Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012



Những gì đã thực sự xảy ra tại Việt Nam: Miền Bắc, Miền Nam, và sự thất bại của Mỹ

Tháng 12 2, 2012
Frederik Logvall 
Trần Ngọc Cư dịch
Bài tiểu luận này chủ yếu bình luận về cuốn Hanoi’s War (Cuộc chiến của Hà Nội) của sử gia người Mỹ gốc Việt Liên Hằng T. Nguyễn, nhưng qua đó tác giả Frederik Logvall cũng điểm lại một số quan điểm sử học thịnh hành về cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Cho đến nay, những sách nghiên cứu về Chiến tranh Việt Nam (hay Chiến tranh Mỹ tại Việt Nam) đều xoay quanh vị trí trung tâm của Mỹ trên chiến trường này và được viết bởi các tác giả Mỹ là chính. Theo Logvall, tính đột phá của Hanoi’s War là nhìn cuộc chiến qua tiến trình hoạch định chiến lược của Hà Nội, đặt cặp bài trùng Lê Duẩn và Lê Đức Thọ vào vị trí trung tâm của tiến trình này, đồng thời mô tả Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp như những nhân vật đang bị đào thải ra vị trí bên lề trong giai đoạn cuối của cuộc xung đột. Trở ngại chính của Liên Hằng T. Nguyễn khi cố gắng đưa ra sử quan mới của mình là bà không tiếp cận được các nguồn tư liệu trực tiếp (primary sources), tức các hồ sơ lưu trữ của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, hay các nguồn tin cấp cao. Ở điểm này, chắc chắn bà Liên Hằng cũng chia sẻ nỗi khổ tâm của các sử gia Việt Nam nếu họ có tham vọng viết về “Chiến tranh Mỹ tại Việt Nam”, Chiến tranh Biên giới Việt-Trung, v.v… dưới ánh sáng sử học như một khoa học khách quan và lạnh lùng chứ không phải là một công cụ tuyên truyền của giới thống trị.
Trần Ngọc Cư
____________
Trong Lễ Chiến sĩ Trận vong năm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đánh dấu năm thứ 50 ngày bắt đầu Chiến tranh Việt Nam với một bài diễn văn tại Đài Tưởng niệm Chiến binh Mỹ hi sinh tại Việt Nam(Vietnam Veterans Memorial). “Ngay cả hiện nay, các sử gia cũng không thể đồng ý với nhau là Chiến tranh Việt Namđã bắt đầu ở thời điểm chính xác nào”, ông nói. “Nhưng nếu có một năm có thể minh họa cái bản chất đang thay đổi trong sự can thiệp của chúng ta, thì đó là năm 1962”. Sự lựa chọn thời điểm này cần phải được tranh luận. Thật ra, Mỹ đã tham dự sâu đậm trong nỗ lực chống lại cuộc chiến tranh nổi dậy do cộng sản lãnh đạo vào những năm cuối của thập niên 1950 và trước đó đã từng cung cấp vũ khí và tài trợ một nỗ lực đang thất bại của Pháp, nhằm chống lại các lực lượng cách mạng của Hồ Chí Minh. Các sử gia thường chọn khởi điểm của cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai – mà phía Việt Nam gọi là “Chiến tranh Mỹ” – vào năm 1959 hay 1960.
Tuy vậy, không ai hoài nghi rằng cam kết quân sự của Washington đã trở nên sâu đậm rõ nét vào năm 1962, khi những số lượng lớn gồm vũ khí, máy bay chiến đấu phản lực, máy bay lên thẳng, và xe thiết vận Mỹ ào ạt đổ vào Miền Nam, cộng thêm hàng ngàn cố vấn quân sự Mỹ. Cũng trong năm đó, Lầu Năm góc thiết lập một bộ chỉ huy chiến trường nghiêm chỉnh gọi là Bộ Tư lệnh Yểm trợ Quân sự tại Việt Nam (Military Assistance Command, Vietnam, gọi tắt là MACV) đặt dưới quyền chỉ huy của một viên tướng ba sao, Tướng Paul Harkins.
Nhưng các ký giả có mặt ở hiện trường đã hiểu rất rõ những gì đang diễn ra ở Miền Nam. “Mỹ đang tham dự một cuộc chiến tại Việt Nam”, đấy là câu mở đầu của một bài báo trên trang nhất tờ New York Times được viết bởi thông tín viên quân sự khả kính Homer Bigart; ông ghi nhận sự hậu thuẫn “nồng nhiệt và cứng cỏi” của Washington dành cho Tổng thống Miền Nam, Ngô Đình Diệm, và phỏng đoán rằng Mỹ “có vẻ đã cam kết ở mức độ không thể tháo gỡ đối với một cuộc chiến lâu dài không có hồi kết thúc”. Bigart trích dẫn Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Robert Kennedy, người đang trên đường đến Sài Gòn, khi ông này hứa rằng nước Mỹ sẽ hậu thuẫn Diệm “cho đến khi chúng ta giành được thắng lợi”.
Nhưng chiến thắng chẳng bao giờ đến. Bất chấp hơn nửa triệu lính Mỹ mà Tổng thống Lyndon Johnson gửi vào chiến trường Việt Nam và hơn 80 triệu tấn bom mà Không lực Mỹ dội xuống Việt Nam, Lào, và Campuchia từ năm 1962 đến năm 1973, Washington đã không đạt được mục tiêu cốt lõi: duy trì một Nam Việt Nam độc lập, không cộng sản trong một tương lai vô hạn định. Tháng Giêng 1973, các nhà thương thuyết Mỹ và Bắc Việt ký kết một hiệp định đình chiến tại Paris; hai tháng sau, những người lính bộ binh Mỹ cuối cùng rời khỏi Miền Nam. Cả hai miền Nam, Bắc tức khắc vi phạm hiệp định đình chiến, và chiến tranh trên qui mô lớn lại tiếp diễn. Ngày 29 tháng Tư, 1975 Chính phủ Miền Nam sụp đổ, và Việt Nam được thống nhất dưới một chính phủ cộng sản có thủ đô là Hà Nội. Vào thời điểm chấm dứt, cuộc chiến tranh này đã làm thiệt mạng từ ba đến bốn triệu người dân Việt, hàng trăm ngàn người Campuchia và Lào, và hơn 58 ngàn lính Mỹ. Hiện nay, Hanoi’s War (Cuộc chiến tranh của Hà Nội), một cuốn sách mới có tính mở đường của sử gia Liên Hằng T. Nguyễn, làm sáng tỏ tiến trình làm quyết sách đằng sau cuộc kháng chiến không hề nao núng của Miền Bắc, giúp độc gỉả hiểu rõ hơn tại sao cuộc chiến đấu đã kéo dài như thế và tại sao số người nói trên đã phải hi sinh.
Kết toán lịch sử
Hơn bốn thập niên qua, nhiều học giả, ký giả và những người viết hồi ký đã cố gắng lý giải Cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai đẫm máu này: nguồn gốc của nó, tiến trình leo thang của nó, sự kéo dài, và hồi kết thúc của nó. Các tác phẩm lấy Hoa Kỳ làm trung tâm được viết bởi các tác giả Mỹ đã khống chế thể loại văn chương này. Một thời gian dài trước khi các văn khố Mỹ được mở ra, các tác phẩm sử học nói trên đã đi đến một sử quan chính thống bao quát về những lý do của sự thất bại của Mỹ, đồng thuận về một số điểm then chốt: rằng sự can thiệp của Mỹ là sản phẩm của một sự thiếu am hiểu tình hình Việt Nam và một niềm tin đặt không đúng chỗ về tính hiệu quả của sức mạnh quân sự Mỹ, rằng các chính phủ liên tiếp của Miền Nam sau năm 1954 là độc tài và không được lòng dân, và rằng Washington do đó đã phạm phải sai lầm thảm hại là can thiệp vào một cuộc nội chiến giữa người Việt với nhau, trong đó phía bên kia đã khoác lên mình chiếc áo chính nghĩa dân tộc (nationalist legitimacy). Mặc dù quân đội Mỹ đã chiến đấu giỏi, nhưng rốt cuộc họ không thắng được cuộc chiến vì một lý do giản dị là, không thể dùng giải pháp quân sự ở đây. Cuộc chiến này chỉ có thể thắng bằng đường lối chính trị, nếu không thì nhất định không thắng nổi.
Bằng lý luận này, cuốn sách có ảnh hưởng cực lớn của David Halberstam, The Best and the Brightest (Những người tài giỏi và thông minh nhất), xuất hiện năm 1972, đã mô tả cái cung cách mà thái độ huyênh hoang và chủ quan tin tưởng rằng chiến thắng là tất yếu đã từng bước lôi kéo các lãnh đạo Mỹ vào “vũng lầy” Việt Nam. Và cùng một luận điệu, tác phẩm được giải Pulitzer, Fire in the Lake (Lửa trong hồ), của Frances FitzGerald, xuất bản cùng năm, tranh luận rằng người Mỹ đã dại dột can thiệp sai lầm vào lịch sử một dân tộc khác, mà trong bối cảnh đó sức mạnh quân sự của Mỹ cuối cùng đóng vai trò thứ yếu (irrelevant). Đối với Halberstam và FitzGerald, việc nói đến các chiến lược thay thế khả dĩ thành công của Mỹ là một điều sai lầm: không thể có một phương án lựa chọn tốt hơn.
Những tác phẩm sâu sắc khác, xuất hiện sớm hơn, vẫn còn giữ giá trị của chúng – đó là những cuốn sách của Chester Cooper, Han Morgenthau, Daniel Ellsberg, Paul Kattenburg, Joseph Buttinger, George Herring, và Bernard Fall, chẳng hạn. Phẩm chất của những tác phẩm này cho thấy rằng những cuốn sử xuất hiện đầu tiên, nếu được viết cẩn thận, cũng có thể đứng vững qua thời gian, thậm chí cả khi những nguồn tư liệu trực tiếp được giải mật (declassified) và các sử gia khác bắt đầu nghiên cứu. (Xin đưa ra một tiên đoán ở đây: điều này sẽ đúng với những tác phẩm nghiên cứu đầu tiên về Chiến tranh Iraq.)
Tuy vậy, sự xuất hiện hàng loạt sách nghiên cứu về Chiến tranh Việt Nam trong vòng 12 đến 15 năm qua đã thách thức những lý giải trước đó và khiến một số quan điểm không còn đứng vững. Chẳng hạn, ngày nay người ta không còn giữ luận điệu gay gắt như Halbertstam và sử gia Arthur-Schlesinger Jr., khi những tác giả này cho rằng các lãnh đạo Mỹ đã từng bước mù quáng sa vào một vũng lầy, cho đến một ngày nào đó họ trễ tràng nhận ra mình đang lâm vào một tình thế mà chính họ cũng không mong muốn: đó là một cuộc chiến tranh trên bộ tại châu Á. Trái với nhận định này, thật ra, mắt của các lãnh đạo Mỹ luôn rộng mở, và họ gần như hiểu được những hệ quả phức tạp và bất ngờ tiềm ẩn trong những lựa chọn của mình.
Hồ sơ lưu trữ nội bộ [nguồn tư liệu trực tiếp - ND] cũng không cho thấy nhiều bằng chứng về sự kiêu căng của lãnh đạo Mỹ, chí ít về các viễn cảnh quân sự tại Việt Nam. Ngay từ đầu, Tổng thống John F, Kennedy và Johnson, cùng với các trợ lý hàng đầu của họ, đều là những người thực tiễn và tỉnh táo về cuộc chiến. Mặc dù không phải là chuyên gia về lịch sử và văn hoá Việt Nam, họ cũng không phải là những kẻ ngu dốt như nhiều người trong phong trào phản chiến cố tình mô tả; họ biết rõ rằng Mỹ đang đối đầu với những thách thức dài hạn, thậm chí phải leo thang quân sự trên qui mô lớn (major military escalation). Trong vòng thân tín (và chỉ trong vòng thân tín mà thôi), đôi khi họ cũng thú nhận những điều không được phép nói ra (the impermissible): rằng thắng hay bại tại Việt Nam có thể không quá quan trọng đối với an ninh của Mỹ và phương Tây.
Tuy nhiên, Mỹ đã cam kết bảo vệ Miền Nam Việt Nam trước khi có chính quyền Kennedy và Johnson, và những nhà lãnh đạo này không còn lựa chọn nào khác hơn là duy trì sự cam kết đó. Họ nhận ra những điều mà các vị tiền nhiệm của mình tại Nhà Trắng, cũng như một loạt lãnh đạo của Pháp đã nhận ra trước đó và những điều mà Tổng thống Richard Nixon sẽ nhận ra sau này: rằng tại Việt Nam, con đường ít bị chống đối nhất trước mắt, đặc biệt trong vấn đề chính trị nội bộ, là giữ thái độ cứng rắn với hi vọng trong một cách nào đó cuối cùng tình hình sẽ trở nên tốt đẹp – hay chí ít, được giao lại cho người kế vị, như trong một trò chơi đùn đẩy trách nhiệm mà người thua cuộc là kẻ bắt phải con bài xấu trên tay (the game old maid).
Xét lại lịch sử
Những tác phẩm mới cũng thách thức quan niệm chính thống trước đây trên nhiều luận điểm khác. Vấn đề ai là người trong các lãnh đạo thù nghịch nhau tại Việt Nam thật sự có chính nghĩa dân tộc – một trong những ý niệm khó nắm bắt nhất trong khoa chính trị học – đã trở nên khó trả lời hơn trong những năm gần đây, khi mà các học giả duyệt xét lại chính phủ Miền Nam, đặc biệt dưới thời Ngô Đình Diệm, người chấp chính năm 1954. Hiện nay, nhiều người thấy rõ Diệm là một nhà yêu nước thông minh có một viễn kiến chi tiết về tương lai đất nước. Một số tác giả có khuynh hướng xét lại đã nới rộng lối lý luận này, cho rằng tính chính đáng (legitimacy) của Diệm trong tư cách một lãnh đạo Việt Nam có thể sánh với hay thậm chí vượt qua tính chính đáng của Hồ Chí Minh và rằng Diệm đang trên đường đi đến chiến thắng chống lại quân nổi dậy thì ông bị lật đổ và bị giết trong một cuộc đảo chính được Mỹ cho phép vào tháng Mười Một năm 1963.
Luận điểm này đã đi quá xa. Thật ra, qua thời gian, những khuyết điểm của Diệm trong vai trò lãnh đạo quốc gia – sự cứng đầu, thiển cận chính trị, và sự tùy tiện sử dụng các biện pháp đàn áp của ông – đã trở nên ngày một lộ liễu đối với người dân Việt Nam. Các quan chức Mỹ hoàn toàn biết rõ những hạn chế này của Diệm nhưng họ không tìm ra được một ai khá hơn để thay thế, nên đành phải tiếp tục hậu thuẫn ông, trong khi ảnh hưởng của Mỹ mỗi năm mỗi một yếu đi, mặc dù chế độ này hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ Mỹ. Với hầu hết mọi cách đánh giá, chính phủ Diệm đang thua trận vào thời điểm ông bị lật đổ, đó chính là lý do tại sao các quan chức Mỹ đã quyết định hậu thuẫn cuộc đảo chính.
Bàn về giai đoạn sau của cuộc chiến, các sử gia hiện nay thấy rõ rằng tình hình chiến sự đã trở nên sáng sủa hơn đối với các lực lượng Mỹ và Nam Việt Nam sau cuộc Tổng Tiến công Tết Mậu Thân của cộng sản năm 1968, tốt đẹp hơn các cuốn sử trước đây đã cho thấy. Nhiều đơn vị Việt Cộng đã bị tiêu diệt trong các trận đánh, và trong những tháng sau đó, chiến lược “tảo thanh và giữ đất” (clear and hold) của Tướng Creighton Abrams bằng cách kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ và bảo vệ dân chúng tại đó (một thay đổi từ chiến lược “lùng và diệt” được sử dụng bởi vị tiền nhiệm của Brams tại MACV, Tướng William Westmoreland) đã đạt được tiến bộ không thể tranh cãi.
Nhưng sự thành công này kéo dài được bao lâu thì vẫn còn chưa rõ; các công trình nghiên cứu chi tiết dựa vào các văn khố về chiến cuộc tại Miền Nam cũng chỉ mới bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, các chứng liệu hiện hữu không cho chúng ta đủ lý do để tin rằng chiến thắng nằm trong tầm tay của Mỹ. Điển hình là, mặc dù bị thiệt hại năng nề trong Tết Mậu Thân, Việt Cộng đã duy trì được khả năng tiến hành các cuộc tiến công trên toàn lãnh thổ. Thật vậy, gần như suốt năm 1969, Miền Nam đã chịu đựng cái gọi là những Mậu Thân cỡ nhỏ (mini-Tets) [“Mậu Thân đợt hai” như người Miền Nam thường gọi - ND]. Mặc dù những đợt tiến công này không bao giờ đe dọa làm sụp đổ chế độ Sài Gòn, nhưng chúng cho thấy rằng Việt Cộng vẫn còn là một lực lượng đáng nể sợ. Hà Nội gần như lấy lại sức sau thất bại Tết Mậu Thân bằng cách thay thế các lực lượng trong Nam bằng người Miền Bắc; người và vũ khí từ Miền Bắc vẫn tiếp tục xâm nhập Miền Nam.
Ít có quan chức cao cấp nào của Mỹ vào thời điểm này tin tưởng rằng tình hình quân sự đã vĩnh viễn nghiêng hẳn về phía có lợi cho Mỹ, lại càng không nghĩ rằng chiến thắng đang ở trong tầm tay của họ. Họ hiểu rằng những thắng lợi ở vùng quê tiếp theo sau Tết Mậu Thân được giới hạn tại một số vùng nhất định và không có nghĩa là dân chúng đang gia tăng hậu thuẫn đối với chính phủ Sài Gòn, một chính quyền vẫn tiếp tục bất lực, độc tài, và tham nhũng. Việc sử dụng hỏa lực dữ dội, vốn được coi là thiết yếu cho chiến lược tảo thanh và chiếm giữ lãnh thổ, không giúp ích gì cho nỗ lực tranh thủ nhân tâm. Qua nhiều lần, các báo cáo kinh tế của giới chức Mỹ than phiền rằng nhà cầm quyền Nam Việt Nam không thể thu thuế bên ngoài một số vùng đô thị và rằng vì thế chính phủ này không thể tồn tại lâu dài nếu không được Washington chống đỡ. Trong khi đó, cộng sản vẫn tiếp tục thu thuế, tàng trữ lương thực, và bắt lính; nói cách khác, họ làm được mọi điều mà một chính phủ nắm quyền kiểm soát lãnh thổ phải có khả năng thực hiện.
Chính sách của Miền Bắc trong những năm cuối cùng này của cuộc chiến là trọng tâm của cuốn Hanoi’s War. Được hình thành sau nhiều năm nghiên cứu, cuốn sách của Nguyễn [Liên Hằng T. Nguyễn - ND] đặt cơ sở trên một loạt tư liệu tiếng Việt được xuất bản hay được lưu trữ trong văn khố, mặc dù những tư liệu này không phải là hồ sơ của Bộ Chính trị Bắc Việt hay các nguồn tin cấp cao khác vốn còn là hồ sơ mật của Hà Nội. Hanoi’s War soi rọi nhiều ánh sáng vào cung cách giới lãnh đạo Bắc Việt điều hành cuộc chiến và, đặc biệt là, các cuộc đàm phán ngoại giao kéo dài từ sau cuộc Tổng Tiến công Tết Mậu Thân đến khi hiệp định đình chiến được ký kết năm 1973. Rõ ràng là, Hanoi’s War đứng vững như một thành tựu chính trong ngành sử học và là một trong những tác phẩm nghiên cứu quan trọng nhất về giai đoạn sau của cuộc chiến, một giai đoạn tương đối ít được nghiên cứu.
Nhìn từ Hà Nội
Người đóng vai chính trong sách của Nguyễn là Lê Duẩn, nhân vật lãnh đạo hàng đầu trong hệ thống Đảng tại Miền Bắc vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, mặc dù ông là một nhân vật lu mờ trong hầu hết sử sách viết về chiến tranh Việt Nam. Sinh trưởng ở Miền Trung, Lê Duẩn bắt đầu tham gia hoạt động chống Pháp từ những năm trước Thế chiến II. Sử gia họ Nguyễn đã phác họa từng bước trỗi dậy của ông trong Đảng Cộng sản vào những năm 1950. Hình ảnh Lê Duẩn xuất hiện trong sách cho thấy ông là một kẻ tranh giành quyền lực vừa khôn ngoan vừa tàn bạo trong hệ thống quan liêu Bắc Việt, một kẻ mà thế giới quan và tầm nhìn chiến lược được hình thành trong lò luyện của Chiến tranh Đông Dương Thứ nhất và là một kẻ, vào những năm cuối của thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, cùng với đồng chí trung thành của mình là Lê Đức Thọ, đã triệt hạ tất cả những ai dám thách thức quyền lực của Duẩn.
Đóng góp nổi bật của Hanoi’s War là nó đã phơi bày những tranh chấp nội bộ gay gắt giữa một bên là những đảng viên cứng rắn như Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, những lãnh đạo muốn theo đuổi một sách lược hiếu chiến gọi là “chiến tranh toàn diện” tại Miền Nam, và bên kia là những đảng viên ôn hòa, đứng đầu là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, những người chủ trương chiến lược “Miền Bắc trước đã” (North first), bằng cách củng cố sự kiểm soát của Đảng Cộng sản tại Miền Bắc và hoạt động để tiến tới thống nhất đất nước mà không cần phát động chiến tranh trên qui mô lớn. Khi sự rạn nứt Trung-Xô trở nên sâu sắc và cuộc chiến tranh nổi dậy tại Miền Nam gia tăng cường độ vào đầu thập niên 1960, tác giả họ Nguyễn cho thấy, các phe phái đối nghịch trong Đảng đã phản ánh sự rạn nứt ấy: lãnh đạo phe cứng rắn sử dụng các mệnh lệnh chống đế quốc của Mao Trạch Đông để củng cố lập trường của mình, trong khi lãnh đạo phe ôn hòa vận dụng chiêu bài “chung sống hòa bình” của Nikita Khrushchev để thúc đẩy chính nghĩa của mình.
Nguyễn không giải thích chính xác là bằng cách nào và vào thời điểm nào mà Lê Duẩn nắm trọn quyền kiểm soát trong Đảng. Rõ ràng là, bà đã gặp phải một trở ngại trong quá trình nghiên cứu: đó là, rất khó đưa ra những nhận định chính xác về những tranh chấp bên trong Bộ Chính trị, nếu không tiếp cận được các hồ sơ lưu trữ của Bộ Chính trị. Ở nhiều chuyển biến quan trọng, Nguyễn buộc phải phỏng đoán rằng Lê Duẩn “ắt hẳn” đã nghĩ thế này hay “chắc có lẽ” đã làm thế kia. Bà cho rằng Lê Duẩn “bắt đầu có quyền lực vào năm 1960”, nhưng chính chứng liệu của bà lại cho thấy rằng mãi đến giữa thập niên 60 Lê Duẩn mới nắm được quyền hành và rằng thậm chí lúc đó, quyền lực chính trị trong Đảng vẫn thay đổi bất thường giữa hai phe tranh chấp và tình trạng này còn kéo dài cho đến khi chiến tranh hoàn toàn chấm dứt. Hồ Chí Minh, một nhân vật bên lề đến mức kỳ lạ trong tác phẩm của Nguyễn, không còn là nhân vật trung tâm trong tiến trình làm quyết sách của Hà Nội vào cuối những năm 1950, nhưng trong vài năm sau đó ông vẫn tiếp tục có ảnh hưởng ở hậu trường hay đóng một vai trò ngoại giao rất quan trọng đối với Bắc Kinh và Moskva, một điểm Nguyễn nhìn nhận nhưng không khai triển thêm.
Ngoài ra, người đọc ước ao rằng bà cố gắng hơn nữa nhằm quảng diễn những quyết đoán thường xuyên của bà khi cho rằng Lê Duẩn cương quyết phát động “chiến tranh toàn diện” và “đổ hết sức người sức của” trong một canh bạc để đánh chiếm Miền Nam. Nhưng sự thật không phải là thế, mà có vẻ rõ ràng là cả hai phe tại Hà Nội luôn luôn nuôi hi vọng tránh một cuộc chiến tranh toàn diện nếu có thể. Khi họ bắt đầu gia tăng gửi cán bộ xâm nhập chiến trường Miền Nam sau giữa năm 1959, họ đã làm việc này một cách rất thận trọng, nhằm tránh khiêu khích Mỹ can thiệp trên qui mô lớn, nếu làm được như vậy thì càng tốt. Vào tháng Tư 1965, khi tiến trình Mỹ hóa cuộc chiến tranh bắt đầu, Quân đội Nhân dân Việt Nam có bốn trung đoàn tại Miền Nam, tổng cộng khoảng 6.000 binh sĩ – hẳn là một quân số khá lớn, nhưng chưa phải là một con số đồng nghĩa với “chiến tranh toàn diện”.
Nhưng, cuốn sách hoàn toàn khẳng định quyết tâm cơ bản của Hà Nội là phải đánh thắng quân đội Mỹ và đồng minh tại Miền Nam. Dù có bất đồng về chiến lược, chiến thuật đi nữa, giới lãnh đạo Bắc Việt hoàn toàn đoàn kết trong quyết tâm thống nhất đất nước dưới quyền kiểm soát của họ, bằng bất cứ giá nào. Như vậy, mặc dù Nguyễn không nói nhiều về tiến trình làm quyết sách của Mỹ và Miền Nam trong những năm đầu của thập niên 1960, nhưng sách của bà cũng gần như không cho ta lý do để tin rằng có một thời điểm nào đó trong cuộc chiến các nhà chiến lược Washington có thể phát hiện khả năng bẻ gãy quyết tâm (breaking point) của Hà Nội, dù bằng phương tiện nào mà Mỹ có thể đem ra thử nghiệm.
Hanoi’s War sẽ giúp các sử gia rất nhiều trong việc tìm hiểu quá trình Hà Nội lập kế hoạch và thực hiện cuộc Tổng Tiến công Tết Mậu Thân. Nguyễn mô tả chi tiết quá trình theo đó Lê Duẩn đã ra lệnh tiến hành cuộc tấn công được phối hợp rộng lớn  trên các đô thị Miền Nam, một cuộc tấn công với mục đích giáng một đòn chí tử vào Quân lực Việt Nam Cộng hòa và kích động dân chúng nổi dậy lật đổ chính phủ Sài Gòn của Nguyễn Văn Thiệu. Bà chứng minh rằng Lê Duẩn đã phải vượt qua những chống đối mạnh mẽ của Tướng Võ Nguyên Giáp, một nhân vật đã cho rằng các lực lượng cách mạng ở Miền Nam chưa sẵn sàng để mở một cuộc tấn công trên qui mô lớn như thế. (Khi biết rằng ý kiến của mình không được chấp nhận, Võ Nguyên Giáp đã lưu vong sang Hungary một thời gian để phản đối.)
Hồ Chí Minh cũng phản đối một cuộc tấn công rộng lớn vào các vùng đô thị. Người Trung Quốc cũng có cùng quan điểm, vì họ thấy một cuộc tấn công to lớn và liều lĩnh như thế là đi ngược với chiến lược dùng chiến tranh du kích trường kỳ của Mao Trạch Đông. Phía Trung Quốc cũng sợ rằng việc mở rộng chiến tranh sẽ làm gia tăng sự lệ thuộc của Bắc Việt vào viện trợ và vũ khí Xô viết, do đó sẽ có hại cho ảnh hưởng của Trung Quốc tại Hà Nội. Cuộc thí quân để giành thắng lợi quyết định do Lê Duẩn chủ trương đã thất bại tại Miền Nam – không một cuộc nổi dậy nào của dân chúng diễn ra, chính phủ Sài Gòn vẫn tồn tại trong khi các lực lượng vũ trang của Lê Duẩn chịu nhiều thiệt hại nặng nề trên chiến trường – nhưng ông vẫn duy trì được quyền lực trong Đảng. Và đối với các đồng sự có thái độ hoài nghi và đang bất mãn về thất bại quân sự tại Miền Nam, Lê Duẩn vẫn có thể nêu lên một thành quả chính trị quan trọng: đó là, Tổng Tiến công Tết Mậu Thân đã đẩy dư luận Mỹ vào xu thế chống chiến tranh Việt Nam và buộc Johnson phải rời khỏi hệ thống quyền lực Mỹ.
Hầu hết các nhà sử học đương thời đồng ý với Lê Duẩn rằng Tổng Tiến công Tết Mậu Thân là một thất bại chính trị nghiêm trọng về phía Mỹ, và bây giờ nhìn lại, người ta vẫn thấy khó có một quan điểm khác hơn. Tuy nhiên, như Nguyễn đã khôn khéo vạch ra, cuộc tấn công vào dịp Tết Nguyên đán này không tạo được một bước ngoặt quan trọng trong chính sách Mỹ như nó được dự kiến, vì chính quyền Nixon sau đó đã đảo ngược những nỗ lực trong năm 1968 của Johnson nhằm chặn đứng việc Mỹ lún sâu hơn nữa vào cuộc chiến. “Cũng như Lê Duẩn và Lê Đức Thọ”, bà viết, Nixon và cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger “tin tưởng rằng họ có thể thành công nơi mà các vị tiền nhiệm của họ đã thất bại”. Bà tiếp tục mô tả chi tiết cung cách hai nhân vật này thực hiện một chiến lược ba chân (a three-pronged strategy) nhằm lấy lại thế chủ động tại Việt Nam- về chính trị, về ngoại giao, và về nội bộ Mỹ.
Một cuộc chiến không thể thắng
Nguyễn có những đóng góp không kém phần sâu sắc liên quan đến tiến trình làm chiến lược của Bắc Việt vào năm 1972, làm sáng tỏ những đường lối của Mỹ, theo đó Nixon vừa mở cửa với Trung Quốc vừa theo đuổi chính sách hoà hoãn (détente) với Liên Xô, khiến lãnh đạo Hà Nội cảm thấy mình ở vào thế kẹt. Những chính sách đối ngoại này của Mỹ đã thúc đẩy lãnh đạo Bắc Việt mở cuộc tấn công Xuân-Hè (the Easter offensive) đầy tham vọng nhưng chỉ thành công một phần; Hà Nội chiếm được một ít lãnh thổ khiêm nhượng nhưng không lật đổ được Thiệu hay thay đổi cán cân lực lượng quân sự trên tổng thể.
Bàn về các cuộc đàm phán bắt đầu từ năm 1968 và cuối cùng đưa đến Hiệp địnhParistháng Giêng 1973, Nguyễn làm sáng tỏ mọi khía cạnh lắt léo trong lập trường đàm phán của Bắc Việt. Bà cho thấy những hồi ức chua chát của lãnh đạo Miền Bắc về Hội nghị Genève 1954, vốn đã kết thúc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và chia cắt Việt Nam, ảnh hưởng mạnh mẽ lên Lê Duẩn và các đồng chí của ông như thế nào. Vào năm 1954, chính phủ Hồ Chí Minh đã nhượng bộ trước sức ép của Bắc Kinh và Moskva để chấp nhận phần lãnh thổ nhỏ bé hơn phần lãnh thổ mà lẽ ra chính phủ này được nắm giữ nhờ cán cân quân sự lúc bấy giờ. Năm 1972, những nhà thương thuyết của Hà Nội cương quyết tránh một hậu quả tương tự và tự mình vạch lấy chính sách. (Có thể Nguyễn đã nhận thấy rằng ký ức của lãnh đạo Bắc Việt chỉ chọn lựa một số khía cạnh: vì thật ra, vào đầu năm 1954, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp vốn đã có những lý do thầm kín khi muốn nhượng bộ. Lực lượng của họ bị đánh tơi tả và kiệt sức; ngoài ra, họ còn lo ngại về một viễn cảnh trong đó Mỹ sẽ can thiệp bằng quân sự nếu các cuộc đàm phán thất bại.) Trong Hòa đàm Paris, lãnh đạo Bắc Việt chỉ thành công một phần trong việc duy trì độc lập của mình, vì Trung Quốc và Liên Xô một lần nữa lại dùng sức ép riêng buộc họ phải dàn xếp với Washington.
Tác phẩm nghiên cứu của Nguyễn cũng mô tả những tình tiết hấp dẫn trong đó sự rạn nứt Trung-Xô vừa có lợi vừa là vấn đề cho các lãnh đạo Bắc Việt: họ rất tài tình trong trò chơi đu dây, dùng đàn anh này để quân bình lại đàn anh kia, nhưng lắm khi họ cũng bị các đàn anh cho ra rìa, mất hậu thuẫn từ cả hai phía. Trong việc phác họa những mối quan hệ này, tác phẩm nghiên cứu của Nguyễn thể hiện nhãn hiệu “một cuốn sử quốc tế về cuộc tranh đấu vì hòa bình tại Việt Nam”. Nhưng cái phụ đề (subtitle) này ngụ ý rằng cuốn sách của bà có một phạm vi nghiên cứu rộng lớn hơn những gì Nguyễn đã mô tả. Mặc dù lời mở đầu của sách hứa hẹn trình bày một cách tường tận tình hình Miền Nam và các lãnh đạo của nó, nhưng chính phủ Sài Gòn chỉ xuất hiện như một tác nhân nổi bật ở gần cuối của tấn tuồng lịch sử. Khuyết điểm tương tự có lẽ là, Nguyễn đã không đánh giá đầy đủ nấc thang uy tín của chính phủ Sài Gòn hay sự tương tác nhà nước-xã hội tại Miền Nam.
Khi mô tả vai trò của Mỹ trong chiến tranh, Nguyễn chủ yếu dựa vào các nguồn tư liệu đã xuất bản, gồm cả các bộ Quan hệ Đối ngoại của Hoa Kỳ (Foreign Relations of the United States) cực kỳ giá trị của Bộ Ngoại giao Mỹ [gồm những tư liệu trực tiếp được giải mật theo định kỳ - ND] và một số tư liệu gián tiếp (secondary accounts) quan trọng và được chọn lọc. Gần như những lý giải của bà về các chính sách của Nixon và Kissinger đi sát với lối giải thích của các tác phẩm sử học trước đây.
Vì lý do này, gần như không mấy ai tin tưởng cuốn sách này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc tranh luận đang tiếp tục diễn ra tại Mỹ về Chiến tranh Việt Nam. Cũng như các nguồn tư liệu cộng sản về cuộc Chiến tranh Lạnh nói chung, các tác phẩm như sách của Nguyễn — vốn đặt trọng tâm vào các nhà cách mạng Việt Nam – chỉ giúp các nhà nghiên cứu tiếp tục những lý luận trước đây – về những lý do nguyên ủy để Mỹ can thiệp vào Việt Nam, quyết định theo đuổi một chiến tranh trên qui mô lớn tại đó, và cuối cùng thất bại trong nỗ lực duy trì một Miền Nam độc lập, không cộng sản – chỉ với một mức độ tinh vi hơn mà thôi.
Trên cơ sở đó, ta có thể nói rằng Hanoi’s War chỉ đóng góp một cách rất hạn chế cho các nghiên cứu có tính xét lại về cuộc chiến, trong khi vẫn giữ vững cốt lõi của lập trường chính thống. Nguyễn chứng minh rằng các nhà chiến lược tại Hà Nội cũng làm nhiều quyết định sai lầm, cũng kình chống lẫn nhau, và như các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự khắp nơi, cũng hành động một phần vì lòng tham danh vọng và lợi ích cá nhân. Bà khẳng định rằng giới lãnh đạo Bắc Việt đã gặp phải những giai đoạn căng thẳng gay gắt và đầy bấp bênh, nhất là tiếp theo sau cuộc Tổng Tiến công Tết Mậu Thân, và nhiều lúc khác nhau đã đối đầu vấn đề sa sút tinh thần nghiêm trọng, trong quân đội cũng như trong dân chúng Miền Bắc.
Tuy nhiên, tác phẩm này rốt cuộc không hề thách thức quan điểm thịnh hành hiện nay cho rằng Mỹ và đồng minh Nam Việt Nam luôn luôn đối đầu với những bất lợi trường kỳ trong cuộc chiến. Sự tận tụy hi sinh đến mức tàn nhẫn, sự kiên trì không có gì lay chuyển, và khả năng chiến đấu tài tình của kẻ địch, từ đầu chí cuối, là phi thường – gây ấn tượng như những phẩm chất tương tự của bất cứ người chiến sĩ nào trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Trong khi đó, chính phủ Sài Gòn đã bị què quặt từ đầu vì ba khuyết tật chính mà không một liều lượng can thiệp nào của Mỹ có thể khắc phục: sự yếu kém của một quân đội chuyên nghiệp, tham nhũng tràn lan, và thiếu hậu thuẫn của dân chúng.
Thật vậy, sự can thiệp của Washington là một phần của vấn đề, vì nó đưa những người quốc gia không cộng sản tại Miền Nam vào một tình trạng tiến thoái lưỡng nan: họ không thể thắng nếu không có Mỹ, và họ cũng không thể thắng với sự hiện diện của Mỹ. Sự viện trợ ồ ạt của Mỹ là thiết yếu cho việc dẹp quân nổi dậy, nhưng nó giết chết mọi cơ may giành được hậu thuẫn rộng rãi của dân chúng. Bùi Diễm, một cựu đại sứ Miền Nam tại Hoa Kỳ, về sau đã viết về tình trạng khó xử này như sau: “Ở vào thế kẹt giữa các thế lực hùng mạnh này, người Việt quốc gia lâm vào một loạt tình thế bấp bênh. Gần như trong mọi trường hợp, họ bị buộc phải lựa chọn giữa những giải pháp rất tồi tệ; thật ra, họ thường không có lựa chọn nào cả. Với sự sống còn bị đe dọa, họ đành phải nương núp vào một loạt nhượng bộ trớ trêu và bất ổn, hành động này dần dà bào mòn chính nghĩa của họ.”
Có lẽ điều này giải thích được vì sao, khi đối diện với sự thật lịch sử, đa số sĩ quan, binh lính, và dân thường không muốn bảo vệ Miền Nam đến hơi thở cuối cùng. Theo lời Đại tướng Cao Văn Viên, vị tham mưu trưởng cuối cùng của quân lực Miền Nam, vào thời điểm chấm dứt chiến tranh, “cả nước trông giống như một trái cây ung thối sẵn sàng rơi trong cơn gió thoảng đầu tiên”.
_____________
FREDRIK LOGVALL là Giáo sư môn Quốc tế học thuộc chương trình John S. Knight tại Đại học Cornell và là tác giả cuốn Embers of War: The Fall of an Empire and the Making of America’s Vietnam. (Than hồng chiến cuộc: Sự sụp đổ của một đế quốc và sự hình thành nước Việt Nam [VNCH] của Mỹ).
Nguồn: Dịch từ nguyên bản tiếng Anh “What Really Happened in Vietnam”, Foreign Affairs, November/December 2012
Bản tiếng Việt © 2012 Trần Ngọc Cư & pro&contra
Bài đọc thêm:
Liên Hằng T. Nguyễn: Đập tan các huyền thoại về Việt Nam
Bùi Văn Phú: Cuộc chiến của Hà Nội
BBC Việt ngữ: “Nhìn lại vai trò của ông Lê Duẩn
Lê Kiên Thành: “Những chuyện chưa biết về cha tôi, Lê Duẩn

 http://www.procontra.asia/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét