Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2020

091 - Nhìn vào Iraq, người Việt Nam có biết tự tát mình?



  Người biểu tình và binh lính ném đá vào tòa đại sứ Mỹ ở Baghdad, Iraq, ngày 31/12/2019. Ảnh: Reuters.

Việc chính quyền Mỹ của Donald Trump quyết định không kích ám sát nhân vật được xem là quan trọng số hai của Iran khi năm 2020 mới bước qua được hai ngày là “món quà” đầu năm không ai muốn nhận. Ngoại trừ, tất nhiên, những người thực hiện nó cùng những ai vẫn luôn hăm hở rằng chiến tranh và giết chóc là một trò chơi anh hùng và thú vị – thứ ảo tưởng sẽ được nuôi dưỡng mãi mãi trong đầu những người này, chừng nào chính họ vẫn chưa phải biến thành nạn nhân của nó.
Sự kiện này “hứa hẹn” sẽ lại thổi bùng lên lò lửa Trung Đông, vốn gần như chưa bao giờ ngừng cháy trong cả trăm năm qua.
Mọi sự chú ý bây giờ đều đổ dồn về phản ứng của Iran và hành động tiếp theo của Mỹ.
Nó khiến nhiều người quên rằng vụ ám sát trả đũa này, bắt nguồn từ việc tòa đại sứ Mỹ bị bao vây tấn công, vốn được cho là phản ứng giận dữ trước cuộc không kích chết người trước đó của Mỹ, mà cuộc không kích trên lại là hành động đáp trả các cuộc tấn công của một nhóm quân sự do Iran tài trợ, vốn trả đũa các cuộc không kích thường xuyên của Mỹ nhắm vào họ, còn người Mỹ thì cho rằng họ bị khiêu khích tấn công trước … tất cả các sự kiện leo thang ăn miếng trả miếng này đều không diễn ra trên đất Mỹ hay đất Iran.
Nó xảy ra trên lãnh thổ của Iraq.

Lò lửa Trung Đông. Ảnh: mapsof.net.
Lò lửa Trung Đông. Ảnh: mapsof.net.

Người Iraq, chủ nhân sống hàng ngàn năm qua trên mảnh đất này, bỗng nhiên trở thành kẻ ngoài lề, thậm chí biến thành ruồi muỗi bay trối chết khi trâu bò ở đâu hăng tiết xông vào nhà mình húc nhau.
Họ như trở nên vô hình. Tiếng nói của họ như ve kêu, ai cũng nghe thấy nhưng không ai thèm im lặng lắng nghe. Sinh mạng của họ trở nên bèo bọt. Sẽ không bao nhiêu người nhớ, thậm chí biết được số lượng chính xác bao nhiêu người Iraq thiệt mạng vì cuộc chiến này. Càng ít người biết được tên tuổi những người xấu số đó. Còn số lượng cùng tên tuổi những người Mỹ, người Iran và người nước ngoài mất mạng lại trở thành các tin đầu đề sốt dẻo được quan tâm.
Những gì diễn ra trong suốt hai thập niên qua ở Iraq có lẽ là chuyện không tưởng, không chỉ với người ngoài, mà còn với chính bản thân người dân nước này.
Trước hai chục năm ác mộng này, chỉ mới hai thập niên trước đó, Iraq vẫn còn là “ông kẹ” trong khu vực Trung Đông, tranh giành ảnh hưởng ngang ngửa với Iran và Saudi Arabia, giằng co trong cuộc chiến gần 10 năm với Iran, xua quân xâm lược Kuwait, măm me sản xuất vũ khí hạt nhân …
Nếu bạn nghĩ sao mọi thứ có thể thay đổi chóng mặt vậy – chỉ trong có hai mươi năm? – bạn phải nghĩ lại.
Thay đổi này đến chỉ trong vỏn vẹn hai mươi ngày.
Đó là tính từ ngày 20/3/2003, khi liên quân do Mỹ dẫn đầu tuyên chiến và tiến hành không kích Iraq, đến ngày 9/4/2003, khi thủ đô Baghdad và chính quyền Saddam Hussein sụp đổ.
Sự sụp đổ này còn chóng vánh hơn cả cuộc chiến “chống khủng bố” trước đó mà Mỹ tiến hành tại Afghanistan vào năm 2001.
Khác với cuộc chiến tại Afghanistan, nơi liên quân do Mỹ đứng đầu “danh chính ngôn thuận” đánh lực lượng Taliban và Al-Qaeda để đáp trả vụ khủng bố 11/9 trên đất Mỹ, cuộc tấn công của Mỹ nhắm vào Iraq lại dựa trên cái cớ ngăn chặn “vũ khí giết người hàng loạt” (WMD – Weapons of mass destruction) của chính quyền Saddam Hussein.
Một cái cớ dựa trên các “bằng chứng” mà chính Colin Powell, Ngoại trưởng Mỹ vào thời điểm đó, chỉ sau một năm đã phải công khai thừa nhận rằng nó “hình như không có thật”.
Một cái cớ vô lý đến mức sau này những người ủng hộ cuộc chiến phải vất vả tìm đủ mọi lý do để biện hộ cho nó. Giống như việc mãi mười năm sau khi cuộc chiến bắt đầu, họ reo vui trước tin “cuối cùng đã tìm thấy vũ khí hóa học” – bất kể việc đó là những vũ khí mà (1) chính Iraq đã đồng ý để Liên Hiệp Quốc thanh tra tiêu hủy vào thập niên 1990 và (2) thất lạc trong các cuộc chiến trước đó tại Iraq.

Người Mỹ mang quân đến Iraq với những bằng chứng ngụy tạo. Ảnh: Anja Niedringhaus/AP.
Người Mỹ mang quân đến Iraq với những bằng chứng ngụy tạo. Ảnh: Anja Niedringhaus/AP.

Khi không thể tìm ra bằng chứng ủng hộ cho “chính nghĩa ban đầu”, họ lại sẵn sàng quay về ôm lấy “chính nghĩa vĩnh cửu”: lật đổ độc tài tất nhiên là chuyện tốt.
Như John Bolton, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, đồng thời là cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của chính quyền Trump, từng tuyên bố, rằng “cho dù có hay không có vũ khí giết người hàng loạt, Saddam Hussein vẫn là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của khu vực lẫn toàn cầu”.
Saddam Hussein có phải là kẻ độc tài hay không? Tất nhiên là có.
Chính quyền của Saddam Hussein có tất cả đặc điểm của một thực thể vừa độc tài vừa độc tâm.
Đó là chính quyền của một thiểu số những người hồi giáo Sunni thống trị đa số những người hồi giáo Shia (Shiite).
Đó là chính quyền mà những kẻ nắm quyền tự cho mình đặc quyền đặc lợi, sống trong những cung điện xa hoa, tiêu xài sung sướng trên mồ hôi nước mắt của người dân.
Đó là chính quyền thẳng tay đàn áp những người đối lập, thậm chí không gớm tay thảm sát hàng loạt dân thường chỉ vì dám trái ý mình.
Và đó là lý do mà chính quyền này đổ rạp còn nhanh hơn những quân cờ domino.
Những lời đạo lý bọc đường to tát, những tòa nhà nguy nga hoành tráng, những kho vũ khí chất chồng, những đội quân đánh thuê giết người không gớm tay, tất cả không đủ che lấp một sự thật: sự căm hận của người dân.
Khi liên quân nước ngoài xâm lược đất nước, vì những lý do hão huyền không có thực, người dân Iraq đã khoanh tay ngoảnh mặt trước lời kêu gọi “toàn quốc kháng chiến” của kẻ độc tài.
Họ còn chờ thời cơ để sẵn sàng trả thù những kẻ đã bức hại mình – không phải quân xâm lược từ nơi khác tới, mà chính là những kẻ cùng màu da cùng tiếng nói.
Iraq sụp đổ vì chính quyền Saddam Hussein từ lâu đã xem người dân là kẻ thù.
Giống như một cái cây to lớn nhưng bên trong ruột đã rỗng toác, bộ rễ đã mục ruỗng, chỉ cần một cơn gió nhẹ từ bên ngoài, toàn bộ đều bị bứng khỏi mặt đất.
Điều tệ hại nhất không phải là việc cái cây này đã bị hỏng.
Điều tệ nhất là cho tới tận thời khắc cuối cùng, cái cây mục nát này vẫn cứ hút sạch nước, vét sạch dưỡng chất trong đất, phình to nở rộng chiếm hết không gian, quyết tâm không để bất kỳ loại cây cối nào khác có thể tồn tại trên cùng mảnh đất này.
Chính vì vậy mà gần hai mươi năm sau khi cái cây thối ruỗng kia bị bứng, người Iraq vẫn ngụp chìm trong thảm cảnh.
Họ trở thành các quân cờ trong tay của những thế lực ngoại bang.
Người Mỹ cùng đồng minh xây dựng căn cứ, chiêu mộ các thế lực địa phương, tạo các đảng phái, nhưng quan trọng hơn cả là dựng bàn đạp để các công ty phương Tây nhảy vào chiếm miếng ăn trên các mỏ dầu khổng lồ tại đất nước này.
Họ xua quân đến, dựng nên chính phủ mới, bỏ đi khi đất nước vẫn chìm trong nội loạn, quay lại khi IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng) quá mạnh, lại bỏ đi tiếp khi người dân địa phương vẫn phải trốn chạy loạn lạc – tất nhiên chỉ giữ người ở lại canh chừng những mỏ dầu béo bở.

Nhóm bán vũ trang Asaib Ahl al-Haq do Iran hậu thuẫn diễu hành tại thủ đô Baghdad của Iraq, ngày 1/7/2016. Ảnh: AP.
Nhóm bán vũ trang Asaib Ahl al-Haq do Iran hậu thuẫn diễu hành tại thủ đô Baghdad của Iraq, ngày 1/7/2016. Ảnh: AP.

Người Iran trong khi đó cũng áp dụng đúng bài học “khuếch trương thế lực tại nước ngoài” mà người Mỹ đã luôn sành sỏi, biến Iraq trở thành một sân sau mới của mình.
Các tài liệu bí mật được cho là thông tin về hoạt động tình báo của Iran tại Iraq được The Intercept và New York Times công bố cho thấy, Iran đã cài cắm “người của mình” vào tất cả mạng lưới từ trên xuống dưới tại Iraq.
Họ thu phục hệ thống mạng lưới điệp viên địa phương mà người Mỹ đã tuyển mộ, đào tạo, sử dụng và sau đó bỏ rơi.
Họ ủng hộ các lực lượng chống đối Saddam Hussein ngày trước lên nắm quyền – những lực lượng này vốn dĩ chịu ơn Iran đã cưu mang đùm bọc trong thời kỳ Saddam còn gieo rắc khủng bố.
Họ gầy dựng các đội quân địa phương người Hồi giáo Shia (đa số người Iran cũng theo dòng Shia), đưa nó vào biên chế của chính quyền Iraq, trở thành lực lượng chính quy phụ thuộc vào mình.
Họ nắm trong tay tất cả các quan chức từ cấp cao đến cấp thấp của chính quyền Iraq, đảm bảo những người này nếu không thân Iran thì cũng có thể bị mua chuộc.
Người Iran áp dụng đúng những chiêu thức mà phương Tây sử dụng. Đó là những thứ họ học được khi Mỹ và phương Tây đã dùng trong các cuộc lật đổ chính quyền vào giữa thế kỷ 20. Ở đâu? Tại chính đất nước Iran.
Hệ quả là Iraq, cùng với đó là Syria, rồi Lebanon, Yemen … đều trở thành những chiến trường cho các cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa một bên là Iran, phần nào đó là Nga, và bên còn lại là Mỹ và đồng minh, trong đó có Saudi Arabia.
Saudi Arabia là một cái tên vĩnh viễn khiến cho tất cả các lý do chính nghĩa của người Mỹ cùng những ai ủng hộ họ đều trở thành trò cười trong mắt bất kỳ ai có lương tri.
Trong khi vẫn liên tục tuyên truyền Iran là một quốc gia khủng bố, là đầu sỏ của ma quỷ, thì các đời chính quyền Mỹ vẫn ôm chầm lấy đồng minh thân thiết Saudi Arabia, bất chấp quốc gia độc tài này có “thành tích” nhân quyền tồi tệ không kém gì Iran, nếu không muốn nói là hơn.
Thậm chí nhiều người Mỹ còn chẳng buồn thắc mắc tự hỏi, vì sao Iran “xấu” còn Saudi lại “tốt”?
Ngoại trừ việc một bên theo dòng Hồi giáo Shia, bên còn lại Sunni, điểm khác biệt quan trọng nhất giữa hai quốc gia này, trong mắt phương Tây, là một bên chịu nghe lời, và cho họ rất nhiều lời, bên kia thì không.
Cái khác biệt này quan trọng đến mức họ sẵn sàng xào nấu sự thật cho hợp với thứ trong đầu mình.
Như việc Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vừa đăng đàn khẳng định việc chống lại Iran là hợp đạo trời. Trong số các đạo trời đó, có cả việc Iran chịu trách nhiệm cho vụ khủng bố 11/9 trên đất Mỹ – một việc mà không có bất kỳ chuyên gia nào gật đầu, cũng không có bất kỳ bằng chứng nào cho tới nay xác nhận.
Ngược lại, tất cả những gì người ta biết đến nay là trong số 19 tên khủng bố trên đất Mỹ hôm đó, có 15 người đến từ Saudi Arabia. Và thậm chí trùm khủng bố Osama Bin Laden mà Mỹ quy trách nhiệm là chủ mưu vụ tấn công, cũng là người sinh ra và lớn lên tại Saudi Arabia.
Sự đan chéo nhập nhằng này tất nhiên không thể phủ nhận những việc tốt mà các nước này làm, như việc Mỹ và đồng minh cùng Iran và Nga bắt tay nhau để cùng tiêu diệt tổ chức khủng bố IS.
Nhưng nó chứng minh một thực tế phũ phàng: mọi quốc gia đều làm mọi thứ vì lợi ích của chính mình.
Hệ quả của nó? Một quốc gia nếu không thể chủ động bảo vệ lợi ích của họ, gần như chắc chắn, sẽ trở thành quân cờ phụ thuộc vào những quốc gia khác.
Đất nước họ sẽ trở thành bãi chiến trường để các thế lực khác quăng bom thả đạn chém giết nhau. Sinh mạng người dân của đất nước đó sẽ trở thành bèo dạt mây trôi, không ai đếm xỉa.
Người ta có thể tự huyễn hoặc, rằng chỉ cần xây dựng nền quốc phòng mạnh, mua nhiều vũ khí hiện đại là có thể bảo vệ được mình.
Iraq là một cái tát nhãn tiền vào mặt những ai vẫn tin vào ảo tưởng đó.
Thứ bảo vệ được một đất nước không phải là tiền, là súng đạn, hay bất kỳ thứ lý tưởng chủ nghĩa sách vở nào.
Thứ bảo vệ được một mảnh đất khỏi những kẻ xâm phạm, từ hàng trăm ngàn năm trước cho tới hàng ngàn năm sau, vẫn chỉ có một: con người.
Một đất nước chỉ phục vụ lợi ích của một đám nhỏ tham lam vô độ, nhỏ nhen tàn ác, không bao giờ có thể tự bảo vệ mình.
Một mảnh đất nơi những kẻ nắm quyền xem người dân là kẻ thù, phải bị kiểm soát, bị khống chế, bị đàn áp, bị bức hại, là một mảnh đất chết.
Trừ phi họ tự tát, hoặc bị tát vào mặt cho tỉnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét