Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Miến Điện trong mắt ai

Tháng 3 năm 2011, sau hơn bốn thập niên cầm quyền, chế độ quân nhân tại Miến Điện lùi bước trước nguyện vọng dân chủ của nhân dân Miến. Tuy xuất xứ từ quân đội nhưng ông Thein Sein là vị tổng thống dân sự đầu tiên đã đặt nền móng cho những cải cách chính trị đáng ngạc nhiên cho đất nước ông. Những nền móng đó lúc đầu gây tranh cãi và nghi ngờ hơn là tin tưởng. Nhưng với thời gian, những cải cách ấy càng ngày càng trở nên sâu rộng. Vị thế của Miến Điện được nâng cao trên trường quốc tế qua việc tham chính của các thành phần đối lập, vốn là kẻ thù không đội trời chung của chế độ dưới thời tướng Than Shwe. Từng bước, tù chính trị được thả, tự do báo chí được khôi phục, kinh tế bắt đầu hồi phục khi các lệnh cấm vận khắc nghiệt được bãi bỏ.

Quan trọng hơn cả, ảnh hưởng của láng giềng Trung Quốc một thời đè nặng lên kinh tế, chính trị của đất nước này lần lượt bị đầy lùi trong êm thấm. Quan hệ Miến – Hoa một thời nồng ấm ở Châu Á khi chỉ trong hai năm 2010 đến 2011, “đầu tư từ Trung Quốc vào Miến Điện đã vượt mức 12 tỷ đôla, gấp 8 lần tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào nước này trong thời điểm từ 1988 tới 2009”, theo thống kê của báo JETRO của Nhật.

Chuyện gì đã xảy ra?

Bài báo “China didn’t see this coming” (Điều Trung Quốc không lường trước) của cây bút Chris Horton ngày 19/3/13 trên Thealantic.com cho thấy sự xích lại gần Trung Quốc không phải là ngẫu nhiên giữa hai quốc gia có một đường biên giới chung khá dài này. Bên cạnh đó, thế lực kinh tế của một lớp di dân người Hoa lâu đời cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự mở rộng quan hệ giữa Miến Điện và Trung Quốc.

Sau năm 1988, một năm đẫm máu với các cuộc biểu tình của sinh viên, thanh niên, sư sãi và các tầng lớp dân chúng khác bị chế độ quân phiệt đàn áp khốc liệt, Miến Điện bị cấm vận ngặt nghèo. Từ một quốc gia giàu có trước đây có số lượng xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nay trở thành một nền kinh tế lạc hậu, èo uột và chính trị bị cô lập. Miến Điện đã tìm đến với Trung Quốc như một vị cứu tinh, một chỗ dựa vững chắc để tồn tại, bất chấp mọi áp lực đòi hỏi dân chủ, tự do từ phía người dân.

Để tìm kiếm viện trợ kinh tế trong thời gian này, Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật pháp Liên bang của Miến Điện đã cử Phó Chủ tịch Than Shwe sang Trung Quốc. Tháng 5 năm 2011, Tổng thống Thein Sein ký với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào một Hiệp ước hợp tác chiến lược, đánh dấu cao điểm của quan hệ hai nước tuy không “môi hở răng lạnh” nhưng rõ ràng là đầy triển vọng tốt đẹp. Đương nhiên các tầng lớp lãnh đạo Miến Điện phải chấp nhận sự hiện diện của Trung Quốc trong mọi lãnh vực kinh tế, chính trị để đổi lấy sự sống còn của chế độ càng ngày càng bị người dân xa lánh.

Nhưng thật bất ngờ khi vào tháng 9 năm 2011, Miến Điện đình chỉ dự án đập Myitsone trị giá 3,6 tỷ đôla của Trung Quốc tại bang Kachin, đông bắc Miến Điện dù công trình này đang thi công. Tổng thống Thein Sein đã giải thích lý do của quyết định này là “do ý muốn của người dân Miến Điện phải được tôn trọng”. Ít ai được biết nếu công trình này hoàn thành thì 90% lượng điện sẽ chuyển về Trung Quốc!

Lần đầu tiên lãnh đạo Miến Điện đã đề cập tới “ý dân” như một mệnh lệnh không thể chối bỏ. Điều này cho thấy giòng chảy của đấu tranh ôn hòa bất bạo động đã thành công. Mối quan hệ gắn bó giữa hai nước Miến – Hoa bắt đầu có sự rạn nứt trầm trọng và Miến Điện tỏ ra không còn muốn tiếp tục nằm trong vòng tay của Bắc Kinh như lâu nay.

Trong tháng 6/13, đài RFI đưa tin theo một nhóm chuyên gia của tổ chức Asia Society, một định chế tư vấn tại Mỹ "chính quyền Miến Điện đang có kế hoạch đàm phán lại hàng tỷ đô la hợp đồng trong lãnh vực khai thác tài nguyên, áp đặt các tiêu chuẩn môi trường và bài trừ nạn tham nhũng. Với kế hoạch cải tổ này, sau hàng thập kỷ được tự do tung hoành tại Miến Điện dưới thời tập đoàn quân sự, các công ty của Trung Quốc có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất”. Các thương nhân Trung Quốc từ nay sẽ không còn là những người tha hồ bòn rút tài nguyên khoáng sản của Miến Điện và tiếp tay làm giàu cho giới cầm quyền bản xứ nữa.

Trên trường quốc tế, sự xuất hiện của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi và của chính Tổng thống Thein Sein ở Hoa Kỳ và Châu Âu đã khiến cho niềm tin của thế giới vào cuộc cải cách kinh tế - chính trị tại Miến Điện tăng cao. Cuộc viếng thăm của tổng thống Barack Obama vào tháng 11 năm 2012 đã nâng cao vị thế của ông Thein Sein và của cả lãnh tụ Liên đoàn vì Dân chủ Aung San Suu Kyi. Hình ảnh của một Miến Điện độc tài khắc nghiệt từ từ được gỡ bỏ và luồng gió hồi sinh của một nền dân chủ được trân trọng đón nhận như một phép lạ.

Mới đây, từ 14/7/2013 Tổng thống Thein Sein đã thực hiện một chuyến công du Âu Châu lần thứ hai. Lần này ông đến thăm Anh và Pháp là hai nước lớn có tiếng nói quan trọng trong Cộng Đồng Châu Âu. Để thúc đẩy quá trình cải tổ tiến lên, sự tìm kiếm hậu thuẫn chính trị, kinh tế đối với Miến Điện là điều hết sức cần thiết. Do vậy, trong một bài diễn văn sau khi hội kiến với thủ tướng Anh Cameron, Tổng thống Thein Sein đã tuyên bố: "Trước cuối năm nay, sẽ không còn tù nhân lương tâm nào ở Myanmar nữa". Ông nói thêm rằng “một ủy ban đặc biệt đang xem xét tất cả các trường hợp tù chính trị”.

Lời tuyên bố từ một vị đứng đầu nhà nước Miến Điện được công luận quốc tế đón nhận trong tin tưởng về chiều hướng đi lên càng ngày càng vững chắc của một cuộc cải cách sâu rộng từ hai năm nay. Vì đây không phải là lần đầu tiên mà đã nhiều lần, tù nhân lương tâm ở Miến Điện được thả sau khi lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi tự do. Nó đánh dấu một bước ngoặt lớn cho sự hoà nhập ngoạn mục vào cộng đồng dân chủ thế giới của một đất nước từng sống những năm dài dưới bàn tay sắt của chế độ độc tài khắc nghiệt nhất nhì Châu Á.

Thận trọng nhưng đầy quyết tâm, chính phủ dân sự Thein Sein đã khôn khéo thực hiện một tiến trình cải cách 7 bước thực sự mang lại hòa giải dân tộc, mà đỉnh cao là cam kết “thả toàn bộ tù chính trị trước cuối năm nay”. Cam kết này cho thấy chiều hướng cải cách ở đất nước này là không thể đảo ngược.

Biết đặt quyền lợi đất nước lên trên quyền lợi cá nhân, các tướng lãnh Miến Điện một thời cai trị sắt máu đã kịp thời quay về với dân tộc, đồng hành cùng thế giới dân chủ đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo lạc hậu.

Trong thời điểm hiện nay, những người Việt Nam còn quan tâm đến sự mất còn của đất nước mình, khi nhìn về Miến Điện không khỏi bùi ngùi so sánh…Một Miến Điện tự tháo gỡ ách độc tài, thoát vòng kềm toả của Trung Quốc để xây dựng lại đất nước trong sự tôn trọng dân chủ và nhân quyền. Một Việt Nam, sau khi được Mỹ bỏ rào cản cấm vận, được cả thế giới và các định chế tài chính quốc tế hỗ trợ mạnh mẽ với hy vọng thấy một Việt Nam thực sự đổi mới sau chiến tranh.

Nhưng cho tới nay, Việt Nam vẫn là một nhà nước vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất, là kẻ thù của internet trong nhiều năm, là nước bắt bớ và bỏ tù những người bất đồng chính kiến nhiều nhất và nặng nhất, đồng thời cũng là đất nước công khai tham nhũng dữ dội nhất. Sự lạm dụng pháp luật của một nhà nước luôn tự hào là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” càng ngày càng mang đậm tính áp bức thật nặng nề đối với mọi thành phần dân tộc yêu nước.

Trong suốt nhiều thập niên liền, tập đoàn lãnh đạo Việt Nam tiếp tục thần phục Trung Quốc như một chư hầu trung thành, tiếp tục chính sách biến Việt Nam thành một bộ phận trong đại gia đình Trung Quốc…Họ bất chấp đất đai của tổ tiên mất dần vào tay Bắc Kinh, chăm chỉ đàn áp những ai có thái độ chống Tàu.

Vì vậy, trông chờ Việt Nam tiến hành một cuộc cải cách chính trị từng bước như Miến Điện thật là một điều mơ hồ. Vì chưa bao giờ những người cộng sản Việt Nam nghĩ là họ sai lầm và cần sửa đổi, cũng như chưa bao giờ họ tỏ ra quan tâm đến quyền lợi đất nước và nhân dân. Họ có chăm lo, nhưng chỉ chăm lo cho sự tồn tại và túi tham vô đáy của các quan chức đảng!

Quân đội Miến Điện có thể quay lại với nhân dân vì họ xuất phát từ nhân dân. Nhưng một đảng lãnh đạo phát xuất từ Quốc tế Cộng sản như đảng CSVN thì sự “trở về” của họ phải đồng nghĩa với sự cáo chung của đảng.

Miến Điện trong mắt ai, vui cho nhân dân Miến mà buồn cho ai?


Ngô Đình Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét