Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2019

16302 - Abraham Lincoln: Tuyên ngôn Giải phóng




Ngày này 157 năm về trước, Tuyên ngôn Giải phóng đã được quyết định và thông qua bởi nội các của tổng thống Abraham Lincoln. Hai tháng trước đó, vào cuối tuần tháng 7 năm 1862, Lincoln đã triệu tập cuộc họp nội các lịch sử để công bố bản thảo Tuyên ngôn Giải phóng của mình.
Trước đó nữa, vào tuần cuối của tháng Sáu năm 1862, cuộc nội chiến Hoa Kỳ lúc đó đang ở giai đoạn vô cùng gây cấn. Quân đội của tướng George McClellan thuộc Hiệp Chủng Quốc (Union) tấn công thủ đô của phía Liên bang (Confederacy) nhưng đã bị đẩy lùi tại Richmond. Bên Union phải rút lui. Cuộc tấn công này làm cho 16 ngàn lính bị chết, bị bắt hoặc bị thương. Sự kiện này làm cho Lincoln lo lắng, bởi vì lá bài cuối đã được sử dụng nhưng không hiệu quả. Lincoln nhận thấy đây là lúc ông cần thay đổi chiến lược/thuật.
Khi quân đội Union rút về lại sông James (James River), Lincoln liền viếng thăm binh lính, nhất là những người bị thương tích, để nâng đỡ tinh thần của họ, và cũng để củng cố tinh thần của chính mình. Cuộc viếng thăm bất ngờ của Lincoln đã làm tăng tinh thần của binh lính ngay lập tức.
Nhưng điều khác Lincoln mong muốn trong chuyến viếng thăm này là gặp gỡ binh lính, đặt câu hỏi và qua đó thu thập thông tin trực tiếp từ họ. Nhờ thế mà ông biết được cặn kẽ hơn về mối quan hệ giữa chiến tranh và vấn đề nô lệ. Ngay từ ban đầu, mặc dầu ông khinh ghét vấn đề nô lệ, mục tiêu hàng đầu của Lincoln lúc đó vẫn là duy trì sự thống nhất của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Lincoln thấu hiểu và cảm nhận sâu sắc về sự phức tạp khác nhau của người dân, kể cả vấn đề cho rằng nô lệ đã được Hiến pháp công nhận, nhất là những bang đã từng công nhận nó. Đây là hai thử thách lớn lao cho bất cứ một lãnh đạo nào.
Sau khi nói chuyện với lãnh đạo và binh lính bên phía quân sự, Lincoln mới nhận thức rõ ràng rằng bên phía Confederacy đã khai dụng nô lệ một cách tối đa cho mục tiêu chiến tranh của họ. Nô lệ được dùng để đào hầm, xây dựng thành trì kiên cố cho phía Confederacy. Họ được sử dụng để lái xe ngựa, nấu ăn, chạy bàn, và phụ tá bệnh viện. Trên mặt trận, họ sửa soạn cho các vấn đề nông nghiệp: trồng trọt, nâng cao mùa màng và thu nhặt bông gòn. Nô lệ cũng được dùng làm các việc duy trì nông trại và các hoạt động đồn điền. Các công việc của nô lệ giúp cho phía Confederacy sử dụng mọi lực lượng còn lại để chiến đấu. Theo nhận định của Lincoln thì nô lệ đã được dùng để làm sức mạnh cho bên kia. Câu hỏi Lincoln đặt ra là bên này cần phải quyết định làm gì với yếu tố này để nó phục vụ cho mình, hay hủy hoại mình! Nếu bên Confederacy bị tước đoạt nô lệ, miền Bắc lúc đó đang ở thế bất lợi, cho nên có thể thu được vị thế có lợi về quân sự, cần thiết cho thời điểm đó.
Lincoln nhìn ra được rằng giải phóng nô lệ có thể được xem là “vấn đề quân sự tuyệt đối cần thiết cho sự cứu rỗi đối với Union”. Giải phóng nô lệ, tuy “mặt khác là vi hiến” đối với phía Confederacy, nhưng có thể trở thành một hành động hợp pháp đối với phía Union. Lincoln phân tích rằng việc bảo vệ vấn đề nô lệ một cách hợp hiến có thể phản bác bằng quyền hiến định về chiến tranh của vị tổng tư lệnh, tức quyền tổng thống khi đất nước đang có chiến tranh. Tuy suy luận như thế, Lincoln vẫn e ngại việc tung “vũ khí giải phóng” như một nghị định quân sự một chiều. Trước đây, Lincoln đã từng cảnh báo các nhà luật sư trẻ trong lúc ông hành nghề luật về những mối nguy của những kẻ đội lốt bạo chúa, sẵn sàng ngụy biện cho các phương thức quá đà của mình. Sử dụng biện pháp này, Lincoln hiểu, là khá nguy hiểm, nhưng nó gần như là cách cuối cùng khi các biện pháp khác đã được áp dụng nhưng thất bại. Thật ra ông cũng đã tìm những phương thức khác. Trước đó bốn tháng, Lincoln gửi thông điệp đến quốc hội yêu cầu họ ủng hộ bốn tiểu bang ranh giới Missouri, Kentucky, Delaware và Maryland, nếu các tiểu bang này từ từ chấp nhận chính sách xóa bỏ nô lệ, thay vào đó họ sẽ được bồi thường 400 đô la mỗi nô lệ. Ông khẩn khoản yêu cầu các nhà lập pháp tại các tiểu bang đó chấp thuận đề nghị này. Nhưng họ vẫn từ chối, biện luận rằng làm như thế chỉ làm tăng thêm sự nổi loạn của các tiểu bang ly khai, kéo dài chứ không làm ngắn đi chiến tranh.
Với công việc rất bề bộn mỗi ngày của một tổng thống, Lincoln không còn nhiều thì giờ để tìm một giải pháp tối ưu. Ngoài các việc chính thức khi cánh cửa của nhà Trắng mở vào buổi sáng, Lincoln phải tiếp đón bao nhiêu quan khách cũng như những người muốn đến thăm Nhà Trắng. Ông gần như không còn bao nhiêu thì giờ để nghỉ ngơi, huống gì suy nghĩ đến các vấn đề phức tạp khác. Nhưng vì nhận thức rất rõ tầm quan trọng cho một giải pháp như thế, Lincoln đã tìm thời gian và nơi chốn để suy nghĩ. Lincoln tìm đến Nhà Lính (Soldiers’ Home) như một nơi trú ẩn an toàn để ông có thể tập trung suy nghĩ về các vấn đề phức tạp, nhất là vấn đề và giải pháp về nô lệ.
Việc gì đến cũng phải đến. Một tháng sau trận đánh thất bại tại Richmond, Lincoln đã triệu tập nội các của ông vào ngày 22 tháng Bảy năm 1862. Phía cấp tiến gồm Edwin Stanton và Salmon Chase ngồi bên phải của Lincoln. Phía bảo thủ Caleb Smith, Montgomery Blair và Edward Bates ngồi bên trái. Phía ôn hòa gồm Gideon Welles ngồi đàng trước và William Seward, ngồi trung tâm, và cũng là điểm tựa vây quanh Lincoln. Mọi người ngồi im lặng lắng nghe Lincoln đọc bản thảo Tuyên ngôn Giải phóng.
Cuối cùng ông đi đến một câu văn mà đã thay đổi lịch sử Hoa Kỳ và nhân loại:
… Là Tổng tư lệnh của quân đội và hải quân của Hoa Kỳ, tôi tuyên bố rằng ngày đầu của tháng Giêng năm 1863, tất cả những ai bị giam cầm như nô lệ trong bất cứ tiểu bang nào mà trong đó quyền lực hiến pháp không được công nhận, tuân phục và duy trì một cách thực tế, thì từ đó, và mãi mãi về sau, có thể được tự do.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Lincoln thắt chặt hai vấn đề Hiệp Chủng Quốc và nô lệ chung lại thành một sức lực duy nhất, mang tính chuyển hóa và đạo đức. Khoảng 3 triệu rưỡi người nô lệ, bao nhiêu đời sống ở phía Nam, được hứa hẹn tự do. Chỉ 80 chữ thôi, trong Tuyên ngôn Giải phóng này, có khả năng thay thế pháp luật về quyền sở hữu tài sản và nô lệ mà đã ngự trị tại quốc hội Hoa Kỳ, Hạ viện lẫn Thượng viện, ba phần tư thế kỷ qua.
Cũng cần ghi nhận rằng nghị quyết này không bao hàm, tức không có hiệu lực đối với, hơn một nửa triệu nô lệ hiện đang sống tại các tiểu bang lân cận. Các tiểu bang này chưa tham chiến nên quyền lực chiến tranh của tổng thống không thể được sử dụng để giải thoát nô lệ tại đây. Nhưng nếu họ quyết định đứng về phía Nam/Confederacy thì nó cũng sẽ được áp dụng đối với họ.
Mặc dầu Lincoln cho biết rõ rằng ông đã dứt khoát tư tưởng về vấn đề này trong cuộc họp nội các lịch sử này, ông vẫn mong muốn được biết các phản ứng của thành viên nội các, ủng hộ hay chống đối. Trước đó, một số người cho rằng tiến trình lấy quyết định của Lincoln là quá chậm chạp, thiếu quyết đoán, vân vân, nhưng thật ra trong đầu ông suy nghĩ về ưu điểm của từng vấn đề và các khía cạnh quan trọng cần thiết. Ông đã chuẩn bị kỹ và hiểu rõ tư duy của mỗi thành viên đến độ ông biết họ sẽ hỏi gì và sẵn sàng trả lời mọi ý kiến phản đối của họ. Nhưng khi Lincoln đã đi đến quyết định rồi, vấn đề còn lại không phải là cái gì mà là khi nào: khi nào sẽ thực hiện.
Edwin Stanton, Bộ trưởng Chiến tranh, và Edward Bates, Bộ trưởng Tư pháp, hai thái cực trong nội các, lại là hai người ủng hộ Tuyên ngôn Giải phóng của Lincoln. Stanton thấy rõ lợi ích chiến lược nó sẽ mang lại. Bates đồng tình hoàn toàn nhưng yêu cầu phải có kế hoạch đối phó với những người nô lệ/da đen được giải phóng.
Bộ trưởng Hải quân Gideon Welles thì lưỡng lự và im lặng, vì nhìn thấy cả hai mặt vấn đề: tầm vóc của vấn đề và những kết quả bất định của nó, nhất là khi sử dụng quyền lực chiến tranh một cách quá thái như thế. Welles cũng lo ngại những người sở hữu nô lệ có thể vì đường cùng mà nỗ lực chống lại làm kéo dài thêm chiến tranh. Bộ trưởng Nội vụ Caleb Smith cũng giữ im lặng, nhưng nói riêng với phụ tá của mình rằng nếu Lincoln đề xuất tuyên ngôn này thì ông sẽ “từ nhiệm, về nhà và chống đối lại Tuyên ngôn”. Montgomery Blair thì cực lực phản đối Nghị định này, bởi ông lo ngại sẽ đẩy các tiểu bang biên giới với phía Nam, hiện đang trung thành với Union, về phía Confederacy. Hơn nữa ông cũng lo ngại nó có thể làm mất sự ủng hộ đối với đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sắp tới.
Lincoln cho biết ông đã cân nhắc mọi khía cạnh mà Blair đưa ra, nhưng kết luận rằng tầm quan trọng của vấn đề nô lệ vượt xa vấn đề chính trị của đảng phái. Ông nhắc nhở rằng ông đã liên tục nỗ lực tìm một sự thỏa thuận chứ không muốn áp đặt, nhưng các nỗ lực này không đưa đến kết quả nào. Lincoln cho biết đây là quyết định của ông, và ông là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về nó. Tuy thế Lincoln vẫn chấp nhận để Blair đề nạp các phản đối của mình trên giấy hẳn hoi.
Nói chung Lincoln chấp nhận mọi ý kiến trái chiều và phản đối nêu ra, nhưng cam kết rằng đã đến lúc phải hành động. Khi buổi họp gần kết thúc, Ngoại trưởng Seward nêu một câu hỏi chính đáng về thời gian. Seward cho rằng Tuyên ngôn này có thể bị dư luận suy diễn rằng đây là “một tiếng thét sau cùng của chúng ta, trên đường rút lui”. Seward biện luận rằng tốt hơn thì nên chờ cho đến khi chiến thắng ở về phía mình, và chỉ cần treo bảng Tuyên ngôn lên trên cổ nó thôi.
Sau này Lincoln chính thức công nhận rằng ông thật sự chưa nghĩ đến khía cạnh này. Vì đề nghị của Seward quá hợp lý nên Lincoln đồng ý để bản nháp Tuyên ngôn sang một bên, chờ đến khi điều kiện thuận lợi, một chiến thắng lớn, rồi công bố. Trong thời gian đó ông thỉnh thoảng sửa đổi vài chỗ, bỏ chữ này thêm câu kia, và mong chờ thời điểm thuận lợi nhất đến để hành động.
Lincoln chờ đợi hai tháng trong lo lắng tột cùng. Cuối cùng thì tin vui cũng đến, với cái giá trả quá đắc, khi quân đội của tướng Robert Lee từ Maryland và Pennsylvania bị đẩy lùi. Trận đánh Antietam đã làm cho 23 ngàn lính chết trong một ngày, làm cho cả hai bên choáng váng và kiệt quệ tinh thần. Năm ngày sau chiến thắng Antietam, Lincoln lại triệu tập cuộc họp nội các vào thứ Hai, 22 tháng Chín năm 1862.
Trong suốt hai tháng qua sau khi đọc Tuyên ngôn Giải phóng nháp lần đầu với nội các của mình, Lincoln đã nói chuyện riêng với từng thành viên trong nội các và ghi nhận mọi góp ý chính đáng của họ.
Vì sự trung thành với Lincoln quá mạnh mẽ nên Ngoại trưởng Seward không phản đối Tuyên ngôn này. Nhưng ông đề nghị nên sửa một chút. Thay vì nói rằng chính quyền này (của Lincoln) thôi thì nên sửa lại thành chính quyền này và mọi chính quyền tương lai “công nhận và duy trì” sự tự do của người nô lệ. Lincoln cho biết ông không thể hứa thay cho các chính quyền tương lai mà ông không bảo đảm được. Nhưng sau cùng Lincoln cũng đã nghe lời khuyên của Seward và sửa lại đoạn văn này.
Khi bản Tuyên ngôn này xuất hiện trên báo chí ngày hôm sau (23 tháng Chín năm 1862), tất cả thành viên nội các, từ nhiều khuynh hướng khác nhau, đều đứng đàng sau Tổng thống Lincoln.
Làm sao Lincoln có thể thuyết phục được một nội các đa dạng trong quan điểm, đầy tham vọng, thích biện luận, đố kỵ và đầy tài năng để họ dịch chuyển quan điểm và ủng hộ Lincoln?
Câu trả lời tốt nhất, theo bà Doris Kearns Goodwin, có thể tìm ra được từ trong những điều mà ngày hôm nay chúng ta gọi là trí thông minh cảm xúc (emotional intelligence): sự đồng cảm, khiêm nhường, nhất quán, tự nhận thức, kỹ luật cá nhân và tinh thần rộng lượng/cao thượng của Lincoln.
Lincoln tuyên bố: “Khi nào mà ông vẫn còn ngồi đây (tổng thống), tôi sẽ không sẵn sàng trồng gai trong tâm hồn của bất cứ người nào”. Trong mọi cuộc tiếp xúc hàng ngày với thành viên nội các, không bao giờ có chỗ nào dành cho cung cách hành xử có ý đồ xấu, cho sự ganh ghét ác cảm hay sự thù ghét riêng tư. Ông cổ võ cho mọi thành viên tranh luận với nhau, nhưng sẽ rất “buồn phiền” nếu thấy họ tấn công nhau ở công cộng. Cách bắn tỉa đó không chỉ là sai, đối với ông, mà còn tệ hơn, sai đối với quốc gia. Với các thử thách lớn lao trước mặt, ông yêu cầu mọi người đối xử với nhau lịch thiệp, đứng đắn. Mục tiêu chung ông đặt lên trên hết, lên hàng đầu của mọi hành động, để hình thành nội các và ràng buộc mọi người hành xử ở tiêu chuẩn cao với nhau.
Hơn 150 năm về trước, Lincoln đã đạt được các tài năng lãnh đạo xuất chúng mà ngày nay các nhà lãnh đạo và tâm lý học gọi chung là trí thông minh cảm xúc. Lincoln đã đi trước thời đại của ông rất xa. Các đức tính này cụ thể là gì, và nó đã giúp Lincoln như thế nào, trong cuộc khủng hoảng nội chiến Hoa Kỳ, sẽ được bàn sâu trong bài tiếp.
Phạm Phú Khải
Úc Châu, 22/09/2019
Tài liệu tham khảo:
Phần lớn nội dung bài này dựa vào hai tác phẩm của tiến sĩ Doris Kearns Goodwin sau đây:
1. Doris Kearns Goodwin, Leadership: In Turbulent Times, September 18, 2018.
2. Doris Kearns Goodwin, Team of Rivals: The Political Genius of Abraham Lincoln, Simon & Schuster, September 26, 2006.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét