Trí thức và cách mạng – Nhà thơ Syria Adonis trả lời phỏng vấn
Tháng 9 9, 2013
Phạm Thị Hoài dịch và giới thiệu
Trước một biển thông tin về Nội chiến
Syria và Mùa Xuân Ả-rập, càng đọc càng bối rối, với kiến thức ít ỏi về
khu vực thế giới vốn xa lạ với người Việt này tôi tìm tư vấn ở Adonis,
một trí thức Syria khả kính, được coi là nhà thơ Ả-rập đương đại quan
trọng nhất hiện còn sống, ứng viên thường trực cho Giải Nobel Văn
chương, người không ngừng chất vấn cả văn hóa và xã hội Ả-rập truyền
thống lẫn văn hóa và xã hội phương Tây hiện đại. Song khóa tư vấn mà tôi
theo đuổi từ nhiều tháng nay lại đặt ra những câu hỏi mới, trong đó nổi
bật lên chủ đề “Trí thức và Cách mạng”.
Adonis (sinh năm 1930, sống lưu vong tại Paris) viết cho một cột thường kì trên Al-Hayat,
tờ báo hàng đầu của khu vực Ả-rập, tập hợp nhiều trí thức Ả-rập cởi mở.
Uy tín và trọng lượng tinh thần của ông khiến không chỉ những nhận định
mà trước hết là thái độ của ông trước những biến đổi rung chuyển thế
giới Ả-rập từ gần ba năm nay được đặc biệt chú ý. Thái độ ấy, tóm tắt
thật ngắn gọn như sau: Từ chỗ dè dặt bày tỏ cảm tình với Mùa Xuân Ả-rập,
ông chuyển dần sang hoài nghi, cảnh báo, phê phán và gần đây nhất, ông
tuyên bố thẳng là mình không đứng về phía “cách mạng”, tức quân nổi dậy
tại Syria. Thậm chí còn có dư luận rằng ông bênh vực nhà độc tài Assad.
Có vẻ như Adonis không phải là trường hợp cá biệt. Phần lớn các trí thức
và văn nghệ sĩ Ả-rập đã thành danh và không còn trẻ, những người từng
đi đầu, từng là những nhân vật nổi loạn trong văn hóa và nghệ thuật,
từng có ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống tinh thần ở các quốc gia khu
vực này, nay dường như không theo kịp tốc độ của các sự kiện chính trị
đang diễn ra. Hầu như không một ai trong số họ đóng một vai trò nổi bật
trong Mùa Xuân Ả-rập. Họ không nói cùng ngôn ngữ của các nhà cách mạng
trẻ tuổi và khó đi cùng cuộc cách mạng này.
Ở trường hợp Maxim Gorky,
người cũng có một quan hệ đầy xung đột với một cuộc cách mạng chống lại
ách chuyên chế: Cách mạng tháng Mười Nga, lịch sử cuối cùng đã trả lời
nhiều câu hỏi quan trọng cho những kẻ hậu sinh. Còn ở trường hợp Adonis,
lịch sử đang quá bận với chính nó. Nhưng bản thân các vấn đề từ Ả-rập
xa lạ lại gần với những câu hỏi trong bối cảnh chính trị Việt Nam đến
bất ngờ. Vì thế tôi giới thiệu bài phỏng vấn Adonis trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) sau đây, để nhường suy ngẫm cho người đọc.
Người dịch
_________________
FAZ: Khi Mùa Xuân
Ả-rập bắt đầu, ông có nói rằng: “Tôi không thể tham gia một cuộc cách
mạng xuất phát từ thánh đường Hồi giáo. Cái đó chẳng liên quan gì đến tự
do và dân chủ.” Sao ông bi quan thế?
Adonis: Không phải bi
quan, mà thực tế là như vậy. Nếu hệ thống chính trị được dựng trên một
nền tảng tôn giáo thì đó không phải là dân chủ. Hoặc chúng ta theo dân
chủ và sống trong tự do, hoặc chúng ta theo tôn giáo. Tôi chọn cái thứ
nhất – dân chủ và tự do. Nhưng thế không có nghĩa là tôi chống tôn giáo.
Tôi rất tôn trọng cái tín ngưỡng mà cá nhân mỗi người thực hành từ xác
tín của riêng mình. Nhưng khi chúng ta phải tuân phục tôn giáo như một
thiết chế thì đó là độc tài. Bởi lẽ, còn có những người không theo tôn
giáo nào hay theo một tôn giáo khác. Một xã hội lấy luật lệ tôn giáo làm
nền tảng, theo tôi là một nền độc tài. Thậm chí còn tồi tệ hơn chế độ
độc tài quân sự.
Độc tài tôn giáo và độc tài quân sự khác nhau ở điểm nào?
Độc tài quân sự kiểm soát bộ óc và tư
duy chính trị của ta. Thế đã là tệ lắm rồi. Nhưng độc tài tôn giáo thì
kiểm soát bộ óc, trái tim, tâm hồn và cả thân thể ta, tức toàn bộ cuộc
đời ta. Hiển nhiên cả hai kiểu độc tài này đều phi dân chủ.
Có nghĩa là khi tôn giáo thực thi quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước thì nó phi dân chủ?
Còn tệ hơn thế. Không chỉ phi dân chủ mà
đơn giản là bất công. Tôn giáo bắt mọi nhóm trong xã hội phải chấp hành
những nghĩa vụ như nhau, nhưng lại không cho hưởng những quyền lợi
giống nhau. Ví dụ, vì sao theo luật lệ Hồi giáo thì một người đàn ông
Hồi giáo được phép cưới một phụ nữ Thiên chúa giáo, nhưng một người đàn
ông Thiên chúa giáo lại phải cải đạo theo Hồi giáo mới được cưới một phụ
nữ Hồi giáo? Vì sao ở những nước đậm nét Hồi giáo hoặc Hồi giáo thống
trị thì người Hồi giáo được đảm nhiệm chức bộ trưởng hay những chức vụ
quan trọng khác, còn người Thiên chúa giáo thì không? Ở một số quốc gia
nhất định, cái quyền đó chỉ thuộc về người Hồi giáo. Đó là cưỡng hiếp,
là xử tử quyền công dân. Nếu quyền lực chính trị dựa duy nhất vào tôn
giáo và xã hội được cai trị nhân danh tôn giáo thì mọi quyền dân sự bị
vô hiệu hóa. Tín đồ Hồi giáo khẳng định rằng đạo Hồi là bảo hiểm cho tự
do. Nhưng tôn giáo không bảo đảm và cũng chẳng bảo hiểm tự do cho bất kì
ai, tuyệt đối không có ngoại lệ! Chức năng ấy chỉ thuộc về Tuyên ngôn
Nhân quyền, và chỉ một Hiến pháp mới bảo đảm cho tôi quyền tự do của tôi
mà thôi. Nền dân chủ ở các nước Ả-rập chỉ có thể đạt được bằng những
quyền lực nhà nước thế tục và dân sự, trên cơ sở bình đẳng về quyền công
dân và tách nhà nước khỏi nhà thờ.
Vậy giải pháp là tách nhà nước khỏi nhà thờ?
Đương nhiên. Không tách ra như vậy thì
không thể xây dựng một xã hội hiện đại. Nếu mục tiêu là thiết lập một xã
hội “Ả-rập” tự do và dân chủ thì mọi nhóm thiểu số và bất đồng chính
kiến đều phải được thừa nhận vô điều kiện. Chỉ như vậy mới tạo lập được
một xã hội tiến bộ và hội nhập với thế giới. Tách nhà nước khỏi nhà thờ
không phải là chống đức tin của mỗi cá nhân. Mỗi người đều có quyền tín
ngưỡng, đó là tự do cá nhân. Trong chế độ dân chủ, tự do cá nhân phải
được tôn trọng.
Xã hội Ả-rập hiện tại có thích hợp cho việc tách nhà nước khỏi nhà thờ không?
Đáng tiếc là không. Nhưng đó là hiện thực.
Vì sao?
Vì những xã hội này vẫn tiếp tục nói
tiếng nói của những triều đại Caliphate và nguyên lí chinh phục vẫn tồn
tại. Chỉ riêng cái cách phân một xã hội thành đa số và thiểu số theo
quan niệm tôn giáo đã cho thấy các cấu trúc phi dân chủ của nó.
Đã bao giờ xã hội Ả-rập trải qua một chế độ dân chủ trong lịch sử chưa?
Chưa bao giờ. Từ 1500 năm nay người
Ả-rập chúng tôi giậm chân tại chỗ. Trong mười lăm thế kỉ ấy, khát vọng
chủ đạo của chúng tôi là giành quyền lực chính trị mà không hề đếm xỉa
đến những biến đổi theo hướng tiến bộ xã hội. Thay nhân sự ở thượng tầng
quyền lực, nhưng đổi nền móng thì không. Chẳng ai thử xoay chuyển xã
hội. Chẳng ai tìm đường cải thiện những phát triển trong văn hóa và xã
hội. Chẳng ai tìm kiếm những khả năng biến một người Ả-rập thành một con
người hiện đại.
Phong trào được mệnh danh là Mùa Xuân Ả-rập không phải là bước mở đầu cho tiến trình dân chủ hóa xã hội hay sao?
Sau chính biến, có thể chúng tôi sẽ có
một chính phủ ít tàn bạo hơn chính phủ trước hoặc chỉ đơn thuần là có vẻ
ít tệ hại hơn. Vì thế mà tôi phải nhấn mạnh rằng không thể có dân chủ
với một hệ thống dựa trên tôn giáo.
Phe đối lập ở Syria đòi tự do và dân
chủ. Một số người cũng đưa ý tưởng về xã hội dân sự ra để thảo luận. Đó
không phải là viên gạch xây nên một xã hội dân sự hiện đại hay sao?
Những chuyện đang được bàn luận trong xã
hội Ả-rập đó không có ý nghĩa gì hết. Phe giải phóng thậm chí chưa bao
giờ nhắc đến khái niệm “tách nhà nước khỏi nhà thờ” trong các cương lĩnh
chính trị của họ. Một khái niệm mà cũng sợ thì cách mạng cái nỗi gì?
Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo có tuyên
bố rằng hòm phiếu sẽ quyết định, ai sẽ cầm quyền ở đất nước này trên nền
tảng dân chủ. Tuyên bố ấy khả tín đến mức nào?
Hoàn toàn không. Họ có chấp nhận để một
người Thiên chúa giáo lên làm Tổng thống Syria không? Họ có chấp nhận
một Tổng thống Ai Cập theo Thiên chúa Coptic không? Không. Vì cái giáo
điều phân chia xã hội thành đa số và thiểu số tôn giáo vẫn ngự trị trong
não trạng họ.
Nhưng trong chế độ dân chủ thì mọi chính đảng đều có thể ra ứng cử.
Tôi tán thành tuyển cử tự do và tôi tôn
trọng chế độ dân chủ. Tôi sẽ đi bỏ phiếu, nhưng tất nhiên là không bầu
cho Huynh đệ Hồi giáo. Tôi cực lực phản đối việc họ gây ảnh hưởng trong
chính trị. Đáng tiếc là trong một số trường hợp, bầu cử dân chủ không
phải là giải pháp, vì số đông cũng có thể chuyên chế, ngay cả khi nó
giành được chính quyền nhờ bầu cử tự do, hãy xem trường hợp Hitler.
Tín đồ Thiên chúa và các nhóm tôn
giáo khác ở Syria đứng ở vị trí nào trong cuộc cách mạng này? Ông bị coi
là người ủng hộ chế độ Assad?
Tôi phản đối sự quy chụp đó. Hơn nữa,
nếu phải tham gia cách mạng thì họ tham gia với tư cách những công dân
chứ không phải như những tín đồ Thiên chúa. Nhưng nghĩa vụ đó nằm ở thái
độ của bản thân họ, dù họ là người Thiên chúa giáo, người Alawite,
người Druze hay ai khác. Chính họ nên chống lại việc phân biệt, chẳng
hạn giữa các nhà cách mạng Hồi giáo và các nhà cách mạng Thiên chúa
giáo. Trong Hội đồng Quốc gia hoặc trong Liên minh Quốc gia, những người
Thiên chúa giáo nên lấy tư cách đại diện cho nhân dân Syria chứ không
phải đại diện riêng cho tín đồ Thiên chúa. Lời kêu gọi tham gia cách
mạng với tư cách một thiểu số tôn giáo – trong thực tế – chẳng khác gì
một sự kì thị.
Trí thức Ả-rập nói chung có đóng vai trò gì trong biến chuyển này không?
Tất nhiên là có. Những điều đang diễn ra
tại Syria và các nước Ả-rập khác đều hình thành từ những ý tưởng,
nguyện vọng và hình dung về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những ý tưởng đó
không bỗng nhiên tuôn ra. Nhiều nhà văn và trí thức Ả-rập đã lên tiếng
cho tự do và dân chủ. Nhờ đó mới có một phong trào xuất phát từ bối cảnh
chính trị.
Vì sao ông không đứng về phía cách mạng?
Cuộc cách mạng hiện tại này thì làm sao
tôi ủng hộ được? Thử hỏi, cương lĩnh chính trị của nó là gì? Lúc đầu, nó
là cuộc cách mạng đòi tự do dân chủ, diễn ra trong hòa bình. Bây giờ
thì nó đầy bạo lực. Nó đã trở thành một cuộc bạo loạn vũ trang. Trong
hàng ngũ cách mạng có lính đánh thuê từ đủ thứ quốc gia Hồi giáo khác
nhau. Còn vũ khí thì do Qatar, Ả-rập Saudi và Hoa Kỳ cung cấp. Nó không
còn là cách mạng. Nó chỉ là một tập hợp những nhóm bạo loạn riêng lẻ
muốn lật đổ chính quyền. Làm sao tôi có thể ủng hộ cái thứ đó được?
Còn vai trò của phương Tây trong Khủng hoảng Syria hiện tại?
Trong vụ này, phương Tây xử sự như một
kẻ hoàn toàn không biết gì. Phương Tây không thiếu chuyên gia và nhà tư
vấn, nhưng họ không thật sự đóng góp để làm sáng tỏ hiện trạng. Họ chỉ
đưa ra những thông tin bề mặt. Đây là tôi đang nói về lĩnh vực chính
trị. Nhiều trí thức phương Tây nắm vững tình hình chính trị, nhưng họ
không phải là những người ra quyết định. Thêm vào đó, trước hết là trong
những vấn đề chính trị nhưng trong cả những vấn đề văn hóa cũng vậy,
phương Tây đối xử với các nước Ả-rập và với Hồi giáo không mấy tương
kính. Hiện nay phương Tây đang rơi vào khủng hoảng kinh tế. Và phần lớn
các nước Ả-rập đều giầu. Cho nên phương Tây sẽ làm tất cả để giải quyết
các vấn đề kinh tế của mình, dù có phải vi phạm những thành tựu văn hóa,
những nguyên tắc dân chủ và nhân quyền của mình.
Vì sao cho đến nay vẫn chưa có một giải pháp chính trị nào?
Có một số thế lực, cả bên trong lẫn bên
ngoài, phản đối một giải pháp chính trị. Vì thế mà bạo lực leo thang.
Phe cách mạng là những người đầu tiên phản đối một giải pháp chính trị.
Họ được tài trợ bằng tiền của một số quốc gia không hề muốn cảnh bạo
loạn ở Syria kết thúc. Một số thế lực bên ngoài muốn thấy xã hội Syria
bị tàn phá, đất nước Syria bị suy yếu vì kiệt quệ nguồn nhân lực và tài
lực. Một số quốc gia còn hô hào phải can thiệp bằng quân sự để Syria suy
yếu. Bởi lẽ, một đất nước bị suy yếu và chia cắt thì không có gì để ra
điều kiện bên bàn đàm phán. Nó phải chấp nhận áp đặt của kẻ khác.
Vậy là có khả năng rằng Syria sẽ bị chia thành nhiều nước?
Mọi thứ đều có thể. Nó phụ thuộc vào vai trò của các cường quốc thế giới ở Syria.
Một số nước phương Tây đang đe là sẽ can thiệp quân sự vào Syria.
Tôi không tin điều đó sẽ xảy ra. Syria
là một tổng thể phức tạp: Ả-rập Saudi, Qatar và Thổ Nhĩ Kì muốn nhân
danh một chế độ Hồi giáo ôn hòa để tập hợp cả một loạt quốc gia từ Maroc
đến Pakistan dưới trướng Hồi giáo Sunni. Từ đó sẽ hình thành một vùng
thống nhất mới, trải dài từ Địa Trung Hải, qua Caucasus đến tận biên
giới Nga. Hệ quả sẽ là, một mặt cô lập được Nga, mặt khác ngăn chặn được
ảnh hưởng của Hồi giáo Shia. Ngoài ra còn công cụ hóa được cả người Hồi
giáo ở Nga và ở Trung Quốc. Còn Nga và Trung Quốc thì lại theo đuổi
những quyền lợi riêng ở Syria. Xung đột ở đây vì thế hết sức phức tạp.
Syria giáp với Thổ, Địa Trung Hải, Lebanon, Israel, Jordan và Iraq. Từ
đây cũng có thể tiến thẳng vào các vùng của người Kurd. Ả-rập Saudi, các
nước vùng Vịnh Ba Tư, Iran về hướng Trung Á, Ai Cập về hướng châu Phi
cũng như Đảo Cyprus và Hy Lạp về hướng châu Âu đều không xa. Nếu can
thiệp quân sự xảy ra, có khả năng Syria sẽ rơi vào tay các thế lực thánh
chiến Hồi giáo. Họ sẽ gây ảnh hưởng với toàn bộ những khu vực vừa kể.
Phương Tây có thực sự chịu chấp nhận như vậy không? Tôi tin là không.
Nguồn: FAZ, 28-8-2013. Nhan đề của người dịch.
Bản tiếng Việt © 2013 pro&contra
http://www.procontra.asia/?p=3224
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét