Lê Phan
Thời thập niên 1960, một thuyết về nguồn gốc con người được
phổ biến giải thích sự tàn nhẫn, bản năng sát nhân của con người là vì chúng ta
phát xuất từ một nòi khỉ giết người, một giống killer apes.
Bộ xương tìm thấy được ở một địa điểm tên là Mán Bạc thuộc tỉnh
Ninh Bình. Ðây là bộ xương của một thanh niên hoàn toàn tàn tật sống cách đây
4,000 năm.
Kể ra so với những gì chúng ta mới được nghe thấy trong vụ
thảm sát ở Newtown, Connecticut, khi mà cảnh sát không dám cho phụ huynh nhân
diện con cái mình vì thi thể của các em đầy vết đạn, thì quả cái lý thuyết về một
nguồn gốc của một loài khỉ sát nhân cũng có lý lắm thay. Ngay cả trong đến loài
vật, chuyện một con vật trưởng thành giết những con vật còn nhỏ là một chuyện
hiếm có. Bản năng sinh tồn đòi hỏi mọi loài phải bảo vệ cho những gì sẽ tiếp nối
tương lai, thành ra hành động tàn nhẫn giết hại 20 em nhỏ đó quả là đi ngược lại
cả thiên nhiên.
Nhưng con người không phải chỉ biết có cái ác. Kế bên kẻ bắn
người là những người như bà hiệu trưởng, cô giáo, nhân viên ban giảng huấn, sẵn
sàng đem tính mạng ra che chở, tìm đủ mọi cách để che giấu, bảo vệ cho đám học
trò của mình. Họ là những người đã chứng minh là con người không phải chỉ biết
cái ác mà còn biết cái thiện nữa.
Mà bản chất thiện đó đã xuất hiện từ thời thượng cổ chứ
không phải là một hiện tượng của cái mà chúng ta gọi là thời văn minh hiện đại.
Hôm đầu tuần tôi chợt để ý đến một bài trên tờ New York
Times viết về khảo cổ. Lý do đầu tiên làm tôi chú ý là vì cuộc tìm kiếm khảo cổ
này xảy ra ở Việt Nam. Nằm trong khu vực của vùng mà các nhà khảo cổ gọi là Văn
hóa Phùng Nguyên, tập trung ở vùng châu thổ sông Hồng là chính. Bài báo mở đầu
như sau “Trong khi quả là một sự thật đau thương là tàn bạo và bạo động cũng cổ
như nhân loại nhưng có vẻ là chăm sóc cho người đau ốm, tàn tật cũng cổ không
kém”.
Tờ báo kể là một số các nhà khảo cổ nay đang muốn tìm hiểu một
cách có hệ thống về những phương pháp mà người thời tiền sử chữa bệnh, và chăm
sóc sức khỏe cho nhau. Họ gọi môn nghiên cứu mới này là khảo cổ học về chăm sóc
sức khỏe. Khám phá đã dẫn hai nhà khảo cổ Lorna Tilley và Marc Oxenham của Viện
Ðại Học Quốc Gia Úc (Australian National University - ANU) là một bộ xương tìm
thấy được ở một địa điểm tên là Mán Bạc thuộc tỉnh Ninh Bình. Ðây là một bộ
xương của một thanh niên hoàn toàn tàn tật sống cách đây 4,000 năm.
Hầu hết những bộ xương tìm thấy ở Mán Bạc, một địa điểm chỉ
cách bờ biển khoảng 15 dặm, đều được đặt nằm thẳng. Những bộ xương số 9 tại khu
mộ cổ ngày được chôn cất cuộn lại như khi còn là bào thai. Khi cô Tilley, một
sinh viên cao học, và Giáo Sư Oxenham đào được bộ xương này lên vào năm 2007 để
quan sát thì lý do rất dễ hiểu. Với xương sốt bị dính vào với nhau, xương rất yếu
và những bằng cớ khác cho thấy người này đã được chôn cất đúng như thế nằm của
anh ta khi còn sống, co quắp, bị bệnh tật làm cho tàn phế.
Khảo sát kỹ hơn họ biết được là người này đã bị tê liệt từ
thắt lưng xuống trước khi thành niên, hậu quả của một bệnh bẩm sinh có cái tên
khoa học là hội chứng Klippel Feil. Người này không sử dụng được bao nhiêu cánh
tay của mình, và không thể tự ăn uống được cũng như không thể nào tự chăm sóc vệ
sinh cho mình được. Ấy vậy mà anh ta đã sống được thêm 10 năm nữa sau khi bị tê
liệt.
Họ kết luận là những người sống quanh anh ta, vốn sống một
cuộc sống của thời đại đồ đá, chưa biết đến kim loại, và sống bằng bắt cá, săn
bắn, và bắt đầu nuôi những con heo rừng vừa mới được thuần hóa, đã bỏ thời giờ
ra và chăm sóc cho mọi đòi hỏi của người này.
Trường hợp của người thanh niên này, và một trường hợp tương
tự, tuy không tàn phế và bệnh tật bằng, đã làm cho cô Tilley và Giáo sư Oxenham
đặt câu hỏi về tầm mức của những câu chuyện như vậy. Câu hỏi họ muốn trả lời là
tầm vóc của những câu chuyện đó đến đâu, việc chăm sóc cho người đau yếu,
thương tật, cho chúng ta biết gì về nền văn minh đã cung cấp việc đó cho họ.
Họ trình bày khám phá của họ về mức độ tàn tật của bộ xương
mà họ đặt tên là Cốt số 9 trong một bài viết trên tập san Anthropological
Science năm 2009. Hai năm sau họ đã trở lại với hài cốt này để trực tiếp nghiên
cứu về chăm sóc sức khỏe. Trong tập san International Journal of
Paleonpathology, hai nhà khảo cổ viết “Việc cung cấp và nhận chăm sóc sức khỏe
do đó có thể phản ảnh một số những khía cạnh căn bản của một nền văn hóa.”
Trước đó trong năm, đề nghị một ngành nghiên cứu mà cô gọi
là “sinh khảo cổ học về chăm sóc sức khỏe”, cô Tilley viết là ngành này “có tiềm
năng cung cấp những nhận thức quan trọng và có lẽ độc đáo, về cuộc sống của những
người được nghiên cứu”. Trong trường hợp của Cốt số 9, cô nói, không những sự
chăm sóc cho thấy một mức độ bao dung và hợp tác trong nền văn minh của người
này, mà có cho thấy bản thân người này có đầy đủ tự hào cũng như có đầy ý chí sống.
Cô Tilley bảo nếu người đó không muốn sống thì những chăm sóc của người xung
quanh không đủ để người đó sống lâu đến thế.
Cô Tilley tuy vậy nói cô không phải là nhà khảo cổ đầu tiên
tìm thấy những bằng cớ của việc chăm sóc sức khỏe trong các cộng đồng thời tiền
sử. Theo cô, có khoảng 30 vụ mà trong đó bệnh tật nặng đến nỗi người đó phải được
chăm sóc nếu không thì không thể sống nổi. Và cô tin là còn nhiều những trường hợp
như thế chưa được khám phá ra.
Những trường hợp được ghi nhận hiện nay có một người
Neanderthal, Shanidar 1 ở một địa điểm ở Iraq khoảng 45,000 năm trước. Người
này sống đến khoảng 50 tuổi mặc dầu cụt một tay, mù một mắt và còn nhiều thương
tích nữa. Một trường hợp nữa là cậu bé ở Windover cách đây 7,500 năm, tìm thấy ở
Florida. Cậu bé này đã có xương sống bị tật, một căn bệnh có nghĩa là cậu ta
không thể sống sót được nếu không có sự chăm sóc. Cậu sống được đến 15 tuổi mới
chết. Hai nhà khảo cổ D. N. Dickel và G. H. Doran của Viện Ðại Học Florida
State đã viết bản phúc trình đầu tiên về vụ này năm 1989. Họ kết luận là khác với
những khuôn mẫu mà chúng ta bình thường gán cho người tiền sử, “trong một số điều
kiện cuộc sống cách đây 7,500 năm bao gồm cả khả năng và sự sẵn lòng giúp đỡ và
nuôi dưỡng những người bị bệnh kinh niên và bị tàn tật”.
Trong một vụ nổi tiếng khác, bộ xương của cậu bé Romito 2,
được tìm thấy ở Ý năm 1980, cho thấy cậu bị một hình thức bệnh lùn nặng khiến cậu
bé có tay rất ngắn. Cậu sống cách đây 10,000 năm. Bộ tộc của cậu là dân du mục
và họ sống nhờ săn bắn hái lượm. Cậu không cần phải chăm sóc nhưng bộ tộc cũng
đã có vẻ chấp nhận là có một người không thể chạy nhanh bằng hay có thể tham
gia săn bắn như những người khác.
Cô Tilley có lý do để chú ý đến chăm sóc sức khỏe. Cô học
tâm lý học và đã làm trong ngành y tế nghiên cứu kết quả trị liệu trước khi
quay sang khảo cổ học. Nghề cũ làm cô chú ý đến trường hợp của hài cốt số 9.
Sau khi đọc xong bài báo của New York Times, tôi tìm đọc những
tài liệu khác của cô Tilley. Dĩ nhiên những lý luận của nhà khảo cổ này rất lý
thú, nhưng điều còn làm tôi lý thú hơn là một sự tự hào trong bản chất của con
người Việt Nam ngày nay của chúng ta còn có di sản của một khả năng chăm sóc
nuôi dưỡng cho người bệnh. Cốt số 9 sống ở giai đoạn trước cả thời Hùng Vương,
trong một nền văn minh đồ đá, trong một cuộc sống hẳn sẽ rất bấp bênh và khó
khăn. Nhưng gia đình, bộ tộc đã không chịu bỏ rơi đứa con tật nguyền. Từ tâm đó
cũng là một phần của bản chất con người và nhất là bản chất con người Việt Nam
vậy.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét