Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Chủ trang blog "Người Lót Gạch" bị bắt

GS Hồng Lê Thọ bị bắt với cáo buộc "tuyên truyền chống chế độ"

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok


Cổng thông tin điện tử Bộ công an đưa tin ngày Chủ nhật, 30/11/2014
Cổng thông tin điện tử Bộ công an đưa tin ngày Chủ nhật, 30/11/2014


Giáo sư Hồng Lê Thọ, chủ nhân trang blog Người Lót Gạch, một trí thức kiều bào về nước, vừa bị bắt giam vào khuya ngày 29 tháng 11 theo điều 258 Bộ Luật hình sự Việt Nam. Đây là trường hợp mới nhất tại Việt Nam bị bắt theo điều luật mà lâu nay bị lên án là mơ hồ nhằm trấn áp các tiếng nói phản biện trong nước.

Người ‘thoát Trung’ mạnh mẽ

Tin tức về việc ‘bắt quả tang’, rồi ‘khám xét nhà khẩn cấp’ và ‘bắt giam’ giáo sư Hồng Lê Thọ, chủ nhân trang blog Người Lót Gạch được blog nguyentandung loan đi sớm nhất.
Cổng thông tin của Bộ Công An có thông tin tương tự như trên trang blog nguyentandung. Theo đó cơ quan an ninh điều tra Thành phố Hồ Chí Minh theo tin tố cáo của quần chúng đã tiến hành biện pháp nghiệp vụ của họ đối với ông Hồng Lê Thọ, sinh năm 1949, hiện ngụ tại số 32 Cửu Long, phường 15, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ quan điều tra cho rằng ông Hồng Lê Thọ cho đăng trên mạng các bài viết với nội dung mà cơ quan này cho là ‘có nội dung xấu, thông tin sai lệch, làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân với cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân theo điều 258 Bộ luật hình sự’.
Theo tôi tựu trung lại anh là người có quan điểm rất ôn hòa về chính trị. Không bao giờ có chuyện nói anh vi phạm điều 258, chuyện lợi dụng cái này, lợi dụng cái kia hay vấn đề dân chủ để lật đổ chế độ hay tuyên truyền chống phá chế độ. Thậm chí khi nói chuyện với tôi anh phê phán thẳng một số quan điểm cực đoan
Nhà báo Phạm Chí Dũng
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, một người biết rõ về giáo sư Hồng Lê Thọ, cho biết những nhận xét của bản thân đối với người vừa bị bắt như sau:
Tôi đã quen biết anh Thọ nhiều năm nay và tôi rất có tình cảm với anh Thọ. Tôi cho đó là một người trí thức có tinh thần dân tộc cao, một trong những người đưa ra đường lối ‘thoát Trung’ mạnh mẽ nhất, tách bạch và có chiều sâu nhất. Anh Thọ là một Việt Kiều Nhật, anh rành cả tiếng Pháp và tiếng Anh, trang Người Lót Gạch của anh có thể nói gần như là trang duy nhất ở Việt Nam điểm tin bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, cung cấp lượng thông tin bổ ích cho độc giả. Anh cũng là người có kiến thức sâu trong khá nhiều lĩnh vực và có quan hệ với nhóm Việt Studies ở Hoa Kỳ và một số nước Phương Tây.
Theo tôi tựu trung lại anh là người có quan điểm rất ôn hòa về chính trị. Không bao giờ có chuyện nói anh vi phạm điều 258, chuyện lợi dụng cái này, lợi dụng cái kia hay vấn đề dân chủ để lật đổ chế độ hay tuyên truyền chống phá chế độ. Thậm chí khi nói chuyện với tôi anh phê phán thẳng một số quan điểm cực đoan; nhưng tôi không biết Nhà nước này bắt anh để làm gì?Nếu không vì một lý do gì đặc biệt và ẩn giấu, người ta phải công khai tất cả mọi chuyện, minh bạch hóa, không thể bắt giữ công dân một cách tùy tiện, mà đặc biệt vẫn sử dụng điều luật 258 mà quốc tế lên án.
Nhà báo Phạm Chí Dũng cũng có ý kiến về việc bắt giữ giáo sư Hồng Lê Thọ mà được nói là do những bài viết đăng trên Internet có nội dung xấu, thông tin sai lệch như cơ quan an ninh điều tra nêu ra:
Uy tín xã hội và năng lực cá nhân của anh Hồng Lê Thọ là vấn đề mà tôi cho rằng khi muốn bắt giữ anh, Nhà nước phải cân nhắc, phải thận trọng nếu không sẽ gặp phản ứng rắc rối và lớn chuyện từ phía Hoa Kỳ và Phương Tây
Nhà báo Phạm Chí Dũng
Theo tôi khó có thể đánh giá qua những bài viết, những bài đăng lại trên trang Người Lót Gạch để qui ra tội chống phá chính quyền. Thực sự tôi không đọc khá thường xuyên trang Người Lót Gạch vì bận quá nhiều việc; nhưng chúng tôi gặp nhau thường xuyên nói chuyện. Trước khi anh Thọ bị bắt khoảng hai tuần, chúng tôi có gặp nhau uống cà phê, và tôi thấy anh Thọ vẫn ổn, ôn hòa và anh nói về những bài viết, bài đăng lại trên trang Người Lót Gạch thì không có vấn đề gì cả. Đó là theo anh ta nhận định, và tôi cũng nghĩ rằng nếu Nhà nước muốn bắt những người bị coi là bất đồng chính kiến vào thời điểm này thì Nhà nước Việt Nam phải rất cân nhắc về chuyện làm sao họ có đủ lý do, đủ cơ sở, không thể đưa ra những lý do tùy tiện như trước đây, đặc biệt đối với những người như anh Hồng Lê Thọ. Tôi biết trong nhóm trí thức Việt Kiều, nhất là nhóm luôn có mong ngóng, mong đợi đóng góp những ý kiến phản biện để xây dựng kinh tế, xã hội, kể cả góp ý về một số vấn đề chính trị đối với Nhà nước Việt Nam, anh Thọ là người có uy tín và anh luôn đưa ra những gợi ý, những đóng góp mà tôi cho có giá trị. Anh cũng là người mà ở trong nước không phải ít người biết đâu, khá nhiều người biết anh, đặc biệt trong giới dân chủ- nhân quyền. Thành thử uy tín xã hội và năng lực cá nhân của anh Hồng Lê Thọ là vấn đề mà tôi cho rằng khi muốn bắt giữ anh, Nhà nước phải cân nhắc, phải thận trọng nếu không sẽ gặp phản ứng rắc rối và lớn chuyện từ phía Hoa Kỳ và Phương Tây.
Bắt theo tố giác
Việc tiến hành khám xét và bắt giữ giáo sư Hồng Lê Thọ, chủ nhân trang blog Người Lót Gạch, còn được nói là theo tin tố giác của quần chúng. Nhà báo Phạm Chí Dũng có ý kiến về điều này:
Tuy nhiên so với những nhân vật bất đồng chính kiến khác trước đây, lần này cơ quan an ninh điều tra lại dựa vào tố giác của quần chúng, đó là một hiện tượng khá bất thường, một cụm từ khá lạ được ứng vào trường hợp này
Nhà báo Phạm Chí Dũng
Về mặt tố giác của quần chúng, đó là một cụm từ chung trong pháp luật và điều tra xét hỏi bên ngành công an, điều đó không có gì sai vì tố giác của quần chúng là một cơ sở để có thể dẫn đến bắt giữ, bắt giam một nhân vật, một đối tượng hình sự nào đó. Tuy nhiên so với những nhân vật bất đồng chính kiến khác trước đây, lần này cơ quan an ninh điều tra lại dựa vào tố giác của quần chúng, đó là một hiện tượng khá bất thường, một cụm từ khá lạ được ứng vào trường hợp này. Tôi biết trong thực tế điều tra, xét hỏi ở Việt Nam, thường người ta áp dụng cơ sở tố giác của quần chúng đối với tội phạm là những trường hợp đối tượng hình sự; chứ không phải những đối tượng hoạt động chính trị, những nhân vật bất đồng chính kiến, hoặc dân chủ, đấu tranh cho nhân quyền. Trường hợp này áp dụng với anh Hồng Lê Thọ, tôi cho là khá lạ. Điều đó cho tôi một chút hy vọng là anh Thọ có thể sẽ không bị bắt lâu. Có thể qua một quá trình điều tra nào đó ngắn hạn, cơ quan Nhà nước: các cơ quan công an, chính quyền cũng sẽ phải thả anh ra.
Vào chiều ngày 27 tháng 11 vừa qua, một nhóm sinh viên tại Hà Nội cũng bị lực lượng chức năng ập vào nhà khám xét, bắt đưa về đồn Công an cũng như tịch thu một số tài liệu về dân chủ, nhân quyền của những sinh viên này. Việc làm đó cũng được nói là do có tố cáo của người dân những sinh viên này tàng trữ chất cháy, chất nổ. Facebooker Lý Quang Sơn phản bác về cơ sở có tố cáo để đột nhập vào phòng trọ của các bạn như sau:
Họ viện cớ dùng đơn tố cáo để xâm nhập vào nhà chúng tôi. Tôi nói tôi hoàn toàn có thể dùng đơn tố cáo bất kỳ một quan tham nhũng nào, và ngay ngày mai tôi yêu cầu họ phải xông vào nhà quan tham nhũng đó để điều tra. Tôi thách đố họ làm điều đó, nhưng họ không thể làm được, họ không nói gì.
Điều 258 vô lý
Việc khám nhà và bắt giữ giáo sư Hồng Lê Thọ, chủ nhân trang blog Người Lót gạch, là trường hợp mới nhất bị bắt giữ theo điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Điều luật này lâu nay bị nhiều người quan tâm cho rằng mơ hồ và Nhà nước lập ra để dễ bề trấn áp những tiếng nói đối lập, phản biện.
Hiện nay có hai trường hợp cũng đang bị truy tố và giam giữ với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân’ theo điều 258 là blogger Anh Basam Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn thị Minh Thúy.


 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/1-mr-blog-arres-258-11302014050249.html

Tại sao giá xăng dầu giảm?

Tại sao giá xăng dầu giảm?

Vũ khí chiến lược dầu hỏa Nguyễn Đình Phùng
Nhưng Trung Hoa không thể so sánh với Hoa Kỳ về phương diện tiến bộ kỹ thuật, chỉ biết học lén, ăn cắp và lường gạt các nhà đầu tư ngoại quốc. Nên hiện nay kinh tế Trung Hoa đã chậm lại và nhiều phần sẽ đi vào suy thoái nặng trong tương lai.
Tóm lại Hoa Kỳ vẫn là quốc gia hàng đầu của thế giới với những phát minh và tiến bộ kỹ thuật mới mẻ. Chỉ với một phương cách đào dầu tân tiến, Hoa Kỳ đã làm thay đổi hẳn những thế tính toán chiến lược địa dư trên toàn cầu. Tất cả nhờ vào vũ khí dầu hỏa nay đã trở thành ưu thế chiến lược cho Hoa Kỳ để chống lại các kẻ thù cũ như Iran, Nga. Cũng như đối với kẻ thù mới trong tương lai chính là Trung Hoa vậy!
– N.Đ.P.
Vâng, Hoa Kỳ trong hiện tại và tương lai vẫn là siêu cường số 1, đó là một may mắn cho một nước như Việt Nam đã đến lúc phải tìm mọi cách trục ra khỏi cơ thể kiệt quệ của mình loại virus nguy hiểm bậc nhất thế giới ở thế kỷ XX Là CNCS với hai chiếc vòi bạo lựcchuyên chính đang cắm sâu vào cốt tủy mình – và trục ngay từ chính cái nguồn cung cấp virus hiểm ác nhất từ hơn 100 năm qua: Đảng CS TQ, sau này trở thành tên đế quốc Trung Cộng.
Bauxite Việt Nam

Trong vòng ba năm nay, những tính toán về thế chiến lược địa dư toàn cầu đã bị một vũ khí chiến lược mới của Hoa Kỳ làm thay đổi hẳn cục diện. Đó là vũ khí dầu hỏa, một thứ vũ khí trước giờ làm Hoa Kỳ khốn đốn và bị lệ thuộc vào những quốc gia không mấy gì thân thiện với Hoa Kỳ nắm giữ, như những xứ vùng Trung Đông, Venezuela và Nga. Nhưng thế cờ hiện nay đã bị lật ngược và Hoa Kỳ đã nắm thượng phong để có thể dùng dầu hỏa như một vũ khí chiến lược cho những tính toán mới cho chính trị địa dư toàn cầu.
Điều này xảy ra được hoàn toàn nhờ vào một kỹ thuật mới về đào dầu. Đây là phương cách tân tiến nhất dùng vệ tinh satellite để điều khiển mũi khoan dầu, đào sâu xuống nhiều dặm dưới lòng đất rồi tùy theo vị trí có thể quay ngang và đào bên cạnh gọi là horizontal drilling, tiến tới mục tiêu chính xác có thể chỉ nhỏ như một chiếc bánh xe! Trước kia việc đào dầu thường chỉ dùng những dữ kiện do địa chấn đem lại để tìm mỏ dầu và đào thử hàng chục lần mới được một lần trúng. Những lần đào hụt gọi là dry holes, tốn tiền nhiều và mất nhiều thì giờ để đào trúng mỏ dầu. Với những dữ kiện về địa chất do satellite technology và cách đào ngang horizontal drilling, việc đào hụt gặp dry holes không xảy ra nữa!
clip_image001
Nhưng việc sản xuất dầu hiện nay tại Hoa Kỳ thay đổi nhiều hơn cả là do việc lấy dầu từ đá gọi là shale oil. Dưới đáy của những mỏ dầu đã bơm ra gần cạn từ đầu thế kỷ 20 đến giờ, là những mỏ đá shale oil chứa dầu nằm lẫn trong đá. Dầu hỏa nằm trong đá này trước giờ không lấy ra được vì không chảy và không bơm lên được, gọi là dầu chặt, tight oils. Dung lượng của những mỏ dầu nằm trong shale oil còn nhiều hơn những mỏ dầu bơm lên dễ dàng trước kia, nhưng nay đã bơm cạn.
Kỹ thuật mới hiện tại là dùng cách đào như diễn tả trong đoạn trước và đào ngang horizontal drilling để tiến sâu vào những mỏ đá shale oil. Sau đó hàng ngàn gallons nước được bơm thẳng vào những vết nứt của mỏ đá shale oil này với áp suất cực mạnh. Dầu và khí đốt nằm trong đá được hút ra sau khi được nước bơm vào giải tỏa và được bơm thẳng lên trên mặt đất. Kỹ thuật này gọi là hydraulic fracturing, thường gọi tắt là fracking và hiện đang được áp dụng tại ba vùng có mỏ dầu shale oil lớn nhất Hoa Kỳ. Đó là vùng Bakken tại tiểu bang North Dakota, vùng Permian Basin gần Midland, Texas và vùng Eagle Ford tại phía Nam Texas.
clip_image002
Nhờ vào số lượng dầu bơm từ ba vùng này với kỹ thuật mới, mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ đã tăng vọt từ 5 năm trở lại, nhưng tăng nhiều nhất là ba năm nay. Trong thập niên 60’s mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ lên đến mức cao nhất và sau đó đi xuống dần. Năm 1970 là mức tột đỉnh với sản xuất dầu nội địa là 9.6 triệu thùng dầu một ngày. Sau đó các mỏ dầu nhất là tại vùng Texas cạn dần, cho đến năm 2008 chỉ còn sản xuất được 5 triệu thùng dầu một ngày. Nhưng từ năm 2011 đến 2014, mức sản xuất dầu hỏa nhờ vào kỹ thuật fracking đã làm tăng lên được 46%, chưa bao giờ tăng nhanh lên được như vậy kể từ giai đoạn 1921-1924, đúng 90 năm trước, lúc mới bắt đầu việc đào dầu tại Hoa Kỳ tạo ra các nhà tỷ phú như Rockefeller thời đó!
Năm 2013 mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ là 7.5 triệu thùng dầu một ngày, với ước tính cho năm 2014 sẽ là 8.3 triệu thùng dầu sản xuất mỗi ngày. Với đà sản xuất này, theo cơ quan năng lượng quốc tế International Energy Agency, đến năm 2020, Hoa Kỳ sẽ qua mặt Saudi Arabia để sản xuất lên đến mức 11.6 triệu thùng dầu một ngày!
clip_image003
Như vậy điều rõ ràng nhất là Hoa Kỳ sẽ không cần đến Saudi Arabia như trước nữa! Xứ này từ trước đến nay nắm giữ quyền lực về dầu hỏa vì được coi là swing producer, tức có khả năng để ấn định giá cả cho dầu hỏa. Với mức bơm dầu nhiều nhất thế giới, Saudi Arabia chỉ việc bơm nhiều hơn hay ít hơn để xác định giá cả cho dầu hỏa và Hoa Kỳ lệ thuộc vào xứ này trên phương diện chiến lược. Như việc phải bảo vệ cho Saudi Arabia với các căn cứ quân sự tại đây cũng như đặt Đệ Ngũ hạm đội tại vùng Bahrain và tuần tiễu trên Vùng Vịnh để giữ cho đường thủy chở dầu được lưu thông.
Trong chiến lược ngăn chặn Iran không cho quốc gia này chế tạo bom nguyên tử, ngoài việc bảo vệ Do Thái, Hoa Kỳ còn bị áp lực của Saudi Arabia. Lý do là hai xứ Iran và Saudi Arabia là hai kẻ thù không đội trời chung. Iran được coi như cầm đầu các xứ theo Shiite, trong khi Saudi Arabia là quán quân cho phe Sunni của Hồi Giáo. Thế chiến lược địa dư hiện nay tại vùng Trung Đông có thể coi như một cuộc tranh chấp đẫm máu giữa hai giáo phái Sunni và Shiite của Hồi giáo. Hiện nay cuộc nội chiến tại Syria đã biến thể để thành chiến tranh giữa Shiite với phe của Assad và Iran ủng hộ, với phe Sunni của đa số dân Syria được Saudi Arabia và các vương quốc vùng Vịnh yểm trợ. Đây chính là lý do Saudi Arabia đã bất mãn đến cùng cực khi Tổng thống Obama chùn chân không chịu cho tấn công Assad năm ngoái sau vụ thảm sát dân lành bằng vũ khí hóa học. Quốc vương Abdullah của Saudi Arabia đã coi đây là một sự phản thùng của Obama, không chịu tiến tới trong việc yểm trợ phe Sunni để lật đổ Assad như Saudi Arabia đã mong muốn.
clip_image004
Tuy nhiên việc Obama trở mặt vào phút chót đối với Saudi Arabia đã cho thấy một điều rõ ràng. Là ảnh hưởng của Saudi Arabia đối với Hoa Kỳ đã không còn được như trước. Obama đã tính toán là vùng Trung Đông không còn giữ vai trò quan trọng như khi Hoa Kỳ bị lệ thuộc vào Saudi Arabia về dầu hỏa và cần phải giữ cho Saudi Arabia hài lòng bằng mọi giá, kể cả việc gây ra thêm một cuộc chiến tranh khác như tại Syria. Với mức dầu hỏa sản xuất tại Hoa Kỳ chỉ trong thời gian ngắn sắp đến sẽ làm Hoa Kỳ độc lập về dầu hỏa, Saudi Arabia đã mất đi thế đòn bẩy để áp lực Hoa Kỳ bằng dầu. Nên việc Obama trở mặt với vua Abdullah của Saudi Arabia trong vụ Syria vừa qua có thể coi như bước đầu trong thế chiến lược thay đổi của Hoa Kỳ tại vùng Trung Đông, khi Hoa Kỳ đã nắm được thế thượng phong với vũ khí chiến lược dầu hỏa.
Cũng thế, lý do để Iran phải chịu vào bàn thương thuyết với Hoa Kỳ về việc tinh luyện nhiên liệu uranium cho bom nguyên tử, cũng do Hoa Kỳ đã trên chân về vũ khí dầu hỏa. Iran trước giờ đe dọa sẽ cho phong tỏa eo biển Hormuz để chặn đường biển chở dầu hỏa từ các xứ vùng Vịnh, kể cả Saudi Arabia. Nhưng với Hoa Kỳ gia tăng mức sản xuất dầu do fracking, thế đòn bẫy này của Iran không còn nữa. Hoa Kỳ trong những năm của thời George Bush hay Clinton đã không thể dùng những biện pháp chế tài kinh tế khắt khe với Iran chỉ vì sợ Iran làm thật để phong tỏa eo biển Hormuz và làm rối loạn kinh tế toàn cầu khi giá dầu lên vài trăm Mỹ Kim một thùng.
clip_image005
Nhưng khi áp lực đòn bẫy này của Iran không còn nữa, Obama đã có thể cho áp dụng các biện pháp chế tài kinh tế khắt khe nhất mà không sợ Iran phản ứng lại. Điều làm cho Iran phải qui hàng và chịu vào bàn thương thuyết chính là đòn cô lập Iran về ngân hàng và tín dụng. Các ngân hàng trên toàn cầu không thể giao dịch với Iran nên xứ này bị loại ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, không thể bán dầu lấy dollar được, chỉ có thể trao đổi hàng hóa với Trung Hoa, Ấn Độ… nên đã bị thiệt hại nặng và sụp đổ kinh tế. Như thế một khi Hoa Kỳ chiếm thế thượng phong trong vũ khí chiến lược dầu hỏa, các bài tính chiến lược của vùng Trung Đông đã phải thay đổi hết và đem lại những giải quyết cho vấn đề Iran [vốn] nhức đầu cho Hoa Kỳ hàng bao nhiêu năm nay.
Trong cuộc khủng hoảng mới nhất hiện nay tại Ukraine, vũ khí chiến lược dầu hỏa và khí đốt cũng đã trở thành thế lực mạnh nhất cho các tính toán của Putin và Obama trong việc đối chọi giữa Nga và thế giới Tây Phương hiện nay. Hoa Kỳ và Âu Châu gần như đã chấp nhận cho Putin chiếm Crimea, nhưng muốn ngăn chặn những tham vọng kế tiếp của Putin là chiếm luôn miền phía Đông và Nam Ukraine, phân chia xứ này ra làm hai, nửa theo Nga, nửa theo Tây Âu. Putin có thế đòn bẫy là cung cấp khí đốt cho Âu Châu bằng các ống dẫn khí đốt này chạy ngang qua lãnh thổ Ukraine. Nếu Hoa Kỳ và Tây Âu làm dữ, nhất định trừng phạt Nga nặng nề hơn bằng các biện pháp kinh tế và loại Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, Putin có thể phản ứng lại bằng cách cho khóa các ống dẫn khí đốt này và 60% nhà cửa của Tây Âu sẽ lạnh cóng vì thiếu hơi đốt!
clip_image006
Ngoài ra Nga cũng là xứ sản xuất dầu và cung cấp cho Âu Châu nên ngoài khí đốt, dầu hỏa sẽ bị khan hiếm với giá tăng vọt cho dân chúng Âu Châu. Hoa Kỳ có thể cho xuất cảng hơi đốt sang Âu Châu bằng cách cho đông lạnh liquefied natural gas và dùng tầu tanker chở băng ngang qua Đại Tây Dương cung cấp khí đốt cho Âu Châu. Nhưng những cơ sở để làm đông lạnh hơi đốt tại Hoa Kỳ và các cơ cấu hạ tầng chưa có sẵn tại Hoa Kỳ và sẽ mất hai ba năm để có thể thay thế toàn bộ lượng khí đốt Âu Châu nhập cảng từ Nga.
Cũng thế tuy Hoa Kỳ trong tương lai có thể dư thừa dầu hỏa để xuất cảng sang Âu Châu. Nhưng hiện nay Hoa Kỳ vẫn còn lệnh cấm xuất cảng dầu do Quốc hội Hoa Kỳ ban hành luật này từ đầu thập niên 70’s khi dân chúng Hoa Kỳ phải xếp hàng để mua xăng! Muốn xuất cảng dầu, Hoa Kỳ phải bỏ luật cấm này. Nhưng hiện vẫn còn bị kỹ nghệ lọc dầu chống đối và chưa ra luật được! Lý do là các nhà máy lọc dầu hưởng lợi do việc mua dầu sản xuất tại Hoa Kỳ giá rẻ, cho lọc dầu và bán với giá của thị trường toàn cầu cao hơn nhiều. Nếu bỏ luật cấm xuất cảng dầu, các nhà máy lọc dầu sẽ phải mua dầu sản xuất nội địa với giá cao hơn nên không còn lời nữa! Vì sự chống đối của các kỹ nghệ lọc dầu, đạo luật cấm xuất cảng dầu vẫn chưa bỏ được!
clip_image007
Tuy nhiên nếu tình hình tại Ukraine trở thành tồi tệ hơn và Putin cho chiếm thêm đất xứ này, dĩ nhiên Quốc hội Hoa Kỳ sẽ phải bỏ luật cấm xuất cảng làm lợi cho thiểu số lọc dầu để bảo vệ cho chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ chống lại Nga!
Tuy vậy chỉ cần đe dọa là Hoa Kỳ sẽ thực hiện việc cung cấp khí đốt đông lạnh cho Âu Châu và sẽ cho xuất cảng dầu hỏa sang, dù phải mất hai ba năm nữa, cũng đủ để cho Putin phải chùn chân và tính toán lại nếu không muốn thấy kinh tế Nga đi vào chỗ sụp đổ như Iran hiện nay.
Đây là thế đòn bẫy quan trọng vì Nga hiện nay có thể được coi như một thứ Saudi Arabia thứ hai, gần như hoàn toàn chỉ sống bằng việc xuất cảng dầu hỏa và khí đốt. Kinh tế của Nga được coi là lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi thiên nhiên. Putin có mua chuộc được giới quân sự và được nhiều nhóm dân chúng ủng hộ, thực ra cũng nhờ vào các nguồn lợi do xuất cảng năng lượng này. Nên khi Hoa Kỳ có lợi thế hơn về vũ khí chiến lược dầu hỏa, thế đòn bẫy này của Nga đã giảm đi nhiều hiệu quả. 
Và trong sự tính toán của Putin hiện nay, liệu việc chiếm thêm đất của Ukraine sẽ phải trả giá quá đắt do việc Hoa Kỳ và Âu Châu loại Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, cũng như trong hai ba năm đến sẽ ngưng mua dầu hỏa và khí đốt từ Nga. Lúc đó chắc chắn kinh tế Nga sẽ xuống dốc không phanh và sụp đổ dễ dàng. Putin dĩ nhiên sẽ tính toán lợi hại với các giả sử và bài tính khác nhau để chọn con đường đi tới trong vài tháng sắp đến. Việc Putin gọi điện thoại thẳng nói chuyện với Obama trong hai tiếng đồng hồ và cho Ngoại trưởng Lavrov gặp Ngoại trưởng John Kerry tuần qua là dấu hiệu Putin có thể cũng đã chùn chân và lạnh cẳng trước những đe dọa của Hoa Kỳ về năng lượng và phải tính lại hết các bài tính chiến lược mới!
Như vậy chỉ với một tiến bộ kỹ thuật mới về đào dầu, Hoa Kỳ đã làm thay đổi hẳn cục diện cho các thế chiến lược và chính trị địa dư của toàn cầu. Chỉ trong vòng ba năm, Hoa Kỳ đã chiếm thế thượng phong đối với vũ khí chiến lược dầu hỏa và nhờ đó thay đổi hẳn các tính toán cho vùng Trung Đông cũng như cho Âu Châu hiện tại. Kẻ thù tương lai và nguy hiểm nhất cho Hoa Kỳ hiện nay là Trung Hoa cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ vì ưu thế mới này của Hoa Kỳ đối với vấn đề năng lượng.
Điều đầu tiên là những kỹ nghệ sản xuất về solar panels, chế các tấm bảng đổi ánh sáng mặt trời ra điện của Trung Hoa hiện nay đã bắt đầu bị phá sản. Trong mấy năm trước, Trung Hoa đã chiếm đến 80% thị trường về kỹ nghệ này. Nhưng với giá dầu đi xuống, mức sản xuất dầu nội địa Hoa Kỳ đi lên, các kỹ nghệ về năng lượng mặt trời đều bị phá sản hết! Và Trung Hoa đầu tư nặng về các ngành này sẽ bị ảnh hưởng nặng! Đây chỉ là một điểm nhỏ trong những chiều hướng thay đổi lớn trên toàn cầu do các tiến bộ về kỹ thuật đem lại.
clip_image008
Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế của Trung Hoa trong vài thập niên qua, thực sự chỉ do Hoa Kỳ, Tây Âu và Nhật sai lầm đầu tư quá trớn vào Trung Hoa và thiếu suy nghĩ cho các hậu quả tương lai. Nhưng Trung Hoa không thể so sánh với Hoa Kỳ về phương diện tiến bộ kỹ thuật, chỉ biết học lén, ăn cắp và lường gạt các nhà đầu tư ngoại quốc. Nên hiện nay kinh tế Trung Hoa đã chậm lại và nhiều phần sẽ đi vào suy thoái nặng trong tương lai.
Tóm lại Hoa Kỳ vẫn là quốc gia hàng đầu của thế giới với những phát minh và tiến bộ kỹ thuật mới mẻ. Chỉ với một phương cách đào dầu tân tiến, Hoa Kỳ đã làm thay đổi hẳn những thế tính toán chiến lược địa dư trên toàn cầu. Tất cả nhờ vào vũ khí dầu hỏa nay đã trở thành ưu thế chiến lược cho Hoa Kỳ để chống lại các kẻ thù cũ như Iran, Nga. Cũng như đối với kẻ thù mới trong tương lai chính là Trung Hoa vậy!
N.Đ.P.

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý



Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý



Bùi Bảo Trúc



Những người ở tù chung với Vũ Hoàng Chương tại khám Chí Hòa thời gian sau tháng 4 năm 1975 kể lại rằng trong nhà giam Cộng Sản, một lần, khi nhắc chuyện đường sá thay tên ở Sài Gòn, nhà thơ hàng đầu của văn học Việt Nam thế kỷ XX (bằng một giọng chắc là ngán ngẩm lắm), đã đọc hai câu này:

Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do

Ở Sài Gòn, đường Công Lý chạy song song với đường Pasteur ngang tòa án sau tháng 4 liền bị đổi thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đường Tự Do (Catinat cũ) bị đặt tên mới là đường Đồng Khởi. Công Lý và Tự Do mất tiêu sau khi có Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Đồng Khởi.

Chữ nghĩa của nhà thơ họ Vũ thật ghê gớm. Đối nhau chan chát. Hai câu đều mang tính chất tiên tri như người Việt Nam đã thấy quá rõ.

Không chỉ hai con đường rất đẹp của Sài Gòn bị mất tên, mà hai thứ quí giá nhất của miền Nam là công lý và tự do cũng không còn nữa. Vũ Hoàng Chương ra đi ít lâu sau khi ra khỏi tù (tháng 10 năm 1976).

Không như những cái tên lịch sử mà Cộng Sản thù ghét bị thay tên mới lập tức, đường Công Lý hoàn toàn không đụng chạm gì tới những người chủ mới của Sài Gòn cũng bị dẹp bỏ vì những người Cộng Sản rất dị ứng và thù ghét công lý. Trong khi tên đường Tự Do thì chỉ có chính phủ mới được quyền nhận vơ ghép vào giữa hai thứ mà họ chẳng hề đem lại cho cái nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là Độc Lập và Hạnh Phúc.

Hai câu của Vũ Hoàng Chương ghép mấy cái tên đường cũ mới của Sài Gòn càng nghĩ càng thấy đúng.

Tuần qua, báo chí trong nước bỗng xôn xao hẳn lên vì hai cuốn sách cũng dính líu ít nhiều tới công lý qua những cái bìa của chúng.

Một cuốn có tựa đề là Bộ Luật Dân Sự Và Văn Bản Hướng Dẫn Thi Hành 2014. Cuốn thứ nhì là Bộ Luật Hình Sự Và Văn Bản Hướng Dẫn Thi Hành 2014. Cả hai đều do nhà xuất bản Lao Động Xã Hội in và phát hành. Nếu chỉ có những hàng tựa của hai tập tài liệu về luật này thì đã không có gì để gây xôn xao suốt mấy ngày qua. Chính những cái bìa của hai cuốn sách đã tạo ra những phản ứng của các độc giả của nhiều báo trong nước. Hai cái bìa còn kèm theo những hình minh họa chắc để cho đỡ khô khan. Việc làm đó (kèm theo hình minh họa) cũng là chuyện bình thường. Bộ sách Triết của Linh Mục Trần Văn Hiến Minh cho học sinh ở cấp trung học hơn nửa thế kỷ trước sử dụng bức ảnh chụp tác phẩm điêu khắc Le Penseur của Rodin thì vừa đẹp vừa hợp lý.

Cuốn luật dân sự dùng hình của một người đàn ông trên người có độc nhất một chiếc quần shorts rất ngắn, hai tay cầm hai chiếc bàn cân giống như một chiếc cân thiên bình. Người trình bày bìa cuốn sách dường như muốn dùng hình ảnh chiếc cân để gợi ý cho nội dung cuốn sách luật. Thay vì dùng hình ảnh của tượng nữ thần công lý của La Mã hay Hy Lạp thường thấy tại các pháp đình ở nhiều nơi trên thế giới với tay trái cầm thanh gươm hai lưỡi, tay phải cầm chiếc cân, hai mắt bịt kín tượng trưng cho công lý vô tư, công bình, thì bìa cuốn sách dùng bức ảnh người đàn ông mặc quần shorts ngắn cũn cỡn để tạo ra hình chiếc cân công lý.

Có điều khuôn mặt ghép cho thân hình lực lưỡng đó là hình chụp một diễn viên hài kịch nổi tiếng nghệ danh là Công Lý. Như thế, kịch sĩ hài hước Công Lý được cho thay thế nữ thần công lý trên bìa cuốn sách luật dân sự.

Nếu như cái mặt không phải là của diễn viên hài kịch, mà của một người không ai biết thì cũng tạm chấp nhận được đi. Nhưng ông ta lại là một nghệ sĩ chuyên đóng hài kịch thì bộ luật pháp, công lý là trò hề hay sao?

Bìa cuốn sách thứ hai, cuốn mang tựa đề Bộ Luật Hình Sự thì dùng hình của một chiếc cân với một bàn cân trên có một sấp đô la trông rất rõ, không thể lầm là bất cứ một thứ gì khác. Thế thì có phải là chẳng có cái quái gì là công lý cả. Cứ ấn cho một nắm đô la là xong hết hay sao? Đến nỗi chuyện chạy án cũng được bầy ra ngoài bìa sách thì việc hướng dẫn thi hành là bằng đô la chăng?

Sau khi có nhiều ý kiến không tốt về bìa hai cuốn sách, Cục Xuất Bản mới quyết định đình chỉ phát hành cả hai cuốn sách và phạt nhà xuất bản 252 triệu đồng.

Người vẽ kiểu bìa sách có thể là một người quá ngu dốt nên mới dùng chân dung một anh hề để làm bìa cho cuốn sách. Đáng lý bìa cuốn sách phải được trình bày một cách nghiêm túc thì nó được minh họa hài hước như vậy.

Nhưng cũng có thể người vẽ mẫu bìa cho cuốn sách luật dân sự là một người cực kỳ thông minh dùng nó để chửi cái chế độ không hề có công lý như câu chơi chữ của Vũ Hoàng Chương đã tiên đoán.

Hai cái bìa sách chỉ nói đúng được chuyện công lý ở Việt Nam thôi mà. Tịch thu rồi còn phạt làm khó nhau mà chi trong khi ai mà chẳng biết công lý thì tiêu từ khi có Nam Kỳ Khởi Nghĩa, hay nếu có thì cũng chỉ là trò hề thôi mà.



Bùi Bảo Trúc

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Hãy nhìn những gì Trung Quốc làm, đừng nghe họ Tập nói

Hãy nhìn những gì Trung Quốc làm, đừng nghe họ Tập nói

Việt-Long- theo Geoffrey Barker, The Australian Financial Review, Nov. 24, 2014
2014-11-24


xi-and-peng
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận-Bình và Bành phu nhân được tặng quà, là một con thú hiếm, tại Tasmania, Australia
Courtesy of examniner.com.au

Những lời cường điệu và tựa đề lớn trên báo chí sau bài diễn từ của ông Tập Cận-Bình trước quốc hội và Thỏa hiệp Tự do Mậu dịch Trung Quốc- Australia là điều dễ hiểu. Ông họ Tập quảng bá lời bảo đảm về ý hướng của Trung Quốc, trong khi thỏa hiệp kia mở ra cơ hội kinh tế lớn lao cho Australia.

Nhưng điều khó hiểu là người ta thường không vạch rõ được cái rỗng tuếch trong những ý kiến của ông để lấy đó soi xét thực tế bạo tàn của chủ nghĩa Cộng Sản Trung Hoa, và để nhận ra là có một xứ Trung Quốc nhỏ hơn, không được nhìn nhận, là Đài Loan, mà Australia dễ dàng có những tương đồng chiến lược, chính trị và kinh tế.

Sự vụng về của họ Tập để lôi Australia khỏi liên minh với Hoa Kỳ dễ được nhận ra, nhưng điều lạ là người ta tỏ ra không sẵn lòng đối chiếu những lời tuyên bố dễ nghe của ông với những hành động thực tế của tàu bè hải quân Trung Quốc gây bất ổn và thường xuyên ức hiếp (nước khác) ở biển Hoa Nam.

Lời lẽ của ông Tập rằng Trung Quốc kiên định lập trường hoà bình hoàn toàn đối nghịch với những lời xác định chủ quyền hầu hết diện tích biển Hoa Nam, với cuộc tranh chấp với Đài Loan, Brunei, Việt Nam, Philippines và Malaysia, cũng như cuộc tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Điếu Ngư/ Senkakư trên biển Hoa Đông.

Lời khẳng định hoà bình không xứng hợp với lời từ chối sự từ bỏ hành động sử dụng võ lực để lấy lại Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Hoa lục gọi là một tỉnh phản loạn.  Hơn nữa, cách đối xử của Trung Quốc đối với các tín đồ Pháp Luân Công, người Tây Tạng và người Uighurs ở tỉnh Tân Cương đã có tiếng là hung ác, tàn bạo.

Trung Quốc có lãnh thổ rộng lớn và thủy lộ giao thông huyết mạch phải bảo vệ và phòng thủ, nhưng mức tăng tỉ lệ chi phí quốc phòng là hai con số cho mỗi năm trong hai mươi năm qua khó lòng chứng tỏ một quốc gia quyết tâm giải quyết hoà bình các cuộc tranh chấp. Chi phí quốc phòng của Trung Quốc chỉ bằng khoảng một phần tư chi phí quốc phòng của Mỹ nhưng lực lượng bộ chiến, hải quân và không lực của Trung Quốc thật khổng lồ, gia tăng và trang bị tốt. Ai cũng biết đó là sự thật.

Thủ tướng Tony Abbot tỏ ra hài lòng với lời nói như quẳng đi của họ Tập rằng Trung Quốc sẽ trở nên dân chủ vào giữa thế kỷ này! (là lúc ông Tập đã rời sân khấu chính trị). Tuy nhiên mặc dù Trung Quốc thành công đáng kể trong việc lôi hằng triệu người thoát cảnh nghèo đói, những thực tế cố định sau đây vẫn là sự thực của xứ sở ấy:

Trước hết, Trung Quốc là một quốc gia Cộng Sản độc đảng, trong đó các lãnh tụ bước ra (chính trường) từ khối chính trị ưu tú khép kín, không bị đòi hỏi phải tìm lấy tính hợp pháp từ những cuộc bầu cử công khai, mở ngỏ.  Quân Ủy Trung ương là trụ cột thiết yếu cho sự ổn định trong hệ thống chính trị.
Thứ nhì, Trung Quốc là một "chiến binh" gián điệp mạng toàn cầu trơ trẽn, lén lút xông phá vào các hệ thống computer của các chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài với những nỗ lực không mệt mỏi, để chiếm lợi thế chiến lược và kinh doanh trên các đối thủ cạnh tranh. Australia cũng nằm trong số nhiều quốc gia tiên tiến phương Tây đã nếm mùi tấn công mạng được tìm ra là phát xuất từ Trung Quốc.

Thứ ba, như báo cáo của Human Rights Watch năm nay ghi nhận, Trung Quốc áp đặt hạn chế độc đoán trên các quyền tự do phát biểu, lập hội, hội họp và tôn giáo. Trung Quốc cấm đoán các công đoàn lao động độc lập và các tổ chức nhân quyền,duy trì sự kiểm soát của đảng Cộng sản trên tất cả các cơ chế tư pháp.
Ở Trung Quốc, báo chí, internet, ấn bản giấy, những nghiên cứu học thuật và sản phẩm nghệ thuật đều bị kiểm duyệt, như biện pháp cần thiết để bảo toàn an ninh xã hội. Các công dân bất đồng chính kiến, kể cả những nghệ sĩ như Ngải Vị Vị và khôi nguyên Nobel Lưu Tiểu Ba đểu bị ngược đãi và thường ngồi tù. Sinh viên Trung Quốc du học ở hải ngoại bị theo dõi chặt chẽ, ở Úc cũng vậy. Thứ tư, theo Tổ chức Ân xá quốc tế, Trung Quốc hành quyết mỗi năm hằng ngàn người  - hơn cả con số bị các nước còn lại trên thế giới hành quyết. Bắc Kinh từ chối tiết lộ con số, nhưng thói "ghiền" sử dụng đến tiểu đội hành quyết và giây thòng lọng đã khiến Hoa Lục trở thành một trong những nước ác nghiệt nhất thế giới.

Chừng đó quá đủ (để đối chiếu) với lời tuyên bố hoà bình của họ Tập. Để mà giao dịch với "gã lớn con"
Tất nhiên không một thực tế nào kể trên lại là lý do để bác bỏ quan hệ chính trị và kinh tế với Trung Quốc. Đó là, như ông Tập nói, một gã to lớn, một sừc mạnh quân sự và kinh tế đang lớn mạnh thêm và là đối tác thương mại chính yếu của Australia. Nhưng người Úc không nên để quyền lợi kinh tế làm quên đi hay làm mù quáng trước những thực tại ở Trung Quốc.

Nhu cầu chính trị thực tiễn chỉ để cho Australia (và những nước khác) sự chọn lựa ít ỏi, phải đón nhận chính sách "một nước Trung hoa" đã dìm Đài Loan trong bóng tối, cố phấn đấu để được thấy và nhìn nhận như một nền dân chủ sôi động, văn minh và đầy văn hóa kể từ lúc chấm dứt lệnh thiết quân luật từ năm 1987.
Chỉ bằng một nửa Tasmania (nơi họ Tập đến thăm) với dân số 23, 4 triệu, Đài Loan thật tao nhã, rộng lượng, vô cùng khôn ngoan sắc sảo và là thị trường xuất khẩu hàng thứ sáu của Úc, thị trường nhập khẩu hàng Úc lớn thứ 14. chính sách "một nước Trung Hoa" không được chiếm ưu tiên hơn trong nhận thức tốt đẹp của Úc về mối giao hảo với Đài Loan.

Giới học giả và các nhà chính sách của Úc không đồng ý về việc liệu Trung Quốc có đủ sức mạnh vững bền để thách đố quyền lực toàn cầu của Mỹ hay không. Trong khi đó Australia cần những mối quan hệ kinh tế và chiến lược khả quan với Trung Quốc, khi Hiệp ước mậu dịch tự do được áp dụng, nhưng người Úc cần hiểu rõ rằng nụ cười của ông họ Tập che dấu nhiều dữ kiện hãi hùng về xứ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
____________
Geoffrey Barker là bỉnh bút của báo The Australian Financial Review, giáo sư thỉnh giảng của Trung Tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, Đại học quốc gia Australia.

 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/look-at-what-china-does-not-at-what-xi-tells-us-11242014155501.html

Cảm ơn đất nước đã dung thân



Cảm ơn đất nước đã dung thân

Lê Phan



Tuần này Hoa Kỳ chào đón Lễ Thanksgiving, Lễ Tạ Ơn. Âu cũng là một dịp để nói chuyện ân tình.

Và cái câu chuyện ân tình đó phải bắt đầu bằng ngay chính đất nước Hoa Kỳ. Tôi mới được một người bạn gửi cho một bài viết thật chân tình hẳn là của một người Mỹ gốc Việt. Bài mang cái tên “Người Khách Trọ Vô Tình.”

Bài viết không thấy ký tên mở đầu với câu chuyện về thành phố Rialto của quận San Bernadino, California. Quận này, theo bài viết là một quận nghèo, nửa cư dân là người gốc Mexico, một phần năm là dân gốc Phi Châu. Lợi tức đầu người chỉ khoảng 13,375 đô la một năm và 13% dân chúng sống dưới mức nghèo đói ở Hoa Kỳ trong khi tỷ lệ tội ác lại cao hơn các thành phố khác, nhưng thành phố không đủ ngân sách thuê thêm cảnh sát. Rialto cũng có rất nhiều trẻ em bỏ học vì bố mẹ quá nghèo hay không đủ Anh ngữ. Thêm vào đó, hầu hết các gia đình không có computer nên việc học của con cái rất khó khăn.

Gần đây một nhóm người Việt gồm nhà giáo, bác sĩ, sinh viên và tu sĩ cư ngụ trong vùng San Bernadino, đã chọn Rialto để thành lập một trung tâm giáo dục nhỏ mang cái tên tắt là H.O.M.E, viết tắt của chữ House of Meditation & Education nhưng cũng đồng thời có nghĩa là mái ấm gia đình. Các em có thể đến đó để học sử dụng computer, giúp làm homework hay chỉ đọc sách. Phụ huynh theo con đến cũng được chỉ dẫn về computer và giúp đỡ. Người đứng đầu nhóm thiện nguyện này, theo bài viết, là một bác sĩ, sau khi con cái ăn học thành tài, nay cảm thấy mình phải trả nợ cho vùng đất đã dung thân mình.

Bài viết đặt câu hỏi, “Trên nước Mỹ này bao nhiêu người trong chúng ta đã làm được những việc như thế này?”

Rồi kể tiếp câu chuyện của một vị linh mục đã hỏi giáo dân là trong thành phố đã cưu mang chúng ta này, có nhiều người Mỹ nghèo hơn chúng ta, nhưng lòng bác ái của họ thì không nghèo, không một công tác từ thiện nào mà họ không góp công góp của, không như người Việt chúng ta.

Giáo dân đã trả lời linh mục, “Thưa cha. Vậy thì Cha nghĩ, 8 tỷ một năm gửi về Việt Nam không phải là tiền từ thiện hay sao? Có điều chúng ta chỉ lo cho quê hương, họ hàng, còn ở đây chúng ta chỉ là người khách trọ.”

Bài viết sau đó đã than thở về sự bạc bẽo của cộng đồng người Việt với quốc gia đã cưu mang mình. Ngoài những nghĩa vụ luật định mà chúng ta làm đủ, “hình như chúng ta vẫn sống trên đất Mỹ không gì khác hơn là một du khách, hay là một người tình 'vẫn đi bên cạnh cuộc đời' không hề lưu tâm để ý gì đến những chuyện chung quanh.”

Nhưng theo tác giả chúng ta không phải là cộng đồng duy nhất. Một số người Hồi giáo đã “trả ơn” nước Mỹ bằng cách quyên góp tiền gửi về ủng hộ cho al-Qaeda, kẻ thù của đất nước đã cho mình dung thân. Nhiều di dân từ Hoa Lục hay ngay cả Đài Loan đã trở thành gián điệp cung cấp cho quốc gia mình những bí mật quốc phòng hay kinh tế của Hoa Kỳ. Thật là một thứ nuôi ong tay áo.

Những người này cũng như người Việt chúng ta, khi nhập quốc tịch, đã tuyên thệ trung thành với Hoa Kỳ, nhưng vẫn xem việc nước Mỹ như việc hàng xóm, không muốn can thiệp hay đóng góp, thậm chí cũng không muốn đi bầu nữa.

Ấy vậy mà nếu khi không may, nếu bị nạn, Hoa Kỳ đã không bỏ rơi công dân của mình. Hai cô phóng viên người Mỹ gốc Hoa và người Mỹ gốc Hàn bị Bắc Hàn bắt đã được đích thân cựu Tổng Thống Bill Clinton đến đón về, trong khi chính phủ Mỹ đã gửi một viên chức tình báo cao cấp đến để đón ba công dân Mỹ mới đây, trong đó có một người gốc Hàn. Những người Mỹ gốc Việt cũng vậy. Khi Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân bị chính quyền Hà Nội bắt, chính phủ Hoa Kỳ đã tận tình can thiệp giúp giải cứu ông không phải một mà hai lần.

Bài viết rất chân tình của tác giả vô danh mà người bạn tôi gửi cho chỉ nói đến người Mỹ gốc Việt, nhưng điều tác giả viết áp dụng cho tất cả những người gốc Việt đang sống trên khắp thế giới.

Một người Việt nào đó đã phát minh ra chữ “tạm dung” thật chí lý. Nhưng tạm dung là giai đoạn đầu khi chúng ta mới đến nơi đó, chứ khi đã thành công dân, chúng ta cần phải thay đổi thái độ.

Điều mà hầu hết chúng ta quên là bây giờ chúng ta trước hết là công dân Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc hay bất cứ một nơi nào đã dung túng chúng ta rồi sau đó mới là người Việt Nam. Quê hương thứ hai của chúng ta đã trở thành nhà. Nó không những là nơi dung túng chúng ta mà nay là nơi quyền lợi của chúng ta gắn liền. Nếu một mai không may quê hương đó bị tấn công thì không những quyền lợi của chúng ta bị lâm nguy mà ngay cả tính mạng, sự sống của chúng ta cũng sẽ khó còn.

Ấy là chưa kể chuyện nếu lỡ có vấn đề “xung đột về lòng trung thành” thì sao? Giữa quê hương thứ nhất và quê hương thứ hai chúng ta chọn nơi nào?

Những người Việt ra đi sau năm 1975 có ít lý do để trung thành với chế độ hiện nay, nhưng sự trung thành không phải chỉ thu hẹp vào chế độ.

Hôm nọ tôi gặp một người bạn vốn là dân Anh gốc Đức. Bà bạn tôi kể lại là mới về Đức thăm gia đình, vốn tất cả đều còn sống ở Đức.

Bà nửa đùa nửa thật bảo tôi, “Bạn có biết không, bỗng dưng về Đức tôi trở thành một kẻ tìm cách biện minh cho ông David Cameron. Ai cũng hỏi tôi tại sao Anh Quốc đòi rút ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu? Ai cũng hỏi tôi tại sao Anh Quốc không muốn đóng góp phần tiền của mình cho Liên Hiệp?” Điều mỉa mai là bà bạn tôi là một đảng viên trung thành của Đảng Lao Động, một đại diện của nghiệp đoàn tại đài BBC, và là một người ghét cay ghét đắng Đảng Bảo Thủ của ông Cameron. Nhưng, như bà nói, “Ông ta là thủ tướng của nước tôi và tôi đã chọn làm người Anh thì phải bảo vệ lập trường của ổng, dầu cho không đồng ý với những lập luận của ông ta.”

Điều bà nói đã làm tôi thêm suy nghĩ. Ở một khía cạnh nào đó, cũng như bà, tôi đã chọn làm dân Anh, làm thần dân của Nữ Hoàng Elizabeth II. Khi theo dõi các cuộc thi đấu ở Thế Vận Hội, tôi đã hết sức xúc động khi lá cờ Union Jack được kéo lên và bài quốc ca “God Save the Queen” trỗi lên bởi chiến thắng của một người Anh cũng là chiến thắng của tôi. Mỗi năm vào tháng 11 này khi những cựu chiến binh Anh bắt đầu xuống đường bán những bông hoa poppies làm bằng giấy để giúp vào quỹ cho các cựu chiến binh, tôi đã cảm thấy cần phải mua vài bông để chứng tỏ biết ơn sự hy sinh của những quân nhân đó. Và càng sống ở Anh lâu tôi ngày càng cảm thấy cái chất “ăng-lê” nó thấm vào mình. Tôi cũng bất mãn khi người ta không có tinh thần “fair play.” Tôi gật gù khi người Anh lắc đầu bảo “It's just not cricket.” Đây là một thành ngữ có nghĩa là “Chơi như vậy là chơi xấu, không đúng luật chơi.”

Điều đó không có nghĩa là tôi không cảm thấy xúc động khi thấy Việt Nam bị Trung Cộng xâm lấn. Nó cũng không có nghĩa là tôi không tự hào về nguồn gốc Việt Nam của tôi. Nhưng ngoài là người Việt Nam, tôi nay cũng là một người Anh.

Và điều đó có nghĩa là chia sẻ cái hưng suy của đất nước này như là một người dân nước đó chứ không phải chỉ là một khách ghé thăm.

Điều đó cũng có nghĩa là xin cảm ơn đất nước đã dung thân tôi.



http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=198633&zoneid=97#.VHOmNspR7CY

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Báo chí văn nghệ (1954-1957)



Báo chí văn nghệ (1954-1957)
Viên Linh


Ba năm đầu ở phía Nam vỹ tuyến 17, không khí dựng nước Cộng Hòa vô cùng sôi nổi, trong đó báo chí truyền thông như tới mùa hoa Xuân nở rộ, người cầm bút chập chững vào đời vừa ngỡ ngàng, vừa hưng phấn, đọc thật nhiều, thu nhận bao nhiêu cũng không xuể.

Nỗi nhớ nhung mưa phùn gió bấc Hà Nội, tiếng sóng nhẹ nhàng ven Hồng Hà tan loãng đi rất nhanh, thay vào đó tầm mắt thanh niên chan hòa nắng vàng rực rỡ, bánh xe lãng tử vo vo trong mưa tháng năm, ào ào xối xả, rồi dập dềnh bao la sông nước Cửu Long giang, tôi rời mái nhà mẹ hiền chỉ vài tháng sau khi đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhứt, 1955, đã bay trong tiếng nói như chim, đã chìm vào lời ca dăm câu vọng cổ, văn chương nào tả nổi. Hai miền gặp nhau, tuổi trẻ yêu mến nhau nhiều hơn là nghi kỵ.

Ôi! Tiếng Việt miền Nam
Nghe sao mà âu yếm
Giọng ngân dài lưu luyến
Cho lòng ta thương vương.

Ôi! Thương ai em thương thiệt là thương
Em, cô gái Đồng Nai lòng cởi mở
Từ quen em, nắng vàng thêm rực rỡ
Dừa thêm xanh và vú sữa thêm ngon.

Lời em thơm như măng cụt no tròn
Giọng em ngọt như xoài vừa chín tới
Những chữ ngân dài như gió thổi
Còn chữ C, G nghe đọc lỗi mà yêu
Giọng TR trong trẻo đúng bao nhiêu
Và anh nữa, ôi tiếng anh nũng nịu:
--Mong “ăn” mãi! Nhớ “ăn” hoài! “Ăn” có hiểu?
Em thương “ăn” quá xá là thương.
(Bàng Bá Lân, Tiếng Việt Miền Nam)

Từ 1954 tới 1957 có hàng ngàn đặc san xuất hiện, riêng trong quân đội theo tài liệu của tờ Chỉ Đạo số Xuân Đinh Dậu, 1957, đã có khoảng 200 loại tập san báo chí khác nhau. Chỉ sơ lược và điển hình trong phạm vi văn nghệ, có Văn Nghệ tập san 1954-1955, báo Quan Điểm của Mặc Đỗ Vũ Khắc Khoan Nghiêm Xuân Hồng 1955, Tiền Phong rồi đổi thành Văn Nghệ Tiền Phong và nhật báo Ngôn Luận 1955 của Hồ Anh, Đi Và Sống 1955 của Lê Minh Hoàng Thái Sơn, Văn Nghệ Mới (ở Huế) 1955 của Võ Thu Tịnh, Đỗ Tấn, nhật báo Tự Do rồi Văn Nghệ Tự Do 1954-1955 của các nhà văn mới ở Bắc vào như Tam Lang, Nguyễn Hoạt, Đỗ Thúc Vịnh, Mặc Thu, Lửa Việt rồi Người Việt 1955, sau thành Sáng Tạo 1956 của Nguyễn Sỹ Tế Lữ Hồ Mai Thảo, Chỉ Đạo 1956 của Ngô Quân Nguyễn Mạnh Côn, Nhân Loại của Tam Ích, Thiên Giang, bán nguyệt san Sống của Hội Nạn Nhân Cộng Sản của Ngô Trọng Hiếu Nguyễn Đức Quỳnh 1956 (Duy Sinh thư ký tòa soạn, Viên Linh biên tập), Bách Khoa 1957 của Huỳnh Văn Lang với Nguyễn Ngu Í. Đặc biệt là báo nào cũng trả nhuận bút cho người cộng tác, kể cả thơ. Ngôn Luận trả 150 đồng cho mục truyện ngắn “Mỗi Ngày Một Chuyện.” Tiếng Chuông và Nhân Loại mở cuộc thi viết truyện ngắn, giải nhất tới 2,000. [Hối đoái lúc ấy 37 đồng ăn 1 Mỹ kim; nhiều món quà gánh ngoài đường chỉ cần trả 50 xu, vì không sẵn tiền kẽm, người bán hàng xé đôi đồng bạc giấy lấy một nửa, nửa kia trả lại khách].

Cũng có mấy tờ báo trả nhuận bút cho thơ, 50 đồng một bài. Báo Bách Khoa và Sống trả 100 một bài. Tháng 5, 1956 tổng thống Ngô Đình Diệm ký nghị định về cuộc thi văn chương hàng năm, năm sau tu chính thêm, ghi rõ cuộc thi phải thực hiện chậm lắm là hạ tuần tháng 12, giải nhất là 10,000 đồng, giải nhì 7,000 và giải ba 3,000. Ngay năm 1957 các nhà thơ nhà văn tên tuổi được trao giải là Đinh Hùng, Nhật Tiến (hiện ở Quận Cam). [Doãn Quốc Sỹ và Nguyễn Kiên Trung (Nguyễn Mạnh Côn) cũng được trao giải văn nghệ quốc gia, người viết không nhớ rõ cũng trong năm này hay năm 1958]. Sinh khí văn học nghệ thuật miền Nam (nói rõ hơn là phía Nam vỹ tuyến 17) dâng cao từ tháng 7,1954, trong tâm thức dựng nước Cộng Hòa, đối nghịch với chế độ chuyên chính Cộng Sản, nhất là với sự xuất hiện của tác phẩm biên khảo “Tâm trạng của giới văn nghệ ở miền Bắc” 1956 của Mạc Định và “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc” do Phong Trào Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa xuất bản, 1959. [Hai bút hiệu trên là của cùng một người: Hoàng Văn Chí (1913-1988). Hai cuốn sách này đã gây dựng ý thức tự do sáng tạo trong giới cầm bút phổ thông ở miền Nam, và cảnh giác sự chỉ huy văn nghệ ở Hà Nội. Thơ văn hồi ấy cho thấy các nhà thơ ta tự đặt mình trong dòng tiến hóa chung của nhân loại, không thua kém một ai:

Anh, chiến sĩ Hung Gia Lợi
Tôi, người lính Việt Cộng Hòa
Ta cảm thông nhau vì tình nhân loại
Vì muôn dân, vì đất nước tự do.
... Một ngày anh vùng dậy
Đẹp mãi muôn đời
Có âm vang vọng lại nước nón tôi
Rộn lên tiếng hoan hô Hung Gia Lợi.
(Chỉ Đạo)

đất ta là của ta
đừng ai hòng cắt xẻ
chúng ta thương yêu nhau
cùng là con một mẹ
chiếm lại trọn đất đai
xóa sạch oán thù
(Thanh Tâm Tuyền, Phiên khúc 20, 1956)

Sáng nay tôi bước ra giữa thị thành
Để nghe nói nỗi niềm mới lạ
Tiếng xe tiếng còi tôi nghe đường sá
Cả âm thanh của cuộc sống mọi người
Một nụ cười chạy ẩn giữa môi tươi
Trên tim nóng trong linh hồn tất cả.
(Quách Thoại, Sáng Sài Gòn, 1956)

Đường xưa hoa vắng rụng
Triều dâng lên lòng tôi
Gói khăn làm chuyến nữa
Ngày mai ra đi rồi.

Trăng già nghe sóng vỗ
Triều cao lên mênh mông
Chim rừng đem thả gió
Ngày mai tôi lên đường.
(Viên Linh, Mở Cửa Trùng Dương, 1957)

Mấy năm gần đây giới biên khảo phê bình ở Hà Nội thường lộ vẻ ngạc nhiên về sự phong phú của Văn Học Miền Nam. Sống trong dòng văn học ấy từ những ngày tháng đầu cho tới tháng tư 1975, tôi không ngạc nhiên chút nào. Sài Gòn mở rộng hải cảng bến bờ giao tiếp với thế giới văn minh nhân bản hẳn phải khác với những khe cửa chật hẹp lén lút cóp nhặt Đông Âu và phương Bắc. Giữa thủ đô văn hóa miền Nam, nơi cuối cùng qui tụ tinh hoa truyền thẳng tới từ những tờ báo đầu tiên của đất nước, những Gia Định Báo những Phụ Nữ Tân Văn, những sách báo quí để lại nguyên vẹn từ trăm năm trước cho hậu thế, gương sáng người xưa không hoen ố không phai mờ, từ những Nguyễn Văn Vĩnh Tản Đà Ngô Tất Tố, từ Đông Kinh Nghĩa Thục tới Nam Đồng Thi Xã, từ Tân Việt tới Hàn Thuyên, từ Lý Đông A tới Nguyễn An Ninh Tạ Thu Thâu tới Nguyễn Thái Học, từ những Vũ Trọng Phụng Lê Văn Trương Khái Hưng Tiền chiến qua Hữu Loan Quang Dũng Vũ Anh Khanh, chúng tôi còn nguyên vẹn, không bàn tay nào bôi bẩn bẻ què bẻ cụt. Từ đó và từ năm châu bốn biển, từ kho tàng huyền thoại và truyền thuyết dân tộc họ Hồng Bàng qua các sĩ phu thiền sư thời Lý Trần Lê mở mang sơn hà, thủ đô miền Nam có tất cả. Từ đó mà nở rộ mà sáng lên, ánh sáng ngày nay đang tỏa khắp đất nước và những nơi nào trên vũ trụ có bàn chân người Việt. (19 tháng 11, 2014)