Hãy nhìn những gì Trung Quốc làm, đừng nghe họ Tập nói
Việt-Long- theo Geoffrey Barker, The Australian Financial Review, Nov. 24, 2014
2014-11-24
2014-11-24
Những lời cường điệu và tựa đề lớn trên báo chí sau bài diễn từ của ông Tập Cận-Bình trước quốc hội và Thỏa hiệp Tự do Mậu dịch Trung Quốc- Australia là điều dễ hiểu. Ông họ Tập quảng bá lời bảo đảm về ý hướng của Trung Quốc, trong khi thỏa hiệp kia mở ra cơ hội kinh tế lớn lao cho Australia.
Nhưng điều khó hiểu là người ta thường không vạch rõ được cái rỗng tuếch trong những ý kiến của ông để lấy đó soi xét thực tế bạo tàn của chủ nghĩa Cộng Sản Trung Hoa, và để nhận ra là có một xứ Trung Quốc nhỏ hơn, không được nhìn nhận, là Đài Loan, mà Australia dễ dàng có những tương đồng chiến lược, chính trị và kinh tế.
Sự vụng về của họ Tập để lôi Australia khỏi liên minh với Hoa Kỳ dễ được nhận ra, nhưng điều lạ là người ta tỏ ra không sẵn lòng đối chiếu những lời tuyên bố dễ nghe của ông với những hành động thực tế của tàu bè hải quân Trung Quốc gây bất ổn và thường xuyên ức hiếp (nước khác) ở biển Hoa Nam.
Lời lẽ của ông Tập rằng Trung Quốc kiên định lập trường hoà bình hoàn toàn đối nghịch với những lời xác định chủ quyền hầu hết diện tích biển Hoa Nam, với cuộc tranh chấp với Đài Loan, Brunei, Việt Nam, Philippines và Malaysia, cũng như cuộc tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Điếu Ngư/ Senkakư trên biển Hoa Đông.
Lời khẳng định hoà bình không xứng hợp với lời từ chối sự từ bỏ hành động sử dụng võ lực để lấy lại Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Hoa lục gọi là một tỉnh phản loạn. Hơn nữa, cách đối xử của Trung Quốc đối với các tín đồ Pháp Luân Công, người Tây Tạng và người Uighurs ở tỉnh Tân Cương đã có tiếng là hung ác, tàn bạo.
Trung Quốc có lãnh thổ rộng lớn và thủy lộ giao thông huyết mạch phải bảo vệ và phòng thủ, nhưng mức tăng tỉ lệ chi phí quốc phòng là hai con số cho mỗi năm trong hai mươi năm qua khó lòng chứng tỏ một quốc gia quyết tâm giải quyết hoà bình các cuộc tranh chấp. Chi phí quốc phòng của Trung Quốc chỉ bằng khoảng một phần tư chi phí quốc phòng của Mỹ nhưng lực lượng bộ chiến, hải quân và không lực của Trung Quốc thật khổng lồ, gia tăng và trang bị tốt. Ai cũng biết đó là sự thật.
Thủ tướng Tony Abbot tỏ ra hài lòng với lời nói như quẳng đi của họ Tập rằng Trung Quốc sẽ trở nên dân chủ vào giữa thế kỷ này! (là lúc ông Tập đã rời sân khấu chính trị). Tuy nhiên mặc dù Trung Quốc thành công đáng kể trong việc lôi hằng triệu người thoát cảnh nghèo đói, những thực tế cố định sau đây vẫn là sự thực của xứ sở ấy:
Trước hết, Trung Quốc là một quốc gia Cộng Sản độc đảng, trong đó các lãnh tụ bước ra (chính trường) từ khối chính trị ưu tú khép kín, không bị đòi hỏi phải tìm lấy tính hợp pháp từ những cuộc bầu cử công khai, mở ngỏ. Quân Ủy Trung ương là trụ cột thiết yếu cho sự ổn định trong hệ thống chính trị.
Thứ nhì, Trung Quốc là một "chiến binh" gián điệp mạng toàn cầu trơ trẽn, lén lút xông phá vào các hệ thống computer của các chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài với những nỗ lực không mệt mỏi, để chiếm lợi thế chiến lược và kinh doanh trên các đối thủ cạnh tranh. Australia cũng nằm trong số nhiều quốc gia tiên tiến phương Tây đã nếm mùi tấn công mạng được tìm ra là phát xuất từ Trung Quốc.
Thứ ba, như báo cáo của Human Rights Watch năm nay ghi nhận, Trung Quốc áp đặt hạn chế độc đoán trên các quyền tự do phát biểu, lập hội, hội họp và tôn giáo. Trung Quốc cấm đoán các công đoàn lao động độc lập và các tổ chức nhân quyền,duy trì sự kiểm soát của đảng Cộng sản trên tất cả các cơ chế tư pháp.
Ở Trung Quốc, báo chí, internet, ấn bản giấy, những nghiên cứu học thuật và sản phẩm nghệ thuật đều bị kiểm duyệt, như biện pháp cần thiết để bảo toàn an ninh xã hội. Các công dân bất đồng chính kiến, kể cả những nghệ sĩ như Ngải Vị Vị và khôi nguyên Nobel Lưu Tiểu Ba đểu bị ngược đãi và thường ngồi tù. Sinh viên Trung Quốc du học ở hải ngoại bị theo dõi chặt chẽ, ở Úc cũng vậy. Thứ tư, theo Tổ chức Ân xá quốc tế, Trung Quốc hành quyết mỗi năm hằng ngàn người - hơn cả con số bị các nước còn lại trên thế giới hành quyết. Bắc Kinh từ chối tiết lộ con số, nhưng thói "ghiền" sử dụng đến tiểu đội hành quyết và giây thòng lọng đã khiến Hoa Lục trở thành một trong những nước ác nghiệt nhất thế giới.
Chừng đó quá đủ (để đối chiếu) với lời tuyên bố hoà bình của họ Tập. Để mà giao dịch với "gã lớn con"
Tất nhiên không một thực tế nào kể trên lại là lý do để bác bỏ quan hệ chính trị và kinh tế với Trung Quốc. Đó là, như ông Tập nói, một gã to lớn, một sừc mạnh quân sự và kinh tế đang lớn mạnh thêm và là đối tác thương mại chính yếu của Australia. Nhưng người Úc không nên để quyền lợi kinh tế làm quên đi hay làm mù quáng trước những thực tại ở Trung Quốc.
Nhu cầu chính trị thực tiễn chỉ để cho Australia (và những nước khác) sự chọn lựa ít ỏi, phải đón nhận chính sách "một nước Trung hoa" đã dìm Đài Loan trong bóng tối, cố phấn đấu để được thấy và nhìn nhận như một nền dân chủ sôi động, văn minh và đầy văn hóa kể từ lúc chấm dứt lệnh thiết quân luật từ năm 1987.
Chỉ bằng một nửa Tasmania (nơi họ Tập đến thăm) với dân số 23, 4 triệu, Đài Loan thật tao nhã, rộng lượng, vô cùng khôn ngoan sắc sảo và là thị trường xuất khẩu hàng thứ sáu của Úc, thị trường nhập khẩu hàng Úc lớn thứ 14. chính sách "một nước Trung Hoa" không được chiếm ưu tiên hơn trong nhận thức tốt đẹp của Úc về mối giao hảo với Đài Loan.
Giới học giả và các nhà chính sách của Úc không đồng ý về việc liệu Trung Quốc có đủ sức mạnh vững bền để thách đố quyền lực toàn cầu của Mỹ hay không. Trong khi đó Australia cần những mối quan hệ kinh tế và chiến lược khả quan với Trung Quốc, khi Hiệp ước mậu dịch tự do được áp dụng, nhưng người Úc cần hiểu rõ rằng nụ cười của ông họ Tập che dấu nhiều dữ kiện hãi hùng về xứ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
____________
Geoffrey Barker là bỉnh bút của báo The Australian Financial Review, giáo sư thỉnh giảng của Trung Tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, Đại học quốc gia Australia.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/look-at-what-china-does-not-at-what-xi-tells-us-11242014155501.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét