Vào ngày này năm 1947, viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ, George Kennan, đã sử dụng bút danh “Mr. X” để xuất bản một bài báo có tựa đề The Sources of Soviet Conduct (Nguồn gốc hành vi của Liên Xô) trong ấn bản tháng 7 của tờ Foreign Affairs. Bài báo tập trung vào lời kêu gọi của Kennan cho chính sách ngăn chặn Liên Xô (containment) và thiết lập nền tảng cho phần lớn chính sách đối ngoại của nước Mỹ trong giai đoạn đầu Chiến tranh Lạnh.
Tháng 02/1946, khi đang là đại biện lâm thời (charge d’affaires) của Mỹ ở Moscow, Kennan đã viết The Long Telegram (Bức điện Dài) nổi tiếng của mình gửi cho Bộ Ngoại giao. Trong bức điện này, ông lên án sự lãnh đạo của cộng sản tại Liên Xô và kêu gọi người Mỹ dùng vũ lực chống lại sự bành trướng của Liên Xô. Được bạn bè và đồng nghiệp khuyến khích, Kennan đã chỉnh sửa bức điện thành một bài báo, The Sources of Soviet Conduct và xuất bản bài viết trong ấn bản tháng 07 của Foreign Affairs.
Kennan ký tên dưới bài báo là “Mr. X” để tránh bị cáo buộc rằng ông đang trình bày chính sách của chính phủ Mỹ, nhưng gần như tất cả các thành viên Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng đều công nhận đây là tác phẩm của Kennan. Trong bài báo, Kennan giải thích rằng các nhà lãnh đạo Liên Xô đã quyết tâm truyền bá học thuyết cộng sản ra khắp thế giới, nhưng họ cũng cực kỳ kiên nhẫn và thực dụng trong việc theo đuổi sự bành trướng đó.
Khi phải “đối mặt với một lực lượng ưu việt hơn”, Kennan nói, Liên Xô sẽ rút lui và chờ đợi một thời cơ khác. Tuy nhiên, phương Tây không nên tự mãn bởi những thất bại tạm thời của Liên Xô. Chính sách đối ngoại của Liên Xô, Kennan tuyên bố, “là một dòng nước chảy liên tục, tới bất cứ nơi nào nó được phép di chuyển, hướng tới một mục tiêu nhất định.” Về chính sách đối ngoại của Mỹ, lời khuyên của Kennan rất rõ ràng: “Yếu tố chủ chốt trong bất kỳ chính sách nào của Mỹ đối với Liên Xô phải là sự ngăn chặn lâu dài, kiên nhẫn, nhưng kiên quyết và thận trọng trước xu hướng bành trướng của người Liên Xô.”
Bài báo của Kennan đã gây phản ứng dữ dội tại Mỹ, và thuật ngữ “ngăn chặn” ngay lập tức được đưa vào từ điển Chiến tranh Lạnh. Chính quyền của Tổng thống Harry S. Truman chấp nhận triết lý của Kennan, và trong vài năm sau đó đã cố gắng “ngăn chặn” sự bành trướng của Liên Xô qua nhiều chương trình, bao gồm việc thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm 1949.
Sự nghiệp của Kennan tại Bộ Ngoại giao ngày một thăng tiến và năm 1952, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Liên Xô. Bước sang thập niên 1960, chứng kiến nước Mỹ vô vọng sa lầy trong chiến tranh Việt Nam, Kennan bắt đầu đặt câu hỏi cho một số giả định cơ bản của ông trong bài viết của “Mr. X” và dần trở thành một nhà phê bình công khai đối việc Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Cụ thể, ông chỉ trích các nhà hoạch định chính sách của Mỹ trong những năm 1950 và 1960 vì đã quá nhấn mạnh vào việc ngăn chặn Liên Xô về mặt quân sự, hơn là các chương trình chính trị và kinh tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét