Khuya hôm 9/6, tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) gửi thông cáo kêu gọi chính quyền thị trấn Di Linh phải "hành động ngay lập tức để đảm bảo sự an toàn của nhà hoạt động cho quyền người lao động Đỗ Thị Minh Hạnh".
Thông cáo này được đưa ra sau khi bà Đỗ Thị Minh Hạnh bị côn đồ dùng đá tấn công bằng vào nhà ba lần hồi tuần trước. Theo AI, "Đỗ Thị Minh Hạnh, thành viên của phong trào Lao Động Việt vận động cho quyền của người lao động tại Việt Nam bị tấn công lần đầu tiên vào tối ngày 24 tháng 6, khi hàng chục người đàn ông bắt đầu ném đá vào nhà của gia đình cô."
"Căn nhà bị tấn công lần nữa vào ngày 27 tháng 6, lần này, một vật liệu nổ cũng được ném vào, và vào ngày 30 tháng 6 là đợt tấn công dữ dội nhất. Những cuộc tấn công đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng, làm cửa kính, mái nhà và các vật dụng khác bị hư hại."
'Đe dọa nghiêm trọng'
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết mặc dù bà Đỗ Thị Minh Hạnh "đã gọi điện thoại cho công an nhiều lần, nhưng chưa ai xuất hiện để hỗ trợ cô và người cha 76 tuổi."
"Thật không thể chấp nhận được khi công an thoái thác trách nhiệm của họ và cho phép những cuộc tấn công xảy ra mà không có hành động gì. Những người bảo vệ nhân quyền như Đỗ Thị Minh Hạnh cần phải được thực hiện các công việc của họ một cách hòa bình và không bị đe dọa bạo lực." Minar Pimple, Giám đốc cấp cao điều phối toàn cầu của Ân Xá Quốc Tế cho biết.
"Những sự kiện đáng quan ngại vừa rồi tạo ra sự đe dọa nghiêm trọng đến an nguy của Đỗ Thị Minh Hạnh và khiến cho cô và gia đình phải lo lắng cho tính mạng của mình. Chính quyền tại Di Linh phải ngay lập tức vào cuộc trước khi tình hình trở nên xấu hơn".
"Những cuộc tấn công với tần xuất bạo lực tăng dần có thể liên quan đến các hoạt động xã hội sôi nổi của Đỗ Thị Minh Hạnh, nhưng đây không thể là cái cớ để chính quyền làm ngơ. Công an địa phương phải đảm bảo rằng các biện pháp bảo vệ Minh Hạnh phải được triển khai ngay lập tức và chính quyền Việt Nam phải điều tra và đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước công lý". AI cho biết thêm:
"Đỗ Thị Minh Hạnh gần đây đã chuyển về nhà tại Thị Trấn Di Linh, tỉnh Lâm Đồng để chăm sóc người cha cao tuổi của cô, cả cô lẫn cha của mình đều ở nhà trong 3 cuộc tấn công vừa qua. Cô đã gọi điện cho công an sau cuộc tấn công ngày 24 và thêm một lần khác vào ngày 2 tháng 7, nhưng đến nay vẫn không có viên công an nào tới thăm hoặc gọi điện lại."
Vào ngày 27 tháng 6, blogger Đinh Văn Hải tới thăm nhà của Đỗ Thị Minh Hạnh, trên đường về nhà, anh đã bị chặn lại và đánh đập bởi côn đồ tại địa phương, khiến cho tay và vai anh bị gãy.
Theo một bản tin trước đây của BBC, bà Đỗ Thị Minh Hạnh thuộc Liên đoàn Lao động Việt Tự do (gọi tắt là Lao Động Việt), liên minh của một số tổ chức lao động trong và ngoài nước gồm: Phong trào Lao Động Việt, Công đoàn Độc Lập, và Ủy ban Bảo vệ người Lao động Việt Nam.
Phong trào Lao Động Việt được thành lập ngày 29/10/2008 tại Việt Nam. Sau khi ba thành viên sáng lập là Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương bị chính quyền bỏ tù, phong trào Lao Động Việt phải hoạt động bí mật để hỗ trợ công nhân.
Vào tháng 10 năm 2010, bà bị kết án 7 năm tù với cáo buộc "xâm phạm an ninh quốc gia" theo bộ luật hình sự 1999. Bà được trả tự do một cách bất ngờ vào tháng 6 năm 2014 sau khi đã trải qua 4 năm 4 tháng trong tù.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét