Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân đã rất quan tâm đến những gì đang ra trên diễn đàn quốc hội. Báo mạng chạy tin hàng giờ kết quả thông qua các dự luật, các quyết định. Nhân dân không ngần ngại đưa ý kiến đồng thuận hoặc phản đối ngay với các dự thảo, các chương trình được đưa ra xem xét. Phát biểu, đề xuất phù hợp với lợi ích xã hội, đại biểu quốc hội được dân vỗ tay khen ngợi. Ngược lại, mạng xã hội và dư luận sẽ không tiếc lời chỉ trích, thậm chí còn có thể dấy lên những phong trào phản đối. Rõ ràng, "chính trị là cơm áo của nhân dân" (Nguyễn Hữu Hồng Minh), người dân đã không còn thờ ơ với chính quyền lợi của bản thân thông qua quyền lợi xã hội và đất nước như vài mươi năm về trước nữa. Ý thức công dân, trách nhiệm xã hội của người dân đã được nâng cao rõ rệt, tạo tiền đề rất quan trọng cho sự phát triển.
Đáng tiếc, đúng hơn là đáng thất vọng, chính đội ngũ các đại biểu quốc hội lại không theo kịp yêu cầu phát triển nhận thức, trách nhiệm chính trị mà người dân đặt vào họ. Không ít phiên làm việc của quốc hội, nhiều đại biểu đã vô tư ngủ gà ngủ gật, đẩy phát biểu tâm huyết của đại biểu khác rơi tỏm vào sự thờ ơ, vào hư vô. Phát biểu cũng chỉ tập trung vào một vài người, đến độ cử tri cả nước đã quen với việc hỏi nhau từ trước phiên khai mạc mỗi kỳ họp, rằng "ông Nhưỡng (Lưu Bình Nhưỡng) sẽ nói gì, ông Quốc (Dương Trung Quốc) sẽ nói gì". Thật thà mà nói, các đại biểu được nhắc tên cũng chẳng phải là để khen, vì họ phát biểu cũng chẳng hay ho, trúng trật gì cho lắm. Phần lớn cũng chỉ là những bức xúc sặc mùi dân túy. Hôm trước phát biểu, hôm sau đính chính, phân bua cũng là chuyện đã nhàm.
Nhiều đại biểu dường như để tránh tiếng "nghị gật" cũng cố đăng đàn lấy lệ. Một đất nước đã thừa mứa lễ hội, ngày kỷ niệm cả tự có lẫn lai căng, bắt chước... họ vẫn cố nghĩ ra thêm và đề xuất một "ngày đàn ông" rất vô bổ, tầm phào. Dân đang è cổ vì thuế, phí; kinh tế xã hội cũng vì thế mà thụt lùi, đại biểu còn gợi ý, đề xuất cách gom nốt "tiền vàng trong dân" vì "còn nhiều lắm". Quốc gia oằn trĩu nợ công, trẻ mới chào đời đã thừa hưởng ngay cục nợ hàng chục triệu đồng, đại biểu còn rắp ranh lấy lòng, xí chỗ cho "khóa tới" bằng cách không ngượng mồm đưa sáng kiến đề nghị người dân chia sẻ số nợ quốc gia đang phình lên, trương ra do sự điều hành yếu kém, do quốc nạn tham nhũng - tất nhiên không phải và không thể từ dân...
Niềm tin, sự trông chờ của cá nhân tôi vào các đại biểu quốc hội dường như đã cạn. Tôi không nói thay mọi người, vì không có tư cách đó, nhưng tôi cho rằng, đa phần các cử tri khác cũng đang nghĩ không khác mấy.
Ngay chiều nay, 3.6, cử tri lại có thêm một lý do để thất vọng nữa. Mặc kệ Việt Nam đang sắp trở thành quốc gia top quán quân thế giới về tiêu thụ rượu bia; mắc kệ đại thảm họa tai nạn giao thông mà bia rượu là một nguyên nhân lớn, số đại biểu quốc hội phản đối luật cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu có độ cồn vẫn cao ngang ngửa số đồng thuận. Có lẽ, với các đại biểu đó, khi bấm nút biểu quyết thì tôi không chắc, còn lúc khác, đi đâu và làm gì trong máu họ cũng có sẵn cồn! Họ phản đối để duy trì quyền lợi của họ, thay vì bảo vệ sự bình an và quyền lợi của nhân dân và xã hội. Thậm chí, có những 15 đại biểu không ý kiến. Một vấn đề an - nguy rõ ràng, đơn giản đến thế còn không đưa ra nổi lựa chọn, không hiểu những vấn đề trọng đại khác họ có thể nghĩ ra được gì mà bàn luận và quyết định? Và họ ngồi giữa quốc hội để làm gì?
Hoặc là khi đi bầu cử, nhân dân đã chọn sai. Hoặc là có không ít đại biểu đã trở nên không đúng kể tự khi được bước chân vào quốc hội. Lý do nào cũng khiến tôi buộc phải chờ đợi một sự thay đổi chứ chẳng còn trông mong hay hy vọng gì nữa.
Cá nhân tôi, một người không vô nhiễm với rượu bia, vẫn bị sốc và phẫn nộ với kết quả biểu quyết vừa công bố. Tôi ủng hộ việc cấm người có cồn trong máu điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nó cũng giống như một người dân, một cử tri bình thường ủng hộ truất quyền tham gia lập pháp của những ông nghị bà nghị trong máu thừa sự vô cảm, vô trách nhiệm đối với nhân dân và đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét