Ngày 20/2 vừa qua, trong một bài phát biểu của mình, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cảnh báo rằng cuộc chiến chống ma túy của ông sẽ còn khắc nghiệt hơn trong tương lai. Ông nói rằng đây là vấn đề an ninh quốc gia, và khi được hỏi liệu cuộc chiến có đẫm máu hơn không, ông đã trả lời thản nhiên rằng "Tôi nghĩ vậy."[1].
Câu trả lời dường như cho thấy quyết tâm dấn sâu hơn nữa của Duterte vào cuộc chiến mà ông khơi mào cách đây gần ba năm. Điều này nhất quán với cách ông trả thù Maria Ressa, giám đốc điều hành của Rappler – một trong các trang tin hàng đầu của Philippines – qua vụ bắt giữ bà trước đó một tuần vì cáo buộc về tội phỉ báng trên mạng, nhưng thực chất vì Rappler đã đăng nhiều bài viết chỉ trích nhiều chính sách của ông, trong đó có chính sách chống ma túy. Điều này cũng nhất quán với việc ông vẫn đang thúc đẩy hạ tuổi tối thiểu chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ma túy từ 15 tuổi xuống 9 tuổi.[2]
Vấn nạn ma túy từ lâu đã trở nên nghiêm trọng, gây nhức nhối và khó giải quyết tại Philippines. Theo một khảo sát của Dangerous Drugs Board, một cơ quan chính phủ, vào năm 2015, khoảng 1,8 triệu người trong độ tuổi 10-69 tương ứng với khoảng 1,8% dân số đang dùng ma túy, và khoảng 4,8 triệu người trong độ tuổi đó từng dùng ma túy ít nhất một lần trong đời.[3]
Khi tranh cử tổng thống vào năm 2016, Duterte đã hứa hẹn tiêu diệt hàng vạn tội phạm ma túy và kêu gọi mọi người tham gia chiến dịch cùng ông. Hứa hẹn của người từng là thị trưởng của thành phố Davao trong hơn 20 năm với các chính sách cứng rắn, quyết liệt là một trong các lý do mà dân chúng Philippines bỏ phiếu cho ứng viên này.
Quả thực, khi thắng cử, trên cương vị tổng thống, Duterte đã thực hiện lời hứa đó. Tuy nhiên, cách ông làm đã thách thức các nguyên tắc của pháp luật. Tòa án và các thủ tục tố tụng luật định được xếp sang một bên. Ông đã cho phép cảnh sát quyền bắn chết những người phạm tội, thậm chí, các nghi phạm ma túy, mà không cần điều tra và xét xử.
Không chỉ có thế, người dân cũng được trao cho "thẩm quyền" xử lý những người phạm tội và các nghi phạm, đúng như Duterte khuyến khích, rằng "Hãy tự mình làm điều đó nếu bạn có súng, tôi ủng hộ".[4] Với mỗi trường hợp người phạm tội bị bắn chết, người hành quyết sẽ nhận được tiền công. "Phần thưởng" này đã kích thích người dân lao vào cuộc chiến chống ma túy cùng tổng thống của họ.
Chiến dịch đã có kết quả. Trong 24 ngày đầu tiên kể từ khi tổng thống tuyên chiến với ma túy, gần 300 nghi phạm bị giết, hơn 3.700 nghi phạm khác bị bắt giữ, và ấn tượng nhất là gần 130.000 người đã tự thú vì sợ bị giết.[5] Chưa hết. "Gõ cửa tận nơi" là một phần của chiến dịch. Theo đó, cảnh sát được quyền khám nơi ở của các nghi phạm mà không cần lệnh khám. Với quyền hành này, cảnh sát đã khám xét hơn 68.000 ngôi nhà trong khoảng thời gian trên.[6]
Kể từ khi chiến dịch bắt đầu, những hình ảnh xác người nằm trên hè phố đã không còn lạ lẫm. Nhiều gia đình đã mất người thân, nhiều người vợ đã mất chồng, nhiều đứa trẻ đã mất cha. Nhiều người bị giết được cho là vô tội. Bi kịch hơn, trong số những người thiệt mạng có cả trẻ em.[7]
Cho đến nay, số người thiệt mạng là không rõ ràng. Con số chính thức được thừa nhận là khoảng 5.000,[8] trong khi một số tổ chức nhân quyền cho rằng con số lên tới 12.000,[9] còn các chính trị gia đối lập cho rằng con số là hơn 20.000.[10] Số người bị bắt giữ cũng lên tới hàng vạn và số người tự thú, chỉ trong 6 tháng đầu tiên, lên tới hơn 1 triệu.[11] Riêng về số người thiệt mạng, những người chỉ trích cho rằng hầu hết là những con nghiện và những người buôn bán mà túy nhỏ lẻ, trong khi những kẻ cầm các đầu đường dây ma túy vẫn chưa bị phát hiện.
Chính sách chống ma túy của Duterte gây ra nhiều tranh cãi, với cả sự ủng hộ lẫn phản đối từ người dân. Chính sách còn vấp phải sự phản đối của các cá nhân, tổ chức tôn giáo và nhân quyền trong và ngoài nước, trong đó có Giáo hội Công giáo Philippines. Những người ủng hộ nhắm vào kết quả mà họ xem là thắng lợi của chính sách, và cho rằng nếu chính sách không như vậy thì tình hình an ninh trật tự còn tồi tệ hơn. Trong khi đó, những người phản đối nhìn thấy sự suy yếu của nhân quyền, sự xói mòn của tư pháp, sự vô dụng của lập pháp, và sự lạm quyền của hành pháp.
Hẳn nhiên, những chỉ trích không là vấn đề đối với Duterte. Với ông, quyền lực của tư pháp và lập pháp, cũng như nhân quyền, không thể là lực cản để ông làm cho Philippines trở nên an toàn hơn theo cách ông nghĩ. Duterte từng nói ông không quan tâm đến nhân quyền hay các thủ tục pháp lý.[12] Và sau cảnh báo vào ngày 20/2 kể trên, ông sẽ càng không quan tâm.
Khi xem xét chính sách chống ma túy của Duterte, người ta có thể đặt ra một số câu hỏi. Chẳng hạn: Chính sách liệu có đúng không khi nhắm tới mục tiêu an toàn (giảm thiểu vấn nạn ma túy) nhưng lờ đi mục tiêu công bằng (bỏ qua tòa án và các thủ tục tố tụng)? Chính sách có thực sự cải thiện tính an toàn khi người dân sống trong sợ hãi với nỗi lo bị giết, kể cả giết nhầm? Sự ủng hộ của phần lớn người dân đối với chính sách nói riêng và đối với Duterte nói chung liệu có cho thấy họ là những người chủ sáng suốt của Philippines – nền dân chủ một thời đã được kỳ vọng làm mẫu hình cho châu Á?
Chú thích:
[1] Philippines' Duterte warns of harsher drugs war ahead
[2] In Philippines, Duterte’s drug war finds a new target: 9-year-olds
[3] DDB: Philippines has 1.8 million current drug users
[4] Góc tối trong chiến dịch truy quét ma túy ở Philippines
[5][6] Philippines tiêu diệt gần 300 nghi phạm ma túy trong 3 tuần
[7] Diệt ma túy ở Philippines: Sốc với số trẻ em thiệt mạng
[8] Duterte's war on drugs to become 'killing field' if goes on: CHR
[9] CHR: Death toll in drug war higher than what gov't suggests
[10] Như [8]
[11] More than 1 million drug addicts surrender to gov't
[12] Như [4]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét