Một số người dân xì xầm “Có chiến tranh à?”...
Một trong những lần hiếm hoi kể từ cuộc chiến tranh biên giới 1979, một chiến dịch tố cáo ‘giặc Trung Quốc xâm lược Việt Nam’ đã được tổ chức ầm ĩ bất thường trên mặt báo chí nhà nước vào đầu năm 2019, được bật đèn xanh bởi Ban Tuyên giáo trung ương - cơ quan mà hẳn phải nhận được cái gật đầu mạnh mẽ bất thường không kém bởi Bộ Chính trị, đặc biệt là giới tướng lĩnh trong Bộ Quốc phòng và có thể cả ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng.
Không còn như những ẩn dụ về ‘tàu lạ’, ‘nước lạ’ mà vẫn còn được quán triệt từ cấp trung ương đến từng tờ báo từ năm 2018 trở về trước, vào lần này giới truyền thông nhà nước không chỉ gọi thẳng tên Trung Quốc mà còn dùng nhiều động từ và tính từ mạnh mẽ để tố cáo cuộc xâm lược ‘đốt hết, phá hết, giết hết’ của hơn 60 vạn quân Đặng Tiểu Bình, cứ như thể quân dân cả nước đang sống lại bầu không khí chiến tranh biên giới bốn chục năm về trước.
Chiến dịch truyền thông tố cáo đầy giận dữ đã khiến cho giới quan sát chính trị quốc tế ngạc nhiên thật sự.
Trong khi đó, một số người dân xì xầm “Có chiến tranh à?”.
Không chỉ dân chúng mà cả nhiều quan chức bậc trung và thấp ở các tỉnh thành cũng ngạc nhiên một cách lo lắng về trạng thái ‘lên đồng’ của giới tuyên giáo và báo chí nhà nước khi lên án Trung Quốc. Người ta lập tức nhớ lại một sự kiện lạ lùng xảy ra vào tháng Mười Hai năm 2018: những ngư dân Phú Yên đã phát hiện ra một quả ngư lôi lớn trôi dạt vào bờ biển với những đặc điểm bị nghi là của hải quân Trung Quốc. Sau đó khi các chuyên gia của Bộ Quốc phòng Việt Nam tìm cách trấn an rằng ‘đó chỉ là ngư lôi giả đê tập trận’, chẳng có mấy người dân tin tưởng vào cung cách á khẩu như thế. Khả năng hải quân Trung Quốc tổ chức một cuộc tập tận đột kích Việt Nam và hoặc vô tình hoặc cố ý để tuột ra những quả ngư lôi hướng về phía bờ biển Việt Nam là hoàn toàn có thể.
Nếu mối quan hệ Việt-Trung vào năm 2016 diễn ra tạm thời êm ả, thì đến giữa năm 2017 bắt đầu sóng gió. Trước sức ép của Trung Quốc và thậm chí Trung Quốc còn đe dọa sẽ tấn công các cứ điểm quân sự của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, vào ngày 24 tháng Bảy, chính quyền Việt Nam đã phải yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol - công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam - ngay tại Bãi Tư Chính luôn được xem là “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam,” cùng lúc phải ngậm đắng nuốt cay khi không thể khoan và xuất cảng dầu ở Bãi Tư Chính để bù đắp cho lỗ hổng toang hoác của nền ngân sách rỗng ruột.
Sau đó, Trung Quốc còn gây sức ép thêm một lần nữa vào tháng 3 năm 2018 tại Bãi Tư Chính khiến Repsol có thể đã phải ‘một đi không trở lại’. Không những thế, Trung Quốc còn gây sức ép ở mỏ Lan Đỏ và Cá Voi Xanh mà đã khiến Bộ Chính trị Việt Nam mất ăn ngay trên ‘vùng biển chủ quyền không tranh cãi’ của mình.
Giờ đây, hy vọng mỏng manh còn lại cho nhu cầu ăn dầu và trám rỗng ngân sách của Việt Nam chỉ còn là Mỹ – đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông. Cùng với những dấu hiệu gia tăng xung đột quân sự Mỹ-Trung ở khu vực Biển Đông, Việt Nam cũng không thể tránh thoát nguy cơ một cuộc tấn công quân sự, dù có thể chỉ ở cấp độ chiến dịch, từ phía Trung Quốc. Chiến dịch tấn công này, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ diễn ra trên biển và rất gần gũi về mặt kinh tuyến và vĩ tuyến với những mỏ dầu mà Việt Nam đang dự định khai thác nhưng nằm trong “đường lưỡi bò” mới được Trung Quốc vẽ bổ sung.
Nguy cơ bị tấn công đang hiển thị dần sau một tháng và mỗi quý. Đến giờ phút này, giới chóp bu Việt Nam phải quyết định cho chính số phận tồn vong của nó: thêm một lần đánh đu với người anh em cộng sản Bắc Kinh sẽ rất dễ khiến lục phủ ngũ tạng của dân tộc Việt Nam bị kẻ thù phanh thây.
Việc công khai hóa “Trung đoàn không quân Sao Đỏ chốt giữ miền Tây Bắc của tổ quốc,” một số hành động cảnh sát biển Việt Nam tăng cường bắt giữ “tàu cá nước ngoài” ở Biển Đông theo luật cảnh sát biển Việt Nam mới thông qua, lần đầu tiên báo đảng đồng loạt hé môi về “Trung Quốc cưỡng chiếm Trường Sa của Việt Nam,” và lên án cuộc tấn công xâm lược của Trung Quốc trong chiến tranh biên giới 1979, và việc Bộ Ngoại Giao Việt Nam không chỉ “tôn trọng tự do hàng hải” mà còn “tôn trọng tự do hàng không” trước hành động tàu chiến Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa là những chỉ dấu lộ diện cho thấy sau nhiều năm “Bốn tốt, mười sáu chữ vàng,” chính sách “Ba không” cùng thế đu dây quốc tế luôn suýt té lộn nhào, chính thể độc đảng ở Việt Nam bắt đầu dò dẫm bước chân qua một ranh giới mới: “can đảm bám Mỹ” và phát ra tín hiệu thách thức quyền lực của Trung Quốc, dù có thể còn lâu nữa điều này mới trở thành chính sách “thoát Trung” theo đúng nghĩa của nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét