Trật tự thế giới mới
Tháng 3 30, 2014
The Economist
Phan Trinh dịch
Trật tự thế giới hậu Xô-viết hẳn là không hoàn hảo, nhưng thứ trật tự Vladimir Putin đang muốn áp đặt rõ là tệ hơn nhiều.
Tuần
rồi, Vladimir Putin bảo Quốc hội Nga rằng: “Trong tâm tư người dân,
Krym mãi là một phần không thể tách rời Nga.” Và thế là Putin đã sáp
nhập bán đảo Krym vào Nga với tốc độ và cách làm hiệu quả đến chóng mặt,
với sự hậu thuẫn của đa số áp đảo qua trưng cầu dân ý. Putin gọi đó là
thắng lợi của trật tự, của chính danh, và là một đòn đau đánh vào bàn
tay thập thò can thiệp từ phương Tây.
Nhưng, coi vậy mà không phải vậy, Putin
không đại diện cho trật tự mà đại diện cho bất ổn và đấu đá. Việc đầu
tiên Putin làm để đặt nền móng cho trật tự mới là vẽ lại đường biên giới
dựa trên những lý lẽ tuỳ tiện, những lý lẽ rất dễ bị lợi dụng để thổi
bùng ngọn lửa tranh chấp lãnh thổ tại hàng chục nơi khác trên thế giới.
Thêm nữa, dù hầu hết người Krym muốn theo Nga, cuộc trưng cầu dân ý vừa
rồi cũng chỉ là một trò hề. Hành xử của Nga gần đây thường được dư luận
gán cho một cách phiến diện rằng đó là khởi đầu cho một cuộc chiến tranh
lạnh mới giữa Nga và Mỹ. Thực ra, hành xử đó đặt ra một đe doạ rộng lớn
hơn, và là đe doạ cho bất cứ quốc gia nào ở bất cứ đâu, vì Putin vừa
ngang nhiên lái xe tăng, cán bừa rồi ngồi chồm hổm trên trật tự thế giới
hiện có.
Đất mẹ xiết vào lòng
Chính sách đối ngoại thường đi theo chu
kỳ. Chế độ Xô-viết sụp đổ mở đường cho một thập niên thống trị vô đối
của Mỹ và sự khẳng định rình rang những giá trị Mỹ. Nhưng thế giới “duy
ngã độc tôn” này, được thổi phồng lên bằng sự ngạo mạn vô lối của George
Bush, đã phải hụt hơi ngạt thở trong khói bụi từ cuộc chiến Iraq. Từ
đó, Barack Obama đã tìm cách đưa ra một đường lối đa phương hơn, có
người có ta hơn, xây dựng trên niềm tin rằng Mỹ có thể đứng chung chiến
tuyến với các nước khác để đương đầu với những vấn nạn chung và để cùng
nhau cô lập kẻ ác. Đường lối này thất bại thảm hại tại Syria, nhưng vẫn
có dấu hiệu cho thấy hiệu quả khi áp dụng tại Iran. Tuy ảnh hưởng đã
giảm nhưng phải nói rằng chính uy thế của Mỹ đã giúp cho đường hàng hải
thế giới vẫn còn thông thoáng, các biên giới còn được tôn trọng và luật
pháp quốc tế hầu hết được tuân thủ. Xét ở mức độ đó thì trật tự hậu
Xô-viết rõ là có ý nghĩa của nó.
Nhưng Putin đang phá huỷ trật tự này.
Ông cố khoác cho việc sáp nhập Krym chiếc áo luật pháp quốc tế, chẳng
hạn như lập luận rằng việc loại bỏ chính quyền ở Kiev vừa qua khiến ông
không còn bị trói buộc bởi thoả ước đảm bảo sự vẹn toàn lãnh thổ
Ukraine, một thoả ước Nga đã ký năm 1994 khi Ukraine từ bỏ vũ khí hạt
nhân. Nhưng luật pháp quốc tế chỉ có nghĩa khi chính quyền đến sau thực
thi những quyền hạn và trách nhiệm được chính quyền trước trao lại. Chưa
hết, Putin còn viện dẫn nguyên lý rằng phải bảo vệ “đồng bào” mình –
tức tất cả những ai ông tự tiện gọi là người Nga – bất chấp họ đang ở
đâu. Chưa hết, chứng cớ một đường miệng lưỡi một nẻo, Putin còn chối bay
chối biến rằng binh lính mang quân phục không phù hiệu nắm quyền kiểm
soát tại Krym không phải là lính Nga. Sự kết hợp quái gở của hai vế, một
bảo vệ và một dối trá, quả là thứ công thức phù thủy dễ dùng để can
thiệp vào bất cứ quốc gia nào có sắc dân thiểu số cư ngụ, không cứ là
người Nga.
Khi rêu rao những chuyện ngụy tạo trắng
trợn về bọn phát xít ở Ukraine đe doạ Krym, Putin đã xem thường nguyên
tắc rằng: sự can thiệp ở nước ngoài chỉ nên dùng như biện pháp cuối cùng
trong trường hợp có đại họa. Putin biện minh bằng cách viện dẫn vụ NATO
đánh bom Kosovo năm 1999 như tiền lệ. Nhưng cần biết rằng vụ NATO can
thiệp vào Kosovo chỉ diễn ra sau khi có bạo động dữ dội và Liên Hiệp
Quốc đã phải bó tay sau bao nhiêu nỗ lực bất thành – và bất thành cũng
vì Nga cản trở. Ngay cả trong trường hợp này, Kosovo cũng không như Krym
bị sáp nhập lập tức, Kosovo chín năm sau đó mới ly khai.
Trật tự mới kiểu Putin, tóm lại, được
xây dựng trên chính sách thôn tính phục thù, sự trắng trợn xem thường sự
thật, và việc bẻ cong luật pháp cho vừa vặn với những gì kẻ nắm quyền
lực mong muốn. Trật tự kiểu đó có cũng như không.
Buồn thay, quá ít người hiểu điều này.
Rất nhiều quốc gia bực bội với vị thế kẻ cả của Mỹ và với Châu Âu thích
lên lớp dạy đời. Nhưng rồi họ sẽ thấy trật tự mới kiểu Putin còn tệ hại
hơn nhiều. Các quốc gia nhỏ chỉ có thể phát triển tốt trong hệ thống
luật lệ công khai minh bạch dù chưa hoàn hảo. Nếu giờ đây nguyên lý mạnh
được yếu thua lên ngôi thì họ sẽ có rất nhiều điều phải sợ, nhất là khi
phải đối phó với một cường quốc khu vực hay gây hấn bắt nạt. Trong khi
đó, các quốc gia lớn hơn, đặc biệt là các cường quốc đang lên trong thế
giới mới, tuy có ít nguy cơ bị bắt nạt, nhưng không phải vì thế mà một
thế giới vô chính phủ trong đó không ai tin ai sẽ không có tác động xấu
với họ. Vì nếu ý nghĩa của các thỏa ước quốc tế bị chà đạp, thì Ấn Độ
chẳng hạn sẽ rất dễ bị cuốn vào cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc vì
vùng đất tranh chấp Arunachal Pradesh hoặc Ladakh. Cũng vậy, nếu việc
đơn phương ly khai được chấp nhận dễ dàng, thì Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn sẽ
rất khó thuyết phục sắc dân Kurds trong nước mình rằng tương lai của họ
sẽ tốt hơn khi họ chung tay xây dựng hòa bình. Tương tự, Ai Cập và Ả Rập
Saudi cũng muốn tham vọng khu vực của Iran bị kiềm chế, chứ không phải
được thổi bùng lên nhờ nguyên lý cho rằng người ngoài có thể can thiệp
để cứu giúp sắc dân thiểu số Hồi giáo Shia sống khắp vùng Trung Đông.
Ngay Trung Quốc cũng cần nghĩ lại. Về
mặt chiến thuật, có thể nói Krym đã đưa Trung Quốc vào tình thế khó ăn
khó nói. Vì một tiền lệ về ly khai sẽ là lời nguyền rủa đen đủi, trong
khi Trung Quốc hiện có Tây Tạng đang muốn ly khai; ngược lại, nguyên lý
thống nhất đất nước lại là bất khả xâm phạm, trong khi Trung Quốc hiện
có Đài Loan chưa thể thống nhất. Tuy vậy, về mặt chiến lược, quyền lợi
của Trung Quốc rất rõ ràng. Nhiều thập niên qua, Trung Quốc tìm cách
trỗi dậy trong hòa bình và lặng lẽ, tránh né một cuộc xung đột như nước
Đức hung hăng đã kích hoạt chống lại nước Anh vào thế kỷ 19 để cuối cùng
kết thúc trong chiến tranh. Nhưng, hoà bình trong thế giới của Putin
lại là điều khó thành, vì bất cứ thứ gì cũng có thể trở thành cái cớ để
động thủ, và bất cứ sự gây hấn tưởng tượng nào cũng có thể dẫn đến một
màn phản công.
Hành động trước hay trả giá sau
Đối với Obama, đây là giờ phút quyết
định: Obama phải thực sự lãnh đạo, thay vì chỉ hợp tác. Nhưng Krym không
chỉ là việc của Mỹ, mà còn là của cả thế giới. Với những tai họa nhãn
tiền, phản ứng của các nước đến nay nói chung đều yếu và manh mún. Trung
Quốc và Ấn Độ hầu như chỉ đứng bên lề. Phương Tây thì áp đặt cấm vận
visa và phong tỏa tài sản của một số phần tử Nga. Nhưng những phần tử bị
nhắm tới thì lại coi đó là huy hiệu của danh dự.
Ít nhất, việc trừng phạt cũng cần bắt
đầu cứng rắn hơn, vượt ngoài dự kiến hơn. Phong tỏa tài sản có thể tác
động mạnh, vì như vụ cấm vận Iran trước đây cho thấy, giới tài chánh
quốc tế rất sợ dính líu tới guồng máy luật lệ của Mỹ. Cũng vậy, các quan
tham của Putin sẽ la lối ầm lên nếu nước Anh không cho London nhận đồng
tiền có liên hệ với chế độ tại Nga. Pháp nên hoãn việc bán vũ khí cho
Nga; và trong trường hợp phía đông Ukraine là nạn nhân kế tiếp của Nga,
thì nước Đức nên sẵn sàng cấm vận xăng dầu và khí đốt Nga. Cần lên kế
hoạch ngay bây giờ để giảm mức lệ thuộc của Châu Âu vào nguồn cung cấp
năng lượng từ Nga và để NATO mạnh hơn.
Trong ngắn hạn, Ukraine cần nhiều tiền
để cứu vãn kinh tế khỏi sụp đổ, và cần nhiều cải cách dài hạn với giúp
đỡ của IMF, cùng những tư vấn từ nước ngoài mà Ukraine có thể chấp nhận
được. Để đi bước đầu tiên theo hướng này, Mỹ cần lập tức thanh toán các
khoản nợ cho IMF, khoản thanh toán đã bị Quốc hội ngăn chặn nhiều tháng
nay.
Tuy nhiên, dù cho phương Tây có sẵn sàng
dùng những biện pháp cứng rắn chống Putin chăng nữa thì những cường
quốc đang trỗi dậy vẫn có thể không mấy hứng thú trong việc lên án
Putin. Nhưng, thay vì im hơi lặng tiếng trước vụ sáp nhập phi pháp Krym,
những cường quốc đang trỗi dậy kia rất nên suy nghĩ xem họ đang muốn
sống trong một trật tự thế giới như thế nào. Họ muốn một trật tự trong
đó hầu hết các quốc gia tôn trọng những thỏa ước quốc tế và biên giới đã
vạch? Hay là họ thích một trật tự trong đó cam kết bị bẻ cong, biên
giới bị xâm phạm và thỏa ước cứ thích là xé?
Nguồn: “The new world order”, The Economist, số ra ngày 22/3/2014
Bản tiếng Việt © 2014 Phan Trinh & pro&contra
http://www.procontra.asia/?p=4159
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét