Tiếp theo kỳ 1: Người thoát án tử “phút 89” — Kỳ 2: Chứng cứ ngụy tạo, hung khí đi mua — Kỳ 3: Lúc nhận tội, lúc kêu oan (!?)
Chừng như bản án tử hình bằng những chứng cứ buộc tội ảo vẫn chưa đủ, các cơ quan tố tụng còn tặng thêm cho Hồ Duy Hải bản án 2 năm tù về tội đánh bạc mà chứng cứ của vụ án cũng chỉ là… những lời khai. Trong đó, người ta dựa vào lời khai, áp dụng một quy định lỗi thời để đẩy khống số tiền đánh bạc của Hải lên đến 315 triệu đồng. Nhân thân của Hải được bôi đen hoàn chỉnh với những hành vi cờ bạc, cướp của, giết người.
Bản án này bổ sung cho bản án kia, về thời gian, hành vi giết người xảy ra sau hành vi đánh bạc nhưng được xét xử trước nên được ghi vào bản án đánh bạc như một tình tiết tăng nặng. Phiên tòa được xét xử lưu động ngay tại thị trấn Thủ Thừa, nơi Hải cư trú như một cây đinh đóng thêm vào cổ quan tài để Hải vĩnh viễn không thể “đội mồ sống dậy”.
1. Bản án gieo ấn tượng xấu Hải là dân cờ bạc!
Ngoài bản án về tội giết người cướp của, trong năm 2009, Hải còn bị TAND huyện Thủ Thừa “bồi thêm”, xử 2 năm tù về tội “Đánh bạc” theo Khoản 2, Mục B, Điều 248 của Bộ Luật Hình sự: đánh bạc với số “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn”…
Thế nhưng trong lần tiếp xúc với ông T., cựu Xã đội trưởng Nhị Thành trong thời điểm xảy ra vụ án để tìm hiểu thông tin về hiện trường vụ án và qua tiếp xúc với một số người dân, chúng tôi mới lờ mờ hiểu ra tác dụng của bản án đánh bạc. Khi được hỏi về nhân thân của Hải, ông T. đã nói phân đôi: “Hải nó rất ngoan, rất tốt, không có hộ khẩu thường trú ở địa phương nên không ghi tên chính thức vào danh sách dân quân. Nhưng thực tế nó tham gia lực lượng dân quân của xã và việc nào được giao cũng đều làm tốt như tham gia bảo vệ bầu cử, những hoạt động giữ trật tự địa phương”. Chuyện Hải cờ bạc, sau khi vụ án xảy ra ông T. mới biết.
Ngay sau khi đã có quyết định hoãn phiên tòa, 1 người ở địa phương vẫn nửa tin nửa ngờ chuyện Hải có phạm tội hay không vì một lý lẽ: “Cờ bạc nợ nần cỡ đó, giết người cướp của là phải rồi!”
Qua những mẩu chuyện trên cho thấy, bản án phạt 2 năm tù về tội đánh bạc, không có ý nghĩa giáo dục cũng không có ý nghĩa răn đe phòng ngừa tội phạm nhưng có tác dụng bôi đen nhân thân, tạo niềm tin cho người khác về hành vi cướp của giết người của Hải!
2. Buộc tội theo… lời khai
Từ thực tế trên chúng tôi tìm hiểu về bản án đánh bạc của Hải và phát hiện ra nó có nhiều điểm tương đồng với bản án giết người cướp của ở Bưu cục Cầu Voi. Trước hết là bản án này cũng thuần túy dựa trên lời khai mà không có chứng cứ nào.
Đây là vụ án truy xét, bản án không đưa ra 1 bằng chứng nào về hành vi đánh bạc, cũng không thu giữ 1 đồng tiền “tang” nào của Hải cũng như của các bị cáo khác, để thể hiện là “tiền và hiện vật dùng để đánh bạc”. Căn cứ để buộc tội chỉ là lời khai của các bị cáo. Trong phần nhận định, bản án đã ghi: “Tại phiên tòa các bị cáo đều thừa nhận từ tháng 4/2007 đến tháng 3/2008, có chơi cá cược bóng đá “giải ngoại hạng Anh” được tường thuật trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Thông qua các giải bóng đá, Hồ Duy Hải… cá cược với nhau ăn thua bằng tiền mỗi lần thấp nhất 20.000đ và cao nhất là 13 triệu đồng. Ngoài ra Hồ Duy Hải còn tham gia chơi ghi số đề, số tiền thấp nhất là 40.000đ và cao nhất là 4.500.000đ. Lời khai các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với các nội dung được nêu trên và các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ và những người tham gia phiên tòa. Như vậy có cơ sở khách quan các bị cáo phạm tội đánh bạc…”.
Ngoài lời khai, cái tòa xem là chứng cứ không được diện dẫn ra cụ thể là chứng cứ gì. Quyển sổ ghi đề hay số tiền đánh bạc… đều không thấy được thể hiện. Thời gian, địa điểm diễn ra các vụ đánh bạc cũng không được thể hiện cụ thể. Theo quan điểm của cải cách tư pháp, không có chứng cứ về hành vi đánh bạc, không có số tiền đánh bạc thì không có cơ sở để buộc tội. Thế nhưng tòa vẫn tuyên có tội!
3. Nhân khống từ 4.500.000đ thành 315 triệu đồng
Trong phần kết luận, bản án quy kết Hải như sau: “Tham gia đánh bạc dưới hình thức cá cược bóng đá và ghi số đề từ tháng 4/2007 đến tháng 3/2008; trong đó cá cược bóng đá 19 lần; có 2 lần cá cược từ 2.000.000 đến 5.000.000đ; có 1 đêm cá cược 3 trận với số tiền 13 triệu đồng (2 triệu, 5 triệu, 6 triệu đồng) và ghi số đề 29 lần, số tiền thấp nhất là 15.000đ và cao nhất là 4.500.000 x 70= 315 triệu đồng. Hành vi đánh bạc của bị cáo Hải có giá trị đặc biệt lớn được quy định tại Nghị quyết số 02/2003/NQHĐTP ngày 17/4/2003 và Nghị quyết số 01/2006/NQ.HĐTP ngày 12/05/2006 của Hội Đồng Thẩm Phán TANDTC…
Hành vi đánh bạc của bị cáo diễn ra trong thời gian dài khoảng 12 tháng, thắng thì ít, thua nhiều dẩn đến phạm tội giết người cướp của vào ngày 13/1/2008 và đã bị TAND tỉnh Long An xử phạt tử hình. Hành vi của bị cáo rất nguy hiểm cho xã hội cần xử phạt nghiêm để răn đe giáo dục phòng ngừa chung”.
Ở đây các cơ quan tố tụng đã áp dụng Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP của Hội Đồng Thẩm Phán TAND Tối Cao hướng dẩn thi hành Bộ Luật Hình sự năm 1999 đã lỗi thời, để nâng số tiền đánh đề của Hải (theo lời khai, chưa biết có thật hay không) lên 70 lần. Tức từ 4.500.000đ nhân lên thành 315 triệu đồng, tạo thành 1 vụ đánh bạc nghiêm trọng đưa Hải vào Khoản 2 Điều 248 với khung hình phạt khá cao, từ 2 đến 7 năm tù.
Vào thời điểm xét xử vụ án này, Luật số 37/2009/QH 12 ngày 19/6/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự (BLHS) đã ra đời với những quy định cởi mở hơn về tội “Đánh bạc”. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, HĐTP TAND Tối cao đã có Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP điều chỉnh lại cách tính tiền hoặc giá trị hiện vật trong hành vi đánh bạc trong đó thay đổi cách tính lỗi thời và bất công của Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP như đã nêu.
Thạc sĩ Bùi Ngọc Hà, Giảng viên chính Bộ môn Pháp luật, Trường Đại học CSND đã bình luận về tình tiết này như sau: “Trước đây trong Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP về cách xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc, thì: nếu tiền đặt cược là A, tỷ lệ cược là B thì giá trị tang vật là A + A x B. Với cách tính theo Nghị quyết này trong thời gian vừa qua đã gây ra nhiều khó khăn và không có lợi cho bị can và số tiền để truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ là số tiền “ảo” không có thực.
Còn theo điểm mới của Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP thì việc xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ và của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa… như sau: Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc: Trường hợp người chơi số đề, cá độ có trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ. Còn trong trường hợp, nếu người chơi số đề, cá độ không trúng số đề, không thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ đó”.
Với bản án quy kết mông lung như vậy, liệu Hải có thật sự phạm tội đánh bạc hay không vẫn còn là dấu hỏi? Riêng việc nâng khống sô tiền đánh bạc từ 4.500.000đ lên thành số tiền “ảo” 315 triệu đồng là đúng pháp luật của thời điểm đó, nhưng chỉ 6 tháng sau, khi Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP thì cách tính đó đã thành lạc hậu. Nếu căn cứ vào cách tính theo 01/2010/NQ-HĐTP, thì số tiền đánh bạc (nếu có) của Hải chỉ là 4.500.000đ (vì Hải thua chứ không thắng) chứ không phải 315 triệu đồng như đã bị cáo buộc. Và như thế, nếu Hải có phạm tội thì chỉ bị xử theo Khoản 1 Điều 248 với mức hình phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
4. Hải có nợ nần đến mức phải giết người?
Điều lạ lùng hơn nữa, các cơ quan chức năng tô đen nhân thân Hải thêm! Đó là Hải được đưa lên thành bị cáo đầu vụ trong đường dây đánh bạc này và là bị cáo duy nhất trong 10 bị cáo của phiên tòa này bị tuyên án tù giam! Tất cả các bị cáo còn lại chỉ bị tù treo hoặc bị phạt bằng tiền. Điều kỳ lạ là cả đường dây 10 bị cáo phạm tội đánh bạc mà lại không có người tổ chức đánh bạc, có người ghi đề mà không có chủ đề hay thầu đề.
Trong một số lời khai với cơ quan chức năng, Hải cũng tự cho mình đã giết người cướp của vì mắc nợ do thua cờ bạc. Nhưng Hải nợ ai? Không thấy lời khai cụ thể về chủ nợ này.
Thực tế hơn 6 năm qua, gia đình bà Loan cũng không hề bị ai đòi nợ của Hải đã vay mượn. Gia đình Hải có nghèo túng đến nỗi Hải phải mắc nợ đến mức phải đi cướp của giết người trả nợ hay không? Thực tế, bà Loan một mình nuôi con nhưng hoàn toàn không nghèo.
Trước thời gian xảy ra vụ án, bà Loan đi làm thuê nhưng là làm hợp tác lao động ở Đài Loan 3 năm, lương tháng là 15 triệu đồng. Hàng tháng bà gởi về cho con 10 triệu đồng và đó là số tiền có giá trị khá cao thời điểm ấy. Bà ngoại Hải có hơn 3ha ruộng, trong đó có hơn 1ha giải tỏa để làm đường cao tốc được đền bù số tiền khá lớn. Các con đã xây cho bà 1 biệt thự to nằm ngay sau nhà bà Loan. Nhưng buồn vì vụ án của Hải, bà đã về ở trong nhà thờ, ngôi biệt thự này giờ vẫn để không.
Từ tiền lương tích lũy của bà Loan gởi về, tiền bà ngoại trích ra cho, Hải và người em út của bà Loan đã đứng ra xây ngôi nhà khang trang ngay khi bà Loan còn ở Đài Loan. Các chị em bà Loan đã hùn nhau mua chiếc ô tô và Hải đang học lái xe ô tô, định điều khiển chiếc xe này cho gia đình đi lại và làm dịch vụ. Nhưng rất tiếc là vụ án đã xảy ra việc học bị dừng lại. Vô tình hay do sự ngẫu nhiên nào đó, cơ quan tố tụng chỉ ghi lý lịch của Hải là tốt nghiệp lớp 12, không nghề nghiệp mà không ghi nhận là Hải đã tốt nghiệp hệ Cao đẳng Đại Học Hùng Vương.
Đáng tiếc là những sự vô tình, ngẫu nhiên, tình cờ đã dồn ép bao nhiêu điều bất lợi cho 1 thanh niên bất hạnh!
Box: Theo bà Nguyễn Thị Rưởi (dì của Hải) và bà Loan (mẹ của Hải) thì vào thời điểm đó, hoang mang về chuyện sống chết của Hải trong bản án tử hình nên gia đình không thuê luật sư và cũng không quan tâm đến bản án đánh bạc này. Với người đã bị tuyên án tử hình thì thêm 20 năm tù cũng không có ý nghĩa gì huống hồ ở đây chỉ có 2 năm!
(Chờ đọc kỳ 5: Khi các thẩm phán không cần nhân chứng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét