách dài loằng ngoằng gồm tên tác phẩm của từng người.
Bắt tác giả và cấm tác phẩm. Cũng chưa đủ. Người ta còn tổ chức các cuộc hội nghị để vu khống, xuyên tạc và bôi nhọ văn học miền Nam. Ngoài ra, người ta còn viết bài đăng trên các tạp chí cũng như xuất bản thành sách để tiếp tục công việc vu khống, xuyên tạc và bôi nhọ ấy. Nội dung của chiến dịch vu khống, xuyên tạc và bôi nhọ ấy khá giống nhau; giới cầm bút tại miền Nam nếu không ăn tiền của Mỹ thì cũng tuân theo các chỉ thị của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà dùng ngòi bút của họ như một vũ khí chống cộng. Nếu không chống cộng thì cũng làm sa đoạ con người bằng thứ văn chương đồi truỵ nhầy nhụa mùi xác thịt. Ngay cả với những tác giả hoàn toàn không dính líu gì đến chính trị, không viết về tình dục, chỉ viết về tình yêu một cách đầy thơ mộng của tuổi học trò cũng bị vu cho cái tội tâm lý chiến: ru ngủ tuổi trẻ, để không ai còn quan tâm đến đất nước cả. Như vậy, viết về chính trị: có tội; không viết về chính trị: cũng có tội. Với lối quy chụp như thế, hầu như không có ai trong giới cầm bút miền Nam thời 1954-1975 có thể được xem là có lý lịch sạch cả.
Nếu việc bắt bớ và cầm tù các tác giả miền Nam là một chính sách trả thù đối với những người hoặc chống đối hoặc không theo cộng sản trong thời chiến tranh, việc tịch thu và thiêu huỷ sách báo miền Nam là một nỗ lực ngăn chận ảnh hưởng của chúng để trong đầu óc dân chúng không có gì ngoài thứ văn học họ gọi là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, trong đó, chỉ có hai màu: hồng cho cách mạng và đen cho các lực lượng phản cách mạng. Riêng việc vu khống, xuyên tạc và bôi nhọ được thể hiện trong các cuộc hội nghị cũng như trên sách báo lại nhắm chủ yếu vào người đọc, nhằm tẩy não người đọc để mọi người xem văn học miền Nam không có gì khác ngoài tính chất đồi truỵ và phản quốc.
Trong ba mục tiêu ấy, có lẽ chỉ có mục tiêu trả thù nhắm vào giới cầm bút miền Nam của chính quyền mới là thành công. Thành công ở số người cầm bút bị chết trong nhà tù hoặc ngay sau khi rời khỏi nhà tù: Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Hoạt và Dương Hùng Cường. Thành công ở chỗ giam thật lâu, thật lâu, đến trên 10 năm, một số những người viết văn và làm thơ như Trần Dạ Từ, Tô Thuỳ Yên và Phan Nhật Nam. Còn mục tiêu thứ hai, tiêu huỷ các tác phẩm văn học của miền Nam, có lẽ họ chỉ thành công có mức độ nhờ hai yếu tố: Một là dân chúng, vì yêu mến nền văn học ấy, cố tình cách giấu giếm hoặc mua bán lén lút với nhau; và hai là nhờ cộng đồng người Việt ở hải ngoại tìm cách sưu tập và tái bản khá nhiều, ít nhất là những tác phẩm ăn khách nhất.
Riêng mục tiêu thứ ba, nhằm nhồi sọ dân chúng, tôi ngờ là họ không thành công mấy. Tôi không tin là những người từng sống ở miền Nam có thể tin vào các luận điệu tuyên truyền rẻ tiền của chính phủ. Tôi tin điều ngược lại: chính phủ càng lên án văn học miền Nam một cách ầm ĩ bao nhiêu, càng lôi kéo sự chú ý của dân chúng vào nền văn học ấy bấy nhiêu. Tôi biết có nhiều người, từ miền Bắc vào Nam sau năm 1975, cố tìm kiếm các tác phẩm văn học miền Nam để đọc. Nhà văn Dương Thu Hương có lần kể, sau năm 1975, điều khiến bà ngạc nhiên và, sau đó, làm thay đổi hẳn cách suy nghĩ về chính trị của bà chính là các tác phẩm văn học, cả sáng tác lẫn dịch thuật, mà bà được đọc tại Sài Gòn khi đi thăm gia đình.
Trong các lần về thăm Việt Nam trước đây, tôi gặp nhiều người cầm bút ở miền Bắc. Trong đó có khá nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với một số cây bút miền Nam thuở trước, đặc biệt là Thanh Tâm Tuyền và Bùi Giáng, về thơ; Phạm Công Thiện về triết học, Võ Phiến về tuỳ bút, và Dương Nghiễm Mậu về tiểu thuyết. Tuy nhiên, sự ngưỡng mộ của họ hầu như chỉ được bày tỏ trong các cuộc chuyện trò quanh bàn nhậu. Trừ Bùi Giáng, hầu như không có ai được nghiên cứu một cách thấu đáo và công bình trong bất cứ một công trình phê bình nào cả.
Nói một cách tóm tắt, nền văn học miền Nam giai đoạn 1954-75, cho đến nay, ít nhất với độc giả trong nước, vẫn là một nền văn học bất hạnh: sau khi bị tịch thu và bôi nhọ, nó tiếp tục bị chôn vùi vào quên lãng.
Do đó, tôi tin cuộc hội thảo về nền văn học ấy do hai tờ nhật báo Người Việt và Việt Báo cùng với hai tờ báo văn học mạng Tiền Vệ và Da Màu được tổ chức tại California vào tháng 12 năm nay là một điều cần thiết.
Thật ra, nó cũng khá muộn. Nhưng muộn còn hơn không.
***
THÔNG BÁO
HỘI THẢO VỀ VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975
Trong hai mươi năm, từ 1954 đến 1975, văn học Miền Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn không những trong lãnh vực sáng tác mà còn trong các lãnh vực dịch thuật, phê bình, lý luận và nghiên cứu. Tiếc, sau khi chiến tranh kết thúc, những người cầm bút nếu không bị bắt bớ thì cũng bị cấm hoạt động, sách báo nếu không bị tiêu hủy thì cũng bị cấm lưu hành, các thành tựu nếu không bị xuyên tạc và bôi nhọ thì cũng bị vùi vào quên lãng. Một số cây bút ở hải ngoại đã tìm cách để phục hồi nền văn học ấy nhưng tất cả đều là những nỗ lực cá nhân. Một cuộc hội thảo về nền văn học ấy, do đó, là một điều vô cùng cần thiết.
Không những cần thiết, nó còn khẩn thiết. Hiện nay, tất cả những cây bút tài hoa và có nhiều đóng góp nhất vào nền văn học Miền Nam trong giai đoạn 1954-75, nếu còn sống, đều đã luống tuổi. Thời điểm này hầu như là cơ hội cuối cùng để nhiều người trong họ có thể lên tiếng về nền văn học do chính họ góp phần xây dựng.
Nhận thức sự cần thiết và khẩn thiết ấy, hai nhật báo Người Việt và Việt Báo cùng với hai tờ báo mạng về văn học Tiền Vệ và Da Màu sẽ cùng nhau tổ chức một cuộc hội thảo về văn học miền Nam 1954-1975 tại Little Saigon, California, Hoa Kỳ trong hai ngày 6 và 7 tháng 12 năm 2014.
Cuộc hội thảo sẽ nhắm vào các mục tiêu chính:
  1. Cố gắng nhận diện một số đặc điểm nổi bật nhất trong văn học Miền Nam.
  2. Đánh giá lại những thành tựu chính của văn học Miền Nam trong toàn cảnh văn học Việt Nam nói chung.
  3. Tìm hiểu, phân tích và đánh giá các chính sách đối với văn học Miền Nam của chính quyền Việt Nam sau năm 1975.
  4. Tìm hiểu, phân tích và đánh giá các nỗ lực duy trì và phục hồi văn học Miền Nam của các tác giả hải ngoại.
  5. Tưởng niệm một số cây bút tài năng đã qua đời (có người qua đời trong lao tù hoặc ngay sau khi ra khỏi trại tù).
Nhắm đến các mục tiêu trên, đề tài hội thảo sẽ bao gồm một số khía cạnh chính:
  1. Sinh hoạt văn học Miền Nam (điều kiện sáng tác, quan hệ giữa văn học và chính trị, giữa Việt Nam và thế giới, v.v…)
  2. Phân tích một số thành tựu, đặc điểm và hiện tượng nổi bật nhất (kể cả hiện tượng các cây bút nữ hoặc các cây bút miền Nam cũng như các cây bút trong quân đội; các tạp chí văn học & các giải thưởng) của văn học Miền Nam.
  3. Nhìn lại văn học Miền Nam trong toàn cảnh văn học Việt Nam hiện đại
  4. Tìm hiểu các chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam sau 1975 đối với văn học Miền Nam (tác giả & tác phẩm)
  5. Tìm hiểu các nỗ lực cứu vãn và phục hồi các tác phẩm văn học Miền Nam ở hải ngoại sau 1975.
Muốn biết thêm chi tiết, xin liên lạc: Nguyễn Hưng Quốc tuan.nguyen@vu.edu.au, Đinh Quang Anh Thái dinh.thai@nguoi-viet.com, Hoàng Ngọc-Tuấn hoangngoctuan@optusnet.com.au, và Đặng Thơ Thơ dangthotho@aol.com.

 http://www.voatiengviet.com/content/ve-van-hoc-mien-nam-bay-lam-den-nam-tu/1963015.html

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Đại cường không được nghỉ hưu: Thế giới sẽ nguy hiểm, nếu Mỹ từ bỏ vai trò lãnh đạo


Robert Kagan
Phạm Việt Vinh dịch
Trước hiểm họa Trung Quốc ngày càng gia tăng, nhiều người Việt đang đặt hy vọng vào sự “chuyển trục” sang châu Á của Mỹ và vai trò của Mỹ tại khu vực này. Tiểu luận sau đây có thể cung cấp một góc nhìn đáng tham khảo.
Tác giả Robert Kagan, 55 tuổi, là một cây bút và cố vấn chính trị người Mỹ. Là một nhân vật tân bảo thủ có thế lực và là một chuyên gia về chính trị quốc tế, ông viết nhiều cuốn sách, trong đó có quyển Sức mạnh và bất lực bảo vệ đường lối ngoại giao của Mỹ dưới thời George W. Busch. Victoria Nuland, vợ ông, làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên trách các vấn đề Châu Âu và Á-Âu. Gần đây nhất, một cuộc điện đàm giữa bà và Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine về những diễn biến căng thẳng ở Ukraine và vai trò của phương Tây bị nghe trộm và tung lên YouTube, trong đó bà dùng cụm từ “Fuck the EU” và cho biết Mỹ muốn nhân vật dân chủ nào sẽ đứng đầu chính phủ Ukraine mới. Theo cách phân định thường gặp, Robert Kagan đại diện quan điểm của phe được mệnh danh là “diều hâu” trong đường lối ngoại giao và quân sự Hoa Kỳ.
Người dịch
___________
I.
Các đây gần 70 năm, một trật tự thế giới mới đã hình thành từ đống hoang tàn của Thế chiến thứ hai. Trung tâm của trật tự mới này là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Ngày hôm nay, ở trật tự thế giới đó đã xuất hiện những vết nứt. Thực ra thì những khủng hoảng ví dụ như giữa Nga và Ukraine hay như ở Syria không phải là hy hữu và cũng chẳng phải là không kiểm soát nổi. Ngay cả những phản ứng rụt rè của Liên Hiệp Quốc trước các biến động tại Ukraine, rồi các vụ nổi dậy tại Trung Cận Đông, tại Bắc Phi, các chiến thắng của lực lượng Thánh chiến khủng bố tại Syria và Iraq, sự căng thẳng mang tính quốc gia chủ nghĩa ngày càng gia tăng giữa các cường quốc tại Đông Á hay là sự lấn lướt của toàn trị và sự thoái lui của dân chủ trên khắp thế giới cũng không là điều đặc biệt và bất khả kháng. Nhưng tất cả những điều đó gộp lại cho thấy một cái gì đó đã thay đổi; và sự thay đổi này diễn ra nhanh hơn chúng ta tưởng. Có vẻ như một trật tự thế giới mới đang xuất hiện.
Nếu thật sự là trật tự thế giới cũ sẽ bị sụp đổ, thì nguyên do không nằm ở sự suy giảm thế lực của Mỹ – sự cường thịnh và vai trò của nước Mỹ vẫn đủ lớn để nó có thể giải quyết thành công các thách thức của thế giới hôm nay. Nguyên do này cũng không nằm ở chỗ các vấn đề chính trị toàn cầu hiện nay ngày càng trở nên phức tạp và khó giải quyết hơn. Và nguyên do này cũng không đơn giản nằm ở sự mệt mỏi vì chiến tranh. Điều hy hữu là nguyên do này nằm trong đầu của (người Mỹ) chúng ta, đó là vấn đề về bản ngã và sự quyết đoán của người Mỹ.
Nhiều người Mỹ và các thủ lĩnh chính trị của cả hai đảng (Dân chủ và Cộng hoà), kể cả Tổng thổng Obama đã quên, hoặc lánh xa những cái đã làm nên thành công của ngoại giao Mỹ – trước hết, đó là ý tưởng về một trách nhiệm toàn cầu, trong đó quyền lợi của nước Mỹ được đặt ngang bằng với quyền lợi của nhiều nước khác trên khắp thế giới. Có vẻ như ngày hôm nay nguời ta lại quay về với những khái niệm lợi ích quốc gia được hiểu theo nghĩa hẹp. Điều này nhiều khi được gọi là “chủ nghĩa cô lập”. Nhưng cụm từ này không đúng. Thực chất, nó chính là một nỗ lực tiến tới sự bình thường. Đằng sau sự bức bối của người Mỹ muốn tiếp tục đảm đương vai trò cũ là lòng mong mỏi muốn rũ bỏ những gánh nặng trách nhiệm mà các thế hệ trước đã tự lãnh nhận trong Thế chiến thứ hai và trong toàn bộ tiến trình Chiến tranh Lạnh. Nước Mỹ muốn trở lại thành một quốc gia “bình thường”, muốn quan tâm nhiều hơn tới những nhu cầu riêng và cắt giảm sự chú ý tới những nhu cầu của thế giới.
Để có thể hiểu Mỹ và nhân loại có thể sẽ tiến tới đâu, chúng ta cần phải nhớ lại trong quá khứ  nguời Mỹ đã quyết định như thế nào, và đã tạo ra những biến đổi sâu sắc như thế nào cho thế giới. Cái đã xảy ra trước đây gần 70 năm là một cuộc cách mạng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trước đó, tức là trước Thế chiến hai, Mỹ luôn từ chối những đóng góp toàn cầu mang tính dài hạn. Đối với phần lớn người Mỹ, đó là sự trả lời hợp lý nhất cho thế giới trong những năm 20 (của thế kỷ trước). Khi đó, hầu như đe dọa không hiển hiện: người ta cho rằng nền Cộng hoà Weimar non yếu rồi sẽ nhanh chóng sụp đổ trước khi nước Đức một lần nữa tìm cách thống trị châu Âu. Nước Nga thì kiệt quệ vì nội chiến và khủng hoảng kinh tế. Và mặc dù đang theo đuổi những ý đồ to lớn thì ở Nhật Bản vẫn có một nền dân chủ mong manh.
Người Mỹ vẫn tiếp tục giữ đường lối bình thường ngay cả khi trật thứ thế giới khi đó bị tẩy xóa và sụp đổ: bắt đầu bằng sự tiến quân của Nhật Bản vào Mãn Châu năm 1931 cho đến khi nước Áo sáp nhập vào nước Đức của Hitler và tiếp theo là sự thâu tóm Tiệp Khắc năm 1938/1939 của nước Đức Quốc xã. Những sự kiện này làm cho người Mỹ kinh hoàng, nhưng họ vẫn không nhìn thấy sự cần thiết phải ra tay.
Ngay cả khi quân Đức tràn vào Ba Lan năm 1939 và Thế chiến hai bùng nổ, những sách lược gia Mỹ vẫn tuyên bố rằng nước Mỹ là bất khả xâm phạm, nước Mỹ được bảo vệ bởi hai đại dương và có trong tay một lực lượng hải quân hùng mạnh. Nhận thức này phổ cập đến mức một vị Tổng thống có đầu óc toàn cầu như Franklin Roosevelt cũng e dè trong ăn nói và phải hứa hẹn rằng nước Mỹ sẽ không tham gia chiến tranh. Trong một diễn văn nổi tiếng vào năm 1936, ông tuyên bố: “Tôi căm ghét  chiến tranh!” Nhưng hai năm sau đó, khi Hiệp ước München được ký kết, ông ta mới phát hoảng và bắt đầu cảm thấy rằng những cường quốc Tây Âu như Anh và Pháp đã mất hết quyết tâm đương đầu với Hitler. Chỉ khi đó Roosevelt mới bắt đầu cảnh báo người Mỹ về một hiểm họa đang bùng phát.
Quyết định tham chiến chỉ diễn ra sau vụ Trân Châu Cảng. Cuộc tấn công năm 1941 của Nhật vào Hạm đội Thái Bình Dương, tuyên bố chiến tranh của Hitler sau đó và cuộc tham chiến toàn diện của Mỹ vào các xung đột tại châu Âu và châu Á là một cú sốc với người Mỹ. Lòng tin của (người Mỹ) chúng ta rằng nước Mỹ vẫn ổn vững giữa một thế giới hỗn loạn đã vỡ vụn trong một ngày. Những sự kiện năm 1941 đòi hỏi phải có một định nghĩa mới cho khái niệm quyền lợi của nước Mỹ. Thêm vào đó, người ta hiểu ra rằng sự thịnh vượng và ngay cả an ninh của nước Mỹ cũng phụ thuộc vào một nền kinh tế toàn cầu lành mạnh.
Với nhận thức rằng nguồn gốc của Thế chiến hai nằm ở sự sụp đổ của trật tự thế giới trên các mặt chính trị, kinh tế và sách lược, ngay sau khi nhảy vào cuộc chiến, chính phủ Mỹ bắt đầu triển khai một trật tự thế giới lâu dài mới. Lần này, nó phải là một trật tự thế giới dựa trên sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự của Mỹ. Người châu Âu đã tự chứng tỏ rằng họ bất lực khi phải gìn giữ hòa bình. Mỹ đứng ra đảm lãnh vai trò quyết định trong việc chiếm đóng và chuyển hóa các nước bại trận. Tại các nước đó, Mỹ tự lãnh trách nhiệm phải tạo ra một chính thể dân chủ nào đó để thay thế chế độ độc tài đã lôi kéo các quốc gia đó vào cuộc chiến. Nước Mỹ phải có một sức mạnh áp đảo về quân sự, và khi cần thiết, phải có khả năng điều một lực lượng chiến đấu cần thiết đi bảo vệ sự ổn định và an ninh tại châu Âu, châu Á và Trung Cận Đông. Trong tính toán của Roosevelt và các cố vấn của ông, vũ lực quân sự đóng một vai trò trung tâm. “Hòa bình phải được gìn giữ bằng vũ lực”, Roosevelt tuyên bố như vậy. Ngoài ra, “không còn con đường nào khác”.
II.
Sách lược tổng thể như trên là một bước ngoặt dứt khoát của Mỹ đối với cái gọi là “sách lược bình thường”. Sách lược này không phải là vô tư hay không vụ lợi. Những người cầm đầu chính phủ Mỹ tin rằng, sách lược trên phục vụ tốt nhất cho quyền lợi của Hợp chúng quốc. Ngoại trưởng Mỹ (từ 1949 đến 1953, ND) Dean Ascheson từng tuyên bố: “Nước Mỹ phải học cách hành xử trong một liên đới trách nhiệm lớn hơn cả lợi ích của bản thân nước Mỹ”. Điều này là một cuộc cách mạng thực sự trong sách lược ngoại giao của Mỹ.
Vào cuối những năm 40 và trong những năm 50, Mỹ đã chi ra hàng tỷ Dollar để tái thiết châu Âu và lập liên minh quân sự với các cựu thù của mình như Đức và Nhật Bản cũng như nhiều nước châu Âu khác mà trước đây Mỹ không mấy tin tưởng. Thậm chí, người Mỹ còn mở rộng lá chắn hạt nhân để ngăn chặn khả năng tấn công thông thường của Liên Xô đối với Tây Âu; bằng cách này, người Mỹ đã tự nguyện đứng ra làm mục tiêu của vũ khí hạt nhân Liên Xô. Trong những năm 50 và 60, nhiều khi Mỹ đã chi ra 10 phần trăm hoặc cao hơn 10 phần trăm tổng thu nhập quốc gia cho quốc phòng. Mỹ cũng tiến hành hai cuộc chiến tốn kém tại Triều Tiên và Việt Nam.
Sau Thế chiến hai, vào những năm 50, Mỹ đã gây dựng và thúc đẩy sự phát triển của một trật tự thế giới tự do;  Mỹ đã tạo ra “thế giới tự do”, trong đó hòa bình và thịnh vượng đã có khả năng ra hoa kết trái ở một thời kỳ có một không hai trong lịch sử thế giới.
Mặc dù sự căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô có những lúc gia tăng đến mức nguy hiểm, nhưng về cơ bản, đây là thời kỳ được đánh dấu bởi nền hòa bình giữa các đại cường. Sự có mặt của Mỹ tại châu Âu và Đông Á kết thúc vòng xoáy chiến tranh đã hủy hoại nặng nề hai vùng đất này kể từ đầu thế kỷ 19. Trên thế giới, số lượng các nền dân chủ tăng lên nhanh chóng. Phần lớn thế giới được thụ hưởng một sự thịnh vượng chưa từng có từ trước tới nay. Mặc dù không thiếu những thảm họa và nguy cơ thảm họa cũng như đã xảy ra hai cuộc chiến tốn kém tại châu Á, nhưng về tổng thể, sách luợc trên đã thành công, và thành công đến mức là Đế chế Xô-viết cuối cùng đã sụp đổ cũng như đã phải tự động thoái lui trước những thành tựu về kinh tế và chính trị của Phương Tây. Tất cả những điều trên là kết quả của nhiều yếu tố, nhưng không một thành tích nào có thể hiển hiện nếu không có ý chí của Mỹ đảm trách vai trò bất bình thường của người gìn giữ và bảo vệ một trật tự thế giới vị tự do.
Sự công nhận rộng khắp thế lực của Mỹ, số lượng đông đảo các nước liên minh và thực tế là không có một cường quốc nào liên kết với Liên Xô để chống lại Mỹ đã tạo ra một tình thế có một không hai, đó là: trong lịch sử thế giới, chưa từng có một quốc gia nào đóng một vai trò toàn cầu to lớn như vậy, và cũng chưa từng có một quốc gia nào có khả năng như vậy. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như Liên bang Xô-viết tan vỡ và sự đe dọa của chủ nghĩa cộng sản tiêu tan?
III.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều người đã nghĩ rằng, cuối cùng thì nước Mỹ cũng được giải phóng khỏi cái trách nhiệm toàn cầu nặng nề mà nó đã mang vác hơn 40 năm. Thế giới vào đầu những năm 90 có vẻ như khá ổn vững. Liên bang Xô-viết hồi đó đang nằm trong tình trạng phá sản về chính trị và kinh tế; Trung Quốc bị cô lập về kinh tế và ngoại giao sau vụ thảm sát Thiên An Môn. Vậy thì có mối đe dọa nào bắt nước Mỹ phải tiếp tục gánh chịu vai trò bất bình thường trên thế giới? Liệu nước Mỹ có thể quay trở lại làm một quốc gia bình thường với một định nghĩa bình thường về lợi ích quốc gia?
Tháng Chín 1990, Jeane Kirkpatrick, nữ đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, đã tuyên bố một câu trong bài viết “A Normal Nation in a Normal Time”, rằng “không còn có nhu cầu cấp thiết về chủ nghĩa anh hùng và lòng hy sinh” nữa. Kirkpatrick đã nói ra điều mà nhiều người đã nghĩ sau khi bức tường Berlin đổ sụp. Với tiểu luận  “Sự cáo chung của lịch sử”, nhà nghiên cứu chính trị Francis Fukuyama khẳng định rằng, với chiến thắng của dân chủ thì bóng dáng của những thách thức về ý thức hệ và về địa chính trị cũng biến mất. Nỗi nguy hiểm lớn nhất cho tương lai sẽ là cái tẻ nhạt trống rỗng của sự tồn tại trong một chủ nghĩa tự do Tây phương thiếu vắng tinh thần và hủy hoại tâm hồn.
Điều đáng lưu ý là trong hai thập niên đầu  sau Chiến tranh Lạnh, nước Mỹ đã vẫn theo đuổi sách lược ngoại giao tổng thể có từ thời Roosevelt. Tháng Tám 1990, quân đội Iraq của Sadam Hussein tràn vào Kuwait và nuốt trọn xứ này chỉ trong có vài ngày. Cuộc xâm lược đã diễn tiến một cách tàn bạo, nhưng so với những sự kiến chấn động của thế kỷ 20 thì nó vẫn còn khá êm dịu. Mặc dù tiên liệu việc đánh đuổi quân Iraq ra khỏi Kuwait là “hao tốn và bất trắc”, nhưng chính phủ Bush lo rằng nếu được bỏ qua, thì cuộc xâm lăng của Iraq rất có thể sẽ là “một tiền lệ khủng khiếp cho thời đại sau Chiến tranh Lạnh”. Sự tha thứ cho việc lấn chiếm trong một khu vực sẽ kích thích chiến tranh xâm lược tại những khu vực khác. Tổng thống Bush còn nhớ rất rõ những điều này trong các năm 30. Lần này, ông viết trong hồi ký của mình: “Tôi không muốn luôn phải nhượng bộ trước những hành vi bành trướng”.
Vậy là trong vòng 10 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, nước Mỹ đã tiến hành hàng loạt những chiến dịch quân sự: Panama (1989), Iraq (1991), Somalia (1992), Haiti (1994), Bosnia (1995), Iraq lần thứ hai (1998) và Kosovo (1999). Không một cuộc chiến nào trong số đó là phản ứng trước một cái gọi là đe dọa sống còn đối với lợi ích quốc gia. Tất cả đều nhằm mục đích bảo vệ và mở rộng trật tự thế giới vị tự do thông qua việc lật đổ các chế độ độc tài và dẹp các cuộc đảo chính.
Bill Clinton mở rộng khối Nato tới Ba Lan, Tiệp, và thúc đẩy hợp tác quân sự với các nước vùng Baltic. Với hàng tỷ dollar, ông tìm cách cứu vớt cuộc thí nghiệm dân chủ còn ngất ngư của Boris Yeltsin tại Nga, và tiến hành một chính sách ngăn chặn dứt khoát đối với Bắc Triều Tiên, Iran và Iraq – những nước bị gọi là “các nhà nước bất hảo” do đã khinh bỉ một trật tự thế giới vị tự do. Những xung đột tại các vùng xa xôi và bất ổn không phải là điều vô hại đối với lợi ích của nước Mỹ.
Theo nhận định thông thường thì người Mỹ hôm nay đã mệt mỏi với chiến tranh. Nhưng có lẽ sẽ chính xác hơn nếu cho rằng người Mỹ đã “mệt mỏi với thế giới”. Ngày hôm nay, hơn 50 % người Mỹ nghĩ là “trên trường quốc tế, nước Mỹ chỉ nên quan tâm tới các vấn đề của mình và phó mặc cho các quốc gia khác tự giải quyết công việc của họ” – đó là một tỷ lệ cao chưa từng có trong lịch sử thăm dò dư luận tại Mỹ.
IV.
Các sử gia thường nói đến quá trình trưởng thành của chính sách ngoại giao Mỹ kể từ thế kỷ 19. Nhưng nếu một quốc gia có thể học hỏi dần thì nó cũng có khả năng quên dần. Khi quan sát kỹ hơn đường lối ngoại giao của Mỹ hiện nay và các cuộc tranh luận về nó, dần dần người ta sẽ có cảm giác là những tiền đề của sách lược tổng thể thời Roosevelt đã bị lãng quên. Cũng có lẽ đó là điều không thể tránh khỏi. Ngày nay, Thế chiến hai đối với những người sinh vào thời kỳ chuyển tiếp thiên niên niên kỷ cũng xa xưa như cuộc Nội chiến Mỹ đối với thế hệ những năm 30. Một thế hệ không còn nhớ đến thời Chiến tranh Lạnh và chỉ trải qua các cuộc xung đột tại Iraq và Afghanistan sẽ có một cách nhìn khác về vai trò của Mỹ trên thế giới. Người Mỹ hôm nay không còn là những kẻ cô lập như thời những năm 20. Họ ủng hộ một trật tự thế giới tự do khi nào nó cho họ thấy một nguồn lợi trước mắt. Nhưng họ không còn muốn phải hy sinh nhiều để giữ vững trật tự thế giới đó. Như thần Atlas, người Mỹ đang phải vác nặng thế giới trên đôi vai của mình. Đó là một trách nhiệm vĩ đại. Số tiền khổng lồ  mà họ phải chi ra cho kinh phí quốc phòng lớn hơn tất cả số tiền của các quốc gia khác cộng lại. Vậy thì liệu những đồng minh của họ có thể sẽ có những đóng góp lớn hơn không?
Câu hỏi này đã được đặt ra từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng câu trả lời luôn luôn là: Rất có khả năng không! Những nguyên do cho phép nước Mỹ bảo vệ trật tự thế giới tự do cũng lý giải vì sao những đồng minh của Mỹ luôn rụt rè và ít có khả năng làm việc này:  Họ không có sức mạnh và sự an toàn để có thể nhìn vuợt qua lợi ích quốc gia đã bị định nghĩa hẹp của họ và phản ứng một cách thích đáng. Vì thế, chỗ nào mà họ đã thất bại thì họ cũng sẽ lại thất bại. Ngay cả những người châu Âu của thế kỷ 21 với những thành tựu tuyệt vời của họ trong quá trình thống nhất chính trị có vẻ cũng hoàn toàn không có khả năng nắm tay nhau để chống lại một “con thú dữ”, và cũng như trong quá khứ, nếu cần thiết thì họ cũng sẵn sàng ném những kẻ ốm yếu cho “con thú dữ” đó xé xác để cứu vãn sự an toàn (cho túi tiền) của họ.  Đạo đức cũng có giá của nó.
Như phần lớn nhân loại, người Mỹ rất thích tin rằng họ sẽ hành xử đúng và đứng vào phía đúng. Họ cũng mong rằng những hành động của họ là chính nghĩa hay là hợp pháp.
Nhưng trên thế giới không tồn tại một cơ cấu đảm bảo trật tự có tổ chức và theo một luật lệ toàn cầu, đó là chưa nói đến việc nó không thể có một cơ cấu đảm bảo trật tự dân chủ mà tất cả các quốc gia phải tuân theo. Vấn đề chính nghĩa hay phi chính nghĩa không được phân định bởi một tiến trình tìm lẽ phải vô tư, mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự phân chia quyền lực trong hệ thống. Về nguyên tắc, để hợp lý thì ngoài lòng tin của bản thân, người Mỹ phải sử dụng sức mạnh của mình để thực hiện những ý tưởng về chính nghĩa của mình mà không cần thêm sự công nhận của bên ngoài. Đó là một gánh nặng về đạo đức cho một xã hội dân chủ. Ở quốc gia của mình, người Mỹ đã quen với việc chia xẻ đều gánh nặng này cho những đôi vai khác nhau trong xã hội. Người dân tạo ra luật pháp, cảnh sát làm cho pháp luật có giá trị, thẩm phán và bồi thẩm ra phán quyết và nhân viên nhà tù thực thi bản án. Trong khi đó, trên trường quốc tế, nước Mỹ vừa là thẩm phán, bồi thẩm, vừa là cảnh sát, và khi có hành động quân sự thì nó đóng luôn cả vai đao phủ. Cái gì đã cho phép nước Mỹ hàng động nhân danh một trật tự thế giới vị tự do? Thực tế là không có cái gì như thế cả, ngoài lòng tin rằng trật tự thế giới vị tự do là một thực thể chính nghĩa nhất.
Nan đề đạo đức này có thể dễ dàng được bỏ qua vào thời Chiến tranh Lạnh; khi đó mọi hành động, ngay cả khi chúng được tiến hành ở những nơi xa xôi nhất, cũng có thể được biện hộ bởi quyền lợi quốc gia lành mạnh. Ngược lại, những biện pháp bảo vệ trật tự thế giới luôn làm bật ra những câu hỏi phức tạp về đạo đức. Mỹ và châu Âu khẳng định rằng chủ quyền của Ukraine là bất khả xâm phạm và người  Ukraine phải được quyền quyết định rằng họ có nên trở thành một thành viên của Liên minh châu Âu hay không. Vladimir Putin biện hộ việc sáp nhập Krym vào Nga bằng những ràng buộc lịch sử và lý giải sự kiện này là một phản ứng trước  việc Mỹ và châu Âu can thiệp vào một khu vực ảnh hưởng lịch sử của Nga. Vậy ai là người có khả năng vô tư để phân định đúng sai giữa những quan niệm đối chọi nhau về pháp lý như trên? Sẽ vô vọng nếu như mang cách nhìn được coi là có ưu thế về đạo đức của thế kỷ 21 đối chọi với  tiêu chuẩn đạo đức được coi là yếu thế của thế kỷ 19.
Thế kỷ hiện nay của chúng ta cũng chẳng có nhiều hơn cái gọi là đạo đức tuyệt mỹ như những thế kỷ đã qua. Và trong thế kỷ này các đại cường cũng không hề trong trắng hơn khi bị lôi kéo vào những xung đột như trong các thế kỷ khác. Tất cả đều ích kỷ, tất cả đều thoả hiệp về đạo đức. Thực tế là như vậy – một quốc gia càng hùng mạnh bao nhiêu thì càng dễ có xu hướng hành xử chẳng có gì là phù hợp với các giá trị đạo đức của Cơ đốc giáo hay là của thời Khai sáng.
Ai có thể khẳng định được rằng việc bảo vệ trật tự thế giới vị tự do là nhất thiết đúng đắn? Người ta chưa bao giờ cho nhân dân toàn thế giới bỏ phiếu tán thành hay phản đối một trật tự thế giới vị tự do. Trật tự này không phải là do Chúa tạo ra. Nó cũng không phải là điểm kết thúc của tiến bộ loài người. Nó chỉ là một trật tự thế giới tạm thời đáp ứng nhu cầu, lợi ích và trước hết là lý tưởng của một bộ phận đông đảo và hùng mạnh, chứ không nhất thiết phải là đòi hỏi và mong muốn của tất cả mọi người. Chủ nghĩa cộng sản có thể là đã phá sản, nhưng tư tưởng toàn trị và các nhà nước chuyên chế vẫn còn. Và không phải là dân chủ, mà chính sự chuyên chế mới là cái đã từng là thước đo trong lịch sử loài người.
Trong những thập niên vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Mỹ và châu Âu, dân chủ đã có sức mạnh để xây dựng thế giới theo những ý tưởng của mình. Nhưng ai dám nói rằng Chủ nghĩa Putin ở Nga hay là dạng thái đặc biệt của chuyên chế tại Trung Quốc sẽ không có khả năng tồn tại lâu đúng như nền dân chủ châu Âu, cái mà ở ngoài nước Anh ra thì cho đến nay mới có nhỉnh hơn 100 năm tuổi? Đối với một quốc gia mệt mỏi về quyền lực thì điều này là một câu hỏi làm rối trí. Nhà nghiên cứu chính trị Hans Morgenthau có lần đã nhắc nhở rằng người Mỹ có lẽ “sẽ rất thích thú với ảo tưởng là một quốc gia… sẽ thoát khỏi sách lược quyền lực”, rằng sẽ đến lúc “tấm màn kết thúc sẽ được kéo xuống và trò chơi quyền lực sẽ không còn tiếp diễn”. Suy nghĩ trốn tránh thực tế này đã có một đồng vọng rộng lớn vào những năm cuối thời Chiến tranh Lạnh. Năm 1989 Fukuyama tuyên bố với người Mỹ rằng, với sự cáo chung của lịch sử thì “nền dân chủ vị tự do sẽ không còn đối thủ ý thức hệ nào cần phải chú ý”. Tiến bộ dân chủ là không thể tránh khỏi, và vì vậy, người ta không còn cần phải làm bất cứ gì để thúc đẩy và bảo vệ nó. Trong thời đại mới, cái mà nước Mỹ cần là cắt giảm quyền lực cứng (hard power) và tăng cường quyền lực mềm (soft power).
Đó là suy nghĩ chủ đạo, ít nhất là từ cuối thời Chiến tranh Lạnh cho tới năm 2008 và cho tới khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính. Đó là lúc xảy ra sự chuyển đổi mô hình. Bây giờ không phải là hồi kết của lịch sử, mà là hồi kết của nước Mỹ, hồi kết của phương Tây. Khúc khải hoàn đã nhường chỗ cho học thuyết thoái trào. Nếu như trước đó người ta cho rằng việc nước Mỹ dùng sức mạnh của mình để hướng dẫn thế giới vào một trật tự nhất định là không cần thiết, thậm chí là sai trái, thì ngày nay đột nhiên người ta thấy rằng điều đó không còn có khả năng xảy ra, vì Hợp chúng quốc đã không còn đủ sức. Các quan chức cao cấp trong chính phủ Mỹ, đặc biệt là giới trẻ, cho rằng trong cuộc xung đột tại Syria, Mỹ đã bị trói buộc chân tay quá nhiều. Đây là một bài học cho thế hệ của họ, bài học từ Iraq và Afghanistan: rằng Mỹ không còn sức mạnh, không còn sự hiểu biết, và cũng không còn cả khả năng giải quyết các vấn đề của thế giới.
Nhưng chính quan điểm cho rằng những hoạt động quốc tế chỉ là vô bổ lại cất giấu trong lòng nó một huyền thoại. Qua cặp kính màu hồng, chúng ta nhìn lại Chiến tranh Lạnh và tưởng tượng rằng nước Mỹ lúc đó đã dễ dàng thúc đẩy các quốc gia khác làm những gì mà Mỹ muốn. Nhưng nếu bỏ sang một bên những thành công, thì trong Chiến tranh Lạnh, sách lược ngoại giao của Mỹ cũng đã phạm phải hàng loạt những lỗi lầm, những xuẩn ngốc, nhiều tai nạn và cả một số thảm họa theo đúng nghĩa. Ngay từ đầu, các đồng minh của Mỹ đã tự chứng tỏ là họ thích gây rối, hay hờn dỗi và luôn bướng bỉnh. Phải chăng giới chiến lược gia của ngày hôm nay thật sự nghĩ rằng những người tiền nhiệm của họ trong các chính phủ trước đây có nhiều thuận lợi hơn họ?
Đường lối ngoại giao của bất kỳ quốc gia nào cũng thường thất bại nhiều hơn thành công. Ngay cả những cố gắng tác động vào hành xử của dân chúng trong nội địa cũng đã rất khó khăn. Vậy thì việc gây ảnh hưởng lên những dân tộc khác, quốc gia khác mà không lạnh lùng hủy diệt họ đương nhiên phải là một công việc khó khăn nhất của loài người. Điều chắc chắn trong ngoại giao –  nó cũng chắc chắn như sự tồn tại của loài người chúng ta, là tất cả những hành động giải quyết các vấn đề chỉ có thể làm nẩy sinh ra những vấn đề mới. Và điều này có giá trị cho mọi cuộc chiến tranh. Không có một cuộc chiến nào có kết cục hoàn hảo, ngay cả những cuộc chiến có những lý cớ tốt đẹp nhất cũng như vậy. Tiêu chuẩn cho một chiến thắng không nằm ở chỗ là kết quả cuối cùng có đáp ứng 100 % ước vọng ban đầu hay không, mà là liệu kết quả không ưng ý đã đạt được tốt hơn hay xấu hơn so với cái kết quả sẽ có nếu không có hành động. Việc chỉ chú tâm vào những kết quả phục vụ những mục tiêu tối đa với tốn phí tối thiểu là một biểu hiện của tâm thức trốn chạy thực tế.
Thực tế cho thấy người Mỹ ngày nay có vẻ như bị quá tải trước sự phức tạp của thế giới. Họ mong muốn được quay trở lại vị trí “vô tội của người vô trách nhiệm” như nhà thần học Mỹ Reinhold Niebuhr có lần đã nói, hay ít nhất cũng là có được một vị trí bình thường để nước Mỹ có thể giảm thiểu mức độ đóng góp cho thế giới. Với phương cách đó, nước Mỹ có thể sẽ quay trở về không khí của những năm 20. Tuy nhiên, ở đây có một điều khác biệt: Trong những năm 20 người Mỹ tin là Anh quốc và châu Âu có trách nhiệm bảo vệ cái trật tự thế giới mà họ đã tạo ra. Còn bây giờ, liệu người Mỹ có hiểu ra rằng lần này chỉ có họ mới có khả năng giữ vững trật tự thế giới đó?
Khi Tổng thống Obama mới nhậm chức, Peter Baker đã viết trên tờ New York Times rằng Obama muốn “tiếp nhận một thế giới như nó đang hiện hữu chứ không phải như người ta có thể mong muốn”. Đó chính là gốc rễ của cái điệp khúc mà các đại diện của nội các Obama luôn luôn đưa ra để giải thích tại sao Tổng thống lại chống việc tiến hành các hoạt động tại nơi này hay nơi kia trên thế giới để phấn đấu cho một “lý tưởng” đáng mơ ước nhưng khó thực hiện. Có vẻ như càng ngày càng ít người hiểu được rằng, đối với người Mỹ và nhiều người khác, 70 năm qua là một thời hạn ân huệ của chính cái thế giới “đang hiện hữu”.
Giai đoạn hòa bình và thịnh vượng có thể làm cho con người quên mất bản chất thật sự của cái thế giới  “đang hiện hữu”; nó cũng ru ngủ con người với lòng tin là loài người đã đạt đến một cấp bậc sinh tồn cao hơn. Người ta công bố những kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy đã đến “giai đoạn chuyển hóa của các quan hệ quốc tế”, và “sự thay đổi biên giới bằng vũ lực” đã giảm mạnh “kể từ năm 1946″.
Nhưng liệu có phải ngẫu nhiên mà trào lưu đáng phấn khởi như trên đã xuất hiện sau khi trật tự thế giới kiểu Mỹ được tạo dựng sau Thế chiến thứ hai? Thật ra thì thế giới – như nó “đang hiện hữu”, là một nơi đầy nguy hiểm và nhiều khi rất tàn bạo. Hành xử của con người, và cả các quan hệ quốc tế, về cơ bản cũng chẳng có nhiều thay đổi. Ngay cả trong thế kỷ 21, vũ lực vẫn là phương tiện cuối cùng. Vấn đề được đặt ra không phải là các quốc gia có sẵn sàng sử dụng vũ lực hay không, mà là các quốc gia đó nghĩ rằng, nếu sử dụng vũ lực thì họ có bị trừng phạt hay không. Khi Vladimir Putin thấy rằng không thể đạt được những mục tiêu của mình tại Ukraine bằng phương tiện chính trị và kinh tế, ông ta đã dùng đến vũ lực vì tin rằng mình có thể làm như vậy. Chừng nào vẫn còn tin rằng hiệu quả cao hơn cái giá phải trả khi dùng vũ khí, ông ta sẽ tiếp tục sử dụng vũ lực. Suy tính này cũng không có gì đặc biệt. Trong cách nhìn như vậy, liệu Trung Quốc sẽ làm tất cả những gì nếu như họ không bị ngăn cản bởi một hàng rào nhiều cường quốc được sự hỗ trợ của Mỹ? Và cũng trong mối liên quan này: Nhật Bản sẽ làm gì nếu như nó sẽ mạnh lên nhiều và ít phụ thuộc hơn vào nước Mỹ? Hiện tại chúng ta chưa phải tìm trả lời cho câu hỏi này vì với vị thế thống lĩnh của Mỹ, chiếc hộp thần tai họa của Pandora vẫn còn được giữ kín.
Hệ thống thế giới là một đan kết chặt chẽ của các tương quan sức mạnh, trong đó mỗi một quốc gia – từ lớn nhất cho tới nhỏ nhất, luôn phải ghi nhận một cách tinh vi những biến động và quấy rối. Từ 1945, và nhất là từ 1989, mối đan kết này đã được tạo ra để choàng vào nước Mỹ. Các đồng minh quan sát thái độ của Mỹ và tìm cách đánh giá độ tin cậy của nó. Các quốc gia cảm thấy bị Mỹ chèn ép hay đe dọa thì soi tìm những chỉ dấu tăng giảm về sức mạnh và quyết tâm của nó. Và khi nước Mỹ có vẻ như lùi bước, thì các đồng minh của nó an lòng trong khi các quốc gia khác hoan hỉ chờ cơ hội.
Trong những năm qua, thế giới đã tiếp nhận những tín hiệu cho thấy người Mỹ không còn muốn tiếp tục gánh vác trên vai sức nặng của trách nhiệm toàn cầu. Mới đây, khi nói về chuyện tiến quân vào Syria, Tổng thống Obama tuyên bố: “Đó không có nghĩa là việc này không đáng làm. Nhưng sau một thập niên chiến tranh, nước Mỹ đã tiến tới giới hạn của mình.”
Đến hôm nay thì những chỉ dấu sụp đổ của trật tự thế giới đã xuất hiện ở khắp nơi. Khi Nga tiến quân vào Ukraine và thâu tóm Krym, thì đây là lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến hai, một quốc gia châu Âu đã xâm chiếm lãnh thổ của nước khác. Nếu Iran chế tạo bom nguyên tử, các nước khác bắt buộc phải làm theo. Iran, Saudi Arabia và Nga tiến hành chiến tranh uỷ nhiệm tại Syria, giết hại cho đến nay là 150.000 người và làm cho hàng triệu người phải phiêu bạt. Và những sự kiện mới đây tại Syria và Iraq đang làm tăng khả năng hình thành một nhà nước Thánh chiến Hồi giáo tại trung tâm Cận Đông, một nhà nước không chấp nhận biên giới. Nếu trào lưu này tiếp diễn thì trong tương lai gần, chúng ta sẽ có nhiều chiến tranh về lãnh thổ hơn, nhiều bạo lực vì sắc tộc và tôn giáo hơn, và sẽ nhìn thấy một thế giới vị tự do càng ngày càng thu hẹp.
Câu hỏi là nước Mỹ phải phản ứng ra sao. Liệu nước Mỹ sẽ còn sống sót khi Syria vẫn ở trong tay của Assad hay – có khả năng hơn, là Syria sẽ bị phân rã và trong vòng hỗn loạn,  quân Thánh chiến sẽ kiểm soát thêm nhiều vùng đất mới? Liệu nước Mỹ sẽ còn sống sót nếu như Iran có trong tay bom nguyên tử và để đáp lại thì sẽ xuất hiện những quả bom như vậy tại Saudi Arabia, tại Thổ Nhĩ Kỳ và tại Ai Cập? Liệu nước Mỹ sẽ còn sống sót trong một thế giới mà trong đó nước Nga thống lĩnh Đông Âu, không phải chỉ là ở Ukraine, mà ở cả vùng Baltic và có thể là cả Ba Lan?
Tất nhiên là nước Mỹ có thể còn sống sót. Có thể việc can thiệp thực tế là không bức thiết. Nước Mỹ vẫn có thể làm ăn buôn bán với một Trung Quốc nắm quyền thống lĩnh và cũng có thể tìm thấy một phương thức thỏa thuận chung sống với một đế quốc Nga tái hùng cường. Rồi sẽ như trong quá khứ, người Mỹ sẽ là những người cuối cùng phải chịu nỗi đau khi trật tự thế giới sụp đổ. Và khi họ thực sự cảm nhận được nỗi đau đó thì đã là rất muộn.
Nhà nghiên cứu chính trị Mỹ Robert Osgood, có thể được coi là tư tưởng gia chính trị thực tiễn thông minh nhất của thế kỷ vừa qua, khi nhìn lại thời kỳ trước Thế chiến hai đã phát hiện ra một điều kinh hoàng: Những định nghĩa thuần thực dụng về “lợi ích quốc gia” là hoàn toàn không đủ. Điều nghịch lý là chính những “người có lý tưởng” đã là những người phản ứng một cách “đặc biệt nhanh nhậy trước nguy cơ phát-xít đối với văn hóa và văn minh phương Tây”.  Lý tưởng chủ nghĩa là một “động cơ tinh thần không thể bỏ qua để con người có thể nhận ra những đòi hỏi bắt buộc của một chính sách quyền lực”. Điều này cũng chính là thông điệp của Roosevelt khi ông kêu gọi người Mỹ phải đứng lên bảo vệ “không những nhà cửa đất đai, mà cả lòng tin và tình người của họ”.
Có lẽ người ta lại phải khuyến khích người Mỹ làm như vậy ngay cả khi không có sự đe dọa của một Hitler mới. Nhưng lần này nước Mỹ sẽ không có một thời gian dài 20 năm để suy tính và quyết định. Thế giới biến chuyển nhanh hơn sức tưởng tượng của người Mỹ. Và sẽ không có một siêu cường dân chủ nào khác túc trực đằng sau sân khấu để cứu vãn thế giới nếu như nước Mỹ, siêu cường dân chủ duy nhất hiện nay, tỏ ra ngần ngại.

Nguồn: Robert Kagan: ”Die Welt wird zu gefährlichwenn Amerika den Führungsanspruch aufgibt“, Spiegel 26/2014
Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Việt Vinh & pro&contra

 http://www.procontra.asia/?p=4642

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Quốc hội không ra nghị quyết là rất nhất quán

Phạm Nhật Bình
Đến nay đã tròn 2 tháng kể từ khi Trung Quốc đóng cọc cái giàn khoan 981 vào tim người Việt Nam. Rồi liên tục tiếp theo đó là xây ào ạt căn cứ quân sự tại đảo Gạc Ma, xây "trường học" ở Hoàng Sa, phát hành bản đồ lưỡi bò 10 đoạn, và hàng ngày cho phi cơ tàu chiến quần thảo một vùng biển lớn quanh giàn khoan.
Người dân Việt Nam sôi sục chờ đợi nhà cầm quyền lần này phải có thái độ và hành động đối phó để tỏ rõ lòng cương quyết bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, đặc biệt khi họ mỗi lần trấn áp người dân biểu tình đều viện lý do "hãy để nhà nước lo". Sự sôi sục đó đã đụng phải bức tường kinh ngạc về thái độ im lặng hoàn toàn của "tứ trụ", của Bộ Chính Trị, của Hội nghị Trung Ương Đảng.
Chỉ đến khi có tin Quốc Hội khóa 13 bàn về vấn nạn giàn khoan, người dân mới lại hy vọng “cơ quan quyền lực cao nhất nước” này sẽ làm đúng vai trò đại biểu cho lòng dân. Đặc biệt sau khi có tin Quốc Hội Nhật ra nghị quyết lên án hành động của Bắc Kinh dù vùng biển Hoàng Sa không phải của Nhật thì ai cũng đinh ninh thái độ của Quốc Hội Việt Nam chắc chắn phải khá hơn
nhiều.
Nhưng đến ngày tuyên bố bế mạc 24/6/14, sự trông chờ ấy đã biến thành nỗi thất vọng ê chề. Không có một nghị quyết nào về Biển Đông cả, nhưng lại có nghị quyết về “Kéo dài thời hạn đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân”; nghị quyết về "Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí"; và nghị quyết về “Chất vấn và trả lời chất vấn”.
Các quan chức quốc hội liền được phân công giải thích vòng vo, chẳng hạn như một cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói: “Quốc hội Việt Nam chưa ra nghị quyết riêng về Biển Đông vì tình hình chưa đặc biệt nghiêm trọng”. Như thế nào mới đủ nghiêm trọng? Chuyện gia hạn thuê đất, tiết kiệm, và chất vấn đủ "đặc biệt nghiêm trọng" và nghiêm trọng hơn chuyện chủ quyền đất nước bị xâm phạm ư?
Càng giải thích vòng vo càng làm dân bực vì loại giải thích đó coi trí óc của dân quá tầm thường. Câu hỏi đầu tiên hiện lên trong đầu nhiều người là: nếu ngồi trong phòng lạnh, ngay tại thủ đô, và chỉ ra nghị quyết, tức là chỉ nói thôi mà giới lãnh đạo hiện nay cũng run rẩy, không dám nói, thì làm sao có cái gọi là "kiên quyết bảo vệ tổ quốc" chống lại hải quân Trung Cộng ở tận ngoài khơi xa xăm? Sự giả dối và hèn nhát chưa bao giờ hiện rõ tới như vậy.
Nhưng ngược lại, cũng có người ráng nhìn theo hướng lạc quan. Ít là lần này Quốc Hội còn được bàn đến chuyện Biển Đông. Nhiều người còn nhớ khi ông Nguyễn Phú Trọng còn làm chủ tịch Quốc Hội, chuyện Biển Đông luôn bị gạt ra khỏi nghị trình với lý do: "Không có diễn biến gì mới ở Biển Đông". Trong lúc ấy, hết tàu cá này đến ngư dân Việt khác bị "tàu lạ" đâm, bắt, đánh, bắn, và giết không khác gì hiện nay.
Xét cho cùng, trách riêng Quốc Hội cũng không mấy công bằng vì toàn bộ cơ chế của đảng CSVN đều như thế cả:
Thứ nhất, khác với Quốc hội Nhật hay Quốc hội Phi, các đại biểu do nhân dân nước họ bầu lên nên khi Trung Quốc đụng đến, họ đều phản ứng quyết liệt và ra nghị quyết thể hiện quyết tâm của đại đa số cử tri. Quốc hội Việt Nam ngay trong định nghĩa đã là cây kiểng trang trí của đảng CSVN, với hầu hết các đại biểu là đảng viên CSVN và một số rất ít còn lại cũng phải do đảng đề cử. Và khi chủ quyền bị công khai lấn chiếm như hiện nay mà từ Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, và toàn thể Bộ chính trị đều không dám lên tiếng, hoặc chỉ thầm thì vài câu bá vơ với vài tổ dân phố, thì ai tại Quốc hội dám ra nghị quyết?
Thứ hai, chỉ có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bạo miệng được một câu tại Philippines rằng: “…nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó” mà sau đó phải mất biết bao nhiêu quan chức và trang mạng của nhà nước chạy theo để ráng xóa nhòa đi, gỡ gạc lại, và ráng bày tỏ lòng hối hận đã lỡ nói như thế. Thật vậy, trang điện tử của chính phủ đã đăng liền bài thương tiếc "chén nước đầy tình nghĩa bị đổ đi"; Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (tức Văn phòng Thủ tướng) Nguyễn Văn Nên ráng gỡ gạc lại giùm sếp: Việt, Trung "vẫn có thể ngồi lại với nhau được", v.v... Rồi khi Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì sang Việt Nam, đích thân Nguyễn Tấn Dũng phải xin "làm lành", phải bắt báo đài đăng hình ôm hôn thắm thiết Dương Khiết Trì, đúng với hình ảnh "đứa con hoang đàng trở về nhà". Nếu Nguyễn Tấn Dũng lỡ lời mà đã phiền đến thế, thì làm sao để cho Quốc hội bạo miệng được?
Thứ ba, sự ngần ngại, sợ hãi trong nội bộ lãnh đạo đảng CSVN càng gia tăng sau khi Bắc Kinh ra chỉ thị "BỐN KHÔNG ĐƯỢC" vào ngày 17/6/2014, tức một ngày trước khi họ Dương đến Việt Nam, bao gồm:
1. Không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo trên Nam Hải (Biển Đông).
2. Không được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận ở Việt Nam về chủ quyền Trung Quốc ở Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa).
3. Không được lôi kéo các nước khác can thiệp vào Nam Hải (Biển Đông).
4.Không được phá bỏ mối quan hệ Việt Trung sau 20 năm bình thường hóa quan hệ.
Liền sau chỉ thị Bốn Không Được này, lãnh đạo đảng đã cho hàng ngũ đảng viên học tập gấp rút để quán triệt quan điểm: Chống Tàu là thua; Phải biết sợ Tàu thì mới sống còn; Nhất quyết không để xung đột xảy ra v.v... Thế thì làm sao Quốc hội được phép tỏ thái độ "không sợ Tàu" hay "hỗn với Tàu" qua một nghị quyết chính thức được?
Thứ tư, khi chính ông Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, người đứng đầu quân đội của một nước, mặc quân phục, đeo hàm tướng và huy chương đầy ngực, đã làm tấm gương lớn về lòng sợ hãi ngay giữa hội nghị quốc tế Shangri-la ở Singapore với lời ca ngợi “quan hệ đôi bên vẫn tốt đẹp” sau vài chuyện lục đục nhỏ trong gia đình, thì bảo sao các bộ trưởng và các ủy viên trung ương không-quân-sự khác lại không sợ xanh mặt khi nhắc tới Bắc Kinh? Và tất cả các bộ trưởng, các ủy viên Trung ương đảng đó đều là đại biểu quốc hội cả, thì quốc hội kiếm đâu ra ai có gan để bỏ phiếu cho nghị quyết?
***
Dĩ nhiên, lãnh đạo đảng biết là dân biết đảng đang sợ. Lãnh đạo đảng rất nhạy cảm về mặt này và nhất quyết không để dân vì thấy lãnh đạo đang sợ Tàu mà nhân thể lấn tới.
Nên để bù lại, các cấp cai trị từ lãnh đạo trung ương xuống đến cậu công an phường trong thời gian gần đây đều gia tăng mức độ hằn học, nỗ lực tích cực chứng minh hàng ngày rằng ĐẢNG CHỈ SỢ TRUNG QUỐC CHỨ QUYẾT KHÔNG SỢ DÂN -- quyết không để dù chỉ một người dân ra đường lớn tiếng phản đối Trung Cộng xâm lược.