Mấy hôm nay, bộ máy tuyên truyền ra sức gây sự chú ý của cộng đồng dân chúng xứ ta đối với cái gọi là Luật An ninh mạng. Họ bảo rằng nhà nước sẽ lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về dự thảo nghị định của chính phủ thi hành Luật An ninh mạng trước khi luật có hiệu lực. Cứ như dân có quyền ghê gớm lắm cho phép luật được tồn tại hay không. Cứ như là cái gì cũng phải dựa vào dân, do dân quyết định.
Cách làm ấy thực ra không mới, bởi lâu lắm rồi, những người cộng sản lúc nào cũng hô to “sự nghiệp cách mạng là ngày hội lớn của quần chúng nhân dân”.
Đã nói đến hội là ta nghĩ ngay đến 2 yếu tố: vui và đông. Hội là phải vui. Hội Lim, hội Gióng, hội chùa Thầy, hội xuống đồng… vui nổ trời. Chả có hội nào buồn bã, ủ rũ cả. Đời đã vốn lắm nỗi buồn, đi hội mà lại rước thêm sự đưa đám rầu rĩ thì chi bằng ở nhà. Mấy người hát xẩm ngày xưa từng rủ rê thiên hạ “Anh em ơi, hội chùa Thầy đương lúc đua chen. Hễ ai nhanh chân thì tới, chứ ươn hèn thì (í) xa”. Và hội thì bao giờ cũng đông. Vài ba đứa trẻ trâu rủ nhau ra bãi đánh khăng đánh đáo thì chả thể nào tạo nên hội. Phải đông như kiến cỏ (kiến và cỏ luôn luôn được dùng để so sánh sự đông đúc), đông như quân Nguyên, đông như… hội mới là hội.
Người cộng sản rất khôn khéo khi cái gì cũng dựa vào dân, núp bóng dân. Có thể họ chưa có sự hiểu đời như cụ Ức Trai Nguyễn Trãi khi xưa, rằng “phúc chu thủy tín, dân do thủy” (lật thuyền mới biết, dân là nước), “tải chu, phúc chu giả, dân dã” (chở thuyền, cũng như lật thuyền, đều là sức dân vậy) nhưng họ thừa hiểu rằng những gì họ có được là do dân. Vậy nên chỗ nào cũng giăng câu khẩu hiệu “Của dân, vì dân, do dân”. Tờ báo chính thống của họ được đặt tên là Nhân Dân.
Có chuyện vui rằng, để làm vui lòng dân (người thẳng thắn thì gọi là mị dân), để dân chúng thấy chỗ nào cũng được quyền làm chủ, họ đặt tên sự vật theo nguyên tắc chủ thể cộng với nhân dân: Viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân, hiệu sách nhân dân, công xã nhân dân, nghệ sĩ nhân dân, nhà giáo nhân dân, ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân, quân đội nhân dân, công an nhân dân, cảnh sát nhân dân…, chỉ giữ lại mỗi phần riêng nhỏ xíu khiêm tốn là kho bạc nhà nước. Thì văn học dân gian nói thế, nhưng nghe cũng có lý.
Cách mạng, theo nghĩa phổ biến nhất của từ này, là một cuộc thay đổi, thay cái cũ, cái xấu, cái lạc hậu lỗi thời bằng cái mới, tốt, hiện đại, văn minh tân tiến. Đỉnh cao của cách mạng là cuộc lật đổ một chế độ này để thay bằng chế độ khác. Với việc lớn long trời lở đất như thế, phải nhờ số đông, đông người, mà không ai khác chính là nhân dân.
Người cộng sản rất thích dùng từ “cách mạng”. Hầu như những lực lượng khác trên thế giới khi tiến hành những cuộc thay đổi rất ít dùng từ cách mạng. Có lẽ vì vậy mà người cộng sản rất thích phong trào công xã Paris năm 1871 bởi phong trào này phổ biến dùng từ cách mạng (revolution). Với họ, cách mạng phải là sắt máu, quyết liệt, một mất một còn, đổ máu hy sinh. Cách mạng chỉ thể dùng vũ lực, nhất là khi đặt mục đích lật đổ một chế độ cai trị nào đó.
Mao Trạch Đông ông tổ của cộng sản Tàu quả quyết “súng đẻ ra chính quyền”, cụ Hồ nước ta dặn “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, Fidel Castro bên Cuba bảo “Tự do hay là chết”. Nếu so với người thường, thì tinh thần, ý chí cách mạng của người cộng sản là số 1, không ai qua mặt được. Tuy nhiên, cái kết của những ngày hội quần chúng ấy thường là “góp thây trăm họ nên công vài người”.
Và trên thực tế, tất cả những cuộc cách mạng do người cộng sản tiến hành đều phải trả giá đắt, quá nhiều chết chóc, đổ máu hy sinh. Chế độ xã hội mới được xây dựng trên cái nền của núi xương sông máu, “đường vinh quang xây xác quân thù”. Quá nhiều bi thương. Nhưng bản chất cách mạng là thế. Chính vì vậy, khi họ đặt ra câu khẩu hiệu tưởng rằng rất hay “cách mạng là ngày hội của quần chúng nhân dân”, thì với người có suy nghĩ, sẽ thấy nó tàn bạo, trái đạo, bất nhân thế nào ấy. Làm gì có thứ hội chất chứa ăm ắp nỗi buồn, bi kịch, chết chóc, mất mát đau thương.
Ngay chính cụ Hồ, cụ cũng từng không chấp nhận niềm vui kiểu vậy. Theo nhà thơ Việt Phương, người nhiều năm được gặp cụ, “Bác không thích nói trận đánh chết nhiều người là đánh đẹp/Con xóa chữ đẹp đi như xóa sự cạn hẹp của lòng con”.
Biết cách mạng là chết chóc, nhưng giương cao tấm băng rôn “cách mạng là ngày hội của quần chúng nhân dân” thì dễ lôi kéo nhân dân lao vào cuộc sinh tử với tâm lý đi hội. Khôn ở chỗ đó.
Không chỉ khi chiến tranh mà ngay cả lúc hòa bình, những người cộng sản vẫn thích áp đặt tư duy đánh nhau vào cuộc sống. Làm bất cứ điều gì, họ cũng thích “ra quân”, “chiến dịch”, “quyết thắng”, “xông lên hàng đầu”, dù chỉ đi vớt bèo, dọn rác, đắp đường, vận động sinh đẻ có kế hoạch… Cứ làm sao phải lôi kéo được nhiều người tạo thành ngày hội của quần chúng. Nước sông công lính, chả tội gì không dùng, lại được tiếng tốt là phát huy tinh thần làm chủ tập thể của quần chúng đông đảo.
Lòng thầm ao ước, một ngày nào đó, trên đất nước này không còn những cách mạng, ra quân, tiến công, khởi nghĩa, không còn những ngày hội lớn của quần chúng nhân dân như vậy nữa. Bất giác, đúng kiểu tầm thường tầm chương trích cú, nhớ cái câu kết trong cuốn cuối cùng của bộ ba tiểu thuyết sử thi “Con đường đau khổ” của nhà văn Nga Aleksei Tolstoi, khi chàng sĩ quan bạch vệ Rotsin nói với nàng Catia trong nước mắt: “Năm tháng sẽ qua đi. Những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần. Những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét. Chỉ còn lại không phôi pha tấm lòng em nhẫn nại, dịu dàng và chan chứa tình yêu thương”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét