Tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019, một số đại biểu quốc hội đang xót xa cho két ngân sách hộc rỗng bằng cách một lần nữa hô hào “phải vay nhiều tỷ USD nhưng lượng vàng, tiền trong dân còn nhiều lắm!”.
Theo đại biểu Trần Quang Chiểu thì "thực trạng Việt Nam phải vay ngoại tệ ở nước ngoài nhiều tỷ USD để bù đắp bội chi và trả nợ gốc. Trong khi đó, lượng vàng và ngoại tệ của dân còn rất lớn".
Còn theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ. Năm 2019 có 9,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ đến hạn. Cả giai đoạn 2019-2021 sẽ là 32,7%.
"Nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019-2021 khoảng 700.000 tỷ đồng, có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20.000-40.000 tỷ đồng trên một tháng" - ông Hàm than thở.
Những lời kêu gào ‘vét’ vàng và ngoại tệ trên xảy ra trong bối cảnh các nguồn ngoại tệ mạnh từ viện trợ không hoàn lại, viện trợ ODA và kiều hối của ‘khúc ruột ngàn dặm’ đều khá bi đát. Từ năm 2014, chính thể Việt Nam đã không còn nhận được nguồn vốn ODA đáng kể nào, còn từ năm 2018 đã không còn ODA ưu đãi. Trong khi đó, lượng kiều hối gửi về Việt Nam vào năm 2017, 2018 và 2019 có thể sụt giảm đến phân nửa so với mức đỉnh 13,5 tỷ USD vào năm 2015.
Trong khi đó, con số nợ nước ngoài của Việt Nam (chỉ tính riêng nợ của chính phủ và do chính phủ bảo lãnh mà chưa tính đến số tự vay tự trả của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) đã lên đến 105 tỷ USD, xấp xỉ 50% GDP…
Vào tháng Mười năm 2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trong đó một lần nữa (lần thứ 4) nhắc “Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng nhà nước tiếp tục tập trung nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động các nguồn ngoại tệ, vàng trong dân phục vụ cho đầu tư phát triển”.
Chưa bao giờ kể từ khi nhậm chức thủ tướng, Nguyễn Xuân Phúc thể hiện tâm thế sốt ruột đến thế khi cứ nằng nặc yêu cầu NHNN phải có giải pháp thu gom vàng và ngoại tệ trôi nổi trong dân, dù đến nay NHNN vẫn chỉ biết cách duy nhất để gom là cho in tiền ồ ạt và tung hàng núi tiền đồng ra thị trường tự do để thu mua ngoại tệ và vàng.
Không chỉ thời thủ tướng bị xem là ‘phá chưa từng có’ - Nguyễn Tấn Dũng, mà từ sau đại hội 12 đến nay, khá nhiều lần Chính phủ và NHNN đã tung ra chính sách "sẽ huy động vàng" trong dân, tái hiện lại chủ trương mà NHNN đã có đề án 'lấy mỡ nó rán nó" vào cuối năm 2011 nhưng không thành công vì gây ra nhiều nghi ngờ.
Lần này cũng vậy, dư luận người dân tích trữ vàng lại càng gia tăng nỗi lo lắng và cả sợ hãi về “quyết tâm thu hồi vàng trong dân” của NHNN, nhưng trong thực tế nhiều năm qua chính quyền vẫn chưa có giải pháp đủ thuyết phục nào, hoặc chẳng bao giờ có được giải pháp nào đủ thuyết phục, để bảo đảm vàng của dân không bị bốc hơi từ két sắt ngân hàng.
500 tấn vàng trong dân, cũng bởi thế, vẫn giống như mỡ treo miệng mèo mà chưa thể ‘hốt’ được’.
Hàng loạt vụ đổ bể ở nhiều ngân hàng như Đại Dương, Xây Dựng, Dầu Khí Toàn Cầu, cùng nhiều dấu hiệu rủi ro ở Agribank, Vietinbank, Eximbank, DongAbank..., cùng các vụ thụt két và siêu lừa như Huỳnh Thị Huyền Như..., hoặc hiện tượng “tiền tiết kiệm bốc hơi” xảy ra trong những năm gần đây đã khiến cho dân chúng mất đi đáng kể niềm tin vào giới ngân hàng. Trong tình thế đó, nhiều người dân thà chôn giấu vàng dưới gầm giường, thay vì gửi vào ngân hàng mà không thể chắc chắn là vàng của mình sẽ “không cánh mà bay”.
Từ khi NHNN dự trù thực hiện đề án huy động vàng vào năm 2011, đã có rất nhiều ý kiến của giới chuyên gia và người dân yêu cầu NHNN phải có những giải pháp thật sự an toàn cho người gửi vàng. Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa thấy bất kỳ một dấu hiệu nào từ phía NHNN để trưng ra sự bảo đảm của họ.
Điều đơn giản là nếu lần này NHNN và các ngân hàng thương mại không xây dựng được một cơ chế tuyệt đối bảo đảm an toàn cho người gửi vàng, chính sách huy động vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục thất bại, và sẽ chẳng có 500 tấn vàng trong dân nào tuôn chảy vào ngân quỹ của giới ngân hàng quen thủ lợi thay cho mối lo lắng về quốc kế dân sinh.
Điều đơn giản là nếu lần này NHNN và các ngân hàng thương mại không xây dựng được một cơ chế tuyệt đối bảo đảm an toàn cho người gửi vàng, chính sách huy động vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục thất bại, và sẽ chẳng có 500 tấn vàng trong dân nào tuôn chảy vào ngân quỹ của giới ngân hàng quen thủ lợi thay cho mối lo lắng về quốc kế dân sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét