Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2019

11826 - Vụ Trương Duy Nhất: Thái Lan khởi động bắt ‘đặc tình Việt Nam’?

Thường Sơn

Chính quyền Thái Lan đã có hành động đáng kể đầu tiên trong điều tra vụ “Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok” – vụ việc mà đã mau chóng được dư luận nghi ngờ là “Trương Duy Nhất bị Tổng cục 2 bắt cóc” tại Thái Lan vào ngày 26 tháng Giêng năm 2019.

Ngày 02/3/2019, cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã bắt giữ một công dân Việt Nam có tên là Cao Lâm vì nghi ngờ người này có liên quan đến việc mất tích của ông Trương Duy Nhất. Trước đó, có dư luận cho rằng Cao Lâm là đặc tình của một cơ quan an ninh ở Việt Nam.

   Cao Lâm - người vừa bị  cảnh sát Thái Lan bắt giữ. Ảnh: Facebook Hồng Lam


Ngoài Cao Lâm, dường như một số người Việt đang sống ở Thái Lan cũng nằm trong tầm ngắm của cảnh sát Thái liên quan vụ Trương Duy Nhất.

Sau khi Trương Duy Nhất đột ngột mất tích, một số dư luận lo ngại rằng chính quyền Thái Lan sẽ khó mà lên án chính quyền Việt Nam tổ chức bắt cóc người một cách bất hợp pháp trên đất Thái do một “thỏa thuận ngầm” nào đó (nếu có) giữa hai bên, cộng thêm mối quan hệ Việt-Thái được xem là “ngày càng tốt đẹp.”

Nhưng áp lực từ các tổ chức nhân quyền quốc tế như Ân Xá Quốc Tế, Theo Dõi Nhân Quyền, Phóng Viên Không Biên Giới, Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả và Liên Minh Báo Chí Đông Nam Á, cùng động thái “hoan nghênh” của Chính phủ Hoa Kỳ đang đặt Chính phủ Thái vào một tình thế tế nhị và khó khăn: hoặc họ sẽ không điều tra gì cả hay chỉ làm cho có và sẽ phải hứng chịu búa rìu từ dư luận và những chính phủ dân chủ về một chế độ quân phiệt và thiếu tôn trọng tự do báo chí ở Thái Lan; hoặc họ sẽ phải điều tra làm rõ Trương Duy Nhất mất tích như thế nào, vì sao mất tích, và liệu có đúng như nhiều dư luận là đã có một cuộc bắt cóc đối với Nhất hay không – đồng nghĩa với việc phải làm sáng tỏ thủ phạm của vụ bắt cóc này là ai hoặc cơ quan nào…

Cho đến nay, tình hình đã diễn biến không khác mấy diễn biến hậu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh khi nhiều tờ báo quốc tế đang “tham chiến” vụ tạo nên một làn sóng truyền thông xôn xao rộng lớn mà khiến chính quyền Thái Lan đang phải điều tra một cách có trách nhiệm hơn chứ không thể qua loa hay “nể bạn Việt Nam” về vụ này.

Trong khi đó, chính quyền Việt Nam vẫn giữ im lặng – một thái độ im lặng như thể cố tình và chây ì mà họ đã thể hiện sau khi bị nhà nước Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam đã sang tận Berlin để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Ngay cả sau việc một facebooker mang tính ‘tín hiệu’ phát tin về “Trương Duy Nhất đã ‘có mặt’ ở Việt Nam” (vào tháng 9 năm 2018 cũng facebooker này phát tin đầu tiên về Trần Bắc Hà bị bắt ở nước ngoài và đưa về Việt Nam và tin này sau đó được xác nhận là đúng), vẫn chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy các cơ quan ‘có trách nhiệm’ của Việt Nam muốn mở miệng về vụ Trương Duy Nhất, dù rằng cách thức đơn giản nhất của Việt Nam là chối phắt ‘không bắt cóc Trương Duy Nhất’, hoặc cùng lắm thì tuyên bố ‘Trương Duy Nhất tự nguyện về nước đầu thú’ theo cách mà Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ‘đạo diễn’ cho Trịnh Xuân Thanh, sau khi Nhà nước Đức tố cáo rằng mật vụ việt Nam đã nhảy xổ vào Berlin để bắt cóc Thanh vào tháng 7 năm 2017.

Thậm chí vào lần này, tốc độ ‘phản ứng nhanh’ của chính quyền Việt Nam về vụ Trương Duy Nhất còn tệ hơn nhiều so với vụ Trịnh Xuân Thanh. Vào đầu tháng 8 năm 2017, chỉ vài ngày sau khi bị Nhà nước Đức phản ứng Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Bộ Công an Việt Nam ít ra còn thông báo ngược lại rằng ‘Trịnh Xuân Thanh đã đến trực ban Bộ Công an đầu thú’.

Vậy vì sao vào lần này Bộ Công an lại quá chậm chạp trong phản ứng nhanh vụ Trương Duy Nhất?

Hay ‘đặc thù’ của vụ Trương Duy Nhất khác với vụ Trịnh Xuân Thanh, tức không ‘dính’ Bộ Công an, nên bộ này chẳng có gì phải sốt ruột hay xáo động?

Mà nếu diễn viên chính trên sân khấu vào lần này không phải là Bộ Công an, đó có thể là ai, hoặc cơ quan nào? Hoặc quan chức cao cấp nào mới là đạo diễn chính cho vụ này?

Có lẽ đó mới là vấn đề nhức đầu và khó xử lý nhất, thậm chí còn khó hơn nhiều việc thực hiện ‘bắt cóc Trương Duy Nhất’.

Cho tới nay, dấu hiệu duy nhất cho thấy chính quyền Việt Nam ‘mở miệng’ chỉ là một số bài viết của giới dư luận viên được tung ra, tập trung mổ xẻ mối quan hệ giữa Trương Duy Nhất với Vũ ‘Nhôm’ và cả những hoạt động thuộc về ‘phe cánh chính trị’ của ông Nhất - hàm ý rằng nếu trong thời gian tới Trương Duy Nhất có bị công an và tòa án truy tố và xử tù về tội danh kinh tế thì cũng chẳng có gì là oan sai, càng chẳng đáng để các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng về ông Nhất.

Tuy thế, cái cách mà giới dư luận viên đặt vấn đề như trên lại khiến lộ ra một tín hiệu: nếu chính quyền Việt Nam không dính dáng gì đến vụ Trương Duy Nhất và không lo ngại phải chịu trách nhiệm về vụ này, nó sẽ chẳng bao giờ thèm quan tâm đến việc chỉ đạo dư luận viên viết bài bao biện và thanh minh cho đảng như thế. Nói cách khác, bắt đầu hiện ra những bằng chứng gián tiếp về việc Trương Duy Nhất có thể đã bị bắt (hoặc bắt cóc), đưa về Việt Nam và đang bị giam giữ ở một nơi nào đó.

Vụ cảnh sát Thái bắt giữ người có tên Cao Lâm đang phát ra tín hiệu Thái Lan không bỏ qua vụ “Trương Duy Nhất bị bắt cóc”, và có thể sẽ từng bước công bố kết quả điều tra vụ việc này. Và nếu quả đúng Trương Duy Nhất bị mật vụ Việt Nam bắt cóc như dư luận đồn đoán thì hậu quả nào sẽ xảy ra với quan hệ ngoại giao Thái - Việt nói riêng và ‘uy tín Việt Nam không ngừng nâng cao trên trường quốc tế’ nói chung?

Sẽ là một vụ khủng hoảng ‘Trịnh Xuân Thanh thứ hai’?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét