Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai với vai trò đại diện chủ sở hữu của nhà nước đã ban cấp cho quan chức chính quyền quyền định đoạt tuyệt đối với toàn bộ đất đai trong thẩm quyền, thông qua một quy trình 2 bước bao gồm quy hoạch (điều chỉnh quy hoạch) và thu hồi đất theo quy hoạch. Bước sau - thu hồi đất - không xa lạ gì với dư luận bởi biểu hiện của nó là những cuộc cưỡng chế thu hồi đất đầy máu và nước mắt diễn ra thường xuyên liên tục từ Nam chí Bắc.
Bước trước đó - quy hoạch - tuy kín đáo hơn, vì chủ yếu được thực hiện trong phòng máy lạnh giữa cuộc thương lượng ngã giá của các nhóm cấu kết quyền-tiền, song lại không kém phần quan trọng.
Bởi chỉ cần một chữ ký điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, chẳng hạn từ đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ hoặc đất ở, chẳng những sẽ có căn cứ pháp lý để cưỡng đoạt từ tay người dân sang cho chủ mới là nhóm thân hữu với quan chức chính quyền, mà giá trị khu đất sau đó có thể tăng lên hàng trăm, hàng ngàn lần.
Trong một số trường hợp khác, các quan chức sẽ cố tình trì hoãn lập và phê duyệt quy hoạch, để khi các dự án - mà thường là có vấn đề - được thực hiện xong thì chuyện đã rồi. Quy hoạch sau đó sẽ phải 'gọt chân cho vừa giày' các dự án, chứ không phải các dự án phải phù hợp với quy hoạch như nó nên là.
Một ví dụ điển hình của cách thức thao túng chính sách này là câu chuyện các dự án lấn sông Hàn đang ồn ào dư luận những ngày qua. Trả lời báo chí về nguyên nhân vì sao đã 5 năm mà chưa công bố quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hàn, chính quyền Đà Nẵng cho biết năm 2016 đã tổ chức cuộc thi quốc tế về phương án quy hoạch song vẫn chờ cấp trên phê duyệt để công bố. Họ cũng giải thích thêm là phải lấy ý kiến cộng đồng dọc hai bên bờ sông nên hơi lâu.[1]
Trong khi lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp - đạo luật gốc của quốc gia - chỉ trong vòng ba tháng [2] thì thật là vô lý khi Đà Nẵng mất đến ba năm vẫn chưa lấy được ý kiến của người dân hai bên bờ sông về quy hoạch hai bờ sông Hàn.
Nhưng điểm mấu chốt nằm ở chỗ, chính trong thời gian trì hoãn ban hành quy hoạch hai bờ sông Hàn, hai dự án lấn sông phân lô biệt thự (Marina Complex của công ty Bến Du Thuyền và Olalani của SunGroup) đã được thành phố cho phép triển khai.
Có nghĩa là, ngay cả khi tới đây quy hoạch hai bờ sông Hàn được phê duyệt thì quy hoạch đó cũng phải chấp nhận hai dự án lấn sông kia và phải điều chỉnh cho phù hợp với chúng, thay vì ngược lại.
Kẽ hở pháp lý này rõ ràng đang giúp tạo ra một nhóm lợi ích dựa trên quy hoạch sử dụng đất để trục lợi, bất chấp quyền lợi của cộng đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét