Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

14615 - Tăng lương, rồi sao nữa?




Không chỉ được tăng lương, hàng loạt các khoản thu nhập khác tính theo mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ tăng từ ngày 1-7-2019…Câu trên là viết theo mệnh lệnh ‘định hướng’ của cơ quan Tuyên giáo. 
Theo ‘định hướng’, báo chí cần tập trung tuyên truyền rằng, nhiều chính sách mới và tác động có lợi tới hàng triệu người lao động bắt đầu hiệu lực, như: Lương cơ sở tăng thêm 100.000 đồng/tháng; lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng thêm 7,19%; mốc tuổi hưu của sỹ quan Công an có thể kéo dài thêm 10 năm…
Trước đó, vào ngày 01-1-2019, mức lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh tăng từ 5 đến 5,8% so với năm 2018.
Phí bảo hiểm y tế tăng cùng với hơn 1.900 dịch vụ y tế
Lương cơ sở tăng từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu, nên mức đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cũng tăng ít nhất 21.600 đồng một năm. Điều này được căn cứ theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn luật Bảo hiểm y tế, quy định mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình của người thứ nhất bằng 4,5% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức phí của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức của người thứ nhất.
Điều đó cho thấy với các hộ không có ai được lãnh ‘lương cơ sở’ hay 'lương tối thiểu vùng', thì vẫn buộc phải móc thêm hầu bao ra để đóng bảo hiểm y tế của người thứ nhất tăng cao nhất, thêm 4.500 đồng một tháng, người thứ năm trở đi tăng 1.800 đồng một tháng.
Mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình vẫn không thay đổi, vẫn là 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu đi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Trong trường hợp khám, chữa bệnh vượt tuyến, người bệnh được thanh toán 40% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 60% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% nếu khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện.
Thực tế suốt mấy năm qua cho thấy mức thu bảo hiểm y tế đã tăng và tình trạng trục quỹ cũng gia tăng tương ứng. Một tài liệu nằm trong “Chuyên đề quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế”, cho biết cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam dự kiến sẽ bội chi khoảng 10.000 tỷ đồng trong năm 2018. Khánh Hòa là một trong 10 tỉnh có tỷ lệ vượt quỹ bảo hiểm y tế cao nhất cả nước với dấu hiệu trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.
Việc trục lợi quỹ bảo hiểm y tế cùng các vấn đề liên quan đã diễn ra suốt thời gian dài. Đầu tháng 11-2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can Nguyễn Huy Ban và Lê Bạch Hồng, đều là nguyên Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cùng hai người khác về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” - theo Điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Liên quan vấn đề tiền bạc trong y tế, kể từ ngày 01-7, có hơn 1.900 dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá. Lý do là “điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở”.
Vài con số để hình dung chuyện giá ‘tăng theo mức lương cơ sở’: tiền ngày giường cho bệnh nhân hồi sức tích cực, ghép tủy, ghép tạng, ghép tế bào gốc tại bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt tăng lên 753.000đ/ngày (cao hơn gần 70.000đ/ngày so với hiện hành). Tại bệnh viên hạng 1, giá giường tăng từ 615.600 đồng lên 678.000 đồng. Giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 tăng lên 441.000 đồng. Ở bệnh viện hạng 4, giá dịch vụ này là 242.000 đồng, tăng gần 21.000 đồng so với giá cũ.
Những bệnh viện được xếp hạng 1 ở Sài Gòn, xin kể vài tên: Từ Dũ, Hùng Vương, Nhi Đồng, Bình Dân, Ung Bướu, Nhân dân Gia Định, Phạm Ngọc Thạch, 115… Bệnh viện ở các quận, được xếp hạng 2.
Tăng lương để tăng nguồn thu cho ngân sách?
Nếu như tăng lương cơ sở với đối tượng chịu sự điều chỉnh là các cán bộ, công nhân viên chức hành chính nhận lương từ ngân sách, thì việc tăng mức lương tối thiểu vùng thực sự giúp ngân sách tăng thêm nguồn thu đáng kể.
Lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất theo vùng, mà người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong doanh nghiệp tại vùng đó được nhận. Khác với lương cơ sở, lương tối thiểu vùng áp dụng chung cho tất cả người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong doanh nghiệp.
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 01-1-2019 như sau: Vùng I: 4.180.000 đồng/tháng; vùng II: 3.710.000 đồng/tháng; vùng III: 3.250.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương ở năm 2018 khoảng 160.000 - 200.000 đồng/tháng.
Việc tăng thêm quỹ lương từ khung mức lương tối thiểu, tất yếu đưa đến doanh nghiệp phải cơ cấu lại giá thành sản xuất. Các khoản thu ‘ăn theo’ như các loại bảo hiểm, phí công đoàn cũng khiến quỹ lương của doanh nghiệp phải chật vật cân đối. Còn ngân sách của bộ máy công quyền thì nghiễm nhiên có thêm được khoản nguồn thu tăng tương ứng.
Với chủ đề ‘giá – lương – tiền’ này, xem ra thời bao cấp, mấy ai dám mơ có ngày mình đứng trong “danh sách triệu phú”. Giờ thì đi chợ một lần mua thực phẩm đã có thể chi cả triệu bạc, nhưng mà tiền triệu hôm nay có vẻ như còn nhẹ hơn cả tiền chục ngày ấy, tiền ngàn ngày nọ... 
Về lý thuyết, lúc đưa ra quyết định buộc người sử dụng lao động phải điều chỉnh mức lương cho người lao động, phía chính phủ biện giải, khi chuẩn bị tăng lương là nhà nước đã có những giải pháp để giữ giá cả không tăng tương ứng. Trên thực tế suốt thời gian qua, khi tăng lượng cung của tiền lương thì giá cũng tăng lên. Lý do, khi tốc độ tăng của lượng cung hàng hóa mà không tương xứng, thì nó sẽ làm cho giá cả tăng lên.  
Hiểu đơn giản, lượng tiền mặt trong lưu thông sẽ gia tăng, sức mua có khả năng thanh toán tăng, nhất định sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường giá cả... Đây chính là những  nhân tố chính tạo nên sức ép tăng giá tiêu dùng trong thời gian tới.
Nhìn dưới góc độ người sử dụng lao động, thì giới chủ doanh nghiệp hiện nay có vẻ mất nhiều hơn được khi bị áp tăng lương tối thiểu vùng. Vì với một người lao động thì mức tăng chỉ vài trăm ngàn, thì một doanh nghiệp thuê mướn vài ngàn lao động phải trả cả vài trăm triệu đến cả tỷ bạc một tháng; đó là chưa kể gần 30% quỹ lương còn phải trích đóng cho các chuyện bảo hiểm xã hội. Trong khi giá cả sản phẩm và dịch vụ bán cho khách hàng thì khó có thể tăng ngày một ngày hai. Đây thật sự là bài toán khó cho doanh nghiệp.
Năm nào cũng vậy, tăng lương tối thiểu vùng được áp dụng từ ngày 01-1, và lương cơ sở được áp dụng từ đầu tháng bảy, nhưng đi liền với đó là các loại viện phí, học phí, giá điện, giá nước sạch… đã tăng đón đầu, chưa kể nhiều loại thuế, phí khác cũng đã tăng từ trước đó khiến cho thu nhập của người lao động tưởng được tăng, nhưng giá trị thực sự lại không tăng thậm chí còn có phần bị giảm.
Với một chính phủ theo nhiệm kỳ, không vấp phải sự cạnh tranh nào giữa đảng phái hay tổ chức chính trị, nên trong quản trị quốc gia sẽ dễ bị sức ì về quản trị, và do đó họ khó thể tìm được câu trả lời cho thắc mắc: Tăng lương, rồi sao nữa…?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét