Thăm lại Kuku, 'nơi tuyệt lộ ươm mầm hy vọng' (Hình ảnh: Tôn Thất Vinh) |
Thật ra, Kuku không phải là tên một đảo như nhiều người vẫn thường nghĩ. Bạn sẽ không tìm thấy nó trên Google Map hoặc bản đồ chính thức của Indonesia. Đơn giản vì Kuku là tên gọi mà dân địa phương đặt cho bãi biển của đảo Jemaya trong quần đảo Anambas, chứ không phải là một địa danh hành chánh trên giấy tờ.
Nhưng đối với hàng ngàn thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam từng đến đây hơn 30 năm trước, Kuku lại là một cái tên đồng nghĩa với sự sống và tự do. Nó là một vùng kỷ niệm của đời người, nơi đau khổ gặp gỡ yêu thương, nơi tuyệt lộ ươm mầm hy vọng, nơi những mảnh đời ly tán bỗng cùng chia sẻ với nhau những chén cơm Cao ủy trong những căn barracks tạm bợ mà ràn rụa nước mắt ân tình sau chuyến hải hành mười phần chết chín.
Một số đồng bào đã vĩnh viễn nằm lại ở vùng này vì nhiều lý do: bão tố, đói khát, bệnh tật... Từ vài năm qua, sau những chuyến mở đường do Văn khố Thuyền nhân Việt Nam thực hiện từ năm 2005, nhiều nhóm nhỏ từ các nước định cư trên khắp thế giới đã lần lượt tìm về con đường ký ức này. Để sống lại kỷ niệm cũ, để thắp nén nhang cho những người bạn đồng thuyền trên đường đi không đến, để nhớ ơn những tổ chức cứu trợ quốc tế và người dân địa phương chân chất từng cưu mang họ trong hoàn cảnh ngặt nghèo…
Tháng 4/2019 vừa qua, một nhóm thân hữu (đa số là từ Sydney – Australia) đã thực hiện một chuyến đi như thế. Mời các bạn cùng chia sẻ với họ những hình ảnh ghi lại trong chuyến đi.
Làng chài Letung, nơi “đóng quân” của nhóm. Đây là thị trấn chính của đảo Jemaya, cách bãi Kuku khoảng 45 phút ghe máy và chỉ có khoảng chục ngàn dân. Trước đây, muốn đến Letung bạn phải đi phà khách đến 8 giờ từ Tanjung Penang. Bây giờ, Letung vừa mở phi trường nội địa, rất nhanh chóng và tiện lợi. Phía xa xa là đảo Berhala, trước đây người tỵ nạn VN đặt tên là “đảo ruồi”, từng là nơi tạm trú của hàng ngàn thuyền nhân trong nhiều năm. Hồi đó, vào lúc nước ròng, bạn có thể lội bộ sang Letung để đi chợ hoặc gửi thư. Bây giờ, một chiếc cầu đúc đã được xây dựng nối liền hai đảo.
Letung ban ngày là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, nhưng Letung ban đêm cũng là nguồn khai thác thú vị cho những người săn ảnh… Một lời khuyên thiệt tình cho những người đến sau: cẩn thận khi... nhậu nhẹt, vì phần lớn nhà ở đây được xây trên cột chống lấn ra bãi, xỉn là té xuống biển lúc nào không hay.
“Tổng hành dinh” cũng là nhà trọ của nhóm là Quán Bà Béo, một phụ nữ Nam Dương vui tính và thân thiện. Quán có những món đặc sản địa phương rất bắt mồi nhưng bạn cũng có thể xăn tay vào nhà bếp để tự làm bữa ăn cho hợp khẩu vị của mình. Trong hơn 10 năm qua, đây là địa chỉ quen thuộc của những nhóm người Việt về thăm Kuku. Nhờ vậy, Bà Béo cũng làm ăn khấm khá ra. Nhà trọ của bà có 12 phòng đôi (và chỗ ngủ bên ngoài thì... tha hồ), sạch sẽ, rộng rãi và giá cả rất mềm. Bà cũng có thể lo luôn các khoản thuê mướn ghe máy, công nhân... giúp cho bạn nếu có yêu cầu.
Mỗi lần đến Letung, chúng tôi thường ghé thăm và tặng quà cho các em học sinh tiểu học trên đảo, lúc thì quần áo, sách vở hoặc khi khác là dụng cụ thể thao, bánh kẹo... Các em rất ngoan ngoãn, lễ phép và không làm phiền những người khách "lâu lâu một lần" ghé lại hòn đảo xa lắc này.
Đổ bộ lên Kuku: từ "cá lớn", từng tốp nhỏ “thuyền nhân trở lại” được đưa vào bờ bằng những chiếc taxi để tránh đá ngầm. Tài công là ngư dân địa phương nên họ rất rành rẽ về con nước và những điểm nguy hiểm khi cập bờ. Chính tại những bãi này năm xưa, một số thuyền vượt biên đã bị chìm vì đụng đá ngầm hoặc cuốn vào vòng nước xoáy.
Những bước chân trở lại… |
Các “cựu Kuku” khó có thể hình dung được trảng cỏ này từng là nơi sinh hoạt của hàng ngàn thuyền nhân tấp vào đây mấy chục năm trước. Các dãy baracks, kho tiếp liệu, bệnh xá, văn phòng Cao ủy... đều nằm ở đây. Sau khi trại tạm cư này đóng cửa, tất cả đều bị đốt rụi như một biện pháp tổng vệ sinh trên đảo.
Lội rừng lên đồi trực thăng, điểm cao nhất của Kuku và cũng là nơi mai táng nhiều thuyền nhân tỵ nạn VN, để góp lời cầu nguyện cho những đồng bào không may...
Từ Letung, nhóm cũng đã có dịp đến thăm vài hòn đảo nhỏ lân cận từng lưu lại dấu chân của thuyền nhân VN như Air Raya, Keramut... Vài bài kinh, dăm nén nhang tưởng nhớ gửi đến những bạn đồng thuyền trên "đường đi không đến".
Hình ảnh Kuku và Galang còn nhiều, nhưng… sức trang có hạn. Hẹn tái ngộ với các bạn tại Phóng sự bằng hình “Bidong bây giờ” trong phần kế tiếp.
Hình ảnh: Tôn Thất Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét